Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

MỘT CÁCH NÔ DỊCH VĂN HÓA

Bao giờ thì đấm nhau cũng là hạ sách, hơn ai hết, người Trung Quốc biết rõ điều này, không phải những bài học trong lịch sử xâm lăng, trong cuộc chiến 1979 không cho người ta chút kinh nghiệm nào. Người ta rút ra kinh nghiệm mà biểu hiện như không, cứ làm như đánh đến nơi khiến đối phương cuống lên phòng thủ nhưng lại không đánh mà họ dùng cách khác, cách đánh vào chỗ yếu nhất, chủ quan nhất của đối phương, cuối cùng cái đích cướp nước vẫn thực hiện được, thế mới hay, thế mới tài, thế mới là ... Trung Quốc!
Hôm nay, trên đường đi làm, như thông lệ tôi vẫn nghe đài, cái mục hôm nào cũng nghe một cách vô cảm, không thấy hay, chẳng thấy dở, thế mà hôm nay... giật mình, xin trích nôm na.
“... Hôm nay, ngày Dần, tháng Tỵ, trước hết là lời khuyên cho những người tuổi tý. Người tuổi tý hôm nay gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền bạc nhưng cuối cùng thì cũng thành công, dễ gặp lại những mối tình cũ, cần thận trọng khi giao tiếp với tuổi dần, mão... mùi, nên mặc đa màu vào buổi sáng, đơn màu tối khi về chiều...
Người tuổi Sửu...
Vân vân cho đến hết mười hai con giáp.
Biết rằng, nếu trình bày hết quan điểm thì tốn giấy lắm, vả cũng biết chắc đa số người đọc không đồng tình, cái văn hóa gốc Trung Hoa ấy ăn vào dân ta ... sâu lắm rồi...!!!
Vậy chỉ xin có mấy lời
1-Tôi tuổi Mùi, có câu: “Người ta tuổi ngọ tuổi mùi...” ý nói tuổi mùi... hay lắm! Thế mà gần hết đời, tôi chả thấy hay đâu, toàn dở là dở, tôi tự lý giải thế này:
Một năm mùi có 12 tháng, vậy ít nhất có 12 loại mùi, đầu năm... thơm lắm, giữa năm... thơm vừa vừa, gần cuối năm ... oai oai (Thum thủm), Mẹ đẻ ra tôi ngày 30-11 âm lịch tức thuộc loại “Chót chét”... thối lắm, không ngửi được... thế thì hay ho gì... giá cụ cố nhịn thêm một tháng, làm con khỉ đón xuân có khi lại hay!
Đùa thế thôi nhưng cái ý của tôi là: Một măn có 12 tháng, mỗi tháng lại có 30 ngày, mỗi ngày lại có 12 giờ (Tý, sửu..., hợi)... Sao có thể lấy năm tuổi mà khuyên người ta mặc váy này quần nọ, tránh người tuổi này, cố gặp người tuổi kia, làm việc này, không làm việc khác...?
Mỗi chúng ta thử bình tĩnh nhìn lại xem, khi nào thì người ta nghĩ đến thần thánh? Phải chăng khi người ta gặp những chuyện không sao tin được.
-Tự thấy tài hèn đức thấp, chạy một tý mà được làm quan to... không tin được... thôi thì coi đó là lộc trời đất, thần thánh cho...! Thế là lao vào cúng lễ.
-Chăm chỉ, thông minh, nhiệt tình, tử tế những mãi... cóc lên được, cóc giàu được, cũng nghĩ bởi... số trời và cũng đi cúng lễ.
-Khi đã cố gắng, đã chạy chọt mà vẫn đổ bể... chắc tại trời phật quở trách, lễ lạt còn thiếu!
Phải chăng để củng cố lòng tin? Với tâm lý có thờ có thiêng, có kiêng có lành... thôi thì cứ cúng lễ... Trót nghe người ta bảo, tuổi mình hôm nay phải mặc áo nhiều màu thì cứ chọn cái lòe loẹt nhất mặc vào ... tự nhiên thấy vững tâm hơn ... thế là tin sái cổ.
2-Dân trí thể hiện rất rõ trong tín ngưỡng. Xã hội thiếu niềm tin là mảnh đất tốt cho mê tín dị đoan.
Khi những oan ức không được chính quyền minh giải, người ta buộc phải nghĩ đến, phải cậy nhờ thánh thần giải tỏa.
3-Không chỉ đạo Khổng mà nhiều văn hóa Trung Hoa đang làm mê muội đầu óc Quan-Dân Việt. Những người “Cuồng tín” ấy đều biết “Thủ đô”, “Tinh hoa” của thứ văn hóa ấy là ở Trung Quốc... Ai biết những người cầm quền ĐCS TQ nghĩ gì về những thứ văn hóa ấy, nhưng chắc chắn họ đã và đang nô dịch được Quan và Dân ta mà chẳng phải tốn kém gì. Trong khi mỗi một ngày rằm, mùng một, đố ai tính được ta đốt bao nhiêu giấy? Sử dụng bao nhiêu xe? (Trong đó bao nhiêu xe công?) Bao nhiêu thời gian? Bao nhiêu săng? Bao nhiêu vụ tai nạn, bao nhiêu người chết vì ... đi lễ?
4-Đành rằng nhiệm vụ chính của những Ban, những Bộ, Sở, Ngành về tư tưởng và văn hóa là: Chống phản động, chống các thế lực thù địch ... Chống ai? Chống ở đâu...? Chống những gì ...? Khi dường như các cửa đều rộng mở cho văn hóa độc hại Trung Quốc tràn vào nô dịch dân ta...???
5-Một lời nói, một bài viết của một người, nếu không thận trọng sẽ bị quy là Phản động nhưng những cơ quan ngôn luận mang tính xã hội, và có ảnh hưởng đến toàn xã hội như cái nhà đài kia lại công khai, lại hàng ngày tuyên truyền mê tín dị đoan một cách vô lối thế ư...? Không có ai kiểm duyệt sao...? Hay cũng được những người phụ trách tư tưởng văn hóa đồng ý...?


Thi nhau NHẠI KIỀU

Vào trang anh Haduytu thấy bài nhại Kiều hay quá! Đau quá! Mang về nhại tiếp thành LIÊN QUÂN NHẠI KIỀU
 
 
(Phẫu)
Trong cung cấm, khóa đang xuân
Chẳng vò lại rối chẳng dần lại đau
Anh gây chính biến bấy lâu
Như con không mẹ như trâu lạc đàn
Lòng dân như thác tuôn tràn
Liệu đàn liệu áp có tàn được không?
(Haduytu)
Buồn trông về phía biển Đông
Tầu ai loang loáng, vòi rồng phun mưa?
Buồn trông Bô Xít ban trưa
Đỏ ngầu bụi quặng, thãi thừa da cam
Buồn trông vũng Áng, Quảng Nam...
Rào sắt bưng kín, ai làm phía trong?
Buồn trông phương Bắc quặn lòng:
Muốn lên viếng bạn mà không đường vào!
(Phẫu)
Ở nhà mà tưởng nước nào
Thắp hương lên hỏi trời cao đất dày
 (Haduytu)

Hỏi Trời?
-Trời tít trên cao!
Hỏi đất?
-Đất biết thế nào mà thưa!
Hoỉ Người?
-Trí dũng có thừa,
Nhưng mắc quai nón nên chưa há mồm!
(Phẫu)
Cho hay muôn sự tại người
Tham quyền cố vị nên cười vẫn đau
Giá nghĩ trước, nhường nhịn nhau
Nước non hùng mạnh chứ đâu thế này!
(Haduytu)

Nỗi niềm ai tỏ cho đây?
Thù trong chưa dẹp, giặc ngoài đã sang
Bẽ bàng là kiếp quan tham
Càng vơ vét lắm , càng oan trái nhiều!
Ghét nhau sinh tử quyết liều
Chần chừ chi mãi ? lắm chiêu ra đòn!
Còn trời còn nước , còn non
Còn quân nham hiểm ta còn mắc mưu!
Nghĩ mình công ít tội nhiều
Trời xanh đã giáng bao nhiêu cũng vừa!...

(Chyga)
Buồn trông ra tận biển Đông
Tàu ta đang bị vòi rồng phun mưa
Buồn trông thuyền cá sớm trưa
Bị tàu nó húc phải đưa vào bờ
Buồn trông Bản Giốc bây giờ
Mất tiêu một nửa lên thơ thế nào
Buồn trông cây ở trên cao
Nó vặt hết lá biết bao giờ lành

Thôi rồi mắc lỡm Sở Khanh
Tú bà bán rẻ để hành dân ta
Tức gan riêng giận trời già,
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng?

Từ Hải nghe giận đùng đùng
Tuốt gươm ra hỏi tội chung hai đằng
Tú bà thì vẫn khăng khăng
Lúc rằng bốn tốt lúc rằng nó hay
Sở Khanh thì chối bay bay
"Đất tao đã chiếm chúng mày đòi sao"
Từ rằng: câm miệng xem nào!
Đất này tao cắm biết bao nhiêu đời
Nói lời phải biết giữ lời
Cậy lớn hiếp bé mày chơi thế à?

Bây giờ xử thế này nha
Sở Khanh! Bay cút về nhà bay ngay
Tú Bà mặt dạn mày dày
Để dân còn tính biết đày nơi nao
Lệnh trên truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình

Thế là từ đấy thanh bình
Kim, Kiều lại sống trọn tình bên nhau
 (Duệ Mai)

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Thù, chữ Bạn giờ đà biết nhau

Trải qua mấy cuộc bể dâu
Những điều trông thấy làm đau đớn lòng

Lạ gì cái thói chơi ngông
Bá quyền, bành trướng cậy đông làm càn

Giở trang quá khứ trước đèn
Mưu đồ xâm lược còn truyền sử xanh

Rằng tình hữu nghị em - anh
Kết đoàn, hợp tác hai kinh vững vàng

Bây giờ trở mặt Hán gian
Biển Đông đặt cái giàn khoan lùng bùng

Muôn dân thì chẳng yên lòng
Đấu tranh thì mắc mấy vòng ngoại gia

Giờ đây phải giữ yên nhà
Trước là đàm phán, sau là cầu thân

Dựa vào bè bạn xa gần
Mới mong giữ được mười phân vẹn mười!

(Bon chen em góp mấy lời
Xin bác Phẫu Thuật chớ cười chê nha!)

ĐỂ LÂU, CỨT TRÂU HÓA BÙN

Mỗi câu ngạn ngữ đều có một nghĩa đen, một hay nhiều nghĩa bóng, những nghĩa bóng, tùy theo hoàn cảnh vận dụng mà có ý nghĩa cụ thể.
Đống cứt, con trâu vừa ỉa giữa đường, còn nóng hôi hổi, lẽ ra đứa trẻ con hót về cho vào chuồng lợn làm phân bón ruộng, nhưng tranh nhau nên để đấy, bọ hung, ruồi nhặng đến ăn và phân hủy, mưa xuống, đống phân vữa ra hòa vào đất... thế là cứt trâu hóa bùn.

Trẻ con mượn nhau mấy hòn bi, khi bị đòi thì kỳ kèo mượn thêm mấy hôm, đòi nữa bảo bị thua mất hết rồi, bắt đến thì khất... dần dần chán không đòi nữa thế là của thằng này đã thành của thằng kia.
Tôi vay bạn ít tiền (Không nhiều đến mức bạn phải liều mạng đòi tôi), bạn đòi, tôi khất... lâu dần, bạn xin tôi trả lại cho một nửa thôi cũng được, tôi cảm ơn bạn nhưng dạo này bấn quá... bạn ngại chẳng thèm đòi nữa... thế là tiền của bạn mà tôi tiêu.
Miếng đất chó ỉa ngày xưa, tôi cho vợ con đổ rác vào đấy, ít lâu tôi trồng bụi chuối vào đấy, sợ trộm tôi rào xung quanh lại, vài tháng sau tôi dựng cái lều bán nước, thế là khi khai báo tôi chỉ tốn thêm ít tiền cho nhà chức trách, miếng đất công thành miếng đất tư.
Những trò tưởng chỉ có trẻ con và người hạ đẳng mới vận dụng nhưng từ lâu tôi thấy những người lãnh đạo ĐCS Trung Quốc có những “Quốc sách” chẳng khác gì những trò ấy.
Điều mà các đời Vua anh minh của ta đã nhắc nhở rằng phải luôn luôn cảnh giác, đừng để họ gặm nhấm đất của ta, họ rút từng cọng rơm, cành củi dần biến đất của từ tổ con đại bàng thành tổ con chim chích..., ta càng nhún nhường càng yếu, càng yếu họ càng dễ gặm nhấm, đến khi họ thôn tính toàn bộ cái tổ của ta thì ta mất nước.
Mao thông đồng với Mỹ cướp Hoàng Sa từ tay VNCH, dùng “Tình anh em” để lừa ta. Đặng Tiểu bình, Giang Trạch Dân vừa đấm ta bằng chiến tranh biên giới, vừa xoa ta bằng sự đoàn kết giữa các Đảng CS, rồi dụ dỗ bằng 16 chữ và 4 tốt ... Thế rồi chiếm một phần thác Bản Dốc, lấn chục cây số chỗ nọ vài cây số chỗ kia.
Họ dần đẩy ta vào vòng ràng buộc, rồi một Đảng anh em với một tỷ dân sả súng giết “Có vài chục người lính công binh” của nước láng giềng có Đảng anh em hiếm hoi còn lại trên nhân loại rồi cướp bãi đá Gạc Ma... Chuyện “Nhỏ quá” so với liên minh XHCN vốn đang mong manh, Nhỏ quá so với sự ràng buộc, nhỏ quá so với lợi ích của những người có chức có quyền của nước nhỏ.
Họ mang cái “Giá rẻ bất ngờ” đánh trúng vào lòng tham người Việt, từ bà nông dân dùng thuốc tăng trưởng đến vị lãnh đạo quốc gia ký những hợp đồng nghe ra có lợi cho cả hai bên nhưng lâu dài thì họ vận gặm, mà gặp tận trung tâm cái bánh của ta.... Những công trình “Cười ra nước mắt” ở ngay Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Đây đó bán rừng đầu nguồn, đâu đó bán đất Tây Nguyên.
Thời cố TBT Lê Duẩn, tôi được ăn lương sỹ quan dự bị với tinh thần: “Mỗi cơ quan, mỗi nhà máy, bệnh viên, trường học... là một pháo đài phòng thủ, mỗi tỉnh là một mặt trận... luôn luôn sẵn sàng đối phó với Trung Quốc” ... Ông Lê Duẩn chết đi, sao mới có mấy đời TBT, mấy chục năm mà thay đổi nhanh thế...!
Chiến tranh với Trung Quốc tuy khó nhưng hoàn toàn có thể và nếu sảy ra thì họ có mặt ở mọi nơi, từ trong ra, từ ngoài vào, từ trên cao xuống từ dưới thấp lên, từ Nam ra, từ Bác vào, từ Miền Trung ra Bắc vào Nam, khi họ chiếm xong Trường Sa thì bạn bè tiếp tế cho ta đường nào... Họ đã học được sách Trần Hưng Đạo để cướp nước con cháu của Trần Hưng Đạo.
Cái giàn khoan kia cũng thế. Có trời mới biết hết âm mưu của họ nhưng ai cũng biết cái trò “Để lâu, cứt trâu hóa bùn” của họ.
Mấy ngày nay, cái giàn sau một hồi di động, dường như đã ra xa bờ biển Lý Sơn nhưng lại gần Hoàng Sa, dư luận có vẻ lắng đi đôi chút..., Cứt trâu đã sắp thành bùn!

Họ chơi trò trẻ con để đi lừa, người bị lừa còn trẻ con hơn cả trẻ con....!

CẦN GIỮ THIÊNG CHO QUÂN ĐỘI

Tôi không nói quân đội VNCH là hay nhưng họ có những khẩu hiệu rất hay. Khi chúng tôi tiếp quản những doanh trại của họ, nơi nào cũng thấy “Kỷ luật là sức mạnh ủa quân đội” Đặc biệt khẩu hiệu “Tổ quốc-Danh dự-Trách nhiệm” thì không chỉ thấy trên tường nhà mà trong các văn bản đều có.
Quân đội NNVN ngày ấy cũng có rất nhiều khẩu hiệu với những nội dung tương tự tuy nhiên, dường như những khẩu hiệu bên này dùng thì bên kia không dùng nữa.
“Quân lệnh như sơn” Không thấy kẻ, vẽ, dán trên tường nhưng văn nói thì dùng nhiều lắm.
Ngày ấy, những người trong quân ngũ, kể từ kẻ nghiêm chỉnh nhất đến người “Chày bửa” nhất đều cảm nhận được “Danh dự và trách nhiệm” của một quân nhân.
Không phải đơn giản mà người ta để cái huy hiệu “Quân đội nhân dân Việt Nam” trên đầu mỗi quân nhân.
Ý thức được tính thiêng liêng ấy, mỗi quân nhân trân trọng, bảo vệ ngôi sao ấy như thể hiện ý chí bảo vệ tổ quốc của mình vậy.
Khi mũ cối được gọi là mũ đa năng, có dể dùng làm quạt, gáo múc nước, vũ khí tự vệ và đặc biệt... làm ghế ngồi, nhưng không bao giờ người ta thấy lính ngồi lên cái mũ có sao.
Khi cho người thân, không phải là quân nhân, mượn mũ để “Cho oai” hay để che nắng che mưa, bao giờ người mượn cũng như người cho mượn cũng ý thức tháo hay đảo ngôi sao đó, tóm lại là không bao giờ người ngoài quân ngũ được đội mũ có sao. (Ngoại trừ khi biểu diễn văn nghệ, khi người diễn viên đã hóa thân vào một quân nhân)
Sự thận trọng ấy tạo nên tính “Thiêng” mang hồn tổ quốc, mang danh dự người lính.
Tôi không hiểu nhiều lắm về pháp luật của ta nên đơn giản hiểu rằng:
-Ông Thủ tướng là cấp trên của ông Bộ trưởng quốc phòng, tuy nhiên, nếu ông trưởng thành từ lãnh đạo quân đội thì khi mặc quân phục phải đầy đủ, khiểu như Phó thủ tướng Võ nguyên Giáp ngày nào và Chủ tịch Phi Đen  bên Cu Ba chẳng hạn.
Thực lòng, trước đây, mỗi khi tôi thấy trên ti vi hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước về thăm nơi này nơi kia, đội mũ có sao, mặc quần áo thường phục, đi lại theo kiểu... “Sếp” chứ không phải kiểu “Nhà binh”, tôi đã rất ... khó chịu.
Dạo này, tình hình an ninh quốc gia nóng lên trước hành động và thái độ của Trung Quốc. Cả nước dồn sự quan tâm đến các lực lượng vũ trang là ... Bình thường.
Lãnh đạo các ngành, địa phương đến thăm những đơn vị nơi tiền tiêu cũng là lẽ thường thôi ..., cũng là đang hoan nghênh....
Nhưng dù là Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng hay ca sỹ, vũ công, mặc thường phục, săm mày, kẻ môi, mặt đầy phấn mà đội mũ quân đội có sao... ! Mỗi lần thấy thế, cái chất Cựu chiến binh trong tôi cứ như bị xúc phạm.
Hành động ấy là “Không nên!” hay “Không được phép!” xin nhường câu trả lời cho:
-Ban tuyên giáo trung ương.           
-Tổng cục chính trị Bộ quốc phòng
Cùng mỗi quân nhân, mỗi cán bộ, mỗi người dân suy nghĩ ...!
Có nên giữ cái “Thiêng”, cái riêng cho quân đội...???

KỶ NIÊM VỀ QUỐC HỘI

KỶ NIỆM VỀ QUỐC HỘI

Bác sỹ Nguyễn Đ.N giỏi lắm, bà mẹ làm nghề đội than ở một bến cảng Việt Trì nuôi ba anh em hắn ăn học, có lẽ vì thương mẹ mà ba thằng cùng học giỏi.
N là anh cả nên chịu nhiều vất vả hơn, hết phổ thông, hắn được du học ở Hung ga ry. Tốt nghiệp Y khoa loại giỏi, về nước đúng dịp chiến tranh biên giới thế là sang Miên làm chuyên gia phẫu thuật nhiều năm. Cuối những năm 80 mới phục viên về Bv Xanh-Pôn làm việc
Vốn thông minh nhanh nhẹn lại được cái đức nhiệt tình, hòa nhã, đặc biệt là giọng nói, cái miệng nói rất có duyên, tiếng tăm của N nhanh chóng nổi như cồn. Hắn được người bệnh tin yêu, đồng nghiệp ngưỡng mộ, lãnh đạo tin dùng... Một cán bộ trẻ đầy năng lực như thế, mấy khi có được.
Năm 1992, tôi làm dưới quyền Trưởng khoa của hắn. Công bằng mà nói N là mẫu người không ai có thể ghét được (Trừ người ghen, đố kỵ). Tiến bộ rất nhanh trong chuyên môn, giỏi 3 ngoại ngữ, làm ăn bài bản, sử lý công việc có tình có lý, làm việc nghiêm túc bao nhiêu thì chơi cũng hết mình bấy nhiêu..., không nhậu thì thôi, đã nhậu là ... tới bến. Mà lạ lắm cơ, chả ai ưa mấy thằng say rượu nhưng N càng say mọi người lại càng mến, càng yêu (Đương nhiên là nhiều em chết mê chết mẩn)
Khoảng năm 1991-1992 gì đó, một hôm mổ muộn, mệt lừ sau một ngày làm việc cật lực, sau một ca mổ khó, tôi uể oải sách cái túi đựng cái cạp lồng chưa rửa, vài quyển sách chuyên môn ra về.
Đã nhá nhem nhưng không thể không nhận ra từ phía hành lang đằng kia, thằng trưởng khoa đang đi tới... Lạ...! Thằng này lúc nào chả nhanh nhẹn, tươi hơn hớn nhưng hôm nay, với cái cự ly vài chục mét, trong ánh sáng nhờ nhờ tôi đã cảm nhận ở hắn điều gì là lạ.
-Giờ mới xong à? Ô Kê chứ...?
-Ừ! Ô Kê!
Vẫn là câu hỏi ấy nhưng mọi lần hắn hỏi bằng miệng thì ít, bằng mắt thì nhiều và đương nhiên tôi phải trình bày sơ qua về ca mổ..., hôm nay khác, hình như hắn hỏi mà không đợi câu trả lời..., cái chất giọng, cái miệng tươi một cách bất thường... Hừ! Đúng là con người Ác típ (Active-Hành động), tôi thoáng nghĩ.
-Vội không...? Sang ông Giám nhé! Tôi mời...!
Đầu tôi lập tức lục lại ca mổ, khó thì có khó nhưng tôi đã hoàn thành tốt... chẳng hiểu có chuyện gì đây.
-Ô Kê!
Cà phê Giám, thực ra là cà phê Hoa Giấy nhưng họ thuê vườn nhà ông Hoàng Minh Giám ngay trước cổng 12-Chu Văn An nên chúng tôi quen gọi như vậy.
Từ lúc vào quán đến khi nâng ly cà phê lên môi tôi để ý, hình như thằng này không nhịn được..., nụ cười cứ thường trực trên môi hắn.
Đặt tách xuống bàn, vẫn chưa thôi tủm tỉm
-Ông còn thuốc không...? Tôi điếu...!
Tôi móc bao Hê Rô vẫn để ý, ngay cả lúc đã ngậm điếu thuốc, lúc phải nghiêng cái mặt để châm lửa... hắn vẫn cười... Rít nhẹ một hơi, quay mặt phả khói, hắn phấn chấn, thậm thụt hỏi.
-Ông biết tôi vừa ở đâu về không..?
-Ai biết...! Mà việc của ông, tôi biết để làm gì...!
-Văn phòng đảng ủy vừa gọi tôi lên... hì hì...! Thông báo về làm hồ sơ..., tôi được MTTQ quận giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội khóa này...!
À..., tưởng gì..., tôi không hề thấy hứng thú với cái thông tin giật gân khiến hắn không giấu được nỗi hân hoan kia.
Tôi lạ gì Quốc hội, nói cho đúng thì tôi lạ gì những cái gọi là Bầu cử, từ bầu lớp trưởng, bí thư chi đoàn thời phổ thông, bầu Hội đồng quân nhân, bầu cá nhân xuất sắc, chiến sỹ thi đua trong quân đội... bao giờ chả chuẩn bị sắn, bao giờ chả biết trước người đắc cử...
Kể từ năm 18 tuổi đã vài ba lần đi bỏ phiếu bầu quốc hội, HĐND các cấp... Trái với trống rong cờ mở, cờ xí rợp trời, khẩu hiệu đầy đường, trống cái, trống đồng rộn rã và đặc biệt tiếng loa phóng thanh tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ dân chủ, về quyền lợi và trách nhiệm của cử tri..., những bài nhạc hùng tráng, những câu thơ có thể bốc tinh thần người ta lên tận mây xanh.
“Cầm vàng thì sợ vàng rơi. Tay cầm lá phiếu đời đời ấm no”
Rồi những cuộc mít tinh, tuần hành cổ động của thanh thiếu niên. Trong tiếng trống ếch thùng thùng, các em quàng khăn đỏ đi hàng hai khắp xóm cùng quê, tay cầm cờ giấy thi thoảng lại vung lên theo một người cầm cái loa bằng sắt tây.
-Đảng lao động/Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm... Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
-Sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú vào quốc hội Việt Nam... Sáng suốt! Sáng suốt! Sáng suốt!
-Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.... Sống mãi! Sống mãi! Sống mãi!
Không chỉ có thế, người ta còn mổ lợn, ở nhà thì chia cho bà con, ở bộ đội thì cho anh em ăn tươi, các hội diễn, các đoàn văn công cũng được tổ chức “Tháo khoán” trong những dịp này...
Ấy thế mà chưa bao giờ tôi thấy hân hoan, cũng chưa bao giờ đọc được nét hân hoan trên nét mặt người dân (Trừ mấy người cán bộ có trách nhiệm tạo không khí bầu cử).
Không có dọa nạt, không có cảnh “Người dân đi bầu trong hàng súng và lưỡi lê” như bọn “Ngụy quân ngụy quyền trong kia” nhưng dường như có tâm lý sợ sệt..., người đi bỏ phiếu sớm được coi là tích cực, là gương mẫu chấp hành, sẽ được tuyên dương, người không đi hay bỏ phiếu muộn bị coi là những phần tử chống đối, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi chính trị vốn rất quan trọng... các điểm bỏ phiếu đua nhau hoàn thành sớm..., hơn 10h sáng, loa phóng thanh nhắc từng hộ, từng người chưa đi bầu.
Quả là đa phần cử tri đi bầu rất sớm, chả tội gì không tranh thủ lập công lại để kịp buổi ra đồng.
Mỗi nhà 3-4 cử tri chỉ cần một người đại diện, “Bỏ phiếu hộ” là việc thường thấy, cái danh sách có sẵn, cứ gạch từ dưới lên cho đúng, bỏ vào thùng phiếu, ký tên vào sổ là hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ công dân... dễ đến thế là cùng, sao phải để giục giã.
Thế rồi cụm từ “Nghị gật” đã xuất hiện từ lâu lắm, có người đùa rằng, đại biểu đi họp không cần mang đầu, chỉ mang tay là đủ, đầu mang đến chỉ để ngủ gật, cái tay thì vất vả, thi thoảng phải vỗ và biểu quyết.
Tôi không hứng khởi với cái tin là vì thế, thằng Trưởng khoa của tôi giỏi là vậy, tốt là vậy, bao nhiêu bệnh nhân, rồi thì bao nhiêu công trình khoa học đang chờ..., giờ vào Quốc hội lại phải đi họp, phải làm oai thì ... phí quá!
Nghĩ thế nhưng tôi cũng phải làm bộ hân hoan để nó khỏi tụt hứng.
Những ngày sau đó, Bs N thành trung tâm dư luận, không chỉ của Bệnh viện mà của cả thành phố. Một Bác sỹ trẻ, năng lực, nay lại vào Quốc hội..., một tương lai tươi sáng đang mở ra trước hắn.
Thế rồi một hôm, Long béo thậm thụt.
-N chĩa ... đi rồi..!
-Cái gì...? Đi đâu...?
-Đi Quốc hội chứ đi đâu...! Ông chưa biết à...!
Tôi nghĩ thầm: Cái thằng! Chuyên hóng hớt, bố còn biết trước cả mày...!
-Thì nó vào Quốc hội là đúng chứ sao...! Quốc hội thì vẫn làm ở đây chứ đi đâu...!
-Không...! Đi là... đứt ấy...!
-Thế là thế nào...! Nói mẹ nó ra luôn..., cứ úp úp mở mở...!
Long béo mắt tròn mắt dẹt
-Ông không biết thật à..., Người ta phân nó vào bàn Ngọc Hà..., 3 chọn 2... mày có biết hai người kia là ai không...! Đỗ Mười..., đương kim tổng bí thư ... và một ông tên Kính, chả biết có phải Chu Huy Kính ... Mày biết ông này là ai không... Tư lệnh quân khu thủ đô... Thế thì N đi là chắc....! Đây... ấy!
Cái tin ấy với tôi cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, tôi có khoái cái việc hắn vào Quốc hội đâu mà phải tiếc, nhưng khi thằng Trưởng khoa lại rủ tôi sang cà phê Giám thì cái buồn của hắn thật sự lây sang tôi.
Đang tìm lời động viên bạn thì hắn đột ngột hỏi.
-Ông có biết người ta vào Quốc hội để làm gì không?
Tôi lúng túng trả lời.
-Ừ thì mang hết khả năng của mình, đóng góp cho Đảng, cho nhà nước..., giúp dân.
Bạn tôi gạt phắt, nó nói một thôi một hồi, dường như những gì kìm nén mấy ngày nay được dịp tuôn ra
-Ông chả hiểu gì...! Người ta vào Quốc hội để vào Quốc hội, để làm ông nghị..., để gia đình, làng xóm, dòng họ tự hào..., để đẹp lí lịch... và cuối cùng để việc phấn đấu của mình trong nghề nghiệp thuận lợi..., để cho oai... Chứ chẳng ai vào để đóng góp trí tuệ cho dân cho nước đâu...
Những gì nó xả ra ngay lập tức ngấm vào từng thớ thịt của tôi... Tôi vẫn biết nhưng tôi vẫn biết chưa hết... nghĩ cho kỹ thì hắn nói phải... gió thổi một chiều, dẫu đúng dẫu sai, ngược lại ích gì... cái Đại biểu to là thế... mất có phải là phí...!
Tối ấy tôi không ngủ được, cứ băn khoăn câu hỏi: Liệu có bao nhiêu Đại biểu quốc hội không biết Đại biểu quốc hội là gì...? Không biết ngồi ở hội trường đúng ra là để làm gì? Phải làm gì...?
Và tôi đã viết, viết rồi đọc lại thấy... được lắm! Tiếc vì lâu ngày, quên đã gần hết.
Tôi muốn hỏi các ngài
Đã bao giờ tự hỏi
Mình là ai
Ngồi đó
Để làm gì...?
Đã bao giờ tự đi
Từ bụi đời sân ga đến các tòa đại sứ
Để biết
Mình là ai
Ngồi đó
Phải làm gì...?
Đất nước mình đã qua, thời chia đều cái khó
Đã đến thời, nhận cái dễ về ta
Thời của những công ty quỷ, những xí nghiệp ma
Lộn tùng phèo giữa vị nhà, vị nước
. . . .
Khi lắm kẻ đang khó trở nên giàu
Ngài có hỏi, nhân tài nhiều đến thế?
Có tự hỏi, phải làm gì trong cơn dâu bể
Để phần hơn về đúng kẻ công nhiều
. . . .
Tôi muốn hỏi các ngài
Đã bao giờ tự hỏi
Mình là ai?
Ngồi đó
Phải làm gì...!
Thấm thoắt đã hơn hai chục năm, Quốc hội của ta đã thay đổi nhiều lắm, những cuộc thảo luận, những kỳ bỏ phiếu đã ít nhiều tạo sự chú ý theo dõi nơi dân chúng, những ý kiến trái chiều đã xuất hiện, những cuộc chất vấn dần có chất lượng và hiệu quả thấy rõ...
Nhưng, nhân dịp Quốc hội bàn về “Luật tổ chức Quốc hội”, cho phép tôi nói thật lòng... Phải đổi mới nhiều hơn nữa, Quốc hội mới thật sự là Quốc hội, là đại diện cho dân...