Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Thằng Cường-VỀ PHÉP (Tiếp)



Hồi ký của một Cựu chiến binh, tôi đang chắp bút, Phần chiến tranh, nếu ai quan tâm xin tham khảo ở Phauthuattk.blogtiengviet.net
Ng.V.Dũng

Sau một hồi với những ý nghĩ dồn dập…, không thể trì hoãn được nữa, thằng Cường định lao vào với mẹ.
Dựng cái Sờ pút nhích vào hè, chân nó khự lại, cái hè rộng, tối, ánh sáng nhờ nhờ từ nền trời đủ cho nó thấy cái cầu bằng những thanh gỗ kê trên những hòn gạch, cánh cửa đóng im ỉm..
-Mẹ ơi..!
Thằng Cường cất tiếng gọi mẹ, hai cái tiếng đơn giản, gắn liền với cuộc đời con người ta, kể từ lúc bi bô tập nói đến khi chống gậy đưa người mang nặng đẻ đau của mình ra đồng… Mẹ ơi…!
Không có động tĩnh gì, mẹ không đạp toang cảnh cửa mà lao ra ôm lấy nó, mà vuốt ve những sợi tóc mọc ngược trên đầu nó như hôm ở Phù Ninh…
Ngôi nhà cao nhưng lại rộng quá, mái chưa lợp xong, tường trát loang lổ, hiên đang lát một nửa, cái cột xoan bé tý không tương sứng với sự rộng rãi… tất cả chập trờn, nhòe nhoẹt trong không gian nửa sáng nửa tối…
Mẹ không trả lời, chỉ có ánh đèn dầu le lói hắt ra từ khung cửa gian bên khép hờ …
Nhà đây ư..! Mẹ ở trong kia ư..!
Toàn thân thằng Cường run lên bần bật, khoác cái ba lô lên một bên vai, nó loạng choạng bước lên bậc, nắm chặt tay vào cái cánh cửa mỏng mảnh sơn cái màu gì cũng nhờ nhờ…
Mẹ nó vừa tắt cái bếp dầu ở ngay cửa, khói khét làm mắt giàn dụa, để mẹ dùng một tay kéo vạt áo lau mắt xong, thằng Cường lại khẽ gọi.
-Mẹ…!
Mẹ ngước mắt lên nhìn, thằng Cường vội đỡ lấy cái đèn dầu đang run run trên tay bà…, đỡ để khỏi rơi.., đỡ để không ôm choàng lấy mẹ…, nhà nó vẫn thế, cảm xúc luôn được kìm nén đến tối đa.
-Cường về đấy hả con..!
-Vâng..!
Thằng Cường nắm tay kia lên vai mẹ.., mẹ đây mà.., mẹ không gầy mà to hơn, béo hơn hẳn.
-Mẹ làm gì thế này…? Anh Nghiêu đâu..? Thằng Hùng đâu…?
Nó hỏi vì thấy mẹ ở một mình trong ngôi nhà trống vắng xa lạ giữa cái không khí lãnh lẽo, tối tăm và nó hỏi để ngăn lại những cảm xúc đang làm nó lạnh ngắt.
-Anh Nghiêu đi đón thằng Toàn.., Hùng nó ở trường.., mẹ vừa nấu mỳ.., con ăn đi.., để mẹ nấu bát khác..!

Khi "Nghiêm chỉnh chấp hành" thành quy chuẩn đạo đức

Ở Miền Bắc Việt Nam, ngay sau khi thoát khỏi chế độ “Phong kiến thối nát”, lập tức con người được sống trong một xã hội hoàn toàn mới, xã hội XHCN.
Ở xã hội Phong kiến, “Trên” bao giờ cũng đúng, dưới bao giờ cũng phải theo, bất luận đúng-sai.., cãi lại, có phản ứng lại là hỗn, là phạm quy tắc đạo đức…
Xã hội XHCN đặc trưng bởi nhiều yếu tố tốt đẹp, trong đó đáng kể nhất là sự công bằng, bình đẳng, dân chủ.
Công bằng được thể hiện qua câu: “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” tức là; làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng..
Còn có chế độ nào tốt đẹp hơn thế..!
Làm theo năng lực tức là người dân có khả năng gì thì làm việc ấy, sức khỏe cho phép làm đến đâu thì làm đến đấy…
Ai có sức khỏe cứ việc ra đồng ruộng, nông trường, công trường, nhà máy.
Ai có khiếu văn chương cứ việc tha hồ viết văn, tha hồ làm thơ..
Ai khéo tay cứ việc làm thợ…
Ai mê khoa học cứ việc mặc sức mà nghiên cứu…
Làm gì có chế độ chính trị nào tốt đẹp hơn như thế…!!
Nói về những cái “Tốt đẹp” của chế độ XHCN thì nhiều…, nhiều lắm… kể sao hết…!
Về Công bằng-Dân chủ thì hẳn rồi
“Quan” là những người từ Dân mà ra, do Dân cử và hoạt động vì Dân… chứ không phải do thi đỗ, không phải do quan trên chỉ định, ban phát…, chẳng những được đối xử công bằng như dân mà thậm chí còn là “Công bộc”, là “Đầy tớ” cho dân, có nghĩa là quan có bổn phận giải quyết các sự vụ cho người dân, tạo điều kiện tối đa cho người dân lao động và hưởng thụ trên cơ sở pháp luật.
Làm quái gì có chế độ nào tốt đẹp hơn như thế…!!!
Dân chủ ở chỗ người dân được “Tự do ngôn luận”, được thoải mái trình bày quan điểm của mình về tất cả các vấn đề đời sống xã hội, được thoải mái đóng góp ý kiến cho đường lối hoạt động, phát triển từ địa phương đến quốc gia. Được bầu ra những người lãnh đạo địa phương và đất nước.
Dân chủ đến như thế, nếu nói “Gấp ngàn lần xã hội tư bản” chả đúng sao..?
Thuật ngữ “Gót chân Achile” để chỉ những chỗ yếu nhất của thứ mạnh nhất.
XHCN tốt đẹp đến như thế nhưng đem áp dụng vào Việt Nam kể từ ngày 19-8-1945, khi mà ngay hôm trước, ngày 18-8-1945, Việt Nam còn nguyên xi là một nước nửa Phong kiến, nửa thuộc địa… Có thể coi như, chưa một người Việt Nam nào có trình độ sống, được tôi luyện trong môi trường tự động hóa, công nghiệp hóa để có đủ phẩm chất và khả năng làm công dân XHCN.
Theo tôi, cái gót chân Achile của chế độ XHCN ở Việt Nam là ở chỗ đó.., chỗ trao CNXH cho người chưa phải XHCN, dùng người chưa phải XHCN để xây dựng CNXH…,đó là điều vô cùng tai hại.
Những con người chưa thật XHCN ấy được trao quyền lực mà quyền lực ấy được nâng lên tầm bạo lực .., “Bạo lực cách mạng”.
Bạo lực cách mạng để đè bẹp tất cả những gì, những ai cản trở con đường cách mạng XHCN với hình tượng “Dòng thác cách mạng” sẽ cuốn phăng những “Rác rưởi” trên con đường nó ầm ầm đổ xuống.
Nhưng quyền lực ấy, bạo lực ấy một khi trao cho những người còn đậm đặc tính nông dân của chế độ phong kiến thối nát, tính nô lệ của những người Phu (Chứ chưa phải Công nhân) thì ngay lập tức sẽ được dùng không phải chỉ để cuốn phăng rác rưởi cản đường cách mạng mà còn để thỏa mãn những nhu cầu của những con người kia.
Thế nên, nếu cứ xét những hoạt động, những biểu hiện cơ bản của cái xã hội xây dựng Công bằng-Dân chủ ấy sẽ thấy ngay từ đầu những mầm mống của bất công bằng, bất dân chủ…, và vì được cổ võ, động viên, dung dưỡng nên những mầm mống ấy phát triển rất nhanh, tỏa bóng che kín và tỏa rễ ôm chặt lấy đời sống xã hội.
Đó là ngay từ đầu và cho đến tận bây giờ, mặc dù không có văn bản quy định nhưng xã hội luôn động viên, luôn luôn đề cao thậm chí coi là thước đo đạo đức, là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của mọi người dân… đó là sự: “Nghiêm chỉnh chấp hành…”
Khi người dân khai lí lịch để làm bất cứ điều gì, kể cả để đăng ký kết hôn, đi học, đi làm… Có ai không khai điều đó..???
Khi cán bộ chứng nhận cho công dân để làm bất cứ điều gì, thuyên chuyển công tác, nhậm chức, vào Đoàn, vào Đảng… không thể không có mấy dòng đó…? Chỉ khác là có thêm chữ “Không”, chữ “Chưa” vào hay không mà thôi.
Vậy là cái dòng chữ; “Nghiêm chỉnh chấp hành…” là tâm điểm, là cơ bản.., là thước đo chất lượng của cá nhân và gia đình đương sự.., thêm chữ “không” hay chữ “chưa” vào phía trước mấy chữ ấy, thì mọi cố gắng coi như bằng không.
Từ những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đến những kế hoạch ở địa phương đều được đem ra “Phổ biến” và học tập (Học tập nghị quyết).
Nếu một người có kiến thức, dù tâm huyết với dân làng bao nhiêu mà góp ý, phân tích lợi hại với một chủ trương như: Xây một cái chợ, làm nhà văn hóa hay một hoạt động gì đó trong địa phương… mà đảng ủy đã thông qua, dù đã dùng những lời lẽ khiêm nhường, khôn khéo đến đâu cũng rất nhanh chóng bị coi là .. “Chống đối”.
Dần dần hình thành trong dân chúng cách sống .. “Im lặng”, “Không dại gì, không hơi đâu mà nói” và thật sự “Im lặng là vàng”, dù biết sai, biết sẽ thất bại nhưng cứ im lặng mà giơ tay biểu quyết, mà vỗ tay, mà làm theo sẽ được đánh giá là “Nghiêm chỉnh chấp hành..”, được bình bầu danh hiệu này nọ, được lãnh đạo yêu quý và rất có thể được thưởng, được lên lương sớm…
Một trong những đặc tính cơ bản làm nên người Cộng Sản là “Tính chiến đấu”, chiến đấu ở đây không phải chỉ với kẻ thù bằng da bằng thịt mà chiến đấu với sự dốt nát, chiến đấu với không công bằng, không Dân chủ, với chủ nghĩa cá nhân, với thoái hóa biến chất… Chiến đấu để đoàn kết để phát huy sức mạnh tập thể… Nhưng tính ấy cũng dần dần bị triệt tiêu ngay trong đội ngũ Đảng viên.
Ở những hội nghị, những cuộc họp bàn về một kế hoạch, những cuộc thảo luận… thay vì phải đào sâu suy nghĩ, phân tích đúng-sai, hơn-thiệt để đóng góp cho nghị quyết, phát huy sức mạnh tập thể để đấu tranh cho thắng lợi của Đảng thì người ta (Gồm cả những chuyên gia) lại lặng im chờ “Nhất trí” bằng biểu quyết hay vỗ tay.
Cụ thể như ngày nay, khi mà sự tha hóa biến chất đã khá phổ biến trong các cấp lãnh đạo, khi lợi ích nhóm đã thao túng nhiều hoạt động xã hội, rất nhiều…, rất nhiều những Đảng viên cộng sản chân chính vô cùng lo lắng cho sự tồn vong của Đảng mình, nhưng không ai lên tiếng chính thức trong các cuộc họp chi bộ, không ai làm gì… ngoài việc gặp nhau ca thán..
Cái lối sống, cái mẫu “Nghiêm chỉnh chấp hành” đã vô tình đè bẹp cái tính chất cơ bản của người Cộng sản, là tính “Chiến đấu”.
Một khi lối sống “Nghiêm chỉnh chấp hành” đã ngự trị trong xã hội, trong Đảng thì những người có quyền cũng thực sự biến thành những … Ông Vua. Tiếng nói của họ thành tiếng nói của Đảng, ý đồ của họ thành chủ trương của Đảng và quyết định của họ thành nghị quyết của Đảng ở nơi mà họ nắm quyền… cho dù về câu chữ vẫn phục vụ lợi ích chung nhưng khi thực hiện lại dễ dàng bẻ theo lợi ích của một số người.
Ai đang nắm quyền cũng muốn tìm mọi cách để bàn giao quyền lực ấy, bổng lộc ấy cho con cháu mình, thế là “Con Vua thì lại làm vua”  còn mọi người dân, mọi đảng viên mãi chỉ việc … “Nghiêm chỉnh chấp hành”.
Một xã hội mà quyền lực được cha truyền con nối, một xã hội mà người dân quen với quy chuẩn đạo đức “Nghiêm chỉnh chấp hành” thì là xã hội gì..?
Xây dựng con người mới XHCN là người yêu lao động, có khả năng lao động với trình độ cao, năng xuất cao, có trái tim yêu đồng loại, yêu đồng bào, yêu nước, có ý chí chiến đấu để vươn lên mãi mãi … Nhưng lại tạo ra mẫu người “Nghiêm chỉnh chấp hành” mang nặng tính cơ hội, thủ tiêu đấu tranh, chây lười, ỷ lại… Con người ấy là con người gì…? Không phải là con người mới XHCN nhưng lại là sản phẩm của quá trình xây dựng…
Xây dựng xã hội XHCN nhưng lại nhìn thấy những quan hệ xã hội kiểu phong kiến thì chả “thoái hóa” chả “biến chất” là gì.
Tuy đã “Hơi muộn” nhưng tôi tin rằng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đang đoàn kết xung quanh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến quyết chiến đấu với cái thoái hóa-biến chất ấy.

Mong rằng các đồng chí sẽ tạo điều kiện để mọi người dân, mọi Đảng viên cùng góp sức trong công cuộc chiến đấu này, chứ cứ “nghiêm chỉnh chấp hành” mãi…, cứ chờ để “ơn Đảng, ơn Chính phủ” mãi thì … Chán quá..!

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

BỆNH HAY... KHÔNG BỆNH...?

Hôm nay lại đi… “Kiếm tiền”.
Dậy sớm, chạy một mạch đến Như Quỳnh định bụng làm bát canh bánh đa cá rô nhưng đã có vài bệnh nhân ngồi đợi. Trời nóng, họ đến sớm để tránh nắng hay còn hy vọng kịp về đi làm…
-Ô kê..! Chưa đến giờ chú cũng khám, gọi bệnh nhân vào đi..!
Ca thứ ba.., cửa mở, một cô gái ngoài 20t ngồi xuống ghế, cười tươi như hoa, một phụ nữ khoảng 50 đứng bên mặt đăm chiêu nhăn nhó…
-Ai có bệnh đây..?
-Cháu..
-Nó…
Hai mẹ con tranh nhau trả lời.
-Cháu làm sao..?
-Cháu chả..
-Nó uống nhiều nước.., đi tiểu nhiều mà không chịu ăn cơm, toàn ăn khoai…
Người đàn bà nói như cái lốp căng được xả và tôi đành phải để bà ta xả một hồi.
Cô bé học đại học điện lực ra trường về quê được phân công đi theo mấy anh công nhân trèo cột điện, họ trèo, đọc to số ở các công tơ cho cô kỹ sư ghi vào sổ, công việc chỉ có thế nhưng “Bêu” nắng cả ngày.
Được các anh các chú cho ăn đầy đủ nên bữa tối ở nhà, cô chỉ ăn rau và khoai lang, cô uống nhiều nước và có đêm đi tiểu đến ba lần.
Chỉ vì thế mà người mẹ lo mất ăn mất ngủ, hôm nay phải nói mãi cô gái mới chịu theo mẹ đi khám.
Tôi chấn an chị ta bằng thông cảm với những lo lắng của chị.., nói cho cháu gái hiểu nỗi lòng của mẹ và tỏ ý khen ngợi cháu đã biết chiều mẹ mà đi khám.
Trong khi chờ cháu làm xét nghiệm sinh hóa, tôi hỏi thăm sức khỏe của người mẹ, nói các cháu y tá đo huyết áp miễn phí cho chị ta-Huyết áp ở giới hạn bình thường.
Các xét nghiệm của cháu cũng trong giới hạn bình thường.
Tôi khuyên cháu tăng cường tập thể lực và không cần ăn khiêng thái quá, như vậy cháu sẽ có cơ thể đẹp hơn, hấp dẫn hơn và mẹ cũng khỏi lo lắng.
Nhưng đặc biệt là khuyên và nhắc cháu cùng gia đình cần quan tâm hơn đến mẹ.
Giải thích cho chị kia về những thay đổi đang thấy và sắp thấy trong cơ thể người phụ nữ 48 tuổi, rằng không nên đặt ra những tiêu chí, những mục đích quá sức về kinh tế về sự nghiệp cũng như hạnh phúc của con cái… Cũng như tôi, cả một đời hành nghề Bác sỹ ở hai bệnh viện lớn của Hà Nội nhưng chỉ cần đủ ăn, đủ dùng, các cháu không hư… thế là đã hạnh phúc lắm rồi…! Ở tổi tôi và chị, nếu giàu thì đã giàu rồi, nếu nghèo thì đã nghèo rồi, mình chỉ nên duy trì chứ không nên cố…, các con thành đạt đã thành đạt rồi, hư đã hư rồi… khó khác được nữa…
Họ ra về, cô bé dường như vui vẻ hơn nhưng độ căng thẳng chỉ bớt ít nhiều trên nét mặt người mẹ.
Tôi gọi lại, cho chị ta số điện thoại và hứa sẽ tư vấn bất cứ lúc nào chị ta cần.
Con người ta nói chung và đặc biệt, phụ nữ nói riêng, ở cái độ tuổi cuối của sự nghiệp, sự nghiệp lao động, sự nghiệp sinh con đẻ cái là lúc vô cùng khó khăn.
Mấy người thỏa mãn với cuộc đời “Phấn đấu” của mình..?
Mấy người thỏa mãn với công cuộc nuôi dạy con cái của mình…?
Mấy người ý thức được những thay đổi đang âm thầm diễn ra trong cơ thể mình.
‘Bất mãn” với đúng nghĩa của nó, tức là không thỏa mãn, sự lao dốc của thể lực mà vẫn phải cố gắng lao động nhằm đạt được điều mình muốn, nhưng thay đổi nội tiết… Tất cả sẽ đánh gục một người phụ nữ ở độ tuổi này một cách dễ dàng nếu chồng, con, thầy thuốc không ý thức được và có những hành động vô tình thiếu trách nhiệm…

                                     

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

VI SINH VẬT GÂY BỆNH-Dưới góc nhìn ngoại khoa

Có lẽ vì cùng tên nên Gs Lân Dũng ưu ái, ông muốn tôi tham luận đôi điều về Vi sinh vật gây bệnh (VSVGB).
Khổ quá, tiếng là Bác sỹ nhưng là cái anh “Đồ tể”, cả đời chỉ quen rạch, cắt, bóc, khâu, buộc… Nói là không biết gì về VSVGB thì không phải nhưng chắc chắn là … không giỏi!

Vậy nên chỉ trao đổi đôi chút về VSVGB dưới góc nhìn Ngoại khoa.
Nếu nói những sinh vật nhỏ gây bệnh cho con người thì còn có thể phải nói đến Nấm và ký sinh trùng nhưng trong phạm vì này không đề cập tới.
Các VSVGB có thể phân biệt hai nhóm chính với những tên gọi khác nhau nhưng ở đây gọi là Vi khuẩn và Vi Rút
I-VIRUS
Những đặc điểm về cấu tạo, vòng đời… ai muốn biết kỹ hơn xin gặp Gs Lân Dũng nhưng nôm na thì Virus là đơn vị sinh học không điển hình, tồn tại lệ thuộc vào vật chủ, có thể lây nhiễm bằng nhiều đường, dễ dàng hơn và có thời gian ủ bệnh ngăn hơn vi khuẩn.
Nhiều chủng Virus gây nhiều bệnh nhưng quen nhất trong cộng đồng là các bệnh: Sốt virus, sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh dại, viêm gan và HIV…
Do xâm nhập vật chủ nhanh, dễ và phát triển gây thành bệnh cũng nhanh nên bệnh thường xuất hiện “Đột ngột” hơn. Một người đang khỏe mạnh bỗng thấy hắt hơi, sổ mũi, đau ê ẩm các khớp và trong vòng 1-2 tiếng đã sốt và sốt cao (39-40 độ) đó là cách biểu hiện của sốt Virus.
Virus có thể lây truyền qua đường máu, niêm mạc (Hô hấp-sinh dục) nhưng cũng có thể còn một cách nữa là “Đâm xuyên”, tức là Virus có thể vào cơ thể, “Dạo chơi” trong cơ thể từ cơ quan này đến cơ quan khác, từ vùng này đến vùng khác, trong đó có các tạng như gan, thận.
Chính vì vậy, khác với vi khuẩn thường gây bệnh cho một nơi, một tạng, một hệ cơ quan, Virus tác động, phá hoại toàn cơ thể.
Có thể dùng hai chữ “Chớp nhoáng và toàn diện” để chỉ cuộc tấn công của Virus nên cần lưu ý một số vấn đề
-Người nhiễm Virus thường rất mệt mỏi (Đặc biệt khi gan bị tấn công nặng) người bệnh rũ rượi, thờ ơ với mọi kích thích.
Chuyện thứ nhất:
Gs Phan, Nguyên Chủ nhiệm khoa lây Bv Bạch Mai, đi điểm bệnh cùng một tổ sinh viên. Dừng lại bên giường một cô gái khoảng 16-17 tuổi, da vàng rực, thầy đưa tay ra hiệu cho chúng tôi trật tự và chú ý phản ứng của người bệnh rồi kéo quần người bệnh xuống dưới rốn. Cô gái không hề có phản ứng gì… chúng tôi cũng … không hề có phản ứng gì. Chỉ khi về giảng đường, sau khi nghe thầy nói về phản xạ vệ nữ mới vỡ nhẽ người bệnh mệt đến mức nào.

Cần nhớ rằng, do bị tấn công nhanh và rộng khắp nên hình hài người bệnh có thể ít hay không thay đổi trong khi thể chất rất tồi tệ, có nghĩa là: Người nhiễm Virus, sau nhiễm Virus rất yếu, cần được nghỉ ngơi.
Chuyện thứ hai.
Khoảng năm 1980, sinh viên A và B cùng tổ, chơi thân với nhau. A thi đỗ nội trú và được học chuyên ngành Lây. B là sinh viên thường. Hai bạn cùng bị nhiễm Virus và được bố trí một phòng ở khu L (Khoa Lây, Bạch Mai cũ). Vì là Bs Nội trú, A được nhiều người biết đến hơn và tất nhiên cũng nhiều người đến thăm, cho quà hơn…
Ngại và ngượng, mỗi khi A có khách B tế nhị ra ngoài… sau vài hôm, B xin về nằm bẹp trên gác xép.
Năm ngày sau, đột ngột nghe tin A tử vong… Ông thầy nói rằng: Chúng mày đã giết bạn bằng chính những cử chỉ ân cần của mình”.
Thầy cô ở bộ môn, các bác, các cô chú trong khoa, bạn bè, sinh viên lần lượt đến thăm, chỉ cần chào mỗi người một câu, cảm ơn mỗi người một câu, bắt tay mỗi người một cái rồi gượng dậy để chào khi họ về…
3 ngày sau khi B về, da và củng mạc của A vàng rực rồi hôn mê không hồi phục.
Tốt nghiệp, B về trường trung cấp y tế Hà Nội hành nghề cho đến nay.
Kể câu những chuyện này để mọi người ý thức được rằng tuy hình thể không (hay ít) thay đổi nhưng thể chất của người sốt và sau sốt virus rất tồi tệ, cần được chăm sóc tỷ mỷ và khoa học.
Về điều trị.
Cách tốt nhất là tiêm chủng và tránh xa nguồn bệnh
Hầu như chưa có thuốc tiêu giệt Virus một cách chọn lọc (Tức là không làm thương hại đến vật chủ) nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, tránh biến chứng.
-Nhiều tài liệu hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt, chống co giật khi thân nhiệt đạt 38,5 độC.
Cần nhớ rằng, sốt là phản ứng của cơ thể nhằm chống lại Virus và cũng cần nhớ rằng, thân nhiệt là một trong những chỉ số sinh tồn, sốt quá cao có thể làm thay đổi hàng loạt những hoạt động sinh lý, sinh hóa gây tử vong. Tôi cho rằng không nên dùng thuốc hạ sốt nếu thân nhiệt chưa quá 39 độ C nhưng phải hạ nhiệt ngay nếu quá ngưỡng ấy. Trước đó cần dùng những biện pháp vật lý như trườm mát. Nhớ rằng trườm mát ở những vùng có động mạch nông như cổ, bẹn, khoeo, khuỷu… chứ không phải trườm đá trực tiếp vào những vùng đó. Lau ẩm để nước bay hơi cũng là biện pháp tốt. Để người bệnh ở chỗ thoáng, thông khí chứ đừng quạt thốc vào người bệnh. Nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên để 25-27 độ và cũng cần thông khí.
Viêm gan, HIV là những vấn đề riêng biệt không đề cập ở đây.

II-MỘT SỐ KHIẾN THỨC VỀ VI KHUẨN GÂY BỆNH

Khác với Virus, vi khuẩn là cơ thể đơn bào đầy đủ
Có thể phân biệt hai loại vi khuẩn gây bệnh: loại ÁI KHÍ và loại KỴ KHÍ
Loại ái khí chỉ mọc trong môi trường có không khí, điển hình là các nhiễm trùng ở phổi hay những ổ nhiễm trùng sinh mủ vàng, mùi tanh
Loại kỵ khí chỉ mọc và phát triển ở môi trường kín, không có không khí, chúng phát triển và sinh khi (Sinh hơi) ví như trong ruột, chúng tạo hơi nên người ta phải trung tiện (đánh rắm), dưới ao hồ, cống rãnh tạo bọt nổi lên…
Như vậy, khuẩn yếm khí có trong chất thải động vật, trong đất cát, bùn…
Vào cơ thể người, khuẩn yếm khí thường gây nhiễm độc rất nặng, không làm mủ hay làm mủ không điển hình, mùi thối khẳn, khắm (như cóc chết).
Trong cơ thể người thì bàn tay, đặc biệt cẳng và bàn chân là dễ bị những vết thương tiếp xúc với đất cát, cống rãnh nhất.
Cũng thật đáng tiếc, ở ta có tâm lý không chỉ ở người bệnh mà ngay các bác sỹ, thậm chí Bác sỹ ngoại khoa đều muốn khâu kín, khâu thật đẹp các vết thương ở những vùng này.
Vết thương đã nhiễm khuẩn kỵ khí, lại được khâu kín tức là tạo môi trường tốt nhất cho khuẩn phát triển. Một người thầy ở Hoa Kỳ phát biểu: “Một mũi khâu chắc chắn không giúp gì cho người bệnh nhưng hoàn toàn có thể giết chết người ta”
Vào cơ thể qua đường máu (vết thương), niêm mạc (Không khí, tiếp xúc) đường tiêu hóa (Ăn, uống) bao giờ vi khuẩn cũng cần một thời gian phát triển rồi mới gây thành bệnh, thời gian ấy gọi là ủ bệnh, dài ngắn tùy theo chủng khuẩn và khả năng chống đỡ của cơ thể.
Biểu hiện toàn thân cũng là sốt nhưng thường tăng dần chứ không đột ngột như nhiễm Virus
Ngoài ra còn có những biểu hiện tại chỗ: Đau, sưng, nóng, đỏ
Điều trị
Kháng sinh là thuốc diệt khuẩn nhưng cần xác định được loại khuẩn gây bệnh để dùng loại kháng sinh phù hợp
Ngoài ra cũng điều trị giảm đau hạ sốt chống co giật như với nhiễm Virus
Khi ổ nhiễm đã làm mủ, tức là áp-xe thì ổ mủ ấy phải được thông với môi trường bên ngoài, tức là trích rạch tháo mủ.
Không bao giờ rắc bột thuốc hay bất cứ thứ gì nhằm làm khô miệng vết thương, ngược lại cần ngâm rửa kỹ bằng các thuốc sát khuẩn rồi đắp gạc ẩm hoặc để hở nhằm dẫn lưu dịch viêm ra ngoài.
Băng kín, băng chặt, làm khô miệng vết thương là những tâm lý cần tránh.
Bằng kín: khiến dịch viêm không thoát được ra ngoài mà thấm sâu vào tổ chức khiến thương tổn nặng thêm, rộng thêm.
Băng chặt: Làm giảm tưới máu cho vết thương, kháng sinh, kháng thể và dinh dưỡng không đến được vết thương.
Chỉ khi nào vết thương đã lên tổ chức hạt màu đỏ như nhung mới được đóng vết thương nhiễm khuẩn thường sau hàng tuần điều trị tích cực.
Chỉ khi nào loại bỏ khả năng nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn yếm khí, loại bỏ tổ chức hoại tử (thường sau 3-4 ngày) mới được khâu kín vết thương bẩn.

Trên đây là một số kiến thức về VSV gây bệnh dưới con mắt ngoại khoa.
Xin sẵn lòng nghe những góp ý, chỉnh sửa và câu hỏi của các anh các chị và các bạn!


Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Đi lễ...!

Tôi thường tránh xa mấy chuyện bói toán, cúng lễ. Nói tránh xa là vì cho rằng đã là số phận thì cái gì đến sẽ phải đến, hay hay dở thì cũng vui vẻ đón nhận.
Ấy thế nhưng tôi cũng ghi nhận những điều xảy ra với mình mà không sao hiểu nổi, không sao giải thích nổi
Một trong những chuyện ấy là:
Cách đây khoảng chục năm, lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) dự đám giỗ ông cụ thân sinh ra anh bạn hàng xóm. Lên từ chiều hôm trước, dự định hôm sau ăn cỗ xong là lên đường về ngay.
Đêm hôm ấy, lang thang khắp cái phố huyện bên bờ sông Gâm, nghe lỏm, nghe lỏm thôi, rằng ở đó ở đó, có một bà, xem hay lắm.
Máu “Phượt” nổi lên, sáng hôm sau, mượn cái xe máy.. đi! Không ai biết chuyện tôi …”Nghe lỏm”,không ai biết tôi đi đâu bởi chính tôi cũng không hoàn toàn định đi…Xem, chỉ là có cái địa chỉ để đi thế thôi…
40 km, cảnh đẹp như trong phim “Anh Kim Đồng” với những lòng suối rộng đầy đá cuội, những đoạn đường treo leo trên vách núi, những người dân tộc thiểu số đi chợ, đi rẫy, đi uống rượu …
Hết đường, người ta chỉ cho một nóc trong một cụm những ngôi nhà đúng kiểu kinh tế mới, tức là của người kinh, tức là túp lều trên mặt đất siêu vẹo.
Một người đàn ông gày, đen với con mắt bên phải có tật, không tiện nhìn kỹ vào cái khuyết thiếu của người ta nên không dám chắc anh ta bị chột hay lác.
Rót cho cốc nước màu vàng nâu, anh ta bảo tôi ngồi chơi để đi gọi vợ.
Ngôi nhà cột gỗ, một cái gác sép cũng bằng gỗ, lợp lá cọ… mọi thứ nom có vẻ khá sạch sẽ… tôi băn khoăn không biết cái cảm giác sạch sẽ ấy là do ngôi nhà mới được làm hay do bên trong nó chẳng có thứ gì ngoài hai cái gọi là giường, một cái ti vi khoảng 19 inh.
Ở chốn đô thị ngột ngạt lên đây, đang khoái cái sự thoáng đãng, sạch sẽ bỗng giật mình, bốn phía ngôi nhà được ngăn cách với bên ngoài bởi những tấm phên, phên đan bằng những thanh tre nứa gì đó chỉ to bằng ngón tay nhưng những cái mắt thì đút vừa quả ổi ta, ngồi trong nhà ngắm ra tứ phía, chẳng khác gì ngồi trong nhà kính, nhưng…, lưng chừng đồi, gió lạnh thổi qua những lỗ ấy phát ra tiếng vù vù… Nhìn lại hai cái chỗ nằm, chẳng có tý vải nào…, nhìn quanh trong nhà chẳng có cái hòm cái tủ nào… Tôi rùng mình khi tưởng tượng nếu phải qua một đêm ở đây… ngày ở Trường Sơn chúng tôi còn đủ chăn, áo mưa, túi càn khôn…
Qua cái vách liếp ấy, tôi thấy một chị, dường như cũng đen đúa đang về, cái quần “đen-nâu” ống thấp ống cao để lộ một cái cẳng chân “nâu-đen”, tức là màu cái quần với màu ống chân chỉ khác nhau một tý thôi.
Chị ta vứt toẹt ôm rau lang xuống góc sân, lặng lẽ bước vào.
Tôi lại giật mình, thoáng ân hận vì sao tôi lại đến đây…, chị ấy cũng.. lác! Lác tịt con mắt bên trái…!
Đứng dậy chào chủ nhà, tôi vội vào đề ngay.
-Chào chị! Tôi từ xa đến đây… Được nghe tiếng nên đến nhờ chị xem giúp…
Đưa tờ 50 000, tôi tiếp.
-Vì tình cờ, không có chuẩn bị.., tôi chỉ có thế này.., chị giúp..!
Người đàn bà với một con mắt đầy lòng trắng nhìn xéo tôi một cái rồi cầm tờ tiền đứng dậy đi về phía cửa.
Cái chân trái với ống quần đen-nâu “vắn” đến mắt cá… để trên hè, chân phải vắn quá gối… để dưới sân, chị ta giơ đồng tiền lên trời mà kêu. Tôi thấy chị ta kêu những gì đó, Trời, Phật…., phương nọ, quan kia rồi rõ ràng thấy cả Tôn Ngộ Không, Chư Bác Giới… Tôi mím môi để khỏi bật ra tiếng cười, nhấp cái cốc nước vàng nâu có vị nhờ nhợ… thôi thì để bà ta nói nhăng nói cuội một lát rồi về.
Ngồi xuống cái “xa lông gỗ ghép” tự chế để bên đối diện, quay mặt về phía ban thờ (Không hiểu vì lác hay việc thần thánh phải thế), hai ngón tay trái cầm tờ tiền, hai ngón tay phải cứ vuốt vuốt trên nó và chị ta bắt đầu phán.
Trái với dự đoán, tôi bị thu hút ngay từ đầu…, cứ như thể chị ta đã quá biết không chỉ về tôi mà về cả gia đình tôi nữa.
-Anh làm nghề gì đó như Bác sỹ hay việc gì đó cứu người…, đức độ của anh…, tài năng của anh…, tính tình của anh…, gia cảnh nhà anh… mổ mả nhà anh… những trở ngại mà anh đang có…
Dù chị ta nói quá đúng nhưng tôi giữ nét mặt bình thản, không để chị “Đọc vị” được mình.
-Giờ thì anh muốn xem về gì..?
-Tôi không hiểu, ý chị là…?
-Anh muốn xem về điều gì, thí dụ như, sự nghiệp, sức khỏe, vợ con, mồ mả..?
Tôi mỉm cười.
-Tôi nói với chị rồi đấy, tôi qua đường, thấy người ta nói về chị thì đến chứ không có chuẩn bị để hỏi.., chị biết gì, xin cứ nói..!
Chị ta nói nói thêm nhiều điều và cái gì cũng đúng, đúng một cách khá cụ thể ví như ý định chuyển cơ quan, tại sao muốn chuyển…
Khi chị ta đã nói chậm lại và cũng cảm thấy đã đủ, tôi chủ động chuyển đề tài, hỏi thăm về quê quán, lý do tại sao không làm vách kín cho đỡ rét.
Chị quê Hải Dương, vì xấu xí nên bị người ta lừa có đứa con, đành phải bỏ làng lên đây để đẻ, anh cũng đã qua một đời vợ, chị ấy ốm chết, bà ngoại đón cháu về nuôi, anh cũng lang thang và hai người đồng cảnh gặp nhau, ở với nhau có ba mặt con mà có cưới xin gì đâu… Mùa hè thì ngủ ở hai cái “Giường này”, rét quá thì lên cả gác xép.., trên ấy kín…!
Bước đệm đã xong, chừng đoán được ý tôi, chị nói tiếp.
-Tôi biết đức độ của anh, tài năng của anh, cá tính của anh và những điều anh đã và đang gặp…, nếu anh nghe thì tôi khuyên anh nên đến lễ ở ông Hoàng Bảy.
-Chị bảo ông…? Là ở đâu…?
-Đền thờ ông ở Bảo Hà..       
-Tại sao tôi lại nên lễ ở đấy mà không phải chỗ khác..?
-Thế này anh ạ… Tôi đã bảo là tôi biết mà…, anh không làm điều ác, điều tà bao giờ, nhưng người trần có khi có lỗi mà không biết…, anh cũng vậy… Nói thế nào để anh hiểu nhỉ…, ông Hoàng Bảy dưới cõi âm giữ trọng trách như kiểu công an điều tra xét hỏi í… mình đến lễ thì cũng như thành khẩn ấy, ông sẽ giúp cho…
-Vậy, phải lễ những gì, khấn như thế nào..?
-Không bắt buộc, không phải mâm cao cỗ đầy…, ấm trà bao thuốc cũng được.., mà không có gì cũng được… cái chính là anh thành tâm…, anh cứ khấn rằng: Tôi là người trần mắt thịt, không biết được tội lỗi của mình, cầu xin ông giúp đỡ …

Ồ…! Tưởng phải vàng mã, kim ngân, xôi thủ, gà oản thế nào chứ…, lễ như vậy thì tôi vẫn làm mỗi khi theo chúng bạn đến nơi thờ cúng.
Ấy rồi cũng quên.
Ra tết năm sau, anh bạn hàng xóm phô chuyện chuẩn bị đi lễ đền Bảo Hà, tôi nghi nghi mới hỏi.
-Đến ấy thờ ai…? Mày có biết không hay cứ bạ đâu lễ đấy..?
-Biết chứ… thờ ông Hoàng Bảy!
À ra vậy…! Thế là theo nó đi… Thế là từ đó, năm nào tôi cũng lên lễ..!
Năm nào cũng đóng góp xây dựng đền rồi lấy phiếu ghi công đức đặt lên ban thờ làm lễ vật.
Chả biết ông đã giúp tôi những gì nhưng sau mỗi lần lên lễ, đứng thả hồn theo dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy, lác đác những rác rưởi trôi theo.., nhưng làm nên dòng sông vẫn là muôn vàn những hạt phù xa li ti…, li ti.
Bỗng nhẹ lòng nghĩ về dòng đời hối hả, tất bật đen bạc…, thì cũng như dòng nước hỗn tạp đang cuồn cuộn chảy kia .., và tôi là một hạt phù xa li ti…!


Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

THẬT SỰ chứ đừng HÌNH THỨC..!

19-5 tôi đã viết một bài, văn chả ra văn, thơ chả ra thơ, nhưng là những ý nghĩ đã rất chắt lọc, rất thận trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh tụ Cộng sản Việt Nam từng là cõi thiêng, của ít nhất phân nửa nước Việt Nam và cho đến tận bây giờ vẫn là cõi thiêng trong tâm trí rất nhiều người Việt. Chỉ khoảng 20 năm trước đây, có lẽ phải những nhà văn có số và được Ban tuyên giáo trung ương hay Ban Tư tưởng văn hóa gì đó giao nhiệm vụ mới dám viết về ông. Kể cả ca ngợi Bác như thánh cũng coi chừng… đi tù như bỡn…!
Tuy có không ít băn khoăn nhưng tôi thực lòng kính trọng, thực lòng kính nể Hồ Chí Minh.
Có nhiều thứ đang diễn ra ở đất nước này, thế giới này khiến ông, chắc đã mãn nguyện nhưng cũng có nhiều, rất nhiều thứ khiến ông không thể hài lòng, chưa thể yên lòng.
Lòng người ly tán, tình cảm với lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi phân ly… tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy trên mạng xã hội những dòng chữ không hay một cách quá đáng về ông..! Và cũng thật sự buồn khi những người đáng lẽ ra phải kế tục sự nghiệp của ông lại làm những điều ngược lại, phát động những đợt học tập khá tốn kém nhưng thực tế khó lòng tìm thấy cán bộ theo khuôn mẫu Hồ Chí Minh, thật sự Cần-kiêm-Liêm-chính-Chí công-Vô tư
. Quan cách mệnh cấp phường xã đã biệt thự xe hơi sang trọng.., mức sống vương giả không sao giải thích nổi nếu không phải là lấy tiền, lấy đất, lấy mồ hôi nước mắt của dân.
Một người đã thật sự dành cả đời mình, hy sinh cả những nhu cầu cơ bản của gia đình mình, khi ra đi không mảy may mang theo một tý tài sản nào của dân của nước.., thậm chí không muốn dân tốn thời gian và tiền bạc cho lễ tang của mình.., người ấy ra đi: “Để lại muôn vàn tình yêu thương …” Người ấy chưa đáng để tôn trọng sao..? Người ấy có đáng để dùng những lời lẽ thô tục hay không..?
Đành rằng không ai không có hạn chế, đành rằng làm chính trị không thể không có thủ đoạn, đành rằng những người có quyền sau này không làm đúng nhiều ước nguyện của ông, gián tiếp làm hại thanh danh của ông.., nhưng đó là những người làm chính trị, nưu đồ chính trị… và không một người Việt yêu nước, có văn hóa, có liêm sỉ nào đồng tình với họ.
Nhưng, những người đã cầm bút viết, tức là tự cho rằng mình có bộ não biết suy nghĩ, biết phân tích, tự cho rằng mình là người có văn hóa. Đành rằng không thể cấm được người khác nhận định một con người, một nhân vật lịch sử theo góc nhìn, cách nghĩ của người ta … nhưng có thể viết được như vậy về một người đã khuất sao ..?
Trong bài viết tôi không ca ngợi ông như người ta ca ngợi và cũng không né tránh những điều mà tôi cho là hạn chế.
Hay hay dở thì vẫn là tôi viết, vẫn thẳng tuột như từng thẳng tuột…
Trang tôi không có nhiều người vào đọc nhưng so với những bài viết có tính hài hước, những mẩu chuyện đời thường, những bài gọi là thơ tình vu vơ thì bài này có số lượt truy cập khiếm tốn hơn hẳn… Thực lòng tôi hơi hoang mang, không hiểu trong số bạn đọc của tôi, họ nghĩ thế nào về Hồ Chí Minh…!
Tôi không muốn nói thêm gì nữa…!
Thường có thói quen đọc những bài xuất hiện trên cột “Blog kết nghĩa”, thấy bài của anh TheDuyen nói về Hồ Chí Minh, vào đọc ngay … bài nói nhiều hơn và cũng được quan tâm hơn với 91 lượt đọc và 12 cảm nhận.
Dưới đây là cảm nhận của tôi về bài viết của anh TheDuyen:

Những cảm nhận thật khó nói, khó nói không phải vì sợ ai, sợ điều gì, khó vì những quan điểm khá xa nhau về một nhân vật lớn đã qua đời 45 năm.
Theo tự tôi nhận định thì ngày nay, nói về Hồ Chí Minh (HCM) có ba hướng chính:
1-Cố dựng HCM như một Thánh nhân, kể cả đắp điếm cho ông những điều mà ông không có, ông không muốn, nhằm phụng sự cho mục đích của mình. Cố xây dựng một tượng đài thống trị trong ý thức dân chúng, Coi ông như Thánh thần, gọi ông là “Cha già dân tộc” liệu có nên không..? Thế hệ bộ đội Điện Biên và bộ đội Trường Sơn có lẽ thích hình tượng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” hay “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” hơn nhưng cũng có thể và thật sự đã từng coi Bác như vị cha già, còn dân tộc.., khái niệm ấy rộng lắm, xa lắm, thiêng lắm…, cứ nói đến hai chữ Dân tộc là tôi thấy Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lý thái Tổ, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo…
2-Cố đạp đổ hình tượng ấy như một sự “trả thù” chế độ mà HCM góp phần lớn công sức dựng lên, từng đóng vai trò chính. Những chi tiết cá nhân, bên này cố giấu đi, lơ đi thì bên kia moi ra rồi nhận xét theo cách nghĩ của mình, đôi khi là phỏng đoán
3-Cố gắng hiểu đúng con người HCM.
Trước hết tôi hoàn toàn đồng ý với anh Thế Duyên; “HCM không phải là thánh, ông là người trần mắt thịt…”. Nên, tuy là vĩ nhân nhưng ông cũng có những thứ mà chúng ta có, những đòi hỏi về thể chất và tinh thần.
Hôm qua trên VTV1 có lời phát biểu của người nghệ sỹ nhiếp ảnh tên là Nam, người có đặc ân chụp ảnh HCM, ông Nam nói:
-Dường như khi ở bên người ta thấy có một sức mạnh, một hào quang tỏa ra, lan truyền ...
Đó là lời của ông Nam, cần loại trừ yếu tố “Nịnh”, yếu tố “Định hướng” vốn rất sẵn ở chế độ này. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng người Việt và người nước ngoài cũng có chung nhận định như vậy.
Vấn đề quá rộng nên cũng rất dễ lạc đề.
Trở lại với bài viết của anh Thế Duyên, tôi có cảm giác anh thuộc đối tượng thứ ba, tức là cố gắng nhìn nhân vật lịch sử thật nhất, đúng nhất, trên cơ sở phân tích những hoàn cảnh dẫn đến những quyết định, những hành động.
Cái thắng lợi theo kiểu: “Lấy độc trị độc” tức là dùng kế sách của TQ để lộ rõ lý do không thể theo TQ, tôi mới chỉ cố hình dung chứ chưa bao giờ nói và cũng chưa thấy tài liệu nào nói.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá chủ quan của tôi, anh hơi ngả về phía thứ nhất một chút.., một chút thôi anh ạ!
Tôi thật sự buồn và không hiểu sao người ta có thể viết về HCM với những lời lẽ quá tệ… Cũng như tôi chưa bao giờ gọi các ông Tổng thống: Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu là ..”Thằng”, là .. “Tên”, gọi các cựu sỹ quan, binh lính VNCH là.. “Bọn…”, là … “lũ tay sai …”
Tôi muốn nhắc đến hình ảnh hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, khi tranh cử họ dùng đủ lập luận, mọi phương kế để hạ uy tín của nhau, đả phá đường lối của nhau nhưng ngay sau khi công bố kết quả, người thất bại đến chúc mừng người đắc cử, chúc người đắc cử thành công trong thực thi đường lối (Mà mình vừa phản đối). Người đắc cử mời người kia hợp tác xây dựng đất nước.
Sau trận bóng đá ở Anh quốc, bao giờ người ta cũng thấy hai vị HLV bắt tay nhau, khi trả lời phỏng vấn thường thì đội thua chúc mừng đội thắng rồi mới có thể phàn nàn này nọ, đội thắng dành sự tôn trọng cho đối thủ, tôi đánh giá anh rất cao mà tôi vẫn thắng được anh.., đấy là cách tốt nhất để tự đề cao mình.
Ở Việt Nam ta, mâu thuẫn rất nhiều, rất nghiêm trọng và nguy hiểm nhưng tôi chưa thấy bên nào dùng những cử chỉ đầy văn hóa và hữu ích ấy..!
Tôi không muốn lạc vào vấn đề về một nhân vật mà cho đến nay còn là Thánh nhân trong tư tưởng của đa số những người quanh tôi, chỉ xin đưa ra một số nhận định cá nhân để thảo luận riêng cùng anh Thế Duyên:
-HCM là một NGƯỜI VIỆT yêu nước.
-HCM là một nhà chính trị tài ba, cũng chính vì vậy mà “Mặt trái của tấm huân chương” cũng phải gồ ghề hơn.
-HCM là một nhà ngoại giao tài ba.
-HCM là một nhà văn hóa đông phương, điều này ông hơn hẳn những người cùng thế hệ, ý thức hệ. Tôi chưa thấy ai có nghệ thuật tiếp xúc đối tượng cao như HCM, từ cách ăn mặc đến phong thái… Khi ở Pháp ông thật sự là chính khách, đến với mặt trận ông như một người lính, vào nhà máy, ông thật sự là một người thợ, khi tát nước, đạp guồng, thăm lúa .., người cố tình soi mói cũng không thể thấy khoảng cách giữa vị nguyên thủ quốc gia với những người nông dân.., Nghệ thuật ấy đã có những học trò của ông noi theo nhưng khó thành… Bây giờ, người ta vẫn nói học nhưng người ta đến cơ sở bằng ô tô hạng sang, giữa bầy “tùy tùng” quây kín, người ta chỉ tay, vung tay… người ta cố tình thể hiện hết cái khoảng cách giữa đầy tớ và đám đông các ông bà chủ…
-Sai lầm lớn nhất của HCM là vấn đề con đường CNCS vốn không phải lý tưởng của ông (Theo nhận định của riêng tôi).
Hãy nghe ông trả lời nhà báo phương tây:
-Hỏi: Ham muốn của ông là gì..?
-Trả lời: Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho dân tôi ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành…
Những người lãnh đạo nhà nước CS khi dẫn câu này đã “Tế nhị” cắt đi nửa cuối vô cùng quan trọng, trong đó HCM ngụ ý rằng: Khi ham muốn ấy thành công thì tuổi tôi đã cao, tôi sẽ về quê, sống với vườn cây, ao cá, tận hưởng nốt phần còn lại của cuộc đời..
Như vậy, Mục đích hoạt động của HCM không phải “Thế giới đại đồng”, HCM không phải là Cộng Sản, ông chỉ định mượng “Con đường” ấy để giải phóng dân tộc mà thôi.
Tuy vậy, khi đã bước trên con đường CS, Hồ Chí Minh phải khắc phục những trở ngại từ chính những nguyên tắc của chủ nghĩa ấy, và tất nhiên từ chính những đồng chí, những học trò của mình, nói chi đến Nga, Trung Quốc, Stalin, Mao Trạch Đông.
Cho đến ngày nay, khi mà chủ nghĩa CS đã bộc lộ hết những ưu nhược điểm của nó, khi hệ thống XHCN chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa ở một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên… nhưng thực chất hầu như đã không còn, những người lãnh đạo VN dường như rụt rè đưa Tư tưởng HCM vào đường lối nhưng vẫn để sau Chủ nghĩa Mác-Lê nin và đa phần dân chúng, thậm chí cán bộ, thậm chí cán bộ khá cao vẫn mơ hồ về cái gọi là Tư tưởng HCM.
Theo tôi, tư tưởng HCM là tư tưởng dân tộc, là cơm ăn, áo mặc là học hành để tiến bộ cho dân Việt, là sự toàn vẹn và cường thịnh của nước Việt Nam, không có gì khác…!
Tôi kính yêu Hồ Chí Minh nhưng tôi không sùng bái ông, và cũng không vì kính yêu ông mà tôi không kính trọng: Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thái Học, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Họ đều là những người yêu nước, từng là lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia, họ chỉ khác nhau về con đường mà thôi..!
Tôi ao ước được chứng kiến những người lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, những người giữ trọng trách ở các cơ quan công quyền, từ phường xã đến trung ương thật sự học tập Hồ Chí Minh… Thật sự chứ đừng hình thức…!

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

AO LÀNG...



Trong nỗi nhớ mênh mang
Cái ao làng
Đẹp lắm
Nơi đêm em tắm
Nơi chiều anh câu
Bèo tấm, bèo dâu
bèo ong, béo cái
bèo tây, ngổ ngái
Bà ngâm lá dong
Mẹ ngồi giặt chiếu
Thằng cháu rửa điếu
Mang vào cho ông
Nơi những đêm đông
lập lòe đom đóm
Bờ tre mấy khóm
Soi bóng điệu đàng
Em đi đâu ngang
Sao em dừng lại
Để anh nhớ mãi
Ao làng, và em..

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Nhớ Bác Hồ!

Đầu thế kỷ hai mươi
Khi thế giới sắp vào thời đen tối
Sức mạnh động cơ thành bá chủ ngôi vương
Phân giai cấp và đấu tranh giai cấp
Những lầm than trải khắp nơi nơi
      
Đất An Nam vào thế kỷ hai mươi
Uy Hoàng đế hãi hùng nghe tiếng súng
Không chịu nổi người khác dòng khác giống
Người nước tôi bất khuất đứng lên

Kẻ tận trung phò Vua đuổi giặc
Người dấy cờ, đắp lũy kiên gan
Kẻ nhìn thấu cảnh Dân-Nước cơ hàn
Mong lập kế lâu dài bền vững

Một trong rừng những người con dân tộc
Lang bạt sứ người, mang trọn nỗi đau
Kế sách ở đâu-Mang về cứu nước
Nặng mỗi bước chân
Chập chờn giấc ngủ

Khi máy móc biến nông dân thành vô sản
Bán sức người đổi lấy miếng ăn
Những trí thức phương Tây cũng trở cũng trăn
Vì vô sản, Mác vẽ đường tạo lối
Lập luận mấy cũng làm sao ngừa nổi
Vô sản nắm quyền, đưa thế giới đi đâu..?

Cách mạng tháng 10, nước Nga đi đầu
Mượn lý thuyết, Lê Nin giành quyền lực

Chẳng phải ngoại bang, chẳng vũ khí tối tân
Sức mạnh lật thuyền có ngay ở trong dân
Người mừng rỡ, thấy con đường cứu nước

Thế trận xoay vần, Nhật-Pháp-Đồng minh
Ngưng tiếng súng là các bên cùng yếu
Cướp thời cơ nhất loạt vùng lên

Chập chững sơ khai, mong kế vững bền
Giơ tay đón, cả những người khác lối
Có sức mạnh toàn dân thì thù nào thắng nổi
Tiếng pháo Điện Biên, chấn động địa cầu
Ở Việt Nam chứ chẳng phải ở đâu
Đường cứu nước có trong lòng dân tộc

Có phải
Người trí lớn ở chỗ nhìn thấy trước
Mượn sức dân rồi liệu có trị dân
Bàn tay kia đã ôm trán bao lần
Tìm kế sách để tránh Quan đồng chí.

Không hiếu chiến để máu dân không phí
Cốt có hòa bình, độc lập, tự do

Có những con đường có thể đi và lại
Cũng có con đường đã đi là đi mãi
Không thể trệch đường, dẫu đá chảy máu chân

Nỗi lo xa, nỗi lo gần
Nhìn non, nhìn nước, nhìn dân giấu buồn…

Đã đem hết thân mình làm mẫu
Không vợ con, thái ấp, vàng son
Vẫn biết bia đá cũng mòn
Tấm gương răn dậy cháu con có thành..?

Ai cũng muốn làm Vua cách mạng
Lật bạo tàn, thành bạo chúa một hôm

Kẻ trung nghĩa, miệng tay lúng túng
Lũ thời cơ ra sức làm càn
Nguy cơ dân lại cơ hàn
Nguy cơ nghiệp lớn vỡ tan có ngày.

Nhớ lời Bác - Tự do-Độc lập
Chẳng thứ gì là thứ quý hơn
Bằng mọi cách, mọi đường, mọi lối
Đừng khư khư bảo thủ mà suy…

Bác ơi..!
Tháng năm, mười chín, hôm nay
Nhớ thương mấy chữ dãi bày lòng son..!


Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Tường thuật...!



ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ BỆNH VIÊN E HÀ NỘI
Đại hội đảng bộ Bệnh viện E vinh dự, tự hào được tổ chức đúng ngày sinh của chủ tịch Hồ Chi Minh vĩ đại, người sáng lập, chỉ đường và dìu dắt đảng ĐCS VN đến bến vờ thắng lợi vinh quang như ngày nay.
Ngay từ sáng 18/5, Bệnh viện dường như khang trang sạch sẽ hơn, cờ đủ màu được cắm dọc theo lối đi từ cổng vào hội trường.., những bóng áo dài, comple thấp thoáng.., những nụ cưới cũng dường như tươi hơn thường ngày.
Chiều 18/5, đại hội trù bị, tôi giật mình khi thấy mỗi đại biểu được phát một cặp tài liệu với bao giấy cứng, đỏ chót nổi bật hình búa liềm tươi rói, chói lóa, .. mỗi đại biểu còn được cài lên ngực tấm thẻ cũng nền đỏ chữ vàng, có "Ép dẻo" hẳn hoi... kỷ vật thiêng liêng này tha hồ cất.., có mà mấy đời cũng không thể mối mọt được.
Ngần ấy đại biểu, ngần ấy cái cặp, ngần ấy cái thẻ đỏ vàng.., chắc số tiền chi ra khá lớn nhưng.. không sao cả,.! Tinh thần của Đảng không thể tính bằng tiền...!
Các cán bộ chủ chốt dường như vui vẻ và thân mật hơn, họ xuống từng bàn, bắt tay từng người, cười nói thân mật...
Với sự tổ chức chu đáo và hoành tráng như vậy, tin chắc rằng, chỉ 3-4 tiếng nữa thôi, đại hội nhất định sẽ .. THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP, pháo tay sẽ nổ và sẽ có những nụ cười rạng rỡ...!
Một chân trời mới sẽ được mở ra.
Dưới anh sáng rực rỡ của nghị quyết đại hội Đảng cộng sản Bệnh viện E, toàn thể cán bộ công nhân viên Bệnh viện háy DŨNG CẢM TIẾN LÊN...!
ĐCS VN QUANG VINH MUÔN NĂM...!
Hết tường thuật.

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

CÁN BỘ CỦA ĐẢNG-Dốt làm sao được..!

Nhiều người Việt ta vụng tính, ưa hình thức nhưng lại giàu ghen ghét, đố kỵ.
Điều này được thể hiện rõ nhất, dễ nhận biết nhất khi họ làm nhà. Đến bất cứ đâu từ trung tâm thủ đô Hà Nội, Sài Gòn hay một ngách nhỏ, xóm nhỏ hẻo lánh, nếu chú tâm quan sát ta đều dễ dàng nhận thấy nhưng ngôi nhà… không giống ai, chắc chắn là rất tốn kém vào những khoản rất vô lý, vô tác dụng và nhiều tác hại. Mục đính của chủ nhân không có gì khác là.. cho nó “oai”, cho nó … “Hơn người”, “Khác người” hoặc chí ít là … “Bằng người”.
Làm nhà là làm chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho gia đình.
Khi kinh tế còn hạn hẹp thì chỉ cần che mưa, che nắng.., che khuất những sinh hoạt không muốn để người ngoài nhòm thấy.., chống trộm.., đón được gió lành, chắn được khí độc.., bố trí không gian nấu, ăn, vệ sinh, ngủ, học hành, làm việc sao cho hợp lý là được, đó cũng chính là cơ sở của thuật phong thủy.
Khi đã khá giả mới thêm yếu tố thẩm mỹ và khi đó, gia chủ cần có ít nhiều kiến thức và quan trọng hơn là chính kiến về thẩm mỹ.
Những ngôi nhà bé tý với chiều ngang có khi chỉ hơn ba mét, ba bề áp sát vào nhà khác, phần mặt tiền hơn ba mét ấy có khi chỉ được mở ra khoảng không chừng một mét, tức là con ngõ, con ngách.
Thực ra những kiến trúc như vậy chỉ hơn những khu “Tổ chuột” một tý. Ấy thế nhưng cái “mặt tiền” lại được vẽ vời, đắp điếm nhiều thứ, nào ban công, nào hoa văn, nào nét kẻ, nào ụ đắp…  Trên nóc, vì đã kín cả ba bề, vì thiếu tiền và cũng vì cần một chút khoảng không phơi phóng nhưng người ta lại đắp lên một cái vì kèo, mái giả… Cái giả ấy chỉ lừa được mắt ngắm ở đúng một góc trực diện. Cái mái tum thường được làm đủ kiểu chóp, nào hình tháp ép phen kiểu Pháp, nào khiểu Ba Tư, nhà thờ hồi giáo… hay không giống cái gì!
Những “Kiến trúc” ấy trước mắt là tốn của (Vốn đã không nhiều), tốn công, sau nữa thành những nơi chứa bụi nhem nhuốc thế là lâu lâu lại tốn thêm công dọn dẹp.
Khi làm những ban công, chủ nhân thường lập luận rằng sẽ là nơi ngắm cảnh, tập thể dục hít khí trời… nhưng khi sử dụng thì chả mấy ai, mấy lúc sử dụng như vậy, ngược lại nó trở thành nơi tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ con và đặc biệt trở thành nơi trung chuyển, nơi ẩn nấp cho bọn trộm.
Trong nội thất, không ít nhà làm cái toa lét rõ to, có cửa sổ thông ra khoảng không hiếm hoi trong khi chỗ học, chỗ ngủ của các con lại vừa chật trội vừa tối tăm. Trong nhà vệ sinh, nhiều người dí cái bệt sát tường đến nỗi khi đã tụt quần phải lựa tư thế rồi đánh ngoằng một cái chân mới có thể khép nép ngồi xuống mà .. khoái! Cái vai chạm vào tường, cái mặt úp vào tường thì.. khoái làm sao được..!
Đó là tính ưa hình thức và vụng tính toán.
Khi làm nhà người ta thường có tâm lý cố gắng làm .. cao hơn, nhô ra phía trước hơn những nhà xung quanh một tý, cầu kỳ hơn người một tý… tất nhiên không còn đủ trí tuệ và sự tỉnh táo để tính đến những “hợp lý” khi sử dụng..
Đó là tính đố kỵ ghen nghét, a dua, học đòi.
Hậu quả là tốn tiền vào những việc vô ích, khi sử dụng thì chỗ nào cũng bất hợp lý
               
Những người này khi làm cán bộ quản lý nhà nước thì những phẩm chất ấy, những hậu quả ấy được tăng lên gấp bội.

Những nhà văn hóa chỉ dùng để… nuôi nhện. Những sân vận động chỉ để… thả trâu. Những “Hội nghị” chi ngân sách hảng nhiều tỷ đồng mà ai ai cũng biết rằng… “Chả tích sự gì” .., những chợ, những trung tâm thương mại không ai vào mua nên không ai vào bán. Những “Cổng chào hoành tráng”, những nghĩa trang liệt sỹ cũng “hoành tráng quá mức” những trụ sở công quyền bề thế như cung Vua phủ Chúa… nhiều lắm…!
Trong khi trẻ con thiếu chỗ học, người ốm thiếu chỗ dưỡng bệnh, thanh niên không có chỗ chơi, trung niên không có chỗ tập thể dục… nhiều lắm..!!!

Chuyện sáng nay
Sáng nay 16/5 trời bỗng đổ cơn mưa, tôi cố dậy để hứng tí nước tưới cây (Tưới nước máy là chúng cây chết ngay), xong việc, mở VTV1 nghe “Chào buổi sáng” thấy cái phóng sự người ta đang dỡ bỏ những công trình cơi nới bên hành lang đường sắt. Có ba nhân vật được trả lời phỏng vấn.
1-Người phụ nữ (Áng chừng đại diện cho dân) với nét mặt đầy bức xúc nói: Chỉ có mỗi cái chợ, đi ra thì được, đi về thì không nên biết sai vẫn phải vi phạm.
2-Một ông (đại diện bên dự án), với vẻ mặt đần đần trả lời: Khi dự án đưa vào sử dụng mới phát hiện những bất cập nên chỉ nhắc nhở và chúng tôi cũng không có thẩm quyền sử phạt.
3-Ông đại diện chính quyền, mặt bóng nhẫy, hai mắt húp híp như người bị phù nói dài nhất nhưng.., đúng là .., “ngôn ngữ chính quyền”…, chả hiểu ông í nói gì…, chỉ nhớ rằng ông í dùng rất nhiều những từ thường thấy trong các “văn kiện hội nghị” như: Cương quyết…, quyết liệt.., tập trung.., dứt điểm.., vân vân và vân vân…

Lại nhớ cách đây mấy hôm, cũng trên VTV1 có phóng sự về một cái chợ nào đó ở Miền Nam, chợ cách khu dân vài trăm mét nhưng chỉ có một đường là … “ra chợ” chứ không có đường… “về chợ” bởi đoạn đường ấy là… một chiều…!
Một người dân (Nom cũng có vẻ cán bộ) nói.
-Tôi ra chợ mua mấy củ hành hết có 5 nghìn, khi về thì bị công an phạt..
Chả biết đi xe máy ngược chiều thì phạt bao nhiêu nhưng nếu đưa 50 nghìn liệu các chú í có nhận cho..?
Lạ thế đấy..!!
Các công trình dùng ngân sách nhà nước hay địa phương thì cũng phải như người ta xây nhà í chứ. Làm ở đâu cũng phải tính toán những ai sử dụng, sử dụng như thế nào chứ.
Hay cái “Trí khôn” của những người duyệt dự án đã dùng hết vào việc tính toán xem mình đút túi được bao nhiêu.., không còn đâu để mà dành cho chất lượng cùng khả năng hoạt động của công trình…???
Hay các cán bộ cũng .., dốt. Dốt như những người dân nghèo cố làm nhà cho “Hoành tráng” mà không quan tâm đến vợ con sử dụng thế nào…???

Không thể…! Không thể…! Cán bộ của Đảng.., Dốt làm sao được…!!!!!

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

CẢM NHẬN- một bài thơ!

Đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức thơ Duệ Mai mà không .. khoái!
nghệ thuật vẫn hay, vẫn tài...! Cách biểu lộ ý nhị mà sâu lắng...
Nếu mọi khi cái thông điệp trong thơ Duệ Mai khiến tôi cứ phải tủm tỉm cười, cứ phải gật gù tấm tắc mãi khi ngộ ra thâm ý tác giả thì lần này lại làm cho tôi ... thế nào nhỉ... khó nói quá... Thất vọng... bực tức...!

HÈ LẶNG
(Duệ Mai)

Phượng bật lên thành lửa
Mãnh liệt cháy hết mình
Ta mơ về sắc đỏ
Nhưng dìm lòng nín thinh

Bằng lăng đầy nhẫn nhịn
Đưa nỗi buồn lên ngôi
Ta mơ màu kiêu hãnh
Cho dẫu nhạt tình người

Cứ đỏ và cứ tím
Cho trọn một mùa hè
Cứ đi và cứ đến
Cho tròn một chuyến xe

Đừng như ve, da diết
Cứ ran ran thành lời
Bởi hôm sau, ta biết
Lại vài mảnh xác rơi...



-Chúng ta đang ở đâu nhỉ..? Đạo đức và văn hóa xuống đến chạm đáy.
-Tham ô, tham nhũng, nhóm lợi ích chi phối đời sống xã hội
-Chúng ta đã thật sự có: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc..? Hay đang phấn đấu..? Phấn đấu từ bao giờ và sẽ còn đến bao giờ...?
-Nước Nga vừa thể hiện sức mạnh chiến tranh, Trung Quốc ráo riết hiện đại hóa quân đội, Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, Nhật Bản, Úc, Ấn độ, Philipin, Việt Nam... chiên tranh là khó nhưng chưa bao giờ kể từ 1945 lại hiển hiện như bây giờ.

Chả nhẽ chúng ta cứ.. Khôn để sống, khôn để... "cho trọn một mùa hè, tròn một chuyến xe"..?


Phượng thắm rồi phượng tàn
Bằng lăng tím rồi nhạt
Ve kêu rồi rơi xác
Âu quy luật ở đời

Giá trời đừng nắng gắt
Để phượng chỉ hồng thôi
Giá anh đừng phụ tôi
Để ve thôi than khóc

Cần cù như con ong
Cũng một ngày lìa chúa
Đẹp màu và dẻo múa
Cánh bướm gãy bên khe

Cua cá ở dưới nước
Chết vì thuốc trừ sâu
Chết vì nước đổi màu
Từ những khu công nghiệp

Chú chó vàng đẹp lắm
Trung thành và khôn ngoan
Một lần dạo đường quan
Không bao giờ về nữa

Vô hại như con mèo
Khó lòng qua "tiểu hổ"
Ung dung chơi trên phố
Chỉ còn lũ chuột hôi

Thì kể chi xác tôi
Sau một lần được hát
Hồn yên hơn loài khác
Vì được nói một lần . . .!

Để kết luận thì lại không thể nói gì khác ngoài: Cảm ơn Duệ Mai!
-Trong trận bóng đá thì việc đầu tiên phải làm đó là giữ sạch lưới nhà cái đã rồi mới tính đến tấn công ghi bàn.
-Khi máy bay vào vùng khí loãng hãy dùng mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới giúp người già, trẻ em
Và giống như tôi viết trong bài "Một người thầy Mỹ" đấy: Trước khi cứu người khác hãy xem có gì nguy hiểm cho chính mình không đã.