Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

VI SINH VẬT GÂY BỆNH-Dưới góc nhìn ngoại khoa

Có lẽ vì cùng tên nên Gs Lân Dũng ưu ái, ông muốn tôi tham luận đôi điều về Vi sinh vật gây bệnh (VSVGB).
Khổ quá, tiếng là Bác sỹ nhưng là cái anh “Đồ tể”, cả đời chỉ quen rạch, cắt, bóc, khâu, buộc… Nói là không biết gì về VSVGB thì không phải nhưng chắc chắn là … không giỏi!

Vậy nên chỉ trao đổi đôi chút về VSVGB dưới góc nhìn Ngoại khoa.
Nếu nói những sinh vật nhỏ gây bệnh cho con người thì còn có thể phải nói đến Nấm và ký sinh trùng nhưng trong phạm vì này không đề cập tới.
Các VSVGB có thể phân biệt hai nhóm chính với những tên gọi khác nhau nhưng ở đây gọi là Vi khuẩn và Vi Rút
I-VIRUS
Những đặc điểm về cấu tạo, vòng đời… ai muốn biết kỹ hơn xin gặp Gs Lân Dũng nhưng nôm na thì Virus là đơn vị sinh học không điển hình, tồn tại lệ thuộc vào vật chủ, có thể lây nhiễm bằng nhiều đường, dễ dàng hơn và có thời gian ủ bệnh ngăn hơn vi khuẩn.
Nhiều chủng Virus gây nhiều bệnh nhưng quen nhất trong cộng đồng là các bệnh: Sốt virus, sốt xuất huyết, bệnh sởi, bệnh dại, viêm gan và HIV…
Do xâm nhập vật chủ nhanh, dễ và phát triển gây thành bệnh cũng nhanh nên bệnh thường xuất hiện “Đột ngột” hơn. Một người đang khỏe mạnh bỗng thấy hắt hơi, sổ mũi, đau ê ẩm các khớp và trong vòng 1-2 tiếng đã sốt và sốt cao (39-40 độ) đó là cách biểu hiện của sốt Virus.
Virus có thể lây truyền qua đường máu, niêm mạc (Hô hấp-sinh dục) nhưng cũng có thể còn một cách nữa là “Đâm xuyên”, tức là Virus có thể vào cơ thể, “Dạo chơi” trong cơ thể từ cơ quan này đến cơ quan khác, từ vùng này đến vùng khác, trong đó có các tạng như gan, thận.
Chính vì vậy, khác với vi khuẩn thường gây bệnh cho một nơi, một tạng, một hệ cơ quan, Virus tác động, phá hoại toàn cơ thể.
Có thể dùng hai chữ “Chớp nhoáng và toàn diện” để chỉ cuộc tấn công của Virus nên cần lưu ý một số vấn đề
-Người nhiễm Virus thường rất mệt mỏi (Đặc biệt khi gan bị tấn công nặng) người bệnh rũ rượi, thờ ơ với mọi kích thích.
Chuyện thứ nhất:
Gs Phan, Nguyên Chủ nhiệm khoa lây Bv Bạch Mai, đi điểm bệnh cùng một tổ sinh viên. Dừng lại bên giường một cô gái khoảng 16-17 tuổi, da vàng rực, thầy đưa tay ra hiệu cho chúng tôi trật tự và chú ý phản ứng của người bệnh rồi kéo quần người bệnh xuống dưới rốn. Cô gái không hề có phản ứng gì… chúng tôi cũng … không hề có phản ứng gì. Chỉ khi về giảng đường, sau khi nghe thầy nói về phản xạ vệ nữ mới vỡ nhẽ người bệnh mệt đến mức nào.

Cần nhớ rằng, do bị tấn công nhanh và rộng khắp nên hình hài người bệnh có thể ít hay không thay đổi trong khi thể chất rất tồi tệ, có nghĩa là: Người nhiễm Virus, sau nhiễm Virus rất yếu, cần được nghỉ ngơi.
Chuyện thứ hai.
Khoảng năm 1980, sinh viên A và B cùng tổ, chơi thân với nhau. A thi đỗ nội trú và được học chuyên ngành Lây. B là sinh viên thường. Hai bạn cùng bị nhiễm Virus và được bố trí một phòng ở khu L (Khoa Lây, Bạch Mai cũ). Vì là Bs Nội trú, A được nhiều người biết đến hơn và tất nhiên cũng nhiều người đến thăm, cho quà hơn…
Ngại và ngượng, mỗi khi A có khách B tế nhị ra ngoài… sau vài hôm, B xin về nằm bẹp trên gác xép.
Năm ngày sau, đột ngột nghe tin A tử vong… Ông thầy nói rằng: Chúng mày đã giết bạn bằng chính những cử chỉ ân cần của mình”.
Thầy cô ở bộ môn, các bác, các cô chú trong khoa, bạn bè, sinh viên lần lượt đến thăm, chỉ cần chào mỗi người một câu, cảm ơn mỗi người một câu, bắt tay mỗi người một cái rồi gượng dậy để chào khi họ về…
3 ngày sau khi B về, da và củng mạc của A vàng rực rồi hôn mê không hồi phục.
Tốt nghiệp, B về trường trung cấp y tế Hà Nội hành nghề cho đến nay.
Kể câu những chuyện này để mọi người ý thức được rằng tuy hình thể không (hay ít) thay đổi nhưng thể chất của người sốt và sau sốt virus rất tồi tệ, cần được chăm sóc tỷ mỷ và khoa học.
Về điều trị.
Cách tốt nhất là tiêm chủng và tránh xa nguồn bệnh
Hầu như chưa có thuốc tiêu giệt Virus một cách chọn lọc (Tức là không làm thương hại đến vật chủ) nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, tránh biến chứng.
-Nhiều tài liệu hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt, chống co giật khi thân nhiệt đạt 38,5 độC.
Cần nhớ rằng, sốt là phản ứng của cơ thể nhằm chống lại Virus và cũng cần nhớ rằng, thân nhiệt là một trong những chỉ số sinh tồn, sốt quá cao có thể làm thay đổi hàng loạt những hoạt động sinh lý, sinh hóa gây tử vong. Tôi cho rằng không nên dùng thuốc hạ sốt nếu thân nhiệt chưa quá 39 độ C nhưng phải hạ nhiệt ngay nếu quá ngưỡng ấy. Trước đó cần dùng những biện pháp vật lý như trườm mát. Nhớ rằng trườm mát ở những vùng có động mạch nông như cổ, bẹn, khoeo, khuỷu… chứ không phải trườm đá trực tiếp vào những vùng đó. Lau ẩm để nước bay hơi cũng là biện pháp tốt. Để người bệnh ở chỗ thoáng, thông khí chứ đừng quạt thốc vào người bệnh. Nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên để 25-27 độ và cũng cần thông khí.
Viêm gan, HIV là những vấn đề riêng biệt không đề cập ở đây.

II-MỘT SỐ KHIẾN THỨC VỀ VI KHUẨN GÂY BỆNH

Khác với Virus, vi khuẩn là cơ thể đơn bào đầy đủ
Có thể phân biệt hai loại vi khuẩn gây bệnh: loại ÁI KHÍ và loại KỴ KHÍ
Loại ái khí chỉ mọc trong môi trường có không khí, điển hình là các nhiễm trùng ở phổi hay những ổ nhiễm trùng sinh mủ vàng, mùi tanh
Loại kỵ khí chỉ mọc và phát triển ở môi trường kín, không có không khí, chúng phát triển và sinh khi (Sinh hơi) ví như trong ruột, chúng tạo hơi nên người ta phải trung tiện (đánh rắm), dưới ao hồ, cống rãnh tạo bọt nổi lên…
Như vậy, khuẩn yếm khí có trong chất thải động vật, trong đất cát, bùn…
Vào cơ thể người, khuẩn yếm khí thường gây nhiễm độc rất nặng, không làm mủ hay làm mủ không điển hình, mùi thối khẳn, khắm (như cóc chết).
Trong cơ thể người thì bàn tay, đặc biệt cẳng và bàn chân là dễ bị những vết thương tiếp xúc với đất cát, cống rãnh nhất.
Cũng thật đáng tiếc, ở ta có tâm lý không chỉ ở người bệnh mà ngay các bác sỹ, thậm chí Bác sỹ ngoại khoa đều muốn khâu kín, khâu thật đẹp các vết thương ở những vùng này.
Vết thương đã nhiễm khuẩn kỵ khí, lại được khâu kín tức là tạo môi trường tốt nhất cho khuẩn phát triển. Một người thầy ở Hoa Kỳ phát biểu: “Một mũi khâu chắc chắn không giúp gì cho người bệnh nhưng hoàn toàn có thể giết chết người ta”
Vào cơ thể qua đường máu (vết thương), niêm mạc (Không khí, tiếp xúc) đường tiêu hóa (Ăn, uống) bao giờ vi khuẩn cũng cần một thời gian phát triển rồi mới gây thành bệnh, thời gian ấy gọi là ủ bệnh, dài ngắn tùy theo chủng khuẩn và khả năng chống đỡ của cơ thể.
Biểu hiện toàn thân cũng là sốt nhưng thường tăng dần chứ không đột ngột như nhiễm Virus
Ngoài ra còn có những biểu hiện tại chỗ: Đau, sưng, nóng, đỏ
Điều trị
Kháng sinh là thuốc diệt khuẩn nhưng cần xác định được loại khuẩn gây bệnh để dùng loại kháng sinh phù hợp
Ngoài ra cũng điều trị giảm đau hạ sốt chống co giật như với nhiễm Virus
Khi ổ nhiễm đã làm mủ, tức là áp-xe thì ổ mủ ấy phải được thông với môi trường bên ngoài, tức là trích rạch tháo mủ.
Không bao giờ rắc bột thuốc hay bất cứ thứ gì nhằm làm khô miệng vết thương, ngược lại cần ngâm rửa kỹ bằng các thuốc sát khuẩn rồi đắp gạc ẩm hoặc để hở nhằm dẫn lưu dịch viêm ra ngoài.
Băng kín, băng chặt, làm khô miệng vết thương là những tâm lý cần tránh.
Bằng kín: khiến dịch viêm không thoát được ra ngoài mà thấm sâu vào tổ chức khiến thương tổn nặng thêm, rộng thêm.
Băng chặt: Làm giảm tưới máu cho vết thương, kháng sinh, kháng thể và dinh dưỡng không đến được vết thương.
Chỉ khi nào vết thương đã lên tổ chức hạt màu đỏ như nhung mới được đóng vết thương nhiễm khuẩn thường sau hàng tuần điều trị tích cực.
Chỉ khi nào loại bỏ khả năng nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn yếm khí, loại bỏ tổ chức hoại tử (thường sau 3-4 ngày) mới được khâu kín vết thương bẩn.

Trên đây là một số kiến thức về VSV gây bệnh dưới con mắt ngoại khoa.
Xin sẵn lòng nghe những góp ý, chỉnh sửa và câu hỏi của các anh các chị và các bạn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét