Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

THẬT SỰ chứ đừng HÌNH THỨC..!

19-5 tôi đã viết một bài, văn chả ra văn, thơ chả ra thơ, nhưng là những ý nghĩ đã rất chắt lọc, rất thận trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh tụ Cộng sản Việt Nam từng là cõi thiêng, của ít nhất phân nửa nước Việt Nam và cho đến tận bây giờ vẫn là cõi thiêng trong tâm trí rất nhiều người Việt. Chỉ khoảng 20 năm trước đây, có lẽ phải những nhà văn có số và được Ban tuyên giáo trung ương hay Ban Tư tưởng văn hóa gì đó giao nhiệm vụ mới dám viết về ông. Kể cả ca ngợi Bác như thánh cũng coi chừng… đi tù như bỡn…!
Tuy có không ít băn khoăn nhưng tôi thực lòng kính trọng, thực lòng kính nể Hồ Chí Minh.
Có nhiều thứ đang diễn ra ở đất nước này, thế giới này khiến ông, chắc đã mãn nguyện nhưng cũng có nhiều, rất nhiều thứ khiến ông không thể hài lòng, chưa thể yên lòng.
Lòng người ly tán, tình cảm với lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi phân ly… tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy trên mạng xã hội những dòng chữ không hay một cách quá đáng về ông..! Và cũng thật sự buồn khi những người đáng lẽ ra phải kế tục sự nghiệp của ông lại làm những điều ngược lại, phát động những đợt học tập khá tốn kém nhưng thực tế khó lòng tìm thấy cán bộ theo khuôn mẫu Hồ Chí Minh, thật sự Cần-kiêm-Liêm-chính-Chí công-Vô tư
. Quan cách mệnh cấp phường xã đã biệt thự xe hơi sang trọng.., mức sống vương giả không sao giải thích nổi nếu không phải là lấy tiền, lấy đất, lấy mồ hôi nước mắt của dân.
Một người đã thật sự dành cả đời mình, hy sinh cả những nhu cầu cơ bản của gia đình mình, khi ra đi không mảy may mang theo một tý tài sản nào của dân của nước.., thậm chí không muốn dân tốn thời gian và tiền bạc cho lễ tang của mình.., người ấy ra đi: “Để lại muôn vàn tình yêu thương …” Người ấy chưa đáng để tôn trọng sao..? Người ấy có đáng để dùng những lời lẽ thô tục hay không..?
Đành rằng không ai không có hạn chế, đành rằng làm chính trị không thể không có thủ đoạn, đành rằng những người có quyền sau này không làm đúng nhiều ước nguyện của ông, gián tiếp làm hại thanh danh của ông.., nhưng đó là những người làm chính trị, nưu đồ chính trị… và không một người Việt yêu nước, có văn hóa, có liêm sỉ nào đồng tình với họ.
Nhưng, những người đã cầm bút viết, tức là tự cho rằng mình có bộ não biết suy nghĩ, biết phân tích, tự cho rằng mình là người có văn hóa. Đành rằng không thể cấm được người khác nhận định một con người, một nhân vật lịch sử theo góc nhìn, cách nghĩ của người ta … nhưng có thể viết được như vậy về một người đã khuất sao ..?
Trong bài viết tôi không ca ngợi ông như người ta ca ngợi và cũng không né tránh những điều mà tôi cho là hạn chế.
Hay hay dở thì vẫn là tôi viết, vẫn thẳng tuột như từng thẳng tuột…
Trang tôi không có nhiều người vào đọc nhưng so với những bài viết có tính hài hước, những mẩu chuyện đời thường, những bài gọi là thơ tình vu vơ thì bài này có số lượt truy cập khiếm tốn hơn hẳn… Thực lòng tôi hơi hoang mang, không hiểu trong số bạn đọc của tôi, họ nghĩ thế nào về Hồ Chí Minh…!
Tôi không muốn nói thêm gì nữa…!
Thường có thói quen đọc những bài xuất hiện trên cột “Blog kết nghĩa”, thấy bài của anh TheDuyen nói về Hồ Chí Minh, vào đọc ngay … bài nói nhiều hơn và cũng được quan tâm hơn với 91 lượt đọc và 12 cảm nhận.
Dưới đây là cảm nhận của tôi về bài viết của anh TheDuyen:

Những cảm nhận thật khó nói, khó nói không phải vì sợ ai, sợ điều gì, khó vì những quan điểm khá xa nhau về một nhân vật lớn đã qua đời 45 năm.
Theo tự tôi nhận định thì ngày nay, nói về Hồ Chí Minh (HCM) có ba hướng chính:
1-Cố dựng HCM như một Thánh nhân, kể cả đắp điếm cho ông những điều mà ông không có, ông không muốn, nhằm phụng sự cho mục đích của mình. Cố xây dựng một tượng đài thống trị trong ý thức dân chúng, Coi ông như Thánh thần, gọi ông là “Cha già dân tộc” liệu có nên không..? Thế hệ bộ đội Điện Biên và bộ đội Trường Sơn có lẽ thích hình tượng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” hay “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” hơn nhưng cũng có thể và thật sự đã từng coi Bác như vị cha già, còn dân tộc.., khái niệm ấy rộng lắm, xa lắm, thiêng lắm…, cứ nói đến hai chữ Dân tộc là tôi thấy Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lý thái Tổ, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo…
2-Cố đạp đổ hình tượng ấy như một sự “trả thù” chế độ mà HCM góp phần lớn công sức dựng lên, từng đóng vai trò chính. Những chi tiết cá nhân, bên này cố giấu đi, lơ đi thì bên kia moi ra rồi nhận xét theo cách nghĩ của mình, đôi khi là phỏng đoán
3-Cố gắng hiểu đúng con người HCM.
Trước hết tôi hoàn toàn đồng ý với anh Thế Duyên; “HCM không phải là thánh, ông là người trần mắt thịt…”. Nên, tuy là vĩ nhân nhưng ông cũng có những thứ mà chúng ta có, những đòi hỏi về thể chất và tinh thần.
Hôm qua trên VTV1 có lời phát biểu của người nghệ sỹ nhiếp ảnh tên là Nam, người có đặc ân chụp ảnh HCM, ông Nam nói:
-Dường như khi ở bên người ta thấy có một sức mạnh, một hào quang tỏa ra, lan truyền ...
Đó là lời của ông Nam, cần loại trừ yếu tố “Nịnh”, yếu tố “Định hướng” vốn rất sẵn ở chế độ này. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng người Việt và người nước ngoài cũng có chung nhận định như vậy.
Vấn đề quá rộng nên cũng rất dễ lạc đề.
Trở lại với bài viết của anh Thế Duyên, tôi có cảm giác anh thuộc đối tượng thứ ba, tức là cố gắng nhìn nhân vật lịch sử thật nhất, đúng nhất, trên cơ sở phân tích những hoàn cảnh dẫn đến những quyết định, những hành động.
Cái thắng lợi theo kiểu: “Lấy độc trị độc” tức là dùng kế sách của TQ để lộ rõ lý do không thể theo TQ, tôi mới chỉ cố hình dung chứ chưa bao giờ nói và cũng chưa thấy tài liệu nào nói.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá chủ quan của tôi, anh hơi ngả về phía thứ nhất một chút.., một chút thôi anh ạ!
Tôi thật sự buồn và không hiểu sao người ta có thể viết về HCM với những lời lẽ quá tệ… Cũng như tôi chưa bao giờ gọi các ông Tổng thống: Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu là ..”Thằng”, là .. “Tên”, gọi các cựu sỹ quan, binh lính VNCH là.. “Bọn…”, là … “lũ tay sai …”
Tôi muốn nhắc đến hình ảnh hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, khi tranh cử họ dùng đủ lập luận, mọi phương kế để hạ uy tín của nhau, đả phá đường lối của nhau nhưng ngay sau khi công bố kết quả, người thất bại đến chúc mừng người đắc cử, chúc người đắc cử thành công trong thực thi đường lối (Mà mình vừa phản đối). Người đắc cử mời người kia hợp tác xây dựng đất nước.
Sau trận bóng đá ở Anh quốc, bao giờ người ta cũng thấy hai vị HLV bắt tay nhau, khi trả lời phỏng vấn thường thì đội thua chúc mừng đội thắng rồi mới có thể phàn nàn này nọ, đội thắng dành sự tôn trọng cho đối thủ, tôi đánh giá anh rất cao mà tôi vẫn thắng được anh.., đấy là cách tốt nhất để tự đề cao mình.
Ở Việt Nam ta, mâu thuẫn rất nhiều, rất nghiêm trọng và nguy hiểm nhưng tôi chưa thấy bên nào dùng những cử chỉ đầy văn hóa và hữu ích ấy..!
Tôi không muốn lạc vào vấn đề về một nhân vật mà cho đến nay còn là Thánh nhân trong tư tưởng của đa số những người quanh tôi, chỉ xin đưa ra một số nhận định cá nhân để thảo luận riêng cùng anh Thế Duyên:
-HCM là một NGƯỜI VIỆT yêu nước.
-HCM là một nhà chính trị tài ba, cũng chính vì vậy mà “Mặt trái của tấm huân chương” cũng phải gồ ghề hơn.
-HCM là một nhà ngoại giao tài ba.
-HCM là một nhà văn hóa đông phương, điều này ông hơn hẳn những người cùng thế hệ, ý thức hệ. Tôi chưa thấy ai có nghệ thuật tiếp xúc đối tượng cao như HCM, từ cách ăn mặc đến phong thái… Khi ở Pháp ông thật sự là chính khách, đến với mặt trận ông như một người lính, vào nhà máy, ông thật sự là một người thợ, khi tát nước, đạp guồng, thăm lúa .., người cố tình soi mói cũng không thể thấy khoảng cách giữa vị nguyên thủ quốc gia với những người nông dân.., Nghệ thuật ấy đã có những học trò của ông noi theo nhưng khó thành… Bây giờ, người ta vẫn nói học nhưng người ta đến cơ sở bằng ô tô hạng sang, giữa bầy “tùy tùng” quây kín, người ta chỉ tay, vung tay… người ta cố tình thể hiện hết cái khoảng cách giữa đầy tớ và đám đông các ông bà chủ…
-Sai lầm lớn nhất của HCM là vấn đề con đường CNCS vốn không phải lý tưởng của ông (Theo nhận định của riêng tôi).
Hãy nghe ông trả lời nhà báo phương tây:
-Hỏi: Ham muốn của ông là gì..?
-Trả lời: Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho dân tôi ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành…
Những người lãnh đạo nhà nước CS khi dẫn câu này đã “Tế nhị” cắt đi nửa cuối vô cùng quan trọng, trong đó HCM ngụ ý rằng: Khi ham muốn ấy thành công thì tuổi tôi đã cao, tôi sẽ về quê, sống với vườn cây, ao cá, tận hưởng nốt phần còn lại của cuộc đời..
Như vậy, Mục đích hoạt động của HCM không phải “Thế giới đại đồng”, HCM không phải là Cộng Sản, ông chỉ định mượng “Con đường” ấy để giải phóng dân tộc mà thôi.
Tuy vậy, khi đã bước trên con đường CS, Hồ Chí Minh phải khắc phục những trở ngại từ chính những nguyên tắc của chủ nghĩa ấy, và tất nhiên từ chính những đồng chí, những học trò của mình, nói chi đến Nga, Trung Quốc, Stalin, Mao Trạch Đông.
Cho đến ngày nay, khi mà chủ nghĩa CS đã bộc lộ hết những ưu nhược điểm của nó, khi hệ thống XHCN chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa ở một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên… nhưng thực chất hầu như đã không còn, những người lãnh đạo VN dường như rụt rè đưa Tư tưởng HCM vào đường lối nhưng vẫn để sau Chủ nghĩa Mác-Lê nin và đa phần dân chúng, thậm chí cán bộ, thậm chí cán bộ khá cao vẫn mơ hồ về cái gọi là Tư tưởng HCM.
Theo tôi, tư tưởng HCM là tư tưởng dân tộc, là cơm ăn, áo mặc là học hành để tiến bộ cho dân Việt, là sự toàn vẹn và cường thịnh của nước Việt Nam, không có gì khác…!
Tôi kính yêu Hồ Chí Minh nhưng tôi không sùng bái ông, và cũng không vì kính yêu ông mà tôi không kính trọng: Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thái Học, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… Họ đều là những người yêu nước, từng là lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia, họ chỉ khác nhau về con đường mà thôi..!
Tôi ao ước được chứng kiến những người lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, những người giữ trọng trách ở các cơ quan công quyền, từ phường xã đến trung ương thật sự học tập Hồ Chí Minh… Thật sự chứ đừng hình thức…!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét