Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

PHẪU THUẬT VIÊN và QUAN TÒA...!

Trên báo Điện tử giáo dục có bài: “Đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết?” của tác giả Xuân Giang.
Trong đó: Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, hầu hết các vụ án oan xuất phát từ lỗi vô ý và cho rằng: “đa phần người thực thi công vụ đều muốn hoàn thành trách nhiệm được giao. Do vậy, người ta làm oan sai để được cái gì? Bản thân tôi cũng chưa gặp trường hợp nào cố ý làm trái để trục lợi”.

Là Bác sỹ phẫu thuật, hơn ai hết, chúng tôi hiểu thế nào là tai nạn nghề nghiệp.
Muốn trở thành một Bác sỹ mổ (Phẫu thuật viên-PTV), trước hết phải được đào tạo chu đáo, phải nắm được cấu trúc giải phẫu, chức năng sinh lý. Trước khi chỉ định, PTV phải thăm khám kỹ để đánh giá bệnh xem có phải mổ hay không..? Mổ khi nào…? Và bằng cách nào..?
PTV cũng phải tham khảo các phương pháp điều trị, những cách mổ bệnh này đã có trên thế giới… Thế rồi người PTV phải trình bầy trước tập thể để thống nhất (Hội chẩn mổ).., cuối cùng là giải thích cho người bệnh và gia đình…
Thận trọng như thế nhưng những tai nạn nghề nghiệp vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí chết người và nếu một người có bệnh mạn tính mà tử vong sau mổ thì người PTV sẽ rất khó để giải trình.
Sẽ có rất nhiều lý do để người PTV đổ lỗi như: Mất điện, máy móc không hoạt động đúng như mong muốn, dụng cụ không phù hợp, thiếu sót của những người liên quan (Người chuẩn bị, người gây mê, người phụ mổ, người đưa dụng cụ…)
Nhưng vẫn không ít PTV dũng cảm nhận ngay lỗi thuộc về mình và nếu (thường thế) không phải lỗi cố ý thì hình phạt với PTV này cũng không quá nặng so với cái chết của người bệnh. Ở những cơ sở chính quy, PTV thường nghỉ mổ (Treo dao) một thời gian, vừa để anh ta ý thức được thêm, rút kinh nghiệm, vừa để anh ta kịp bình tĩnh lại trước khi mổ ca tiếp theo.
Ngược lại, nếu là lỗi “cố ý” và cái chết của người bệnh có nguyên nhân trực tiếp từ sự cố ý đó thì hình thức kỷ luật do luật pháp và người nhà bệnh nhân quyết định.
Ví dụ: Do người bệnh không tuân thủ hay do hướng dẫn không chu đáo mà trước khi đi mổ, người bệnh đã ăn. Nếu PTV “đã biết” mà vẫn cho người bệnh đi mổ, không thông báo với Bác sỹ gây mê, để người bệnh nôn, trào ngược gây tử vong vì tắc đường thở…, đó là lỗi cố ý.
Căng thẳng như vậy, nguy hiểm như vậy nên chỉ những người: Đủ trình độ, thật sự yêu nghề, đủ can đảm… mới làm PTV.
Thiết nghĩ, người làm quan tòa cũng phải như vậy.
-Cũng phải được đào tạo chu đáo về Luật, về kỹ thuật hình sự, về tâm lý xã hội, tâm lý tội phạm…, và nhiều thứ nữa
-Nhân danh Công lý, người quan tòa không thể đổ lỗi cho bên Kiểm soát, bên cảnh sát điều tra hay bên Luật sư.., càng không thể đổ lỗi cho bất cứ một tác động nào dù dưới lên, hay từ trên xuống.
Khác với PTV, nhiều trường hợp nếu không được mổ kịp thời, người bệnh sẽ chết, người làm Quan tòa hoàn toàn có thể trì hoãn quyết định nếu chưa đủ chứng cứ hay chứng cứ chưa đủ thuyết phục.., thậm chí cảm giác mách bảo có điều uẩn khúc.
Cũng như tình trạng người PTV cầm phong bì trước mổ, việc quan tòa nhận quà của bên nguyên hay bên bị trước sử… liệu có còn (dù dưới hình thức nào đi nữa)..?
PTV sai lầm có thể làm chết thật một người, quan tòa sai lầm sẽ làm chết dở cả một gia đình thậm chí một dòng họ.
Kết án oan sai chỉ có thể giải thích bằng một, hai, hay cả ba nguyên nhân sau:
1. Phẩm chất đạo đức kém, ăn hối lộ rồi vì thế mà làm méo công lý.
2. Bản lĩnh kém cỏi, xử án theo chỉ đạo, giật dây của kẻ khác, biết người ta bị oan sai vẫn kết tội, vẫn tuyên án.
3. Trình độ chuyên môn kém, bị phía cảnh sát điều tra hay bên kiểm sát, luật sư hay thậm chí chính bị can điều khiển
Những công việc đòi hỏi bản lĩnh, trình độ, đạo đức thường có mức lương cao và nên để ở mức lương cao so với mặt bằng xã hội. Có thể kể ra ngoài PTV và Quan tòa là; Phi công, CSGT, Thanh tra xây dựng, Hải quan …
Nhưng đồng thời ở ta những việc này cũng gắn liền với tham nhũng và tham nhũng vặt nên nhiều người dù không đủ năng lực cũng “Muốn được làm”
Thế nên cũng cần có những thiết chế chặt chẽ khiến người ta phải do dự khi chọn nghề, những người yếu kém phải biết sợ mà chuyển nghề, công việc chỉ dành cho người “Làm được” chứ không thể cho người “Được làm”

Kết luận:
-Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và những vụ tương tự, những người trực tiếp gây oan sai phải chia nhau chịu trách nhiệm. Bao gồm; Cảnh sát điều tra, kiểm sát, và tòa án.
-Chính họ phải bỏ tiền túi ra đền bù, chứ không phải lấy tiền nhà nước mà thực tế là tiền thuế của nhân dân. Nhân dân đã nuôi họ bằng lương, nay lại đền thay cho họ thì bao giờ họ mới làm đúng được.
-Cần phải xử ngược lại những người liên quan này nếu có tra tấn ép cung, nếu có hối lộ, nếu có vô trách nhiệm rõ ràng.
-Ông Nguyễn Xuân Trường đúng thật là… Đại biểu Quốc hội…!

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

CHIA BUỒN CÙNG BẠN MẠNG!

Văn Vui là một Bloger Kinh Bắc, tôi biết anh ta qua những chuyện viết về đời lính (Vốn luôn hấp dẫn tôi),
Vui viết Văn tế cũng rất hay, rất sắc, rất chắc chứ không hời hợt pha hài hước như tôi.
Các thể thơ truyền thống của Vui cũng rất nhuyễn.
Dường như vốn văn hóa Đông phương của Bloger này cũng dày, trong đó có khả năng dùng những từ Hán-Việt.
Tôi không có được khả năng ấy và tôi đã phạm một lỗi nghiêm trọng khi nghĩ rằng "Không biết thì tốt nhất là không thích" ..., nghiêm trọng hơn, tôi lại bộc bạch ý nghĩ ấy với Văn Vui (Khi đã coi Bloger này là bạn thân bởi yêu vì chất lính, trọng vì tài viết đa dạng) như một người ghét dùng những từ Hán Việt trong khi có thể dùng những từ thuần Việt để thay thế...
Và dường như đã làm Bloger này không hài lòng...
Khi mình đã phạm lỗi mà cố thanh minh trên mạng này, chắc chả tích sự gì, có khi còn bị nhiều người ghét mình hơn... Tôi nghĩ thế và đành im lặng... Từ đó quan hệ chúng tôi không tiến triển nữa.
Tuy nhiên tôi vẫn vào đọc thơ Văn Vui thường xuyên, chỉ e bạn giận nên không để lại cảm nhận.
Thơ Văn Vui ngoài nghệ thuật sử dụng câu chữ, niêm luật rất chỉnh chu thì nội dung luôn đượm một tình cảm khó tả.. tác giả thường nhắc đến sự bạc bẽo tình người, nhất là tình bạn.
Tôi đánh giá cao khả năng của Văn Vui nên vẫn vào "ngó trộm" là vì thế.
Bữa trước thấy Vui đăng bài ngụ ý có cháu bệnh nặng không qua khỏi. Tôi đã có lời chia buồn.
Hôm nay thấy: THUA TOÀN TẬP, tôi đoán được nội dung, vào xem thì .., quả vậy.
Vui từng là sỹ quan quân đội,từng tham gia chiến tranh biên giới nhưng dường như xuất ngũ một cục gì đó, nay chả được tý chế độ nào, lao động vất vả lắm.
Cháy nhỏ nằm viện, ông và bố mẹ nó dốc hết tiền của mà cuối cùng vẫn về tay trắng... đúng là "Mất cả chì lần chài".
Xin đăng lại cả bài của Vui và cảm nhận của tôi:
=-=-=-=
THUA TOÀN TẬP
Vanvui
Trả lại áo chăn…đồ bệnh viện
Bố con thất thểu dắt nhau về
Sức chẳng nên công, tiền đổ biển
Thua! Thua toàn tập, thật thảm thê!
Cảm ơn Chú Sáu Miệt Vườn. Cảm ơn bác Phẫu(tôi), bác NgonNguyen. Cảm ơn "Nhóc"Bình và bạn VTr. Cảm ơn mọi người đã chia sẻ, động viên, tiếp sức cho tôi cùng gia đình, vượt qua cơn gia biến tang thương vừa rồi.
=-=-=-=
Cảm nhận: Phauthuattk
Lần nữa chia buồn cùng gia đình!
Rất tiếc không được biết từ trước khi "Không thể làm gì hơn".
Hôm nay đọc bài mới lại biết "Thua toàn tập", tôi hiểu là 2 tập; tập tính mạng và tập kinh tế.
Tâm lý người Việt ta khi người nhà bệnh trọng thường "Dốc sức" cứu chữa... cũng như mang toàn bộ nội lực để "Chiến đấu" mà không biết rằng mình đang đánh con kiến hay con voi... có thể hay không thể thắng nổi.
Một trong những điều tôi thường tâm sự với các bác sỹ trẻ hơn tôi là:
-Đừng để sau khi một người chết thật thì cả nhà người ta ... chết dở.
-Càng đừng để một người chết dở và cả nhà người ta ... chết thật.
Ví dụ: cố chữa một cháu 14-20 t bị chấn thương sọ não nặng, mà biết chắc chắn rằng cháu chỉ sống thực vật... thế là sau một vài tháng nằm viện, cả gia đình ấy Hết tiền..., Hết sức..., mang cái xác "không chịu chết" về nhà tiếp tục một cuộc chiến đấu lâu dài.
Bố mẹ mất việc
Anh em mất học.
Gia đình người bệnh sẽ như một đoàn tàu đổ dốc sang hẳn một thế giới hoàn toàn khác cái thế giới mà họ đang sống.
Thôi, mong hai Bạn và hai cháu sớm quên, hoàn cảnh này các bạn vẫn có thể làm lại từ đầu.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

HỊCH TƯỚNG SỸ THỜI @..!

Thường nghe:
Ngô Quyền đóng cọc Bạch đằng, quân Nam Hán chết chìm đáy bể.
Hai bà Trưng cưỡi voi đuổi giặc, Tướng Mã Viện bỏ chạy tơi bời.
Hịch tướng sỹ, Trần Hưng Đạo, thảo lý lẽ đất trời.
Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi, vẽ rạng rỡ non sông.
“Nam quốc sơn hà”, Lý thường Kiệt bạt hồn quân Tống.
“Toàn quốc kháng chiến”, Hồ Chí Minh, khiếp vía Phăng-xe.
Vó ngựa Quang Trung, binh tướng Thanh, khiếp đảm.
Pháo binh Tướng Giáp, quan quân Pháp bạt hồn.

Ta cùng các ngươi sinh ra trong thời đánh Pháp.
Lớn lên đi đánh Mỹ noi gương.
Những tưởng 30-4 là cuối con đường, hòa bình đến ngàn năm hưởng thụ.
Đâu biết có một ngày “Thành trì” sụp đổ, chỗ dựa không còn…
Càng không ngờ, bấy lâu nuôi ong tay áo, “anh em” chi, “hữu hảo” chi chi.
“Tọa sơn quan đấu”, nướng dân ta đến kẻ cuối cùng.
“Khuấy nước béo cò”, Hoàng Sa nhanh chân cướp mất.
Xúi Pôn Pốt, mổ bụng moi gan, phía Tây Nam ngày đêm quấy phá.
Lùa Sơn Cước, chém đầu cắt cổ, phía Bắc tràn sang.
Đang lúc “bao cấp” buộc ràng, bụng lép xẹp phải đứng lên cầm súng.
Kể từ những “Tốt”, những “Vàng”, thuyền có lái mà cứ như mất hướng.
Dựa công ước, nắn dòng Quế, thác Bản Dốc lấy đi một nửa.
Ỉ thế lớn, điều nước nhỏ, ải Nam Quan, trọn vẹn thu về.

Ta thường:
Ngồi tiệc yến mà không thấy ngon.
Rúc biệt thự mà không thấy thích.
“Chỉ căm tức chưa xả thị, lột da, ăn gan, uống máu quân thù”
Dẫu cho trăm thân này phơi trên Phây Búc.
Ngàn xác này gói trong Ai Phét.
Ta cũng cam lòng…!

“Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền”
Chưa có nhà thì ta cấp đất…, sổ đỏ hẳn hoi.
Lộc ít thì ta tăng lương…, quyết định đàng hoàng.
Chuyện bán đất, khí tài.
Chuyện nghĩa vụ bằng tiền.
Chuyện lấy không sức lính.
Chuyện “Dự án” chia nhau.
Chuyện bán tước mua quan.., ta biết cả mà vẫn làm ngơ…!
Ta đối đãi với các ngươi như thế
So với những ông vua Ai Cập, hút dầu đem bán, hỏi có kém gì..?

Thế mà các người:
Thấy người ta mang dùi cắm vào nhà mình mà không ai ho lên một tiếng…
Thấy họ biến đảo của mình thành chiến lũy mà không biết căm…
Biết họ giả kinh doanh thọc vào tận hang cùng ngõ hẻm mà không biết sợ…
Nghe họ gọi “Hoang đàng” mà không biết nhục.

Các ngươi.
Huân chương đầy ngực chỉ để ngắm vuốt vào ra.
Chậm phong tướng lại “tâm tư” diễn biến.
Người mê mẩn uýt ky, cô nhắc, Hoàng đế, Mao đài mà quên việc nước.
Kẻ say đắm chân dài, ka ra ô kê mà nhãng việc quân.
Người trí thú trang trại, cửa hàng đến quên phép bố phòng.
Kẻ mải mê đầu tư, chứng khoán đến nhãng cách tấn công.
Người u mê thần thánh, đồng cốt chập choeng.
Kẻ mộng mị lô đề, chìm cơn đen đỏ.
Ngồi đâu cũng có thể chơi tá lả.
Đến đâu cũng chém gió tơi bời.

Nếu có giặc tràn sang thì:
Vàng-Đô dẫu lắm chẳng thể hối lộ để chúng rút lui.
Mắt xanh, móng đỏ sao làm chúng u mê buông súng
Ron roy, lơ súc sao húc nổi xe tăng.
Cúng thần thánh sao đẩy lui quân giặc.

Lúc ấy:
Chẳng những cơ sự của ta bị tan thành mây khói.
Mà điền trang, Rì sọt của các ngươi cũng chẳng thể còn.
Chẳng những danh ta đời đời mang tiếng là tướng thất truyền.
Mà con cháu các ngươi cũng ngàn năm làm thân trâu ngựa.
Chẳng những của cải của ta, đã chôn dưới đất vẫn bị tịch thu.
Mà tài khoản các ngươi dẫu gửi bên Thụy Sỹ cũng chẳng qua phong tỏa.

Đến lúc ấy, dẫu các ngươi muốn tu, muốn tỉnh, hỏi còn có được không…?

“Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy”
Biết phát huy dân chủ mà cầu lấy sức mạnh toàn dân.
Khéo tận dụng ngoại giao mà tranh thủ tình hình thế giới.
Mài dũa nghệ thuật ông cha sẵn có.
Ắp đết công nghệ năm châu mang về.
Trong thì “Đổi mới thật sâu” theo kế vững bền.
Ngoài thì “Bang giao thật rộng” làm mẹo thời cơ.

Khiến cho:
Ngô Bảo Châu chỉ là chuyên gia cấp xã.
Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ là vô địch cấp thôn.
Tướng Tướng, ai cũng thành Giáp, thành Tấn, Thành Tài…
Quân quân ai cũng như Lê Mã Lương, Phạm Tuân, Tiến Duật…(Ngày ấy)

Thế thì:
Chẳng những kẻ thù phải bạt vía, không dám ho he.
Mà giang sơn chỗ mất, cũng có cơ thu về một mối.
Chẳng những quan quân chúng ta giữ được “tiếng vang” bền vững.
Mà trăm triệu dân Nam cũng được hạnh phúc dài lâu.

Lúc bấy giờ, ta và các người.
Dẫu không muốn ăn chơi nhảy múa, cưỡi ngựa, xem hoa…
Phỏng có được không..???


Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Cảm nhận-MẸ TÔI-Nguyễn Trọng Tạo

Bên chị Chúc có bài thơ Mẹ tôi của Nguyễn Trọng Tạo.
Lão này "Chất nghệ" đầy người, thơ hay thật..!
Đúng là người nào văn ấy.
Ngắm Trọng Tạo, nhất là khi hắn cười... thể nào bạn cũng có một cảm giác là lạ.., nó vừa thân mật, gần gũi đúng là phong cách của một nghệ sỹ lớn nhưng nó lại thoang thoảng vẻ chua chua, chát chát... rất khó tả... Tôi đồ rằng lão đã, đang và sẽ còn phải xơi cái món chua chua, chát chát ấy dài dài.
Hôm nay đọc bài thơ của lão, cái hình ảnh người đàn ông tóc dài, ngồi xếp bằng tròn, mặt đỏ gay, ít nói, ít cười.., nhưng hễ nói là cười, hễ cười là người ta lại có những cái cảm như đã mô tả.
Bài thơ này cũng vậy, hay.., thật hay nhưng vẫn đượm tính cách Trọng Tạo đến khó chịu.
=-=-=-=
Nguyễn Trọng Tạo
MẸ TÔI
Mẹ tôi dòng dõi nhà quê
Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu
Áo sồi nâu mấn bùn nâu
Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên .
Cha tôi chẳng đỗ trạng nguyên
Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà
Mẹ tôi chẳng tiếng kêu la
Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu .
Chồng
con duyên phận phải chiều
Ca dao ru lúa câu Kiều ru con
Gái trai bảy đứa vuông tròn
Chiến tranh mình mẹ ngóng con thờ chồng .
Bây giờ phố chật người đông
Đứa nam đứa bắc nâu sồng mẹ thăm
Tuổi già đi lại khó khăn
Thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên .
Mẹ tôi tóc bạc răng đen
Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê.
Năm 2007 NTT
=-=-=-=
Thấy Trọng Tạo phải vào xem cho phải đạo.
Cái người viết được:
"Quá nửa đời xuôi ngược
Con lại về úp mặt vào sông quê'
Thì chẳng phải vừa.
Đắt nhất cà câu:
"Ca dao ru lúa câu Kiều ru con"
Đã định góp ý đổi chữ ru thứ nhất thành chữ "chăm" cho gần với người đọc nhưng như thế thì mất bố nó già nửa giá trị câu thơ còn gì.
Những câu ca dao chứa đựng kinh nghiệm trồng lúa cứ được mẹ thuộc lòng, mẹ lầm nhẩm nhắc lại khi gieo mạ, làm cỏ, bón phân.., mẹ dùng kinh nghiệm ấy, những câu ca dao ấy để ru cây lúa ngủ ngoan, hay ăn, chóng lớn.. cũng như con ngủ ngoan, hay ăn, máu trưởng thành vậy..
Người nông dân thường được nghĩ đến với những thứ thô kệch.., thô từ đường ăn lối ở đến cách nói, cách làm nhưng Trọng Tạo phát hiện ra Mẹ "ru lúa bằng ca dao" thì quả lài tài tình... ngoa mà không cãi vào đâu được... Hay!
Tuy nhiên, dù là "Trọng" Tạo hay "Khinh" Tạo vẫn có chỗ .., hơi khó chịu một tý.
1-Dù là để làm nổi bật cái chất nghệ sỹ, cái trình độ văn hóa đến siêu phàm "Ru lúa" nhưng mở đầu bằng:
"Mẹ tôi dòng dõi nhà quê"
Nghe rất khó chịu.
Hai tiếng "Nhà quê" tôi thường nghe với cảm giác "khinh thường" kẻ "khinh người". hai câu ấy thường chui ra từ mồm mấy bà buôn bán vặt, cũng mới chân lấm tay bùn đi ra (Có khi sợ chết đói mà bỏ quê tới chốn thị thành), chữ nghĩa chả biết, cũng chả biết gì về cái thị thành nơi mình đang sống ngoài con hẻm tối tăm và góc chợ tanh hôi.. nhưng để thể hiện cái "Hơn người" thì chẳng còn gì hơn là gọi những người ở cái nơi mình vừa chui ra ấy là "Nhà quê!".
Thế mà Trọng Tạo lại dùng hai từ ấy để nói về mẹ.., mà lại "Dòng dõi nhà quê" nữa chứ..!
Chỉ có dòng dõi khoa bảng, dòng dõi quan chức, nghề hay trộm cướp đĩ điếm chứ làm quái gì có "Dòng dõi nhà quê"..! Ngoa đến thế là cùng.., thảo nào, viết được "Úp mặt vào sông quê'! Chả biết từng úp mặt vào những... đâu chán rồi mới về...!
2-"Áo sồi nâu mấn bùn nâu
Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên ."
Chữ "mấn" chắc từ địa phương...? Nếu dùng "lấm" có lẽ không phạm luật mà phổ thông hơn.
Tuy nhiên, câu này hay vì hai chữ "nâu" và làm nền cho câu sau càng hay hơn.
Tôi hiểu "trắng trong" với hai nghĩa
-Các thôn nữ vì phải làm việc ngoài đồng, dù nghèo đến mấy thì khi còn ở tuổi cập kê cũng được quan tâm hơn, đặc biệt là những cái mặc ở ... "Bên trong". Nên cái yếm của mẹ ngày ấy trắng thật, sạch thật, đẹp thật..
Từ ngày xưa, khi người con gái làm lụng ngoài đồng thì từ cái khăn mỏ quạ che nắng, cái áo gụ, cái quần thâm, đôi sà cạp.. đều là những thứ "Bảo hộ lao động", cái "bên trong" mới thể hiện đúng chất, cái sạch, đẹp, tương phản với bùn nâu, áo nâu.
-Khi thấy "Bắc cầu nên duyên" thì người ta còn hiểu "trằng trong" với một nghĩa nữa, nghĩa tâm hồn.
-Cũng phần nào.., có thể lắm.., ngày ấy.. bố mình bị hút hồn bới cái dải yếm trắng trong ấy mà nên duyên..., thế thì chữ "Bắc cầu" chả đúng lắm sao..!

Tôi đã "nhậu" với T Tạo vài bữa, khoái người nghệ sỹ này ở nhiều điểm nhưng khoái nhất khi thấy anh gọi một Fan nữ là ... "Văn doanh" với hàm ý chê bai những kẻ háo danh, mượn văn thơ nghệ thuật để kiếm sống bừa bãi.
Uống nhiệt tình lắm, chả biết dạo này lão ấy có khỏe..???

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

NGHỊCH LÝ..!

Bà cụ già
Da nhăn nheo
Gùi nặng
Qua đèo
Hướng về nhà
Lưng chừng núi

Nụ cười
Mắt nheo
Người vui theo
Không biết nghèo
Vui lắm..!

Em váy thắm
Anh mũ nồi
Đỉnh núi ngồi
Giữa trời đất...

Những người Mèo
Sống treo leo
Trên sườn núi
Xe hơi, biệt thự..,
Chả có nghĩa gì..!

Thằng bé lớp ba
Mắt lồi ra
Cận thị
Không biết chơi bi
Không có sân bóng
Học xong
Chỉ biết điện tử chơi gêm
Chút phản xạ
Không kỹ năng
Không cơ bắp
Tay bé
Bụng to
Mắt lồi đờ đẫn...

Ông nghệ sỹ
Ngồi bên đàn
Khô khan nốt nhạc
Vô hồn

Lũ thanh niên
Chỉ biết nghe uỵch uỵch cuồng điên
Lắc lư, uốn éo
Không biết một câu dân ca
Nơi cụ kỵ ông cha
Đã sống...

Người hàng rong nhẫn lại
Bán những thứ độc hại
Công chức mặt dầy
Bài bây, kiếm sống
Thầy giáo, thầy thuốc, thầy mo
Uốn éo, quanh co
Lấy tiền tồn tại...

Ở những chỗ được gọi là nhà
Nhìn kỹ lại thấy giống cái sân ga
Bởi mỗi người một ngả
Không có nề nếp trước sau
Không biết yêu thương nhau
Có chăng
Hoàn thành bổn phận...

Quánh đặc khí thở
Loãng toẹt tình người
Nụ cười
Vô nghĩa..!

Người từ trong phố đi ra
Khinh khỉnh nhìn những người ở vùng sâu vùng xa
Ai giàu..?
Ai nghèo..?
Ai man ri..?
Ai mọi rợ…?

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nhân một ca ĐỘNG KINH - Lại nhặc chuyện uống rượu an toàn

Thằng Tiến 42t ở Cổ Nhuế, tối qua đi nhậu về ngã xuống cống, dậy được lại ngã đập mặt xuống đường, sáng nay vợ thấy hai mắt nó thâm tím nên đưa đến viện.
Khám thấy:
-Máu tụ hình mắt kính (Như người ta đeo kính mát vậy)
-Tỉnh táo
-Không liệt
-Thị lực bình thường.
-Tay run (Cô vợ nói tay hắn run từ lâu rồi vì uống nhiều rượu, bia thì gần như thay nước)
Trên phim CT có vẻ vỡ trần hốc mắt hai bên, không có thương tổn nội sọ.
Khoảng 1h sau hắn lên cơn động kinh điển hình.
Người nhà rất lo lắng, tìm tôi trao đổi, qua chuyện được biết:
-Tuy không nhiều nhưng ngày nào Tiến cũng uống rượu, có ngày uống ba bữa,
-Tiến là người hiền lành, thương vợ con, chăm chỉ.., hai vợ chồng mở hiệu làm đầu, Tiến phụ trách khâu cắt tóc, nhưng thường khi cứ cắt xong một cái đầu là lại uống bia.
Cần xác định nhưng suy đoán của riêng mình, tôi sang buồng bệnh, mời người nhà ra ngoài hết để chuyện riêng với Tiến.
-Nghe nói, em uống nhiều lắm phải không..?
-...Trước kia em uống nhiều lắm nhưng bỏ rồi..!
-Bỏ được bao lâu rồi..?
-Khoảng ... 1 tháng..!
-Thế tay bị run đã lâu chưa..?
-Cũng lâu rồi anh ạ..?
-Từ ngày bỏ rượu tay lại run nhiều hơn đúng không..?
-Vâng..! Đúng thế..!
-Này..! Nghe nói, cứ cắt xong một cái đầu là lại uống bia..., đúng không..?
-Vâng...!
-Tôi hỏi thật nhé.., những lần uống ấy là do thèm bia hay phải uống để tay khỏi run..?
-Uống để khỏi run anh ạ...!
-Rồi..! Nằm nghỉ đi.., khỏe, tôi sẽ nói chuyện thêm với ông nhé...!
Các bạn thấy không:
1-Rượu bia sau khi vào cơ thể cần được thải ra ngoài qua thận (Đái ra rượu) qua phổi (Thở ra rượu) qua mồ hôi (Mồ hôi có mùi rượu)... và một đường nữa là chuyển hóa qua gan.
Hãy hình dung gan như một cỗ máy lọc, nếu lọc hét mẻ này rồi được nghỉ ngơi một thời gian, cỗ máy sinh học sẽ tự tân trang lại mình để đón nhận một đợt lọc khác.
Nếu lọc chưa xong đã nhận đợt mới thì gan phải làm việc liên tục... cũng như người ta vậy, nếu làm chưa xong việc này đã có việc khác chờ sẵn.., cứ thế.., cứ thế.., nếu buộc phải cố gắng liên tục.. người ta sẽ gục ngã vì kiệt sức.
2-Tiến uống đến mức hễ không có rượu bia là run tay, chứng tỏ đã có thương tôn ở hệ thần kinh (Đặc biệt là tiểu não)
3-Tiến quả là người có trách nhiệm, thương vợ con (Một cháu học lớp 10, một lớp 6) sau khi cắt xon một cái đầu, hắn phải uống để có thể tiếp tục làm việc... Hắn không biết rằng như vậy tay hắn sẽ run ngày càng nặng hơn.
Trước khi khuyên hắn, tôi muốn lần nữa nhắn các "Bợm" mấy điều:
1-Không nên uống đều đặn, nếu liều rất thấp (3 chén hạt mít) cũng phải cách ngày.
2-Người như Tiến (42 tuổi, đã uống rất nhiều) thì ít nhất 2 tuần mới được uống 1 trận, tuy nhiên có thể uống "Tẹt ga" miễn sao đừng tai nạn
Như vậy, gan và toàn bộ cơ thể có thời gian để tự phục hồi.
3-Như một phản xạ tự vệ, người uống rượu thường nói nhiều, những người khác không nên ngăn cản mà ngược lại cần để người say nói, cười, khóc..., hay tốt nhất là rủ người ấy đi Ka-Ra-Oke.. để rượu được thải nhanh qua đường thở.
4-Khi vui chuyện, lại .. phê phê người ta quên phản xạ đi đái. Vậy khi biết mình uống đã nhiều nên chăm chỉ vào toa lét.., bạn sẽ đái được và đái nhiều hẳn hoi.., mức chênh lệch áp lực ở cầu thận, đài bể thận sẽ thúc đẩy thận làm việc và thải rượu nhanh hơn.
5-Nếu có thể thì hãy... Nôn ra... Đừng tiếc!
6-Vận động để ra mồ hôi cũng là một cách thải rượu.
Như vậy, so với những lời khuyên truyền thống thì có vài ý khác:
1-Không uống đều đặn (Vẫn được dùng trạng từ "Điều độ")
2-Không cản người say nôn, nói, vận động.
3-Nếu còn có thể thì sau khi uống nhiều rượu không nên... đi nằm, rượu sẽ phát huy hết "Tác hại" với cơ thể của bạn

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Chơi với Mỹ và Trân trọng Nga

Trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài: “"Chơi với ai, hãy để người Việt Nam quyết định" của tác giả HỒNG THỦY
Bài viết này hay quá, đa tác dụng, vừa giữ được cái tình của người Việt với người Nga, vừa giữ được cái lý của việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ.
Còn nhớ, trước 75 ở Sài gòn có bài hát vui về Mẹ chồng-Nàng dâu, có câu: “… Như Nga với Mỹ, có bao giờ thương nhau…”
Nga và Mỹ là hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới nên chừng mực nào đó, họ đối đầu nhau cũng là nhẽ đương nhiên.
Liên Xô trước kia từng giúp Việt Nam rất nhiều để đánh nhau với Mỹ, không có vũ khí Nga thì không thể có những trận đánh lớn được.
Nhiều thế hệ chất xám VN được đào tạo ở Liên Xô trước kia và Nga ngày nay, những chất xám này đang giữ vai trò chính của trong bộ máy chính trị, khoa học công nghệ, kinh tế VN.
Trong dân chúng VN truyền tụng vô cùng nhiều những truyện Ông anh Trung Quốc chơi khăm ông em Việt Nam, trong đó những “Cú” ra tấm ra món là:
-Chiến tranh biên giới 1979
-Vị Xuyên 1984
-Hoàng Sa 1974
-Gạc Ma
-Thác Bản Dốc
-Ải Nam Quan
-Và nhiều dự án kinh tế “rờn rợn” khác
Nhưng cũng trong dân chúng VN lại chỉ thấy những câu chuyện đầy thiện cảm về các chuyên gia Nga-Xô, hầu như người Nga, nước Nga không lấy gì của Việt Nam, không “Chơi đểu” VN bao giờ.
Dẫu Việt Nam tự nguyện làm tuyến đầu trong cuộc chiến giữa hai phe, xương máu người VN đổ xuống để khẳng định “Tính hơn hẳn của CNXH” thì việc tri viện của các nước khác trong “Phe” cũng là điều tất nhiên, dễ hiểu.
Dẫu lịch sử phán xét cuộc chiến tranh Nam Việt Nam như thế nào.
Thì những người như tôi vẫn mãi mãi biết ơn nước Nga, biết ơn người Nga. Người dân Việt Nam mừng cho người dân Nga vì những đổi thay kinh tế, chính trị.., hy vọng nước Nga sớm hòa nhập với đời sống dân chủ Âu châu.
Ngày nay, Nga và Việt chỉ có lợi ích chung chứ không có mâu thuẫn, tranh chấp, trong khi quan hệ Việt-Trung như cái chùm gai bọc lụa, thời gian cùng những thử thách đã khiến lớp lụa bị mục nát.., gai nhọn hoắt đã tòi ra rõ mồn một… 
Ngoại giao thì cứ phải nói thế này thế khác thôi chứ trong tâm trạng người Việt “bình thường” thì ngấy Trung Quốc đến tận đầu rồi (Chứ không phải đến tận cổ nữa)
Cục diện thế giới khiến Nga - Trung có thể phải gần gũi nhau hơn.., đó là công việc nội bộ, là tình huống bắt buộc.., người Việt Nam không ai buồn vì điều đó.
Mong nước Nga và đặc biệt là người dân Nga hiểu rằng; Chơi với Mỹ không có nghĩa là người Việt Nam không trân trọng người Nga.