Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

HỌC...!

Khi nước mắt em rơi.
Anh học bài, đau khổ
Hòn đá lăn trên phố
Ta học, đức kiên trì

Khi em, bỏ ta đi
Anh học, về nguồn cội
Thấy dáng em, rất vội
Anh học cách, gọn gàng

Đi qua, một đám tang
Ta học bài, hiếu thảo
Nhìn đứa trẻ, mếu máo
Ta học, cách dịu dàng

Thấy hoàn cảnh, trái ngang
Hãy học bài, kiềm chế
Nếu giữ, mà không thể
Học chấp nhận, em ơi

Cứ như thế, ở đời
Bao giờ thôi, sự học
Để mình vơi tiếng khóc
Thì học nữa em ơi…!

Duệ Mai thêm

Có những bài đã học
Bây giờ lại muốn quên
Ta đành học bình yên
Ở trong miền bão tố

TÌNH YÊU NƯỚC, YÊU TỔ QUỐC...!

Yêu nước, yêu tổ quốc là “Cõi thiêng” trong mỗi con người, động vào cõi thiêng ấy là việc nên tránh, thế nên xin bạn đọc hiểu cho, tôi không muốn..., không dám động vào “Cõi thiêng” ấy.
Ai yêu nước...? Ai không...? Ai yêu nhiều hơn ai ...? Ai nói ra rằng mình là người yêu nước …? và...Ai tin lời nói ấy...?
Thế nhưng vì bài trước trót đưa ra và nhiều bạn đọc đã cho ý kiến nên tôi đành liều mạng bàn thêm.
Chân thành mong được góp ý!
Ai đó đã viết:
“Con chim dẫu bay đến phương trời nào cũng luôn nhớ về tổ, con cá dẫu đến góc biển nào cũng luôn nhớ về nguồn...”
Hàng năm, ta vẫn chứng kiến những cuộc di cư của các loài động vật, trong đó nhiều cuộc do tìm kiếm thức ăn, nhiều cuộc theo thời tiết nhưng cũng không ít những cuộc di cư không thể giải thích được.
Điều gì khiến đàn cá hồi trở về đúng nơi đã được sinh ra để hoàn thành nghĩa vụ duy trì giống nòi rồi kết thúc cuộc đời… ? 
 Có câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là ý nghĩa gì...? 
Phải chăng người ta ai cũng có nguyện vọng đến cuối đời, thậm chí sau khi đã lìa đời được trở về nơi chôn rau cắt rốn…?
Tại sao mỗi chúng ta, dẫu ở độ tuổi nào..., làm đến chức danh gì..., của cải có bao nhiêu ..., vẫn muốn được sà vào lòng mẹ..., rúc đầu vào bầu vú mẹ...?
Nơi ta được sinh ra, nơi ta mở mắt nhìn trời nhìn đất, nơi ta chập chững những bước đầu tiên…, phải chăng đó là quê hương...?
Đất nước là gì...? Phải chăng đơn giản là nơi có đất có nước...? Trên trái đất này, ở đâu có đất có nước là ở đó có con người sinh sống và người ta được sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở đâu thì gọi đó, coi đó là Đất nước của mình...
Tình yêu với nơi mình sinh ra, với trời, mây, đất, nước, cây cỏ… với những người đã sinh ra ta, những người quanh ta… Đó là tình yêu quê hương đất nước!
Nơi ấy trời cho ta không khí để thở, đất nâng bước chân ta, trời đất cho ta cùng muôn loài sinh sống…, dẫu nghèo khó khô cằn, chẳng có ai là người không yêu quê hương đất nước ấy?
Thủa loài người còn sơ khai, chỉ biết chống chọi, chung sống với thiên nhiên và muôn loài thì làm gì có biên giới..., những người ở những vùng đất khác nhau, núi cao, trung du, đồng bằng, sông biển có phương thức sống ít nhiều khác nhau và họ coi đó là ... “Lãnh thổ” của mình, và họ đã đoàn kết, làm hết khả năng không cho người ở nơi khác xâm chiếm lãnh thổ đó..., đấy là khái niệm về đất nước, là biểu hiện của tình yêu tổ quốc...
Khi loài người phát triển, kẻ mạnh thôn tính kẻ yếu, người ở vùng nọ thôn tính vùng kia, dần mà hình thành khái niệm mới về đất nước.
Trong cái đất nước mới ấy vẫn có kẻ mạnh người yếu, người đi thôn tính và người bị thôn tính.
Ví như nước Úc, nước Mỹ kia, vốn là của những người Thổ dân, chỉ vì chậm phát triển, không địch lại được với súng đạn nên phải nhượng bộ những người nhập cư rồi đành ngồi nhìn họ thành chủ yếu, mình thành thứ yếu…
Những người dân ở Tây Tạng có đất trời riêng, có lịch sử văn hóa lâu đời riêng, nay còn mất lại phụ thuộc vào những người ở tận Bắc Kinh…
Cái sự mở nước (Xâm lược) và mất nước đã là lâu lắm rồi, và cũng từ lâu lắm rồi những tộc người đồng hóa lẫn nhau tạo nên một khái niệm dân tộc mới, để bây giờ khi nói người Nga, người Hoa, người Mỹ… người nghe hiểu đó là những người sinh sống trên cái vùng lãnh thổ được phân định ấy.
Cũng giống như khi nhắc đến người Việt là nói về những người sống trên mảnh đất hình chữ S ở đông nam Á này, bất luận người đó là Kinh, Thái, Ê đê hay Khơ Me…
Lịch sử hình thành biên giới gắn liền với những cuộc chiến tranh thôn tính giữa các thế lực cầm quyền, Thoạt đầu là các Tù trưởng, thủ lĩnh, đến các ông vua của các triều đại phong kiến, rồi đến các thể chế chính trị như ngày nay.
Nhà cầm quyền nào cũng muốn chiếm đất chiếm dân, làm lên chiến thắng hay thất bại là những người lính mà thực chất là dân..., nếu thất bại thì chỉ có Vua mất nước, còn đất và dân lại thuộc về một quốc gia khác của một ông Vua khác to lớn hơn. Nếu thành công thì dân vẫn thế nhưng đất mới, dân mới vẫn thuộc về Vua... Suy như thế, trong các cuộc mở đất xưa kia thì Vua có thể được có thể mất nhưng người dân thì chỉ có mất chứ chẳng bao giờ được gì…
Thế nhưng, để người dân hăng hái ủng hộ, xả thân cho sự nghiệp của mình, những ông Vua xưa kia phải dùng chính sách mị dân, họ dụ dỗ, đe dọa và nếu người dân không theo thì họ thẳng tay đàn áp.
Một trong những thủ đoạn mị dân là họ khéo léo biến cái tình yêu quê hương đất nước vốn có trong mỗi con người kia thành tình yêu chế độ của họ, biến cái ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước quê hương thành bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Khi đất nước có nội chiến, tức là những cuộc tranh chấp quyền lực, mỗi bên đều ra sức dành dân dành đất và bằng những thủ đoạn của mình họ khiến những người dân của họ thù oán ông vua bên kia rồi thù oán cả những người dân bên kia…Mỗi ông Vua đều muốn dân chúng hiểu rằng: Theo bên này là yêu nước, là chính nghĩa, theo bên kia là ngược lại.
Các ông Vua phong kiến như thế và các nhà nước tư sản cũng thế, ở đó tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng vốn có đã bị lợi dụng, bị lái theo chiều hướng: Yêu nước là trung thành với vua, yêu nước là yêu chế độ.
Nếu nhà nước XHCN thực sự là của dân, do dân, vì đân thì chỉ ở đó, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu chế độ mới có thể hòa thành một, yêu Đảng là yêu nước, yêu chế độ là yêu quê hương, tổ quốc…
Tuy nhiên, bởi chúng ta đang được sống trong cái xã hội tốt đẹp đó đã gần bảy mươi năm, thời gian vừa đủ một đời người (có nghĩa là, đa phần những người đang sống một cách tỉnh táo đều được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chế độ XHCN tốt đẹp này) chúng ta đã quen hiểu, quen gộp tình yêu quê hương, đất nước với tình yêu Đảng, yêu chế độ XHCN.
Điều đó không sai vì Đảng, Chế độ ta hoạt động, chiến đấu vì mục đích: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 
Nhưng ta cần hiểu những tình cảm ấy của con người không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể hòa thành một như vậy...!
Nếu lấy Đảng Cộng sản Trung Quốc làm ví dụ, là một đảng anh em, đã từng giúp ta toàn diện, từ lý luận chính trị để ta xây dựng củng cố đảng, từ vũ khí để ta đánh nhau với những người Việt ở Miền Nam, với quân đội Mỹ..., đến miếng lương khô, cái quần đùi cho bộ đội ta mặc... khi ấy ta gọi những người lãnh đạo ĐCSTQ là “Đồng chí”, là “Anh em”, nhưng khi những người ấy lùa quân qua biên giới cướp bóc, bắn giết binh lính và người dân Việt thì ta gọi họ là “Bè lũ phản động”. Và khi ấy, tình yêu Tổ quốc của người dân Trung Quốc có đồng nghĩa với tình yêu ĐCS TQ...?
Một Đảng to như thế mà lọt vào tay một “Bè lũ phản động”, nhỏ như ta, liệu có lúc nào đó ĐCS VN cũng bị lọt vào tay một “Bè lũ phản động”...? Và khi đó (Nếu có) thì tình yêu đất nước của dân ta phải được thể hiện thế nào đây...?
Khi Liên Xô đang là thành trì của phe XHCN, một nửa đời sống chính trị thế giới trông vào, dựa vào ĐCS Liên Xô, thế mà ông Góc Ba Chốp, Tổng bí thư, tuyên bố giải tán đảng... Tin rằng, những người thật sự trung thành với lý tưởng cộng sản sẽ coi ông ta là kẻ “Phản động”..., một đảng lớn như thế mà một tên “Phản động” có thể lên được đến TBT thì đảng ta liệu có là ngoại lệ...? Và nói dại chuyện ấy sảy ra ..., thì tình yêu Tổ quốc của ta... biết gửi về đâu...???
Tôi không nghĩ những người từng phục vụ trong quân đội VNCH và chế độ VNCH, những người di tản sau năm 1975 là những người không yêu nước bởi như tôi đã phân tích, Tình yêu quê hương đất nước dường như là thiên bẩm, họ yêu nước lắm chứ, nhưng sống ở chế độ nào cũng sẽ bị chính quyền ấy “Mị dân”, nên họ yêu nước, xây dựng đất nước theo cách của họ mà thôi...!
Họ không yêu Đảng của chúng ta, không yêu chế độ XHCN như chúng ta mà thôi...!


Họ đã là những kẻ chiến bại, đã bỏ nước ra đi, chưa chắc tôi đã đồng ý với họ nhưng cũng không muốn hiểu sai về họ./.

Cảm nhận về bài: Một tỷ người đã khóc...!

Đây là cảm nhận sau khi đọc "Một tỷ người đã khóc", tôi viết ở trang Thanh Quang ngày 06/05/2013.

Hôm nay, 30-4, không đi đâu, không thể viết điều gì.
Xem ti vi thấy câu chuyện hội nghị Paris với
-Lê Đức Thọ trao tài liệu gì đó cho phía Mỹ,
Người Mỹ nói
-Hòa bình trong tầm tay
Một hiệp định đã được ký tắt.
Nguyễn Văn Thiệu và phía Mỹ đề nghị sửa
Lê Đức Thọ báo nghỉ về Hà Nội xin ý kiến.
Trưởng đoàn Mỹ chúc ông Thọ về nghỉ giáng sinh an lành cùng gia đình.
Sự kiện 12 ngày đêm.
Và Hiệp định được các bên ký.
Trên những kênh chủ yếu của VTV những thước phim tài liệu, những bài phỏng vấn bài bản.
Lễ kỷ niện ở Sài Gòn
Tối nay chợt nghe tiếng nổ lục bục ngoài kia... À...! Bắn pháo hoa... Dân Hà Nội đi cả, đường phố vắng teo... sao không chờ họ về hãy bắn nhỉ... phí!

Vào trang, không viết được thì xem lại... thấy bài này... kể cũng đáng viết, đáng xem..!
Người Trung Quốc cũng như người Việt, họ có câu chuyện của một đứa trẻ ngoan mà không may khiến 1 tỷ người rơi nước mắt..., ở Việt Nam cũng có những câu chuyện về những đứa trẻ khiến hàng triệu người rơi nước mắt...,
Trong đời hành nghề, tôi đã nhiều lần phải rơi nước mắt, và câu chuyện rất nhỏ dưới đây, hóa ra còn có chị Hoa Mai phải khóc.

Xin giới thiệu lại xem còn có ai phải rơi lệ không...!

CẢM NHẬN TRÊN TRANG THANH QUANG

cũng như tôi, ông bạn viết dài quá.
Cái dài của tôi làm người đọc khó chịu.
Cái dài của ông làm tôi khổ, tôi tốn ..., nước mắt!
Ở Xanh-pôn (không dùng chữ nước ngoài), có thời kỳ tôi mổ não trẻ em nhiều lắm.
Thú thực, đôi khi mình làm việc như một cái máy nhưng cũng vài lần làm việc như một .., con người.
Những lần hiếm hoi ấy đủ cho tôi cảm nhận rằng "Hình như, những đứa trẻ có bất thường trong não lại rất thông minh, rất ngoan và rất đáng thương".
Nay chỉ kể một ca "Đơn giản mà không thể quên".
Cậu bé ấy 8 tuổi, học lớp 2 ở một vùng quê Hà Tĩnh.
Chỉ nhìn ông bố là biết nhà cậu nghèo đến thế nào.
Cái u hố sau mà trên hình ảnh cắt lớp cho biết "Lành ít, Dữ nhiều".
Ngày ấy, bệnh đông lắm, việc hoãn mổ (vì rất nhiều lý do, không vì phong bì) không phải là bất thường.
Người ta vào viện là nháo nhác tìm người thân người quen rồi thể nào cũng kiếm được người nhờ vả gửi gắm, thúc dục... Thật lòng, nhiều khi làm mình rất khó chịu.
Ngược lại, những người nhà (mà ông bố cậu bé là một), lặng lẽ, nhẫn lại, ít tìm gặp Bs lại khiến tôi đặc biết mến và quan tâm. Ông ta gày, nhìn ông ta bế con và ánh mắt nói lên tất cả. Có những khi tôi lặng ngắm nhưng có những lúc phải quay đi vì không chịu nổi.
Do hoãn mổ tôi mới biết. ngày hôm trước cậu đòi cha cho tắm rửa sạch sẽ rồi xin Cha (em gọi bố là Cha) cho đến Văn Miếu, quảng trường Ba Dinh.
Nhất định không chịu ngồi xích lô hay xe ôm, cậu nói
-Cha để con đi.., khi nào con mệt ... Cha cõng..!
Ở Văn miếu, cậu cũng sờ đầu rùa, vái lạy rồi đứng lặng ngắm đức thánh hiền (bố em kể lại).
Đến quảng trường, em không xin cha vào lăng mà ngồi trên cỏ lăng ngắm vẻ mặt rất thỏa mãn.
-Cha ơi..! nếu mai con chết..., cha đừng khóc nhé..! con đã đến Hà Nội, đã vào Văn miếu và đã nhìn thấy Lăng Bác Hồ..!
Trước cuộc mổ, tôi có một cuộc đối thoại ngắn với cậu ở phòng tiền phẫu. Đàng hoàng, nhẹ nhàng (yếu) thông minh, rất người lớn.. Đó là những gì tôi cảm nhận được sau cuộc nói chuyện.
Tôi vào phòng mổ trước để chuẩn bị, người cha tiễn con đến cửa ra của phòng tiền phẫu, tôi thấy cô y tá mắt ngấn lệ bế cháu vào. Đến cửa phòng mổ cậu không chịu, bám tay vào cửa hỏi.
-Bác Dũng đâu..?
Tôi lau tay chạy ra.
-Bác đây..! Bác sẽ làm đúng những gì ta đã bàn bac với nhau và con cũng cũng làm thế nhé.
Đã tĩnh tâm nhưng sau khi tôi đặt cậu lên bàn mổ, nhóm gây mê chuẩn bị làm nhiệm vụ, cậu nhoài người lên, với tay về phia cửa khẽ gọi
-Cha..a... ui..!
Cậu không khóc, không sợ hãi nhưng chúng tôi..., Tất cả cùng lặng đi đi, rơi nước mắt...

HÃY VUI NGÀY TẾT THỐNG NHẤT


HÃY VUI NGÀY TẾT THỐNG NHẤT

"Ngày mai sau cơ mê
Sông cạn lại thành dòng
Xuôi về ngọt quê hương

Ngày nắng mưa không còn
Nên đường dài, thật dài
Ta mặc tình rong chơi

Ta sẽ thăm từng miền
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà…

Còn tôi như cánh chim
Ngỡ vui nên bay xa
Sẽ trở về ăn năn
Tôi sẽ ươm thật nhiều
Trái yêu thương đầy cành
Hái đem cho mọi người.."

Hôm nay, 30-4 năm 2015, những tâm sự ấy của người lính hơn 40 năm trước lại ùa về trong tôi…
Có rất nhiều điều để nói,.!
Còn rất nhiều điều để nói…
Nhưng thôi, kỷ niệm ngày non sông thôi chia cắt, kỷ niệm ngày ngưng tiếng súng, kỷ niệm ngày máu ngững chảy (Nói chung thôi). Hãy hoan hỷ mừng cho nhau, hãy dắt tay nhau đến những nơi muốn đến…!
Còn tôi
Ngồi đây
Muốn rút niềm tâm sự.
Gửi lên Trường Sơn
Đến những linh hồn
Đã thấm vào vách đá
Đã hòa trong cây lá

Muốn sờ vào sỏi đá
Quảng trị, Khe Sanh
Để xoa hồn các anh
Nhân ngày Thống nhất

Muốn nhỏ giọt máu mắt
Thấm vào cát Quảng Bình
Hòa vào dòng Thạch Hãn
-Người ơi! Nghĩa nặng ơn sâu..!

Tôi không quên đâu
Các anh
Những người lính Cộng Hòa
Đã chiến đấu vì một nền độc lập
Đã mong mỏi một ngày thống nhất
Nay ở đâu.
“Quang Trung nắng cháy da người
Miền Trung hỏa tuyến địa đầu”
Những người nằm mãi bên cầu
Hòa khí phách vào dòng sông bến nước.

Đã qua rồi Thua-Được
Giờ chỉ còn, còn mãi những nỗi đau
Hãy tìm đến nhau
Mà hút chung điếu thuốc

Cho tôi lùa bàn tay vào những mái đầu trắng bạc
Gội nhiều mất mát hy sinh
Nâng những bàn tay khô chẳng lấy một chút cho mình
Chỉ cho đi, cho đi tất cả.

Gửi nén hương đến những linh hồn nghiệt ngã
Đồng Văn-Căm Bốt-Gạc Ma
Những hồn hải chiến Hoàng Sa
Đã về với Yết Kiêu, Hưng Đạo.

Hôm nay
Tôi ngồi nhớ quê tôi
Rừng vàng biển bạc
Gái trai chăm chỉ hiền lành
Nhớ cánh đồng xanh
Xanh tận miền xa tít
Nhớ miền Nam rạch kênh chằng chịt
Đầy ắp cá tôm.

Và tô nhớ
Thống nhất đã 40 năm

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

GIỚI THIỆU Thơ Duy Đức!

Anh là một người lính chiến, đúng hơn tôi phải gọi anh là ... Thủ trưởng.
Tôi và anh cùng có cái "ngược" trong chiến tranh, ấy là không khoe chiến công, giết được bao nhiêu "Tên giặc" được tặng danh hiệu gì, mà cứ âm ỉ sung sướng khi nhớ về giây phút đã giúp cho đối phương thoát chết.
Anh quê Thanh Hóa, nghe nói chị đã bỏ anh đi thật xa, ngày mới vào trang này (Blogtiengviet), thấy anh nhiều thơ .."Khóc vợ". Anh khóc chị và khóc chính mình... tôi hiểu và thương anh lắm... Nhưng chả nhẽ khóc cùng anh ư...? Không, tôi chê thơ anh ủy mị, nhắc anh phải sống vì anh còn rất hữu ích cho đời.
Thế rồi tình trong thơ anh dần chuyển về quê hương, con người. Người ta thấy ở thơ anh có dòng sông đời người, có người phụ nữ đi cấy "Cắm mặt xuống bùn" và "Chổng mông vào trời" ...
Có lẽ, tôi hợp anh vì những ý nghĩ muốn không rứt ra được..., chiến tranh đã lùi xa, quỹ thời gian đang cạn dần..., nhưng hình như càng cạn càng thôi thúc .. những băn khoăn trăn trở.
Mấy hôm trước tôi đón một Bác sỹ từ Bệnh viên Thánh Tâm Biên Hòa ra HN dự hội thảo, nó có hai người anh là lính VNCH chết trận... Nó thật sự lảng xa những vấn đề chính trị, không muốn nhắc đến chiến tranh... Nó sướng hơn chúng tôi..!
Đêm qua trực, mổ hai ca về thì thấy một thằng cu hơn 20 tuổi, chân tay săm trổ, đầu cắt kiểu tóc kỳ dị, không có mùi rượu... 11h đêm, nó chạy xe tốc độ lớn rồi, chắc mất lái, đâm thẳng vào đầu ô tô.... nhìn nó đi về phía tử thần mà bó tay..., thằng anh nó cắn chặt răng cho nước mắt chảy ra, chị nó ngã vật xuống đất...
Trưa hôm qua, một thằng bị chém vào đầu, vào lưng..., nhân viên đang chăm sóc vết thương cho nó thì một thằng khác tay lăm lăm con dao phay dài năm sáu mươi phân lao vào... Nhân viên chạy tóe, bảo vệ, công an chộp vũ khí lao theo.., thằng côn đồ được những người bạn ôm lấy, đẩy ra ngoài... thế là ... xong!
Sáng này về, mệt mỏi, nghĩ bụng mở trang Blog đọc và ngủ ..
Thấy bài này bên anh Duy Đức, vội xin về treo lên đây.
Xin nhường quyền bàn luận cho người đọc...! Chỉ biết rằng tôi rất tâm đắc những bài thơ như thế này.
HAI BÀ MẸ
(Phạm Duy Đức)
Hai người mẹ việt nam có con tử trận
Người Nam, kẻ Bắc
Mẹ Bắc thành "Anh hùng"
Mẹ Nam - "Mẹ giặc"
Cuộc chiến qua rồi
Nỗi đau khác gì nhau?
Hai người mẹ cùng một nỗi đau
Cùng nỗi đau mất con, nhưng khác niềm kiêu hãnh
Ngày thống nhất non sông
Hai trái tim cô quạnh
Một mẹ anh hùng, một mẹ giặc kia!
Hai người mẹ Việt Nam nước mắt đầm đìa
Cùng đón ngày nước nhà thống nhất
Hai đứa con nằm trong lòng đất
Cùng một mẹ âu cơ, con Lạc cháu Hồng...
Ôi, ngày ba mươi tháng tư
ngày thống nhất non sông
Nỗi quặn đau với niềm vui "chiến thắng"
Hai người mẹ trước bàn thờ con cay đắng
Cùng con một nhà, ai chiến thắng ai đây?
26/4/2015

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

CỘI NGUỒN CỦA NHỮNG THÓI HƯ, TẬT XẤU...!

MỐT
Mốt là gì nhỉ..? Có lẽ là một cách sống, hữu hình như cái quần cái áo, kiểu tóc, mẫu xe, kiểu nhà…, hay vô hình như cách cách nghĩ, cách ứng xử…
MỐT TỪ ĐÂU RA
Trước hết có những mốt do hoàn cảnh tạo ra, ví như thời chiến tranh, bao cấp, sản xuất chỉ đưa ra thị trường một loại dép nhựa Tiền phong là khả dĩ có thể đáp ứng một phần nhu cầu làm đẹp của thanh nhiên, thế là dép nhựa ấy thành mốt, Cửa hàng mậu dịch chỉ có mỗi loại vải Ka-rô mới nhập từ Tiệp khắc thế là thành mốt…
Trong xã hội có những người được nhiều người khác quan tâm, chú ý.., gọi là người nổi tiếng, người ta ngưỡng mộ và dẫu không chủ ý người ta vẫn theo cái cách ăn, mặc, hành xử của người nổi tiếng ấy mà tạo thành mốt.
Con nhớ những năm 70 của thế kỷ trước có cô ca sỹ da màu người Mỹ đến Hà Nội gặp gỡ và hát cho các phi công đang bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò nghe, tình cảm của người nữ nghệ sỹ với các chiếm binh được đẩy lên tột đỉnh khi cô vừa ôm đàn, vừa hát và vừa .., khóc! Hình ảnh ấy được cơ quan tuyên truyền Hà Nội giới thiệu trong nhiều phim tài liệu chiếu khắp nước… Ngay lập tức, mốt tóc Giên Phôn Đa ra đời.
Câu “Thủ trưởng nào, phong trào ấy” được hiểu như thế nào..? Ngày nay ai cũng biết rằng ở các cơ quan thì thủ trưởng là những ông …Vua. Ông ấy thì gì, khoa học cơ bản hay thực hành? Tennis hay gol? Ca ra ô kê hay mát sa? Thì ông ấy sẽ tạo điều kiện cho môn ấy, thứ ấy phát triển thành … phong trào.
Theo tôi, hiểu như thế đúng nhưng không đủ.
Trong đời sống tinh thần của xã hội bao giờ cũng có số đông, tạo thành xu hướng (Mốt) trong tư tưởng, cách nghĩ, dẫn đến cách hành động.
Trước năm 75, cả Miền Bắc theo lý tưởng Cộng sản, tạo ra cách sống của “Con người mới XHCN” … chừng mực nào đó cũng có thể coi là “Mốt”. Người ta thấm nhuần và ra sức… “Phấn đấu”.
Đã gọi là phấn đấu thì phải có mục đích, đành rằng mục đích là CNXH và CNCS nhưng những thứ đó trừu tượng, người ta chỉ tưởng tượng ra chứ chưa ai nhìn thấy, sờ thấy nên người ta phải đặt ra cho mình những mục đích nhỏ hơn.
Bộ máy tuyên truyền đưa ra những tấm gương như Pa Ven cóc sa ghin, như anh Hồ Giáo … Tuy không nói ra nhưng ít người lấy những tấm gương ấy làm đích mà đích của những người phấn đấu trước hết là những danh hiệu như: Cá nhân xuất sắc, Lao động tiền tiến, Chiến sỹ thi đua…, Vào Đảng để rồi… làm thủ trưởng.., thủ trưởng cao hơn.. và cao hơn nữa.
Như vậy, cái đích của đa phần những người phấn đấu là “Làm thủ trưởng” và đương nhiên các Thủ trưởng là người nổi tiếng, là mẫu để người ta noi theo, từ mục đích phấn đấu đến hành vi, thói quen.
Thủ trưởng thì cũng là người cũng có những thói quen tốt và.. chưa tốt nhưng khi đã là thần tượng thì người thao … tất.
Trong chiến tranh và thời bao cấp, những cái “Chưa tốt” của thủ trưởng ít được lộ ra, trong thời bình và đặc biệt sau xóa bao cấp thì ngược lại.
Trong cơ quan, nơi công cộng có những chỗ quy định không được đỗ xe nhưng: “Riêng các thủ trưởng” lại đỗ được. Cách đây khoảng 5-6 tháng, tại cái làn xe trong cùng, trước cửa ra của sân bay Nội Bài, nơi có biển: “Không dừng xe quá 5 phút”, tôi đếm được 9 cái xe đỗ ở đó… Cả ngày. Những xe này do những hãng khác nhau sản xuất, màu và kích thước khác nhau nhưng có hai đặc điểm chung
1-Biển xanh
2-“Biển đẹp”, 7/9 xe ấy có tổng các con số kết thúc bằng số 9, hai chiếc còn lại là biển …”Tứ quý” 2222 và 6666. Không phải ai cũng đoán được chủ nhân của những chiếc xe ấy là ai. Xin thưa, không phải xe của người đứng đầu cấp quận-Huyện nào cũng có được những biển như vậy, phải là xe của thủ trưởng …. “Rất to”.
Như vậy, quy định là “Không quá 5 phút” nhưng “Riêng các thủ trưởng rất to” thì có thể để….”Cả ngày” thậm chí ..”Vài ngày”.
Khi đời sống tâm linh bị lạm dụng, ngoài việc nhiều thủ trưởng rất mê tín thậm chí cuồng tín đến mức dị đoan, bệnh hoạn thì còn một biểu hiện tệ hại nữa.
Ở những nơi thờ cúng thường có phần “Hậu cung”, nơi thiêng nhất ấy cũng thường được đóng cửa, người dân chỉ dâng lễ ở các ban thờ bên ngoài, thận trọng lắm thì mon men đến bên cửa mà vái vào nhưng… “Riêng các thủ trưởng” thì được vào hậu cung, được đứng sát bên tượng thánh mà xin cho Ngài dễ nghe.
Cứ như thế mà suy ra các việc khác, những cái “Riêng” của các thủ trưởng  
Những hành xử ấy không giới hạn ở cá nhân “Các thủ trưởng” mà còn dành cho cả “Người thân” của họ nữa.
Dân thường “Ngưỡng mộ” các thủ trưởng lắm và “Noi theo” các thủ trưởng nhanh lắm.. một cái mốt “Khác người” hình thành, câu cửa miệng: “Riêng tao…, riêng anh…, riêng ông … thì…!” rất có thể xuất phát từ đó. Tôi tin rằng ở những nơi, những xã hội “Công bằng hơn” không có câu ấy dù nước ấy là Cu Ba, Triều Tiên hay Mỹ, Pháp.
Người ta thích, khoái và tìm mọi cách để được làm những cái “Riêng..” những cái “Khác người” ấy dù là mất tiền hay mạo hiểm.
Người ta đút tiền cho mấy ông bà thủ từ để “Riêng tao được vào hậu cung…”.
Quán phở đông quá nhưng “Riêng mấy ông công an, nhà báo” thì không cần xếp hàng.
Mọi người đi xe máy ra đường phải đội mũ bảo hiểm nhưng “Riêng tao thì không cần…”, trước đèn đỏ, mọi người phải dừng lại những “ Riêng” mấy người lại có thể đèo ba bốn mà vẫn… đi được.
Cái thói quen, cái bệnh “Khác người”, “Ngược luật” hình thành và nhanh chóng loang rộng, thấm sâu vào đời sống xã hội… khó chữa lắm..!
Những kênh thông tin đại chúng cũng …”Cực kỳ quan trọng”, “Cực kỳ tác dụng” đối với đời sống xã hội.
Vừa mới xấu hổ nghe, xem chuyện người ở Hà Nội Dũng cảm trèo rào vào công viên nước Hồ Tây để tắm miễn phí thì lại nghe trên ra đi ô, hai người đàn ông sướng đến “phát rồ” kéo nhau đi uống 4 cốc bia “Khuyến mại” ở nhà hàng nọ.
Đành rằng quảng cáo, nhưng hễ mất tiền là được quảng cáo trên thông tin đại chúng “Thế nào cũng được” ư..? Chẳng đi, chẳng uống…, mới nghe đã thấy … xấu hổ!


Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

TIN MỚI..., TIN HAY NHẤT ĐÂY...!

Theo “Điện tử giáo dục” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng tám và quốc khánh (1945-2015): Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành tại địa phương.
Một chỉ thị có vẻ hay đây…!
Mà:
“Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, xứng với tầm vóc lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945), tạo được không khí sôi nổi, tự hào, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân, đảm bảo thiết thực, tránh hình thức, lãng phí.
Theo Kế hoạch, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức vào buổi sáng ngày 2/9/2015 gồm các hoạt động dâng hương tưởng niệm, chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành.”

Đọc đoạn tin này, tôi bống rưng rưng nhớ đến di chúc Hồ Chí Minh:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình… để khỏi tốn thời gian và tiền bạc của nhân dân…”
Nghe rất nhiều những cuộc đại vận động học tập gương Bác nhưng theo đánh giá cá nhân tôi thì bây giờ mới đọc được một đoạn chỉ thị có hơi hướng Hồ Chí Minh.
Như vậy, thay vì những hoạt động hình thức, ít ý nghĩa và tốn kém, là những cuộc: “Hội thảo khoa học cấp quốc gia, Biên soạn và phát hành Sách ảnh về Việt Nam - đất nước, con người, thành tựu qua 70 năm xây dựng và phát triển;”. 
Và như vậy, nếu có được nghỉ vài ngày thì không chỉ người dân lao động mà đa số cán bộ địa phương cũng được vui thú cùng gia đình trong ngày tết độc lập, thật sự được hưởng thành quả của cuộc cách mạng mang lại.
Nếu ai đã lẩm cẩm tính thử xem tổng chi phí của cả nước cho những hoạt động hình thức này là bao nhiêu thì người ấy xẽ biết cái chỉ thị ngắn gọn của Thủ Tướng mang lại cho ngân sách bao nhiêu.

HÔM NAY..., NGÀY GÌ Í NHỈ...!

Hôm qua, nhà tôi có việc đến Hải Phòng. Qua Lạch Tray đón gia đình cô em rồi lên phố.
Gần đến ngã sáu, một đứa trẻ Hà Nội hỏi đứa trẻ Hải Phòng.
-Cái gì mà nhiều cờ đỏ thế...?
Đứa kia còn ngạc nhiên hơn
-Ư... ừ...! Em không biết...!
Mải lái xe, tôi không quan tâm nhưng thực lòng cũng hơi tò mò..., chắc ở đây có hội hè đình đền gì đó, tôi nghĩ. 
Bỗng có tiếng hỏi giật giọng.
-Mẹ...! Làm sao mà nhiều cờ thế... mẹ...?
Hóa ra bọn trẻ vẫn thắc mắc.
- Ư... hừm...! Chắc là 30-4 gì đó!
Im lặng một lúc, đứa lớn bỗng thốt lên
-30-4 có khác..., toàn màu máu..!
Lại im được một lúc, đứa Hải Phòng cãi.
-Nhưng mà em thấy ngày nào chả thế,.. Tết.., Bầu cử..., quốc khánh... cả ngày khai trường… toàn đỏ.., chỗ nào cũng đỏ..., sao lại thế hả bác..?
Tôi giật mình, bị chúng lôi vào cuộc rồi, chưa biết trả lời nó như thế nào.
-Để bác lái xe.., con cứ hỏi vớ vẩn...!
Chúng đành im và tôi cũng đành vờ câm. 
Câu hỏi có "Vớ vẩn" không nhỉ...? 
Một đoạn phố cắm đầy những cờ đỏ, cả cái có sao vàng và cái không có sao vàng.
Những biểu ngữ, băng rôn màu đỏ, chữ nhỏ li ti, nếu cố đọc e rằng tai nạn...
Lủng lẳng trên cây, trên cột điện, trước ban công những cái "Đèn lồng" đỏ có chữ trung Quốc, chả hiểu là chữ gì..., 
những bức tranh bằng đèn điện (Cũng của Trung Quốc) xếp hình cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm nhấp nháy như đèn giao thông báo dừng lại.
Có ai lẩm cẩm đi thống kê xem mỗi dịp như thế này, mỗi quận huyện, mỗi tỉnh, cả nước chi hết bao nhiêu tiền? Mua bao nhiêu đèn lồng và đèn nhấp nháy của Trung Quốc..? 
Mình dùng nhiều hàng cho họ thế nên họ quý mình cũng phải.
Chúng tôi đi xiên qua đoạn phố đỏ đỏ lòe đỏ lẹt ấy, qua ngã sáu, đến khi rẽ vào Nguyễn Thị Minh Khai, phố mới rộng hơn, người thưa hơn và màu xanh của cây cối mới cho tôi giãn ra đôi chút.
Món ăn dù ngon, dù quý đến đâu mà dùng mãi cũng phải ngấy. 
Thế mà 70 năm nay, hễ có dịp gì là "Khắp chợ cùng quê' lại toàn một màu đỏ rực... 
Những người bằng tuổi tôi thì có thể chưa chán, thậm chí "Cứ phải thế mới ... oai!" nhưng khí thế như ngày tiếp quản thủ đô, ngày 30-4-75 thì hình như cứ nguội dần.., nguội dần...!
Nguội dần có lẽ một phần lớn là do… ngày nào cũng thế ...! Từ những ngày tiêm chủng cho trẻ con đến những ngày đại lễ, ngày nào cũng rực một màu đỏ nhức nhối…! 
Để những công dân tương lai lại phải hỏi nhau
-Hôm nay là ngày gì ấy...nhỉ..?

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

HÊ HÊ...! THƠ TÌNH...!

Thơ đùa anh bạn nhà báo lên Tây Bắc ... ngắm gái sơn cước.
Bóng chiều còn mải lê thê
Mặt trời còn mải đi về núi cao
Suối khe còn mải rì sào
Hồn chàng thi sỹ chìm vào dáng ai...!

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

TẢN MẠN TỪ MỘT BÀI THƠ TRONG NGÀY "CHIẾN THẮNG"



(Nguyễn Thế Duyên)


Tôi với anh
Hai mái đầu xanh
Xanh như màu xanh quân phục...

Làng tôi sông Hồng nước đục
Quê anh Vàm Cỏ lở bồi
Mẹ nhớ tôi, hết đứng, lại ngồi
Má mong anh, vào nhà, ra ngõ

Tôi đã ngỏ lời vào một đêm trăng tỏ-Trước lúc lên đường
Ba lô anh có kỷ vật người thương-Đêm giở ngắm trên đường hành tiến

Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
Tôi và anh.
Có bao giờ tính suy, mất được
Cho bản thân mình, cho mẹ, cho em
Chỉ nghe kèn trống nổi lên
Người hối thúc đưa ta vào chiến trận.

Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gai quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Mình mê mải với giấc mơ bạo chúa.

Tôi và anh
Hai mái đầu còn xanh
Xanh như màu xanh quân phục...

Nào...!
Hãy khoác vai nhau ta cùng chúc phúc
Để tôi về ngoài ấy đắp đê
Nước Vàm Cỏ cũng đang gọi anh về
Cùng cày cấy, nuôi mẹ già anh nhé..!

Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng
Anh gửi cánh mai tươi, tôi trao nén hương vàng
Ta về tặng cho những người đồng đội
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc đã ôm nhau...!
Sắp đến ngày 30/4 trên các phương tiện truyền thông người ta bắt đầu tuyền truyền cho ngày chiến thắng. Chính trong những ngày này, tôi tình cờ đọc được bài thơ của một người lính đã từng cầm súng đổ máu trong cuộc chiến tranh này đi kèm một tấm hình hai người lính trẻ của hai phía đứng bên nhau. Tôi đọc bài thơ và rưng rưng xúc động. Bài thơ trĩu nặng suy tư về một thời đã qua. Cái thời mà lẽ ra người ta phải đóng băng nó lại, Cất nó vào những trang sách sử để cho các đời sau của dân tộc Việt đọc lại, suy ngẫm rút ra những kinh nghiệm quý báu từ những sai lầm của cha ông thì người ta lại trương nó ra, dùng tay vạch lại những vết thương chưa kín miệng trong tâm hồn dân tộc và làm cho vết thương lại rỉ máu. Bốn mươi năm rồi vết thương ấy chưa bao giờ kín miệng.
Không hiểu sao đọc xong bài thơ, trong đầu tôi lại hiện lên cái lễ tiếp nhận đầu hàng của quân đội miền bắc và miền nam trong cuộc chiến tranh nam bắc mĩ cách đây hơn hai trăm năm. Không một tiếng hò reo vui mừng của người chiến thắng. Không một tiến trống thúc. Khi những người lính miền bắc, kẻ chiến thắng định bắn các loạt đại bác chào mừng thì tướng Grant đã ra lệnh ngừng ngay những hoạt đọng chào mừng lại . Ông bảo với họ “ Chiến tranh đã kết thúc bây giờ họ là đồng bào của chúng ta” . Hai đội quân hiên ngang đứng đối mặt nhau> Trong con mắt họ ánh lên một sự kính trọng đối thủ. Im lặng! Một sự im lặng thiêng liêng trùm lên hai đạo quân. Đây không phải là một lễ đầu hàng . Họ! Hai đứa con Mĩ hư hỏng đánh lộn nhau và giờ đây Mẹ Mĩ choàng ôm lấy hai đứa con hư, kéo chúng vào bầu vú căng sữa của mình để mặt chúng giáp lại bên nhau, cùng hít thở mùi sữa mẹ để chúng nhận ra “ Chúng là hai anh em”. Tôi bỗng hiểu vì sao nước Mĩ lại hùng mạnh đến thế và bỗng hiểu vì sao chúng ta cứ mãi mãi là một nước nhược tiểu. Nước Mĩ hùng mạnh bởi những nhà lãnh đạo Mĩ là những người có tầm cao văn hóa. Ngay sau chiến tranh, người Mĩ đã đánh tan mối thù hận giữa hai miền nam bắc. Cả nước trở thành một khối không còn cái mặc cảm của kẻ chiến bại và cũng không còn cái vui mừng của người chiến thắng. Nước Mĩ có 11 lễ hội kỉ niệm cấp quốc gia nhưng trong đó không có ngày kỉ niệm chiến thắng nam bắc mĩ. Còn chúng ta? Những ngày tháng tư này tôi cứ nghe ra rả những lời ngợi ca chiến thắng. Chúng ta chiến thắng ư? Chiến thắng ai? Khi phảỉ nghe những lời ca ngợi ấy, trong tôi lại vang lên câu thơ của Tào Thực cách đây đã hơn một nghìn năm
Cành đậu đun hạt đậu
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh ra một gốc
Thiêu nhau nỡ thế ru
Không! Chúng ta! Hai miền nam Bắc đều là kẻ chiến bại. Có kẻ chiến thắng nhưng kẻ đó không phải là chúng tôi. Đó là kẻ mà ông Lê Duẩn đã nói “Chúng ta đánh mĩ là đánh cho Liên Xô, Trung quốc” Họ đã thắng mà không phải đổ chút xương máu nào. Họ quyết tâm chống Mĩ đến người Việt nam cuối cùng. Chao ơi! Có gì để hãnh diện! Có gì để tự hào khi mà ta, cả miền nam, miền bắc chỉ là những tên lính đánh thuê. Ta cầm súng lao vào bắn giết lẫn nhau mà chẳng biết vì cái gì
Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
. “Người ta”! Người ấy xa lạ lắm chẳng liên quan gì đến anh và tôi, chẳng quan tâm gì đến lợi ích của anh và tôi . Còn tôi và anh, nói như nhà thơ chế Lan Viên đều trở thành” con rối cho cuộc đời giật dây”. Mà là những con rối thì đã tốt. Hai chúng ta chỉ là những con tốt bị thí một cách không thương tiếc cho những giá trị mơ hồ , dối trá .”Người ta” Xa lạ quá và cũng mơ hồ quá!Ngày xưa, cách đây bốn mươi năm khi tác giả bài thơ này còn trẻ, còn bị cái chính sách ngu dân dối trá bưng bít khiến cho hai mươi triệu người dân miền bắc ai cũng nghĩ “Mình đang cứu nước”, Cái “Người ta” lúc ấy gần gũi lắm, cụ thể lắm.
Bác bảo đi là đi
Bác bảo thắng là thắng.
Tố hữu
Chọn thời mà sống chăng? Anh sẽ chọn thời gian nào thế nhỉ
Cho tôi được sinh trong buổi đảng dựng xây đời.
Chế lan Viên
Còn nay ! sau bốn mươi năm, khi sự thật không thể che dấu mãi làm chúng ta bừng tỉnh.Chúng ta ân hận. Một nỗi ân hận muộn màng
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng.
Và đấy cũng là lúc những thứ cụ thể, thiêng liêng, gần gũi ngày xưa trở nên nhòa nhạt trong chúng tôi, biến thành thứ “Người ta” xa lạ
Anh được gì trong cuộc chiến ây ? Tôi được gì trong cuộc chiến ấy?
Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gái quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Và cái « Người ta » xa lạ ấy đã quan tâm gì đến những mất mát đau thương của gia đình tôi và gia đình anh ?
Hình như Đại việt sử kí toàn thư đã nhầm. Không phải là mẹ Âu Cơ mang năm mươi người con xuống biển mà là sau khi li hôn mẹ Âu Cơ mang năm mươi người con vào Miền nam còn bố Lạc Long Quân giữ năm mươi người con ở lại miền bắc . Trong sự tức giận , Lạc Long Quân đã đốt chiếc bọc chứa một trăm quả trứng thành than, rắc tro của nó xuống biển đông và bảo với các con rằng : « Từ nay, chúng nó không còn là « Đồng bào » của ta nữa » và thế là năm mươi đứa con của mẹ âu cơ với năm mươi đứa con của bố lạc long quân trở thành kẻ thù không đội trời chung. Mối hận thù tiền kiếp ấy cho đến bây giờ vẫn chưa tan
Có những dân tộc trong một thời điểm hiếm hoi nào đó của lịch sử, dưới sự dẫn dắt của lòng tự tôn dân tộc, và sự dối trá, lừa bịp của những kẻ cầm quyền mà trở nên cuồng tín. Khi đó gần như toàn bộ dân tộc đó trở nên độc ác và tàn bạo. Nhưng họ chỉ tàn bạo và độc ác với những người khác chủng tộc với họ còn với dân tộc họ họ vẫn là những con người mà Đức và Nhật trong đại chiến thế giới lần thứ hai là hai ví dụ điển hình. Còn chúng ta? Chúng ta độc ác với chính dân tộc mình. May mắn cho hai dân tộc đó, họ đã bại trận. Niềm tự hào man dại của họ đã buộc phải quỳ gối trước cái thiện, cái tốt đẹp của con người. Ngọn lửa ấy tắt ngấm trong tâm hồn họ để cho họ nhận ra rằng « Máu người không phải nước lã » và « Sinh mạng và phẩm giá là hai thứ trân quý nhất mà tạo hóa đã dành cho con người”. Tiếc thay dân tộc ta không có được cái may mắn của dân tộc Đức và Nhật. Chúng tôi đã chiến thắng. Chúng tôi đã chiến thắng các anh, người anh em của tôi. “Đồng bào” của tôi Và cái ngọn lửa man dại đó đã được tiếp thêm nhiên liệu để cho nó tiếp tục cháy không biết đến bao giờ.
Đọc bài thơ này, đọc những comment trong bài thơ này, tôi lại ngậm ngùi cho số phận những người lính các anh trong những trại “Cải tạo” của chúng tôi. Dưới ánh sáng của ngọn lửa chiến thắng man dại, Cái “Người ta “ ấy đã “Cải tạo” các anh bằng cách thắp lên trong các anh một ngọn lửa hận thù.
Tôi đọc lại bài Cáo Bình Ngô mà trong lòng bỗng nhiên ngờ ngợ. Dân tộc này kì lạ quá, rất nhân đạo với kẻ thù nhưng lại tàn nhẫn với chính mình
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Chao ôi! người ta vẫn tự hào rằng “Người ta” nhân đạo. Không có cuộc tắm máu nào sau chiến thắng. Cũng đúng!So với phát xít Hít le, với Pinôchê , với pôn pốt thì quả “ Người ta” nhân đạo hơn thật. Nhưng sao con mắt của “người ta” chỉ luôn cắm đầu nhìn xuống đám bùn đen dưới chân mình mà không ngửa mặt lên nhìn bầu trời cao lồng lộng? Hay đấy là tâm thức của văn hóa việt? Chỉ luôn so sánh mình với những cái kém hơn. Mà ta ở đâu trong thế giới rộng lớn này? Ta ở gần đáy của nó. Đáy cách ta một gang tay, bầu trời cách ta cả ngàn cây số thế mà ta chỉ nhìn xuống dưới chân mình thì làm sao ta có thể cất mình lên .
Đọc bài thơ tôi lại liên tưởng đến những nước Đông Âu đã bị sụp đổ. Bao nhiêu nước nhưng duy nhất có hai người bị kết án tử hình vì kẻ đó đã ra lệnh cho quân đội bắn vào đoàn biểu tình còn lại tất cả đều được tha thứ . Không một ai bị tù đầy và nó cũng là một trong những nguyên nhân khiến những nước đó tiến những bước dài trong kinh tế.
Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Mê muội qua chưa? Chưa qua đâu! Có thể với nhà thơ , người viết bài thơ này đã thoát khỏi cơn mê sảng, nhưng sâu trong tiềm thức của bao nhiêu người dân miền bắc cái ngọn lửa hào hùng chiến thắng vẫn cháy và trong hàng triệu người miền nam ngọn lửa hận thù vẫn cháy. Và vết rạn của dân tộc vẫn cứ hiện hữu trong mỗi chúng ta.
Bao giờ chúng ta mới có thể ôm nhau trong vòng tay mẹ Việt để cho cái ước mơ của người viết bài thơ này trở thành hiện thực.
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!
Hà nội 8/4/2015
Vài lời xin lỗi gửi đến tác giả bài thơ.
Tôi hứa với anh viết tặng anh một bài bình nhưng không hiểu sao những suy tư trăn trở của anh cứ lôi tôi vào những
những suy tư mà bài thơ anh chưa nói đến. Cho tôi xin lỗi! Nhưng một bài thơ có thể lôi người đọc vào những suy tư có lẽ đó là lời khen lớn nhất rồi phải không anh?

CẢM XÚC SÁNG NAY...

Cảm xúc 1
Vừa úp bát mì vừa nghe bản tin "Chào buổi sáng" trên VTV1.
-Đông chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình (Chủ tịch UBND) cho biết.
1-Do "Anh em cố vấn" mà đồng chí đã ký vào một dự án điện nông thôn.
2-"Do bận trăm công nghìn việc" nên đồng chí đã quên mất mà ký dự án này khi đã ký dự án điện mặt trời trước đó.
3-Đồng chí cũng cho biết: Sắp tới sẽ "Chỉ đạo" các bộ phận liên quan tiến hành "Kiểm điểm nghiêm túc...".

Ô hay...! Sướng nhỉ...! 
Năm 1972 sông Thạch Hãn đỏ máu bộ đội, thành Quảng Trị được nhiều người, từ nhiều phía gọi là cối xay thịt vậy:
-Ai xay..?
Câu trả lời hẳn là: Bọn Mỹ-ngụy giã man tàn bạo. Nhưng
-Ai bỏ thịt vào xay...???

Tất nhiên, chiến thắng nào cũng "vang dội", cũng đầy "ý nghĩa chiến lược" và "vai trò lịch sử"... vân vân ... mọi nhẽ..!
Nhưng "Tổn thất không nhỏ" như vậy, phía ta có sai lầm gì không..? Nếu có thì ai chịu trách nhiệm...?
Hơn 40 năm sau, khi xương thịt các chiến sỹ đã tan vào đất, hòa vào nước đã lâu. .. Nhắc đến Thành Cổ và Thạch hãn chỉ thấy oanh liệt, vang dội, thả hoa xuống sông cùng ... nước mắt của người thân, của đồng đội. ..

Đấy là chuyện của hơn 40 năm về trước, bây giờ hình như .., vẫn thế...!

Làm quan đầu tỉnh chỉ để ký những dự án nhiều trăm tỷ đồng do anh em đưa là ký thôi ư...?

Ký thì không có trách nhiệm gì ư..?

Bận "Trăm công nghìn việc" là lý do để được quyền ký những dự án nhiều trăm tỷ chồng chéo lên nhau ư..?

Sai rồi.., lộ rồi .., thì chỉ việc "Chỉ đạo kiểm điểm" thôi ư...?

Liệu rồi có như những vụ việc tương tự khác để rồi kỷ luật mấy đồng chí Trưởng-Phó phòng...? Để rồi buộc các đồng chí ấy phải "Thuyên chuyển công tác" đến vị trí mới, cương vị mới mà đôi khi người ta lại thấy hình như...lên chức...?

Cảm xúc 2

Lên xe đi làm..., may thế ...! Toàn đèn xanh...!

Đến ngã tư Hoàng Quốc Việt-Trần Cung mới gặp đèn đỏ.

Khi đèn xanh, đồng chí CSGT trạc tuổi con mình giơ cái que đen-trắng cho thông xe từ hướng dốc Bưởi đến, rồi vẫy những xe rẽ theo hướng Phạm Văn Đồng-Trần Cung tiến đến và dừng lại gần đồng chí.

Không phải vì sợ mà ngẫu nhiên tôi dừng hơi xa, đồng chí vẫy nữa để tôi cho xe tiến lên thêm.

Đèn xanh theo chiều Trần Cung-Nguyễn Phong Sắc,
một cháu gái dắt chiếc xe đạp ngập ngừng chặn đầu cái tắc xi,
cái tắc xi lại chặn đầu xe tôi,
 tôi chặn những ai không biết... !

Người ta thấy đồng chí CSGT nhảy lách qua sườn cái tắc xi và những cái xe máy đứng như nêm, dắt xe cho cháu gái qua đường và dòng xe-người nhanh chóng lưu thông.

Đồng chí ấy trẻ quá nên tôi muốn nói thế này:

-Cảm ơn cháu...! Giá như ai cũng chỉ cần làm việc có trách nhiệm như cháu..! Và trong cái môi trường hiện thời này (Tương lai thì phải khác đấy nhé) ngộ nhỡ có phạm những lỗi "không cố tình" mà người ta dùng biện pháp 50-50 thì riêng chú ủng hộ tuyệt đối.

30-4 đăng lại bài cũ nhân được tặng ảnh cũ..!

Tình cờ mổ cho chị mới biết anh, anh Thắng một CCB Quảng Trị
Anh kể rằng khi đang vượt sông Bến Hải, tình cờ một chú phóng viên thấy hai thằng lính Hà Nội trẻ quá bảo:
-Dừng lại, chú chụp cho cái ảnh, chú hứa sẽ đem đến tận nhà đưa bố mẹ.
Bức ảnh đã đến tay bố mẹ họ..., ai là người có thể đong đếm được mức độ cảm động trong lòng cha mẹ khi ngắm ảnh con nới chiến trường ngày ấy...?
Anh Thắng là người bên phải, đằng sau là cầu Hiền Lương bị đánh xập, người bên trái hình như đã hy sinh
(Anh Thắng kể thế)

 photo 819d4ed8-78ff-496d-aea5-55634fd7a623_zpsp8vqtizq.jpg

ĐĂNG LẠI
GỌI HỒN LIỆT SỸ HÀ NỘI Ở QUẢNG TRỊ
Dậy đi các anh ơi!
Dậy đi..!
Dậy mà về đi chứ!
Hết đạn bom rồi sao còn mãi nơi đây..?
Này thì bình tông..!
Này thì mũ cối...
Này thì giày
Vứt cả đấy...
Về ngay đi kẻo muộn..!
Hơn 30 năm gió cuốn mưa trôi
Hòa bình về
xới lộn khắp nơi nơi
Một mét đất sao các anh không biết?
Xương cốt mục rồi. Thôi hồn về cũng được!
Về mau lên...!
May còn mẹ còn cha
Da dã nhăn nheo và đôi mắt đã nhòa
Khắc khoải đợi-đếm bằng rằm bằng tết...
Hãy tập trung ở Thê húc, Tháp rùa
Cẩn thận đấy, chớ vội đi kẻo lạc
Bởi hàng phố, giờ cái gì cũng khác
Còn tàu điện đâu mà Cầu Giấy, Chợ Mơ...
Hãy lần đến Hàng cỏ, Nhà thờ
Sân Hàng Đẫy- Cổng công viên Thống nhất
Giờ đắt đỏ chẳng còn đâu khoảng đất
Lúc anh đi cô gái hẹn hò...
Đừng hoảng sợ thấy đường đêm vẫn sáng
Quán xá xôn sao, nhac hip-hop ồn ào
Nhiều đứa trẻ kia chẳng biết một tý nào
Về Đồng Lộc, Gio linh, Lao Bảo
Ngõ Chợ, Đường thành, Hội Vũ, Tạm Thương
Vẫn tên cũ, cứ theo đường, đừng hỏi
Nếu ngơ ngác hay bàn chân đã mỏi
Hãy ghé chùa Quán Sứ, Bà Ngô
Đã lâu rồi, Bố thôi đạp xích lô
Hàng thừa mứa Mẹ không ngồi cuốn thuốc
Mái ngói cũ, chạy mãi rồi sửa được
Họ chỉ còn mỗi việc...
Thắp hương anh...!
Con em lớn trước dạy trường ngoại tỉnh
Bỏ lâu rồi về mở quán ca-phê
Thằng em út cuối năm ngoái mới về
xong Tiến sỹ nó trở thành Ông chủ
Thế đấy anh, giờ chẳng ai không đủ
Hãy bình tâm mà bước vào nhà
Hãy thỏa mình mà ngắm Mẹ ngắm Cha
Hãy quỳ xuống mà nhận mình bất hiếu
Hãy thổi bùng nén nhang cho cha mẹ biết
-Nó vẫn về, chăm sóc tự hư không
Để ngày mai họ sẽ yên lòng
Mắt nhắm lại
Mà...
Miệng cười ... Mãn nguyện./.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Cảm xúc một tấm hình...!

Anh Trần Đức Thái (Bloger xuất sắc trên Blogtiengviet) vừa tặng tôi bức ảnh này.
 photo e28130ee-f0b9-4732-ac91-bc8baee3586f_zpstvsqw8jk.jpg
Anh không nói câu nào như tôi hiểu ý anh:


Tôi với anh
Hai mái đầu xanh
Xanh như màu quân phục...

Làng tôi sông Hồng nước đục
Quê anh Vàm Cỏ lở bồi
Mẹ nhớ tôi, hết đứng, lại ngồi
Má mong anh, vào nhà, ra ngõ
Tôi đã tỏ tình vào một đêm trăng tỏ-Trước lúc lên đường
Ba lô anh có kỷ vật người thương-Đêm giở ngắm trên đường hành tiến

Người ta bảo anh đi bảo vệ quốc gia
Người ta bảo tôi vào nam cứu nước
Tôi và anh
Có bao giờ tính suy mất được
Cho bản thân mình, cho mẹ, cho em
Chỉ nghe kèn trống nổi lên
Người hối thúc đưa ta vào chiến trận

Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
Nước quê anh cá chết dạt bờ
Người con gai quê anh, quê tôi héo hắt đợi chờ
Mình mê mải với giấc mơ bạo chúa

Tôi và anh
Hai mái đầu còn xanh
Xanh như màu quân phục

Nào...!
Hãy khoác vai nhau ta cùng chúc phúc
Để tôi về ngoài ấy đắp đê
Nước Vàm Cỏ cũng đang gọi anh về
Cùng cày cấy nuôi mẹ già anh nhé

Mê muội qua rồi, chia tay trên lối rẽ
Gửi cho nhau lời xin lỗi muộn màng
Một cánh mai tươi, một nén hương vàng
Ta về tặng cho những người đồng đội
Ta bá vai nhau để những người kia xóa tội
Dưới suối vàng
Họ...!
Chắc cũng đã ôm nhau...!

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

HÃY ỦNG HỘ CÁI ĐÚNG

Ngồi mà nói về nguyên nhân sâu xa của những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời thì biết nói đến bao giờ...!
Ngồi mà bàn về bản chất chế độ, sự khởi nguồn và động lực phát triển của cái gọi là "Tha hóa biến chất" trong cán bộ lãnh đạo thì cũng không biết phải nói đến bao giờ..!
Tôi đã từng tự nghi vấn: Hay mình là một "Tên phản động"? Bởi khi nghe các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chính phủ, nhà nước mà lại cứ xét nét đúng sai... Phải hồ hởi, tin tưởng tuyệt đối và bắt tay thực hiện ngay chứ lị.
Mà quả thực, ối khi..., nhiều cái tôi thấy sai, rất sai..., nhưng thề với các đồng chí rằng tôi chỉ nghĩ thế, biết thế rồi kiểm chứng thấy đúng thế chứ không bao giờ tuyên truyền vận động người ta chống lại đảng, chính phủ và nhà nước..., ai dại gì mà làm chuyện ấy...!!!
Đã lật đi, xem lại những cái tưởng như đúng, được người ta coi là ..."Chân lý" thì tôi cũng thường lật đi lật lại những vấn đề của chính quyền khi bị dư luận lên án, để cố tìm cái được trong cái mất, cái hay trong cái dở...
Ví như mới đây, chuyện chính quyền Hà Nội cho chặt cây xanh cũ để thay cây mới.
Giá như các đồng chí ấy công khai một cách tường minh và đầy đủ thì sự phản đối dẫu vẫn có nhưng chắc không đến nỗi thế.
Lộ ra mới biết số tiền để hạ một cay xanh nó lớn đến chừng nào...? Số tiền ấy có vào cả tay người lao động chặt cây...? Có thỏa mãn giấc mơ của mấy ông bà nông dân hết ruộng đang ngồi ở chợ người...? Những thân cây hơn trăm tuổi rồi đi đâu...? Giá bao nhiêu...? Vào công quỹ hay túi ai...? Những cái cây được đánh nguyên ngốc chở đi đâu, bán cho ai, giá bao nhiêu...?
Rồi giá mỗi cây mới, công trồng những cây mới là bao nhiêu...? Những đồng tiền thuế của dân sẽ chạy vòng vo rồi tự nhiên rơi rụng vào những túi ai...?
Giữa lúc cây Hà Nội đổ hàng loạt và dư luận cả nước sôi sục thì tôi lại cố tìm ra những cái lý của việc chặt cây.
Tôi vẫn cho rằng thay những loại cây ít giá trị môi trường, ít hay không có giá trị nguyên liệu, tiềm ẩn nguy cơ cao là đúng.
Chặt cây chết, cây sắp chết là đúng, cây quá già cũng là đúng vì chả nhẽ cứ phải đợi cho nó chết, không làm nguyên liệu được nữa mới chặt hay sao...?
Tôi vẫn cho rằng những cây như cây hoa sữa cần được loại bỏ và thay bằng loại cây có bóng mát rộng và bền hơn, có quả ăn được (Như cây sấu), có hoa đẹp và gỗ của nó dùng tốt... một cách có lộ trình, công khai, tiết kiệm....

Kể từ khi làm quan chức là ... có tiền, và đặc biệt khể từ khi để được làm quan chức phải ... mất tiền, thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo của ta hỏng rất nhanh.
Khỏi mất thì gian bàn về cái sự hỏng ấy như thế nào, chỉ biết rằng: Cán bộ hỏng thì công việc tất sẽ hỏng...!
Không phải chỉ ở cơ quan công quyền như các Bộ-Ngành, các Ủy ban từ xã-phường đến trung ương mà tất cả mọi lĩnh vực xã hội đều thế, Y tế, Giáo dục, khoa học-công nghệ, văn hóa, truyền thông...
Khi số cán bộ "Thoái hóa biến chất" đông hơn số cán bộ "Chưa/không thoái hóa biến chất" thì mọi công việc xã hội đều hỏng.
Các báo chính thống, được phép xuất bản dường như mất một lượng lớn bạn đọc, ở đâu cũng gặp người bán bao rao những tin chính như: Cướp giật, hãm hiếp, và cá độ bóng đá... Những tuyên truyền chính sách trên báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, những vấn đề văn hóa nghệ thuật trên báo Văn Nghệ dường như nhàm chán hay sao mà ít người quan tâm...?
 Thi thoảng nổi lên những cái tên báo có vẻ hợp với những tin những chuyện hình sự như: An ninh thủ đô, An ninh thế giới, Pháp luật-đời sống.... Thế nhưng, những đối tượng ham đọc những: Hãm hiếp, cướp giật, giết người, loạn luân, tỷ lệ đặt cược là những ai thì mỗi người tự trả lời lấy, nhưng chắc chắn không phải toàn dân.
Khi lòng tin giảm sút, "Một bộ phận không nhỏ" người dân xa rời những kênh thông tin chính thống. Người ta mua tu vi, trả tiền cáp (hay K+) để xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc, xem những cái "Lai vờ sâu" khó đánh giá, những vở hài càng ngày càng nhàm chán...
Số ít người (Trong đó có tôi) vẫn trung thành xem hết bản tin thời sự VTV1, xem để biết thời tiết, để biết tình hình chiến sự, kinh tế thế giới và xem để ... "Xem người ta nói gì" ... để mà liệu...!
Tôi quả quyết rằng: Nếu cứ chịu khó đọc hết những tờ báo chính thống, xem và nghe hết những kênh ti vi chính thống mỗi ngày, thể nào bạn cũng rút ra được điều gì đó.
Cụ thể hôm nay, tôi xem VTV1 thấy cái tiểu phẩm phê phán tệ nạn uống rượu... Hay quá đi chứ, đáng quá đi chứ...!
Hy vọng sẽ viết một bài bàn về văn hóa uống rượu để phụ họa.
Chợt nhớ lúc trưa xem cái phóng sự và phổ biến tiến độ nhắc nhở-xử phạt người lớn nếu đèo trẻ em trên xe máy mà không đội mũ bảo hiểm.. Thế thì đúng quá đi chứ, tốt quá đi chứ...!
Cùng với sự ra tay của Trung ương đảng, Chính phủ, Nhà nước.., thị trường mua bán chức quyền hình như đã có dấu hiệu... "Chậm" lại.
Cùng với sự chậm lại ấy hình như là chất lượng công việc khá lên hay sao í...!
Người dân may ra lại có cơ:
-Yên tâm gửi con cho nhà trường
-Yên tâm vào viện khám bệnh.
-Yên tâm đến các trụ sở giải quyết việc
Và ... Yên tâm đọc báo, nghe đài, xem ti vi...!

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

TẢN MẠN 30-4!

Trong quá khứ, đội bóng đá Việt Nam đã từng thắng Thái Lan trên sân Hàng Đẫy đến ba bàn không gỡ.
Khi đó, thắng Lào, Căm Pu Chia, Phi líp Pin .. thì chẳng nói làm gì, thắng Myamma, In Đô hay Mã Lai thì cũng có thể lắm, nhưng thắng Thái mới là chuyện phi thường.
Cả Hà Nội xuống đường, cả nước ăn mừng quá mức.. không ai được quyền cấm người ta thể hiện, ngăn người ta trì hoãn sự sung sướng.
Kể cả những người sành điệu về bóng đá, những chuyên gia phân tích, bình luận trên VTV, những dân lõi đời trong làng cá độ đều mê mẩn với chiến thắng...
Đội tuyển của ta, một khắc lên mây, chân các cầu thủ đi không chạm đất, bỗng chốc họ thành những thiên thần ..., hình ảnh giờ phút nâng cao chiếc cúp lởn vởn trong đầu khiến họ không ngủ được.. để rồi họ gục ngã trước một Sing Ga Po không phải là đối thủ xứng tầm.
Nếu có một người, có tầm mắt đủ để đánh giá lại xem ta có gì, Thái có gì..? Ta thắng trước hết vì ta đã dùng đến hơn 100% tài năng, sức lực, tinh thần đúng vào lúc đối phương rệu rã phân tâm sau bài tính lẩm cẩm ở vòng trước.
Giá như ta biết thế...! Giá như các cầu thủ biết thế...! Giá như ai ai cũng biết thế thì đã có cơ không phải đợi đến nhiều năm sau, Thủ tướng của ta mới được bưng chiếc cúp trao cho Phan Văn Tài Em ở sân Mỹ Đình.
Và giá như bài học ấy được rút ra ngay, khắc phục triệt để thì nền bóng đá của ta chắc đã vươn xa...
Bệnh của ta là cố tình không biết, cố tình không sửa, cường điệu thành tích rồi nhai đi nhai lại để không biết bao giờ mới lại có thành tích nữa...!

Đấy là bóng đá, các môn thể thao khác cũng vậy, các ngành khác cũng thế, trong đủ mọi lĩnh vực; Chính trị, kinh tế, văn hóa..., đều thế...!
Ai cũng có quyền tự hào về những thành tích mà mình đạt được nhưng nếu còn muốn đi lên phía trước thì cần rút ngắn thời gian "Ăn mừng" ấy lại, đủ minh mẫn để biết hôm qua ta thắng là vì những đâu, sức và trí của ta bao nhiêu, ngoài ý của ta bao nhiêu. Đủ tỉnh táo để biết ta đang ở đâu và cần phải làm gì để lại có chiến thắng mới.
Lại sắp đến ngày kỷ niệm 30-4, nghe nói Sài Gòn sẽ bắn pháo hoa nhiều điểm... Hơn một tuần nay, Huế, Đà Nẵng.... đã và đang tổ chức những lễ kỷ niệm hoành tráng...
Phải thôi..! Không ai có quyền can ngăn chính quyền các địa phương tổ chức như vậy.
Tôi là một người lính trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn hôm ấy, chúng tôi đã bắn những loạt súng lên trời, chúng tôi đã mừng vui trong nước mắt, chúng tôi đã được ăn tiệc khao đến cả hai tuần.., và cho đến nhiều năm sau, cứ đến dịp này là những hình ảnh cuối tháng 4-75 lại hiện về trong tâm trí, râm ran trong từng thớ thịt làn da.
Chẳng có gì không thể mòn theo thời gian..., cùng với những đòi hỏi cuộc đời, những thành tích mới của cuộc đời, những thách thức còn đang chờ phía trước..., 30-4 dần đi vào kỷ niệm trong tôi.
Cái mốc ấy, quan trọng nhất là chấm dứt chiến tranh, cái ý nghĩa với đất nước, dân tộc thì còn có hơn trăm triệu người đánh giá, cái ý nghĩa quan trọng, cái mốc quan trọng với mỗi người lính như tôi là còn cái đầu mang về, còn được sống bên những người ruột thịt, còn được lấy vợ, sinh con đẻ cái, tận hưởng những gì mình coi là hạnh phúc...
Nhìn lại lịch sử bốn ngàn năm rồi tự hỏi: Trên trái đất này còn có nơi nào ? Trong tất thẩy loài người còn có dân tộc nào chịu nhiều chiến tranh như ở đất này, dân tộc này...?
Lịch sử của chúng ta là lịch sử của những chiến thắng, những chiến thắng nối tiếp từ Thánh Gióng đến Lê Duẩn-Lê Đức Thọ.
Là người Việt Nam, ai chả tự hào..., nhưng dường như mỗi trận chiến, mỗi chiến thắng, chiến bại đều ít nhiều có ý nghĩa khác nhau.
Trong cái rừng chiến thắng ấy, tôi thấy nổi lên những chiến thắng đầy tự hào dân tộc khi Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, khi Nguyễn Trãi viết Cáo Bình Ngô, khi Nguyễn Huệ khiến giắc phương Bắc hồn bay phách lạc và khi Võ Nguyên Giáp trút sấm sét xuống đầu đạo quân hiện đại phương Tây.
Dẫu là tội lỗi, tôi vẫn chỉ coi 30-4 như một ngày thống nhất, ngày đất nước tôi thôi bị chia cắt, ngày dân tôi không phải đổ máu nữa.
Tôi không muốn và không thể so sánh 30-4 với Bạch Đằng, Chi Lăng, vạn Kiếp, Hạ Hồi, Điện Biên Phủ, những chiến thắng trực tiếp trước những kẻ xâm lược ngoại bang bạo tàn, ngang ngược đến chiếm nước tôi, hà hiếp dân tôi.
30-4, chúng ta đã chiến thắng những người anh em cùng mẹ. Trong đạo quân mà chúng ta đã đè bẹp năm ấy, bao nhiêu người có máu mủ ruột thịt gần gũi với ít nhất một người lính chúng ta..?
Vào chiến trường, tôi nghe chuyện một vị tướng VNCH ngồi trên trực thăng, nói chuyện bằng loa phóng thanh với một vị tướng Miền Bắc, người trên máy bay hỏi người dưới đất về sức khỏe của mẹ, họ thuyết phục nhau theo lý tưởng của mình, không thành, họ trở về vị trí và hôm sau hai đạo quân lại đánh nhau.
Sớm 30-4 tôi ngồi trên xe Hồng Hà chạy theo xa lộ Biên Hòa, qua Thủ Đức mà vào Sài Gòn, cũng đúng thời khắc ấy, người anh, con bác ruột tôi, sinh viên Đại học Vạn Hạnh vừa được tổng động viên vào lính, trút bỏ bộ quân phục chạy ra khỏi trường võ bị Thủ Đức...
Nhà tôi có bốn anh em trai thì tôi là người thứ ba có mặt ở chiến trường... họ hàng nội, ngoại nhà tôi trong Nam cũng vậy..
Thế nên cái ý nghĩa của 30-4 còn lớn hơn nữa..., ông bà tôi thôi phải chứng kiến các cháu mình bắn giết nhau...!
Dường như, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, người lãnh đạo tôi vô cùng kính yêu, thấu hiểu điều này, dường như ông nói: ngày 30-4, trăm người thế này thì cũng trăm người thế nọ..!!!
Trăn trở (Nếu quả thật như vậy) của người đứng đầu chính phủ là có lý lắm. Tôi đã từng hiều sai, hiểu không đầy đủ về hai từ "Thống nhất" và tôi đồ rằng cho đến tận bây giờ còn có không ít những Giáo sư, những Nhà ngôn ngữ, những Tiến sỹ, Thạc sỹ về xã hội học, hiểu đấy..., nói vanh vách đấy..., nhưng vẫn nhầm lẫn, vẫn quên mất ý nghĩa đầy đủ của hai từ này.
30-4, nước ta đã thống nhất về địa lý và chính thể, quả là một sự kiện lớn lao với đất nước, với dân tộc.
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, thôi nói về bom đạn chết chóc, chỉ cần nhìn qua văn học nghệ thuật, để Tố Hữu được viết:
Khao khát trăm năm mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ
Đã phải qua những "Tình trong lá thiếp" những "Câu hò bên bến hiền Lương", những ước ao của bao thế hệ cầm súng:
Ngày mai sau cơn mơ
Sông cạn lại thành dòng
Xuôi về ngọt quê hương
...
Cùng nhau ta sẽ đi
Sẽ thăm bao nơi xưa
Ôi một thủa long đong
Ta sẽ thăm từng miền
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà

Cái việc bây giờ chẳng ai cho là khó nhưng từng là khát vọng của cả dân tộc, từ những người dân cầm súng đến lãnh tụ:
"Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ... các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta...(Hồ Chí Minh)"
Thống nhất địa lý (Nếu không nói Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cướp mất) và chính thể đã cho người Việt Nam cái quyền, cái ước ao giản dị mà thiêng liêng ấy.
Ngoài ra, những thống nhất khác đã có từ trước, thống nhất về ngôn ngữ và chữ viết. Người Khơ me, người Mường, người H'Mông... tuy có văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng nhưng "Thống nhất" lấy tiếng Việt và chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ hành chính.
Còn gì cần "Thống nhất" nữa không...? Nhiều lắm.., nhưng quan trọng và cần thiết nhất là "Thống nhất" LÒNG NGƯỜI và Ý CHÍ.
Sau khi đánh đuổi ngoại xâm, tôi không nghĩ có người Việt nào lại buồn khi nghe "Bình Ngô đại cáo". Không có người Việt nào, kể cả những người thân nhất, có lợi ích gắn liền với chính quyền Pháp nhất lúc đó, lại không tự hào về Điện Biên Phủ.
Ba mươi tháng tư có được và đã được như vậy..???
Chúng ta đã nói, nhưng quan trọng hơn chúng ta làm những gì để LÒNG NGƯỜI "Thống nhất"...???
Để trăm triệu người cùng hướng về một ý chí sao cho: DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ, VĂN MINH....????
Và cá nhân tôi không nghĩ 40 lần ăn mừng chiến thắng và những lần tiếp theo sẽ là động lực để ta có "Thống nhất" hoàn chỉnh.
Thay vì những màn bắn pháo hoa, chúng ta hãy đến thắp hương ở tất cả những nơi có người Việt chết vì chiến tranh, hãy thăm hỏi động viên tất cả những bà mẹ, ông bố Việt có nhiều con chết trận.
Có thế, cái chiến tuyến trong lòng người mới có cơ xóa được!
Bác Hồ bảo: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng"...!!!

HỒI KÝ 30-4 (Trích)

Dừng ở Xuân Lộc mấy ngày. Vũ khí, đạn dược đổ về vô kể, nhiều nhất là đạn 130, những cái cắt tút đồng sáng choang cao gần một mét, những thùng thuốc đen xì, có những quả đạn gì dài đến hai mét, chúng nó bảo DKZ.
Đêm cuối tháng, rừng cao su tối như hũ nút, đất lạ, vũ khí lạ, việc lạ lại gấp gáp..., chúng tôi cứ bồng bềnh như những cỗ máy đã hết săng từ lâu mà vẫn chạy được, hễ thấy xe đỗ ở đâu là chúng tôi hạ xuống đấy.
Tinh mơ hôm sau, một ông quân đoàn đến kiểm tra. Khiếp.., nóng như lửa, như một con thú bị trúng thương, ông ta lồng lộn chửi rủa rồi túm áo ngực thằng cha thượng úy chủ nhiệm kho quân giới, xoắn một vòng tưởng như nhấc bỏng thằng sỹ quan lên, mặt ông đỏ như say rượu.
-Địt mẹ mày..! Pháo đã vào trận địa..., bây giờ mày bảo ông lấy đạn ở đâu...? Mày còn bao nhiêu viên....? Hả...! Ông chỉ cần trăm ba mươi thôi...! Mày làm ăn thế à...! Lôi cổ nó đi! Địt mẹ...! Cho mày ra tòa...!
Ông ta rút súng ngắn bắn lên trời ngay trước khuôn mặt đã tái mét của thằng thượng úy, hắn bị vệ binh quân đoàn chói giật cánh khuỷu tống lên u át, chiếc xe chạy vút về phía đường nhựa để lại một làn bụi vàng đỏ.
Chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội lập tức có mặt bàn cách tìm cho ra đạn 130. Tôi mạnh dạn bước đến.
-Dạ! xin thủ trưởng bớt nóng. Lỗi này còn thuộc về chúng em, do không biết nên xe dừng đâu chúng em hạ đấy nhưng đạn 130 thì chúng em nhớ, bây giờ trung đội nào đi gom của trung đội ấy, chắc là nhanh thôi.
Ông ta quắc mắt nhìn như muốn nuốt chửng tôi.
-Mày là thằng nào...?
-Dạ! Tôi là lính C15 ...!
Ông thủ trưởng thở phào
-Thằng Luy thằng Tám đâu! Cho chúng nó đi làm ngay..! Mẹ chúng mày...! Không đủ đạn thì vào tù cả lũ.
Trong những ngày ấy chúng tôi còn kịp đá mấy trận bóng với dân ấp Thời Giao. Họ cứ trầm trồ.
-Mấy ông bộ đội Hà Nội người trắng như trứng gà, đá bóng hay quá, nhảy như chim...!
Chả là chúng tôi bảo nhau, ngoài miệng họ nói vậy biết đâu họ chả ghét Việt Cộng, tốt nhất tránh va chạm.
Nước hiếm lắm, đá bóng xong, bọn “thổ dân” chỉ cho chúng tôi vào nhà máy cao su. ở đấy có một cái bể nửa chim nửa nổi chừng 30 mét vuông, sâu ngập đầu người, lưng chừng có họng nước to bằng bắp tay, mở khóa, nước chảy ồng ộc..., hơi vàng một tý nhưng không sao, thế là tốt rồi.
Mấy thằng nhanh chân nhảy xuống trước, ngay lập tức đứa thì nhảy lên, đứa thì chạy ra xa.
-Eo ôi! Địt mẹ nó...! Cái gì ấy...!
-Ừ nhỉ...! Đ. Mẹ nó! Thối quá!
Tôi nhìn theo, dưới nền bể, một mảng cái gì đó rộng đến 5-6 mét vuông chẳng ra hình thù gì, màu vàng nâu loang lổ, lấy chân dí thử thấy nó lùng nhùng.
Kể ra trí tưởng tượng ngớ ngẩn của tôi cũng được việc.
-Ừ...! Chắc là..., da voi! Người ta đang thuộc dở ấy mà. Không sao đâu..!
Thế là cả bọn tắm ngon lành.
Tối, Sơn Bỉ ở đâu về nhìn tôi gườm gườm như gây sự.
-Địt mẹ...! Đã đéo biết lại còn ... ông khễnh...!
Mấy đứa ra Thời Giao ngắm gái, chúng kể về "tấm da voi" trong bể bị chúng nó cười cho thối mũi.
-Trời...! Đâu có da voi mấy anh...! Mủ cao su đó...! Là người ta cạo mủ về, đổ zô đó.., mấy anh tới, người ta chạy hết nên zậy thôi...!
Chúng tôi nghỉ trong một ngôi nhà đẹp lắm, nằm giữa rừng cây ăn quả, đủ cả, chôm chôm, xoài, đu đủ. Chẳng thấy chủ nhà đâu, đồ đạc thì lanh tanh bành, loạn lạc là thế, chắc họ chạy đã mang theo những thứ quý giá, còn gì dùng được thì dân hôi của đã lấy nốt rồi nhưng bàn, ghế, giường, tủ thì vẫn còn, điện vẫn sáng.
Tôi cùng anh em dọn cho gọn lấy chỗ ngủ chứ không phá phách gì thêm. Trưa hôm sau, một chiếc xe đỏ chót dừng ngay cổng, bước xuống là một đôi ông bà cỡ 5-6 mươi tuổi, sang trọng lắm. Họ tươi cười tự giới thiệu là chủ trang trại này, ngôi nhà này, họ vừa từ Sài Gòn lên thăm rẫy.
Tự nhiên tôi thấy ngượng, cứ như thể chúng tôi là kẻ đã phá nhà của người ta vậy.
-Thưa bác..! Chúng tôi thấy nhà bỏ không thì vào nhờ, khi chúng tôi đến, mọi thứ đã như thế này…
Ông chủ vội xua tay ngắt lời.
-Không sao..! Không sao...! Các ông cứ tự nhiên, sự hiện diện của các ông trong nhà là vinh hạnh và may mắn cho chúng tôi lắm rồi, nếu không người ta còn phá nữa. chúng tôi phải cảm ơn mấy ông mà... Đám công nhân họ tưởng chúng tôi đã di tản nên mạnh ai nấy vơ vét về quê cả rồi... Mà không sao, có đáng gì đâu, các ông! Đất nước mình thống nhất là vui rồi...
Hỏi chuyện thì biết, ông bà này người Hải Dương, trước kia, ở ngoài đó cũng có đồn điền trồng vải trồng nhãn, di cư năm 54 nhưng lần này thì quyết chờ giải phóng chứ không đi đâu nữa.
Tôi trình bày rằng anh em chúng tôi còn trẻ nghịch ngợm thấy quả chin không chèo lên hái mà thi nhau dùng súng bắn, như vậy sẽ làm hại cây cối, mong ông bà thông cảm, họ cười nói.
-Không sao! Các ông cứ dùng.., cứ bắn..., chim càng đỡ đến phá.
Lát sau họ xin phép về Sài Gòn, tôi lấy làm ngạc nhiên hỏi.
-Ông bà đi như vậy thế qua giới tuyến …
-Dạ! không sao..! Chúng tôi vẫn đi mà, vả lại quân đội cộng hòa đang tan họ đâu có để ý...
Được lời như cởi tấm lòng. Hôm sau, một thằng phát hiện bên kia đồn điền có con suối nước trong và mát lắm. Cả bon hẹn nhau đi bơi.
Tôi cầm khẩu AK đi đầu, thằng Chi Móc cống, thằng Kiểm Chậu (đều ở Nhật Tân) thằng Hàm loe (Láng) sách AR15 cùng cả một thùng đạn đi sau, vừa đi chúng vừa thi nhau bắn những chùm chôm chôm chín.
Tôi thề với các bạn rằng chôm chôm ngày đó ngon hơn bây giờ, những trái to, chín đỏ, lông dài, tuy không róc cùi nhưng ngọt và thơm lắm. Sở dĩ tôi phải thề vì nó ngon thật, không như những loại bầy bán ở Hà Nội bây giờ.., chứ không phải ngon vì nghịch ngợm, vì ăn trộm.
Con đường mòn ngoằn ngèo trong vườn cây, đến hết dốc thì người ta không trồng chôm chôm nữa mà thay vào đó là chuối, những bụi chuối to, thân cao đến mấy mét, lá đan dày che kín không thấy trời đâu.
Bỗng, Cắc! cắc! cắc! tiếng nổ đầu nòng của sung phóng lựu nghe rất gần. Theo phản xạ, tôi lao vào nằm gọn trong bụi chuối hướng nòng AK về phía tiếng nổ lên đạn. Phía sau, ba thằng kia cũng vậy.
Đạn nổ sau lưng chúng tôi cả chục mét, lần đầu tiên "Nếm mùi" nhưng đã được nghe kể nhiều rồi, thứ này bọn VNCH bắn chính xác lắm ...
Bên kia con suối, trên sườn núi đá cách họng súng của tôi chỉ ba bốn chục mét, mấy người lính cộng hòa đang lóp ngóp bỏ chạy.
Họ, người quân phục rằn ri, người chỉ mỗi cái quần đùi, cũng trắng chứ không đen bóng như mấy thằng “thổ dân” đá bóng.
Chúng tôi vô tình hất họ lên vách đá. Cũng AR15, cũng phóng lựu M82 nhưng họ lo chạy, chỉ quay mặt lại ngó chứ không chĩa súng về phía chúng tôi.., bắn họ lúc này dễ hơn bắn bia...
 Bất giác tôi nhớ đến những cái xác quắt queo trên chiếc GMC cháy ở cao điểm Nam Đông, những cái xác được người dân bới lên ở trận địa pháo La Sơn, Truồi, những cái xác bên dòng nướctrên đèo Hải Vân ..., sao nom họ hiền thế..., chắc..., lúc mình trúng đạn..., mình chết..., mặt mình cũng hiền như vậy..!
Rồi những người phụ nữ với bộ mặt thất thần, tìm chồng, tìm con... tiếng rú xé lòng…! Tôi mà trúng đạn thì mẹ tôi làm sao vào được tận đây mà kiếm... Sài Gòn đã ở trước mặt, hòa bình đã trong tầm tay. Vừa rồi họ bắn chắc để báo cho chúng tôi biết rằng có họ ở đây..., đạn nổ xa lắm mà..., ngần ấy quả lựu nếu bắn thẳng.. chắc chúng tôi đã ... Tiếng thằng Hàm Loe.
-Dũng ơi...! Bắn bỏ mẹ nó đi..! Tao bắn nhé...!
Tôi như chợt tỉnh cơn mộng mị giữa chiến trường.., có gì thúc giục phải hành động gấp,  không quay lại nhưng tôi nói thật to, cốt để cả hai bên cùng nghe.
-Không...! Không được bắn...! Để chúng nó chạy...!
Chúng tôi nằm im xem đối phương bỏ chạy. Dường như nghe được tiếng tôi, thằng cởi trần sau khi trèo được lên tảng đá còn dám đứng thẳng người quay hẳn về phía chúng tôi giơ tay khua khua mấy cái... , chắc nó cảm ơn bọn tôi, rồi mới nhảy xuống bên kia mất hút.
Họ chạy rồi nhưng chúng tôi cũng không dám xuống tắm, đành quay về với cái bể “da voi”.
Chiến sự qua đây đã ba ngày, ngoài đường, trong rừng cao su, trong ấp đầy bộ đội, chắc mấy người lính thất trận này đói, không còn cách nào khác là mò xuống suối kiếm ăn. Tôi thấy nhẹ người và thầm mong cho chúng sớm về được nhà.
(Đây cũng là lần đầu tiên tôi kể chuyện này trên mạng. Nếu mấy người kia còn sống hãy lên tiếng, hôm ấy khoảng 21-22 tháng 4 gì đó. Để hàn huyên thôi, chẳng đòi ơn huệ gì đâu!)
Máy bay từ Sài Gòn ra ném bom chặn bước tiến của quân Giải Phóng, họ bay từng tốp hai cái, bổ nhào, cắt bom rồi bay về. Đạn phòng không cũng lục bục nổ nhưng chả trúng cái nào, kém quá, ở ngoài Bắc mà bay kiểu này thì rụng ngay.
Tôi vớ được quyển truyện “vòng tay học trò” giấu vào bụng rồi chui vào một cái lô cốt đọc trộm. Cái lô cốt bằng bao cát dày lắm, nếu lấy B40 mà bắn vào một điểm cũng không biết bao giờ mới thủng..., đủ các loại rào kẽm gai với các loại mìn chạm nổ, mìn cờ lê mo, tứ phía có giàn tên lửa (3 quả) tự hành, chúng nó bảo, bấm nút một cái, ba quả này bay đi tạo thành một km lửa, một giàn ba quả khác lại tự động từ lô cốt trượt ra lắp vào bệ phóng. Ghê thật.., trừ đặc công, tình báo thì bọn bộ binh chúng tôi vào thế quái nào được. Tuy nhiên, chỏng chơ trong nội thất cái lô cốt là những tập tranh khỏa thân dày cộp, thôi thì đủ kiểu, có cả “Chó liếm”, ngó qua đã thấy trong người rạo rực, chúng nó cũng là người, xem thế này thì ông vào tận nơi dí súng vào đầu may ra mới biết. Tạm coi một trong những nguyên nhân thua trận của họ là vậy.
Đang đọc truyện tôi nghe những âm thanh lạ, tiếng bước chân vội vã, những tiếng người í ới.., linh cảm mách bảo có bất thường. ôm súng, ghé mắt qua lỗ châu mai, tôi thấy mấy mặt thằng bạn be bét máu, mấy ông cán bộ trung đội, đại đội đang chửi mắng om xòm... Sau mới biết, mấy ông ranh ra xem máy bay, thấy dù lại tưởng bở ngẩng mặt lên ngóng thế là dính bom đinh. Những quả bom mẹ rơi đến độ cao nhất định thì dù mở rồi quả bom nổ trên cao chụp xuống một diện tích đầy đinh, những chiếc chỉ bằng cái đinh đóng guốc nom hệt như một quả bom con.
Bữa ấy bốn thằng bỏ mạng. Tôi chột dạ, nếu không có quyển truyện kia.., chắc gì tôi đã không có mặt trong những thằng đi ... xem máy bay.
Chó hoang chạy đầy đường trong khi chúng tôi phải ăn thịt muối (những tảng thịt rút ra từ những bao muối, ngâm từ sáng đến trưa vẫn mặn chát) thằng Hòa Toái bảo.
-Bắn chó ăn đi..! Chó hoang ấy mà, tao làm cho.
Chúng tôi trèo lên một cái chòi, cao lắm dễ đến hai chục mét, chòi canh rẫy nên cao hơn hẳn những ngọn cây cao nhất.
Vừa bắn được một con thì thấy một tốp A37 bay từ phía bắc vào, chúng bay rất thấp, cả bọn nổ súng nhưng toàn AR 15 chả ăn thua gì. Ông Thìn (lính cũ) nói.
-Chắc nó bay từ ngoài biển vào, thế nào nó cũng bay ra. Chúng mày đâu, vác trung liên lên đây..!
Vừa đặt súng đã nghe tiếng ì ì từ xa rồi hai cái A37 to dần, thằng Ngọc Nổ xoạc chân nghiến răng bóp cò, chúng chao nghiêng bay xoẹt qua đầu chúng tôi… cũng... chẳng ăn thua gì.
Mãi sau mới biết, bữa ấy chúng tôi bắn ông Thành Trung. Ông Thành Trung nếu đọc mấy dòng này thì nhớ lại lúc bay ra qua vùng Xuân Lộc có bị bắn không. May cho ông là chúng tôi không phải lính phòng không đấy.
Sau này, trên một chuyến bay đi SG, thấy giới thiệu "cơ trưởng Thành Trung", tôi chỉ cười thầm....