Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

TẢN MẠN 30-4!

Trong quá khứ, đội bóng đá Việt Nam đã từng thắng Thái Lan trên sân Hàng Đẫy đến ba bàn không gỡ.
Khi đó, thắng Lào, Căm Pu Chia, Phi líp Pin .. thì chẳng nói làm gì, thắng Myamma, In Đô hay Mã Lai thì cũng có thể lắm, nhưng thắng Thái mới là chuyện phi thường.
Cả Hà Nội xuống đường, cả nước ăn mừng quá mức.. không ai được quyền cấm người ta thể hiện, ngăn người ta trì hoãn sự sung sướng.
Kể cả những người sành điệu về bóng đá, những chuyên gia phân tích, bình luận trên VTV, những dân lõi đời trong làng cá độ đều mê mẩn với chiến thắng...
Đội tuyển của ta, một khắc lên mây, chân các cầu thủ đi không chạm đất, bỗng chốc họ thành những thiên thần ..., hình ảnh giờ phút nâng cao chiếc cúp lởn vởn trong đầu khiến họ không ngủ được.. để rồi họ gục ngã trước một Sing Ga Po không phải là đối thủ xứng tầm.
Nếu có một người, có tầm mắt đủ để đánh giá lại xem ta có gì, Thái có gì..? Ta thắng trước hết vì ta đã dùng đến hơn 100% tài năng, sức lực, tinh thần đúng vào lúc đối phương rệu rã phân tâm sau bài tính lẩm cẩm ở vòng trước.
Giá như ta biết thế...! Giá như các cầu thủ biết thế...! Giá như ai ai cũng biết thế thì đã có cơ không phải đợi đến nhiều năm sau, Thủ tướng của ta mới được bưng chiếc cúp trao cho Phan Văn Tài Em ở sân Mỹ Đình.
Và giá như bài học ấy được rút ra ngay, khắc phục triệt để thì nền bóng đá của ta chắc đã vươn xa...
Bệnh của ta là cố tình không biết, cố tình không sửa, cường điệu thành tích rồi nhai đi nhai lại để không biết bao giờ mới lại có thành tích nữa...!

Đấy là bóng đá, các môn thể thao khác cũng vậy, các ngành khác cũng thế, trong đủ mọi lĩnh vực; Chính trị, kinh tế, văn hóa..., đều thế...!
Ai cũng có quyền tự hào về những thành tích mà mình đạt được nhưng nếu còn muốn đi lên phía trước thì cần rút ngắn thời gian "Ăn mừng" ấy lại, đủ minh mẫn để biết hôm qua ta thắng là vì những đâu, sức và trí của ta bao nhiêu, ngoài ý của ta bao nhiêu. Đủ tỉnh táo để biết ta đang ở đâu và cần phải làm gì để lại có chiến thắng mới.
Lại sắp đến ngày kỷ niệm 30-4, nghe nói Sài Gòn sẽ bắn pháo hoa nhiều điểm... Hơn một tuần nay, Huế, Đà Nẵng.... đã và đang tổ chức những lễ kỷ niệm hoành tráng...
Phải thôi..! Không ai có quyền can ngăn chính quyền các địa phương tổ chức như vậy.
Tôi là một người lính trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn hôm ấy, chúng tôi đã bắn những loạt súng lên trời, chúng tôi đã mừng vui trong nước mắt, chúng tôi đã được ăn tiệc khao đến cả hai tuần.., và cho đến nhiều năm sau, cứ đến dịp này là những hình ảnh cuối tháng 4-75 lại hiện về trong tâm trí, râm ran trong từng thớ thịt làn da.
Chẳng có gì không thể mòn theo thời gian..., cùng với những đòi hỏi cuộc đời, những thành tích mới của cuộc đời, những thách thức còn đang chờ phía trước..., 30-4 dần đi vào kỷ niệm trong tôi.
Cái mốc ấy, quan trọng nhất là chấm dứt chiến tranh, cái ý nghĩa với đất nước, dân tộc thì còn có hơn trăm triệu người đánh giá, cái ý nghĩa quan trọng, cái mốc quan trọng với mỗi người lính như tôi là còn cái đầu mang về, còn được sống bên những người ruột thịt, còn được lấy vợ, sinh con đẻ cái, tận hưởng những gì mình coi là hạnh phúc...
Nhìn lại lịch sử bốn ngàn năm rồi tự hỏi: Trên trái đất này còn có nơi nào ? Trong tất thẩy loài người còn có dân tộc nào chịu nhiều chiến tranh như ở đất này, dân tộc này...?
Lịch sử của chúng ta là lịch sử của những chiến thắng, những chiến thắng nối tiếp từ Thánh Gióng đến Lê Duẩn-Lê Đức Thọ.
Là người Việt Nam, ai chả tự hào..., nhưng dường như mỗi trận chiến, mỗi chiến thắng, chiến bại đều ít nhiều có ý nghĩa khác nhau.
Trong cái rừng chiến thắng ấy, tôi thấy nổi lên những chiến thắng đầy tự hào dân tộc khi Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, khi Nguyễn Trãi viết Cáo Bình Ngô, khi Nguyễn Huệ khiến giắc phương Bắc hồn bay phách lạc và khi Võ Nguyên Giáp trút sấm sét xuống đầu đạo quân hiện đại phương Tây.
Dẫu là tội lỗi, tôi vẫn chỉ coi 30-4 như một ngày thống nhất, ngày đất nước tôi thôi bị chia cắt, ngày dân tôi không phải đổ máu nữa.
Tôi không muốn và không thể so sánh 30-4 với Bạch Đằng, Chi Lăng, vạn Kiếp, Hạ Hồi, Điện Biên Phủ, những chiến thắng trực tiếp trước những kẻ xâm lược ngoại bang bạo tàn, ngang ngược đến chiếm nước tôi, hà hiếp dân tôi.
30-4, chúng ta đã chiến thắng những người anh em cùng mẹ. Trong đạo quân mà chúng ta đã đè bẹp năm ấy, bao nhiêu người có máu mủ ruột thịt gần gũi với ít nhất một người lính chúng ta..?
Vào chiến trường, tôi nghe chuyện một vị tướng VNCH ngồi trên trực thăng, nói chuyện bằng loa phóng thanh với một vị tướng Miền Bắc, người trên máy bay hỏi người dưới đất về sức khỏe của mẹ, họ thuyết phục nhau theo lý tưởng của mình, không thành, họ trở về vị trí và hôm sau hai đạo quân lại đánh nhau.
Sớm 30-4 tôi ngồi trên xe Hồng Hà chạy theo xa lộ Biên Hòa, qua Thủ Đức mà vào Sài Gòn, cũng đúng thời khắc ấy, người anh, con bác ruột tôi, sinh viên Đại học Vạn Hạnh vừa được tổng động viên vào lính, trút bỏ bộ quân phục chạy ra khỏi trường võ bị Thủ Đức...
Nhà tôi có bốn anh em trai thì tôi là người thứ ba có mặt ở chiến trường... họ hàng nội, ngoại nhà tôi trong Nam cũng vậy..
Thế nên cái ý nghĩa của 30-4 còn lớn hơn nữa..., ông bà tôi thôi phải chứng kiến các cháu mình bắn giết nhau...!
Dường như, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, người lãnh đạo tôi vô cùng kính yêu, thấu hiểu điều này, dường như ông nói: ngày 30-4, trăm người thế này thì cũng trăm người thế nọ..!!!
Trăn trở (Nếu quả thật như vậy) của người đứng đầu chính phủ là có lý lắm. Tôi đã từng hiều sai, hiểu không đầy đủ về hai từ "Thống nhất" và tôi đồ rằng cho đến tận bây giờ còn có không ít những Giáo sư, những Nhà ngôn ngữ, những Tiến sỹ, Thạc sỹ về xã hội học, hiểu đấy..., nói vanh vách đấy..., nhưng vẫn nhầm lẫn, vẫn quên mất ý nghĩa đầy đủ của hai từ này.
30-4, nước ta đã thống nhất về địa lý và chính thể, quả là một sự kiện lớn lao với đất nước, với dân tộc.
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, thôi nói về bom đạn chết chóc, chỉ cần nhìn qua văn học nghệ thuật, để Tố Hữu được viết:
Khao khát trăm năm mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ
Đã phải qua những "Tình trong lá thiếp" những "Câu hò bên bến hiền Lương", những ước ao của bao thế hệ cầm súng:
Ngày mai sau cơn mơ
Sông cạn lại thành dòng
Xuôi về ngọt quê hương
...
Cùng nhau ta sẽ đi
Sẽ thăm bao nơi xưa
Ôi một thủa long đong
Ta sẽ thăm từng miền
Sẽ đi thăm từng đường
Sẽ vô thăm từng nhà

Cái việc bây giờ chẳng ai cho là khó nhưng từng là khát vọng của cả dân tộc, từ những người dân cầm súng đến lãnh tụ:
"Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để thăm hỏi đồng bào, chiến sỹ... các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta...(Hồ Chí Minh)"
Thống nhất địa lý (Nếu không nói Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cướp mất) và chính thể đã cho người Việt Nam cái quyền, cái ước ao giản dị mà thiêng liêng ấy.
Ngoài ra, những thống nhất khác đã có từ trước, thống nhất về ngôn ngữ và chữ viết. Người Khơ me, người Mường, người H'Mông... tuy có văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng nhưng "Thống nhất" lấy tiếng Việt và chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ hành chính.
Còn gì cần "Thống nhất" nữa không...? Nhiều lắm.., nhưng quan trọng và cần thiết nhất là "Thống nhất" LÒNG NGƯỜI và Ý CHÍ.
Sau khi đánh đuổi ngoại xâm, tôi không nghĩ có người Việt nào lại buồn khi nghe "Bình Ngô đại cáo". Không có người Việt nào, kể cả những người thân nhất, có lợi ích gắn liền với chính quyền Pháp nhất lúc đó, lại không tự hào về Điện Biên Phủ.
Ba mươi tháng tư có được và đã được như vậy..???
Chúng ta đã nói, nhưng quan trọng hơn chúng ta làm những gì để LÒNG NGƯỜI "Thống nhất"...???
Để trăm triệu người cùng hướng về một ý chí sao cho: DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ, VĂN MINH....????
Và cá nhân tôi không nghĩ 40 lần ăn mừng chiến thắng và những lần tiếp theo sẽ là động lực để ta có "Thống nhất" hoàn chỉnh.
Thay vì những màn bắn pháo hoa, chúng ta hãy đến thắp hương ở tất cả những nơi có người Việt chết vì chiến tranh, hãy thăm hỏi động viên tất cả những bà mẹ, ông bố Việt có nhiều con chết trận.
Có thế, cái chiến tuyến trong lòng người mới có cơ xóa được!
Bác Hồ bảo: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng"...!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét