Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Cảm nhận về bài: Một tỷ người đã khóc...!

Đây là cảm nhận sau khi đọc "Một tỷ người đã khóc", tôi viết ở trang Thanh Quang ngày 06/05/2013.

Hôm nay, 30-4, không đi đâu, không thể viết điều gì.
Xem ti vi thấy câu chuyện hội nghị Paris với
-Lê Đức Thọ trao tài liệu gì đó cho phía Mỹ,
Người Mỹ nói
-Hòa bình trong tầm tay
Một hiệp định đã được ký tắt.
Nguyễn Văn Thiệu và phía Mỹ đề nghị sửa
Lê Đức Thọ báo nghỉ về Hà Nội xin ý kiến.
Trưởng đoàn Mỹ chúc ông Thọ về nghỉ giáng sinh an lành cùng gia đình.
Sự kiện 12 ngày đêm.
Và Hiệp định được các bên ký.
Trên những kênh chủ yếu của VTV những thước phim tài liệu, những bài phỏng vấn bài bản.
Lễ kỷ niện ở Sài Gòn
Tối nay chợt nghe tiếng nổ lục bục ngoài kia... À...! Bắn pháo hoa... Dân Hà Nội đi cả, đường phố vắng teo... sao không chờ họ về hãy bắn nhỉ... phí!

Vào trang, không viết được thì xem lại... thấy bài này... kể cũng đáng viết, đáng xem..!
Người Trung Quốc cũng như người Việt, họ có câu chuyện của một đứa trẻ ngoan mà không may khiến 1 tỷ người rơi nước mắt..., ở Việt Nam cũng có những câu chuyện về những đứa trẻ khiến hàng triệu người rơi nước mắt...,
Trong đời hành nghề, tôi đã nhiều lần phải rơi nước mắt, và câu chuyện rất nhỏ dưới đây, hóa ra còn có chị Hoa Mai phải khóc.

Xin giới thiệu lại xem còn có ai phải rơi lệ không...!

CẢM NHẬN TRÊN TRANG THANH QUANG

cũng như tôi, ông bạn viết dài quá.
Cái dài của tôi làm người đọc khó chịu.
Cái dài của ông làm tôi khổ, tôi tốn ..., nước mắt!
Ở Xanh-pôn (không dùng chữ nước ngoài), có thời kỳ tôi mổ não trẻ em nhiều lắm.
Thú thực, đôi khi mình làm việc như một cái máy nhưng cũng vài lần làm việc như một .., con người.
Những lần hiếm hoi ấy đủ cho tôi cảm nhận rằng "Hình như, những đứa trẻ có bất thường trong não lại rất thông minh, rất ngoan và rất đáng thương".
Nay chỉ kể một ca "Đơn giản mà không thể quên".
Cậu bé ấy 8 tuổi, học lớp 2 ở một vùng quê Hà Tĩnh.
Chỉ nhìn ông bố là biết nhà cậu nghèo đến thế nào.
Cái u hố sau mà trên hình ảnh cắt lớp cho biết "Lành ít, Dữ nhiều".
Ngày ấy, bệnh đông lắm, việc hoãn mổ (vì rất nhiều lý do, không vì phong bì) không phải là bất thường.
Người ta vào viện là nháo nhác tìm người thân người quen rồi thể nào cũng kiếm được người nhờ vả gửi gắm, thúc dục... Thật lòng, nhiều khi làm mình rất khó chịu.
Ngược lại, những người nhà (mà ông bố cậu bé là một), lặng lẽ, nhẫn lại, ít tìm gặp Bs lại khiến tôi đặc biết mến và quan tâm. Ông ta gày, nhìn ông ta bế con và ánh mắt nói lên tất cả. Có những khi tôi lặng ngắm nhưng có những lúc phải quay đi vì không chịu nổi.
Do hoãn mổ tôi mới biết. ngày hôm trước cậu đòi cha cho tắm rửa sạch sẽ rồi xin Cha (em gọi bố là Cha) cho đến Văn Miếu, quảng trường Ba Dinh.
Nhất định không chịu ngồi xích lô hay xe ôm, cậu nói
-Cha để con đi.., khi nào con mệt ... Cha cõng..!
Ở Văn miếu, cậu cũng sờ đầu rùa, vái lạy rồi đứng lặng ngắm đức thánh hiền (bố em kể lại).
Đến quảng trường, em không xin cha vào lăng mà ngồi trên cỏ lăng ngắm vẻ mặt rất thỏa mãn.
-Cha ơi..! nếu mai con chết..., cha đừng khóc nhé..! con đã đến Hà Nội, đã vào Văn miếu và đã nhìn thấy Lăng Bác Hồ..!
Trước cuộc mổ, tôi có một cuộc đối thoại ngắn với cậu ở phòng tiền phẫu. Đàng hoàng, nhẹ nhàng (yếu) thông minh, rất người lớn.. Đó là những gì tôi cảm nhận được sau cuộc nói chuyện.
Tôi vào phòng mổ trước để chuẩn bị, người cha tiễn con đến cửa ra của phòng tiền phẫu, tôi thấy cô y tá mắt ngấn lệ bế cháu vào. Đến cửa phòng mổ cậu không chịu, bám tay vào cửa hỏi.
-Bác Dũng đâu..?
Tôi lau tay chạy ra.
-Bác đây..! Bác sẽ làm đúng những gì ta đã bàn bac với nhau và con cũng cũng làm thế nhé.
Đã tĩnh tâm nhưng sau khi tôi đặt cậu lên bàn mổ, nhóm gây mê chuẩn bị làm nhiệm vụ, cậu nhoài người lên, với tay về phia cửa khẽ gọi
-Cha..a... ui..!
Cậu không khóc, không sợ hãi nhưng chúng tôi..., Tất cả cùng lặng đi đi, rơi nước mắt...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét