Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

"ĐỘ" thơ bạn này-Tặng bạn khác...!

MƯỢN THƠ BẠN NÀY, TẶNG BẠN KHÁC..!
Tôi có ông bạn thơ, Hải Minh (Blogtiengviet), tay này lạ lắm, đọc thơ hắn nhiều lúc như có cái dùi chọc vào tai... nhưng mà khoái..! Khoái rồi thì đọc mãi.., đọc mãi thành nghiện.
Tôi có cậu em, vợ nó không may lìa đời sớm, để lại hai thằng con trai lộc ngộc. Nó gặp và thành thân với cô giáo mâm non, cũng đã qua một lần đò với hai cô con gái.., chả biết tình yêu của chúng to bằng chừng nào nhưng bốn đứa con đã lớn.., bốn liều thuốc thử thách tình yêu của chúng... Mừng cho các em cũng có nhưng lo cho chúng thì nhiều..., một phần tư cái bánh mà thiu thì thà đừng bưng mâm hạnh phúc...lên làm gì..., cố nhịn còn hơn!
Nói vậy thôi..! Lo vậy thôi.., chứ bọn này khá lắm..., bằng con mắt khắt khe nhất tôi cũng phải thừa nhận chúng đã dắt nhau đi được quá nửa đường.
Mong cho cô em bền trí, đảm đang. Mong cho thằng em đừng ... đổ đốn giữa đường...!
Trong xã hội ngày nay, cùng với sự gia tăng của tỷ lệ ly hôn thì đương nhiên tỷ lệ tái hôn cũng vì thế mà tăng theo.
Chiều được, bù đắp được, nuôi dạy được những đứa trẻ có sẵn vết thương lòng là cả một thử thách lớn lao. Thử thách ấy không thể qua được bằng tiền, không thể qua được bằng sự khôn khéo, cũng không chắc qua được chỉ bằng tình thương đơn thuần...
Thử thách càng cao thì hạnh phúc càng lớn..! Tiếng gọi Bố...! Mẹ...! Từ đáy lòng những đứa con không do mình đẻ ra mới sung sướng làm sao...!
Hôm nay đọc Hải Minh, thấy bài thơ gần hợp cảnh:
NÓI VỚI VỢ SAU
Hải Minh
hà cớ gì ghen
với Người đã khuất
nếu Chị không mất
giờ em ở đâu ?
**
nghĩa nặng -tình sâu
làm sao không nhớ ?
còn đây hơi thở
ấm thuở mặn nồng
**
chấp nhận vợ chồng
quên đi quá khứ
thương yêu là đủ
Chị là Chị em
**
tuần rằm nhang đèn
ấm lòng tụi nhỏ
một ngày nào đó
gọi em -Mẹ ơi !

Mới xin phép hắn mang về, hì hục đẽo gọt lại TẶNG VỢ CHỒNG CẬU EM

Hà cớ gì ghen
Với Người đã khuất
Nếu Chị không mất
Em giờ ở đâu ?
**
Nghĩa nặng -tình sâu
Anh ơi! Cần nhớ ?
Còn đây hơi thở
Ấm thuở mặn nồng
**
Yêu vợ yêu chồng
Yêu luôn quá khứ
Bấy nhiêu đã đủ
Thành chị thành em
**
Tuần rằm nhang đèn
Bên hương mờ tỏ
Chị ơi có rõ
Nhà cửa gọn gàng

Yêu anh, xót chị
Yêu anh, chăm con
Run run lòng son
Nghe con goi:
-Mẹ...!
Chắc là chúng nó hiểu ...!

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

CHUYỆN MỘT ÔNG THẦY MỸ.

Khoảng những năm cuối thập kỷ 80 tôi được tham gia lớp "Phục hồi chức năng đoạn chi" do các giảng viên Hoa Kỳ thực hiện tại trung tâm Phục hồi chức năng, nhà tròn, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, tôi thấy Gs James Goodrich, giảng viên chính, đi bằng một nạng. Ông giới thiệu, là cựu binh từng tham chiến ở Nam Việt Nam với tư cách Bác sỹ phẫu thuật nhưng chân ông bị cắt cụt sau một tai nạn.
Có lẽ vì chính ông thầy là người mất đoạn chi, việc đi lại, hướng dẫn cả lý thuyết và thực hành khó khăn nên kích thích được sự tập trung của các trò.
Hai tuần trôi qua, cũng đến ngày tổng kết, phát chứng chỉ, chúng tôi không thấy ông thầy đi nạng đâu.
Đại diện Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn PHCN đọc những bài tổng kết, những lời cảm ơn rất dài... Đến phần trao chứng chỉ, người ta mời phía giảng viên, một cô mắt xanh mũi lõ bước lên với vẻ lúng túng, cô thành thật xin lỗi vì cô chỉ là Kỹ thuật viên, trợ giảng nên không thể đủ tư cách phát bằng cho các Đốc tờ.., phải là Gs James Goodrich nhưng không hiểu sao giờ này chưa thấy ông đến.
-Tôi đây..! Tôi đây...!
Thầy chạy huỳnh huỵch từ hậu trường ra với .., không một cái nạng nào trên tay, cả lớp ngạc nhiên, xì xào. Ông tươi cười kéo ống quần lên, cái "chân giả" màu vàng mọi ngày biến mất, thay vào đó là cái chân có đầy đủ lông lá, ông vận động cổ chân và các ngón để khẳng định cho mọi người biết; Đây là chân thật! Rồi hóm hỉnh kể.
-Tôi đến muộn vì vừa gặp Thượng đế, ngài tỏ ý hài lòng vì các bạn đã tiếp thu rất tốt những kiến thức về phục hồi chức năng đoạn chi, Ngài gửi lời chúc mừng các bạn và thưởng cho tôi đoạn chi mà tôi đã mất.
Cả lớp ồ lên vỗ tay. Chúng tôi biết, ông đã tìm mọi cách để truyền thụ kiến thức một cách tốt nhất, nhanh nhất.
Liên hoan, vì biết vọ vẹ ba câu tiễng Anh, người ta đề nghị tôi nói đôi điều cảm tưởng hoặc hát một bài.
Vốn chỉ thuộc: More than I can say và: What will be, will be nhưng những bài này không phù hợp với khung cảnh ở đây, thế là tôi phịa ra một câu chuyện để... "Chơi" lại ông thầy.
-Thay vì hát, tôi xin kể một câu chuyện có thật, sẽ cố kể bằng tiếng Anh tặng tất cả các bạn nhưng đặc biệt dành tặng thầy James Goodrich.
Tôi chỉ tay về phía ông và ông giơ hai tay lên, há miệng chờ đợi.
Chả là ở trung tâm, tôi đang được học cách dùng: So do I.., so did He.. thế là kể:

Long long time ago, when I was in the Army, one day, on a tight turn of a trail through a small forested near by Sai Gon city..., unexpectedly I saw this man!
Tôi lại chỉ tay về phía ông Gs, không khí có vẻ căng thẳng.
He raised his gun to me.., and of course.., I raised my gun to him too...!
We looked at each-other for few minute without any saying...!
I waited.., and He seemed to did so..!
I thought..., I have enough time to shoot back if He shoot me.
Suddenly, he steped back carefully, and .., so did I...!
Then, I puted my gun down and.., so did He...!
He smiled at me, and..., so did I.
I raised and waved my left hand, and.., he did the same to me.
Finally, He turned back, started his own way again, and..., so did I.
Today, my impression is :
-Thanks God..! For made we didn't shoot each other...! So that today, He can come here to teach us about the amputated rehabilitation.

Ý tôi muốn kể là:
Đã lâu lắm rồi, khi tôi còn trong quân đội, ở một chỗ gấp trên con đường mòn để qua một cánh rừng nhỏ gần Sài Gòn, tôi bất ngờ gặp ông này.
Ông ta chĩa súng vào tôi và tất nhiên tôi cũng chĩa súng vào ông ta.
Chúng tôi nhìn nhau như thế vài phút, không ai nói gì.
Tôi chờ đợi và chắc ông ta cũng thế, tôi nghĩ, dẫu ông ta có bắn thì mình còn đủ thời gian để bắn lại.
Bất chợt tôi thấy ông ta thận trọng lùi lại và tôi cũng làm vậy
Tôi hạ súng xuống và ông ta cũng làm theo
Ông ta mỉm cười với tôi và tôi cũng cười với ông ta.
Tôi từ từ giơ tay trái lên vẫy ông ta và ông ta cũng làm vậy với tôi
Cuối cùng, ông ta quay đi và tôi cũng vậy
Cảm tưởng của tôi hôm nay là.
-Ơn trời! Đã ngăn chúng tôi bắn nhau để hôm nay ông ấy đến đây, dạy chúng tôi về phụ hồi chức năng đoạn chi.

Không khí như vỡ ra, ông thầy giơ cả hai tay lên trời, chạy đến và..., chúng tôi ôm nhau thật chặt!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

ĐÊM HÔM QUA..!

0h 45', tắt máy định đi ngủ thì điện thoại reo.
-Anh ới! Có một ca máu tụ dưới màng cứng, mê sâu lắm rồi nhưng nó trẻ quá...!
-Mấy điểm..? Bao nhiêu tuổi..?
-Dạ 6 đ, có cơn duỗi cứng rồi, nhưng nó mới 20 tuổi.
-Ô kê! Mình đến ngay...!
Mặc quần dài, khoác cái ghi nê, chợt nhớ ra, gọi lại phòng khám.
-Chú Dũng I-1 đây, nói các anh làm xét nghiệm nhóm máu cho chú nhé, chỉ cần thế thôi, chu đến ngay đây.
-Làm hết rồi ạ!
Ông ôn không thấy mùi rượu, mê tít, cấu véo chỉ duỗi cứng, đồng tử hai bên giãn > 2 mm.
Đầu méo mó, sờ thấy ổ lõm lớn bên đỉnh phải. Trên phim cắt lớp thấy vỡ sọ phức tạp từ bên nọ sang bên kia, lún lớn ở đỉnh phải, máu tụ dưới màng cứng trái, dập não hai bên.
Phải mổ nhưng mổ như thế nào đây...? Nghĩ..., ra phương án.., giải thích cho bố nó.
-Thương tổn của cháu rất nặng, muốn hy vọng sống thì phải mổ ngay nhưng thương tổn nặng đến mức có thể chết ngay trên bàn mổ.
Gia đình đồng y. Ô kê, gọi huyết học.
-A lô! Chú Dũng I-1 đây! Chú sắp mổ một ca sọ não nặng lắm.., nhóm máu B, hiện cháu có không..?
-Dạ có ạ..!
-Tốt rồi...! Nếu cần chú xin nhé..?
-Vâng..!
Bác sỹ Chiến gây mê.. Tốt rồi! Phong mổ không bận ca khác, thế là tập trung..., rất tốt.
Chưa bao giờ phải mở một đường rộng đến thế.
 photo DSC_0002_zps72fegebp.jpg

Giải quyết các thương tổn không khó lắm ngoại trừ hai vấn đề.
-Máu chảy từ phía đường vỡ phía thái dương nền P (Không bộc lộ tới) cầm rất khó khăn.
-Cháu dụng cụ viên chừng mệt quá, yêu cầu lại cấp bách, cứ ú a ú ớ, cần thêm cái gì mới đi lấy, đưa cái dây cưa làm gấp đứt (Lội của nó một nửa, của mình một nửa)..., điên tiết, quát um lên.
-Tập trung vào...! Cái gì cũng chờ một tý...! Chờ thì chết mẹ nó rồi, còn mổ làm gì nữa.
Cuối cùng cũng cầm được máu... Ô kê hát
"Lẳng...ứ.. tai nghe...i ... dàn bầu..."
-Gớm...! Sao bây giờ chú mát thế...!
-Tao lúc nào chả mát...!
-Sao hồi nãy chửi chua ngoa thế...!
-Ơ ...! Cái con bé này...! Đồ vu khống.., chửi phải Tiên sư tổ sư chứ, tao có tiên sư tổ sư đâu...!
bác sỹ Chiến đủng đỉnh cãi hộ.
- Chửi phải con.., phải củ chứ...! Tao có con có củ gì đâu..., chú nhỉ...!
Thế là chúng nó không giận. Đóng xong, nhìn lại cái đường mổ mà hãi hùng

 photo DSC_0006_zps6yirwgvn.jpg

Bố nó cho cái phong bì, không thể không lấy vì còn anh em, họ nhiệt tình và rất khẩn trương, may ra thằng cu sống được.. nhận, chia cho mỗi thằng một tý (Đương nhiên giữ phần nhiều nhất cho mình)
Về đến nhà 4h37' tắm một cái, mở máy viết tiếp cuốn chấn thương sọ-não.
5h45' mệt, nghỉ, mở BTV thấy Hải Minh và bác Duy Đức vẫn thức, ghi mấy chữ nhắc các bác đi ngủ.
10h sáng nay đến thăm, các thông số ổn định, máu không chảy, đồng tử đều... hy vọng!

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi đang hoàn thiện cuốn:
CHẤN THƯƠNG ĐẦU
Hay còn có thể gọi là CHẤN THƯƠNG SỌ-NÃO
Không phải là người viết sách chuyên nghiệp nên còn rất lúng túng trong trình bày và đặc biệt không biết về kỹ năng đồ họa nên những hình vẽ để minh họa, giải thích còn chưa biết khắc phục thế nào.
Chợt nghĩ, các bạn trên Facebook đa phần là những nhà khoa học, những người có tư duy khoa học và kỹ năng viết, trình bày, bố cục.
Vậy trước mắt xin đưa lên đây từng phần:
-Lời nói đầu
-Mục lục
Hy vọng được các anh-chị và các bạn góp ý.
Xin chân thành cảm ơn
LỜI NÓI ĐẦU
Những năm gần đây, việc chẩn đoán xử trí chấn thương đầu đã có những tiến bộ vượt bậc, nếu như những năm giữa 90 của thế kỷ trước, hầu như cả Miền Bắc chỉ có một cơ sở phẫu thuật chấn thương đầu là Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức, và cũng đầu những năm 90 ấy mới có một vài máy chụp CT-Scan ở địa bàn Hà Nội thì ngày nay tỉnh nào cũng có nhiều phương tiện chẩn đoán, bệnh viện tỉnh nào cũng đã có thể và đang triển khai phẫu thuật chấn thường đầu, thậm chí đến nhiều Bệnh viện khu vực, bệnh viện quận, huyện, đó là những tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, phẫu thuật thần kinh nói chung, phẫu thuật chấn thương đầu nói riêng đòi hỏi người thầy thuốc phải nắm vững về Giải phẫu và sinh lý hệ thần kinh trung ương, cơ chế hình thành các thương tổn, diễn biến sinh lý bệnh, những tình trạng từ khi chấn thương đến khi không thể phục hồi thêm được nữa mới có thể có thái độ đúng đắn cho từng trường hợp.
Những nỗ lực của Bệnh viện Việt-Đức, của trường Đại học Y Hà Nội, Học viện quân y, và các trường khác là hữu hiệu và đáng kể nhưng tin rằng đâu đó các phẫu thuật viên trẻ vẫn có thể còn lúng túng về lý thuyết, cần một cuốn sách đầy đủ, chi tiết để có cái nhìn tổng thể và cụ thể từng người bệnh, từng giai đoạn của bệnh.
Động cơ ấy thúc đẩy tôi viết ra những kiến thức học được, đọc được và kinh nghiệm bản thân sau 20 năm làm về chấn thương đầu, hy vọng sẽ ít nhiều giúp được các Bác sỹ thực hành ở tuyến cơ sở.
Rất mong được sự góp ý của các đồng nghiệp gần xa để hoàn thiện hơn.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

HOAN HÔ BÁC SỸ QUYẾT..! CỨ CƯƠNG QUYẾT THẾ NHÉ..!

Ngày nay, không loại trừ một ngành nghề nào, bên cạnh số ít cán bộ tận tụy, yêu nghề, yêu công việc, làm ăn chính đáng là số lớn hơn những người làm ăn chộp giật, cửa quyền, táng tận lương tâm trong đó, một số nghề không những không loại trừ mà ngược lại còn là điển hình đó là các nghề: Lãnh đạo, Thầy thuốc, thầy giáo, Nhà báo...
Chỉ cỏn con như việc chặt cây ở Hà Nội, bản chất sự việc (Ai cũng biết).., phản ứng của ông chủ tịch thành phố..., những việc làm và lời nói của ông Phó chủ tịch.., những phát ngôn của ông Phó ban tuyên giáo khiến người ta mường tượng được cách hoạt động, cách làm, ăn của những người làm nghề Lãnh đạo.
Nhưng mục đích của bài này, người viết muốn tập trung vào Thầy thuốc và Nhà báo.
Trước hết nói về nhà báo.
Vẫn có những người cầm bút trung thực, dũng cảm, hết lòng phụng sự sự nghiệp dân giàu nước mạnh, vẫn có không ít những bồi bút viết để nịnh, viết khoán, nói không trung thực, đánh lạc dư luận, viết vì tiền, vì cơ hội thăng tiến và vì hèn nhát.
Từ khi báo chí được can thiệp sâu hơn vào những hoạt động xã hội, người làm báo nếu không tự kiềm chế được mình sẽ sinh bệnh tự cao tự đại, bệnh

.., Ra oai..! Không ít trường hợp dùng thẻ nhà báo để tống tiền, mang cái mác nhà báo để dọa nạt đối tượng của mình.
Có báo, có đài làm phóng sự nói xấu đến mức có thể gọi là "Giết" cơ quan nào đó, thế rồi mời lãnh đạo của họ đến... duyệt..! Hoảng quá, dù bị oan, đại diện cơ quan vẫn cảm ơn, xin tiếp thu, hứa chấn chỉnh và... biếu cái phong bì tươm tươm...! Thế là phóng sự được hủy, thậm chí (Nếu phong bì quá to) sẵn sàng làm một phóng sự ca ngợi...
Một số người làm công an, quen nghề nghiệp đến mức ngồi giữa gia đình, bạn bè, xóm làng cũng giữ thái độ khi mặc cảnh phục đối xử với người dân và tội phạm.., Một số nhà báo cũng mắc bệnh ấy!
Đã lâu lắm rồi, tôi vừa viết một bài ca ngợi cô bún chửi ở chợ Trần Quý Cáp, đang định xin phép cô ấy rồi gửi báo nào đó xem có góp được tiếng nói về văn hóa Hà Nội thì đọc được bài "Bôi tro trát trấu" vào mấy hàng; Phở xếp hàng, Bún chửi, Cháo mắng, Phở bán theo giờ... Nghĩ mình không chuyên, chả cãi nhau được với họ nên đành thôi.
Cậu nhà báo này dậy không đủ sớm, muốn cho con ăn phở Bát Đàn, phải xếp hàng lâu quá, đã tự giới thiệu là "Nhà báo" mà những người bán hàng vẫn không ưu tiên.., thế là tức.., thế là viết...
Cái sự chửi, mắng hẳn là khó chấp nhận rồi, nhưng có đến, có nghe, có xem người ta mắng chửi ai? Vì sao? Và quan trọng hơn cả là "có biết nghĩ" mới thấy cái mặt hay, mặt tích cực của nó. Nhưng viết báo chửi cả cái sự xếp hàng thì vô duyên hết chỗ nói..! Xếp hàng là biểu hiện văn minh của loài người, phở ngần ấy tiền một bát, người giàu cũng như kẻ nghèo, người dân cũng như ông Chủ tịch thành phố, đã đến đây thì ai có mặt trước ăn trước, ai đến sau thì ăn sau..., khác lũ kền kền hay bầy linh cẩu là ở chỗ đó...!
Tóm lại, nhiều nhà báo quen với sự trọng vọng, kiêng nể của xã hội, hễ bị đối xử công bằng là khó chịu là dọa hay lao vào tấn công bằng bút.
Cũng cần phải khẳng định ngay rằng đấy là những nhà bào ..."Rẻ tiền" những người viết chân chính không bao giờ như vậy.
Thứ hai nói đến Thầy thuốc.
Tuy không thiếu Bác sỹ chạy theo cơ chế thị trường, vì tiền họ có thể làm nhiều chuyện ... không thể ngờ tới; kê thuốc không thật cần thiết thậm chí chỉ định mổ khi chưa thật cần, thái độ ra oai ra oách, hách dịch, ban ơn... Không ít Bác sỹ cầm tiền rồi bị bệnh nhân và người nhà sai khiến một cách hèn hạ.., nhưng vẫn còn những Thầy thuốc đàng hoàng, họ vẫn cầm tiền của gia đình người bệnh nhưng trên cơ sở không vòi vĩnh, tận tụy, đem hết khả năng và trình độ của mình để khám, chữa bệnh và khuyên bảo người bệnh, sau đó nếu gia đình người bệnh cảm ơn thật lòng thì họ không từ chối.
Nói đến Thấy thì phải nói đến trò, nói Thấy thuốc cũng cần biết thực trạng văn hóa của người bệnh và gia đình.
Nhiều người mang những bức xúc xã hội vào viện, mang những ấn tượng xấu về thầy thuốc (có khi là nghe qua người khác), cùng với sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội, những người thuộc nhóm tệ nạn ... thế là nhiều người đến viện để "Ăn vạ", để chửi mắng Bác sỹ, sẵn sàng đánh đập, hành hung cho hả những cơn tức (Có khi là tận đẩu tận đâu), hoặc cũng để..."Cho oai".
Một lần, một nhóm người hung hăng vào phòng khám Ngoại Bệnh viện Xanh-Pôn, chỉ mặt nhân viên quát.
-Địt mẹ chúng mày...! Có khám ngay không..!
Đám nhân viên chạy tóe, chả nhẽ chạy nốt, tôi chắp tay ra bộ sợ sệt
-Dạ...! Chúng tôi là Bác sỹ.., chả biết võ nghệ gì đâu.., mà yếu lắm.., các anh đập một phát là chết luôn đấy..., tôi sợ rồi.., tôi xin nghe lời các anh...!
-Khám đi!
-Vâng..! Nhưng khám cái gì hả anh..? Khám như thế nào hả anh...?
Hắn hạ giọng.
-Anh là Bác sỹ anh phải biết chứ..! Chúng tôi biết làm sao mà hỏi..!
Thế là tôi mới giảng giải cho chúng biết rằng không cần phải phong bì, không cần phải sợ sệt nhưng đã cần đến Bác sỹ mà chửi bới, dọa nạt.., họ sợ mà khám, mà cho thuốc thì chính xác làm sao được...! Bệnh cấp cứu cũng cần ca nào nặng xử trí trước, nhẹ sau..., như nhau thì ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau, nếu chúng tôi khám cho các anh trước thì những người kia nghĩ sao...! Thôi...! Rút kinh nghiệm nhé...!
Đấy chỉ là một trong muôn vàn những chuyện xảy ra trong Bệnh viện hàng ngày, hàng giờ, những chuyện ... cười ra nước mắt...!
Nhà báo như thế, Thầy thuốc như thế và văn hóa xã hội như thế, tôi thầm phục anh Quyết đã cương quyết từ chối mổ dịch vụ cho cô nhà báo nào đó...!
Xin các bạn đừng vội cho rằng tôi bênh đồng nghiệp bởi ngày nay, một Giám đốc bản lính như thế hiếm lắm.
Cũng như tay nhà báo nọ, muốn ăn phở Bát Đàn thì chịu khó dậy sớm một tý, lỡ muộn rồi thì ăn tạm chỗ khác đi.., rồi hôm sau đến sớm hơn, ai lại cứ đòi "hơn người", không được thì tức, thì viết báo chửi bới...
Cô nhà báo kia có cái u xơ tử cung, hầu như bác sỹ khoa sản Bệnh viện tỉnh nào cũng mổ được, đừng nói các Bác sỹ Bệnh viện Sản trung ương. Người có tiền mới mổ dịch vụ, mổ theo yêu cầu (Chọn ngày, chọn bác sỹ mổ, phương tiện mổ). Khi đó, không nói cái việc khám chữa bệnh bởi đã là nhiệm vụ, là bổn phận của thầy thuốc.., riêng cái khoản "Theo yêu cầu kia" là một loại hàng hóa, bên mua có quyền yêu cầu và bên bán có quyền từ chối.
Nếu cô kia vào viện bình thường, Bệnh viện phân công mà Bác sỹ Quyết từ chối, hoặc là bệnh cấp cứu, vào phiên trực mà Bác sỹ Quyết từ chối không mổ cho bất cứ đối tượng nào vì bất cứ lý do gì là phạm pháp và phạm đạo đức nghề nghiệp.
Cô nhà báo hoàn toàn có thể yêu cầu Bác sỹ khác và được mổ nếu Bác sỹ đó đồng ý. Cô cũng có thể chuyển sang chế độ bình thường như môn ngàn người bệnh khác. Cô cũng có thể đến một Viện Sản khác và tại đó cũng theo quy trình như vậy.
Cô là nhà báo, hẳn có Bảo hiểm y tế, tại sao cô không khám theo bảo hiểm..? Quá tải ở các bệnh viện trung ương có một phần nguyên nhân từ tâm lý "Hơn người" của các đối tượng được xã hội trọng vọng, từ đó lan truyền sang tâm lý dân chúng, nhiều ngà nghèo cũng bán đất, nhịn đói để lên trung ương chữa bệnh.., bệnh nặng, bệnh khó, cần nhiều phương tiện và tay nghề đã đành, bệnh không thật sự như vậy cũng.., cứ phải thế.
Hoan hô Bác sỹ Quyết! Cứ cương quyết đi...! Tôi ủng hộ Bác sỹ...!

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Chém gió-Nhân chuyện Hà Nội chặt cây

MỚ NỘM
Chiến thắng Điện Biên và hiệp định Gơ Ne vơ làm thay đổi Việt Nam sâu sắc, đương nhiên điển hình là Hà Nội.
Trước hết là sự thay đổi về con người, nhiều người Hà Nội ra đi nơi khác và nhiều người từ nơi khác về sống ở Hà Nội.
Đối tượng ra đi (Họ đi Pháp và đi Miền Nam) chủ yếu và đáng tiếc nhất là các nhà tư sản và giới trí thức.
Họ là những ông chủ nhà máy xí nghiệp, những người biết và say mê làm ăn, giỏi quản lý. Họ là chủ các tiệm buôn lớn, các công ty mới hình thành và đang phát triển, những người đã trưởng thành trong môi trường thương mại.
Họ là những kỹ sư, bác sỹ, nghệ sỹ, nhà khoa học, những người được đào tạo bài bản và đã hoạt động theo tiêu chuẩn Pháp.
Họ là những công nhân, những viên chức chất lượng cao, những thợ lành nghề trong ngành điện, cơ khí, dệt, động cơ..., nhờ được đào tạo và nhiều năm làm cho các cơ sở của Pháp, theo tiêu chuẩn chuyên môn cũng như kỷ luật của một nước phát triển..., những chuyên viên về tài chính, nhân sự, quản lý đô thị thông thạo tiếng Pháp và đôi khi cả tiếng Anh
.
Tôi cho rằng những người này nói riêng và hầu hết những người ra đi năm 1954 đều yêu nước, thậm chí rất yêu nước bởi họ cũng như mỗi chúng ta không ai là người muốn sống xa xứ, muốn lưu vong nơi đất khách quê người, nơi chiều cao..., màu da..., màu mắt..., không thể trộn lẫn với người bản xứ, hơn nữa họ là những người ít nhiều đã thành công, ít nhiều đã có tài sản, họ cũng như tất cả những người Việt khác, đều muốn sử sụng những thứ họ đã có để duy trì và phát triển cuộc sống nơi quê nhà, chăm sóc mồ mả ông bà tiên tổ, nuôi dạy con cháu thành người và góp phần cho đồng bào, cho đất nước mình.
Có lẽ họ bị bọn đế quốc phong kiến xúi giục, bị dọa rằng; Tài sản, thậm chí tính mạng của họ sẽ bị cộng sản tước đoạt, những khả năng, kiến thức và kinh nghiệm của họ sẽ không được sử dụng, họ sẽ phải đi lao động giản đơn để cải tạo, con cháu họ sẽ không được đối xử công bằng và không có điều kiện để phát huy những phẩm chất mà họ đã có...
Bọn đế quốc Phong kiến thật là thâm độc, tàn bạo và giã man... Chúng đã bắt người ta phải lựa chọn giữa quê hương, tổ quốc với quyền được sống, được làm việc, được phát huy khả năng của mình và được nhận về những thành quả xứng đáng..., thứ mà sinh vật nào cũng phải chọn trước hết, chúng đã cướp không của Việt Nam, của Hà Nội một lực lượng quý giá..!!!
Trừ một số doanh nhân lớn thì đa số dân "Kẻ chợ" ở khu phố cổ không đi bởi như đã nói, họ ít quan tâm đến chính trị và hầu như chính trị cũng ít ảnh hưởng được đến họ.
Như vậy, khu phố Tây có tỷ lệ ra đi nhiều nhất, những người Hà Nội còn lại chủ yếu là dân kẻ chợ, những người phu lao động giản đơn, những người buôn bán nhỏ.
Những người mới đến Hà Nội.
Trước hết là bộ máy chính quền, cả trung ương và Hà Nội từ chiến khu trở về, những người lính vệ quốc được phục viên, chuyển ngành đảm nhận những vị trí của những người bị xúi dục ra đi để lại.
Đương nhiên những trụ sở công, những tài sản của người Pháp được quốc hữu hóa và chính quyền mới sử dụng.
Những cơ sở sản xuất, kinh doanh của người Hà Nội bỏ ra đi cũng đương nhiên thuộc về chính quyền.
Nhà cửa của họ có thể được quốc hữu hóa, được những người giúp việc cũ khai nhận hay những người mới về .. "Nhận đại".
Một mẫu người Hà Nội mới hình thành, đương nhiên khu phố cổ ít thay đổi cả về con người, cách sống và lối sống. Những cán bộ kháng chiến, những trí thức đi tản cư hay kháng chiến trở về được phân công về các viện nghiên cứu, các cơ quan bộ và chiếm khu phố Tây do người Pháp và những người di cư để lại.
Việc tiếp quản những nhà máy cũ, mở thêm một số nhà máy, khu công nghiệp mới dưới sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, thu hút một lực lượng lao động ngoại tỉnh, họ là nông dân hay con em nông dân đủ tiêu chuẩn lí lịch, được đi ..., "Thoát ly".
Sau này, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, chuyên nghiệp được mở ra nhiều hơn, những người tốt nghiệp đại học, đặc biệt những người được đi du học ở các nước XHCN trở về đa phần được nhận việc ở Hà Nội.
Tính chất dân số thay đổi sâu sắc kéo theo những thay đổi rõ rệt về văn hóa. Mặc dù theo thói quen người ta vẫn nhắc đến người Hà Nội "Thanh lịch", hay nhắc đến người "Tràng An" nhưng thực ra, thứ thanh lịch ấy được truyền qua những người Hà Nội ở lại để đến những cư dân Hà Nội mới... Chả thế mà ta có thể dễ dàng nhận thấy, một gia đình cán bộ (Khoa học hay chính trị) dù đã về ở khu Ba Đinh hay khu phố Tây từ ngay sau năm 1954 vẫn có nét khác biệt nếu so với những gia đình truyền thống ở các làng ven đô như Ngọc Hà, Giảng Võ, Vạn Phúc...
Vụ Nhân văn-Giai phẩm, "Tàn dư, cặn bã" của tư tưởng, lối sống cũ do chính những trí thức đi kháng chiến trở về chủ trương đã bị Ta đập cho tan tành...! Từ đó, văn hóa của ta lành mạnh với duy nhất một tư tưởng, một tinh thần "Tích cực nhất". Bọn Nhân văn giai phẩm, đáng tiếc trong đó có cả những tên tuổi lớn như Văn Cao, Trần Dần, Nguyến Hữu Đang.. nếu không rũ tù thì cũng phải chôn vùi tư tưởng của mình trong bốn bức tường.
Cũng đáng tiếc, từ đó văn hóa nghệ thuật của ta nói chung, của Hà Nội nói riêng bớt đa dạng..., bớt đi tính mềm mại duyên dang vốn có và cần phải có..., không thật rõ rệt nhưng dường như văn hóa được thống trị bởi một cung cách như kiểu "Hồng vệ binh".
Giai đoạn này, khi nói đến người Hà Nội người ta đã bớt nhắc đến cụm từ 'Thanh lịch", thay vào đó là câu: "Tự nhiên như người Hà Nội". Đa phần hiểu câu này đơn giản chỉ là người Hà Nội khi đó không bẽn lẽn, thận trọng trong giao tiếp và hành xử ở những nơi không phải nhà mình. Điều này trái ngược với tâm lý của những người bị coi là "Nhà quê", họ thận trọng đến mức hơi nhút nhát khi đến những nơi công cộng như tàu điện, rạp chiếu bóng, công viên..
Thực ra, câu này cũng phản ánh một số tính xấu mới của người Hà Nội mới, họ ra vào những nơi không phải nhà họ, sử dụng những thứ không phải của riêng họ một cách "Quá tự nhiên", họ nói to, khạc nhổ một cách "Quá hồn nhiên" đến độ không cần quan tâm đến thái độ của những người xung quanh.
Khi vào sinh hoạt tập thể như quân đội, nhà máy, trường học... thì nhiều người cho rằng tỷ lệ ăn cắp vặt của người Hà Nội cũng cao hơn những người đến từ các tỉnh lẻ.., câu "Tự nhiên như người Hà Nội" cũng còn một ý nghĩa như vậy.
Có một thực tế, Hà Nội là thủ đô, là đô thị lớn nhất miền Bắc, nơi tỷ lệ những người có chức có quyền cao nhất nên hình thành tâm lý coi khinh dân "Nhà quê" mỗi khi về với ông bà, chú bác, họ hàng nhà mình.
Từ năm 1954 đến những năm đầu 1980, văn hóa và con người Hà Nội là như thế.
Kiến trúc Hà Nội gần như không thay đổi ngoại trừ sự cũ đi, những mảng tường bong vữa lở loét, những "Mái ngói thâm nâu" và những cái nhà xí vốn của riêng nay thành tập thể không có lối thoát, cùng mấy khu nhà 4-5 tầng được xây hay lắp ghép ở Kim Liên, Giảng Võ.
Từ sau năm 1975, song song với làn sóng người Sài Gòn, người Miền Nam bất chấp hiểm nguy vợt biên ra nước ngoài là một cuộc di cư âm thầm, dần dần của người miền Bắc, người Hà Nội vào Nam... những người này cho rằng; dẫu sao về nhiều phương diện, Sài Gòn và Miền Nam vẫn.., dễ thở hơn...!
Hà Nội lại mất đi một nhóm người nữa.
Cơ chế thị trường mở ra, các cán bộ lãnh đạo vốn chỉ hơn dân cái bìa B hay C với vài bìa đậu hay mấy lạng thịt nay giàu lên nhanh chóng và khủng khiếp. Chuyện công nương nhà lãnh đạo nọ mua nhiều xe SH làm quà tặng bạn nhân sinh nhật của mình.., chuyện vị cán bộ kia để quên cặp tiền đô trên máy bay.., chuyện các quý tử bỏ xe máy, đua ô tô hạng sang trên đường Láng-Hòa Lạc cho thấy cái giá của những vị trí lãnh đạo.
Tôi ngạc nhiên đến choáng váng khi anh bạn làm Phó giám đốc Bệnh viện chỉ mặt mà bảo:
-Ông có biết quyền lợi là gì không...? Có quyền là có lợi..., quyền nào lợi ấy..., quyền càng to thì lợi càng to...!
Phân hóa giàu nghèo nhanh chóng và sâu sắc, các công ty nước ngoài đến Việt Nam, đương nhiên tập trung đầu tiên và nhiều nhất ở Hà Nội, những người đủ năng lực làm việc cho họ cũng có cuộc sống trên trung bình.
Thị trường mở ra ào ạt, tất cả những chỗ có thể đều được đưa vào kinh doanh.
Đương nhiên, đất ở trở nên khan hiếm, giá tăng vòn vọt, những gia đình ven đô không thể từ chối sự cám dỗ, họ bán bớt đi và bỗng chốc có một khoản tiền lớn.
Cả Hà Nội thành một thị trường lao động lớn thu hút những người nông dân vốn đang bị mất dần đất canh tác và sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh. Họ đổ về Hà Nội làm đủ mọi việc, từ bán sức lao động ở "Chợ người"..., Ô sin..., lao động thời vụ trong các công trường, dự án, mở hàng buôn bán vặt (Sim thẻ điện thoại, hàng rong).
Dường như chính quyền có những ban bệ về quy hoạch kiến trúc đô thị, cùng rất nhiều luật, lệ nhưng thành phố vẫn phát triển bừa bãi mà người ta cảm giác rằng không có sức mạnh nào ngăn nổi, chen chúc nhau nhiều nhà không thể gọi là nhà, ngõ không thể gọi là lối đi.
Đã có lúc người ta định chuyển Hà Nội lên lên một vùng đồi nào đó nhưng ấy là thời "Chỉ huy" tức là thời chính quyền còn "Chỉ huy" được.., thời bao cấp.
Người ta xóa bỏ bao cấp và ra sức khẳng định cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường đã có hay chưa, đã đạt hay chưa thì tôi không biết nhưng cho rằng; Cơ chế "Bao cấp" đã chuyển thành cơ chế "Xin-cho".
Từ lâu, xuất hiện câu: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền", như vậy, cả Hà Nội biến thành một cái thị trường khổng lồ và sôi động, cái gì cũng có thể mua bán được, từ vị trí, chức tước đến cái toa lét công cộng.
Tôi không hiểu lý do gì mà Bộ quốc phòng cứ nhất thiết phải bám lấy khu thành cổ...? Tòa nhà quốc hội nhất định phải xây ở khu Ba Đình, ngay kề với khu Hoàng thành mới khai quật... trong khi bộ Công An, Trung tâm hội nghị quốc gia đã di dời ra ngoại ô cũ.
Những khoảng đất trống trong nội thành cũ được khai thác triệt để cho đủ loại dự án để cuối cùng đất công thành sở hữu riêng (Dù là người nước ngoài hay các đại gia rửa tiền)
Dự án bảo tồn phố cổ dường như nửa vời, vừa làm khổ người dân không được sửa những thứ đã mục nát, vừa đâu đó chạy chọt cũng được..."Làm mới" khiến khu phố này thành mớ hổ lốn rất "Không giống ai".
Người ùn ùn kéo đến, nhà chen nhau mọc lên trên cái hạ tầng người Pháp thiết kế cho 100.000 dân thì làm sao không tắc đường, tắc cống, tắc khí... cho được..!!!
Như vậy:
Về con người và văn hóa Hà Nội ngày nay là một mớ nộm, trong mớ nộm ấy những người, những nét văn hóa thật sự Hà Nội chìm nghỉm xuống đáy, một bộ phận trong họ cũng bị mai một theo kiểu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" hay "Gần mực" mãi cũng phải đen...
Người Hà Nội xưa, khi đạt đến một trình độ kinh tế nhất định cũng thể hiện nhưng không như bây giờ. Một lần đến Hàng Đường, tôi sững sờ ngắm ba người phụ nữ bán hàng, ba lứa tuổi khác nhau nhưng họ chung nhau nét giản dị, kín đáo mà kiêu sa.., từ quần áo, đầu tóc đến cử chỉ lời nói... tôi chợt vỡ nhẽ, hóa ra những kiểu đầu nhuộm hoe hoe đã thành mốt ở ngoài kia, những cái quần bò khi ngồi để lộ cả bộ phận cần che kín nhất.., những kiểu áo hở đến hơn nửa bầu vú.., những vòng, những nhẫn lủng lẳng trên cổ, chi chít trên tay kia là của một thứ Hà Nội khác, Hà Nội mới.
Về kiến trúc, có rất nhiều lệnh cấm nhưng hình như điều cấm nào cũng có thể ... "Chạy" được, người dân chạy bằng nhiều tiền, các dự án lớn chạy bằng "Rất nhiều tiền" nên mớ nộm này lộ rõ, ai cũng thấy, ở đâu cũng thấy chứ không trừu tượng, phải để ý mới thấy như mớ nộm con người và văn hóa.
Trong cái cơ chế này, ở đâu có xây dựng, ở đâu có dự án là ở đấy kiếm ăn được, người ra chủ trương ăn quà biếu, đại diện bên A ăn phần trăm, kỹ sư, công nhân ăn bằng bớt xén và ăn cắp..., thế nên rất nhiều công trình, đại công trình hoặc cố tình chậm lại, hoặc cố tình lấp liếm bôi trát để kịp khánh thành vào một cái dịp, cái "Ngày lễ lớn" nào đó rồi nhanh chóng hư hỏng, để lại có dự án mới.
Không biết đã có ai thống kê xem dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nơi này có bao nhiêu công trình "Gắn biển" như tòa nhà bốn tầng (Mới được cơi nới thành năm) ở Bệnh viện Xanh-Pôn, người ta xây cái ụ lù lù, ốp đá màu nâu đỏ, khắc chữ vàng "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội" chẳng ai xem, ngộ có nhìn thấy thì dường như cũng chẳng ai có cảm xúc gì.., nhưng khó mà thống kê hết được những lãng phí.
Khi người ta lập dự án, người ta xây dựng, người ta quản lý đô thị theo kiểu chộp giật như vậy thì cái dự án chặt cây xanh kia cũng chẳng có gì là lớn chuyện.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn việc này theo hai phía, phía ủng hộ và phía phản đối.
Cũng từ những dự án chộp giật và a dua ấy, người ta đã từng đua nhau trồng cây hoa sữa ở nhiều tuyến phố...
Tội là ở cái thằng cha mũi lõ mắt xanh nào đó đã trồng thứ cây này ở đường Nguyên Du..! Tội là ở mấy ông nghệ sỹ nào đó đã đưa cái mùi ấy, cái hoa ấy vào nghệ thuật:
"Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn..."
"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm..."
'Hoa sữa thôi rơi..."
Thế là để tỏ ra mình sành điệu, mình am hiểu, mình yêu "Hà Lội", hoa sữa được trồng tràn lan.
Thiết nghĩ, người ta trồng cây ở đô thị trước hết để lấy bóng mát, để điều hòa không khí và cảnh quan nhưng những giá trị của hoa, quả, gỗ cũng phải được tính đến. Khốn nạn cho nhà nào ở gần hai cây hoa sữa.., cái giống này nở về mùa thu, tức là mùa ít gió, lại nở về đêm, cái mùi ấy mà đậm đặc thì ít nhất cũng mất ngủ nếu không phải đi sơ tán hay phát điên... Mùi đã thế, cái màu hoa lại không rực rỡ lắm, quả thì hẳn chả có tích sự gì ngoài... làm rác, đặc biệt là giống cây thân thảo, gỗ của nó đem đun cũng khó nói chi đóng đồ...
Nếu người ta nhận ra "Sai lầm" của những người tiền nhệm mà sửa, mà thay bằng loại cây khác hiệu quả hơn thì cũng không nên đao to búa nhớn làm gì.
Những cây già chết thì hẳn rồi, những cây nghiêng ngả ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị cũng cần được thay.
Thậm chí những cây đến tuổi, quá tuổi cũng có thể thu hạch vì nhiều nhẽ.
-Loại sinh vật nào cũng có tuổi thọ hữu hạn, chả nhẽ cứ phải chờ cho cây chết lãng phí trong khi nguyên liệu gỗ ngày một khan hiếm.
-Người trồng cây là để thế hệ sau "ăn quả", nếu xem việc thu hoạch gỗ là ăn quả và luôn "Nhớ kẻ trồng cây" thì sao lại không ăn...? Để cây chết chả đắc tội, chả phụ công người trồng sao...?
Mấy ngày qua, dư luận ầm ầm lên tiếng, người người tức giận, bức xúc lắm nhưng tôi lại thấy mừng, mừng vì hóa ra dư luận, tiếng nói của dân cũng có tác dụng ra phết...! Cứ đà này thì chả mấy mà chúng ta có dân chủ...!
Thứ nữa, tôi thương mấy người ra cái quyết định chặt cây, họ có những "Sai lầm" đến dại dột.
Một là: Tại sao không lấy ý kiến của dân mấy phố trồng toàn hoa sữa...? Hạng bét như tôi cũng chỉ ra được những vô dụng của loại cây này, huống chi các "Chiên gia"... Khi được ý kiến của dân rồi, tức là mượn được "Gió" rồi, có bẻ mấy cây "Măng" thì chắc cũng sẽ trôi...
Hai là: Có "bẻ măng" thì bẻ từ từ, chặt cây chết, cây ốm rồi trồng mới đã... êm rồi mới chặt cây "già", cây "Sắp già".., có phải là .., ngon không.
Hỡi ôi...! Trong cái mớ nộm văn hóa và kiến trúc Hà Nội đã ngả mùi thiu thiu thì mấy ông chặt cây, cái việc chặt cây chỉ là thứ có mùi ..."Lộ liễu quá" mà thôi, nên tự làm khổ mình vậy..!

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Chém gió nhân chuyện Hà Nội chặt cây-ĐÔ THỊ

Từ thời Lý đến trước khi người Pháp nắm quyền là thời của phong kiến Việt Nam. Dân "kẻ chợ" vẫn là chủ yếu nhưng sau khi có đê, nghề canh tác cũng phát triển ở đây. Thủ đô của nhà nước phong kiến cũng là nơi tạo ra tầng lớp trí thức, học giả.., tính chất dân số và văn hóa ít nhiều đa dạng hơn
Đỉnh cao của kiến trúc, chắc phải là Hoàng thành, nhưng ngày xưa cũng thế, đất này không phải thật lành, Hoàng Thành nếu không bị giặc phương Bắc tàn phá thì cũng bị kiêu binh đốt. Những công trình còn lại chủ yếu là văn hóa và tín ngưỡng bao gồm các đình, chùa, đền và Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Về kiến trúc, người Pháp xây dựng lại Hà Nội, họ giữ khu Ba Đình, (bao gồm Hoàng thành và lân cận) làm trung tâm chính trị cho cả Đông Dương, họ phá thành nhưng bớt lại những kiến trúc cơ bản như ngày nay còn nhìn thấy như Cửa Bắc, Cột cờ...
Không chỉ những công trình văn hóa (Nhà hát, rạp chiếu bóng) khu hành chính, dịch vụ, công nghiệp được bố trí khoa học, tôn trọng được các kiến trúc Thăng Long cũ mà hạ tầng cơ sở như cống rãnh, điện, nước đến những hàng cây bên các con phố cũng được tính toán tỷ mỷ
Họ giữ nguyên khu Phố Hàng, Phố Thợ mà xây khu phố Tây ra những khu bên ngoài với quy hoạch khá chu đáo cho hơn 100.000 dân.
Cũng từ khi người Pháp hiện diện, chữ quốc ngữ ra đời tuy dân "Kẻ chợ" hầu như ít thay đổi nhưng diện mạo văn hóa người Hà Nội nói chung thì đổi thay sâu sắc, tầng lớp "Tây học", "Âu hóa", mà ta từng mỉa mai, xuất hiện và phát triển nhanh chóng.
Tầng lớp trí thức mới ra đời, những Bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư, Giáo sư, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ người Việt xuất hiện và lớn mạnh. Thế hệ sau cùng của họ có những tên tuổi như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Võ Nguyên Giáp ... Những danh nhân cùng những sản phẩm của họ minh chứng thời phát triển rực rỡ nhất của văn hóa Hà Nội.
Hình như không có "phong trào", không có "kế hoạch", không có tuyên truyền nhưng văn hóa Việt, văn hóa Việt-Hoa đã tiếp thu khá chọn lọc văn hóa Pháp, văn hóa Tây phương,.., theo tôi, điển hình là cái áo dài của phụ nữ Hà Nội.
Mẹ tôi,( ngày ấy là vợ ông Ký nhà máy đèn) kể rằng, người phụ nữ ra đường là phải mặc áo dài, nếu không sẽ bị chê cười, mỉa mai rằng: "Con chó không có đuôi...!" (Các cụ thâm thế đấy, cái đuôi con chó cái để che bộ phận nào nhỉ...!)
Trộm nghĩ câu "Người Hà Nội thanh lịch" và những câu tương tự là ám chỉ cái văn hóa của những người Hà Nội mới (Thời bấy giờ), ở khu phố Tây, ở những làng xóm ven đô, thứ văn hóa tụ hội của phong kiến Việt Nam-Trung Hoa và văn hóa Pháp, tây phương. Từ cách ăn, cách mặc, cách nói, cách ứng xử...
Như vậy, nếu không nói sự đô hộ của chính quyền Pháp, nếu chỉ nói về kiến trúc và văn hóa ĐÔ THỊ thì khoảng trước năm 1954 là đỉnh cao của Hà Nội.

Chém gió: Phần II-Kinh Kỳ!

KINH KỲ
Trải đằng đẵng thời kỳ Bắc thuộc, đất này được gọi là Đại La, cái tên người Bắc đặt có ý nghĩa gì tôi không bàn đến nhưng nó gắn liền và để lại dấu tích đến nay là con đê, đê La Thành.
Nhiều tài liệu và học giả cho rằng đê sông Hồng được khởi đắp từ thời Lý, tuy không "Cãi" nhưng tôi cho rằng hệ thống đê bảo vệ khu vực này phải được khởi đầu từ thời ấy, thời Bắc thuộc.
Suy luận ấy bắt nguồn từ chính đê La Thành, con đê hiện giờ còn hình dung dễ dàng và chỉ 20 năm về trước vẫn còn gần như nguyên vẹn. Bắt đầu từ vùng nối Phú Thượng-Nhật Tân bây giờ, nơi trước kia người Pháp đặt cái lô cốt, đê chạy dọc theo một bên là sông Tô Lich, một bên là hồ Tây để về đến Cầu Giấy (Nay là các đường; Lạc Long Quân, Bưởi) rồi rẽ theo đường Đê La Thành bây giờ, từ đây, hai bên đê là đồng ruộng, không có con sông nào, qua Ô Chợ Dừa đê chạy xuyên Xã Đàn, Kim Liên, qua ngã tư vào Đại Cồ Việt, Trần khát Chân.
Như vậy, Đê La Thành như một cái đai ôm lấy phía Tây-Nam khu chợ ấy, phía bên kia là sông Hồng, điều này chỉ có lý khi đê sông Hồng có trước. Hay có thể hiểu, khi Cao Biền, người cuối cùng đặt yểm mà làm được đê thì mùa lũ, Hà Nội lúc bấy giờ nằm đưới mực nước (Cũng như thành phố gì bên Bắc Âu vậy).
Ở thời ấy (Bắc thuộc) chắc hẳn người Trung Hoa đã tổ chức lại để cai trị đám dân "Kẻ chợ" này, việc buôn bán đã thành phường thành hội.
Chữ Thành trong "La Thành" gợi ý rằng ít nhất đây cũng là trung tâm hành chính của một vùng, nếu không nói là của Bắc bộ.
Khi Lý Công Uẩn rời đô về và đổi tên thành Thăng Long thì đất này thật sự thành chốn Kinh Kỳ, ngoài người buôn bán, thợ thủ công thì các dòng tộc Vua-Chúa ở trong thành, các phủ quan nhỏ hơn ở vòng ngoài.. Cùng với hoàn thiện hệ thống đê sông Hồng, các diện tích thấp hơn được khai thác.
Nho học và Phật giáo phát triển, ảnh hưởng sâu rộng đến giới quan lại và văn hóa ở những "làng" ven đô như: Ngọc Hà, Giảng Võ, Kim Liên .., nhưng riêng "Kẻ chợ", có thể nói, cho đến tận bây giờ, trải mấy chế độ, họ dường như ít chịu ảnh hưởng và cũng ít quan tâm đến chính trị.
Từ thời Lý đến trước thời Nguyễn, nơi đây là chốn Kinh Kỳ...!
(Kỳ sau: Đô Thị)

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Chém gió- Nhân chuyện Hà Nội chặt cây!

Hà Nội: KẺ CHỢ.., KINH KỲ.., ĐÔ THỊ và.., MỚ NỘM... THIU...!
Nếu vào Gô gừ, gõ bản đồ Sông Hồng ta sẽ thấy, con sông này về cơ bản đang chảy theo hướng Đông bắc-Tây nam, đến Hà Nội thì uốn hẳn về phía nam để đổ ra biển ở Thái Bình, thay vì Hải Phòng nếu vẫn chạy theo hướng cũ.
Tại Hà Nội, điểm uốn bắt đầu từ Đông Ngạc (Cầu Thăng Long) và cơ bản hoàn thành quá trình uốn ở Yên Sở (Cầu Thanh Trì).
Thế nên Lý Thái Tổ mới gọi đất này là bụng rồng.
Suy luận:
Ta dễ dàng suy luận rằng; con sông ở Hà Nội bây giờ chỉ là dòng chính, dòng thấp nhất của buổi sơ khai. Ở buổi sơ khai ấy, chắc chắn lòng sông rộng hẹp tùy vào con nước, mùa khô có thể tương đối như bây giờ (Dòng chính), mùa lũ thì lũ càng to, lòng sông càng rộng.
Tại khu vực Hà Nội bây giờ, vì là điểm uốn, nên cả khu nội thành cũ (Ba Đình-Hoàn Kiếm-Đống Đa-Hai Bà) đều là lòng sông khi lũ về, những điểm cao như núi Nùng, Ngọc Khánh... chỉ là những gò đống hiếm hoi, khi nước rút, khu ấy là những bãi hoang (Có người nói là những bãi sậy).
Vì khó canh tác nên con người ngày đó, (vốn còn rất ít), chỉ sinh sống ở những vùng cao hơn như Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức trở lên...
Khi chưa có tiền tệ, người ta chủ yếu trao đổi hàng hóa tực tiếp (Hàng-Hàng), giao thông ở miền núi chủ yếu là ngựa trên những con đường mòn, ở miền xuôi chủ yếu là thuyền bè theo sông rạch. Mỗi nhà làm ra một thứ hàng hóa chính, mỗi vùng cũng có những sản phẩm chính, rồi đem đổi cho nhau để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; ăn, uống, mặc, chữa bệnh, làm nhà...
Lớn nhất Bắc bộ, sông Hồng nối vùng núi; Yên Bái, Tuyên Quang, Phú thọ, Hòa Bình với đồng bằng; Hải Hưng, Nam Định.. và miền biển; Thái Bình, Nam Định... Thế nên chắc hẳn đã thành con đường lưu thông hàng hóa chủ yếu.
Cái điểm uốn của con sông (cũng là con đường lưu thông hàng hóa ấy-Hà Nội) là nơi gặp gỡ của lâm thổ sản từ miền núi xuống và nông, thủy, hải sản từ biển lên..., Cái chợ nổi ngẫu nhiên hình thành.
Buổi ban đầu có lẽ nhà nào có hàng thì tự đi trao đổi lấy.., thế rồi họ nhờ nhau, gửi nhau mà thành những chuyến thuyền lớn dần, chuyên dần...
Vì chưa có tiền tệ, vì không phải chuyến nào cũng có thể đổi được hết hàng.., những chuyến "Ế" ít thì dễ chấp nhận, người ta phải quay về, nhập thêm hàng để đi chuyến khác.., những chuyến ế nhiều sẽ buộc họ phải suy tính...
Thế là từ một chuyến hàng ế nào đó người ta nghĩ ra giải pháp làm cái lều tạm, chất hàng lên đấy rồi cử một người ở lại tiếp tục trao đổi, con thuyền và số người còn lại quay về chở chuyến khác.
Việc hay, tiện, hiệu quả sẽ được học tập làm theo nhanh chóng...
Thế là hình thành cái chợ đầu mối đầu tiên.., thế là dần dần hình thành tính chuyên nghiệp; chuyên gom, chuyên chở, chuyên bán...
Những điểm cao được tận dụng, cùng với bồi đắp của con sông, những người "Chuyên bán" định cư hẳn, làm nhà cửa vững chắc hơn và hình thành lớp người "Hà Nội gốc", Cũng có nghĩa, những cư dân gốc này, lúc đầu chỉ làm mỗi việc nhận hàng và bán hàng, nhận của miền xuôi, bán cho miền ngược và ngược lại.
Những khu bán hàng tập trung, tiền thân của các "phố hàng" Rươi, Muối, Mắm, khoai, tre... được hình thành.
Hàng hóa phát triển, buôn bán phát triển, những người thợ từ các đất nghề cũng đổ về lập xưởng chế biến và bán tại chỗ.., tiền thân của các "Phố nghề"; Rèn, Đúc, Kim hoàn...cũng được hình thành.
Tiếng "Kẻ chợ" có lẽ bắt nguồn từ đấy...

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

Bảo tàng

Bà Hoa Mai lẩm cẩm mua dế cho cháu chơi.., tối đến, tiếng dế khóc nỉ non khiến bà lão động lòng, những hình ảnh xưa cứ theo tiếng dế mà hiện về trong tâm trí.
Bỗng ngộ ra rằng trong đầu mỗi người thuộc thế hệ 5X về trước đều có một bảo tàng khổng lố lưu giữ những bức tranh quá khứ, từ gốc cây ngọn cỏ, từ mái bếp chuồng trâu đến dòng sông bến nước, cảnh nông dân cày bừa, cảnh sân trường nhộn nhịp.
Và viết tặng bác mấy câu này:

Tâm trí của ta là cả một bảo tàng
Nơi cất giấu những bức tranh quý giá
Tranh đồng quê mướt màu xanh ngô, mạ
Tranh đầu hè, gạo, phượng chói triền đê
Trong bức tranh có dáng mẹ chợ về
Miệng nhẩm tính qua cổng chùa mái uốn.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

TÔI BIẾT GÌ VỀ NƯỚC MỸ VÀ NGƯỜI MỸ

Khoảng những năm đầu của thế kỷ này tôi được cơ quan cho đi Mỹ, đang chuẩn bị thì phải nhường xuất ấy cho một bác sỹ khác, anh ta sắp chuyển cơ quan, dường như bệnh viện muốn để anh đi như một món quà..
Khoe thế để nói rằng: Tôi chưa hề đặt chấn đến cái đất nước ấy..!
Trước kia, chúng tôi chỉ biết nước Mỹ đưa quân đội sang đất nước tôi, bắn giết đồng bào tôi, hãm hiếp phụ nữ của nước tôi. Từ những năm giữa 60 máy bay Mỹ ngày đêm gầm rú trên bầu trời Miền Bắc quê tôi, ném bom xuống làng xóm, những "Mục tiêu dân sự".
Chúng tôi biết Mỹ qua lời của lãnh tụ kính yêu của mình: Này Giôn Sơn..! Phải chăng người Việt Nam đen quân cướp nước Mỹ..? Đem súng đạn giết hại người dân Mỹ..? Hay người Mỹ mang quân đến Việt Nam..? Giết hại người dân Việt Nam...?
Chúng tôi chỉ biết thế và chúng tôi sục sôi căm hờn tất cả những gì thuộc về Mỹ. Với lòng tự tôn dân tộc, với lòng căm thù ấy, chúng tôi hăng hái lên đường tiếp bước các thế hệ anh cha.
"Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

Đó là những điều đầu tiên tôi biết về nước Mỹ và người Mỹ.

Năm 78 tôi về học trường Y, chúng tôi có ông thầy già nổi tiếng lắm. Những năm đầu 80, ông đi Mỹ. Theo chỗ chúng tôi được biết thì ông là người Việt Nam dân chủ cộng hòa (Sau đổi thành CHXHCNVN) chính thức đầu tiên đến thăm Mỹ.
Có lẽ chuyến thăm gây cho ông nhiều cảm xúc nên khi về nước ông đi nói chuyện ở nhiều điểm trong đó có Thư viện quốc gia và trường tôi, ĐH Y Hà Nội.
Ông kể rằng; người Mỹ đón ông như nguyên thủ quốc gia, có bắn đại bác và có quan chức cao cấp của chính phủ ra tận sân bay đón.
Tất nhiên ông kể nhiều về nền y học, ngành ngoại khoa Hoa Kỳ nhưng ông cũng dành rất nhiều thời lượng nói về thanh niên và giáo dục ở Mỹ, tôi không thể quên câu này.
-Giáo dục ở Mỹ khác và không được tốt như ở ta.., chúng ta quan tâm đến thế hệ trẻ, chúng ta chỉ rõ cho họ con đường cùng cái đích tươi sáng, chúng ta động viên, kích lệ họ phấn đấu.., cẩn thận hơn nữa, chúng ta rào hai bên con đường đó lại.., thế là thanh niên của ta dù chạy hết khả năng, dù đi lững thững hay thậm chí bò lết uể oải thì sớm muộn gì cũng đến được đích..., Mước Mỹ không được như vậy, họ chỉ dạy trẻ con những điều cơ bản rồi họ thả cho chúng vận động theo hướng mà chúng tự chọn... Thế nên xã hội của họ có những điều lộn xộn mà ở ta không có, ví như bất kỳ một công dân nào đó cũng có thể đứng bên tường rào vườn hồng, chờ tổng thống đi qua mà chửi bới, mà rủa là đồ con chó, con lợn..., cảnh sát sẽ không động đến người này nếu không vượt qua giới hạn.
Khi thầy nói đến đây, một thầy khác còn trẻ ghé tai tôi bảo.
-Hôm ở thư viện quốc gia, thầy nói đến câu này thì mấy người ngồi ở hàng ghế đầu tiên lặng lẽ bỏ về...

Đó là điều thứ hai tôi biết về nước Mỹ và người Mỹ.

Sau buổi nghe nói chuyện ấy có cái gì như lung lay, có cái gì như là lạ trong tâm trí khiến tôi cứ phải suy nghĩ rồi nhớ lại những điều được thấy, được nghe ở Sài Gòn những ngày đầu tháng 5 năm 1975.
Tại sao người Mỹ lại tốn công tốn của tổ chức cuộc di tản khổng lồ cho những người từng phục vụ trong chế độ VNCH, và sau đó, những người được đoàn tụ theo diện Ô Ô gì đó dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ..?
Phải chăng là "Đồng bọn"..? Phải chăng để tập hợp lực lượng hòng quay trở lại "cướp nước ta một lần nữa"...?
Chắc chả phải.., bởi nếu vậy đời nào chính phủ mình cho đi..!

Thế là tôi lại biết thêm về người Mỹ và nước Mỹ thông qua cách đối xử với những người đã từng là đồng sự với họ.

Những năm 90, quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều cải thiện, đã có những nhà chính trị của cả hai nước qua lại thăm nhau và tôi lại có một ông thầy nữa đi Mỹ (Ông này là học trò cưng của ông thầy trước)
Về nước, ông cũng tham gia kể chuyện nhiều chỗ, trong đó có bệnh viện Xanh-Pôn, nơi lúc đó tôi đang hành nghề. Ông kể nhiều nhưng đọng lại trong tôi ba ý.
Thứ nhất, ông kể rằng; trước kia khi nghĩ về nước Mỹ ông thường hình dung những ngôi nhà chọc trời, nhưng khi máy bay hạ cánh, tất cả bị đảo lộn.., người hướng dẫn nói rằng chúng ta đang bay qua thành phố X..., nhưng qua cửa sổ ông thấy như đang bay qua một cánh rừng vậy.., toàn cây là cây, rất ít những ngôi nhà cao vươn lên.., rồi ông kể về tiêu chuẩn một ngôi nhà ở thành phố này, diện tích phải là mấy trăm mét, nhà phải cách đường và cách nhà hàng xóm là bao nhiêu...
Thứ hai là sự đầy đủ về phương tiện. Có một thiết bị phòng mổ quý lắm, ở Việt Nam chưa có và ở Pháp (Năm trước đó ông đi Pháp) cũng rất ít nhưng khi đến thăm một bệnh viện thuộc một bang miền tây ông ngạc nhiên thấy nó ở hành lang. Hỏi những đồng nghiệp Mỹ rằng; máy quý thế sao lại để đây thì được trả lời: Máy có vấn đề, đã được thay cái khác, cái này để đây, chờ mang đi hủy.
Thứ ba là vấn đề chủng tộc. Có một loại ống thở dùng trong mỗi ca gây mê, đắt tiền lắm, ở Việt Nam chưa có, thầy kể rằng; Tao thấy nó dùng cho một người phụ nữ da đen, xong việc, nó rút ra rồi vứt toẹt vào sọt rác..., từ đó, tao cứ mắt la mày lém nhìn cái thùng rác, thèm và tiếc.., thấy vậy một đồng nghiệp Mỹ hỏi;
-Hình như ông phát hiện điều gì..?
-Vâng! Cái ống này quý lắm..., ở đây (Mỹ) tiêu chuẩn nào thì được dùng..?
Người đồng nghiệp cười mà nói.
-Nếu cần thì Tổng thống cũng được dùng và.., ông thấy đấy.., người đàn bà da đen này thất nghiệp.., cũng chỉ thế thôi.
Thể diện, sỹ diện biến mất, ông thầy kể tiếp, tao đánh bạo.
-Thú thực, chỗ chúng tôi chưa có.., tôi có thể.., rửa cái trong kia (Sọt rác) mang về không..?
-Không được..! Không được...! Thứ này chỉ dùng một lần.., để tôi nói với người Y tá trưởng, nếu được sẽ tặng ông một cái hẳn hoi.
Tao mừng rơn, thầy tôi tiếp, nhưng trước khi ra về, cô y tá trưởng da đen bóng, chạy đến lễ phép.
-Thưa ông! Giáo sư ... đã nói với tôi nhưng rất tiếc, việc này vượt quá thẩm quyền của tôi.., tôi hứa sẽ thưa lại và nếu được sẽ gửi sang tặng ông..
Lúc ấy mới tiếc ngẩn tiếc ngơ, giá nó cứ để yên mình mang về có phải chắc..., về mình á..., có mà dùng được vài chục ca nữa...!
Ông thầy ghé tai tôi nói đùa.
-Dũng ạ! Vào viện của Mỹ.., khó... chết lắm...! Vào viện của ta.., khó sống lắm...! Mà .., tao bảo thật nhớ..., có khi ... tao còn "Phân biệt chủng tộc" hơn chúng nó í chứ...! Rất tôn trọng... nhưng vẫn thấy khang khác...!

Sau hôm ấy tôi lại biết thêm về nước Mỹ và người Mỹ.

Thế rồi quan hệ hai nước được mở rộng hơn, các chuyên gia Hoa Kỳ sang bệnh viện Việt Nam nói chuyện, giảng bài. Lần đầu tiên một Giáo sư về ngoại niệu, người Mỹ gốc Hung Ga Ri, sang nói ở Việt-Đức, Bệnh viện phải nhờ Gs Khải (Tim mạch Bạch Mai) làm phiên dịch. Sau lời giới thiệu "hoành tráng" của phía ta, vị Gs còn khá trẻ, quần bò, áo phông (không com lê, ca ra vát như những người đến từ các nước phát triển khác) đứng dậy đáp lễ bằng mỗi một câu.
-Gút áp tơ nun! E vờ ri bo đi!
Rồi ông ta vào bài ngay, thay vì đứng ở cái bục có đèn và hoa tươi, ông đi đi lại lại và có lúc ghé đít ngồi lên mép bàn.., những hình ảnh đang chiếu về sỏi đường niệu, mọi người đang chăm chú nhìn và nghe bỗng có một bức ảnh bãi biển, ông Gs như sững lại rồi.
-À...! Đây là bãi biển..., đây là nhà tôi... cách bờ biển... mét..,
Người nghe như được dãn ra, cười một tý và bài chuyên môn lại tiếp tục..., thế rồi lại.
-À...! Đây là khoa bệnh của tôi, đây là các Đốc tờ..., tay này người Ấn độ... cậu này gốc Ít Sờ Ra En..., đây là cô y tá...

Sau buổi ấy, tôi biết thêm về phong thái thực dụng, hiệu quả trong cách báo cáo khoa học của Bác sỹ Mỹ.

Tôi được tham dự lớp "Phớt ét" (Cấp cứu ban đầu) do các bác sỹ Mỹ giảng tại Hà Nội. Tổng kết lớp học..., phát bằng rồi..., ông Gs mới ra cho tất cả học viên một câu hỏi:
Tại một thị trấn hẻo lánh, sáng tinh mơ, bạn (Học viên cấp cứu ban đầu) phát hiện trong khu vườn nhà nọ, một người nằm im trên cỏ, không biết còn sống hay đã chết, VIỆC ĐẦU TIÊN BẠN PHẢI QUAN TÂM LÀ GÌ?
Người bảo phải bắt mạch xem tim còn đập không, tốt hay xấu. Người bảo phải đặt một sợi bông vào mũi xem còn thở không, kẻ lại bảo phải hô hấp "Mao tu mao" ngay... người lại bảo, chỉ cần sờ xem còn ấm hay đã lạnh...
Ông thầy nói: Tất cả đều đúng và cần thiết nhưng chưa phải điều đầu tiên.., không ai nghĩ được điều gì hơn, ông giảng viên mơi đưa tình huống:
Giả sử có kẻ sát nhân, hắn kéo nạn nhân vứt đấy rồi ngồi chờ đâu đó với chiếc máy ảnh trên tay, hắn chụp những bức ảnh khi bạn tác động đến nạn nhân rồi hô hoán lên.., cảnh sát sẽ làm rõ trắng đen nhưng ít nhất thì bạn cũng bị phiền phức một thời gian.
Cả hội trường ồ lên, hóa ra trước khi tiến đến gần nạn nhân bạn phải hô hoán lên, gọi càng nhiều người đến càng tốt, những người này sẽ làm chứng cho công việc của bạn, giúp bạn cấp cứu nạn nhân, đi gọi xe cấp cứu và cảnh sát tới.
Để học viên bớt ồn ào, ông Gs lại lắc đầu vì đấy vẫn chưa phải việc đầu tiên, cuối cùng ông đưa ra những tình huống gợi ý: Ngộ nhỡ nạn nhân đang nằm trên một dây điện cao thế.., bên cạnh một hóa chất bay hơi rất độc, hay một con rắn cực độc ... chỉ cần bạn đến gần là mất mạng thì ai sẽ là người cứu bạn và nạn nhân kia...? Rồi ông kết luận:
-Trong mọi tình huống, điều đầu tiên bạn phải quan tâm, phải làm trước hết, đó là nhanh chóng quan sát xem liệu có gì nguy hiểm đến tính mạng của chính bạn hay không..? Sau đó/hoặc đồng thời là hô hoán gọi người giúp đỡ...

Ồ..! Hóa ra người Mỹ không chỉ biết làm bom nguyên tử, chỉ biết bắn giết và hãm hiếp.., họ rất tỷ mỷ, thực tế và hữu hiệu.

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

7-3 LUẬN TỘI ĐÀN ÔNG..!

Tối nay mùng 7 tháng 3
Mấy chữ gọi là, luận tội chúng em
Nhưng ngẫm cho kỹ mà xem
Tội em thì ít, chị em thì nhiều
Khổ vì cái mắt cứ điêu
Cứ sắc lèm lẹm cắt diều chúng em
Đã biết chúng tớ đang thèm
Cái eo cứ thắt không xem sao đành
Khổ vì khuôn mặt như tranh
Đi qua không ngắm có đành được không
Bên này ngó thấy hở mông  
Bên kia hở ngực em trông đằng nào..?
Nên mặc đất thấp trời cao
Em ôm đầu máu nhảy vào liều thân
Khổ vì chẳng ném ra sân
Lại ngúng lại nguẩy lúc gần lúc xa
Thế là thành tội chúng ta

Tội ông thì ít, tội bà nhiều hơn./.

CA NGỢI THANH HÓA..!

Tin đưa rằng!
Đường quốc lộ số 1 vừa được nâng cấp nhưng nhiều đoạn qua Thanh Hóa bị dân chúng "Thoải mái-tự nhiên" dỡ bỏ dải phân cách cứng, họ dựng cái cọc, đính cái mâm nhôm sơn đỏ có vạch ngang màu vàng... rực rỡ hơn mấy cái biển của giao thông công chính rồi thản nhiên qua lại cho tiện.
Trên thế giới này có đất nước nào như Việt Nam...? 
Trên cái đất nước "Ra ngõ gặp anh hùng" này có nơi đâu "Bất khuất" hơn Thanh Hóa..?
Mượn nhạc bài ca ngợi anh Nguyễn Bá Ngọc, Phẫu tôi nghêu ngao mấy câu kính tặng các bác: Duy Đức, Trịnh Tuyên.
Đây Thanh Hóa anh hùng thấy dải phân cách vướng chân
Nêu cao trí tự cường đem về lót sân
Yêu mấy phút hơn cuộc đời
Băng qua mặc kệ xe hơi
Trí anh hùng trên đất nước mình chẳng đâu hơn
Xe qua đường
Xin anh nhìn xem
Cái mâm đỏ vạch vàng chễm chệ
Anh đi thẳng đi!
Chớ có tạt ngang!
Cái lối này dân làng qua lại
Ta nên tự hào
Nhân dân làng ta
Kiến trúc đường tiện lợi hơn cả chàng La Thăng!

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

VỘI VÀNG Hội Lim, ĐỦNG ĐỈNH Thụy Khuê


Từ chối tất cả những lời mời và tảng lờ những người mình muốn mời, tôi lên chương trình đi hội Lim với nhà cậu em, anh vợ nó đi lính cùng tôi, mỗi khi nhà nó có vấn đề gì về sức khỏe lại í ới gọi... lâu ngày từ quen thành thân.
Nó mê đi câu, thi thoảng lại tạt qua biếu anh con cá ngon hoặc nó, hoặc bạn nó câu được.
Đứa gái đầu đang học năm thứ hai Sư phạm, con trai mình thì mãi chả chịu tìm vợ.., thế nên tổ chức chuyến này cho lửa-rơm gần nhau, biết đâu ngộ nó cháy thì may.
Đổi trực, 4h30 qua cơ quan đón con, xuống Ngã tư sở đón vợ chồng con cái nhà nó, đang đổ săng thì mụ vợ gọi, cũng muốn đi... ô kê, quay lại đón.
Bác Tạc, cô con gái nuôi (Con dâu bác) í éo gọi.
-Đến đâu rồi...? Mới cầu Thanh Trì á..? Muộn thế..., rồi, anh chờ ..!
-Bố đến đâu rồi..? Năm nay phải ăn cơm nhà con đấy...! Chúng con chờ..!
Vào Từ Sơn, nó lại gọi.
-Bố vào thẳng nhà con nhé, trong ông đang có khách của chú Quang (Em chồng nó)
Chồng con nó ra tận đường, đội mưa đón ông, mừng tuổi bà cô tàn phế, mừng tuổi các cháu, vợ chồng nó te tái bưng mâm cỗ tú ụ ra thì ông Tác đùng đùng phóng đến.
-Tôi gọi chú không nghe máy là thế nào..?
Mở máy ra thấy cuộc nhỡ thật, đang ú ớ thì ông quay sang mắng các con.
-Chú lên là phải vào bố trước, khi nào bố giao nhiệm vụ, các con mới được tiếp thay bố...! Thôi, để đấy..! Vào cả trong nhà..., khách của cháu Quang đang chờ.
Cái Lan phụng phịu úp lồng bàn vào mâm, cả bọn lủi thủi lên xe.
Hình như ở đây, vào ngày hội, nhà nào đông khách là ... sướng lắm...! Ba mâm cỗ trải hết ba gian nhà, bọn công ty địa ốc gì đó đã ngồi yên vị, ông Tạc trịnh trọng nói lời chào đón, tôi đặt lễ lên ban thờ chắp tay vái rồi khai tiệc.
Thật sự là mâm cao cỗ đầy, canh bò, ngan xào, gà luộc, những đĩa bánh trưng xanh rền thơm phức vừa mới vớt sáng nay... Giao lưu, chào hỏi, giới thiệu.., say lúc nào không biết. Tôi vỗ tay cho mọi người im lặng rồi lên giọng Bố gọi thằng con nuôi đến, nó (Đã ba con) ngoan ngoãn đứng khoanh tay.
-Anh là lớn trong nhà..., tôi hỏi..., khách của em đến đông vui thế này..., tiệc anh chuẩn bị như thế đã được chưa...?
Thằng cu lúng túng không biết ông bố “Giả cầy” này thật hay đùa, say hay tỉnh..
-Ý tôi là anh còn đặc sản gì chưa mang đãi khách không...? Nếu đủ rồi để chúng tôi đi về.
Cả nhà im phăng phắc, vài anh mắt khó chịu của đám khách nhìn nhau, thằng Quang nhanh nhảu.
-Cháu hiểu rồi...! Cháu hiểu rồi..! Xin chú cho anh Tuyền ngồi xuống...
Chúng nó ngồi xếp bằng tròn đối mặt nhau.
Khách đến.. í ..,chơi.. í a.. nhà...à          
Chúng nó hát hết bài mời trầu, vỗ tay rầm trời, bọn khách lạ lại lần lượt mang rượu đến.
-Gớm..! Bác làm chúng cháu chả hiểu gì...! Sợ quá...! Cảm ơn bác..!
Tan tiệc, vội vàng đưa chúng sang nhà ông Chiến, nơi năm ngoái nhà báo Lưu Manh Hòa chết mê chết mẩm mấy liền chị.
Ông Sồi giới thiệu, bỏ 100 vào cái đĩa rồi ai nấy tự lo chỗ đứng góc nhìn cho mình.
Cái Quan họ cổ cũng lạ, không hoàn toàn mượt mà duyên dáng như những bài mới những bài phỏng theo làn điệu cổ.., nếu ví cái ê a, í ơi như cánh diều êm ả thì cánh diều ấy thi thoảng lại bị rơi tụt xuống bởi những cái Hự.., hạ..., cái dấu lặng tròn ấy thoạt nghe rất khó chịu nhưng phải nghe, phải quen rồi mới thấy hay, thấy hay rồi mới nghiện, cứ chờ như chờ câu đổ trong cải lương vậy.
Ông Chiến đến ngồi bên, nói về khâu chuẩn bị và mong khách thông cảm, ông tặng một đống đĩa quay ở nhà ông những năm trước và một bị kẹo lạc.
Dắt chúng nó lang thang ra đình, vào làng... chẳng đâu hơn được nhà ông Chiến, hát quan họ mà dùng Mic phóng âm, mà có nhạc đệm là ... Vứt!
Đúng là bố không khôn thì đẻ ra con đần, tìm mọi cách cho nó tách đoàn, cho hai đứa trẻ gần nhau mà nó... chả làm ăn được gì... Phí cả công.
Về đến nhà (Hà Nội) vẫn chưa đến 12 .., đi nghe quan họ mà quá đi ăn cướp ..! Sao thằng con mình nó .., ngu lâu thế không biết...! Chả phải tay ông...!
=-=-=
Sáng nay đưa con gái đi thi, thi Ây eo 5 chấm 5 ở Hội đồng Anh, 20 Thụy Khuê. Chỉ còn phần nói, chắc nhanh thôi, lùi xe vào được chuồng, ngẩng mặt lên thấy một em béo ị, to đùng lúc lắc đến.., nó tỳ tay vào cái gương chiếu hậu mà xót hết cả ruột (Xe của chú em, nó chưa cho tôi mua xe mới, chờ rẻ hơn đã).
-Anh vào tắm à..?
Mẹ kiếp, mới sáng ra đã tắm táp gì, có bẩn đâu mà tắm...
-Không! Anh đưa cháu đi thi..
-Thi Anh hả, mất tiền đấy...
-Bao nhiêu...?
-Ba mươi nghìn...
Ô Kê.., đến sớm cả tiếng đồng hồ, máy tính không mang, làm gì đây...?
Xuống phố, định kiếm cốc nước trà.., đảo mắt tìm người chủ quán nào có nét thân thiện thế rồi mắt bị hút vào một con ngõ.., phải rồi, những dịch vụ trong ngõ thể nào độ tin cậy cũng cao hơn.., mà..., tại sao không tranh thủ dạo trong những con ngõ này nhỉ.., những con ngõ rất lâu chưa vào, thậm chí cả đời chưa vào..., biết đâu chả thấy điều gì kinh khủng đến thú vị như hôm lang thang trong khu tập thể Đường sắt Ngọc Khánh mới thấy những dãy nhà chỉ cách nhau 6-7 mươi cm, vừa là lối đi vừa là cống.., hôi rình.., tối om.., và không hiểu sao họ vẫn dắt được xe máy vào nhà..., Hà Nội bây giờ, cái gì cũng ngược hết cả lại, chỉ có mấy ông nhà báo viết quen tay, mấy thằng tuyên huấn, tuyên truyền mắt mờ hay không có mắt mới leo lẻo viết Hà Nội đẹp, Hà Nội thanh lịch...
Ngõ dọc, ngách ngang, lác đác trong những bức tường xây kịch mép ngõ vẫn còn những nhà xây lùi vào trong, bớt ra khoảng vườn, mảnh sân.., thế mới có không khí mà thở và đủ dũng khí cho mình lang thang...
Dừng chân trước một cái cây to bằng người ôm, đoạn gần gốc có ổ hà mục nhìn xuyên được sang bên kia, hình như duối..., một bà lạch bạch xách nải chuối xanh từ ngoài vào.
-Bác cho hỏi, đây có phải cây Duối..?
-Vâng..! Duối đấy ạ...!
-Quý nhỉ.., chắc lâu đời lắm...?
-Vâng! Tôi lớn lên nó đã to như thế này.., trước, đây là cái hàng rào...
Một cái cổng, chắc kiểu bán mái, có cánh mở vào trong như ở các làng quê xưa, giờ chỉ còn bức mặt tiền, một bên trụ nằm giữa ngõ, phía trên gạch đặc, vữa có vôi cát, phía dưới gạch lỗ, mạch xi măng nhẵn thín..., một ông mở cửa đi ra, tay bưng bát cháo.
-Chào anh! Cái trụ cổng này có phải đã được làm lại..?
-Ui dào..! Chắc thế..! Nhưng đập đi thôi..., ngõ đã hẹp còn vướng...!
Qua cái cổng, ngách còn tách ra vài ngách nhỏ hơn nữa, mỗi ngách ấy lại thấy vài ba cánh cửa... Thế đấy, khu này trước kia hẳn là của một nhà kha khá, hòa bình lập lại (1954) những người kháng chiến về chiếm, người Hà Nội lại “Hiến cho nhà nước” một lần nữa.
“Hiến cho nhà nước”, cái hành động chỉ ở Việt Nam mới có và cũng chỉ diễn ra ngần ấy lần, khi nhà nước VNDCCH mới ra đời, khi Việt Minh về “tiếp quản thu đô” và khi đạo quân, trong đó có tôi, vào “Giải phóng Sài Gòn”.
Người ta hiến đến đâu..? Không hiến cũng bị mất đến đâu..? Thế rồi những người “Được phân” những người “Chiếm được” và không loại trừ cả con cháu chủ nhà bán dần đi.., thằng cha bưng bát cháo chắc chắn không thuộc con cháu chủ nhà, họ là những người muốn giữ cái cổng của ông cha lại.
Dừng chân trước Xí nghiệp xe điện (Nhà máy tàu điện cũ), cảnh xưa còn khá đầy đủ, nhớ ngày còn bé qua đây thấy đường ray chằng chịt như ga Hàng Cỏ, ngày đêm trong nhà máy phát ra những tia sáng hồ quang, bây giờ mặt đường đã được nâng lên nhiều lần nhưng cái đường ray cho cánh cổng cũ vẫn còn.
Thêm mấy bước bỗng thấy bên kia đường một kiến trúc là lạ..., lạ thật, một ngôi biệt thự kiểu Tây còn gần như nguyên vẹn... Thứ này cách đây 15-20 năm nhiều lắm, dọc đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung... đầy!
Tuy mỗi biệt thự có hàng chục hộ sinh sống nhưng cơ bản kiến trúc cũ vẫn còn nguyên.., chỉ có ngần ấy năm bỗng thành của hiếm, nếu không tính mấy nóc ở khu “Tử cấm thành” thời nay.
Thời Tây, bên cạnh những trường học, bệnh viện, nhà máy là biệt thự của giám đốc, ví như biệt thự của Giám đốc bệnh viện Xanh-pôn ở đối diện với cổng 12 Chu Văn An, sau ông Hoàng Minh Giám được phân ở đấy và được gọi là nhà ông Giám. Những năm cuối 90, bà Giám cho thuê mở quán cà phê và cũng được gọi là cà phê ông Giám mặc dù chủ quán treo cái biển tổ bố “Cà phê hoa giấy”, họ đặt tên thế vì góc vườn có gốc hoa giấy to bằng người ôm, không hiểu có từ thời Giám đốc Bệnh viện hay ông Giám trồng từ ngày đến ở.
Vài năm mà thay đến chục người chủ quán, khi thì cà phê ca nhạc, tiếng trống tiếng ghi ta Bass dựng đứng bệnh nhân dậy, tiếng hát của ca sỹ xoáy vào tai Bác sỹ không cho ai ngủ..., lúc lại cà phê đèn mờ.., có thằng Bác sỹ giao ban xong sang làm hai quả trứng vịt lộn rồi vào gọi cà phê, vừa ngồi xuống nó đã bật dậy, sờ tay vào đít quần, đưa lên mũi rồi nôn thốc nôn tháo, mọi người chạy lại, té ra nó ngồi phải cái bao cao su “Đã sử dụng đêm qua” khách để quên trên ghế, nhìn quanh thấy vài cái tương tự, cái nhoe nhoét trên sàn xi măng cái vắt tòng teng trên hàng rào sắt.
Khoảng giữa những năm 2000 thì các kiến trúc ấy biến mất, cái bị phá hoàn toàn, cái thì bị những nhà, những ki ốt mặt tiền che lấp.
Tôi đứng bên đường ngắm cái kiến trúc bảy phần Tây, ba phần Tàu, hai bên cổng cao nhiều hơn to là đôi câu đối chữ Nho, chất liệu mảnh gốm men xanh, rộng nữa sang hai bên là hai bức tường hình cung mà phần phía trong đã được người ta chiếm dụng làm nhà, cánh cổng sắt đặc, trừ phần áp đất đã rũa như thanh sô cô la bị chuột gặm nham nhở thì hầu như còn nguyên vẹn, trên cao có con số 1926, hẳn là năm khánh thành.
Một bà bán nước đang lúi húi dọn hàng ngay dưới cánh cổng.., đằng nào cũng đợi con đến 2 tiếng nữa, tôi sang đường, gọi cốc trà nóng rồi nhâm nhi ngôi biệt thự.
Bà chủ quán có con mắt bên trái như hạt thóc nếp nhưng bên phải lại như hạt thóc lép áng chừng háo chuyện, nhanh nhảu bắt nhời rồi kể thông thốc
-Bác ngắm ngôi nhà này hả, của ông chủ nhà máy điện đấy, người ta...
-Nhà máy tày điện chứ..!
Tôi ngắt lời
-Thì vâng..! Đây này...
Chỉ về phía xi nghiệp xe điện Hà Nội, bà tiếp
-Người ta đi Pháp rồi..., đe...èo mẹ! Bảo là người ta hiến cho nhà “lước” nhưng thực ra là cướp í mà...
-Sao lại thế chị...?
-Thì bác bảo.., dân Hà Lội, dân Bùi Chu, Phát Diệm đi tàu há mồm ngầy ấy, có ai mang được gì đâu..., đe..èo mẹ..., nhà lước về chiếm rồi lại bảo người ta hiến.., gần đây có ối người về đòi đấy..., nhưng mà đe.. èo mẹ..! Đòi thế đéo là được với ông nhà lước lày... Mà cứ bảo người ta phản động.., bây giờ người ta ở Tây ở Mỹ chả sướng..., đéo khổ như ở nhà..., đe... èo mẹ! Những nhà ở lại là đéo phản động được thì đành chịu đấy chứ...
Hình như chọc phải tổ kiến lửa, tôi cố giữ nét mặt thật bình thản, chậm rãi giảng giải
-Thì cũng chả hay ho gì phải sống tha hương đâu chị, với lại tôi thấy thành phố cũng thay đổi nhiều đấy chứ.., nhà cao cửa rộng, ô tô xe máy đầy đường, hàng hóa thừa thãi...
-Vâng..., nhưng bác bảo.., toàn bọn ở đẩu ở đâu về cướp đấy.., chúng tôi á... nhà nào cũng phải hiến cho nhà lước, ló chỉ bớt lại cho đủ ở thôi, thế rồi chúng ló bán đi bán lại.., mới thành đông nhung nhúc như thế lày chứ... giàu có là chúng ló chứ dân gốc ở đây hết đường sống rồi..., đấy bác bảo.., nhà tôi trước kia bốn số nhà, đất cát cả vài mẫu..., ngày xưa ra đây đã vắng lắm rồi... thế mà ló cướp cha ló hết, tôi phải ở tít trong ngách í.., có hơn hai mươi mét thôi.., chả làm được gì nuôi con thì ra đây, có thế lày thôi mà lay ló hành, mai ló hành đấy bác ạ.., khốn lạn lắm...!
Không muốn lạc vào nỗi oán hận của bà ta, tôi ngắt lời.
-Tôi xin lỗi hỏi.., năm nay chị bao nhiêu..?
-Bẩy mươi rồi đấy, thế chú..?
-Chị hơn em mười tuổi.., thế mà nom trẻ thế...! Em hỏi, là vì nãy thấy chị nói đến “tàu há mồm” lâu lắm rồi mới được nghe..., chị có biết tàu há mồm nó như thế nào không?
-Biết đâu.., là nghe người lớn bàn bạc thì thào thế..., thì là cái tầu ló há mồm ra cho người ta chui vào để đi vào lam chứ gì...
-Vâng! Cái tàu biển to lắm nhưng mũi không nhọn mà như cái phà í... cả làng, cả xã chui vào vẫn vừa...
Lại phải ngắt chuyện lần nữa.
-Bây giờ trong này là báo...?
-Báo Thống kê.., bác muốn thì cứ vào mà xem, giữa là nhà chính của ông í, tòa bên kia là ga ra ô tô, tòa bên lày là để cho gia nhân.., là người giúp việc, đầu bếp, lái xe í mà.., họ cũng theo ông chủ đi hết rồi..., bọn thống kê ló chia nhau.., có đường ô tô đi quanh nhà đấy bác ạ..., bác vào mà xem.
Ngay sau hai trụ cổng là hai cái chậu hoa hình bát giác, mỗi mặt đều có chữ Nho, cái chậu to và nặng quá hay vì ý thức, hay ngẫu nhiên mà còn gần như nguyên vẹn, ngôi nhà có sảnh giữa, nếu nhìn từ trên cao sẽ thấy hình chữ E, mái sảnh theo kiểu Trung Hoa nhưng phần thân nhà lại kiểu Pháp với cửa chớp, kính mái lợp ngói tây có ống khói...
Chính giữa là bồn non bộ, hai bên là hai bể nước với hình hoa văn á đông, bể xây kín nhưng nhô lên cái vòm nhỏ áng chừng để múc nước, cánh cửa sắt dày lắm, cái khóa sắt to bằng bàn tay cũng bị gặm nham nhở như phần thấp của cánh cổng chính, í chừng nhiều chục năm nay chưa ai mở.., trên nóc bể người ta để những chậu cây..
Dạo quanh một vòng rồi quay lại quán nước, nói với bà chủ vài câu nữa bỗng thấy một người phụ nữ cùng một cậu con trai đẩy cái xe ba bánh thấp tè đến, bánh xe lăn trên mặt đường tạo ra thứ âm thanh vù vù lâu lắm mới gặp. Trên xe là cả cái giát giường, trên cái giát ấy là gọn gàng nhưng đủ thứ, hai mẹ con nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹ chuyển xuống, cái lò than tổ ong, cái soong nhôm to bốc khói, ghế nhựa, bát đũa và một chồng những cái đĩa nhựa rất to.
-Bún gì đấy chị?
Tôi hỏi.
-Không.., cháo lòng đấy...!
Mải xem hai mẹ con họ triển khai tôi không để ý.
-Bác làm ơn ngồi sang bên này cho chị ấy dọn hàng.
Giật mình quay lại, một bà đeo cái tạp dề đang moi từ trong góc cổng ra những cái ghế, ngánh hàng vừa đặt xuống.
-Thế chị này bán gì..?
-Giò chả, nem chạo...!
Tôi trả tiền, chào chị chủ quán.
-Rảnh bác lại ra sơi lước nhé, lói chuyện với bác thích..! Hì hì..!
Nửa bên phải cánh cổng ấy, ngoài hàng “Lước”, giò chả nem chạo còn một chị bán báo.., không biết lần cuối cùng tôi mua báo cách đây đã mấy chục năm.., ngắm mãi chỉ thấy tờ Văn nghệ công an may ra còn có cái để đọc.
Chui vào xe, vừa mở tờ báo ra thì con gái gõ cửa, tôi hỏi.
-Á iu hăng ri?
-Nót i ét!
-Ken iu hép mi..?
-Hoát..?
-Thếch săm phâu tâu..?
-Ô kê! Iu a hoen khăm..!
Hai bố con đi bộ ngược lại.., cháu quay, chụp rất tỉ mỉ, một ý nghĩ chợt đến, tôi hỏi.
-Cháo lòng nhé?
-Ô kê!
-Cho tôi hai cháo chị ơi!
-Vâng! Bác lấy ghế ngồi hộ em với..., có ngay đây ạ! Bác ăn giồi tiết hay giồi mỡ
-Tiết, chị ạ!
Nhìn một cái là biết ngay, tôi lấy 3 ghế, một cái làm “Mâm” .., hóa ra cũng chưa thật đúng, những cái đĩa nhựa to kia mới là mâm.
Một ông già nom rất nghệ sỹ loay hoay dựng cái Mô bi lét dưới đường.
-Bác cho hộ cháu xe sang bên đường kẻo công an..!
-Tao mua mang về mà...! Đéo bắt được của tao đâu..., đéo sợ.., cho...
Một bọn trẻ gọi mười xuất, mấy mẹ con (Giờ đã thành ba) tíu tít
Một ông trạc ngoài 50 phóng cái SH đến
-Bác ơi, nhà cháu hết mất rồi...
Ông kia tiu ngỉu, đứng đần ra một lúc mới chịu quay xe.
Uống nước, bà chủ quán lại te tái
-Con gái bác à..? Gớm! Giống bố quá..! Đấy .., bác xem, bọn em toàn dân gốc ở đây đấy!