Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

TÔI BIẾT GÌ VỀ NƯỚC MỸ VÀ NGƯỜI MỸ

Khoảng những năm đầu của thế kỷ này tôi được cơ quan cho đi Mỹ, đang chuẩn bị thì phải nhường xuất ấy cho một bác sỹ khác, anh ta sắp chuyển cơ quan, dường như bệnh viện muốn để anh đi như một món quà..
Khoe thế để nói rằng: Tôi chưa hề đặt chấn đến cái đất nước ấy..!
Trước kia, chúng tôi chỉ biết nước Mỹ đưa quân đội sang đất nước tôi, bắn giết đồng bào tôi, hãm hiếp phụ nữ của nước tôi. Từ những năm giữa 60 máy bay Mỹ ngày đêm gầm rú trên bầu trời Miền Bắc quê tôi, ném bom xuống làng xóm, những "Mục tiêu dân sự".
Chúng tôi biết Mỹ qua lời của lãnh tụ kính yêu của mình: Này Giôn Sơn..! Phải chăng người Việt Nam đen quân cướp nước Mỹ..? Đem súng đạn giết hại người dân Mỹ..? Hay người Mỹ mang quân đến Việt Nam..? Giết hại người dân Việt Nam...?
Chúng tôi chỉ biết thế và chúng tôi sục sôi căm hờn tất cả những gì thuộc về Mỹ. Với lòng tự tôn dân tộc, với lòng căm thù ấy, chúng tôi hăng hái lên đường tiếp bước các thế hệ anh cha.
"Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ
Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

Đó là những điều đầu tiên tôi biết về nước Mỹ và người Mỹ.

Năm 78 tôi về học trường Y, chúng tôi có ông thầy già nổi tiếng lắm. Những năm đầu 80, ông đi Mỹ. Theo chỗ chúng tôi được biết thì ông là người Việt Nam dân chủ cộng hòa (Sau đổi thành CHXHCNVN) chính thức đầu tiên đến thăm Mỹ.
Có lẽ chuyến thăm gây cho ông nhiều cảm xúc nên khi về nước ông đi nói chuyện ở nhiều điểm trong đó có Thư viện quốc gia và trường tôi, ĐH Y Hà Nội.
Ông kể rằng; người Mỹ đón ông như nguyên thủ quốc gia, có bắn đại bác và có quan chức cao cấp của chính phủ ra tận sân bay đón.
Tất nhiên ông kể nhiều về nền y học, ngành ngoại khoa Hoa Kỳ nhưng ông cũng dành rất nhiều thời lượng nói về thanh niên và giáo dục ở Mỹ, tôi không thể quên câu này.
-Giáo dục ở Mỹ khác và không được tốt như ở ta.., chúng ta quan tâm đến thế hệ trẻ, chúng ta chỉ rõ cho họ con đường cùng cái đích tươi sáng, chúng ta động viên, kích lệ họ phấn đấu.., cẩn thận hơn nữa, chúng ta rào hai bên con đường đó lại.., thế là thanh niên của ta dù chạy hết khả năng, dù đi lững thững hay thậm chí bò lết uể oải thì sớm muộn gì cũng đến được đích..., Mước Mỹ không được như vậy, họ chỉ dạy trẻ con những điều cơ bản rồi họ thả cho chúng vận động theo hướng mà chúng tự chọn... Thế nên xã hội của họ có những điều lộn xộn mà ở ta không có, ví như bất kỳ một công dân nào đó cũng có thể đứng bên tường rào vườn hồng, chờ tổng thống đi qua mà chửi bới, mà rủa là đồ con chó, con lợn..., cảnh sát sẽ không động đến người này nếu không vượt qua giới hạn.
Khi thầy nói đến đây, một thầy khác còn trẻ ghé tai tôi bảo.
-Hôm ở thư viện quốc gia, thầy nói đến câu này thì mấy người ngồi ở hàng ghế đầu tiên lặng lẽ bỏ về...

Đó là điều thứ hai tôi biết về nước Mỹ và người Mỹ.

Sau buổi nghe nói chuyện ấy có cái gì như lung lay, có cái gì như là lạ trong tâm trí khiến tôi cứ phải suy nghĩ rồi nhớ lại những điều được thấy, được nghe ở Sài Gòn những ngày đầu tháng 5 năm 1975.
Tại sao người Mỹ lại tốn công tốn của tổ chức cuộc di tản khổng lồ cho những người từng phục vụ trong chế độ VNCH, và sau đó, những người được đoàn tụ theo diện Ô Ô gì đó dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ..?
Phải chăng là "Đồng bọn"..? Phải chăng để tập hợp lực lượng hòng quay trở lại "cướp nước ta một lần nữa"...?
Chắc chả phải.., bởi nếu vậy đời nào chính phủ mình cho đi..!

Thế là tôi lại biết thêm về người Mỹ và nước Mỹ thông qua cách đối xử với những người đã từng là đồng sự với họ.

Những năm 90, quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều cải thiện, đã có những nhà chính trị của cả hai nước qua lại thăm nhau và tôi lại có một ông thầy nữa đi Mỹ (Ông này là học trò cưng của ông thầy trước)
Về nước, ông cũng tham gia kể chuyện nhiều chỗ, trong đó có bệnh viện Xanh-Pôn, nơi lúc đó tôi đang hành nghề. Ông kể nhiều nhưng đọng lại trong tôi ba ý.
Thứ nhất, ông kể rằng; trước kia khi nghĩ về nước Mỹ ông thường hình dung những ngôi nhà chọc trời, nhưng khi máy bay hạ cánh, tất cả bị đảo lộn.., người hướng dẫn nói rằng chúng ta đang bay qua thành phố X..., nhưng qua cửa sổ ông thấy như đang bay qua một cánh rừng vậy.., toàn cây là cây, rất ít những ngôi nhà cao vươn lên.., rồi ông kể về tiêu chuẩn một ngôi nhà ở thành phố này, diện tích phải là mấy trăm mét, nhà phải cách đường và cách nhà hàng xóm là bao nhiêu...
Thứ hai là sự đầy đủ về phương tiện. Có một thiết bị phòng mổ quý lắm, ở Việt Nam chưa có và ở Pháp (Năm trước đó ông đi Pháp) cũng rất ít nhưng khi đến thăm một bệnh viện thuộc một bang miền tây ông ngạc nhiên thấy nó ở hành lang. Hỏi những đồng nghiệp Mỹ rằng; máy quý thế sao lại để đây thì được trả lời: Máy có vấn đề, đã được thay cái khác, cái này để đây, chờ mang đi hủy.
Thứ ba là vấn đề chủng tộc. Có một loại ống thở dùng trong mỗi ca gây mê, đắt tiền lắm, ở Việt Nam chưa có, thầy kể rằng; Tao thấy nó dùng cho một người phụ nữ da đen, xong việc, nó rút ra rồi vứt toẹt vào sọt rác..., từ đó, tao cứ mắt la mày lém nhìn cái thùng rác, thèm và tiếc.., thấy vậy một đồng nghiệp Mỹ hỏi;
-Hình như ông phát hiện điều gì..?
-Vâng! Cái ống này quý lắm..., ở đây (Mỹ) tiêu chuẩn nào thì được dùng..?
Người đồng nghiệp cười mà nói.
-Nếu cần thì Tổng thống cũng được dùng và.., ông thấy đấy.., người đàn bà da đen này thất nghiệp.., cũng chỉ thế thôi.
Thể diện, sỹ diện biến mất, ông thầy kể tiếp, tao đánh bạo.
-Thú thực, chỗ chúng tôi chưa có.., tôi có thể.., rửa cái trong kia (Sọt rác) mang về không..?
-Không được..! Không được...! Thứ này chỉ dùng một lần.., để tôi nói với người Y tá trưởng, nếu được sẽ tặng ông một cái hẳn hoi.
Tao mừng rơn, thầy tôi tiếp, nhưng trước khi ra về, cô y tá trưởng da đen bóng, chạy đến lễ phép.
-Thưa ông! Giáo sư ... đã nói với tôi nhưng rất tiếc, việc này vượt quá thẩm quyền của tôi.., tôi hứa sẽ thưa lại và nếu được sẽ gửi sang tặng ông..
Lúc ấy mới tiếc ngẩn tiếc ngơ, giá nó cứ để yên mình mang về có phải chắc..., về mình á..., có mà dùng được vài chục ca nữa...!
Ông thầy ghé tai tôi nói đùa.
-Dũng ạ! Vào viện của Mỹ.., khó... chết lắm...! Vào viện của ta.., khó sống lắm...! Mà .., tao bảo thật nhớ..., có khi ... tao còn "Phân biệt chủng tộc" hơn chúng nó í chứ...! Rất tôn trọng... nhưng vẫn thấy khang khác...!

Sau hôm ấy tôi lại biết thêm về nước Mỹ và người Mỹ.

Thế rồi quan hệ hai nước được mở rộng hơn, các chuyên gia Hoa Kỳ sang bệnh viện Việt Nam nói chuyện, giảng bài. Lần đầu tiên một Giáo sư về ngoại niệu, người Mỹ gốc Hung Ga Ri, sang nói ở Việt-Đức, Bệnh viện phải nhờ Gs Khải (Tim mạch Bạch Mai) làm phiên dịch. Sau lời giới thiệu "hoành tráng" của phía ta, vị Gs còn khá trẻ, quần bò, áo phông (không com lê, ca ra vát như những người đến từ các nước phát triển khác) đứng dậy đáp lễ bằng mỗi một câu.
-Gút áp tơ nun! E vờ ri bo đi!
Rồi ông ta vào bài ngay, thay vì đứng ở cái bục có đèn và hoa tươi, ông đi đi lại lại và có lúc ghé đít ngồi lên mép bàn.., những hình ảnh đang chiếu về sỏi đường niệu, mọi người đang chăm chú nhìn và nghe bỗng có một bức ảnh bãi biển, ông Gs như sững lại rồi.
-À...! Đây là bãi biển..., đây là nhà tôi... cách bờ biển... mét..,
Người nghe như được dãn ra, cười một tý và bài chuyên môn lại tiếp tục..., thế rồi lại.
-À...! Đây là khoa bệnh của tôi, đây là các Đốc tờ..., tay này người Ấn độ... cậu này gốc Ít Sờ Ra En..., đây là cô y tá...

Sau buổi ấy, tôi biết thêm về phong thái thực dụng, hiệu quả trong cách báo cáo khoa học của Bác sỹ Mỹ.

Tôi được tham dự lớp "Phớt ét" (Cấp cứu ban đầu) do các bác sỹ Mỹ giảng tại Hà Nội. Tổng kết lớp học..., phát bằng rồi..., ông Gs mới ra cho tất cả học viên một câu hỏi:
Tại một thị trấn hẻo lánh, sáng tinh mơ, bạn (Học viên cấp cứu ban đầu) phát hiện trong khu vườn nhà nọ, một người nằm im trên cỏ, không biết còn sống hay đã chết, VIỆC ĐẦU TIÊN BẠN PHẢI QUAN TÂM LÀ GÌ?
Người bảo phải bắt mạch xem tim còn đập không, tốt hay xấu. Người bảo phải đặt một sợi bông vào mũi xem còn thở không, kẻ lại bảo phải hô hấp "Mao tu mao" ngay... người lại bảo, chỉ cần sờ xem còn ấm hay đã lạnh...
Ông thầy nói: Tất cả đều đúng và cần thiết nhưng chưa phải điều đầu tiên.., không ai nghĩ được điều gì hơn, ông giảng viên mơi đưa tình huống:
Giả sử có kẻ sát nhân, hắn kéo nạn nhân vứt đấy rồi ngồi chờ đâu đó với chiếc máy ảnh trên tay, hắn chụp những bức ảnh khi bạn tác động đến nạn nhân rồi hô hoán lên.., cảnh sát sẽ làm rõ trắng đen nhưng ít nhất thì bạn cũng bị phiền phức một thời gian.
Cả hội trường ồ lên, hóa ra trước khi tiến đến gần nạn nhân bạn phải hô hoán lên, gọi càng nhiều người đến càng tốt, những người này sẽ làm chứng cho công việc của bạn, giúp bạn cấp cứu nạn nhân, đi gọi xe cấp cứu và cảnh sát tới.
Để học viên bớt ồn ào, ông Gs lại lắc đầu vì đấy vẫn chưa phải việc đầu tiên, cuối cùng ông đưa ra những tình huống gợi ý: Ngộ nhỡ nạn nhân đang nằm trên một dây điện cao thế.., bên cạnh một hóa chất bay hơi rất độc, hay một con rắn cực độc ... chỉ cần bạn đến gần là mất mạng thì ai sẽ là người cứu bạn và nạn nhân kia...? Rồi ông kết luận:
-Trong mọi tình huống, điều đầu tiên bạn phải quan tâm, phải làm trước hết, đó là nhanh chóng quan sát xem liệu có gì nguy hiểm đến tính mạng của chính bạn hay không..? Sau đó/hoặc đồng thời là hô hoán gọi người giúp đỡ...

Ồ..! Hóa ra người Mỹ không chỉ biết làm bom nguyên tử, chỉ biết bắn giết và hãm hiếp.., họ rất tỷ mỷ, thực tế và hữu hiệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét