Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Chém gió-Nhân chuyện Hà Nội chặt cây

MỚ NỘM
Chiến thắng Điện Biên và hiệp định Gơ Ne vơ làm thay đổi Việt Nam sâu sắc, đương nhiên điển hình là Hà Nội.
Trước hết là sự thay đổi về con người, nhiều người Hà Nội ra đi nơi khác và nhiều người từ nơi khác về sống ở Hà Nội.
Đối tượng ra đi (Họ đi Pháp và đi Miền Nam) chủ yếu và đáng tiếc nhất là các nhà tư sản và giới trí thức.
Họ là những ông chủ nhà máy xí nghiệp, những người biết và say mê làm ăn, giỏi quản lý. Họ là chủ các tiệm buôn lớn, các công ty mới hình thành và đang phát triển, những người đã trưởng thành trong môi trường thương mại.
Họ là những kỹ sư, bác sỹ, nghệ sỹ, nhà khoa học, những người được đào tạo bài bản và đã hoạt động theo tiêu chuẩn Pháp.
Họ là những công nhân, những viên chức chất lượng cao, những thợ lành nghề trong ngành điện, cơ khí, dệt, động cơ..., nhờ được đào tạo và nhiều năm làm cho các cơ sở của Pháp, theo tiêu chuẩn chuyên môn cũng như kỷ luật của một nước phát triển..., những chuyên viên về tài chính, nhân sự, quản lý đô thị thông thạo tiếng Pháp và đôi khi cả tiếng Anh
.
Tôi cho rằng những người này nói riêng và hầu hết những người ra đi năm 1954 đều yêu nước, thậm chí rất yêu nước bởi họ cũng như mỗi chúng ta không ai là người muốn sống xa xứ, muốn lưu vong nơi đất khách quê người, nơi chiều cao..., màu da..., màu mắt..., không thể trộn lẫn với người bản xứ, hơn nữa họ là những người ít nhiều đã thành công, ít nhiều đã có tài sản, họ cũng như tất cả những người Việt khác, đều muốn sử sụng những thứ họ đã có để duy trì và phát triển cuộc sống nơi quê nhà, chăm sóc mồ mả ông bà tiên tổ, nuôi dạy con cháu thành người và góp phần cho đồng bào, cho đất nước mình.
Có lẽ họ bị bọn đế quốc phong kiến xúi giục, bị dọa rằng; Tài sản, thậm chí tính mạng của họ sẽ bị cộng sản tước đoạt, những khả năng, kiến thức và kinh nghiệm của họ sẽ không được sử dụng, họ sẽ phải đi lao động giản đơn để cải tạo, con cháu họ sẽ không được đối xử công bằng và không có điều kiện để phát huy những phẩm chất mà họ đã có...
Bọn đế quốc Phong kiến thật là thâm độc, tàn bạo và giã man... Chúng đã bắt người ta phải lựa chọn giữa quê hương, tổ quốc với quyền được sống, được làm việc, được phát huy khả năng của mình và được nhận về những thành quả xứng đáng..., thứ mà sinh vật nào cũng phải chọn trước hết, chúng đã cướp không của Việt Nam, của Hà Nội một lực lượng quý giá..!!!
Trừ một số doanh nhân lớn thì đa số dân "Kẻ chợ" ở khu phố cổ không đi bởi như đã nói, họ ít quan tâm đến chính trị và hầu như chính trị cũng ít ảnh hưởng được đến họ.
Như vậy, khu phố Tây có tỷ lệ ra đi nhiều nhất, những người Hà Nội còn lại chủ yếu là dân kẻ chợ, những người phu lao động giản đơn, những người buôn bán nhỏ.
Những người mới đến Hà Nội.
Trước hết là bộ máy chính quền, cả trung ương và Hà Nội từ chiến khu trở về, những người lính vệ quốc được phục viên, chuyển ngành đảm nhận những vị trí của những người bị xúi dục ra đi để lại.
Đương nhiên những trụ sở công, những tài sản của người Pháp được quốc hữu hóa và chính quyền mới sử dụng.
Những cơ sở sản xuất, kinh doanh của người Hà Nội bỏ ra đi cũng đương nhiên thuộc về chính quyền.
Nhà cửa của họ có thể được quốc hữu hóa, được những người giúp việc cũ khai nhận hay những người mới về .. "Nhận đại".
Một mẫu người Hà Nội mới hình thành, đương nhiên khu phố cổ ít thay đổi cả về con người, cách sống và lối sống. Những cán bộ kháng chiến, những trí thức đi tản cư hay kháng chiến trở về được phân công về các viện nghiên cứu, các cơ quan bộ và chiếm khu phố Tây do người Pháp và những người di cư để lại.
Việc tiếp quản những nhà máy cũ, mở thêm một số nhà máy, khu công nghiệp mới dưới sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, thu hút một lực lượng lao động ngoại tỉnh, họ là nông dân hay con em nông dân đủ tiêu chuẩn lí lịch, được đi ..., "Thoát ly".
Sau này, các viện nghiên cứu, các trường Đại học, chuyên nghiệp được mở ra nhiều hơn, những người tốt nghiệp đại học, đặc biệt những người được đi du học ở các nước XHCN trở về đa phần được nhận việc ở Hà Nội.
Tính chất dân số thay đổi sâu sắc kéo theo những thay đổi rõ rệt về văn hóa. Mặc dù theo thói quen người ta vẫn nhắc đến người Hà Nội "Thanh lịch", hay nhắc đến người "Tràng An" nhưng thực ra, thứ thanh lịch ấy được truyền qua những người Hà Nội ở lại để đến những cư dân Hà Nội mới... Chả thế mà ta có thể dễ dàng nhận thấy, một gia đình cán bộ (Khoa học hay chính trị) dù đã về ở khu Ba Đinh hay khu phố Tây từ ngay sau năm 1954 vẫn có nét khác biệt nếu so với những gia đình truyền thống ở các làng ven đô như Ngọc Hà, Giảng Võ, Vạn Phúc...
Vụ Nhân văn-Giai phẩm, "Tàn dư, cặn bã" của tư tưởng, lối sống cũ do chính những trí thức đi kháng chiến trở về chủ trương đã bị Ta đập cho tan tành...! Từ đó, văn hóa của ta lành mạnh với duy nhất một tư tưởng, một tinh thần "Tích cực nhất". Bọn Nhân văn giai phẩm, đáng tiếc trong đó có cả những tên tuổi lớn như Văn Cao, Trần Dần, Nguyến Hữu Đang.. nếu không rũ tù thì cũng phải chôn vùi tư tưởng của mình trong bốn bức tường.
Cũng đáng tiếc, từ đó văn hóa nghệ thuật của ta nói chung, của Hà Nội nói riêng bớt đa dạng..., bớt đi tính mềm mại duyên dang vốn có và cần phải có..., không thật rõ rệt nhưng dường như văn hóa được thống trị bởi một cung cách như kiểu "Hồng vệ binh".
Giai đoạn này, khi nói đến người Hà Nội người ta đã bớt nhắc đến cụm từ 'Thanh lịch", thay vào đó là câu: "Tự nhiên như người Hà Nội". Đa phần hiểu câu này đơn giản chỉ là người Hà Nội khi đó không bẽn lẽn, thận trọng trong giao tiếp và hành xử ở những nơi không phải nhà mình. Điều này trái ngược với tâm lý của những người bị coi là "Nhà quê", họ thận trọng đến mức hơi nhút nhát khi đến những nơi công cộng như tàu điện, rạp chiếu bóng, công viên..
Thực ra, câu này cũng phản ánh một số tính xấu mới của người Hà Nội mới, họ ra vào những nơi không phải nhà họ, sử dụng những thứ không phải của riêng họ một cách "Quá tự nhiên", họ nói to, khạc nhổ một cách "Quá hồn nhiên" đến độ không cần quan tâm đến thái độ của những người xung quanh.
Khi vào sinh hoạt tập thể như quân đội, nhà máy, trường học... thì nhiều người cho rằng tỷ lệ ăn cắp vặt của người Hà Nội cũng cao hơn những người đến từ các tỉnh lẻ.., câu "Tự nhiên như người Hà Nội" cũng còn một ý nghĩa như vậy.
Có một thực tế, Hà Nội là thủ đô, là đô thị lớn nhất miền Bắc, nơi tỷ lệ những người có chức có quyền cao nhất nên hình thành tâm lý coi khinh dân "Nhà quê" mỗi khi về với ông bà, chú bác, họ hàng nhà mình.
Từ năm 1954 đến những năm đầu 1980, văn hóa và con người Hà Nội là như thế.
Kiến trúc Hà Nội gần như không thay đổi ngoại trừ sự cũ đi, những mảng tường bong vữa lở loét, những "Mái ngói thâm nâu" và những cái nhà xí vốn của riêng nay thành tập thể không có lối thoát, cùng mấy khu nhà 4-5 tầng được xây hay lắp ghép ở Kim Liên, Giảng Võ.
Từ sau năm 1975, song song với làn sóng người Sài Gòn, người Miền Nam bất chấp hiểm nguy vợt biên ra nước ngoài là một cuộc di cư âm thầm, dần dần của người miền Bắc, người Hà Nội vào Nam... những người này cho rằng; dẫu sao về nhiều phương diện, Sài Gòn và Miền Nam vẫn.., dễ thở hơn...!
Hà Nội lại mất đi một nhóm người nữa.
Cơ chế thị trường mở ra, các cán bộ lãnh đạo vốn chỉ hơn dân cái bìa B hay C với vài bìa đậu hay mấy lạng thịt nay giàu lên nhanh chóng và khủng khiếp. Chuyện công nương nhà lãnh đạo nọ mua nhiều xe SH làm quà tặng bạn nhân sinh nhật của mình.., chuyện vị cán bộ kia để quên cặp tiền đô trên máy bay.., chuyện các quý tử bỏ xe máy, đua ô tô hạng sang trên đường Láng-Hòa Lạc cho thấy cái giá của những vị trí lãnh đạo.
Tôi ngạc nhiên đến choáng váng khi anh bạn làm Phó giám đốc Bệnh viện chỉ mặt mà bảo:
-Ông có biết quyền lợi là gì không...? Có quyền là có lợi..., quyền nào lợi ấy..., quyền càng to thì lợi càng to...!
Phân hóa giàu nghèo nhanh chóng và sâu sắc, các công ty nước ngoài đến Việt Nam, đương nhiên tập trung đầu tiên và nhiều nhất ở Hà Nội, những người đủ năng lực làm việc cho họ cũng có cuộc sống trên trung bình.
Thị trường mở ra ào ạt, tất cả những chỗ có thể đều được đưa vào kinh doanh.
Đương nhiên, đất ở trở nên khan hiếm, giá tăng vòn vọt, những gia đình ven đô không thể từ chối sự cám dỗ, họ bán bớt đi và bỗng chốc có một khoản tiền lớn.
Cả Hà Nội thành một thị trường lao động lớn thu hút những người nông dân vốn đang bị mất dần đất canh tác và sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh. Họ đổ về Hà Nội làm đủ mọi việc, từ bán sức lao động ở "Chợ người"..., Ô sin..., lao động thời vụ trong các công trường, dự án, mở hàng buôn bán vặt (Sim thẻ điện thoại, hàng rong).
Dường như chính quyền có những ban bệ về quy hoạch kiến trúc đô thị, cùng rất nhiều luật, lệ nhưng thành phố vẫn phát triển bừa bãi mà người ta cảm giác rằng không có sức mạnh nào ngăn nổi, chen chúc nhau nhiều nhà không thể gọi là nhà, ngõ không thể gọi là lối đi.
Đã có lúc người ta định chuyển Hà Nội lên lên một vùng đồi nào đó nhưng ấy là thời "Chỉ huy" tức là thời chính quyền còn "Chỉ huy" được.., thời bao cấp.
Người ta xóa bỏ bao cấp và ra sức khẳng định cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường đã có hay chưa, đã đạt hay chưa thì tôi không biết nhưng cho rằng; Cơ chế "Bao cấp" đã chuyển thành cơ chế "Xin-cho".
Từ lâu, xuất hiện câu: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền", như vậy, cả Hà Nội biến thành một cái thị trường khổng lồ và sôi động, cái gì cũng có thể mua bán được, từ vị trí, chức tước đến cái toa lét công cộng.
Tôi không hiểu lý do gì mà Bộ quốc phòng cứ nhất thiết phải bám lấy khu thành cổ...? Tòa nhà quốc hội nhất định phải xây ở khu Ba Đình, ngay kề với khu Hoàng thành mới khai quật... trong khi bộ Công An, Trung tâm hội nghị quốc gia đã di dời ra ngoại ô cũ.
Những khoảng đất trống trong nội thành cũ được khai thác triệt để cho đủ loại dự án để cuối cùng đất công thành sở hữu riêng (Dù là người nước ngoài hay các đại gia rửa tiền)
Dự án bảo tồn phố cổ dường như nửa vời, vừa làm khổ người dân không được sửa những thứ đã mục nát, vừa đâu đó chạy chọt cũng được..."Làm mới" khiến khu phố này thành mớ hổ lốn rất "Không giống ai".
Người ùn ùn kéo đến, nhà chen nhau mọc lên trên cái hạ tầng người Pháp thiết kế cho 100.000 dân thì làm sao không tắc đường, tắc cống, tắc khí... cho được..!!!
Như vậy:
Về con người và văn hóa Hà Nội ngày nay là một mớ nộm, trong mớ nộm ấy những người, những nét văn hóa thật sự Hà Nội chìm nghỉm xuống đáy, một bộ phận trong họ cũng bị mai một theo kiểu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" hay "Gần mực" mãi cũng phải đen...
Người Hà Nội xưa, khi đạt đến một trình độ kinh tế nhất định cũng thể hiện nhưng không như bây giờ. Một lần đến Hàng Đường, tôi sững sờ ngắm ba người phụ nữ bán hàng, ba lứa tuổi khác nhau nhưng họ chung nhau nét giản dị, kín đáo mà kiêu sa.., từ quần áo, đầu tóc đến cử chỉ lời nói... tôi chợt vỡ nhẽ, hóa ra những kiểu đầu nhuộm hoe hoe đã thành mốt ở ngoài kia, những cái quần bò khi ngồi để lộ cả bộ phận cần che kín nhất.., những kiểu áo hở đến hơn nửa bầu vú.., những vòng, những nhẫn lủng lẳng trên cổ, chi chít trên tay kia là của một thứ Hà Nội khác, Hà Nội mới.
Về kiến trúc, có rất nhiều lệnh cấm nhưng hình như điều cấm nào cũng có thể ... "Chạy" được, người dân chạy bằng nhiều tiền, các dự án lớn chạy bằng "Rất nhiều tiền" nên mớ nộm này lộ rõ, ai cũng thấy, ở đâu cũng thấy chứ không trừu tượng, phải để ý mới thấy như mớ nộm con người và văn hóa.
Trong cái cơ chế này, ở đâu có xây dựng, ở đâu có dự án là ở đấy kiếm ăn được, người ra chủ trương ăn quà biếu, đại diện bên A ăn phần trăm, kỹ sư, công nhân ăn bằng bớt xén và ăn cắp..., thế nên rất nhiều công trình, đại công trình hoặc cố tình chậm lại, hoặc cố tình lấp liếm bôi trát để kịp khánh thành vào một cái dịp, cái "Ngày lễ lớn" nào đó rồi nhanh chóng hư hỏng, để lại có dự án mới.
Không biết đã có ai thống kê xem dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nơi này có bao nhiêu công trình "Gắn biển" như tòa nhà bốn tầng (Mới được cơi nới thành năm) ở Bệnh viện Xanh-Pôn, người ta xây cái ụ lù lù, ốp đá màu nâu đỏ, khắc chữ vàng "Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội" chẳng ai xem, ngộ có nhìn thấy thì dường như cũng chẳng ai có cảm xúc gì.., nhưng khó mà thống kê hết được những lãng phí.
Khi người ta lập dự án, người ta xây dựng, người ta quản lý đô thị theo kiểu chộp giật như vậy thì cái dự án chặt cây xanh kia cũng chẳng có gì là lớn chuyện.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn việc này theo hai phía, phía ủng hộ và phía phản đối.
Cũng từ những dự án chộp giật và a dua ấy, người ta đã từng đua nhau trồng cây hoa sữa ở nhiều tuyến phố...
Tội là ở cái thằng cha mũi lõ mắt xanh nào đó đã trồng thứ cây này ở đường Nguyên Du..! Tội là ở mấy ông nghệ sỹ nào đó đã đưa cái mùi ấy, cái hoa ấy vào nghệ thuật:
"Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn..."
"Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm..."
'Hoa sữa thôi rơi..."
Thế là để tỏ ra mình sành điệu, mình am hiểu, mình yêu "Hà Lội", hoa sữa được trồng tràn lan.
Thiết nghĩ, người ta trồng cây ở đô thị trước hết để lấy bóng mát, để điều hòa không khí và cảnh quan nhưng những giá trị của hoa, quả, gỗ cũng phải được tính đến. Khốn nạn cho nhà nào ở gần hai cây hoa sữa.., cái giống này nở về mùa thu, tức là mùa ít gió, lại nở về đêm, cái mùi ấy mà đậm đặc thì ít nhất cũng mất ngủ nếu không phải đi sơ tán hay phát điên... Mùi đã thế, cái màu hoa lại không rực rỡ lắm, quả thì hẳn chả có tích sự gì ngoài... làm rác, đặc biệt là giống cây thân thảo, gỗ của nó đem đun cũng khó nói chi đóng đồ...
Nếu người ta nhận ra "Sai lầm" của những người tiền nhệm mà sửa, mà thay bằng loại cây khác hiệu quả hơn thì cũng không nên đao to búa nhớn làm gì.
Những cây già chết thì hẳn rồi, những cây nghiêng ngả ảnh hưởng đến sinh hoạt đô thị cũng cần được thay.
Thậm chí những cây đến tuổi, quá tuổi cũng có thể thu hạch vì nhiều nhẽ.
-Loại sinh vật nào cũng có tuổi thọ hữu hạn, chả nhẽ cứ phải chờ cho cây chết lãng phí trong khi nguyên liệu gỗ ngày một khan hiếm.
-Người trồng cây là để thế hệ sau "ăn quả", nếu xem việc thu hoạch gỗ là ăn quả và luôn "Nhớ kẻ trồng cây" thì sao lại không ăn...? Để cây chết chả đắc tội, chả phụ công người trồng sao...?
Mấy ngày qua, dư luận ầm ầm lên tiếng, người người tức giận, bức xúc lắm nhưng tôi lại thấy mừng, mừng vì hóa ra dư luận, tiếng nói của dân cũng có tác dụng ra phết...! Cứ đà này thì chả mấy mà chúng ta có dân chủ...!
Thứ nữa, tôi thương mấy người ra cái quyết định chặt cây, họ có những "Sai lầm" đến dại dột.
Một là: Tại sao không lấy ý kiến của dân mấy phố trồng toàn hoa sữa...? Hạng bét như tôi cũng chỉ ra được những vô dụng của loại cây này, huống chi các "Chiên gia"... Khi được ý kiến của dân rồi, tức là mượn được "Gió" rồi, có bẻ mấy cây "Măng" thì chắc cũng sẽ trôi...
Hai là: Có "bẻ măng" thì bẻ từ từ, chặt cây chết, cây ốm rồi trồng mới đã... êm rồi mới chặt cây "già", cây "Sắp già".., có phải là .., ngon không.
Hỡi ôi...! Trong cái mớ nộm văn hóa và kiến trúc Hà Nội đã ngả mùi thiu thiu thì mấy ông chặt cây, cái việc chặt cây chỉ là thứ có mùi ..."Lộ liễu quá" mà thôi, nên tự làm khổ mình vậy..!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét