Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

VỘI VÀNG Hội Lim, ĐỦNG ĐỈNH Thụy Khuê


Từ chối tất cả những lời mời và tảng lờ những người mình muốn mời, tôi lên chương trình đi hội Lim với nhà cậu em, anh vợ nó đi lính cùng tôi, mỗi khi nhà nó có vấn đề gì về sức khỏe lại í ới gọi... lâu ngày từ quen thành thân.
Nó mê đi câu, thi thoảng lại tạt qua biếu anh con cá ngon hoặc nó, hoặc bạn nó câu được.
Đứa gái đầu đang học năm thứ hai Sư phạm, con trai mình thì mãi chả chịu tìm vợ.., thế nên tổ chức chuyến này cho lửa-rơm gần nhau, biết đâu ngộ nó cháy thì may.
Đổi trực, 4h30 qua cơ quan đón con, xuống Ngã tư sở đón vợ chồng con cái nhà nó, đang đổ săng thì mụ vợ gọi, cũng muốn đi... ô kê, quay lại đón.
Bác Tạc, cô con gái nuôi (Con dâu bác) í éo gọi.
-Đến đâu rồi...? Mới cầu Thanh Trì á..? Muộn thế..., rồi, anh chờ ..!
-Bố đến đâu rồi..? Năm nay phải ăn cơm nhà con đấy...! Chúng con chờ..!
Vào Từ Sơn, nó lại gọi.
-Bố vào thẳng nhà con nhé, trong ông đang có khách của chú Quang (Em chồng nó)
Chồng con nó ra tận đường, đội mưa đón ông, mừng tuổi bà cô tàn phế, mừng tuổi các cháu, vợ chồng nó te tái bưng mâm cỗ tú ụ ra thì ông Tác đùng đùng phóng đến.
-Tôi gọi chú không nghe máy là thế nào..?
Mở máy ra thấy cuộc nhỡ thật, đang ú ớ thì ông quay sang mắng các con.
-Chú lên là phải vào bố trước, khi nào bố giao nhiệm vụ, các con mới được tiếp thay bố...! Thôi, để đấy..! Vào cả trong nhà..., khách của cháu Quang đang chờ.
Cái Lan phụng phịu úp lồng bàn vào mâm, cả bọn lủi thủi lên xe.
Hình như ở đây, vào ngày hội, nhà nào đông khách là ... sướng lắm...! Ba mâm cỗ trải hết ba gian nhà, bọn công ty địa ốc gì đó đã ngồi yên vị, ông Tạc trịnh trọng nói lời chào đón, tôi đặt lễ lên ban thờ chắp tay vái rồi khai tiệc.
Thật sự là mâm cao cỗ đầy, canh bò, ngan xào, gà luộc, những đĩa bánh trưng xanh rền thơm phức vừa mới vớt sáng nay... Giao lưu, chào hỏi, giới thiệu.., say lúc nào không biết. Tôi vỗ tay cho mọi người im lặng rồi lên giọng Bố gọi thằng con nuôi đến, nó (Đã ba con) ngoan ngoãn đứng khoanh tay.
-Anh là lớn trong nhà..., tôi hỏi..., khách của em đến đông vui thế này..., tiệc anh chuẩn bị như thế đã được chưa...?
Thằng cu lúng túng không biết ông bố “Giả cầy” này thật hay đùa, say hay tỉnh..
-Ý tôi là anh còn đặc sản gì chưa mang đãi khách không...? Nếu đủ rồi để chúng tôi đi về.
Cả nhà im phăng phắc, vài anh mắt khó chịu của đám khách nhìn nhau, thằng Quang nhanh nhảu.
-Cháu hiểu rồi...! Cháu hiểu rồi..! Xin chú cho anh Tuyền ngồi xuống...
Chúng nó ngồi xếp bằng tròn đối mặt nhau.
Khách đến.. í ..,chơi.. í a.. nhà...à          
Chúng nó hát hết bài mời trầu, vỗ tay rầm trời, bọn khách lạ lại lần lượt mang rượu đến.
-Gớm..! Bác làm chúng cháu chả hiểu gì...! Sợ quá...! Cảm ơn bác..!
Tan tiệc, vội vàng đưa chúng sang nhà ông Chiến, nơi năm ngoái nhà báo Lưu Manh Hòa chết mê chết mẩm mấy liền chị.
Ông Sồi giới thiệu, bỏ 100 vào cái đĩa rồi ai nấy tự lo chỗ đứng góc nhìn cho mình.
Cái Quan họ cổ cũng lạ, không hoàn toàn mượt mà duyên dáng như những bài mới những bài phỏng theo làn điệu cổ.., nếu ví cái ê a, í ơi như cánh diều êm ả thì cánh diều ấy thi thoảng lại bị rơi tụt xuống bởi những cái Hự.., hạ..., cái dấu lặng tròn ấy thoạt nghe rất khó chịu nhưng phải nghe, phải quen rồi mới thấy hay, thấy hay rồi mới nghiện, cứ chờ như chờ câu đổ trong cải lương vậy.
Ông Chiến đến ngồi bên, nói về khâu chuẩn bị và mong khách thông cảm, ông tặng một đống đĩa quay ở nhà ông những năm trước và một bị kẹo lạc.
Dắt chúng nó lang thang ra đình, vào làng... chẳng đâu hơn được nhà ông Chiến, hát quan họ mà dùng Mic phóng âm, mà có nhạc đệm là ... Vứt!
Đúng là bố không khôn thì đẻ ra con đần, tìm mọi cách cho nó tách đoàn, cho hai đứa trẻ gần nhau mà nó... chả làm ăn được gì... Phí cả công.
Về đến nhà (Hà Nội) vẫn chưa đến 12 .., đi nghe quan họ mà quá đi ăn cướp ..! Sao thằng con mình nó .., ngu lâu thế không biết...! Chả phải tay ông...!
=-=-=
Sáng nay đưa con gái đi thi, thi Ây eo 5 chấm 5 ở Hội đồng Anh, 20 Thụy Khuê. Chỉ còn phần nói, chắc nhanh thôi, lùi xe vào được chuồng, ngẩng mặt lên thấy một em béo ị, to đùng lúc lắc đến.., nó tỳ tay vào cái gương chiếu hậu mà xót hết cả ruột (Xe của chú em, nó chưa cho tôi mua xe mới, chờ rẻ hơn đã).
-Anh vào tắm à..?
Mẹ kiếp, mới sáng ra đã tắm táp gì, có bẩn đâu mà tắm...
-Không! Anh đưa cháu đi thi..
-Thi Anh hả, mất tiền đấy...
-Bao nhiêu...?
-Ba mươi nghìn...
Ô Kê.., đến sớm cả tiếng đồng hồ, máy tính không mang, làm gì đây...?
Xuống phố, định kiếm cốc nước trà.., đảo mắt tìm người chủ quán nào có nét thân thiện thế rồi mắt bị hút vào một con ngõ.., phải rồi, những dịch vụ trong ngõ thể nào độ tin cậy cũng cao hơn.., mà..., tại sao không tranh thủ dạo trong những con ngõ này nhỉ.., những con ngõ rất lâu chưa vào, thậm chí cả đời chưa vào..., biết đâu chả thấy điều gì kinh khủng đến thú vị như hôm lang thang trong khu tập thể Đường sắt Ngọc Khánh mới thấy những dãy nhà chỉ cách nhau 6-7 mươi cm, vừa là lối đi vừa là cống.., hôi rình.., tối om.., và không hiểu sao họ vẫn dắt được xe máy vào nhà..., Hà Nội bây giờ, cái gì cũng ngược hết cả lại, chỉ có mấy ông nhà báo viết quen tay, mấy thằng tuyên huấn, tuyên truyền mắt mờ hay không có mắt mới leo lẻo viết Hà Nội đẹp, Hà Nội thanh lịch...
Ngõ dọc, ngách ngang, lác đác trong những bức tường xây kịch mép ngõ vẫn còn những nhà xây lùi vào trong, bớt ra khoảng vườn, mảnh sân.., thế mới có không khí mà thở và đủ dũng khí cho mình lang thang...
Dừng chân trước một cái cây to bằng người ôm, đoạn gần gốc có ổ hà mục nhìn xuyên được sang bên kia, hình như duối..., một bà lạch bạch xách nải chuối xanh từ ngoài vào.
-Bác cho hỏi, đây có phải cây Duối..?
-Vâng..! Duối đấy ạ...!
-Quý nhỉ.., chắc lâu đời lắm...?
-Vâng! Tôi lớn lên nó đã to như thế này.., trước, đây là cái hàng rào...
Một cái cổng, chắc kiểu bán mái, có cánh mở vào trong như ở các làng quê xưa, giờ chỉ còn bức mặt tiền, một bên trụ nằm giữa ngõ, phía trên gạch đặc, vữa có vôi cát, phía dưới gạch lỗ, mạch xi măng nhẵn thín..., một ông mở cửa đi ra, tay bưng bát cháo.
-Chào anh! Cái trụ cổng này có phải đã được làm lại..?
-Ui dào..! Chắc thế..! Nhưng đập đi thôi..., ngõ đã hẹp còn vướng...!
Qua cái cổng, ngách còn tách ra vài ngách nhỏ hơn nữa, mỗi ngách ấy lại thấy vài ba cánh cửa... Thế đấy, khu này trước kia hẳn là của một nhà kha khá, hòa bình lập lại (1954) những người kháng chiến về chiếm, người Hà Nội lại “Hiến cho nhà nước” một lần nữa.
“Hiến cho nhà nước”, cái hành động chỉ ở Việt Nam mới có và cũng chỉ diễn ra ngần ấy lần, khi nhà nước VNDCCH mới ra đời, khi Việt Minh về “tiếp quản thu đô” và khi đạo quân, trong đó có tôi, vào “Giải phóng Sài Gòn”.
Người ta hiến đến đâu..? Không hiến cũng bị mất đến đâu..? Thế rồi những người “Được phân” những người “Chiếm được” và không loại trừ cả con cháu chủ nhà bán dần đi.., thằng cha bưng bát cháo chắc chắn không thuộc con cháu chủ nhà, họ là những người muốn giữ cái cổng của ông cha lại.
Dừng chân trước Xí nghiệp xe điện (Nhà máy tàu điện cũ), cảnh xưa còn khá đầy đủ, nhớ ngày còn bé qua đây thấy đường ray chằng chịt như ga Hàng Cỏ, ngày đêm trong nhà máy phát ra những tia sáng hồ quang, bây giờ mặt đường đã được nâng lên nhiều lần nhưng cái đường ray cho cánh cổng cũ vẫn còn.
Thêm mấy bước bỗng thấy bên kia đường một kiến trúc là lạ..., lạ thật, một ngôi biệt thự kiểu Tây còn gần như nguyên vẹn... Thứ này cách đây 15-20 năm nhiều lắm, dọc đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung... đầy!
Tuy mỗi biệt thự có hàng chục hộ sinh sống nhưng cơ bản kiến trúc cũ vẫn còn nguyên.., chỉ có ngần ấy năm bỗng thành của hiếm, nếu không tính mấy nóc ở khu “Tử cấm thành” thời nay.
Thời Tây, bên cạnh những trường học, bệnh viện, nhà máy là biệt thự của giám đốc, ví như biệt thự của Giám đốc bệnh viện Xanh-pôn ở đối diện với cổng 12 Chu Văn An, sau ông Hoàng Minh Giám được phân ở đấy và được gọi là nhà ông Giám. Những năm cuối 90, bà Giám cho thuê mở quán cà phê và cũng được gọi là cà phê ông Giám mặc dù chủ quán treo cái biển tổ bố “Cà phê hoa giấy”, họ đặt tên thế vì góc vườn có gốc hoa giấy to bằng người ôm, không hiểu có từ thời Giám đốc Bệnh viện hay ông Giám trồng từ ngày đến ở.
Vài năm mà thay đến chục người chủ quán, khi thì cà phê ca nhạc, tiếng trống tiếng ghi ta Bass dựng đứng bệnh nhân dậy, tiếng hát của ca sỹ xoáy vào tai Bác sỹ không cho ai ngủ..., lúc lại cà phê đèn mờ.., có thằng Bác sỹ giao ban xong sang làm hai quả trứng vịt lộn rồi vào gọi cà phê, vừa ngồi xuống nó đã bật dậy, sờ tay vào đít quần, đưa lên mũi rồi nôn thốc nôn tháo, mọi người chạy lại, té ra nó ngồi phải cái bao cao su “Đã sử dụng đêm qua” khách để quên trên ghế, nhìn quanh thấy vài cái tương tự, cái nhoe nhoét trên sàn xi măng cái vắt tòng teng trên hàng rào sắt.
Khoảng giữa những năm 2000 thì các kiến trúc ấy biến mất, cái bị phá hoàn toàn, cái thì bị những nhà, những ki ốt mặt tiền che lấp.
Tôi đứng bên đường ngắm cái kiến trúc bảy phần Tây, ba phần Tàu, hai bên cổng cao nhiều hơn to là đôi câu đối chữ Nho, chất liệu mảnh gốm men xanh, rộng nữa sang hai bên là hai bức tường hình cung mà phần phía trong đã được người ta chiếm dụng làm nhà, cánh cổng sắt đặc, trừ phần áp đất đã rũa như thanh sô cô la bị chuột gặm nham nhở thì hầu như còn nguyên vẹn, trên cao có con số 1926, hẳn là năm khánh thành.
Một bà bán nước đang lúi húi dọn hàng ngay dưới cánh cổng.., đằng nào cũng đợi con đến 2 tiếng nữa, tôi sang đường, gọi cốc trà nóng rồi nhâm nhi ngôi biệt thự.
Bà chủ quán có con mắt bên trái như hạt thóc nếp nhưng bên phải lại như hạt thóc lép áng chừng háo chuyện, nhanh nhảu bắt nhời rồi kể thông thốc
-Bác ngắm ngôi nhà này hả, của ông chủ nhà máy điện đấy, người ta...
-Nhà máy tày điện chứ..!
Tôi ngắt lời
-Thì vâng..! Đây này...
Chỉ về phía xi nghiệp xe điện Hà Nội, bà tiếp
-Người ta đi Pháp rồi..., đe...èo mẹ! Bảo là người ta hiến cho nhà “lước” nhưng thực ra là cướp í mà...
-Sao lại thế chị...?
-Thì bác bảo.., dân Hà Lội, dân Bùi Chu, Phát Diệm đi tàu há mồm ngầy ấy, có ai mang được gì đâu..., đe..èo mẹ..., nhà lước về chiếm rồi lại bảo người ta hiến.., gần đây có ối người về đòi đấy..., nhưng mà đe.. èo mẹ..! Đòi thế đéo là được với ông nhà lước lày... Mà cứ bảo người ta phản động.., bây giờ người ta ở Tây ở Mỹ chả sướng..., đéo khổ như ở nhà..., đe... èo mẹ! Những nhà ở lại là đéo phản động được thì đành chịu đấy chứ...
Hình như chọc phải tổ kiến lửa, tôi cố giữ nét mặt thật bình thản, chậm rãi giảng giải
-Thì cũng chả hay ho gì phải sống tha hương đâu chị, với lại tôi thấy thành phố cũng thay đổi nhiều đấy chứ.., nhà cao cửa rộng, ô tô xe máy đầy đường, hàng hóa thừa thãi...
-Vâng..., nhưng bác bảo.., toàn bọn ở đẩu ở đâu về cướp đấy.., chúng tôi á... nhà nào cũng phải hiến cho nhà lước, ló chỉ bớt lại cho đủ ở thôi, thế rồi chúng ló bán đi bán lại.., mới thành đông nhung nhúc như thế lày chứ... giàu có là chúng ló chứ dân gốc ở đây hết đường sống rồi..., đấy bác bảo.., nhà tôi trước kia bốn số nhà, đất cát cả vài mẫu..., ngày xưa ra đây đã vắng lắm rồi... thế mà ló cướp cha ló hết, tôi phải ở tít trong ngách í.., có hơn hai mươi mét thôi.., chả làm được gì nuôi con thì ra đây, có thế lày thôi mà lay ló hành, mai ló hành đấy bác ạ.., khốn lạn lắm...!
Không muốn lạc vào nỗi oán hận của bà ta, tôi ngắt lời.
-Tôi xin lỗi hỏi.., năm nay chị bao nhiêu..?
-Bẩy mươi rồi đấy, thế chú..?
-Chị hơn em mười tuổi.., thế mà nom trẻ thế...! Em hỏi, là vì nãy thấy chị nói đến “tàu há mồm” lâu lắm rồi mới được nghe..., chị có biết tàu há mồm nó như thế nào không?
-Biết đâu.., là nghe người lớn bàn bạc thì thào thế..., thì là cái tầu ló há mồm ra cho người ta chui vào để đi vào lam chứ gì...
-Vâng! Cái tàu biển to lắm nhưng mũi không nhọn mà như cái phà í... cả làng, cả xã chui vào vẫn vừa...
Lại phải ngắt chuyện lần nữa.
-Bây giờ trong này là báo...?
-Báo Thống kê.., bác muốn thì cứ vào mà xem, giữa là nhà chính của ông í, tòa bên kia là ga ra ô tô, tòa bên lày là để cho gia nhân.., là người giúp việc, đầu bếp, lái xe í mà.., họ cũng theo ông chủ đi hết rồi..., bọn thống kê ló chia nhau.., có đường ô tô đi quanh nhà đấy bác ạ..., bác vào mà xem.
Ngay sau hai trụ cổng là hai cái chậu hoa hình bát giác, mỗi mặt đều có chữ Nho, cái chậu to và nặng quá hay vì ý thức, hay ngẫu nhiên mà còn gần như nguyên vẹn, ngôi nhà có sảnh giữa, nếu nhìn từ trên cao sẽ thấy hình chữ E, mái sảnh theo kiểu Trung Hoa nhưng phần thân nhà lại kiểu Pháp với cửa chớp, kính mái lợp ngói tây có ống khói...
Chính giữa là bồn non bộ, hai bên là hai bể nước với hình hoa văn á đông, bể xây kín nhưng nhô lên cái vòm nhỏ áng chừng để múc nước, cánh cửa sắt dày lắm, cái khóa sắt to bằng bàn tay cũng bị gặm nham nhở như phần thấp của cánh cổng chính, í chừng nhiều chục năm nay chưa ai mở.., trên nóc bể người ta để những chậu cây..
Dạo quanh một vòng rồi quay lại quán nước, nói với bà chủ vài câu nữa bỗng thấy một người phụ nữ cùng một cậu con trai đẩy cái xe ba bánh thấp tè đến, bánh xe lăn trên mặt đường tạo ra thứ âm thanh vù vù lâu lắm mới gặp. Trên xe là cả cái giát giường, trên cái giát ấy là gọn gàng nhưng đủ thứ, hai mẹ con nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹ chuyển xuống, cái lò than tổ ong, cái soong nhôm to bốc khói, ghế nhựa, bát đũa và một chồng những cái đĩa nhựa rất to.
-Bún gì đấy chị?
Tôi hỏi.
-Không.., cháo lòng đấy...!
Mải xem hai mẹ con họ triển khai tôi không để ý.
-Bác làm ơn ngồi sang bên này cho chị ấy dọn hàng.
Giật mình quay lại, một bà đeo cái tạp dề đang moi từ trong góc cổng ra những cái ghế, ngánh hàng vừa đặt xuống.
-Thế chị này bán gì..?
-Giò chả, nem chạo...!
Tôi trả tiền, chào chị chủ quán.
-Rảnh bác lại ra sơi lước nhé, lói chuyện với bác thích..! Hì hì..!
Nửa bên phải cánh cổng ấy, ngoài hàng “Lước”, giò chả nem chạo còn một chị bán báo.., không biết lần cuối cùng tôi mua báo cách đây đã mấy chục năm.., ngắm mãi chỉ thấy tờ Văn nghệ công an may ra còn có cái để đọc.
Chui vào xe, vừa mở tờ báo ra thì con gái gõ cửa, tôi hỏi.
-Á iu hăng ri?
-Nót i ét!
-Ken iu hép mi..?
-Hoát..?
-Thếch săm phâu tâu..?
-Ô kê! Iu a hoen khăm..!
Hai bố con đi bộ ngược lại.., cháu quay, chụp rất tỉ mỉ, một ý nghĩ chợt đến, tôi hỏi.
-Cháo lòng nhé?
-Ô kê!
-Cho tôi hai cháo chị ơi!
-Vâng! Bác lấy ghế ngồi hộ em với..., có ngay đây ạ! Bác ăn giồi tiết hay giồi mỡ
-Tiết, chị ạ!
Nhìn một cái là biết ngay, tôi lấy 3 ghế, một cái làm “Mâm” .., hóa ra cũng chưa thật đúng, những cái đĩa nhựa to kia mới là mâm.
Một ông già nom rất nghệ sỹ loay hoay dựng cái Mô bi lét dưới đường.
-Bác cho hộ cháu xe sang bên đường kẻo công an..!
-Tao mua mang về mà...! Đéo bắt được của tao đâu..., đéo sợ.., cho...
Một bọn trẻ gọi mười xuất, mấy mẹ con (Giờ đã thành ba) tíu tít
Một ông trạc ngoài 50 phóng cái SH đến
-Bác ơi, nhà cháu hết mất rồi...
Ông kia tiu ngỉu, đứng đần ra một lúc mới chịu quay xe.
Uống nước, bà chủ quán lại te tái
-Con gái bác à..? Gớm! Giống bố quá..! Đấy .., bác xem, bọn em toàn dân gốc ở đây đấy!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét