Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

HAY.... Lắm Cơ...!

Chơi bài thích nhất con CƠ
Ngẫm nghĩ không ngờ còn lắm cái hay
CƠ chế, CƠ cấu, CƠ may
Có ba CƠ này mình sẽ làm quan
CƠ hội cần phải tính toan
Đầu CƠ tiền bạc, hột xoàn cất đi
Quân CƠ để ý làm gì
Việc CƠ quan nhúng một khi thấy màu
Dở hơi nghĩ đến mai sau
Dân CƠ, nước cực, người đau mặc người

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

TẾT-Nói chuyện câu đối

Đã có nhiều bài tổng kết những vế ra cho đến nay chưa ai đối thật chuẩn, tôi chỉ nhớ được một vài...
Thứ nhất vẫn là câu:
-Da trắng vỗ bì bạch.
Đã được đối:
-Rừng sâu mưa lâm thâm
Nhưng vẫn bị coi là ... chưa chuẩn, chưa đạt.
Năm 1970 tôi đọc một vế ra của một anh bộ đội Biên phòng Quảng Bình xướng từ những năm đầu 60 nhưng cho đến thời điểm ấy (Tết 1970) vẫn chưa ai đối được.
Vế ra xuất hiện khi bộ đội Biên phòng Quảng Bình bắt được một toán biệt kích người nhái của quân đội VNCH, theo lời khai thì toán này có nhiệm vụ vào bắt hay ám sát một cán bộ cao cấp của Miền Bắc, ra rằng:
-Người nhái, bơi ếch vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị bắt, ngồi trơ mắt ếch.
Bố tôi kể chuyện, thời Tây, ở Hải Dương có một hàng cơm, cô chủ quán ngót 30 tuổi, đẹp lắm nhưng chồng chết. Mấy thầy khóa ăn cơm, uống rượu, biết hoàn cảnh của cô nên buông lời ong bướm chòng ghẹo. Cô nàng bận bán hàng nhưng những lời tán tỉnh cũng không thể bỏ ngoài tai.
Một hôm, cô gọi mấy chàng lại mà nói.
-Các thầy nhiều chữ, em ra một câu, ai đối được em xin đãi cả nhóm một bữa thịnh soạn, người đối được ngủ với em một tối, nhược bằng không đối được thì các chàng phải rửa bát không công cho nhà em một tuần.
Đúng là “thách nhà giàu húp tương” bọn kia chẳng có gì ngoài đống chữ học được, chúng nhao nhao đòi cô đọc, cô chủ quán bắt họ viết cam kết, điểm chỉ vào rồi mới rành rọt đọc.
-Thôi đừng nạc mỡ làm chi nữa, em nghĩ chín rồi, không tái giá.

Bọn kia chụm đầu, vò tai, bứt trán đến khi toát mồ hôi thì đành chịu thua thay nhau rửa bát cho cô hàng một tuần.

TẾT-Ký sự!


Ba mươi tết.
Lại trực, không nhớ chính xác trong quãng đời hành nghề đã trực bao nhiêu lần phải trực ba mươi tết nhưng có ba lần rất nhớ.
Lần thứ nhất là năm vừa ra trường, trực cột 3 ở Xanh-Pôn, Trịnh Tùng cột một, Tống Đông cột hai, Gs Bính, PGĐ, cũng là ân nhân của cả ba thằng trực lãnh đạo. Ngày ấy tết chỉ được nghỉ 2-3 hôm, khoảng 25-26 gì đó, Bệnh viện cho một xe cứu thương đi Hải Phòng mua cá biển về chia, mình được hai con bằng bàn tay đem về rán cho vợ ăn tết trước.
Trước đó khoảng một tuần, thầy Bính bảo.
-Hôm ấy thầy trò mình ăn lông ở lỗ nhé.
-Thế là sao thầy..?
-Đứa nào có cái gì thì mang đi.., bánh trưng, thịt sống.., rượu.., tao góp..., than nhé! Thấy bà í có nhiều lắm, tao sẽ mang đủ cho các cậu đốt.
Lão Tùng nhận mang rượu, Tống đông nhận bánh trưng.., thế là thằng bé bấm bụng chịu phần thịt sống(thị ngầy ấy còn quý lắm).
Thầy tôi quê Nghệ Tĩnh nhưng đừng ai nghĩ sai về nhé, ông tốt lắm, ngày đó, để có ít than hoa cũng không phải dễ đâu.
Quả là bữa tiệc vui, thầy không cho dùng đũa.., ăn bốc hết.., thịt nướng cháy, nhọ bám đầy mặt, thầy không cho lau.., một cô y tá trưởng uống hăng lắm, mặt thầy hồng hào, Trịnh Tùng lảo đảo thế là thằng bé không dám ăn, chẳng dám uống, thi thoảng lại chạy ra xem phòng khám.
Một trong những lần ra phòng khám ấy thấy ngoài đường Chu Văn An có hai cái Honda 67 chạy hết tốc độ, hai đứa ngồi sau quay tựa lưng vào thằng lái cầm bánh pháo đang cháy, vừa chạy vừa nổ, hết lại mồi bánh khác, kinh quá tôi bảo.
-Chúng mày chuẩn bị nhé..., đến gò Đống Đa là chúng nó quay lại đây đấy...!
Nghĩ rằng chúng sẽ ngã xe hay bị pháo nổ và cũng tưởng đùa thế thôi.., khi tiệc gần tàn thì thằng sinh viên chạy vào báo.
-Có vết thương đầu, chảy máu dữ dội lắm, các chị mời thầy ra ngay..!
May mà uống ít nhưng cũng phê phê.
Bọn đốt pháo chạy đến Ô Chợ Dừa, một đứa đang uống rượu bên đường thấy ngứa mắt liền ném cái cốc Liên Xô.., cái cốc bay xuống.., cái xe lao lên.., thằng lái rách toạc miếng đầu, ngay vùng thái dương.
Nó cũng uống nhiều rượu lắm rồi, mạch giãn, tim đập nhanh khiến cái vết thương chảy máu phè phè, Loan Đen (Y tá phòng khám) nổi tiếng thích khâu vá cũng lúng túng không sao cầm được máu, mình gạt nó ra, dùng hai ngón tay cái đè mạnh vào hai mép vết thương..., hì hì..! Máu ngừng chảy.
-Em sát trùng cả vào tay anh rồi khâu đi.
Ô Kê! Ngày đó chưa biết gì nhiều về phẫu thuật sọ não, đôi khi bí lại thông minh thế đấy.
Lần thứ hai, khoảng năm 1997-1998 gì đó, ông bà bệnh nhân dưới Kim Giang, vợ chồng cô Nhung-Bảo (Vừa là em họ vừa là cô giáo dạy thằng con trai) khẩn khoản nhờ đến “xông nhà”, không thể từ chối vì họ đều bảo.
-Cứ sau giao thừa, giờ nào cũng được, sáng sớm mùng một cũng được.., cốt đừng muộn quá sợ người khác xông mất..!
Khoảng 27-28 gì đó, mổ một thằng ở May 10, bọn này kinh tế khá, tử tế, “Chăm sóc” Bác sỹ tốt lắm, lại là chỗ hàng xóm nhà cô chú Hưng Oanh...
Xuất hành sớm để đón giao thừa ngoài đường kịp đến xông đất cho họ khỏi chờ và cũng phải về vị trí.., thấy mấy thằng gia đình bệnh nhân trải chiếu ngoài hè bầy cỗ.., quay lại dặn em y tá trực mời chúng vào phòng hành chính cùng đón giao thừa cho vui, quay ra bảo, chúng từ chối.
-Chúng em ngồi đây thôi.., có chai Johnny đỏ, dứt khoát chờ anh về mới mở đấy nhé..!
Hộc tốc đi xông đất.., người ta cầu kỳ thế, mừng tuổi tươm tươm một tý cho phấn khởi.., nhà nào cũng bắt uống một hai ly cho.., “Nó may”...
Phê phê, về đến viện, chúng vẫn chờ thật.., chả nhẽ phụ..., lại uống, lại mừng tuổi.., bung biêng xuống phòng trực (Ngay bên phòng khám Chu Văn An) .., thấy cổng bảo vệ.., ô kê.., sao lại không mừng tuổi mấy ông ấy nhỉ.., mở ví.., còn mỗi một tờ 20 nghìn, thế là chỉ còn hai tờ 50 nghìn...
Vào ngủ, thằng Sê Kô ngoan lắm, lấy khăn ấm, nước chanh cho chú rồi mỗi khi ra khám bệnh lại đóng cửa rất nhẹ nhàng cho chú ngủ.
Sáu rưỡi.., tỉnh..., dậy thôi, giải quyết nốt việc để còn về quê..., sao lại lạnh thế nhỉ...! Mà cái áo da của mình đâu nhỉ..! Đêm qua khoác vào thành ghế mà...! Sê Kô từ phòng khám vào.
-Áo chú đâu í nhỉ..?
-Thôi chết rồi...! Mọi lần cháu đều khóa cửa, và vẫn thấy áo ở ghế.., lần này.., tưởng chú đã tỉnh nên cháu chỉ khép.., cháu vừa ra một tý.., nó vừa lấy thôi.., để...
Thằng Bác sỹ gày như nhân vật Sê Kô trong Đô Rê Mon mà định đuổi theo bọn trộm.
-Thôi cháu..! Không tìm được đâu.., sáng mùng một tết..., đừng làm ầm ĩ lên.., may..! Hôm qua mừng tuổi gần hết tiền rồi..!
Thế là mất cái áo da mua ở chợ Tông Đe Mun, lại mất vào tinh mơ mùng một tết.., thật xúi quẩy..!
Biết chuyện, các em phòng mổ bảo.
-Anh có lộc nên người ta nhờ.., anh xông đất hai nhà thì.., “Mất lộc” là phải.., thôi.., “Của đi thay người”
Ừ nhỉ...! Nghĩ thế cũng thấy đỡ tiếc!
Vài tháng sau nhận được cú điện thoại số lạ, một giọng nữ nghe đã thấy ghê gớm.
-A lô! Anh Dũng à...?
-Vâng...!
-Thế tiền của em thế nào nhỉ..!
Choáng..! Mình có nợ nần ai đâu.
-Xin lỗi.., ai đang nói nhỉ? Tiền nào nhỉ..?
-Tiền anh bảo đòi cho em đấy, em đã đưa tiền công cho anh đấy..!
Lạ nhỉ..., mình mà dám nhận đi đòi tiền hộ a...? Có nhầm nhọt gì rồi.
-Xin lỗi.., tôi là Bác sỹ, sao dám đòi tiền ai, chị có nhầm không đấy, mà sao chị có số của tôi.
-Ơ...! Anh đưa các cho em mà.., anh quên à..? anh là Bác sỹ Dũng ở bệnh viện Xanh Pôn.
-Đúng rồi..! Nhưng có ai đưa tiền gì đâu nhỉ..!
...
-À...! Thôi chết rồi...! Tôi mất cái áo, trong áo có ví và trong ví có tập các của tôi..., gay nhỉ...! Cô bị lừa rồi..., nhưng thôi, lúc nào cô cứ đến, gặp tôi cô sẽ hiểu thôi..!
-Ôi...! Thế ạ...! Thế thì em xin lỗi...! Mẹ cha thằng khốn nạn...! Nó lừa em thật rồi.., em xin lỗi bác...!
Năm nay là buổi trực tết cuối cùng (Bằng giờ sang năm nghỉ hưu rồi) .., một thằng chặt gà thế nào đi mất hai đốt ngón tay, đốt 3 ngón giữa còn dính tý da, đốt ba ngón trỏ thì nó bảo.
-Vợ em mang đến sau.., các bác có nối lại cho em được không...?
Băng bó tạm rồi bảo nó đi 108 cho hết nhẽ chứ chắc cũng khó lắm.
Mổ một thằng ôn ở Tiền Phong Mê Linh bị chém, mẹ nó nom vất vả lắm, tối ba mươi tết mà con bị chém đứt cổ tay, mặt mẹ đã gày lại xanh xám, nó thì ngô ngô ngọng ngọng, không uống rượu nhưng thái độ rất khó chịu...
Đang vào mổ cái bánh chè cho em bé 86 tuổi thì có tiếng gọi giật từ tầng một.
-Bác sỹ...!
Vợ bệnh nhân Phượng (Máu tụ trong não do tai biến mạch não) te tái chạy lên, ả này là giáo viên tiếng Pháp.., đã hướng dẫn tỷ mỷ, rõ ràng thế mà để chồng bẩn quá.., điên tiết, mình đã dúi đầu mụ vào cái lưng ông chồng thối hắc và mắng cho một trận.., hôm sau thấy cái lưng khá nhưng cái cổ vẫn thế, lại mắng mới đâu vào đấy.., tưởng mụ giận ...
-Em đi tìm Bác sỹ mãi...
Mụ bày tỏ một hồi những cảm nghĩ không nên kể ra đây.., rồi dúi cái phong bì.
-Chúng em có chút mừng tuổi.., chúc anh mạnh khỏe.., cứu được nhiều người...!
Từ chối chả được, và cũng chả bận gì mà từ chối thêm...!
Vào phòng mổ mở ra khoe..., 1 triệu.., hà hà...! Hết tiền.., tiên cứu..!
Giao thừa, dự lễ cúng trời đất với Gs Thành rồi theo hắn đi mừng tuổi các khoa chủ yếu.
Sáng mùng một, dậy sớm, vệ sinh xong, trịnh trọng ngồi vào bàn khai bút.
(Còn tiếp)
Trong năm.., con trai định đưa cả nhà đi Phú Quốc ăn tết, cũng hay nhưng vì nhiều lý do mà từ chối.
Nhiều năm nay, mấy ngày tết Hà Nội vắng vẻ một cách bất thường.., một trong những cách sống, “Chiến thuật sống” của tôi là: “Không cùng đường với đám đông” vậy, người Hà Nội kéo nhau về quê, lên rừng, xuống biển ăn tết..., đó là cơ hội để ta vào phố cổ .., du xuân..., các con đồng ý ngay.
Thế mới có chuyện lần đầu tiên trong đời, mùng một tết, Phẫu cùng gia đình lang thang bờ hồ.
Năm nay dường như kém vắng hơn mấy năm trước, các trục đường chính như Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Điên Biên, Cổ Ngư vưỡn phải đi chậm một tý.
Một hàng xe đỗ trước cửa Bưu điện..., Ô Kê! Khỏi lo mấy thằng trông xe bắt chẹt!
Cũng không biết từ bao giờ mới đi dạo bên hồ, mặt nước xanh, cái màu xanh của ô nhiễm chứ không phải “In trời” như mặt nước của Nguyễn Du, nhìn kỹ thấy những vệt tảo xanh lam loang lổ..., tóm lại, có khá hơn lúc đỉnh điểm ô nhiễm nhưng còn lâu mới bằng “Ngày xưa” và không biết có bao giờ đến được Nguyễn Du.
Một con cá bơi lờ đờ, trên mình phủ đầy bùn lắng..., vẫn thấy vài cái vỏ Lavie lềnh bềnh.., trong những vòm cây rủ xuống mặt hồ, túi nilon, vỏ chai nhiều hơn.
Một ông cỡ ngoài 50 đang loay hoay chụp ảnh cho cậu con trai tạo dáng bên cái thân cây hai người ôm nằm ngả xuống bờ hồ, vỏ cây chai lỳ vết chân người.
-Chào anh! Chúc mừng năm mới! Cho tôi hỏi, anh có biết cây này là giống cây gì không..?
-Vâng! Em cũng không biết, nhưng chắc là ... si anh ạ!
-Không phải đâu, lá to như lá đa nhưng nếu si hay đa thì phải có nhiều rễ...!
Vào đền Ngọc Sơn.., cố đi qua cổng chính.., nhìn vào cái góc cổng.., tưởng tượng ra đêm giao thừa năm 1945, vị Vua cuối cùng của ta đầy tâm trạng đã dừng lại nơi đây, chìa tay cho ông thầy bói mù, ông này cầm bàn tay Vua rồi vội vàng rụt ngay lại.
-Tôi không dám...! Ngài là bậc quyền quý..! Tôi không dám..!
Ông Vua đã thoái vị gặng hỏi, người thầy chỉ nói
-Ngài sắp đi xa..!
Khổ...! Vua thì cũng là người! Và.., khổ..! Hai chữ “Đi xa” có nhiều nghĩa.., hình như sau đó, Nhà vua chuẩn bị cho chuyến đi xa nhất của cuộc đời..., cuối cùng, hóa ra ông đi Pari.
Cái “Khí thiêng” của “Địa linh” phần nào vơi đi bởi người chen chúc, cây hương trước sân đền nghi ngút lửa khói..
Chắp hai tay giơ lên, đưa mắt nhìn vào những bức tượng trên ban thờ.., lại hạ xuống, mình sắp lễ ai đây nhỉ.., lùi lại hai bước, đưa mắt nhìn quanh..., toàn những người trẻ.., đang vái lia vái lịa.., hỏi họ chắc chả ăn thua.
-Chào bác! Bác cho hỏi.., đền này thờ ai..?
-Hì hì...! Tôi cũng không biết đâu..!
Một ông ngoại 60 ngượng nghịu trả lời, người nữa.
-Em cũng không biết đâu.., chắc là thờ ..., thần Kim Quy...!
Không phải, tôi đã nghe hay đọc đâu đó.., một nhân vật hẳn hoi...!
-Thờ Trần Hưng Đạo..!
Mụ vợ bảo.., tôi lại không nghĩ thế, đức Thánh Trần thì nhiều nơi thờ rồi..., nhưng ở cái chốn “Địa linh” này, chắc phải là nhân vật trước đó.
Một đôi cỡ phải 80, nom nho nhã lắm.
-Tôi cũng quên rồi.., quên..., đã biết nhưng quên...!
Ông cụ băn khăn vì không giúp được mình
-Liệu có phải thờ thần Rùa...?
-Không...! Chắc chắn là không phải...!
Tôi không bao giờ chắp tay vái, cầu xin mà không biết vái ai, xin ai.., điều mình xin liệu có hợp lý...! Ví như đến bà Chúa Kho lại xin tình ái, đến ông Hoàng Mười lại xin con lô con đề...
May quá, hai “Ông đồ” áng chừng giải lao xong, đang vào vị trí.
-Chào ông đồ! Ông đồ làm ơn cho hỏi...
Ghé sát tai cho đỡ ngượng
-Đến này là .., thờ...?
-Hưng Đạo Vương.., Trần Quốc Tuấn bác ạ...! Ngài cùng thân mẫu và ..., được thờ ở ngoài.., bên trong là Thần Học...
-Thần học thì phải rồi.., thế mới ... “Tả thanh thiên”, nhưng Trần Hưng Đạo thì...
-Bậc thánh.., phải thờ ở địa linh..., chắc bác phân biệt niên đại.., không phải đâu..!
Ông đồ vui vẻ giải thích.
Tôi trịnh trọng đưa tờ 50 nghìn.
-Dạ! Cảm ơn ông đồ..., chúc ông năm mới mạnh khỏe...!
Ông đồ cũng trịnh trọng đỡ bằng cả hai tay.
-Dạ...! Cảm ơn bác! Chúc bác năm mới mạnh khỏe, gia đình an khang thịnh vượng...!
Lễ xong, trở lại sân hỏi hai con.
-Nếu bố đặt câu hỏi ấy, thì bao nhiêu người Việt ở đây sẽ có một người trả lời đúng và cũng như vậy với những người nước ngoài..? Tỷ lệ biết bên nào cao hơn.., Tây hay Ta..?
-Chắc là Tây bố ạ...!
Tôi đồng ý với chúng, những người mắt xanh mũi lõ kia, nhiều người biết Việt Nam, biết Hà Nội hơn tôi..!

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

TẾT-Vớ vẩn mấy câu ngạn ngữ...!



Tết đến nơi, chả chịu dọn nhà dọn cửa, mua đào mua quất, rửa lá ngâm gạo..., tự nhiên lại ngồi vớ va vớ vẩn nghĩ về mấy câu ngạn ngữ.
Câu: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh/lệch” có ý gì nhỉ..?
Lấy phải vợ/chồng dại thì hại cả một đời, không mọc mũi sủi tăm lên được..., đũa lệch thì cùng lắm mất một bữa ngon.., sao lại ví như vậy..?
Có chăng, vợ/chồng dại thì mình còn bù được, còn sửa được, ví như hỗn hào với bề trên, hàng xóm thì mình đi xin lỗi người ta, đền người ta..., chứ ngồi ăn cỗ mà vớ phải đôi đũa vênh thì gắp làm sao được, sửa làm sao được..!
Câu: “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại” là thế nào nhỉ...?
Ừ thì nó khôn.., thì nó làm thầy, nó khôn hơn mình tức là mình không khôn bằng nó, làm tớ cho nó thì những lúc khó khăn nó tính cho nó cũng là tính cho mình.., nhẹ xác...! Lại yên tâm..!
Làm công cho một ông/bà chủ vừa giỏi chuyên môn lại biết nhiều những quan hệ, những vấn đề xã hội, những quy luật đời sống, biết thay đổi, biết tiến biết thoái đúng lúc..., nó khôn là nó biết dụng người, mình cứ cố gắng làm việc tốt cho nó, cuối năm nó kiếm bạc tỷ mình cũng có trăm triệu.
Thằng dại không biết biến bác, thay đổi cho phù hợp, bảo sao nó khư khư làm vậy, học chữ nào biết chữ ấy rồi hoàn cảnh nào cũng đem ra áp dụng..., có mình thì mình khó chịu, không có mình nó làm hỏng việc.., dạy nó cắt tiết gà, mai mổ con bò mộng nó cũng vặt lông, cắt cổ..., nhẹ thì con bò chạy mất, thế là mất cỗ, nặng thì nó húc cho lòi ruột, nếu không chết, nó khai ra là mình dạy nó ... thế là cảnh sát làm phiền, được vạ má cũng sưng...!
Làm thầy thằng dại còn thế, ấy mà có người đem thân đi làm tớ cho thằng dại..., mới khổ làm sao...!!!

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

TẾT-Thử bàn lại một câu Kiều!

Không thể phủ nhận Truyện Kiều là một ngôi sao sáng và sớm trên bầu trời văn học Việt Nam.
Một trong những thành công của Nguyễn Du và Truyện Kiều là cách dùng từ và ngôn ngữ.
Văn hóa và ngôn ngữ Việt chịu ảnh hưởng quá lớn của Trung Hoa, Truyện Kiều lại có cốt Trung Quốc nên càng không tránh được nhược điểm ấy, mở đến trang nào, thậm chí đọc câu nào cũng thấy những điển tích, những cách nói, những từ gốc Hán.
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh
Lá thắm và chim xanh là hai tích Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, một trong những nguyên nhân thành công của Nguyễn Du và Truyện Kiều là cách sử dụng tối đa những từ, những cách nói thuần Việt, thậm chí từ và cách nói địa phương,
Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe
Tôi không dám khẳng định nhưng phải chăng chữ “Nhe’ ở đây là từ địa phương?
Chính vì thế mà truyện kiều dễ đọc, dễ thuộc và dễ hiểu (với những mức độ khác nhau, từ người thông thái đến những nông dân không biết chữ).
Nói vậy để khẳng định với nhau rằng: Không thể tra chữ Hán để giải nghĩa tất cả những câu Kiều.
Trong khi đó, một thành công, cũng là một hệ quả của việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp ấy là tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, xưa nay đã chứng kiến không ít những cuộc đấu khẩu, đấu bút bất phân thắng bại giữa những bậc đại danh về những câu, những chữ trong Truyện Kiều.
Tôi tự biết, mình không phải là đối tượng tham gia vào những cuộc đấu ấy, nhưng chả nhẽ cứ thấp là không bao giờ được nói, cứ bé là không bao giờ được trình bày quan điểm…?
Có một câu mà tôi đã thắc mắc từ rất lâu, đã viết rất nhiều lần nhưng ngại không dám gửi đi đâu, may quá, giờ viết vào trang cá nhân này tha hồ … tiện!
Cách đây dễ đã hơn hai chục năm, một lần tình cờ đọc trong sách giáo khoa của con, thấy người ta giải thích câu.
“Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” Rằng:
Sắc đẹp như Thúy Kiều có … ĐÒI cũng chỉ được một, tài như Thúy Kiều … HỌA CHĂNG có hai người…!
Theo tôi thì cách hiểu này có thể nhầm lẫn, chính vì vậy tôi đã tìm nhiều tài liệu, nhiều bản Truyện Kiều khác nhau, tiếc thay, tất cả đều giải thích … như vậy!
Đem ý hỏi nhiều người, trong đó có người tôi kính nể nhất, người đọc thông viết thạo chữ Nho từ bé, người sử dụng Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ đó là … Cha tôi. Và gần đây nhất là Bloger Hoa Mai, một trong những người tôi rất tôn trọng về nhiều phương diện trong đó có chữ, nghĩa nhưng kết quả là… vẫn thế!
Vậy hẳn là tôi sai! Vâng! Tôi sai! Tuy nhiên, khẩu có phục nhưng tâm … chưa phục!
Nay nhân năm mới, ngày rộng tháng dài, thử liều mạng bàn lại xem sao.
Tôi định viết dài hơn, bàn về quan niệm, và tác dụng của nghệ thuật Đối nhưng thôi, chỉ bàn về tả người thôi nhé.
Để tả chàng thư sinh Kim Trọng Nguyễn Du viết.
“Văn chương nết đất, thông minh tính trời”
“Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”
Để nói về con người binh nghiệp Từ Hải, Nguyễn Du có đưa ra những:
“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”
Nhưng chủ yếu của con người ấy phải là.
“Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”
Chỉ hai nhân vật cơ bản như vậy để thấy bao giờ Nguyễn Du cũng giới thiệu nhân vật của mình với những phẩm chất cơ bản, điển hình.
Nếu chàng thư sinh là: Văn chương, Thông minh, Phong nhã, hào hoa, nếu kẻ võ tướng là: Hơn sức và Lược thao thì người con gái hoàn mỹ là TÀI và SẮC. Tác giả dành ưu ái mô tả hai mặt ấy của nhân vật chính cầu kỳ hơn.
Thoạt đầu, Ông mượn sắc đẹp của Thúy Vân làm nền.
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Một người con gái đẹp đến lạ thường với khuôn mặt đầy đặn cùng những đường nét nở nang thanh thoát, người cười tươi như hoa nở, giọng nói trong như tiếng ngọc, mái tóc bồng bềnh hơn cả mây, da trắng hơn cả tuyết…., những tưởng, đẹp đến thế là cùng. Thế mà vẻ đẹp ấy chỉ là cái nền cho một tác phẩm hoàn mỹ hơn của tạo hóa, cũng là ý nguyện Tác giả
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Hai câu này để chuyển tiếp từ tả Thúy Vân sang tả Thúy Kiều đồng thời tác giả cũng giới thiệu những ý chính mà mình sẽ tả đó là TÀI và SẮC của nhân vật chính.
SẮC:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh”
Ta thấy, cái sắc đẹp được nâng tầm với ánh mắt (Hay làn da) trong mịn như mặt nước mùa thu, những đường nét, cả con người toát lên sự tươi tắn như cây lá mùa xuân. Nếu chỉ đến đây thôi, nếu Kiều chỉ đẹp đến thế thôi thì đâu đến nỗi, nhưng nàng còn đẹp đến mức: Hoa, biểu trưng cho cái đẹp của vũ trụ cũng phải “Ghen” mà đua thắm, cái màu xanh, cái vẻ thướt tha của liễu cũng phải hờn tủi vì thua kém thì quả là cái đẹp siêu phàm chỉ thấy trong trí tưởng tượng, trong ước mơ của Tác giả.
Đến đây, đã tả xong cái SẮC của nhân vật, tác giả lại dùng một câu chuyển tiếp để sang tả cái TÀI của Kiều.
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
Tôi không muốn bàn về những cái TÀI của Kiều nữa mà chỉ muốn quay lại cái câu chuyển tiếp này.
TÀI và SẮC như hai mặt của một vấn đề, hai phẩm chất của một con người mẫu mực. Nhân vật muốn hoàn hảo, hai mặt ấy phải cấn đối, có khác gì đâu khi Hồ Chí Minh nói:
“Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”
ĐỨC và TÀI là tiêu chuẩn của người cán bộ thế hệ HCM, SẮC và TÀI là tiêu chuẩn của người con gái thời “…Gia tĩnh triều Minh”.
Sau khi đã nâng cái SẮC đến mức siêu phàm, phải chăng, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu chuyển tiếp là.
SẮC đẹp đến như thế nhưng cái TÀI của Kiều cũng không kém và nếu coi cái SẮC như một vế ra, đòi hỏi cái vế đối (TÀI) phải làm sao để cân xứng thì cái TÀI (Vế đối) của Kiều cũng không kém phần, và ông kể về những cái TÀI của nàng.
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”
Khi một vế đã ra (Vế ra) là có những ĐÒI hỏi nhất định với vế đối phải có để HỌA lại, ở đây dường như tác giả đã lượng hóa cho dễ hiểu, nếu cái SẮC đẹp đến như thế, nó ĐÒI hỏi cái TÀI là MỘT để HỌA lại thì TÀI của nàng Kiều sẵn sàng có đến HAI.
Cũng không nên hiểu máy móc rằng: “Vậy, ở Kiều cái tài bằng hai cái sắc” mà cần hiểu SẮC và TÀI trong Kiều là cặp đôi của những thứ siêu phàm, cái SẮC càng nhìn, càng ngắm càng thấy đẹp cũng như càng tìm hiểu càng thấy tài. Cái sự ĐÒI và HỌA của cặp này dường như là vô giới hạn.
Tóm lại tôi hiểu câu:
“Sắc đành đòi một tài đành họa hai” Là:
Cái sắc như thế, nếu đòi hỏi để cân xứng là một thì cái tài của Kiều sẵn sàng có cả hai để họa lại.
Cũng trộm nghĩ rằng, nếu hiểu theo nghĩa:
“Sắc như Thúy Kiều có đòi cũng chỉ được một, tài như Thúy Kiều họa chăng có hai người”, thì chắc tác giả phải để câu này ở cuối đoạn, tức là câu kết luận, sau khi đã tả xong cả sắc và tài của nàng.
Hiểu như vậy cũng có phần không được “Nguyễn Du” lắm. Sao lại “Đòi hỏi” một người con gái đẹp. Tác giả muốn nhân vật chính của mình là người đẹp nhất, tài nhất, vậy thì cái ý “Họa chăng có hai người” chả vô lý, vô nghĩa và … vô ý lắm sao ???
Ấy là tôi ngang ngược nói thế chả biết có ai nghĩ lại!!!!

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Thơ... CHỜ MỔ..!

Thằng Quyết (Bệnh nhân cũ) tối qua lại gãy chân, nó đi đúng đường nhưng không tránh được một ông ôn say rượu. Thằng say không sao nhưng thằng tỉnh què chân.
Nó í ới cầu cứu. sáng nay dậy sớm đến mổ.
Thằng này ngoan và chịu khó lắm, quê Xuân Trường Nam Định, vợ chồng dắt nhau lên đây thu gom phế liệu.
Tâm sự cho nó đỡ hoang mang, hỏi:
-Công việc làm ăn của cháu thế nào...? Ý chú nói là Vẫn thế, khá hơn hay kém hơn.
-Kém chú ạ, Trung Quốc họ gim giá,.., ví như cái chai nhựa chú đang truyền cho cháu đây này, bây giờ không được một nửa của vài năm trước. Sắt vụn bán cho Đồng Kỵ nhưng Phôi mua của họ nên cũng vậy..., rẻ lắm...!
Thế đấy..., rẻ cũng khổ!
Thiếu cái xét nghiệm HIV, thế rồi một ca thủng ruột vỡ lách ào áo đưa lên, tất cả tập trung cứu nó trước.
Góp tay vào ca nặng một lát rồi ra phòng bs ngồi chờ, tài liệu không mang nên không tranh thủ soạn sách được. Mạng không có để tán gẫu với bà con.
Thế là ngồi ... "Chế" mấy bài này, gọi chung là thơ... chờ mổ>
1-NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN
Sống, yêu thương, nhường nhịn
Sống, giành giật, nhỏ nhen
Chết, thôi hết sang hèn
Chết, thôi quên oán hận
Gửi nén hương vĩnh biệt
=-=-=-=
2-XUÂN...!
Ô kìa cái búp đâm trồi
Ô kìa sao dáng em tôi vội vàng
Hình như xuân lại sắp sang
Hình như ai lại mơ màng nhớ ai
=-=-=-=-=
Mê cái "Ba câu" của bác Gió Miền Quê, rỗi rãi thì tập chơi
3-CHUẨN BỊ TẾT
Gió cứa vào mang tai
Khách mặc cả vật nài
Xe ôm - lo cái tết
Lao vút một đống rau
Vợ nhỏ ngồi sọt sau
Nông dân - đi chợ sớm
Đường sạch sẽ khang trang
Cần mẫn nhưng vội vàng
Chị lao công - sấp ngửa
Tính tiền nhà tiền xe
Nhịn ăn mua hộp bánh
Cháu sinh viên - vội vàng
Xe sang trọng sếp hàng
Quà quý, phong bì lớn
Sếp dưới - biếu sếp trên
Đi trên phố mơ màng
Ước gì tết đừng sang
Một anh chàng – Nghệ sỹ...!
=-=-=-=-=
Hôm qua, bạn thằng con nuôi đến tán tỉnh rồi mua phứt cô nàng Chevrolet Spark 30N-4309 của mình, cái ô tô đầu tiên, gắn bó với mình mấy năm, vì có 130 tr mà bán nó..., thấy dại cả người.
Lau cái cửa hậu lần cuối, vào nhận tiền, trước khi họ lái nó đi mình vỗ vỗ vào cửa sau bảo: Về với người ta ngoan nhé!
Cái xe vô tri vô giác mà nhớ nó thế!
4- 4-3-0-9
4-3-0-9, 0-9 ơi!
Ta đã một nơi, bạn một nơi
Trăm ba mươi triệu mà xa cách
Chia tay chẳng nói được một lời
4-3-0-9, 0-9 ơi!
Ta đã cùng nhau một quãng đời
Nhớ đêm Yên Bái đường mất lối
Bạn vẫn cõng ta được đến nơi
4-3-0-9, 0-9 ơi!
Tôi lau thật nhẹ lần nữa thôi
Về với người ta, mình ngoan nhé
Nhớ mình, nhớ lắm 0-9 ơi...!
=-=-=-=

Tản mạn về Lời mời...!

Chào ngdoanbach!
Bạn vui tính phết nhỉ! Mình thích thế! Buồn nhiều rồi, tranh thủ cười được là cười thôi..
Tuy nhiên chú vẫn muốn bàn riêng với cháu vài vấn đề:
-Tiếng khóc là nhu cầu cần có trong đám tang truyền thống đấy cháu à. Khóc thật cũng được mà khóc như diễn kịch vẫn còn hơn không (Ấy là theo quan niệm truyền thống, và chú không phản đối).
Chú đã dự những đám tang và đám bốc mộ. Đôi khi các con cháu thương xót thật sự, họ khóc thật sự nhưng không thành tiếng, lập tức có người già nhắc ngay.
-Kìa ..! Con cháu đâu...! Khóc lên một tiếng chứ!
Ngày sửa ngày xưa, cái sự khóc ấy có quy định cả. Thương xót quá mà khóc thì các cụ động viên bảo nín đi để sức còn khóc tiếp khách.
Khóc tiếp khách là: Khi có người đến phúng viếng, người ta dâng lễ, xin phép và chia buồn với người sống (người con trai cả nhận) rồi thắp hương cúi lạy, nói với người chết những câu cuối cùng (có khi bằng một bài thơ, bài văn tế với những cách đọc khác nhau nhưng nói chung là lâm li thống thiết). Khi đó các con gái con dâu phải khóc, nếu lời khóc đả động đến người đang lễ thì càng tốt ví như:
-Ối mẹ ơi! Bác Minh mà mẹ yêu mẹ quý, mẹ thủ thỉ sớm chiều đang chào mẹ đấy mẹ ơi. Sao mẹ nỡ bỏ bác ấy mà đi mẹ ơi!
Hay
-Ối bác Minh ơi! Từ nay mẹ cháu ăn trầu với ai, hôm sớm trò chuyện với ai, bác Minh ơi!
Những lời khóc ấy thắt chặt thêm tình cảm giữa những người còn sống, vậy cũng có tác dụng, khóc đã thành văn thành bài cho cả con cháu và cho cả khách (nhiều nơi bây giờ vẫn còn giữ được).
Ngày nay, những bài khóc mướn của phường bát âm sau khi con cháu đưa tiền cũng phần nào xuất phát từ cái nguồn gốc ấy (điều này chú không ủng hộ) nó vừa mang tính giả tạo vừa làm cùn đi khả năng bộc lộ tình cảm vốn không cao, ít thật của người ta.
Đã có những câu truyện tiếu lâm về cái sự khóc theo bài ấy ví như:
Cô con dâu khóc tiếp khách nhiều quá, khản cả giọng, thấy trên ban thờ có đĩa quýt ai đó vừa mang đến viếng, cô ta vờ vật vã rồi .., nhón lấy một quả ngậm cho đỡ khô họng, không may tuột tay, trái quýt rơi lăn bô lô.., cô ta lại vật vã gào khóc cố với lấy nhưng sân dốc, trái quýt cứ lăn xa dần, cô khóc.
-Ối mẻ ơi! Càng ngày càng xa thế mẻ ơi!
Lại nói những bài “Văn khóc” hay còn gọi là “Điếu văn”, (theo chú, không phải chỉ cái bài do một ông to to nào đó trong chính quyền hay dòng họ, gia đình đọc trước khi đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng mới là “Điếu văn” mà hai từ này chỉ tất cả những bài khóc dù bằng văn vần hay văn xuôi) một nét văn hóa của người Việt, làm đẹp thêm và có tác dụng tới đời sống cộng đồng nhưng đáng tiếc đã mất gần hết.
Chú có cậu em kết nghĩa, vợ nó đột tử. Bằng tất cả thương xót chú viết một bài thơ (vừa viết vừa lau nước mắt), đọc cho thằng em nghe thử, nó ôm lấy chú mà gào lên thương vợ, thế nhưng khi đọc trước linh cữu người quá cố ở nhà tang lễ… chẳng mấy ai quan tâm.
Bây giờ sang vấn đề khác. Trước hết chú hỏi cháu.               
Khi làm lễ 50 ngày, 100 ngày, giỗ đầu bố mẹ, người ta phải mời khách đúng không? Theo cháu, khi mời người ta nói với khách thế nào? Chú thử đưa ra vài đáp án cháu xem có được không nhé.
1- Với bề trên.
-Thưa ông (bà, bác, cô…) chủ nhật này là…. Bố/Mẹ cháu. Mời …. Sang xơi cơm/rượu?
2-Với ngang hàng.
-Chủ nhật này sang tao nhé! …. Ông/Bà già?
3-Với bề dưới.
-CN này …. Ông/bà, …. Cháu/em sang chơi uống rượu nhé?
Thế được không? Nếu cháu quan tâm hãy viết cho chú một đoạn ngắn thôi. Chú sẽ có cơ sở để tâm sự thêm với cháu. (cứ viết thật với ý nghĩ của mình)

Cảm ơn cháu đã quan tâm đến vấn đề!
Còn các bạn, có ai nghĩ về lời mời này không...?
Khi ta mừng nhà mới, xe mới, khi ta hay thành viên trong gia đình đỗ đạt, thăng chức, khi nhà ta có tiệc vui (Cưới, hỏi)..., ta hân hoan và ta MỜI người thân đến CHIA vui.
Có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” cũng có người nói “Lời mời cao hơn mâm cỗ”, câu này có thể hiểu với nhiều cấp độ:
-Khi bạn có việc vui, bạn có mời tôi, điều đó thể hiện mức độ tình cảm của bạn đối với tôi, và đó mới là điều quan trọng chứ không phải bạn sẽ cho tôi ăn gì trong bữa tiệc
-Khi khách đến, chủ nhà niểm nở đón chào, trong xuốt buổi tiếp khách luôn cảm giác được chủ nhà trân trọng, quan tâm, khi ra về chủ lại tiễn ra tận cổng, chân tình cảm ơn..., tất cả những điều đó quan trọng hơn đồ ăn thức uống trên mâm. Ngược lại, ăn toàn sơn hào hải vị, uống rượu hạng sang nhưng từ đầu đến cuối chủ nhà chỉ mời lấy lệ rồi mặc khách ăn uống với nhau..., khách sẽ tự ái cho rằng mình đã “Vì miếng ăn” mà đến..., bữa tiệc không thể được gọi là vui vẻ, thành công, tình chủ-khách không vì thế mà được thắt chặt thêm.
Cũng có nghĩa, khi mời những loại tiệc này ta phải tỏ được sự trân trọng, vui vẻ.., bởi nếu mời với nét mặt ưu tư, lạnh nhạt người ta sẽ cho rằng mình “Bị mời” hay “Phải mời”, tất nhiên, người lịch sự sẽ kiếm cớ từ chối khéo.
Vậy khi mời việc hiếu thì sao..? Tỏ ra trân trọng thì hẳn rồi, nhưng có “Hồ hởi, vui vẻ” được không...? Nếu có, chả lẽ mình vui lắm sao...?
Vậy thì mời như thế nào...?

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

-Hoe, a, dây, gâu, inh, tu...?

Trên Ti vi đang có cuộc tọa đàm bàn ... hình tam giác, về vấn đề giao thông đô thị, ông MC và hai ông “Chiên gia” chém gió ghê lắm.
Các ông í đưa ra những nguyên nhân gây ách tắc giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn, đúng lắm.., đúng mọi nhẽ!
Nào dân số, nào số phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, nào hạ tầng giao thông kém và không phù hợp, nào tiếp tục xây mới những công trình cao tầng ở nội đô, vân vân và vân vân... đúng lắm, đúng mọi nhẽ...!
Các ông í cũng đưa ra những giải pháp hay lắm ..., hay mọi nhẽ, ngoài những biện pháp đã từng nghe, ông MC còn bảo.
-Bây giờ, trước khi phê duyệt một công trình, phải xem công trình ấy khi đưa vào sử dụng sẽ phát sinh nhu cầu đi lại thế nào, có phù hợp với hạ tầng giao thông tại chỗ chưa, nêu chưa thì đành phải... chờ thôi...!
Các chiên gia nói trên VTV1 thì ... “Có sai bao giờ...!”
Tuy nhiên, ai cũng có thể tưởng tượng rằng nạn ách tắc sẽ còn đeo đuổi hai thành phố này hàng thập kỷ nữa, nói thế cho “ló” lạc quan chứ bảo nhiều thập kỷ, thậm chí vĩnh viễn nếu không có những thay đổi “Trời long đất lở”...! Ông “Thăng” cứ “Giáng” thật lực, giáng đến mệt phờ râu chê, đến hết cán bộ thì cũng thế thôi...!
Nếu vậy thì tuyệt vọng quá nhỉ..., chả nhẽ nước mình cái gì cũng tài cũng giỏi mà mỗi cái chuyện giao thông lại chịu thua...?
Chán quá, tôi tắt phụt cái ti vi nhưng băn khoăn thì vẫn băn khoăn mãi...
Chợt nhớ cách đây khoảng 15 năm, một lần, đưa một gia đình người Đức đi “Si Ti Tua” Hà Nội.., chờ xe, ngồi vỉa hè uống cafe, trong khi tôi nói chuyện với anh bạn Đức (Thì cũng chém gió, khoe khoang Hà Nội, Việt Nam giàu đẹp, anh hùng thôi, cả vốn tiếng Anh lẫn vốn văn hóa của tôi không nhiều), để ý thấy thằng con trai hắn, khoảng 9-10 tuổi, hỏi mẹ nó cái gì đó.., nó hỏi đi hỏi lại và hình như người mẹ không thể trả lời.., mặt thằng bé cứ đần thối, bỏ cả cốc nước, nó cứ há mồm tròn mắt nhìn ra đường.
Nó lại vùng vằng hỏi và lần này mẹ nó cáu, cô ta chỉ vào chồng, tôi hiểu chắc cô ta bảo.
-Đã bảo là tao không biết...! Hỏi bố mày í...!
Chúng nó xì xồ tiếng Đức một hồi rồi tôi thấy cả nhà nó ngơ ngác nhìn ra đường, thằng bé ngày càng nóng tính..., vẻ bất lực lộn rõ trên khuôn mặt ông bạn, cuối cùng hắn quay sang tôi.
-Con tao nó hỏi, người ta đi đâu mà nhiều thế, lâu thế...? Những cảnh này, bên tao chỉ thấy khi có dạ hội, nó cũng nói được tiếng Anh, mày trả lời nó nhé..!
Sau lời giới thiệu, thằng con hớn hở chạy đến tóm tay tôi giật giật như cầu cứu, như vớ được thánh nhân, rất thân mật, cứ i như trẻ con Việt vậy.
-Hoe a dây gâu inh to...? (Họ đi đâu vậy...?)
Tôi giật mình..., bỏ mẹ..! Làm sao mà biết họ đi đâu ..., họ đi đâu mà lắm thế, lâu thế nhỉ..., tôi phì cười khi ngộ ra mình thậm chí không bằng thằng cu người Đức.
-Chịu...! Tao sinh ra ở đây..., lớn lên ở đây..., làm việc ở đây nhưng quả thực tao không thể biết họ đi đâu...
Thế là cả bốn người cùng ngơ ngác, xe đến, người lớn chuyển đề tài khác nhưng ngồi trong xe, thằng bé vẫn bồn chồn hết nhìn trước, quay sau, bên phải, bên trái..., thi thoảng lại thốt lên.
-Hoe a dây gâu inh...?
Thế đấy, ngoài những nguyên nhân rất đúng, đúng mọi nhẽ mà các “Chiên gia” đã đưa, không biết đã có ai, đã cơ quan nào làm một trắc nghiệm để biết người ta đi đâu...?
Trong tất cả những “Chuyến đi” ấy, bao nhiêu phần trăm là cần thiết và bất khả kháng, bao nhiêu phần trăm không thật cần thiết, bao nhiêu phần trăm hoàn toàn lãng phí..?
Đồng ý rằng, đi lại là NHU CẦU, là QUYỀN của mỗi công dân nhưng đi đâu mà lắm thế cơ chứ..!
1-Người ta đi làm, bao gồm quan chức đến các dinh, các phủ, cán bộ, công nhân đến cơ quan, nhà máy, công ty, người sản xuất, người tiểu thương mang sản phẩm ra chợ, trẻ con đi học... đó là những loại “Đi” bắt buộc, chỉ có thể giảm bằng cách sử dụng phương tiện công cộng hay bố trí hợp lý.
2-Người ta đi “Thăm hỏi” nhau, nhóm này lại được chia thành hai “Dưới nhóm”:
2.1-Nhóm thăm người ốm, người già, chúc mừng hay chia sẻ trước những được mất của nhau.
2.2-Nhóm thăm sếp với mục đích “Đút lót” bằng nhiều hình thức khác nhau.
3-Đi lễ (bao gồm đi hẹn hò, đi chuẩn bị) từ dạo suy thoái kinh tế, việc lễ bái có bớt nhưng vẫn rôm rả lắm và ai dám chắc rằng khi kinh tế hồi phục nhu cầu “Đi lễ” sẽ ra sao...? Cứ đến cửa các đền như Phủ Tây Hồ, Chùa Hà, Bia Bà (Hà Đông)... hay xa hơn như Bà Chúa kho (Bắc Ninh), đền ông Hoàng Bảy (Yên Bái), Ông Hoàng Mười (Nghệ An)... rồi đếm xem mỗi giờ đồng hồ có bao nhiêu lượt xe ra vào ...
4-Đi giao lưu
4.1-Đi đám ma, đám cưới. Đám ma thì không nói và không dám nói nhưng dân ta thích “Hoành tráng” và dân ta cũng có tật “Con gà tức nhau tiếng gáy”..., đám hỏi, đám cưới nào thật đông, thật nhiều xe, ăn thật nhiều mâm là chủ nhân hả hê lắm...!
Đi đám cưới, đút tiền vào cái hộp, bắt tay gia chủ rồi vừa xem “Văn công” vừa ăn thật nhanh..., ăn xong... đứng dậy ra về.
Có ai đồng ý với tôi rằng chẳng còn ý nghĩa của “Đám cưới” nữa, những “Ngày đẹp” nhiều người phải “Chạy xô” đến hai ba đám...
Sao người ta lại cứ làm khổ nhau thế nhỉ...!
4.2-Các loại giao lưu khác bao gồm tham dự, chúc mừng, liên hoan bảo vệ luận văn luận án, thăng quan tiến chức, khai trương, sinh nhật, đầy tháng, đầy năm...
5-Đi nhậu. Ngoài 1001 kiểu nhậu dùng tiền chùa, hay có tính chất “Trả nợ” thì đáng buồn rằng ở ta bi giờ xem thường việc mời nhau đến nhà dùng bữa, muốn “Hoành tráng”, muốn tỏ ra “Sành điệu” thì nhất định phải ra nhà hàng cho dù không biết ở đó người ta cho mình ăn gì, ở đâu ra, có độc hay không..!
6-Đi chơi. Thật ra, cụm từ “Đi chơi” nhiều khi ám chỉ tất cả những cuộc đi mà không phải “Đi làm” bởi người thật sự “Đi chơi” rất ít, đi thăm thú một địa danh, một công trình, đến công viên...
Ngồi cả ngày cũng không nói hết những mục đích của những người đang chen nhau trên những con đường đầy khói bụi kia nhưng ý tôi muốn nói.
1-Cách tổ chức bộ máy chính trị, hành chính và đời sống chính trị, hành chính.
2-Đời sống Văn hóa nói chung của xã hội.         
Có ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng giao thông
-Nếu người ta không phải đi những vụ “Chạy”, từ chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy chức đến chạy án.
-Nếu những cơ quan công quyền sắp xếp gọn gàng vào một điểm, một khu (như kiểu ở Đà Nẵng), rồi trình tự giải quyết công việc hợp lý, lấy tính hiệu quả làm mục đích, không phải bận tâm đến “Phong bì” “Bồi dưỡng”, “Bôi trơn” để “Hành” không phải là “Chính”.
-Nếu người ta không đi lễ để hy vọng thăng quan tiến chức, thể tham nhũng trót lọt, để trúng lô trúng đề...
-Nếu bớt đi tham vọng “Hoành tráng”, khi chia vui sẻ buồn có mươi mười lăm người ở bên thậm chí đến vài chục người “Thật sự” thăm hỏi đã là mừng lắm.
-Nếu những “Đám” cùng không quan tâm đến độ “Hoành tráng”, tiệc cưới bốn năm chục mâm (300 khách) là đủ, cùng lắm đến trăm mâm (600 khách) đã là ghê gớm. Đừng đưa nhau vào hoàn cảnh “Phải đi”, phải “Trả nợ miệng”
Và nhiều cái nếu nữa ...
Tôi đảm bảo, lưu lượng giao thông sẽ giảm đi rõ rệt và dài lâu...!

Cùng với việc hiện đại hạ tầng giao thông, bố trí khiến trúc đô thị hợp lý thì những thay đổi trong đời sống chính trị, hành chính, văn hóa của mỗi người dân là những giải pháp bền vững cho vấn nạn giao thông.

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

THẢM HỌA...!



THẢM HỌA!
Năm 2014 chứng kiến bao thảm họa tàn khốc.
Hai vụ mất máy bay Malaysia, chìm phà ở Hàn Quốc, hàng ngày máu chảy ở Tây Á, nội chiến Ucraina chưa thấy hồi kết.., Trung Quốc ngang ngược coi lãnh thổ lãnh hải Việt Nam như nhà của họ..., Tàu buôn bị cướp..., giàn giáo đổ vào người đi đường...
Người tiêu dùng không dám tin vào bất cứ ai, bất cứ cái gì nhưng vẫn phải nhắm mắt ăn độc, uống hại...
Nhìn vào tổ chức xã hội, cố cũng không thể lạc quan lên được...!
Ngưỡng cửa tuổi 60 thấy sức khỏe thể chất còn được nhưng tinh thần sao hoang mang quá..., mình đã vậy, nghĩ đến con cháu mà thương!


Ta
Trên con tàu sắp chìm
Nghiêng ngả
Chẳng thấy thợ máy, hoa tiêu đâu cả.
Chỉ thấy chửi bới hét la.
Người lái tàu cuống quýt
Ông thầy giáo bảo:
-Tiến lên!
Chị buôn gà:
-Không..! Không...! Rẽ phải!
Ông nghệ sỹ:
-Trời ơi...! Rẽ trái!
Người quẫn trí hét lên:
-Lùi lại...!
Đám vô tư:
-Tốt nhất đứng yên...!
Phía trước-Mây đen u ám
Bên phải-Cướp biển đang chờ
Qua được trái, phải đầu rơi máu chảy
Phía đằng sau là cả bãi đá ngầm
Mải theo gió ta hiên ngang cưỡi sóng
Biết đâu rằng, lạc lối lúc nhổ neo
Bờ lý tưởng
Dưới mắt trần
Chỉ còn gang, còn tấc
Ta thành ma thành quỷ tự bao giờ
Chúng ta nháo nhác, ngược xuôi
Càng nháo nhác càng tròng trành hơn nữa
Thôi thì
Chết sớm thành ma
Nhưng
Còn mồ mả: Mẹ cha, ông bà, tiên tổ
Và con cháu ta
Sẽ ra sao
Khi ta,
Người cầm lái
Không biết đi về đâu ...!!!