Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

-Hoe, a, dây, gâu, inh, tu...?

Trên Ti vi đang có cuộc tọa đàm bàn ... hình tam giác, về vấn đề giao thông đô thị, ông MC và hai ông “Chiên gia” chém gió ghê lắm.
Các ông í đưa ra những nguyên nhân gây ách tắc giao thông ở Hà Nội và Sài Gòn, đúng lắm.., đúng mọi nhẽ!
Nào dân số, nào số phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, nào hạ tầng giao thông kém và không phù hợp, nào tiếp tục xây mới những công trình cao tầng ở nội đô, vân vân và vân vân... đúng lắm, đúng mọi nhẽ...!
Các ông í cũng đưa ra những giải pháp hay lắm ..., hay mọi nhẽ, ngoài những biện pháp đã từng nghe, ông MC còn bảo.
-Bây giờ, trước khi phê duyệt một công trình, phải xem công trình ấy khi đưa vào sử dụng sẽ phát sinh nhu cầu đi lại thế nào, có phù hợp với hạ tầng giao thông tại chỗ chưa, nêu chưa thì đành phải... chờ thôi...!
Các chiên gia nói trên VTV1 thì ... “Có sai bao giờ...!”
Tuy nhiên, ai cũng có thể tưởng tượng rằng nạn ách tắc sẽ còn đeo đuổi hai thành phố này hàng thập kỷ nữa, nói thế cho “ló” lạc quan chứ bảo nhiều thập kỷ, thậm chí vĩnh viễn nếu không có những thay đổi “Trời long đất lở”...! Ông “Thăng” cứ “Giáng” thật lực, giáng đến mệt phờ râu chê, đến hết cán bộ thì cũng thế thôi...!
Nếu vậy thì tuyệt vọng quá nhỉ..., chả nhẽ nước mình cái gì cũng tài cũng giỏi mà mỗi cái chuyện giao thông lại chịu thua...?
Chán quá, tôi tắt phụt cái ti vi nhưng băn khoăn thì vẫn băn khoăn mãi...
Chợt nhớ cách đây khoảng 15 năm, một lần, đưa một gia đình người Đức đi “Si Ti Tua” Hà Nội.., chờ xe, ngồi vỉa hè uống cafe, trong khi tôi nói chuyện với anh bạn Đức (Thì cũng chém gió, khoe khoang Hà Nội, Việt Nam giàu đẹp, anh hùng thôi, cả vốn tiếng Anh lẫn vốn văn hóa của tôi không nhiều), để ý thấy thằng con trai hắn, khoảng 9-10 tuổi, hỏi mẹ nó cái gì đó.., nó hỏi đi hỏi lại và hình như người mẹ không thể trả lời.., mặt thằng bé cứ đần thối, bỏ cả cốc nước, nó cứ há mồm tròn mắt nhìn ra đường.
Nó lại vùng vằng hỏi và lần này mẹ nó cáu, cô ta chỉ vào chồng, tôi hiểu chắc cô ta bảo.
-Đã bảo là tao không biết...! Hỏi bố mày í...!
Chúng nó xì xồ tiếng Đức một hồi rồi tôi thấy cả nhà nó ngơ ngác nhìn ra đường, thằng bé ngày càng nóng tính..., vẻ bất lực lộn rõ trên khuôn mặt ông bạn, cuối cùng hắn quay sang tôi.
-Con tao nó hỏi, người ta đi đâu mà nhiều thế, lâu thế...? Những cảnh này, bên tao chỉ thấy khi có dạ hội, nó cũng nói được tiếng Anh, mày trả lời nó nhé..!
Sau lời giới thiệu, thằng con hớn hở chạy đến tóm tay tôi giật giật như cầu cứu, như vớ được thánh nhân, rất thân mật, cứ i như trẻ con Việt vậy.
-Hoe a dây gâu inh to...? (Họ đi đâu vậy...?)
Tôi giật mình..., bỏ mẹ..! Làm sao mà biết họ đi đâu ..., họ đi đâu mà lắm thế, lâu thế nhỉ..., tôi phì cười khi ngộ ra mình thậm chí không bằng thằng cu người Đức.
-Chịu...! Tao sinh ra ở đây..., lớn lên ở đây..., làm việc ở đây nhưng quả thực tao không thể biết họ đi đâu...
Thế là cả bốn người cùng ngơ ngác, xe đến, người lớn chuyển đề tài khác nhưng ngồi trong xe, thằng bé vẫn bồn chồn hết nhìn trước, quay sau, bên phải, bên trái..., thi thoảng lại thốt lên.
-Hoe a dây gâu inh...?
Thế đấy, ngoài những nguyên nhân rất đúng, đúng mọi nhẽ mà các “Chiên gia” đã đưa, không biết đã có ai, đã cơ quan nào làm một trắc nghiệm để biết người ta đi đâu...?
Trong tất cả những “Chuyến đi” ấy, bao nhiêu phần trăm là cần thiết và bất khả kháng, bao nhiêu phần trăm không thật cần thiết, bao nhiêu phần trăm hoàn toàn lãng phí..?
Đồng ý rằng, đi lại là NHU CẦU, là QUYỀN của mỗi công dân nhưng đi đâu mà lắm thế cơ chứ..!
1-Người ta đi làm, bao gồm quan chức đến các dinh, các phủ, cán bộ, công nhân đến cơ quan, nhà máy, công ty, người sản xuất, người tiểu thương mang sản phẩm ra chợ, trẻ con đi học... đó là những loại “Đi” bắt buộc, chỉ có thể giảm bằng cách sử dụng phương tiện công cộng hay bố trí hợp lý.
2-Người ta đi “Thăm hỏi” nhau, nhóm này lại được chia thành hai “Dưới nhóm”:
2.1-Nhóm thăm người ốm, người già, chúc mừng hay chia sẻ trước những được mất của nhau.
2.2-Nhóm thăm sếp với mục đích “Đút lót” bằng nhiều hình thức khác nhau.
3-Đi lễ (bao gồm đi hẹn hò, đi chuẩn bị) từ dạo suy thoái kinh tế, việc lễ bái có bớt nhưng vẫn rôm rả lắm và ai dám chắc rằng khi kinh tế hồi phục nhu cầu “Đi lễ” sẽ ra sao...? Cứ đến cửa các đền như Phủ Tây Hồ, Chùa Hà, Bia Bà (Hà Đông)... hay xa hơn như Bà Chúa kho (Bắc Ninh), đền ông Hoàng Bảy (Yên Bái), Ông Hoàng Mười (Nghệ An)... rồi đếm xem mỗi giờ đồng hồ có bao nhiêu lượt xe ra vào ...
4-Đi giao lưu
4.1-Đi đám ma, đám cưới. Đám ma thì không nói và không dám nói nhưng dân ta thích “Hoành tráng” và dân ta cũng có tật “Con gà tức nhau tiếng gáy”..., đám hỏi, đám cưới nào thật đông, thật nhiều xe, ăn thật nhiều mâm là chủ nhân hả hê lắm...!
Đi đám cưới, đút tiền vào cái hộp, bắt tay gia chủ rồi vừa xem “Văn công” vừa ăn thật nhanh..., ăn xong... đứng dậy ra về.
Có ai đồng ý với tôi rằng chẳng còn ý nghĩa của “Đám cưới” nữa, những “Ngày đẹp” nhiều người phải “Chạy xô” đến hai ba đám...
Sao người ta lại cứ làm khổ nhau thế nhỉ...!
4.2-Các loại giao lưu khác bao gồm tham dự, chúc mừng, liên hoan bảo vệ luận văn luận án, thăng quan tiến chức, khai trương, sinh nhật, đầy tháng, đầy năm...
5-Đi nhậu. Ngoài 1001 kiểu nhậu dùng tiền chùa, hay có tính chất “Trả nợ” thì đáng buồn rằng ở ta bi giờ xem thường việc mời nhau đến nhà dùng bữa, muốn “Hoành tráng”, muốn tỏ ra “Sành điệu” thì nhất định phải ra nhà hàng cho dù không biết ở đó người ta cho mình ăn gì, ở đâu ra, có độc hay không..!
6-Đi chơi. Thật ra, cụm từ “Đi chơi” nhiều khi ám chỉ tất cả những cuộc đi mà không phải “Đi làm” bởi người thật sự “Đi chơi” rất ít, đi thăm thú một địa danh, một công trình, đến công viên...
Ngồi cả ngày cũng không nói hết những mục đích của những người đang chen nhau trên những con đường đầy khói bụi kia nhưng ý tôi muốn nói.
1-Cách tổ chức bộ máy chính trị, hành chính và đời sống chính trị, hành chính.
2-Đời sống Văn hóa nói chung của xã hội.         
Có ảnh hưởng rất lớn đến lưu lượng giao thông
-Nếu người ta không phải đi những vụ “Chạy”, từ chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy chức đến chạy án.
-Nếu những cơ quan công quyền sắp xếp gọn gàng vào một điểm, một khu (như kiểu ở Đà Nẵng), rồi trình tự giải quyết công việc hợp lý, lấy tính hiệu quả làm mục đích, không phải bận tâm đến “Phong bì” “Bồi dưỡng”, “Bôi trơn” để “Hành” không phải là “Chính”.
-Nếu người ta không đi lễ để hy vọng thăng quan tiến chức, thể tham nhũng trót lọt, để trúng lô trúng đề...
-Nếu bớt đi tham vọng “Hoành tráng”, khi chia vui sẻ buồn có mươi mười lăm người ở bên thậm chí đến vài chục người “Thật sự” thăm hỏi đã là mừng lắm.
-Nếu những “Đám” cùng không quan tâm đến độ “Hoành tráng”, tiệc cưới bốn năm chục mâm (300 khách) là đủ, cùng lắm đến trăm mâm (600 khách) đã là ghê gớm. Đừng đưa nhau vào hoàn cảnh “Phải đi”, phải “Trả nợ miệng”
Và nhiều cái nếu nữa ...
Tôi đảm bảo, lưu lượng giao thông sẽ giảm đi rõ rệt và dài lâu...!

Cùng với việc hiện đại hạ tầng giao thông, bố trí khiến trúc đô thị hợp lý thì những thay đổi trong đời sống chính trị, hành chính, văn hóa của mỗi người dân là những giải pháp bền vững cho vấn nạn giao thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét