Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

LÒNG MẸ...!




Người mẹ nghèo, 
Héo hắt
Mắt thẫn thờ, 
Bất lực
Nhìn đứa con, 
Nghiện ngập
Ngồi ôm gối, 
Tay rung
Mắt thẫn thờ, 
Hoang dại
Ngôi nhà xiêu
Trống huơ, trống hoác
Trên ban thờ
Ảnh người cha, ngơ ngác, đẫn đờ
Lòng mẹ
Muốn đến ôm con
Nhưng sao chân, không thể bước
Từ hồn mẹ, lời ru, muốn hát
Nhưng sao, nén ở trong lòng
Có phải không, số phận
Mẹ không oán giận
Chỉ tái tê,
 nghĩ đến ngày về
Tiên tổ
Ôm bố
Nói gì...?

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

BIA HƠI HÀ NỘI-Một thời để nhớ ... !

Những năm đầu 90, khi đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài mới làm được đến Mai Dịch, ở đúng đầu đường cao tốc ấy (Tức là giữa cái cầu vượt Mai Dịch bây giờ) có một quán bia nổi tiếng lắm, bia hơi Thảo Béo.
Nghe nói, Thảo Béo có chồng làm công an rất to, phải có “Máu mặt” mới lấy được nhiều bia hơi Hoàng Hoa Thám và cũng phải “có máu mặt” mới duy trì được quán bia lớn thế.
Ngày nào bia Thảo Béo cũng đông, nó đông từ cuối giờ chiều đến mười, mười một giờ đêm.
Từ ba rưỡi đến năm rưỡi là giờ “Giải quyết” của những ông cán bộ chính quyền, những vụ việc trong ngày, dù đã được giải quyết..., sẽ được giải quyết hay còn đang gặp khó thì các đương sự vẫn mời các ông ra đây để tổng kết, để cảm ơn, hay để ..., “Xin chỉ đạo tiếp”... !
Nếu không có hội họp gì đặc biệt thì ngoài ba giờ, cơ quan nhà nước còn có việc gì đâu..., những lời mời thì luôn có sẵn ..., chẳng bao giờ hết, phải sếp hàng và các ông cũng phải giải quyết lần lượt chứ cái thứ này không tăng năng xuất được..., không hai, ba trong một được...!
 Khi những cái bụng đã căng tròn, không thể níc thêm được nữa, những khuôn mặt bóng mỡ dường như cũng sưng lên, đỏ gay .., các ông vươn vai đứng dậy, ề à nói lời cảm ơn khổ chủ nếu công việc đã xong..., chỉ thị bổ sung cho bước tiếp theo nếu công việc còn vướng mắc..., ông nào có vợ con không quá dữ hay khổ chủ mời quá nhiệt tình thì điểm đến tiếp theo sẽ là Mát xa hay Ka ra ô kê..., nhường chỗ cho loại khách thứ hai.
Sau năm giờ rưỡi, quán Thảo Béo thuộc về dân làm ăn..., từ những công nhân đánh cắp si măng, sắt thép, máy móc, dây điện, bán được rồi, kéo nhau vào đây để ăn và chia.
Cánh cai thầu chiêu đãi bên A và những tay thợ cả, đám lái xe tải “Giải khát” sau một ngày vất vả, những thương vụ “Không thể bàn ở cơ quan” cũng sẽ được quyết định ở đây.
Giờ này còn có những Bác sỹ bệnh viện 198, bệnh viện Từ Liêm..., số ra đây để bàn chuyện chuyên môn cũng có nhưng chủ yếu là được gia đình người bệnh “chiêu đãi”..., cái thời sắp hết khổ..., miếng ăn miếng uống còn quan trọng lắm ...! Bây giờ, chả mấy Bác sỹ như thế nữa.
Rồi thầy và trò mấy trường đại học Sư Phạm, ngoại ngữ, Thương Nghiệp, Trung cấp Thương nghiệp, có khi là chiêu đãi nhau sau bảo vệ đề tài, sau một chuyến công tác nhưng chủ yếu vẫn là học trò “Làm việc” với thầy trước khi bảo vệ, thi hay xin nâng điểm...
Cũng là giờ cánh nghệ sỹ khu Văn công Mai Dịch kéo nhau ra lai rai, những khuôn mặt quen thuộc, nổi tiếng như mấy ông hài, ca sỹ chỉ loáng qua làm vài vại rồi vội vã đi, họ thật sự bận, còn phải kiếm thêm ở các quán cà phê âm nhạc. Những người ở lại thường ngồi rất lâu, uống rất nhiều nhưng ăn rất ít... họ là những diễn viên của những bộ môn hết thời như chèo, tuồng, múa rối... hay giảng dạy những môn không được “Mốt” lắm, chẳng ma nào cần .. “Học thêm”, vài người để râu tóc thật dài nhưng đặc điểm chung của nhóm văn nghệ sỹ là gầy..., chẳng có ai béo tốt như thường thấy ở giới kinh tế, chính trị.
Từ bảy rưỡi là giờ của bọn thể thao, những bọn trẻ đá bóng về, quần đùi, áo số, giày tất lấm lem, thường ngồi thành dãy dài sát mép đường 32, đồ nhậu của chúng là kết quả trận đá cá độ, tuy nghèo nàn với lạc rang lạc luộc, quá lắm là nồi lẩu gầu bò nhưng bao giờ bọn này cũng ầm ĩ nhất, chúng nói cười thật sảng khoái, thi thoảng lại cùng nhau đứng dậy hô.
-Một..., hai..., ba..., zô!
Đôi khi, số tiền đá độ không đủ, chúng uống rượu, vừa rẻ vừa chóng ... phê.
Ngồi trong lán là bọn cầu lông, bóng bàn, bọn này tuổi đời thường cao hơn, ít ồn ào hơn, đồ nhậu trên bàn cũng ... tươm tất hơn, ngoài đậu lướt ăn với mấy cọng kinh giới chấm mắm tôm, thường thấy nầm dễ nướng, đuôi bò hầm, ngẩu phín hầm thuốc bắc... Nguồn kinh phí cũng có khi là những trận đánh độ nhưng thường thì họ chia nhau mỗi người mời một hôm.., đa số trong họ là những người có công ăn việc làm nhưng đều ở mức trung bình thấp, cả về thu nhập và địa vị.
Ngồi trong những phòng kính đề chữ VIP, có điều hòa nhiệt độ thường là bọn tennis, cánh này nếu không đi ô tô thì cũng xe máy loại sang như @, Dylent, Vespa... Thể nào cũng có một hai thằng bụng to, trán hói..., những thằng không béo bằng, ít tuổi hơn thường là các “đệ” đi để làm “quân xanh”, cổ võ, vác vợt và ... trả tiền.
Đồ nhậu của họ không như những bọn ở ngoài, thường là đồ hải sản tươi sống như sò huyết, cá song, cá mú..., họ chỉ uống vài vại cho đỡ khát rồi thì dùng ... rượu tây, họ cũng không ồn ào như những bọn kia, phần nào vì phòng kín, âm thanh ở ngoài không lọt vào được nên không phải nói to, vả họ có nói thì ở ngoài cũng chỉ thấy cái mồm mấp máy chứ cóc nghe thấy gì...!
Tôi và anh bạn bóng bàn bước vào trong cái khung cảnh ấy, mụ Thảo béo lừng lững như cái cột đình cháy dở, vai đeo túi dết đựng tiền to như cái ba lô, tay phải cầm cuốn sổ nhỏ, chốc chốc lại nhận một cục tiền từ những đứa thu ngân cho vào bị rồi rút bút ghi ghi vào sổ, mụ cũng không ngớt miệng nhắc các công đoạn khẩn trương phục vụ khách.
-Có ngay...! Có ngay...! Này con...! Tám bia bàn 10 ngay đi...! Các chú chờ lâu quá rồi đấy...!
Nhìn quán bia hoạt động tôi cứ nghĩ về những cái gọi là “Thông tin liên lạc”, chẳng có trường lớp nào, chẳng có huấn luyện tập rượt gì, chẳng có chủ trương trung ương, chẳng có văn bản hướng dẫn mà mọi việc vẫn đâu vào đấy, nhanh như điện...! Có lẽ tổ chức xã hội loài ong loài kiến cũng xuất phát một cách tự nhiên như thế này.
Khu bếp chỉ ngót chục mét vuông, một cái lò than lửa xanh lè liếm vào đáy thùng nước dùng tổ bố như những cái lưỡi ma chơi..., ba cái bếp khò cũng phun lửa xanh lét, kêu phù phù..., những anh đầu bếp cổi trần làm việc như diễn trò, hết băm băm chặt chặt rồi quay phắt ra sau, hất vào chảo..., tiếng mỡ nổ rào rào, lửa bùng lên như người ta phun săng làm xiếc vậy...!
Khởi đầu từ tứ phương, tám hướng những cái lệnh của thực khách
-Tám bia nữa em ơi...!
-Hai đậu lướt...! Hai lạc... em ơi...!
-Ba muống luộc...! Ba đuôi bò hầm...! Mười tám bia..., mà thôi..., bốn mươi bia luôn đi...!
Nhà hàng có chiêu câu khách bằng những loạt bia đầu có tỷ lệ “Hoàng Hoa Thám” cao hơn, khách biết được nên thường gọi liền mấy vại.
Những cô bé cậu bé mặc đồng phục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại tất tưởi bưng đồ ăn thức uống tới, bưng bát và cốc đi.., những cái cốc chỉ còn dính bọt, chồng lên nhau cao có khi hơn một mét, chúng cắp nách hai chồng như thế đi như múa qua đám đông hỗn loạn, miệng vẫn không ngớt truyền tin
-Tám bia bàn 12...!
-Hai đậu lướt, hai lạc bàn 16...!
Từ khu bếp, chốc chốc lại có tiếng.
-Ba ngẩu đã xong...!
-Năm lẩu thập cẩm đã có...!
Những thông tin đến và đi nếu vô tình bị ngưng ở đâu lập tức đã có mụ Thảo Béo nhắc nhở.
-Cá mú hấp sì dầu VIP 3..., nhận chưa...?
-Đã nhận...!
-Trả đậu cho 12 kìa...! Chúng mày nghe thấy chưa...?
-Vâng...! Vâng...! Có ngay...!
Chỉ có mỗi một kẻ thật sự nhàn rỗi, đó là con chó của chủ quán, nó đủng đỉnh, thản nhiên và cũng đánh võng như những đứa trẻ bưng bê, từ gầm bàn này qua gầm bàn khác, nhặt những miếng xương còn nhiều thịt nhất lẫn trong nhoe nhoét những giấy ăn, cọng rau sống, vỏ lạc phủ kín trên nền.. Thi thoảng có thực khách khó tính xua đuổi, nó chỉ nhìn trâng trâng rồi lại lặng lẽ đánh võng qua những bước chân người ngang dọc sang bàn khác chứ ... không thèm chấp...!
Mùi mỡ cháy, hành phi, từ trong bếp bay ra, lẫn với mùi bia thấm dưới nền nhà bốc lên chua loét, mùi thum thủm từ những đôi tất của bọn đá bóng căng trên những đôi giày lấm đất..., tất cả hợp lại thành cái gọi là ..., mùi bia Thảo Béo.
 Khói từ bếp bay ra, từ cái khay to tướng phía trên có con bê quay mà bộ xương cứ lộ dần, lộ dần ..., từ những vỉ nầm nướng rải rác ở các bàn, trộn với khói thuốc lá thuốc lào khiến cái quán mù mịt sương khói.
Nếu không có những câu truyền tin của nhà hàng thì tai chỉ được hứng một thứ âm thanh rào rào, không rõ là gì bởi chúng là tạp âm của những tiếng nói rất to, bàn nọ phải át tiếng bàn kia thì đối tác gồi ngần mới hy vọng lĩnh hội được..., tiếng cười, tiếng chạm cốc và tiếng ... gặm xương, gặm sụn...!
Sau này, cách tổ chức của những quán bia nổi tiếng Hà Nội như Hải Xồm, 19C Ngọc Hà, CLB quân đội có khác đi, sạch hơn nhưng với tôi, bia Thảo Béo vẫn ... ấn tượng nhất...!

Cũng tựa như bây giờ vào quán phở cứ phải ngồi bàn cao lại nhớ “Phở cúi” một thời...!

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

NHÀ MÌNH HAY... ĐỐNG RÁC...!

"NHÀ MÌNH HAY ĐỐNG RÁC...?"

Bác Trần sinh vừa có bài than phiền về nhà mình như đống rác!
Nhiều nhà nửa đùa nửa thật gọi ông bà là "Thái thượng hoàng"...!
Nhà nào Thái thượng hoàng biết mình đã cũ, vui vẻ để con cháu làm ăn, vui vẻ kết hợp văn hóa truyền thống và hiện đại, nhường quyền cho con cháu quản lý thì nhà ấy ăn lên làm ra, con cháu kính trọng ông bà..., có cơ sở để giữ được lề nếp.
Nhà nào Thái thượng hoàng khư khư, sợ mất quyền, không chịu thay đổi, muốn dùng mới nhưng không chịu bỏ cũ..., thì nhà ấy thành ...,đống rác, cháu con có tài giỏi mấy cũng không thể bằng chúng bằng bạn..., cuối cùng, sự kiềm chế biến tình sâu nghĩa nặng thành thù oán..., Thật là vô phúc...!
Giá như ông cụ nhà Bác Trần Sinh tỉnh ngộ để con cháu trân trọng lưu cất vài thứ đồ vào nơi kỷ niệm, nhường không gian cho thế hệ mới học tập, làm ăn thì quý biết bao...!

Bác Trần Sinh than phiền

Sao nhà mình toàn rác

Cháu và con ngơ ngác

Không biết đi lối nào


Cái cổng hẹp làm sao

Ô tô vào không được

Nhưng mắt ông trợn ngược

-Cổng ấy, Bố tao làm!

                                 

Cái mái nhà dột nát

Mọt hết cây nóc rồi

Nhưng ông vẫn bồi hồi

Nhớ bàn tay cha đặt



Cái xe đạp Thống Nhất

Con trâu sắt một thời

Chở gạo với đèo người

Sao vứt đi cho đặng



Cái gì ông cũng mắng

-Nhà này là của tao...!

Muốn ông chết hay sao

Mà chúng mày đòi bỏ



Những cái hay ngoài ngõ

Không thể lọt được vào

Bên trong cái tường rào

Ông sống bằng quá khứ



Chắt, cháu, con mệt lử

Cố sao được bằng người

Nhà vắng cả tiếng cười

Kính thương thành oán trách...



Mong một ngày dọn sạch

Cũ, hỏng vứt hết đi

Chỉ cất những thứ gì

Để vừa phòng lưu niệm



Ông ơi ông vẫn nói

Thương cháu con lắm mà

Hãy nhìn bạn gần xa

Để thấy mình tụt hậu



Măng mọc sao là xấu

Khi tre đã về già

Muốn giữ được phúc nhà

Thì nghỉ đi ông nhé



Ông hãy xem lớp trẻ

Đưa gia thế bằng người

Nhà sẽ ngập tiếng cười

Ông-cháu cùng sung sướng....!

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

LÀO CAI, SA PA-Tốc ký sự

Những người làm thầy thuốc, quanh năm cả đời bó mình trong bốn bức tường bệnh viện, chả mấy khi được đi đây đi đó.
Tôi quen biết một anh nhà báo đi như... chim! Vừa mới Nhật Bổn về lại Tây Bắc..., đi đâu về hắn cũng khoe, nào ảnh đẹp, nào chuyện lạ.
Thây mấy bức ảnh ruộng bậc thang tắm năng thu đẹp quá, tôi tỏ ý thèm thuồng nhưng lại thấy mùa đông đã về, thế là hắn động viên: “Lên đường đi ông, mỗi lúc lại có những vẻ đẹp khác nhau chứ...!
Đúng là ăn nhiều cơm thiên hạ có khác, khôn thế...!
Cái không khí trong lành, thứ xa xỉ của thị thành thì miền núi sẵn có quanh năm..., những con người hiền lành và thực phẩm sạch cũng... sẵn có quanh năm nhưng nếu bạn tôi đi vào mùa thu, được ngắm núi rừng..., à quên núi Tây Bắc (Còn rừng đâu mà nói phét...!) tắm nắng vàng thì mùa đông sẽ được thấy núi mặc áo bông rách, mùa hạ có không khí mát mẻ của độ cao và mùa xuân thì khỏi nói, hoa ban của Điện Biên, Lai Châu, Đào mận của Mộc Châu, Sa Pa.
Ngẫm hắn nói phải, thế là tôi rủ hai “Đệ” lên đường.
Sẽ chẳng có gì để nói ngoài việc lên đến Sa Pa thì vừa tối, mây mù tràn về nhuộm trắng tất cả, chỉ nhìn thấy 6-7 mét đường, còn thì là gì...? Đường...? Vách đá...? Hay vực sâu...? Thôi..., “Yếu thì đừng ra gió”. Gọi lên Thác Bạc.
-Anh ơi...! Mù lắm.., nguy hiểm lắm..., em không lên được đâu..!
-Ở lại Sa Pa thôi...!
Tôi phán.
-Di.. ê...ê...!
Và hai đệ giãy lên vì ... sung sướng!
Gọi cho hai người thân, chẳng ai nhấc máy..., cái số mình nó thế đấy, hông đi được thì í a í ới mời gọi, dẫn xác lên đến tận đây, tối trời, mưa lạnh thì lại chả gọi được ai
Những cô gái lượn xe máy mời mọc.
-Mời chú về nhà cháu nghỉ, 250 nghìn, có điều hòa hai chiều, ngay trung tâm...
Đã định tặc lưỡi theo chúng nó thì thằng Tùng mới gọi lại.
-Anh đến Thiên Ngân đi, em ra ngay...!
Mấy cháu gái đon đả
-Thiên Ngân ạ.., chú rẽ trái ở kia, ngay cổng chợ í chú ạ...!
Hay...! Một nét mới của những người kinh doanh du lịch Việt Nam..., không cố kỳ kèo, không “Nói xấu” cơ sở của nhau.
Khách sạn ở vị trí khá đắc địa nhưng..., lạnh quá, sờ vào cái gì cũng như đá, cậy quen biết xuống mượn cái lò sưởi mới ..., sống được!
Tắm rửa xong, xuống đường, việc đầu tiên là mua thêm áo rét, những cái... “Mặc được” đều có giá >500 ngàn.
-Hàng Trung Quốc mà đắt thế cô..?
-Đâu...! Hàng Việt Nam đấy chứ chú...!
Cô bán hàng đon đả lật những cái Mác có dòng chữ “Made in Vietnam”, con gái ghé tai.
-Bố ơi! Mác này họ mua ở chợ Đồng xuân về móc vào đấy...!
Chọn mãi mới có hàng bán..., 200 ngàn, ô kê, ấm cái đã.
Ăn đồ nướng, không đắt lắm và không ..., “Bẩn lắm”.
Những đứa trẻ người H’Mông bé tý ngồi bán hàng bên đường, vẻ mặt chúng rất đặc biệt, không thiểu não như những đứa trẻ ăn xin hay bán sổ số, kẹo cao su dưới xuôi nhưng cũng đủ để những trái tim không bằng đá phải động lòng.
Con gái kéo tay.
-Bố đừng nhìn chúng lâu..., xin tiền đấy..!
-Chúng có xin đâu con..!
Hắn cứ keo tôi xềnh xệch ra xa
-Con bị rồi..., lần trước, một bọn xúm đến, chúng chào con sành điệu lắm: “Chào bạn! Bạn xinh thế...! Mua cái này làm quà đi...” Đầu tiên con không mua, nó bảo “Thế thì chúng ta kết bạn nhé...”, chưa nói gì nó đã buộc cái sợi dây thổ cẩm vào tay bảo “Tặng bạn”, rồi nó lại gạ ..., con đã mua cho ba đứa, thế là chúng xúm lại đông hơn, con bảo mua thế đủ rồi...! Bố biết không, thế là chúng nhao nhao xin tiền: Bạn cho tớ 1 nghìn đi...! Con phải ù té chạy đấy...!
Một bọn thanh niên khoác khèn đi hùng hục trong mưa..., à...! Hôm nay thứ 7, chợ tình.
Tôi chưa bao giờ được xem chợ tình đúng nghĩa, chỉ qua văn chương và lời kể về một kiểu sinh hoạt văn hóa Mèo, nơi các chàng trai trổ tài, dùng tiếng khèn để gọi bạn tình... những người con trai con gái nắm cánh tay nhau lay gọi..., rồi họ tách ra đến những dốc cây, bờ suối...
Đây là lần thứ hai tôi có mặt ở Sa pa tối thứ 7..., vài người con trai H’Mông múa khèn, khách du lịch đứng quây xung quanh chụp ảnh..., không thể gọi đấy là chợ tình được...!
-Đi chợ tình hả...?
Tôi hỏi một thằng.
-Ừ...! Chợ tình...
-Tao thổi khèn này một cái được không...?
-Được chứ...!
Tôi lần tay bịt các lỗ, phồng mồm thổi, nó chỉ rung lên một thứ âm thanh như tiếng mèo hen...
Mày thổi kêu to hơn không..?
-Thế thôi...!
-Bao nhiêu tiên cái khèn như thế này...?
-Bốn trăm..., mua không..., bán cho...!
-Không có tiền..., mới lại tao già rồi..., không thổi được...!
Sáng sớm chủ nhật lên Thác Bạc.
Chủ nhà là ông Khao, 74 tuổi, quê ở Bình Lục kể rằng:
Quê ông đồng trắng nước trong, đói khổ không sao kể hết, nhà đông anh em, lại là lớn nên ngày từ ngày 14 tuổi ông đã theo người ta lên đây, có lẽ động cơ đầu tiên là để bớt đi một miệng ăn cho gia đình.
Về quê tìm vợ rồi mang bà lên cùng nhau lập nghiệp ở cái chốn quanh năm mây mù này. Sinh được ba người con gái, ông được vào Đảng và chính vì thế ông “Phải gương mẫu” chấp hành lệnh nghĩa vụ quân sự.
Ông kể về những ác liệt chết chóc ở Trường Sơn, ở Quảng Trị, những kinh nghiệm và nhưng may mắn không thể cắt nghĩa... Một lần, ông nói với bạn.
-Bọn nó (Máy bay Mỹ) đánh có giờ, có quy luật, bài bản, sao từ sáng đến giờ chỉ thấy mỗi chuyến OV10..., có khi B52 đấy...!
Nói rồi ông đi về mấy người đang hút thuốc lào, thấy bức ảnh quê nhà của ai dưới đất, vừa cúi xuống nhặt vừa nói.
-Sao đứa nào lại để ảnh...
Mới nói được đến đấy thì đất trời đảo lộn, ông đứng được lên trong mù mịt khói lửa thấy người vừa đứng bên cạnh bị phạt một nửa đầu, đơn vị hy sinh gần hết, ông là một trong hai người... còn nguyên vẹn.
Ông nói về những tờ giấy đối phương ném xuống cho người hồi chánh, những người hồi chánh nay là việt kiều yêu nước, những người đào ngũ nay là cán bộ to đến đâu cũng vênh vang huy chương huy hiệu..., bất giác tôi thấy như đang ngồi trước Bloge trần Đức Thái...
Qua chuyện, thấy ông rất coi trọng “Cái chính trị” của mình (Tôi hiểu là cái Đảng viên), ông cũng biết những chuyện tham ô tham nhũng nhưng ông thật lòng tin tưởng nơi Đảng và Chính phủ lắm.
-Họ muốn tham nhũng gì cũng được nhưng cái chính là đời sống đi lên, họ có vài tỷ dân cũng có vài trăm là được..., chứ cứ như cái thời bao cấp thì ..., chết...! 
Rồi ông bỗng cao hứng.
-Người ta cứ bảo ông Nguyễn Tấn Dũng thế này thế khác nhưng tôi thấy ông ấy đẹp mã, đi lại đĩnh đạc, nói năng gãy góc.., chẳng như mấy ông trước..., nếu cho chọn, tôi vẫn chọn ông Dũng.
Tôi họa theo.
-Anh nói phải lắm, làm quan thì phải có lộc..., nhà ông Dũng kinh tế đã khá..., có cơ sở để tin rằng ông sẽ tận tâm với dân với nước hơn..., em cũng chọn ông Dũng là vì thế...!
Qua cơ sở nuôi cá Tầm cá Hồi, tôi mua một con 1,2kg, hết 480 nghìn, về nhà các cháu bảo: Cháu mà mua chỉ 250 nghìn thôi.
Bữa cơm bên bếp lửa ngon và vui, người lính 8 năm liền ở chiến trường uống rượu cùng tôi, (một thằng đi đến đâu hòa bình đến đấy) và hai thằng con rể ... nhiệt tình như một thanh niên.
Rượu ngấm, tôi nghĩ ra trò để trêu vợ chồng ông
-Em hỏi, anh phải nói thật nhé...! Phải lấy tinh thần dũng cảm của người lính để trả lời nhé...!
-Ừ...! Sợ gì không nói thật..!
-Anh ở Quảng bình bao lâu?
-Ư... ừ...! Lâu đấy...! An dưỡng mấy lần...!
-Thê... ê ... ế..., được mấy đứa...?
-Ứ... ừ..! Làm gì có...!
-Thế thì anh chưa dũng cảm rồi...! Có hai đứa con em đây nhé, em công khai hết, con gái Quảng Bình ngày ấy ghê lắm..., nhưng may, em ngủ lại có hai đêm..., chưa kịp..., anh an dưỡng nhiều lần thì...
Rồi quay sang thằng con rể
-Ông lái xe, có chuyến nào vào trong ấy thì bố trí đưa bố đi..., anh em gặp nhau cũng hay phết đấy...
Cả nhà cười ran, ngoài ô cửa kính, mây mù trắng xóa....
Chuyện thứ hai tôi muốn kể là cái đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Chỉ một nửa là thật sự cao tốc thôi, 4 làn đường, phân cách cứng, tốc độ đạt 100Km/h, nửa còn lại (Phía Lào Cai) chỉ hai làn đi và về, không có phân cách cứng, tốc độ tối đa 80Km/h..., nghe thì cũng được nhưng các bạn lái xe chú ý nhé, xe đang chạy 80 mà xuống dốc là... dính như bỡn...
Kể cũng phải, không có dải phân cách cứng, mỗi khi ngược chiều nhau ở chỗ đường cong đã ghê chết được..., nhưng thế mà gọi là “Cao tốc” thì cũng... “Ngại mồm” thật đấy...!
Một điều buồn cười nữa, con đường qua miền núi, tất nhiên, chỗ chạy qua núi thì nền tốt, chỗ chạy qua khoảng giữa hai quả núi thì nền yếu... ai chả biết thế...! Ấy nhưng, không hiểu có phải từ khi cái chuyện lún đường bị người ta làm ỏm tỏi lên không mà tôi thấy cứ vài trăm mét lại có cái biển “Đoạn theo dõi lún”..., vài trăm mét nữa lại thấy... “Hết theo dõi lún”... cứ thế, cứ thế... không ai dỗi hơi mà đếm xem tổng cộng có bao nhiêu cái biển như vậy để nhân lên xem tốn bao nhiêu tiền...
Một cái buồn cười nữa là, trên đoạn hai làn xe, tốc độ 80 Km/h ấy, thi thoảng lại thấy cái biển ghi: “ĐƯỜNG CAO TỐC HẠN CHẾ”.. hì hì...! Cái biển làm tôi nhớ đến câu khẩu hiệu lâu nay bớt dùng: “TỰ DO TRONG KHUÔN KHỔ”... Hay...! Đã “Cao tốc” lại “Hạn chế”! Đã “Tự do” lại “Trong khuôn khổ”..., hay...! Có ai cấm con cá bơi trong chậu, con chim bay trong lồng đâu...!
Chả hiểu trên trái đất này còn có ở đâu những cái biển như thế này không...? Hay cao là cao, thấp là thấp...?
Đến cuối đường, sau khi nộp lệ phí giao thông thì hiểu ngay, 300 000/lượt, phải là “Cao tốc” thu tiền mới dễ, nhưng tốc độ 80m/h thì cũng như những con được không thu tiền khác nên phải thêm chữ “Hạn chế”, gộp lại chả là “Cao tốc hạn chế” là gì...!
Một điều không nên cười mà phải ghi nhớ khi đi đêm từ Lào Cai về là: Dãy sơn phản quang thường chỉ có ở bên trái nên rất dễ nhầm với dải phân cách cứng..., không chú ý mà ăn sang làn ngược chiều thì tan xác chứ đừng nói bị phạt...!


Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

TẢN MẠN VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN (Tiếp và hết)

Bây giờ sang những đối tượng “Được” cuộc sống và xã hội tạo cho những bất thường về tâm lý mà kết cục cũng dẫn đến thương tổn sức khỏe tâm thần.
Có hai loại: “Được bất thường về kinh tế” và “Được bất thường về chính trị”.
Loại một gồm những người không phài lao tâm khổ tứ, không phải đầu tư tiền bạc, vất vả chân tay nhưng nhờ liều mạng, nhờ vào được ... “Dây” với sếp, nhờ vô lương tâm, tàn bạo, hèn hạ mà có tài sản lớn, có thể bao gồm một số người may mắn trúng lô đề, trúng sổ số...
Loại này không bao gồm những người thực tài, thực chăm, biết làm ăn, biết chi tiêu mà giàu có.
Loại hai gồn những người bằng mọi cách để lên được sếp, họ có tài nhưng là tài nịnh, tài hối lộ, tài mua bằng cấp..., cái ghế họ mua với giá khá cao (Từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ) nhưng sẽ chả thấm gì so với lời lãi mà họ sẽ sớm được hưởng. “Tiền nào của í” là lị..., chẳng kinh doanh gì lãi nhiều và nhanh như buôn chính trị.
Loại hai không bao gồm những người thật có tài, thật có tâm, tức là có khao khát cống hiến, có khả năng cống hiến lo cho dân cho nước.
Như vậy, loại hai thường kéo theo loại một “Được bất thường về kinh tế”, nhưng loại một có thể không dẫn đến loại hai, tức là làm chính trị thì giàu có, nhưng giàu có không nhất thiết phải làm chính trị, những vấn đề liên quan đến chính trị họ sẽ dùng tiền mua.
Những người thuộc loại một, giàu có không phù hợp với khả năng của mình nhưng, “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, họ nói năng, hành xử như thể họ là người tài năng, người thuộc đẳng cấp thượng lưu, cái gì người tài giỏi chưa làm được thì họ cũng ..., mua được ..., cứ thế, những người quanh họ giúp họ luôn ngộ nhận về mình để đưa ra những phát ngôn những hành động kỳ dị.
Một chừng mực nào đó, có thể coi người có bệnh tâm thần là người mà thể xác không ăn nhập với tinh thần và những người giàu có “Bất thường” này rất hay như vậy. Họ cho rằng chỉ họ mới “Biết làm ăn”, lãnh đạo đã là những thứ “Tinh túy” của loài người mà họ vẫn “Mua” được thì không có gì họ không có thể, kể cả văn hóa, nghệ thuật.
Tôi không muốn nói nhiều đến loại này, xin kể một ví dụ điển hình.
Vợ chồng H chơi thân với tôi sau vài lần đến chữa bệnh, nó là kỹ sư tin học làm việc cho ngành hàng không, vợ là nhân viên của một cơ quan nhà nước, nếu chỉ có thế thì chúng cũng được coi là “Thoát nghèo” nhưng mẹ H bị bệnh mạn tính, ba đứa em gái nhỏ từ quê Miền Trung ra ăn học, bên vợ cũng không hơn gì..., tất cả đã kéo chúng nó ra khỏi chữ “Thoát”, tức là vẫn nghèo, và cũng chính vì chúng nghèo mà tôi chơi thân được.
Cả hai vợ chồng cùng chăm chỉ, H buôn bán đồ điện tử Xì cân hen (hơn chục năm về trước), vợ mở thêm đại lý chăn-ga-gối-đệm Hàn Quốc
Đùng một cái thấy căn hộ cũ kỹ được tân trang và lắp toàn bộ đồ “Xịn”.
Đùng một cái, khi tôi nhờ mua thêm cho cái ti vi, Tô xi ba, xì cân hen, giá chỉ vài trăm nhưng nó bưng đến cái Panasonic mới tinh trị giá hơn 5 triệu ..., biếu anh chị.
Đùng một cái, thấy nó đi xe CRV mới tinh       
Thấy em khá giả, nghĩ chúng nó làm ăn gặp gỡ, tôi mừng nhưng cũng từ đó quan hệ không thường xuyên, không mặn mà như trước.
Thế rồi lại ..., “Đùng một cái” chúng mua nhà ngót 30 tỷ, đi ô tô 6-7 tỷ..., một lần tình cờ tới nhà tôi thấy chúng có vệ sỹ, có hệ thống che chắn chống quay phim chụp ảnh trộm, đời sống thật là vương giả.
Tôi không biết tí tẹo gì về làm ăn buôn bán nhưng cũng thừa hiểu rằng: Không phi pháp, không mạo hiểm thì không thể có những thứ ấy..., trăn trở một lúc, tôi quyết định gọi hai vợ chồng ra, nói nguyên văn thế này.
-Anh không biết và cũng không có ý hỏi các em đã làm gì để ra số tài sản mà các em đang có, trước hết, anh mừng cho các em... Phải nói rõ rằng, các em có giàu nữa anh cũng không xin, và ngược lại, các em có nghèo mấy anh cũng không có để cho. Anh chỉ khuyên cô chú hãy biết dừng đúng lúc, hãy nhớ rằng mười năm trước có mơ cũng không thấy đời sống hiện nay ...
Ra điều suy nghĩ, rồi vợ nhìn chồng, thằng chồng còn im lặng lúc nữa mới tỏ vẻ quả quyết.
-Vâng! Chúng em xin nghe lời anh!
Tôi biết thừa..., chúng không khoái gì lời nhắc ấy..., những kẻ vô thần nhất nếu lọt vào những loại “Được bất thường” này cũng trở nên cực kỳ mê tín nên không khoái những lời gàn dở như vậy.
Thế rồi lại ... “Đùng một cái” được tin vợ chồng nó bị bắt, cứ nghĩ tài sản ấy cũng đủ cho các con chúng dùng cả đời không hết..., đến hỏi thăm mới biết, chẳng những mất sạch sành sanh mà sổ đỏ của tất cả gia đình anh em nội ngoại đều đã bị cầm cố..., chúng nó vào tù và cả hai họ... ra đường..., thật là thảm cảnh ..., cả khi được và lúc thua đều ngoài sức tưởng tượng.
Ông bố vợ nó mất và nó được về chịu tang (Tội nhẹ hơn vợ), tôi cố tình coi như không có chuyện gì, chỉ động viên nó ngắn gọn.
-Em đã từng nghèo, bây giờ chỉ là quay về chỗ cũ thôi, hãy nhanh chóng quên đi để làm lại từ đầu.
Nhưng thấy nó bất thường, nó cười, nó nói, nó ...  vừa mới được bất thường lại bị mất bất thường, nó đã bị ..., tâm thần...!
Chúng nó “Vào dây” với một tay công an bậc nhất thành phố, cái ghế của Sếp có tín hiệu lung lay, nhưng tín hiệu từ tít trên cao, chúng biết làm sao được..., theo quy luật, những cái dây bị chặt trước khi cái ghế..., chổng kềnh.
Loại “Được bất thường về chính trị” mới ..., kinh hơn nữa! Vì cho rằng ít người nghĩ tới nên đây mới là vấn đề tôi muốn nhấn mạnh.
Phải có tài mới làm quan được, cái tài hơn người của Quan là “Biết sử dụng người vào đúng năng lực của họ”, biết động viên sức dân, biết tổ chức, biết ra những quyết sách phù hợp, tóm lại là biết sử dụng sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chức trách của mình, đưa cộng đồng đi lên no, ấm, giàu có, văn minh...,  những người không có tài ấy mà cố tình làm quan thì chỉ mang họa cho xã hội và có khi cho ..., chính bản thân họ.
Ngày xưa, thời “Phong kiến thối nát”, ông ngoại tôi được người ta gọi là “Cụ Cửu”, tức là “Cửu Phẩm” nhưng xuốt đời vẫn chỉ là một ông nông dân có của, Mẹ tôi bảo: “Ông mua chức ấy cho oai thôi! Chức mua chỉ là danh dự chứ không làm quan được!”
Thời “Ngàn lần hơn” ngày này thì khác, tôi quả quyết cho rằng: Tất cả các chức vị xã hội, từ lớn nhất đến nhỏ nhất, từ cô quản lý chợ đến ... “Thượng tầng kiến trúc”, dù hình thức này hay hình thức khác đều có thể quy ra “Giá thành” cả (Tức là, người mua có thể không mất tiền nhưng mất cái khác, bên bán có thể không được tiền, vàng những được cái khác tương đương).
Gần đây, trên thông tin đại chúng, cả lề nọ lẫn lề kia xôn xao chuyện 300 triệu cho một biên chế giáo viên..., cứ thế mà suy thì nhận định của tôi chắc cũng không sai lắm...
Vấn đề muốn nói là, ngược với ngày xưa “Chức mua không làm quan được”, thì ngày nay “Phải mua mới được làm quan”.
Có thể có những người thực tài, và có tiền nhưng nhưng số đó không nhiều vả lại, khi cỗ máy Chức-Tiền đã hoạt động thì có muốn cũng không tránh được...!
Thế là họ như người mặc áo không vừa cỡ, thế là họ được tâng bốc nịnh nọt, họ nói gì xung quanh cũng bảo hay, họ quyết gì xung quanh cũng bảo đúng..., họ luôn có được cảm giác của vua chúa..., tinh thần họ tê mê bay bổng, lìa khỏi cái xác, cái bản chất vốn thấp kém chức của họ..., nếu họ là Giáo sư, Tiến sỹ, vị trí của họ là kết hợp chính trị và khoa học thì còn ... kinh khủng hơn nữa...!
Cũng vì cái chức quá lớn so với cái tài, bản thân họ cũng không lý giải nổi nên họ nhanh chóng mê tín dị đoan, họ cho rằng cái ghế họ mua được, tài sản của dân chạy vào túi họ là ... “Lộc”, lộc của Trời, Phật, Thánh Thần..., cho!
Tín ngưỡng không sai, không xấu nhưng có ai tự đặt câu hỏi: Những đối tượng nào đi lễ nhiều nhất...? To nhất...? Tôi thì cho rằng giới buôn bán và những người làm chính trị, những người kiếm tiền bằng những việc nặng tính may rủi như lô đề và những quan chức có ghế cao hơn khả năng nhiều lần..., mỗi khi cần giữ ghế, đổi ghế to hơn, họ thường mới thầy xem và cúng lễ rất cẩn thận...
Từng nghe người ta đóng cửa cái phủ nổi tiếng nọ để những “Thanh đồng” to vật... hầu đồng..., muốn lên chức “Rõ to” lại đem chặt cành cây nhà hàng xóm (Chức thì nó bằng nhưng lực nhà nó hơn nhiều), nửa đêm dùng xe chuyên dụng cẩu mấy cây to tướng trước nhà vì thầy phán: Chúng “Hãm” chủ... Thế rồi cái ghế “To vật” ấy nó to quá, to đến mức không phe nào tranh được, người ta phải chọn một người thật ... “Hãm” cho ngồi vào đấy...! Thế là tiếc, thế là ân hận đã chặt cành nhổ cây..., thế là ốm chết khi chưa kịp biểu hiện những bất thường....!
Ngày nay, chẳng ai lạ gì chuyện quan chức chăm đi lễ, Đảng và Nhà nước ta rất tôn trọng tự do tín ngưỡng nên chẳng ai nói được gì, chẳng ai buồn nói gì nhưng cứ để ý những người quá chăm đi lễ ấy, nghe người ta nói vanh vách về các phương trời, cửa phật, thánh thần mà xem ..., có cái gì khó nói nhưng hình như thân xác và tinh thần của họ cũng đã lìa xa nhau...!
Những “Bề dưới”, “Thần dân” của họ có thể được chia thành ba loại:
Đa phần là ... “Nịnh đểu”, họ biết thừa năng lực của sếp nhưng nịnh mà có lợi, nịnh mà ra tiền ra ghế thì chẳng tội gì mà không nịnh! Nịnh hay không nịnh cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai..., mình không nịnh..., nịnh không hay, không khéo thì kẻ khác nịnh mất... thế là ở đâu cũng có cuộc chạy đua về trình độ “Nịnh sếp”, chăn sếp.
Một bộ phận rất lớn, có thể do ... “Trình độ hạn chế” và được “Tuyên truyền “, “Răn đe” quá mức, họ thật sự thần thành sếp, coi sếp là “Siêu nhân” cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi và họ tự cảm thấy cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào sếp... Nói nhóm này có trình hộ hạn chế là vì: Tiền nhà nước, (tức là tiền của dân trong đó có chính họ đóng góp) nhưng khi được hưởng một chút (Có thể coi là rất rất ít so với đóng góp của minh) ví như quà cho phụ nữ nhân ngày 8-3, cho cựu chiến binh ngày thành lập quân đội, ngày 2-9, ngày 30-4 ... họ đều hiểu rằng đấy là ... “Sếp cho”, “Lộc của sếp”...., tiếng lành đồn xa, khi sếp chưa ngã hay chưa nghỉ thì uy danh của sếp vì thế, ngày càng vang dội...!!!
Một bộ phận rất nhỏ những kẻ hiểu biết và có liêm sỉ, họ luôn im lặng.
Ngày tháng qua đi..., sẽ đến lúc chính sếp cũng phải phục sếp, không hiểu sao sếp lại tài đến thế..., kể từ đấy cái tinh thần của sếp bắt đầu phân ly khỏi cái thể chất để đi mây về gió.
Xin kể ra đây mấy ví dụ               
1-Ngay sau 30-4-1975, một cán bộ tập kết được vào làm Giám đốc xa cảng miền tây. Chỉ sau vài tháng, chẳng hiểu bọn “Ngụy quân ngụy quyền” cho lão ăn những gì, nịnh lão ra sao mà lão ra những quyết định quỷ quái, cuối cùng lão hùng hồn tuyên bố “Thành lập vương quốc riêng..., luật lệ riêng...!”
May mà “Bạo lực cách mạng” kịp thời di lão như người ta di một con dệp để lão vào nằm Chí hòa, nếu không đã lên Biên Hòa điều trị tâm thần...
Lão... “Được” như thế đấy...!
2-Ông Giáo sư, Tiến sỹ, từ khi được làm Giám đốc bệnh viện nọ luôn có cách nói thể hiện mình như một “Lãnh tụ”, một “Hiền triết”, tất nhiên, chất Lãnh tụ, hiền triết trong ông ngày càng nặng phần lớn do được nịnh, được sợ, được im lặng
Ông tự tay đi mua từng đôi dép, cái áo cho nhân viên, ông tự thiết kế những công trình “Vừa và nhỏ”, có khi “Rất nhỏ” ..., thế là người tốt thì bảo ông tỷ mỉ, chu đáo, tận tụy..., người ngứa mồm thì bào ông tham lam, tủn mủn.
Khi chủ trì giao ban không chú trọng bổ xẻ những ca tử vong, những bệnh nhân nặng, những lề lối làm việc..., thay vào đó, ông nói về những Tổng thống Nga-Mỹ, những văn hóa đông tây kim cổ, nhưng ngôi sao nhạc Pop, những danh thủ túc cầu...
Khi làm chủ tọa sinh hoạt khoa học, ông chỉ chăm chăm xem N là bao nhiêu, hệ số tin cậy thể nào, chứ không quan tâm đến tính khoa học, đặc biệt là tính hiệu quả.
Chẳng ai có thể ngăn cản nên càng ngày ông càng đi mây về gió.
3-Một người bình thường về tâm thần, tầm thường về địa vị xã hội cũng luôn biết khi nào, ở đâu, vai trò của mình là gì..., khẩu khí khi dạy con phải khác lúc hầu chuyện bố mẹ..., người lẫn lộn là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ví như ông Chủ tịch nước là người đứng đầu một quốc gia, nếu sức khỏe tâm thần ông tốt thì trên chính trường phải luôn thể hiện là người đứng đầu, nhưng khi về nhà thờ họ phải đứng theo vai vế..., khi ra đình phải ngồi đúng cái chiếu dành cho lứa tuổi của mình...
Khi hầu chuyện bố mẹ, thầy giáo cũ... mà quen mồm thuận tay nói năng quát tháo vung vít thì sức khỏe tâm thần của ông... có vấn đề...!
Anh bạn kém tôi đến 5-6 tuổi nhưng giỏi lắm, mới được làm Giám đốc cơ quan, anh tôn trọng bảo tôi và những “Người cao tuổi” lên ngồi bàn đầu, tôi bảo: “Không...! Tuổi tác thì về nhà hay ra ngoài đình, đây là cơ quan..., anh là tướng, ngồi trên cùng, tôi là lính trơn, nên ngồi dưới cuối...!”
Gần đây, nghe nói có ông ĐBQH, bằng cấp cũng đầy người, chức vị đương nhiên là cao ngất ngưởng... hình như ông ngộ nhận mình là “Thiên tài”, mà tài năng đến tầm “Thế giới” chứ không phải tẹp nhẹp trong nước..., tài đến mức có thể thay đổi được cục diện kinh tế-chính trị nhân loại..., nên sau khi “Hiến kế” cho một nhà độc tài I Rắc không được, ông quay sang ban phát những lời lẽ “Thô thiển” nhất cho các “Đồng sự” của mình..., chả biết sức khỏe tinh thần của ông ấy đã sao chưa...?
Rồi có ông tướng gì to lắm, to nhất trong một đạo quân anh hùng, thoạt đầu người ta thấy lạ khi ngoại bang hung hăng, vượt qua biên giới, ngang ngược hà hiếp người dân và lực lượng của ông ..., người ta mong mỏi, người ta chờ đợi nơi ông một tuyên bố đại loại như.
-Đừng nghi ngờ...! Hãy dừng lại khi chưa quá muộn...!
Thậm chí ông .., “Ho” một cái cho quân thù biết sợ.., không...! Ông im lặng ...!
Và khi nói thì ông cho rằng đó là chuyện... “Bình thường”!
Bản lĩnh ông tướng .., ghê thật đấy...! Nắm trong tay máy bay, tầu bò, xe tăng tầu lặn có khác ...!
Sau vụ ấy, người ta “Nể” ông lắm ...!
Nhưng nghe nói, gần đây ông đưa ra những lý do để phong tướng cho anh em là nhằm tránh ... “Tâm tư”..., và để..., ngộ có đi đâu thì số sao trên quân hàm của đoàn ông cũng ..., bằng chúng bằng bạn..., thì không ít người lo ngại, chẳng biết ông có làm sao...?

Chả nhẽ ông tướng oai phong là thế, bản lĩnh to thế lại giống ông Gs, Ts, Giám đốc mua giầy mua dép kia sao...?

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

CHUYỆN BẠN THƠ

Trên Blogtiengviet, chả mấy ai không biết cái tên Duệ Mai. Tác vừa có bài thơ mới "Thiếu một mùa đông"
 
Ta đã vẽ được mùa xuân
Bằng những sắc xanh hy vọng
Có đàn Én chao cánh mỏng
Cây non hé búp yên bình

Ta đã vẽ được mùa hạ
Đôi lằn nắng lửa mưa giông
Đỏ chói ngang trời tia chớp
Bão tan đất lại mềm lòng

Ta đã vẽ được mùa thu
Thấp đằm sắc vàng của nắng
Thầm lặng từng làn mây trắng
Du miên theo ký ức về...

Nhưng chưa vẽ được mùa đông
Tô màu gì cho gió bấc?
Hay là mông lung ánh mắt?
Hay là bôi xám toàn khung?

***

Bởi không vẽ được mùa đông
Nên vòng luân hồi còn khuyết

Làm sao tu cho trọn kiếp
Khi còn thiếu một mùa đông?!
(Duệ Mai)
 
 
Với tôi thì thơ của mụ này ... kinh lắm! Khi nào đọc cũng phải căng hết cái đầu ra, cố đoán xem mụ xỏ xiên ai, soi mói điều gì đằng sau những câu từ êm như nhung, ngọt như mía lùi ấy...!
Xem qua cái khung xám xịt, biết tỏng cái ý đồ của mụ, điên tiết, tôi mới quăng cho một đống đá vào nhà rồi phủi tay ... đi về.
Đống đá của tôi như thế này đây.
 
 
Cảm nhận bài: KHÔNG VẼ ĐƯỢC MÙA ĐÔNG (Duệ Mai)
Duệ Mai.... Ghê thật đấy!
Khoe khéo rằng vẽ được xuân, hạ, thu chuẩn chỉ lắm, rồi vờ vịt bảo là không vẽ được mùa đông, lại ngây ngô hỏi:

Hay là bôi xám toàn khung...?

Sợ người ta không hiểu, "Bật mí" đến thế là cùng...!
Thôi thì đưa cái khung xám ấy ra đây, cho xin tý màu đỏ nữa để tôi chấm thành bếp lửa, bôi lên má đứa con gái dậy thì và cây bàng đầu ngõ... dùng bút thấm nước lã, rửa bớt cái nền xám đi là thành cái bến sông trong sương.
Đấy! Chả vẽ được mùa đông là gì...!
"Bán lại" cho tác giả bức tranh đông nhé! Giá bao nhiêu cũng được, càng nhiều càng ..., đỡ rét!

Tối trời, tối đất, tối áo bông
Bên đồi le lói chấm lửa hồng
Xám tay, xám mặt bà run bước
Má hồng con gái.
Đấy...!
Mùa đông...!

Áo đỏ cây bàng thôi ngóng trông
Ô cửa nhà ai khép cõi lòng
Cắm chèo bên bến nằm tránh rét
Đục mờ ông lái lẫn bến sông

Này nữ sỹ ơi, có phải không
Quen với sắc xuân với trời hồng
Quen “Thời hoa đỏ” say mê cháy
Nhớ đậm sắc vàng, nhớ “Thu không”

Hết hạ, hết thu phải sang đông
Trách ai sao nỡ tắt lửa lòng
Quên mái tranh nghèo, quên bếp lửa
Lắng hồn, tích nhựa,
Đấy... !
Mùa đông...!
 
Tôi đã treo bài này lên rồi lại hạ xuống, chờ đọc cái phản hồi may ra rõ ý tác giả.
Thơ Duệ Mai luôn hấp dẫn những người như tôi là ở chỗ, tác giả mô tả một hiện tượng bình dị để rồi người đọc tự đặt câu hỏi và trả lời.
Phải lắm, ta đã quá quen với ca ngợi, nhiều thứ để ca ngợi, nhiều mỹ từ, nhiều ngoa từ để ca ngợi...
Trong khi ca ngợi ta quên mất câu ngạn ngữ "Mặt sau của tấm huân chương".
Người ngắm chỉ thấy tấm huân chương rực rỡ, chói lóa ánh vàng, không mấy ai để ý mà thấy rằng phía trước càng "Vươn cao" bao nhiêu thì vết lõm đằng sau ... càng sâu bấy nhiêu.
Trời đất luân chuyển Xuân-Hạ-Thu-Đông, con người cùng vạn vật tồn tại với quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử.
Người ta yêu thích cái mơn mởn của mùa xuân, chói chang của mùa hạ, thắm đậm của mùa thu và vì yêu mên, người ta thể hiện ước muốn "Mãi mãi mùa xuân" bằng cụm từ "forever" (Muôn năm).
Người ta dùng phẫu thuật thẩm mỹ, son phấn và lụa là để cố trốn nhưng những gì là quy luật không thể chiều lòng người.
Vẽ một bức tranh đông bằng thơ là không khó với Duệ Mai nhưng tác giả để ngỏ, để thức tỉnh ai đó quên mùa đông..., Nhắc nhở ai đó chưa bao giờ ngó tới, sờ vào cái ... "Mặt sau của tấm huân chương"...!

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

DẪU CHẢ BIẾT GÌ-CŨNG LÀ NGUYÊN XOÁI...!



Bếp mẹ đi vắng
Em thành chỉ huy
Dẫu chả biết gì
Cũng là nguyên xoái
Thằng anh chỉ khoái
Chế món mì tôm
Bố ăn vài hôm
Gầy đâu mà sợ
-Thôi!
Đưa em ra chợ
Mua nấm, thịt băm
Hành tươi rau răm
Nấu canh cho bố
-Bố cứ ở nhà
Làm thơ đi nha!
Cơm tám Điện Biên
Thịt rang ba chỉ
Bát canh tuyệt mỹ
Bố ưng chưa nào
Sung sướng làm sao
Bữa cơm con gái!

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

TẢN MẠN VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN


Thần kinh học đã là một lĩnh vực khó, tâm thần học còn khó gấp bội.
Có một danh nhân nào đó đã xếp Phẫu thuật thần kinh là một trong 10 nghề khó nhất của loài người.
Tôi được người ta gọi là Phẫu thuật viên thần kinh, nhưng tự nhận thấy còn xa lắm mới xứng đáng. Năm 1998, trong bữa trưa đơn giản ngay tại khu mổ, ông thầy người Nhật hỏi.
-Mày có vi phẫu chưa?          
Tôi thành thực trả lời
-Dạ, chưa...!
Ông suy nghĩ một hồi rồi thủng thẳng nói.
-Mày nói rằng mày là Phẫu thuật viên thần kinh..., rồi mày lại nói chưa có kính vi phẫu ..., người ta sẽ hiểu ngay..., mày chưa làm được gì...!
Kể thế để biết rằng tôi chưa phải là phẫu thuật viên thần kinh.
Ở Việt Nam, cánh Phẫu thuật thần kinh từng bị xem nhẹ, không được “Hoành tráng” như Bác sỹ mổ bụng..., mổ tim..., nhưng ở nước ngoài (Những nước phát triển) họ coi trọng lắm..., một lần đang lang thang ở bãi đá cổ Sa Pa, gặp một đoàn Thụy Điển, một thằng trao đổi với tôi những cảm nhận về Sa Pa và bãi đá, nó giới thiệu là nhân viên nhà băng rồi hỏi tôi làm gì, rồi nó tỏ ra hết sức ngạc nhiên (Có lẽ tại lúc ấy nom tôi “Phủi” quá) khi biết tôi là phẫu thuật viên thần kinh..., quay về đoàn, nó nói gì đó mà tôi thấy mọi người nhìn mình, vài người giơ tay vẫy .., khi tình cờ lại đi qua nhau, ai cũng chào.
-Hi...! Doctor...!
-Hi...! Neurosurgeon...!
Kể thế để biết cái nghề khó nên được người ta tôn trọng.
Bây giờ trở lại với vấn đề sức khỏe tâm thần, lĩnh vực mà tôi coi là khó hơn nhiều lần.
Chắc phải thôi, mỗi người chúng ta có bao nhiêu Neurons thần kinh? Câu trả lời còn chưa thật chắc chắn..., nhưng những Neurons ấy khết hợp với nhau như thế nào...? Các hoạt động ra sao mà cùng một sự kiện, hiện tượng mỗi người lại có những phản ứng khác nhau, kẻ khóc, người cười, kẻ không cười không khóc...?
Tôi cho rằng, khi nào khoa học khám phá được câu hỏi ấy thì bệnh tâm thần sẽ có cơ sở để được chữa tốt hơn (Tôi không có ý phủ nhận ngành tâm thần học hiện thời).
Nói thế để người đọc hiểu rằng, những nhận xét của tôi dưới đây chỉ là cảm tính cá nhân.
Tuy không hiểu biết nhiều nhưng tôi dám khẳng định rằng nếu xã hội thật sự tốt đẹp, ở đó pháp luật là thứ bảo vệ quyền của mỗi người và được thượng tôn, được thi hành nghiêm minh..., ở đó đạo đức làm người, giáo dục được coi trọng..., thì chắc chắn tỷ lệ những người mắc bệnh tâm thần sẽ giảm đi đáng kể và ngược lại, xã hội càng nhiều bất công, đạo đức càng suy đồi thì tỷ lệ những người mắc chứng tâm thần càng cao.
Đối với một người thì khả năng mắc bệnh tâm thần tăng lên khi người ta phải (Đôi khi lại coi là được) sống trong trạng thái bất thường về tâm lý..., tôi sẽ nói về những trường hợp “Phải” trước.
Một đôi trẻ có biểu hiện yêu nhau thắm thiết, họ thề non hẹn biển sẽ yêu thương nhau trọn đời, sẽ cùng nhau gây dựng tương lai, sinh con đẻ cái, chia sẻ trách nhiệm gia đình, cùng giúp nhau thực hiện hoài bão...
Nhưng một hoặc cả hai người, vì sự thôi thúc của tình dục, vì khao khát tình yêu mà đã đưa ra những lời thề hẹn kia khi chưa thật chắc chắn.
Thế rồi đùng một cái, một người bỏ ra đi, có muôn vàn nguyên nhân nhưng thường là do gặp một người..., “Lý tưởng” hơn, hay phát hiện ở người kia những thói tật không thể sửa chữa, không thể phù hợp, người ấy gọi là người “Bỏ”.
Người “Bị bỏ” chơi vơi, mất hết phương hướng..., tất cả xụp đổ..., đang trong tâm trạng được yêu, ngay lập tức sang tâm trạng bị bỏ rơi..., bao nhiêu dự kiến, mộng ước tan thành mây khói..., nếu chưa đủ kiến thức, chưa đủ kinh nghiệm họ sẽ coi cả thế giới này vô nghĩa, tình yêu mà họ đã bị chiếm đoạt sẽ không thể có lại với bất cứ ai..., và nếu không có phương cách, không có điều kiện để thoát ra, họ sẽ tự tử hoặc..., tâm thần.
Các quan hệ gia đình, xã hội khác cũng vậy.
Nếu đạo đức được thượng tôn (Cũng có thể thông qua tôn giáo), và đặc biệt kiến thức về tâm lý, về tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình được trang bị đầy đủ ..., sẽ hạn chế được những trường hợp này.
Những người có chỉ số thông minh bình thường, có sức khỏe thể chất bình thường, làm ăn chăm chỉ và đứng đắn, nếu sống trong xã hội như ta hiện thời thì chỉ vì cái “Đứng đắn” họ sẽ phải chịu rất nhiều thứ mà họ coi là áp bức, bóc lột, ăn hiếp và bạo lực.
Một người tử tế, lao động giản đơn (Công nhân, nông dân), dù có chăm chỉ, hà tiện đến mấy chăng nữa thì ai cũng có thể hình dung được cuộc sống của họ thế nào và dường như ai cũng có thể bắt nạt được họ: Nhà chức trách, cô giáo, thầy thuốc, cảnh sát, và xã hội đen.
Họ không bao giờ nói ra nhưng có ai để ý họ nghĩ những gì trong đầu...? Có bế tắc không...? Nếu có tức là có thương tổn tinh thần.
Với một doanh nghiệp nhỏ, vấn đề đầu tiên, tiên quyết là sản phẩm với chất lượng và giá cả của nó, có đáp ứng được thị trường, có đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm do “không đứn đắn” mà có, thế rồi lại phải chịu bao nhiêu loại thuế, phí chính thức và không chính thức..., thế rồi các tổ chức từ thiện với các loại quỹ đến phiền nhiễu... Nếu “Đứng đắn” họ có tồn tại được không...?
Cái mâu thuẫn giữa tài năng, chịu khó với thất bại sẽ tấn công vào sức khỏe tâm thần của họ
Ở một cơ quan nhà nước, một người có sức khỏe tốt, có năng lực chuyên môn giỏi, đam mê nghề nghiệp và nguy hiểm nhất là lại có ..., “Đạo đức” tốt.
Họ sẽ sống như thế nào...? Những gì sẽ đến với họ...?
Như một lần đã nói, những người giỏi chuyên môn, cùng lắm chỉ tế nhị trong quan hệ chứ hiếm khi họ biết nịnh những người khác.
Và vì có đạo đức tốt nên họ không chịu đưa và nhận hối lộ.
Thế là họ trở thành cái gai không chỉ của sếp mà còn của những người thua kém họ về chuyên môn và đạo đức, họ sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi nhiều mặt của đời sống cơ quan...
Nếu vẫn không chịu thay đổi, nếu không thể có đường thoát, họ sẽ bị ức chế triền miên và chắc chắn sức khỏe tâm thần của họ sẽ bị thương tổn.
Một ví dụ về tình yêu nam-nữ để suy ra những đời sống tình cảm khác như con cái thấy bố mẹ ngoại tình, ly dị..., bố mẹ không thể dạy con cái, vân vân ...
Một người lao động giản đơn, một doanh nghiệp, một công chức, một trí thức để suy ra các đối tượng khác, đó là những người “Bị” đời sống xã hội gây thương tổn cho sức khỏe tâm thần.

(Kỳ sau sẽ nói về những đối tượng “Được” nhận những bất thường về tâm lý)

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TAI BIẾN MẠCH NÃO



(Không nhớ đã đăng bài này chưa, nhưng bạn đọc yêu cầu)
TAI BIẾN MẠCH NÃO LÀ GÌ?

Trong cơ thể, Não là tổ chức cần sự nuôi dưỡng khắt khe nhất chính vì vậy cơ thể cũng có nhiều thứ để duy trì dòng máu đến não ổn định, liên tục. Thứ não cần nhất và trước hết là Ô-xy, chính vì vậy khi bị cắt nguồn Ô-xi chỉ vài phút sau là não chết không phục hồi được nữa
Khi máu đã vào trong đầu mà đột ngột không đến được não thì gọi là tai biến mạch não (TBMN). Có hai dạng TBMN là:
1-Tắc mạch (hay Nhồi máu não) và 
2- vỡ mạch (còn gọi là Chảy máu não). 
Dù 1 hay 2 thì hệ quả là thiếu máu ở vùng mà lẽ ra mạch ấy phải nuôi dưỡng.

NHỒI MÁU NÃO (NMN)

I-CÁC NGUYÊN NHÂN
Khi ta ho mạnh, kéo dài mà hoa mắt chóng mặt đã có thể coi là một TBMN thoáng qua, người cỏn trẻ thì phục hồi nhanh và gần như không để lại hậu quả gì, nhưng với người già có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ta ho, áp lực trong lồng ngực tăng lên, máu từ não không về được, dòng máu chảy chậm hay ngừng thoáng qua, não thiếu Ô-xi lập tức biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt.
Mạch máu nói chung, mạch não nói riêng có độ mềm dẻo nhất định, ngoài ra còn có thể tự điều chỉnh độ mềm dẻo ấy (co nhỏ lại, giãn rộng ra) cho phù hợp với áp lực dòng máu (vốn yêu cầu rất ổn định). Khi gặp kích thích đột ngột hay ngẫu nhiên mạch não co thắt lại cũng gây nhồi máu não (NMN).
Theo tuổi tác và tình trạng bệnh lý, độ mềm dẻo mạch não suy giảm (dùng chất kích thích kéo dài, lắng đọng chất lạ hay còn gọi là sơ vữa mạch), khả năng đáp ứng với những thay đổi áp lực dòng máu giảm đi (Người già khi ho dễ bị hoa mắt và nặng hơn, kéo dài hơn). Hai yếu tố, co và lắng đọng sẽ làm hẹp lòng mạch dần đến tắc mạch.
Gặp cơn gió lạnh đột ngột, các mạch ngoại vi (nông dưới bề mặt da) co thắt lại dồn máu về trung tâm (Các tạng ở sâu trong đó có tim và não) sẽ gây hai hệ quả có thể:
1-Áp lực các mạch trung tâm tăng lên đột ngột. Ở người trẻ tuổi, cơ chế tự điều chỉnh mạch còn tốt thì đây là phản xạ tự vệ rất tốt nhưng ở người cao tuổi, đặc biệt nếu có sẵn bệnh cao huyết áp thì đây là cơ hội cho nhồi máu, vỡ mạch, chảy máu não.
2-Lượng máu dồn về các tạng gây tình trạng ứ máu, giảm dòng chảy và não thiếu Ô-xy. Cũng có thể phản xạ co thắt lan đến các mạch trung tâm gây thiếu máu hay nhồi máu não.
Khi có những cục máu hình thành trong hệ Tim-mạch, thường gặp nhất ở người có bệnh van tim, rung nhĩ..., ngoài ra những chấn thương, gãy xương, phẫu thuật lớn thường để lại nơi mạch bị đụng dập, bị đứt, tạo những cục máu tại chỗ rồi vì lý do ngẫu nhiên những cục máu này bong ra chạy lang thang trong lòng mạch rất dễ gây tắc ở những chỗ phân nhánh đột ngột từ những mạch to vào những mạch nhỏ, rất tiếc lại thường là mạch não và tim.
Khi gãy xương lớn, mỡ, tủy xương cũng có thể vào máu gây tắc tương tự. Những bọt khí trong máu (giám áp lực đột ngột ở những người thợ lặn hay khí theo dịch truyền vào tĩnh mạch) cũng có thể gây tắc mạch trong đó có mạch não.
II-NHỒI MÁU NÃO BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Nhẹ thì chỉ là cơn hoa mắt chóng mặt, sau nghỉ ngơi, hít thở sâu lại trở lại hầu như bình thường, nặng hơn thì như cơn ngất thoáng qua, nặng hơn nữa thì bại, liệt chân tay và hôn mê. Các dấu hiệu NMN tuy xuất hiện đột ngột nhưng thường vẫn có độ “Từ từ” hơn là chảy máu não (CMN). Người bệnh có thể từ từ hồi phục hay để lại di chứng liệt nửa người, liệt mặt (méo miệng), khó hay không nói được, hôn mê.
III-SƠ CỨU (NMN) NHƯ THẾ NÀO? (Tại chỗ, do những người không chuyên thực hiện)
1-Để người bệnh nơi thoáng khí, tư thế cao đầu khoảng 30 độ (So với mặt phẳng ngang).
Thông thường khi có người đột quỵ gia đình thường bế thốc vào buồng rồi đổ đến thật đông, phòng kín lại bị những người lành đốt hết ô-xy thế là vô tình hại người bệnh mà không biết.
2-Đảm bảo thông khí.
Nếu người bệnh còn tự thở tốt hãy bảo họ hít sâu thở đều nhằm tăng lượng ô-xy trong máu. Nếu người bệnh thở yếu hay ngừng thờ phải hà hơi thổi ngạt ngay. Hút hay dùng khăn mỏng lau, móc những đờm rãi để đảm bảo thông đường thở.
3-Nếu huyết áp cao quá 190 mmHg có thể bẻ một viên Adalat nhỏ vào dưới lưỡi.
4-Nhanh chóng nhưng không gây hốt hoảng thêm cho người bệnh.
Não bị khích thích hoạt động càng cần nhiều ô-xy và thải ra chất độc gây phù não.
5-Nếu cơn thoáng qua, dù có bại chân tay hay méo miệng cũng nên bình tĩnh duy trì tăng thông khi một khoảng thời gian nhất định trước khi đến với thầy thuốc.
Nếu có điều kiện, nên mời bác sỹ tin cậy đến thăm và quyết định. Nếu đến viện cần biết cách tự bảo vệ mình vì thường ở phòng khám rất đông, để người bệnh nằm ở chỗ đông người, ngột ngạt chờ đợi khám và những thủ tục chẩn đoán, vào viện có khi đã đủ hại người bệnh.
6-Nếu nặng, không có xu hướng phục hồi hay nặng dần lên.
Cũng cần nhanh chóng và bình tĩnh đưa đến viện nhưng phải đảm bảo thông khi suốt chặng đường (có túi ô-xy thì tốt). Nên chạy thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu, tạm thời bỏ qua những thủ tục hành chính.
7-Đối với Trạm y tế, Phòng khám đa khoa, Bệnh viện huyện cần nhớ những điều cơ bản.
7.1-Thông khí và nồng độ ô-xy trong máu là hàng đầu vì vậy phải hút đờm rãi bất cứ lúc nào thấy ngăn cản đường thở. Không để người bệnh thở ngáy. Thở ô-xy ngay cả khi người bệnh còn thở hoàn toàn tốt. Không do dự đặt nội khi quản (Hay mở khí quản) khi cảm thấy không yên tâm với đường thở.
7.2-Có thể cho các thuốc an thần giảm đau.
7.3-Thiết lập ngay ít nhất một đường truyền tĩnh mạch, truyền chậm dịch muối đẳng trương (không truyền đường).
7.4-Duy trì huyết áp từ 140-180 mmHg (Không nên đưa huyết áp về 120 hay thấp hơn)
7.5-Cuối cùng, không nên giữ người bệnh nếu tự thấy trình độ và phương tiện không tương xứng với tình trạng người bệnh.
(Bài sau: Chảy máu não. Cảm ơn các đồng nghiệp chuyên khoa bổ sung và chỉnh sửa)
Phần II
CHẢY MÁU NÃO

I-NGUYÊN NHÂN

Tự nhiên mà chảy máu trong não có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do TĂNG huyết áp (Cứ 10 người bị chảy máu não thì khoảng 7 người do cao HA). Tôi dùng và nhấn mạnh chữ TĂNG vì nếu huyết áp cao mà ổn định thì không sợ bằng HA tăng lên đột ngột. Điều này thường gặp ở người uống thuốc không đều đặn.
Ngoài ra, những bất thường (bẩm sinh và mắc phải) về mạch não, vỡ u não, bệnh máu khó đông. v.v. chiếm khoảng 30% con lại.
Vậy bài này tôi chỉ nói về chảy máu não do tăng huyết áp.
Ai cũng biết, tổ chức não gồm chất xám và chất trắng.
Chất xám là những thân tế bào thần kinh, chủ yếu phân bố ở vỏ não nhưng cũng có những đám ở sâu (gọi là Nhân sâu).
Chất xám ra những quyết định kiểu như của bộ chính trị vậy, chất trằng dẫn truyền giống như bộ thông tin hay giao thông gì đó, các đáp ứng ngoại vi như co cơ, tiết dịch... như kiểu nhân dân thực hiện đường lối chủ trương vậy...!
Chất trắng chủ yếu gồm những sợi trục (từ tế bào thần kinh mọc ra những cái rễ ngắn “Đuôi gai” để liên lạc với những tế bào khác ở gần và một cái rễ dài “sợi trục” để đưa thông tin đi xa). Như vậy, chất trắng làm việc thông tin liên lạc. Và cũng giống như vậy, thông tin từ trung ương phải qua những trạm trung chuyển, bổ sung điều chỉnh chán rồi mới đến được dân là chân tay và ngũ quan.
Chất trắng, không nhận dinh dưỡng trực tiếp từ máu mà thông qua một loại tế bào gọi là tế bào thần kinh đệm. Mạch máu chỉ đến những nơi có chất xám, chất trắng hầu như vô mạch.
Tim bơm máu hướng lên trên, theo thẳng hướng ấy và chỉ qua hai lần phân nhánh là vào sọ. Vì vậy, áp lực máu ở đây rất mạnh.
Ngay khi vào sọ, mạch tách ra một nhánh nhỏ chạy đến nuôi các nhân sâu.
Hãy tưởng tượng từ con đường lớn, sau chín lần chia nhỏ dần mới đến con đường ba mét vào xã và còn nhiều ngõ ngách tách ra từ con đường ấy nữa, áp lực giao thông đã giảm đi hơn chín lần.
Trong khi đó, cái mạch nuôi nhân sâu kia như con đường cũng chỉ ba mét lại yếu hơn và chạy thẳng (không có phân nhánh) lại tách trực tiếp từ đường lớn (áp lực rất cao).
Thế nên tôi còn ví mạch này như cái cầu chì, hễ huyết áp tăng lên, quá sức chịu đựng của thành mạch thì nơi đây sẽ vỡ trước hết.
II-BIỂU HIỆN
Cũng giống như nhồi máu não, cũng có những mức độ khác nhau nhưng nhìn chung sau một cơn đau đầu dữ dội người bệnh gục ngã ngay. (Cái ngã này khiến không ít cơ sở đặt chẩn đoán là chảy máu cho chấn thương). Tôi nhấn mạnh tính đột ngột, nặng ngay, nặng dần rất nhanh của chảy máu não so với nhồi máu não.
III-NGƯỜI NHÀ CẦN LÀM GÌ?
Cũng giống như nhồi máu não khẩu hiệu là:
-Thông khí
-Không để HA quá cao.
Nhưng nếu HA quá thấp là dấu hiệu rất xấu
-Nhanh chóng đưa đến trung tâm hồi sức cấp cứu (có máy thở và tốt nhất nếu cơ sở có phẫu thuật thần kinh).
IV-NHỮNG CÂN NHẮC ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp này đôi khi khó cho thầy thuốc bởi ngoài chuyên môn, những yếu tố gia đình, xã hội cần được cân nhắc. Nói chung thì.
-Người dưới 70 tuổi. Chất lượng sống (trước khi bị tai biến) còn tốt (đi lại được, tự phục vụ được.
-Người có Vợ/chồng, con cháu đủ điều kiện về vật chất và tình cảm.
Thì nên mổ,
Những trường hợp khác nên cân nhắc.
V-HAI VÍ DỤ
1- Anh Phong là tài xế lái xe kéo máy bay ở sân bay Nội Bài. Khi bị tai biến chảy máu não và được mổ chỉ khoảng 40 tuổi. Sau mổ 4 tháng, sức khỏe của anh hoàn toàn bình thường, hoàn toàn có thể làm công việc cũ nhưng do yêu cầu an toàn khắt khe người ta đã chuyển anh sang bộ phận khác, hiện anh làm việc và sinh hoạt bình thường.
1-Cụ bà tên là Ngân, 80 tuổi, nhà ở Kim Mã, có máu tụ rất to, tình trạng đã rất nặng. Khi tôi giải thích, nhằm thuyết phục anh con trai không mổ cho cụ nữa. Anh này quỳ ngay dưới chân tôi khẩn khoản.
-Xin Bác sỹ làm bất cứ điều gì, miễn sao tôi được nhìn thấy mẹ càng lâu càng tốt, tốn kém bao nhiêu, khó khăn đến mấy tôi cũng chịu được.
Sau khi vái vài cái, anh ta lết đến ôm chặt lấy chân tôi, gục mặt vào mà khóc. Tôi đỡ hắn dậy, giải thích một lần nữa rồi đưa bà đi mổ.
Một tháng sau hắn đến tìm tôi (và cũng để đón y tá về chăm sóc cụ, hắn giàu lắm) nét mặt hân hoan.
-Anh Dũng ơi! Hôm qua em pha trò, Mẹ em cười với em! Sung sướng quá anh ơi!
Hai thằng ôm nhau, tôi không định khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra, cảm động trước một tấm lòng hiếu thảo
Thế rồi hắn cứ lỉnh tôi dần, khoảng gần năm sau, tôi chủ động chặn đường hỏi thăm, hắn nói.
-Thú thực! Em bắt đầu mệt mỏi rồi anh ạ.
Tôi khuyên bảo nó qua loa rồi bỏ đi. Từ đó cứ băn khoăn mãi, cái tình của thằng con trai dành cho mẹ, được như nó là hiếm là trân trọng lắm nhưng, mổ cho bà, bắt bà phải sống thêm những ngày lay lắt, chứng kiến sự vơi dần của tình mẹ con…. Hay là tôi có lỗi….?