Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

LÀO CAI, SA PA-Tốc ký sự

Những người làm thầy thuốc, quanh năm cả đời bó mình trong bốn bức tường bệnh viện, chả mấy khi được đi đây đi đó.
Tôi quen biết một anh nhà báo đi như... chim! Vừa mới Nhật Bổn về lại Tây Bắc..., đi đâu về hắn cũng khoe, nào ảnh đẹp, nào chuyện lạ.
Thây mấy bức ảnh ruộng bậc thang tắm năng thu đẹp quá, tôi tỏ ý thèm thuồng nhưng lại thấy mùa đông đã về, thế là hắn động viên: “Lên đường đi ông, mỗi lúc lại có những vẻ đẹp khác nhau chứ...!
Đúng là ăn nhiều cơm thiên hạ có khác, khôn thế...!
Cái không khí trong lành, thứ xa xỉ của thị thành thì miền núi sẵn có quanh năm..., những con người hiền lành và thực phẩm sạch cũng... sẵn có quanh năm nhưng nếu bạn tôi đi vào mùa thu, được ngắm núi rừng..., à quên núi Tây Bắc (Còn rừng đâu mà nói phét...!) tắm nắng vàng thì mùa đông sẽ được thấy núi mặc áo bông rách, mùa hạ có không khí mát mẻ của độ cao và mùa xuân thì khỏi nói, hoa ban của Điện Biên, Lai Châu, Đào mận của Mộc Châu, Sa Pa.
Ngẫm hắn nói phải, thế là tôi rủ hai “Đệ” lên đường.
Sẽ chẳng có gì để nói ngoài việc lên đến Sa Pa thì vừa tối, mây mù tràn về nhuộm trắng tất cả, chỉ nhìn thấy 6-7 mét đường, còn thì là gì...? Đường...? Vách đá...? Hay vực sâu...? Thôi..., “Yếu thì đừng ra gió”. Gọi lên Thác Bạc.
-Anh ơi...! Mù lắm.., nguy hiểm lắm..., em không lên được đâu..!
-Ở lại Sa Pa thôi...!
Tôi phán.
-Di.. ê...ê...!
Và hai đệ giãy lên vì ... sung sướng!
Gọi cho hai người thân, chẳng ai nhấc máy..., cái số mình nó thế đấy, hông đi được thì í a í ới mời gọi, dẫn xác lên đến tận đây, tối trời, mưa lạnh thì lại chả gọi được ai
Những cô gái lượn xe máy mời mọc.
-Mời chú về nhà cháu nghỉ, 250 nghìn, có điều hòa hai chiều, ngay trung tâm...
Đã định tặc lưỡi theo chúng nó thì thằng Tùng mới gọi lại.
-Anh đến Thiên Ngân đi, em ra ngay...!
Mấy cháu gái đon đả
-Thiên Ngân ạ.., chú rẽ trái ở kia, ngay cổng chợ í chú ạ...!
Hay...! Một nét mới của những người kinh doanh du lịch Việt Nam..., không cố kỳ kèo, không “Nói xấu” cơ sở của nhau.
Khách sạn ở vị trí khá đắc địa nhưng..., lạnh quá, sờ vào cái gì cũng như đá, cậy quen biết xuống mượn cái lò sưởi mới ..., sống được!
Tắm rửa xong, xuống đường, việc đầu tiên là mua thêm áo rét, những cái... “Mặc được” đều có giá >500 ngàn.
-Hàng Trung Quốc mà đắt thế cô..?
-Đâu...! Hàng Việt Nam đấy chứ chú...!
Cô bán hàng đon đả lật những cái Mác có dòng chữ “Made in Vietnam”, con gái ghé tai.
-Bố ơi! Mác này họ mua ở chợ Đồng xuân về móc vào đấy...!
Chọn mãi mới có hàng bán..., 200 ngàn, ô kê, ấm cái đã.
Ăn đồ nướng, không đắt lắm và không ..., “Bẩn lắm”.
Những đứa trẻ người H’Mông bé tý ngồi bán hàng bên đường, vẻ mặt chúng rất đặc biệt, không thiểu não như những đứa trẻ ăn xin hay bán sổ số, kẹo cao su dưới xuôi nhưng cũng đủ để những trái tim không bằng đá phải động lòng.
Con gái kéo tay.
-Bố đừng nhìn chúng lâu..., xin tiền đấy..!
-Chúng có xin đâu con..!
Hắn cứ keo tôi xềnh xệch ra xa
-Con bị rồi..., lần trước, một bọn xúm đến, chúng chào con sành điệu lắm: “Chào bạn! Bạn xinh thế...! Mua cái này làm quà đi...” Đầu tiên con không mua, nó bảo “Thế thì chúng ta kết bạn nhé...”, chưa nói gì nó đã buộc cái sợi dây thổ cẩm vào tay bảo “Tặng bạn”, rồi nó lại gạ ..., con đã mua cho ba đứa, thế là chúng xúm lại đông hơn, con bảo mua thế đủ rồi...! Bố biết không, thế là chúng nhao nhao xin tiền: Bạn cho tớ 1 nghìn đi...! Con phải ù té chạy đấy...!
Một bọn thanh niên khoác khèn đi hùng hục trong mưa..., à...! Hôm nay thứ 7, chợ tình.
Tôi chưa bao giờ được xem chợ tình đúng nghĩa, chỉ qua văn chương và lời kể về một kiểu sinh hoạt văn hóa Mèo, nơi các chàng trai trổ tài, dùng tiếng khèn để gọi bạn tình... những người con trai con gái nắm cánh tay nhau lay gọi..., rồi họ tách ra đến những dốc cây, bờ suối...
Đây là lần thứ hai tôi có mặt ở Sa pa tối thứ 7..., vài người con trai H’Mông múa khèn, khách du lịch đứng quây xung quanh chụp ảnh..., không thể gọi đấy là chợ tình được...!
-Đi chợ tình hả...?
Tôi hỏi một thằng.
-Ừ...! Chợ tình...
-Tao thổi khèn này một cái được không...?
-Được chứ...!
Tôi lần tay bịt các lỗ, phồng mồm thổi, nó chỉ rung lên một thứ âm thanh như tiếng mèo hen...
Mày thổi kêu to hơn không..?
-Thế thôi...!
-Bao nhiêu tiên cái khèn như thế này...?
-Bốn trăm..., mua không..., bán cho...!
-Không có tiền..., mới lại tao già rồi..., không thổi được...!
Sáng sớm chủ nhật lên Thác Bạc.
Chủ nhà là ông Khao, 74 tuổi, quê ở Bình Lục kể rằng:
Quê ông đồng trắng nước trong, đói khổ không sao kể hết, nhà đông anh em, lại là lớn nên ngày từ ngày 14 tuổi ông đã theo người ta lên đây, có lẽ động cơ đầu tiên là để bớt đi một miệng ăn cho gia đình.
Về quê tìm vợ rồi mang bà lên cùng nhau lập nghiệp ở cái chốn quanh năm mây mù này. Sinh được ba người con gái, ông được vào Đảng và chính vì thế ông “Phải gương mẫu” chấp hành lệnh nghĩa vụ quân sự.
Ông kể về những ác liệt chết chóc ở Trường Sơn, ở Quảng Trị, những kinh nghiệm và nhưng may mắn không thể cắt nghĩa... Một lần, ông nói với bạn.
-Bọn nó (Máy bay Mỹ) đánh có giờ, có quy luật, bài bản, sao từ sáng đến giờ chỉ thấy mỗi chuyến OV10..., có khi B52 đấy...!
Nói rồi ông đi về mấy người đang hút thuốc lào, thấy bức ảnh quê nhà của ai dưới đất, vừa cúi xuống nhặt vừa nói.
-Sao đứa nào lại để ảnh...
Mới nói được đến đấy thì đất trời đảo lộn, ông đứng được lên trong mù mịt khói lửa thấy người vừa đứng bên cạnh bị phạt một nửa đầu, đơn vị hy sinh gần hết, ông là một trong hai người... còn nguyên vẹn.
Ông nói về những tờ giấy đối phương ném xuống cho người hồi chánh, những người hồi chánh nay là việt kiều yêu nước, những người đào ngũ nay là cán bộ to đến đâu cũng vênh vang huy chương huy hiệu..., bất giác tôi thấy như đang ngồi trước Bloge trần Đức Thái...
Qua chuyện, thấy ông rất coi trọng “Cái chính trị” của mình (Tôi hiểu là cái Đảng viên), ông cũng biết những chuyện tham ô tham nhũng nhưng ông thật lòng tin tưởng nơi Đảng và Chính phủ lắm.
-Họ muốn tham nhũng gì cũng được nhưng cái chính là đời sống đi lên, họ có vài tỷ dân cũng có vài trăm là được..., chứ cứ như cái thời bao cấp thì ..., chết...! 
Rồi ông bỗng cao hứng.
-Người ta cứ bảo ông Nguyễn Tấn Dũng thế này thế khác nhưng tôi thấy ông ấy đẹp mã, đi lại đĩnh đạc, nói năng gãy góc.., chẳng như mấy ông trước..., nếu cho chọn, tôi vẫn chọn ông Dũng.
Tôi họa theo.
-Anh nói phải lắm, làm quan thì phải có lộc..., nhà ông Dũng kinh tế đã khá..., có cơ sở để tin rằng ông sẽ tận tâm với dân với nước hơn..., em cũng chọn ông Dũng là vì thế...!
Qua cơ sở nuôi cá Tầm cá Hồi, tôi mua một con 1,2kg, hết 480 nghìn, về nhà các cháu bảo: Cháu mà mua chỉ 250 nghìn thôi.
Bữa cơm bên bếp lửa ngon và vui, người lính 8 năm liền ở chiến trường uống rượu cùng tôi, (một thằng đi đến đâu hòa bình đến đấy) và hai thằng con rể ... nhiệt tình như một thanh niên.
Rượu ngấm, tôi nghĩ ra trò để trêu vợ chồng ông
-Em hỏi, anh phải nói thật nhé...! Phải lấy tinh thần dũng cảm của người lính để trả lời nhé...!
-Ừ...! Sợ gì không nói thật..!
-Anh ở Quảng bình bao lâu?
-Ư... ừ...! Lâu đấy...! An dưỡng mấy lần...!
-Thê... ê ... ế..., được mấy đứa...?
-Ứ... ừ..! Làm gì có...!
-Thế thì anh chưa dũng cảm rồi...! Có hai đứa con em đây nhé, em công khai hết, con gái Quảng Bình ngày ấy ghê lắm..., nhưng may, em ngủ lại có hai đêm..., chưa kịp..., anh an dưỡng nhiều lần thì...
Rồi quay sang thằng con rể
-Ông lái xe, có chuyến nào vào trong ấy thì bố trí đưa bố đi..., anh em gặp nhau cũng hay phết đấy...
Cả nhà cười ran, ngoài ô cửa kính, mây mù trắng xóa....
Chuyện thứ hai tôi muốn kể là cái đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Chỉ một nửa là thật sự cao tốc thôi, 4 làn đường, phân cách cứng, tốc độ đạt 100Km/h, nửa còn lại (Phía Lào Cai) chỉ hai làn đi và về, không có phân cách cứng, tốc độ tối đa 80Km/h..., nghe thì cũng được nhưng các bạn lái xe chú ý nhé, xe đang chạy 80 mà xuống dốc là... dính như bỡn...
Kể cũng phải, không có dải phân cách cứng, mỗi khi ngược chiều nhau ở chỗ đường cong đã ghê chết được..., nhưng thế mà gọi là “Cao tốc” thì cũng... “Ngại mồm” thật đấy...!
Một điều buồn cười nữa, con đường qua miền núi, tất nhiên, chỗ chạy qua núi thì nền tốt, chỗ chạy qua khoảng giữa hai quả núi thì nền yếu... ai chả biết thế...! Ấy nhưng, không hiểu có phải từ khi cái chuyện lún đường bị người ta làm ỏm tỏi lên không mà tôi thấy cứ vài trăm mét lại có cái biển “Đoạn theo dõi lún”..., vài trăm mét nữa lại thấy... “Hết theo dõi lún”... cứ thế, cứ thế... không ai dỗi hơi mà đếm xem tổng cộng có bao nhiêu cái biển như vậy để nhân lên xem tốn bao nhiêu tiền...
Một cái buồn cười nữa là, trên đoạn hai làn xe, tốc độ 80 Km/h ấy, thi thoảng lại thấy cái biển ghi: “ĐƯỜNG CAO TỐC HẠN CHẾ”.. hì hì...! Cái biển làm tôi nhớ đến câu khẩu hiệu lâu nay bớt dùng: “TỰ DO TRONG KHUÔN KHỔ”... Hay...! Đã “Cao tốc” lại “Hạn chế”! Đã “Tự do” lại “Trong khuôn khổ”..., hay...! Có ai cấm con cá bơi trong chậu, con chim bay trong lồng đâu...!
Chả hiểu trên trái đất này còn có ở đâu những cái biển như thế này không...? Hay cao là cao, thấp là thấp...?
Đến cuối đường, sau khi nộp lệ phí giao thông thì hiểu ngay, 300 000/lượt, phải là “Cao tốc” thu tiền mới dễ, nhưng tốc độ 80m/h thì cũng như những con được không thu tiền khác nên phải thêm chữ “Hạn chế”, gộp lại chả là “Cao tốc hạn chế” là gì...!
Một điều không nên cười mà phải ghi nhớ khi đi đêm từ Lào Cai về là: Dãy sơn phản quang thường chỉ có ở bên trái nên rất dễ nhầm với dải phân cách cứng..., không chú ý mà ăn sang làn ngược chiều thì tan xác chứ đừng nói bị phạt...!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét