Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TAI BIẾN MẠCH NÃO



(Không nhớ đã đăng bài này chưa, nhưng bạn đọc yêu cầu)
TAI BIẾN MẠCH NÃO LÀ GÌ?

Trong cơ thể, Não là tổ chức cần sự nuôi dưỡng khắt khe nhất chính vì vậy cơ thể cũng có nhiều thứ để duy trì dòng máu đến não ổn định, liên tục. Thứ não cần nhất và trước hết là Ô-xy, chính vì vậy khi bị cắt nguồn Ô-xi chỉ vài phút sau là não chết không phục hồi được nữa
Khi máu đã vào trong đầu mà đột ngột không đến được não thì gọi là tai biến mạch não (TBMN). Có hai dạng TBMN là:
1-Tắc mạch (hay Nhồi máu não) và 
2- vỡ mạch (còn gọi là Chảy máu não). 
Dù 1 hay 2 thì hệ quả là thiếu máu ở vùng mà lẽ ra mạch ấy phải nuôi dưỡng.

NHỒI MÁU NÃO (NMN)

I-CÁC NGUYÊN NHÂN
Khi ta ho mạnh, kéo dài mà hoa mắt chóng mặt đã có thể coi là một TBMN thoáng qua, người cỏn trẻ thì phục hồi nhanh và gần như không để lại hậu quả gì, nhưng với người già có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ta ho, áp lực trong lồng ngực tăng lên, máu từ não không về được, dòng máu chảy chậm hay ngừng thoáng qua, não thiếu Ô-xi lập tức biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt.
Mạch máu nói chung, mạch não nói riêng có độ mềm dẻo nhất định, ngoài ra còn có thể tự điều chỉnh độ mềm dẻo ấy (co nhỏ lại, giãn rộng ra) cho phù hợp với áp lực dòng máu (vốn yêu cầu rất ổn định). Khi gặp kích thích đột ngột hay ngẫu nhiên mạch não co thắt lại cũng gây nhồi máu não (NMN).
Theo tuổi tác và tình trạng bệnh lý, độ mềm dẻo mạch não suy giảm (dùng chất kích thích kéo dài, lắng đọng chất lạ hay còn gọi là sơ vữa mạch), khả năng đáp ứng với những thay đổi áp lực dòng máu giảm đi (Người già khi ho dễ bị hoa mắt và nặng hơn, kéo dài hơn). Hai yếu tố, co và lắng đọng sẽ làm hẹp lòng mạch dần đến tắc mạch.
Gặp cơn gió lạnh đột ngột, các mạch ngoại vi (nông dưới bề mặt da) co thắt lại dồn máu về trung tâm (Các tạng ở sâu trong đó có tim và não) sẽ gây hai hệ quả có thể:
1-Áp lực các mạch trung tâm tăng lên đột ngột. Ở người trẻ tuổi, cơ chế tự điều chỉnh mạch còn tốt thì đây là phản xạ tự vệ rất tốt nhưng ở người cao tuổi, đặc biệt nếu có sẵn bệnh cao huyết áp thì đây là cơ hội cho nhồi máu, vỡ mạch, chảy máu não.
2-Lượng máu dồn về các tạng gây tình trạng ứ máu, giảm dòng chảy và não thiếu Ô-xy. Cũng có thể phản xạ co thắt lan đến các mạch trung tâm gây thiếu máu hay nhồi máu não.
Khi có những cục máu hình thành trong hệ Tim-mạch, thường gặp nhất ở người có bệnh van tim, rung nhĩ..., ngoài ra những chấn thương, gãy xương, phẫu thuật lớn thường để lại nơi mạch bị đụng dập, bị đứt, tạo những cục máu tại chỗ rồi vì lý do ngẫu nhiên những cục máu này bong ra chạy lang thang trong lòng mạch rất dễ gây tắc ở những chỗ phân nhánh đột ngột từ những mạch to vào những mạch nhỏ, rất tiếc lại thường là mạch não và tim.
Khi gãy xương lớn, mỡ, tủy xương cũng có thể vào máu gây tắc tương tự. Những bọt khí trong máu (giám áp lực đột ngột ở những người thợ lặn hay khí theo dịch truyền vào tĩnh mạch) cũng có thể gây tắc mạch trong đó có mạch não.
II-NHỒI MÁU NÃO BIỂU HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Nhẹ thì chỉ là cơn hoa mắt chóng mặt, sau nghỉ ngơi, hít thở sâu lại trở lại hầu như bình thường, nặng hơn thì như cơn ngất thoáng qua, nặng hơn nữa thì bại, liệt chân tay và hôn mê. Các dấu hiệu NMN tuy xuất hiện đột ngột nhưng thường vẫn có độ “Từ từ” hơn là chảy máu não (CMN). Người bệnh có thể từ từ hồi phục hay để lại di chứng liệt nửa người, liệt mặt (méo miệng), khó hay không nói được, hôn mê.
III-SƠ CỨU (NMN) NHƯ THẾ NÀO? (Tại chỗ, do những người không chuyên thực hiện)
1-Để người bệnh nơi thoáng khí, tư thế cao đầu khoảng 30 độ (So với mặt phẳng ngang).
Thông thường khi có người đột quỵ gia đình thường bế thốc vào buồng rồi đổ đến thật đông, phòng kín lại bị những người lành đốt hết ô-xy thế là vô tình hại người bệnh mà không biết.
2-Đảm bảo thông khí.
Nếu người bệnh còn tự thở tốt hãy bảo họ hít sâu thở đều nhằm tăng lượng ô-xy trong máu. Nếu người bệnh thở yếu hay ngừng thờ phải hà hơi thổi ngạt ngay. Hút hay dùng khăn mỏng lau, móc những đờm rãi để đảm bảo thông đường thở.
3-Nếu huyết áp cao quá 190 mmHg có thể bẻ một viên Adalat nhỏ vào dưới lưỡi.
4-Nhanh chóng nhưng không gây hốt hoảng thêm cho người bệnh.
Não bị khích thích hoạt động càng cần nhiều ô-xy và thải ra chất độc gây phù não.
5-Nếu cơn thoáng qua, dù có bại chân tay hay méo miệng cũng nên bình tĩnh duy trì tăng thông khi một khoảng thời gian nhất định trước khi đến với thầy thuốc.
Nếu có điều kiện, nên mời bác sỹ tin cậy đến thăm và quyết định. Nếu đến viện cần biết cách tự bảo vệ mình vì thường ở phòng khám rất đông, để người bệnh nằm ở chỗ đông người, ngột ngạt chờ đợi khám và những thủ tục chẩn đoán, vào viện có khi đã đủ hại người bệnh.
6-Nếu nặng, không có xu hướng phục hồi hay nặng dần lên.
Cũng cần nhanh chóng và bình tĩnh đưa đến viện nhưng phải đảm bảo thông khi suốt chặng đường (có túi ô-xy thì tốt). Nên chạy thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu, tạm thời bỏ qua những thủ tục hành chính.
7-Đối với Trạm y tế, Phòng khám đa khoa, Bệnh viện huyện cần nhớ những điều cơ bản.
7.1-Thông khí và nồng độ ô-xy trong máu là hàng đầu vì vậy phải hút đờm rãi bất cứ lúc nào thấy ngăn cản đường thở. Không để người bệnh thở ngáy. Thở ô-xy ngay cả khi người bệnh còn thở hoàn toàn tốt. Không do dự đặt nội khi quản (Hay mở khí quản) khi cảm thấy không yên tâm với đường thở.
7.2-Có thể cho các thuốc an thần giảm đau.
7.3-Thiết lập ngay ít nhất một đường truyền tĩnh mạch, truyền chậm dịch muối đẳng trương (không truyền đường).
7.4-Duy trì huyết áp từ 140-180 mmHg (Không nên đưa huyết áp về 120 hay thấp hơn)
7.5-Cuối cùng, không nên giữ người bệnh nếu tự thấy trình độ và phương tiện không tương xứng với tình trạng người bệnh.
(Bài sau: Chảy máu não. Cảm ơn các đồng nghiệp chuyên khoa bổ sung và chỉnh sửa)
Phần II
CHẢY MÁU NÃO

I-NGUYÊN NHÂN

Tự nhiên mà chảy máu trong não có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do TĂNG huyết áp (Cứ 10 người bị chảy máu não thì khoảng 7 người do cao HA). Tôi dùng và nhấn mạnh chữ TĂNG vì nếu huyết áp cao mà ổn định thì không sợ bằng HA tăng lên đột ngột. Điều này thường gặp ở người uống thuốc không đều đặn.
Ngoài ra, những bất thường (bẩm sinh và mắc phải) về mạch não, vỡ u não, bệnh máu khó đông. v.v. chiếm khoảng 30% con lại.
Vậy bài này tôi chỉ nói về chảy máu não do tăng huyết áp.
Ai cũng biết, tổ chức não gồm chất xám và chất trắng.
Chất xám là những thân tế bào thần kinh, chủ yếu phân bố ở vỏ não nhưng cũng có những đám ở sâu (gọi là Nhân sâu).
Chất xám ra những quyết định kiểu như của bộ chính trị vậy, chất trằng dẫn truyền giống như bộ thông tin hay giao thông gì đó, các đáp ứng ngoại vi như co cơ, tiết dịch... như kiểu nhân dân thực hiện đường lối chủ trương vậy...!
Chất trắng chủ yếu gồm những sợi trục (từ tế bào thần kinh mọc ra những cái rễ ngắn “Đuôi gai” để liên lạc với những tế bào khác ở gần và một cái rễ dài “sợi trục” để đưa thông tin đi xa). Như vậy, chất trắng làm việc thông tin liên lạc. Và cũng giống như vậy, thông tin từ trung ương phải qua những trạm trung chuyển, bổ sung điều chỉnh chán rồi mới đến được dân là chân tay và ngũ quan.
Chất trắng, không nhận dinh dưỡng trực tiếp từ máu mà thông qua một loại tế bào gọi là tế bào thần kinh đệm. Mạch máu chỉ đến những nơi có chất xám, chất trắng hầu như vô mạch.
Tim bơm máu hướng lên trên, theo thẳng hướng ấy và chỉ qua hai lần phân nhánh là vào sọ. Vì vậy, áp lực máu ở đây rất mạnh.
Ngay khi vào sọ, mạch tách ra một nhánh nhỏ chạy đến nuôi các nhân sâu.
Hãy tưởng tượng từ con đường lớn, sau chín lần chia nhỏ dần mới đến con đường ba mét vào xã và còn nhiều ngõ ngách tách ra từ con đường ấy nữa, áp lực giao thông đã giảm đi hơn chín lần.
Trong khi đó, cái mạch nuôi nhân sâu kia như con đường cũng chỉ ba mét lại yếu hơn và chạy thẳng (không có phân nhánh) lại tách trực tiếp từ đường lớn (áp lực rất cao).
Thế nên tôi còn ví mạch này như cái cầu chì, hễ huyết áp tăng lên, quá sức chịu đựng của thành mạch thì nơi đây sẽ vỡ trước hết.
II-BIỂU HIỆN
Cũng giống như nhồi máu não, cũng có những mức độ khác nhau nhưng nhìn chung sau một cơn đau đầu dữ dội người bệnh gục ngã ngay. (Cái ngã này khiến không ít cơ sở đặt chẩn đoán là chảy máu cho chấn thương). Tôi nhấn mạnh tính đột ngột, nặng ngay, nặng dần rất nhanh của chảy máu não so với nhồi máu não.
III-NGƯỜI NHÀ CẦN LÀM GÌ?
Cũng giống như nhồi máu não khẩu hiệu là:
-Thông khí
-Không để HA quá cao.
Nhưng nếu HA quá thấp là dấu hiệu rất xấu
-Nhanh chóng đưa đến trung tâm hồi sức cấp cứu (có máy thở và tốt nhất nếu cơ sở có phẫu thuật thần kinh).
IV-NHỮNG CÂN NHẮC ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT
Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp này đôi khi khó cho thầy thuốc bởi ngoài chuyên môn, những yếu tố gia đình, xã hội cần được cân nhắc. Nói chung thì.
-Người dưới 70 tuổi. Chất lượng sống (trước khi bị tai biến) còn tốt (đi lại được, tự phục vụ được.
-Người có Vợ/chồng, con cháu đủ điều kiện về vật chất và tình cảm.
Thì nên mổ,
Những trường hợp khác nên cân nhắc.
V-HAI VÍ DỤ
1- Anh Phong là tài xế lái xe kéo máy bay ở sân bay Nội Bài. Khi bị tai biến chảy máu não và được mổ chỉ khoảng 40 tuổi. Sau mổ 4 tháng, sức khỏe của anh hoàn toàn bình thường, hoàn toàn có thể làm công việc cũ nhưng do yêu cầu an toàn khắt khe người ta đã chuyển anh sang bộ phận khác, hiện anh làm việc và sinh hoạt bình thường.
1-Cụ bà tên là Ngân, 80 tuổi, nhà ở Kim Mã, có máu tụ rất to, tình trạng đã rất nặng. Khi tôi giải thích, nhằm thuyết phục anh con trai không mổ cho cụ nữa. Anh này quỳ ngay dưới chân tôi khẩn khoản.
-Xin Bác sỹ làm bất cứ điều gì, miễn sao tôi được nhìn thấy mẹ càng lâu càng tốt, tốn kém bao nhiêu, khó khăn đến mấy tôi cũng chịu được.
Sau khi vái vài cái, anh ta lết đến ôm chặt lấy chân tôi, gục mặt vào mà khóc. Tôi đỡ hắn dậy, giải thích một lần nữa rồi đưa bà đi mổ.
Một tháng sau hắn đến tìm tôi (và cũng để đón y tá về chăm sóc cụ, hắn giàu lắm) nét mặt hân hoan.
-Anh Dũng ơi! Hôm qua em pha trò, Mẹ em cười với em! Sung sướng quá anh ơi!
Hai thằng ôm nhau, tôi không định khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra, cảm động trước một tấm lòng hiếu thảo
Thế rồi hắn cứ lỉnh tôi dần, khoảng gần năm sau, tôi chủ động chặn đường hỏi thăm, hắn nói.
-Thú thực! Em bắt đầu mệt mỏi rồi anh ạ.
Tôi khuyên bảo nó qua loa rồi bỏ đi. Từ đó cứ băn khoăn mãi, cái tình của thằng con trai dành cho mẹ, được như nó là hiếm là trân trọng lắm nhưng, mổ cho bà, bắt bà phải sống thêm những ngày lay lắt, chứng kiến sự vơi dần của tình mẹ con…. Hay là tôi có lỗi….?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét