Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

CÁ.. với... NƯỚC..!

CÁ và NƯỚC
Thấy người bán cá đi qua nhà, mụ vợ te tái chạy ra.., ăn thịt tủ lạnh mãi cũng chán. Kẻ bán mừng ra mặt vội vã dừng xe, chân tay tíu tít chỉ những con tươi ngon, miệng luyến thoắng.
-Nhà cháu đi mua của người ta tát ao đấy…, không phải cá nuôi đâu.., không ăn cám cò đâu.., ngon lắm..!
Người mua cố nén cơn mừng rỡ, ra mặt đủng đỉnh, nghi ngờ, chê bai…
Rồi mụ cũng mua một mớ nhưng với điều kiện.
-Chị phải mổ cho tôi đấy…! Đang vội vội là..!
-Vâng..! Vâng..!
Người bán lại te tái bỏ dao bỏ thớt ra đánh vẩy, mổ bụng toanh toách.
Đấy là chuyện mua CÁ.
Công ty nước sạch làm lại đường nước bằng ống nhựa nhân thể cấp lại đồng hồ đến từng nhà.
Hay…! Thời buổi kinh tế thị trường cái gì cũng tiện..!
Ấy thế nhưng phải có thủ tục giấy tờ, phải chứng nhận của phường về hộ khẩu, phải làm đơn và cam kết tự nguyện đóng khoảng …, 4 triệu VND.
Lạ nhỉ…!
Nước là tài nguyên quốc gia, công ty lấy rồi dẫn từ hồ Hòa Bình về tận nhà bán cho dân thì cũng phải như nhà kia mua cá rồi đem đến nhà dân bán í chứ nhỉ...!
Mớ cá mua rồi, ăn hết là xong nên không cần hợp đồng hợp điếc gì xất..!
Nước dùng lâu dài nên phải có hợp đồng để ràng buộc hai bên là đúng rồi..!
Nhưng sao phải hồ sơ phức tạp thế nhỉ…?
Công ty bỏ vốn ra, bao gồm các khoản để đưa nước về đến đồng hồ rồi hàng tháng cứ đọc đồng hồ mà thu tiền. Tiền ấy để vận hành và dần bù lại cái vốn đã bỏ ra, tức là công ty phải chịu trách nhiệm từ cái đồng hồ đến cái hồ nước Hòa Bình chứ nhỉ…! Người dân chỉ phải trả tiền khi giọt nước chui qua cái đồng hồ ấy thôi chứ nhỉ…!
Vậy 4 triệu kia là tiền gì…?
Tiền ống nước ư..? Sao người bán cá không thu tiền xăng xe nhỉ..?
Tiền đồng hồ ư..? Sao người bán cá không tính tiền cái cân nhỉ…?
4 triệu một nhà…, một tổ dân phố là bao nhiêu…? Một phường là bao nhiêu…? Một quận…. Èo…! Đố ai tính được…, và cũng đố ai biết tiền ấy rồi để làm gì…?
Đấy là chuyện mua NƯỚC!
CÁ với NƯỚC tưởng gần nhau lắm.., hóa khác nhau ghê…!

Kinh doanh nhưng độc quyền nó… sướng thế đấy…!

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

NHẮC KHÉO ĐÔI VẦN

Người tham gia giao thông (NTGGT) và cảnh sát giao thông (CSGT) ở Hà Nội cứ như… lửa với nước í ..!
Công bằng mà nói thì CSGT gây không ít chuyện… “Tế nhị”
Cũng công bằng mà nói thì NTGGT cũng phạm rất nhiều luật một cách khó chịu.
CSGT thì chỉ bắt những trường hợp “Đáng bắt”, những trường hợp “Không bõ bắt” thì NTGGT vi phạm mãi thành … quen.
Chỉ đi khoảng 10-20 mét là có chỗ vỉa hè rộng, đường thoáng lại có bóng cây mát, nhưng không…! Nhiều người cứ phải lên xuống tắc xi ở chỗ thật đông, ngay giữa ngã ba, nga tư… Vì sợ mất khách, vì miếng cơm manh áo nên anh em tài xế dẫu biết vẫn thản nhiên .., phạm luật.
Dừng xe hỏi đường hay nghe điện thoại cũng vậy.
Trong những con ngõ vốn đã hẹp, khi dừng xe để mua bán, đã để xe dưới lòng đường (Đôi khi là bất khả kháng vì vỉa hè đã bị chiếm dụng hết) nhưng thậm chí nhiều người không biết đỗ dọc theo chiều đường mà lại xoay ngang, xoay chếch.., cái xe chiếm gần ½ lòng đường…, xe cộ dồn ứ lại, tiếng còi, tiếng máy inh ỏi, rồi chửi bới hét la, nếu chủ nhân không “Biết điều” đôi chút có khi bị… ăn đòn.
Nên chăng mỗi khi thực hiện một hành động trên đường ta tự hỏi.
-Liệu có làm phiền ai không..?
-Liệu có cách khác không..?
Và mỗi chúng ta hãy tự tìm cho mình cái cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm khi không làm phiền người khác.

Mất tiền để gọi tắc xi
Thì phải thể hiện tội gì lại không
Phải đứng vẫy ở chỗ đông
Từ từ lên xuống như không vội gì
Kẻ xuôi, người ngược muốn đi
Cũng phải đứng đấy xem Gì lên xe

Sao không chọn quãng vỉa hè
Người thưa, bóng mát gọi xe đàng hoàng
Không phiền ai, lòng nhẹ nhàng
Công việc trôi chảy, rõ ràng văn minh


Dừng xe làm cái Cóp py (photocopy)
Lại xoay ngang xế, thay vì dọc ra
Thế là người hét kẻ la
Thế là đường tắc, réo cha, chửi thề
Nếu lành lặn để đi về
Cũng mua bực dọc ủ ê cả ngày

Văn minh xin góp một tay…!


Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Mừng tho nhà văn 60



Trên trang Blogtiengviet có ông bạn tên là Lưu Quốc Hòa. Văn của tay này cứ y như Nam Cao vậy, hắn viết rất thật với đủ thứ mà giới nhà văn "Lịch sự" cho là tục, là nhảm nhưng khi uống rượu, buôn dưa lê thì các nhà văn lịch sự ấy lại không chịu thua mấy chị bán tép ngoài chợ.
Nhà Hòa ở Phủ Lý, nghèo thôi nhưng đẹp lắm, còn nguyên ao cá, lũy tre.., về thăm nó được đỗ ô tô ngoài vườn thỏa mái, vừa mát lại không mất tiền. Trong nhà có cái thư phòng rất ngộ.. là phòng nhưng lại ở ngoài sân, vừa có mái tôn lại có dây leo quanh năm. Trên tường đủ cả ghi ta-nhị-sáo-đàn bầu.
Năm nay Hòa 60 tuổi.
Trần Hồng Giang, một nhà thơ khuyết tật ở Nam đinhj có bài đùa Hòa.
Tôi "Té nước theo mưa" cù cho lão một trận:
Trần Hồng vừa có bài "Mừng thọ Hòa đại nhân".
Ôi..., hóa ra Trần Hồng không chỉ giỏi thơ mà "nghị luận" cũng sắc như dao, như kiếm.
"Nhời nhẽ nhẹ nhàng nhã nhặn nhưng nhức nhối"
Đã thế:
Từ cây đa cây đề Hoa Mai đến hoa khôi Bích Thủy lại hùa vào.
Kẻ đấm
Người đạp.
Kẻ nhét bao tải
Người buộc miệng .. trôi sông..!
Có khổ hay không
Một đời văn nghiệp..!
Ối Lưu Manh Hòa ơi...! Là Lưu Manh Hòa..!
Tao thương mày lắm..!
Đời người có khi vinh, lúc nhục
Văn có mượt, có cục thì mới gọi là văn
Văn mày cũng đủ hành, tỏi, dấm, ớt, dăm
Thế mà bè bạn lại phong mày là... "văn tục"...!
Nghỉ hưu là lúc về già
Chia tay mày, người ta chẳng ngợi chẳng ca
Lại sung sướng tống sức trai của mày vào bao tải
Mồm mày ở đâu
Sao không há ra mà cãi
Cãi rằng:
-Củ hành trong túi tớ vẫn tươi nguyên...!
Hỡi ôi...!
Oan khuất lầm trời
Có chăng, một mình tao tỏ
Mai mày ra ngõ
Vắng bóng ngựa xe
Con chó đầu hè
Buồn, lâu không sủa
Thôi..!
Mày bỏ mấy ngòn đàn rỉ ra mà mài, mà giũa.
Rồi chăm đi đám cưới, đam ma
Đã khỏi tốn cơm nhà
Lại được người ta trọng vọng..!
Tiếc làm chi, cái văn thơ lóng ngóng
Chỉ khổ mụ vợ già, nấu cá đãi khách văn...
Nhọc con mực, chạy vào, chạy ra, miệng sủa..
Mấy lời như rứa
Mày hiểu tao không...!!!!

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

KỂ MỘT VÀI CA BỆNH

Để tiếp tục thảo luận với các bạn, hy vọng có lời khuyên hữu hiệu nhất cho Hùng, tôi muốn đưa ra vài nhận định chủ quan của cá nhân và kể vài câu chuyện tôi đã gặp trong đời hành nghề.
I-VÀI NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN
(Bài trước)    
II-VÀI CÂU CHUYỆN ĐÁNG NHỚ
2.1-Chuyện thứ nhất.
Khoảng những năm cuối của thập kỷ 80, tôi đang làm việc tại khoa xương Bv X, trưởng khoa là Bs N, hơn tôi một tuổi, đẹp trai, thông minh và tốt tính.
Thằng L còn trẻ lắm (ít tuổi hơn chúng tôi) nhà ở Mê Linh, làm nghề mổ lợn. Không phải mổ như bây giờ đâu, người trong vùng đăng ký và mỗi ngày nó mổ một hai con rồi trực tiếp đem ra chợ bán.
Một sớm, ra đến chợ mới nhớ ra chỗ lòng, tiết…, quay về lấy, đến khúc cua nó đâm vào ô tô chạy ngược chiều, lòng lợn, máu người, tiết lợn…, tóe loe.
Nó bị thủng ruột, gãy cẳng chân, cánh tay và vỡ xương chậu.
Những chỉ định phẫu thuật ngày đó rất chặt chẽ, lần thứ nhất mổ khâu nối ruột, ổn định rồi mới mổ chân tay…
Nó phục hồi khá nhanh nhưng xương chậu vỡ rất nặng, những biện pháp bảo tồn (Không mổ) tỏ ra vô giá trị.
Sau khi cân nhắc rất thận trọng, chúng tôi quyết định mổ kết xương chậu cho nó. Đọc lại sách, nghiên cứu chỉ định và đường vào, cuộc mổ khá vất vả nhưng tạm coi là thành công, nắn chỉnh được, cố định vững…!
Nhưng.., Nhớ được ca này là từ cái nhưng ấy.., nhiễm trùng…!
Ổ nhiễm trùng ở sâu mà có dị vật (Implant) thì chỉ khi nào loại bỏ dị vật mới hy vọng điều trị khỏi nhiễm khuẩn, nhưng lấy bỏ dụng cụ thì xương chậu lại mất vững.
Loay hoay điều trị tại chỗ, các liệu pháp kháng sinh toàn thân, kháng sinh tại chỗ đều được áp dụng.
Người bệnh suy xụp, ba tháng nằm viện, thằng thanh niên đồ tể gầy như xác ve, ăn đường miệng, truyền tĩnh mạch vẫn không đủ để đổ vào ổ nhiễm.
Xương tạm ổn định và chúng tôi mổ lấy bỏ dụng cụ, nạo vét tổ chức viêm nhưng hình như vô giá trị
Trước mặt người bệnh, chúng tôi vẫn cười đùa vui vẻ nhưng khi ngồi với nhau trong phòng Bác sỹ thì vô cùng ân hận, tìm mọi cách để khắc phục.
Năm tháng, thằng L chỉ còn da bọc xương, hai mắt nó trũng sâu như cái xác ướp, lượng kháng sinh vào người nó đã đến mức rùng rợn…
Một hôm tôi bảo N.
-Hay cho nó về ông ạ..!
N tròn mắt nhìn tôi như có ý trách móc
-Thì mình cũng hết võ rồi còn gì.., tôi tính.., nguyên lượng kháng sinh cũng đã đủ cho nó suy kiệt…
N lặng đi không nói.
-Cho nó về, tôi và ông thỉnh thoảng sang thăm và chăm sóc vết thương cho nó…, thì cũng như đi chơi vậy.., biết đâu…!
-Ừ..! Tôi nghe ông.., mà cũng phải thế thôi.., mình hết võ rồi thật.., nhưng mà đau quá ông ạ…!
N thở dài một cái rồi bỗng hăng hái.
-Hai tuần sang thăm nó một lần nhé..?
-Thì đã bảo.., như đi chơi í mà… đi chứ..!
N học Y ở một nước đông Âu, hắn có cái Mô kích, en đu rô, thi thoảng mới chạy đến Bệnh viện.., nghe nó nổ êm ro, khói xanh thơm lừng.., lúc ấy, tôi không bao giờ dám nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ có được một cái như vậy.
Lọ mọ hỏi đường, đổ thêm mất một chai xăng nữa.., Tôi không đủ tiền mời hắn ăn trưa, thấy hắn đổ thêm xăng nên đói cũng không dám “mơi”.., cuối cùng cũng đến được nhà.
Không ai bảo ai mà cả tôi và N đều sững lại, cùng tưởng tượng ra cái xác ướp nằm bẹp trong xó nhà tối om.
Cả nhà nó ngỡ ngàng thấy hai thằng Bác sỹ về tận nơi…, gian bên, thằng L ngồi trên giường (Ở viện nó chưa ngồi được) giang hai tay ôm lấy N.. khóc…!
Da dẻ nó có sắc hơn, vết thương chỉ còn rò dịch…, cả nhà nó như cùng được hồi sức, mặt mũi ai nấy có thần hơn.
Cũng chỉ phải chăm sóc vết thương cho nó hai lần, dùng thêm hai đợt kháng sinh nữa.
Lần ấy, nó ra tận cổng đón chúng tôi rồi đích thân làm một cỗ lòng lợn chiêu đãi.
Vết thường liền.., nó lại đi mổ lợn.., N uống nhiệt tình.., say lứu lưỡi.., hắn nằm xuống nền nhà đất, giơ hai tay hai chân lên trời mà hát:
“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay… Rượu nếp, tiết long.., làm ta mê say..!”
Đó là ca bệnh mà tôi và N không bao giờ quên.
2.2-Ca thứ hai
Cụ Ngân 82 tuổi nhưng còn khỏe lắm, người to, cao, da trắng hồng.
Cụ bị chảy máu não do cao huyết áp, khối máu tụ lớn lắm, choáng hết nửa bán cầu đại não trái…, tuy các chỉ số sinh tồn còn tốt nhưng tôi biết…, cụ không thể sống được sau 2-3 ngày nữa.
Đi khám bệnh buổi sáng cùng các bác sỹ và các em sinh viên, tôi giải thích cho Long, con trai duy nhất của cụ, rằng tuổi cụ đã rất cao, khối máu quá lớn, nếu mổ và may mắn thành công thì cụ cũng chỉ sống thực vật hoặc ít nhất là liệt vĩnh viễn một bên.., không nói được.
Đang nói đến đấy, Long vội quỳ thụp xuống ôm lấy chân tôi khẩn khoản.
-Anh ơi..! Anh mổ đi.., tôi chỉ cần …, được nhìn thấy…, mẹ tôi thôi… anh mổ đi..!
Tôi xúc động trước sự yếu đuối của thằng đàn ông to, cao, đen đúa, dữ dằn.
Chính tôi cũng đã từng ước như thế mà không được… Bỗng nhiên, bản lĩnh của người thầy thuốc ngoại khoa biến mất, mặc cho đồng nghiệp và sinh viên ngỡ ngàng, tôi đỡ nó dậy.., hai thằng ôm nhau lặng khóc…
Giải thích thêm cho nó về khả năng thành công rất nhỏ rồi đưa cụ đi mổ

Ba ngày sau mổ, các chỉ số ổn định, tri giác không xấu hơn
Ba tuần sau mổ, tôi khuyên Long đưa cụ về nhà.
Những lần Long đến đón y tá về chăm sóc bà cụ, vẫn vui vẻ chào hỏi, cảm ơn chúng tôi.
Nhưng việc đó thưa dần, những lần sau, có cảm giác hắn tránh mặt tôi.
Sáu tháng sau, một lần tình cờ đụng mặt, hắn phải chào và tôi phải hỏi thăm. Long cúi mặt nói nhỏ.
-Tôi đã thật sự mệt mỏi ông ạ..!
Cụ Ngân cứ nằm như thế, đổ cho ăn cho uống thì nuốt được, hiếm hoi lắm mới cười với con một lần…,
Long phải lo làm ăn, hắn thuê người chăm sóc, hàng tuần vào đón y tá chăm sóc chuyên môn.
Một đứa con trai hiếu thảo như Long là hiếm lắm.., tình với mẹ là thứ tài sản vô giá, thiêng liêng lắm…!
Tôi đã hành động theo thứ tình cảm ủy mị là không theo lý trí…, đúng như đã hứa, tôi đã giữ được cụ để con trai được nhìn thấy mẹ, được cho mẹ ăn, được chờ đợi từng nụ cười hiếm hoi của mẹ…
Nhưng cũng chính tôi đã làm hao mòn đi cái tình cảm mẹ con thiêng liêng…! Nếu cái tình của Long đối với mẹ có thể đong đếm được thì khi bà cụ lâm nguy nó nhiều bao nhiêu…, và sau sáu tháng, nó đã vơi đi bao nhiêu..!
Tôi cảm thấy mình có lỗi..!
Sau bốn tháng nữa, tức là gần một năm sau mổ, bà cụ mới ra đi, Long không báo và tôi cũng không đến dự lễ tang (Nhà nó ở quanh khu chùa Kim Sơn-Kim Mã)… Hẳn rằng Long đã có thể bình tĩnh để lo việc nhưng cũng hẳn rằng sự đau đớn, nỗi thương sót người đã mạng nặng đẻ đau, đã nuôi dạy mình khôn lớn…, chắc là vơi đi nhiều lắm…!
2.3-Ca thứ ba
Nhà thằng Phong ở Nam Hà, bố mẹ nó là nông dân.., vất vả lắm. Những năm cuối 70 nhà nó vào Lâm đồng làm Kinh tế mới. Không trụ được, thế là lại lên Tuyên Quang khai hoang trồng cam.
Nhà nghèo, phải di chuyển nhiều lần nhưng thằng Phong học giỏi, nói thi đại học đỗ thủ khoa.
Đang học năm thứ ba, một tương lại đang rộng mở không chỉ cho nó mà còn cho bố mẹ, gia đình nó… thế mà nó bị tai nạn.
Sau mổ, nó nằm “Thẳng cẳng” ở khoa tôi hơn một tháng.
Lâu lâu, bố nó lại về Tuyên mang vài bao tải cam xuống biếu hết lượt… Lần thứ nhất chia nhau mang về. Lần thứ hai tôi chỉ lấy hai chục quả cho anh chị em tráng miệng bữa trưa, còn thì nhất định bắt bố nó mang ra cổng bán.., giằng co nhau.. thế là chị em mỗi người mua cho vài cân.., thế rồi người ta quen mỗi tuần đón mua cam Tuyên Quang ở cổng một lần.
Bệnh đông quá, nó cũng không cần điều trị gì thêm mà cứ phải nằm trong không khí ngột ngạt này. Bố mẹ nó thay nhau một người ôm con, một người chạy đi chạy lại.., công việc hẳn là bê trễ.
Tôi gợi ý cho về và bố mẹ nó giãy lên đành đạch.., người ta muốn con “Khỏi hẳn” mới về.
Sau nhiều lần đả thông, bố nó ngậm ngùi đồng ý, có lẽ anh ta nể và đuối lý trước thuyết phục của tôi thôi.
-Anh cứ về đi, có gì đặc biệt thì gọi điện cho tôi.., tùy theo mà tôi có thể góp ý hay trực tiếp về tân nơi, nặng quá thì mang quay lại cũng không muộn… Nhưng diễn biến thế nào thì mỗi tuần cũng gọi cho tôi một lần nhé…!
Vợ chồng hắn lặng lẽ mang con về…
Năm ngày sau, tôi thấy hắn te tái chạy ngược lên cầu thang.
-Ơ kìa..! Ông này…! Sao lại ở đây…!
Tôi ngạc nhiên còn hắn thì nhẩy cẫng lên vì mừng rỡ
-Úi dời ơi…! Em lên để báo với bác…! Tiếc thế…! Không nghe lời bác sớm..! Về nhà cháu khác hẳn ra bác ạ… ngồi được rồi.., ăn gọn lắm.. ăn khỏe..! Sắp nói được rồi…! Em phải chạy ngay lên báo để bác mừng…!
Chuyện thằng Phong còn dài nhưng hãy kể đến đấy đã.

III-BÀN LUẬN.
Ca 1 và 3.
Cái gì đã giúp thằng L phục hồi nhanh đến thế..? Ở Bệnh viện và ở nhà có những gì khác nhau..?
Phải chăng chính thuốc men làm cho nó suy yếu..?
Phải chăng cái cảm giác “ở nhà của mình” khiến cơ thể nó hoạt động ổn định hơn..?
Ở Bệnh viện nó ăn cái gì…? Lấy ở đâu..?
Ở nhà nó ăn cái gì..? Lấy ở đâu..?
Đó là những câu hỏi mà mỗi chúng ta đều có thể tự trả lời.
Ca 2.
Sau mổ, cụ Ngân, (tuy không nói được) và anh Long có thể thỏa mãn một thời gian vì còn được nhìn thấy nhau trên thế gian này, còn được chăm sóc nhau.
Nhưng rồi nhìn thấy con vất vả, đặc biệt nhìn thấy tình con vơi dần, nghĩ mình tuổi cũng đã cao, người mẹ nếu muốn chết cũng liệu có được…?
Chẳng thà cứ để cụ đi bình thường (Không can thiệp), tuy anh Long sẽ đau đớn nhưng đó là cái đau đớn ngọt ngào..

Mỗi chúng ta đều đã và sẽ phải trải qua những trạng thái tâm lý trái ngược nhau.
Khi bị ức chế do buồn, mất mát, lo lắng, sợ hãi, không thỏa mãn.., chúng ta ăn không thấy ngon…, giảm hay mất cảm giác đói…, mất ngủ hoặc ngủ không yên giấc.., cơ thể rệu rã không muốn hoạt động… một loạt những hoạt động thần kinh-Thể dịch bị ngưng trệ…,đó là thời cơ để bệnh tật tấn công chúng ta.
Ngược lại, khi chúng ta hưng phấn vì thành công của mình hay người thân, khi chúng ta có cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn… chúng ta thấy yêu đời hơn, ăn ngon hơn và giấc ngủ nhẹ nhàng hơn. Hàng loạt những phản ứng thần kinh-thể dịch đã giúp ta có trạng thái ấy… đó là lúc bệnh tật dễ bị đẩy lùi nhất.
Chúng ta dễ dàng tưởng tượng một người mẹ đang đau bụng quằn quại, không có thuốc gì, biện pháp gì giúp bà ta dịu được cơn đau nhưng chỉ cần một người chạy đến thông báo.
-Con trai bà bị tai nạn giao thông ngoài kia, mặt be bét máu…!
Người đàn bà ấy sẽ lao ra và không còn đau bụng nữa, ít nhất cho đến khi bà thật sự xác minh được thông tin.
Trạng thái tâm lý là khởi đầu cho những hoạt động Thần kinh-Thể dịch ấy.
Cảm giác “Đang phải nằm viện” và cảm giác “Đang nằm ở nhà của mình, giường của mình”, tiếp xúc hàng ngày với những bóng áo trắng với đầy những nghe ngóng thấp thỏm và tiếp xúc hàng ngày với người thân trong gia đình, bạn bè, họ hàng, xóm giềng .., tưởng như không có gì ghê gớm nhưng lại rất khác nhau. Sự khác biệt ấy sẽ được nhân lên bội phần nếu người bệnh đang ở trong tình trạng không hoàn toàn tỉnh táo.
Ngoài ra, một số yếu tố cũng có thể được tính đến để giải thích.
Ở Bệnh viện, đa phần người bệnh ăn đồ đi mua
Khi về nhà, gia đình có đầy đủ điều kiện để chế biến thức ăn chu đáo, đảm bảo và.. quen thuộc hơn.
Một người nằm viện (Không tính những trường hợp rất nhẹ, không đáng phải nằm, có thể tự phục vụ) cần ít nhất một người túc trực, chăm sóc, những người khác chạy đi chạy lại để giúp đỡ và tiếp tế.., mọi hoạt động trở nên khó khăn vì ít nhất gia đình mất đi 2,5 lao động mỗi ngày.
Khi dưỡng bệnh tại nhà, các thành viên gia đình có thể vừa làm việc của mình, vừa thay nhau, cắt giờ để chăm sóc người bệnh.., khi cần nhiều người như vệ sinh, tắm, tập luyện cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Trạng thái thể chất và tinh thần của người phục vụ tốt hơn thì chất lượng phục vụ cũng tốt hơn.
Đương nhiên, khi bệnh đã ổn định thì chỉ cần mời thầy thuốc lo những việc mà gia đình không thể tự làm được.
Có lẽ tổng những yếu tố ấy khiến gia đình là nơi dưỡng bệnh tốt nhất của người Việt Nam ta cho đến hiện nay.


Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

VÀI NHẬN ĐỊNH

Để tiếp tục thảo luận với các bạn, hy vọng có lời khuyên cho Hùng, tôi muốn đưa ra vài nhận định chủ quan, cá nhân và kể vài câu chuyện tôi đã gặp trong đời hành nghề.
1-VÀI NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN
1.1-Do đào tạo và tính chất “Chuyên khoa”, kèm theo những khó khăn xã hội nên các thầy thuốc của ta thường nhìn , đánh giá, và xử trí đối tượng của mình (Tức là bệnh và người bệnh) một cách phiến diện. Đa số nhìn “bệnh” theo chuyên khoa của mình chứ ít nhìn “người bệnh”.
Một cô đau lưng, đến khám, vạch lưng cô ta ra, Bác sỹ chấn thương thấy cái u mỡ… thế là chỉ định mổ bóc u, Người bệnh sau cuộc mổ, không hiểu sao cũng… hết đau lưng.
Một người trung niên đi “Khám tổng thể” siêu âm thấy cái nang thận, gan.., mặc dù người ta đang sống bình thường nhưng khi nhận được kết quả siêu âm họ có thể … ốm thật.
Cũng có thể có chỉ định “Chọc hút dưới siêu âm” và tôi đã chứng kiến có người sợ quá mà… chết! vài ca… suýt chết..!
1.2-Việc thông báo cho người bệnh “Chẩn đoán” của mình mà thiếu giải thích cặn kẽ đôi khi biến một người đang sống bình thường thành một người tàn phế.
1.3-Với mỗi trường hợp cụ thể thì đích điều trị là gì..? Điều trị đến đâu..?
Một người > 70 tuổi, hen đến “rụt cổ”, từ nhỏ đến giờ lúc nào họ cũng “Cò cử”, nay nhân một đợt bội nhiễm mà vào viện, nếu thầy thuốc cố gắng đưa cái phổi của người này về những chỉ số của người bình thường, tức là ‘chữa bệnh”, thì rất có thể sẽ gặp tai họa… Trước hết, hãy trả người ta về tình trạng của một người hen phế quản mạn tính.
Tương tự như vậy, những người cao tuổi, người có nhiều bệnh mạn tính.. cái mức gọi là “Bình thường” của họ cũng khác những người khỏe mạnh và thầy thuốc hãy cố gắng đưa họ về cái ngưỡng “Bình thường của riêng họ”…
Chữa bệnh mà có lưu tâm đến tình trạng toàn thân, đến đời sống tinh thần và vật chất của của họ.., như thế gọi là “Chữa người bệnh”.
1.4-Người dân thường sợ đến Bệnh viện, ai cũng nói được nhưng hình như ít ai ý thức được rằng; Bệnh viện của ta là nơi… Mất vệ sinh nhất!
Nói thế không phải tôi chê cơ sở và con người của ta mà đó là nhận định.
Phòng ốc, điều kiện thông khí ở các buồng bệnh của ta rất kém
Ai cũng biết tình trạng quá tải, tức là đông người bệnh, đông người đã nguy hiểm, đông bệnh càng nguy hiểm. Sự nguy hiểm không phải chỉ về mặt vi sinh vật (Vi khuẩn, vi rút) mà còn về khí thở, tiếng ồn và đặc biệt là những tác hại lên trạng thái tâm lý người bệnh.
Tôi không đủ khả năng thuyết phục nhưng muốn các bạn tin rằng; Một nhóm người hoàn toàn khỏe mạnh, nếu chia nhau mỗi người nằm ở một buồng bệnh mười ngày thì  > 50% số ấy sẽ.. ốm thật.
Nếu ai không tin thì thôi, nhưng nếu tin thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao vậy..? trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu giá trị và tác hại của việc “phải nằm viện”.
Nhân đây cũng nhắc lại rằng; ở các nước phát triển, giường bệnh chỉ dành cho những người có bệnh thật sự mà không thể điều trị tại nhà, và cũng chỉ dành cho giai đoạn bắt buộc phải nằm viện, không thể điều trị tại nhà. Cũng có nghĩa là giường bệnh được sử dụng hiệu quả tối đa.
Không thực hiện được như thế vì có quá nhiều mục đích nằm viện nên đây là một trong những nguyên nhân gây “Quá tải ảo” ở ta.
1.5-Thầy thuốc cũng là những con người, họ phải sống, phải nuôi con và bố mẹ già. Họ có kiến thức, họ lao động vất vả không phải chỉ trong giờ hành chính, những ca trực “Trắng đêm”, mà những đên chong đèn đọc sách, những bữa ăn mất ngon vì không thể dứt ra khỏi đầu một trường hợp khó…, và họ có quyền đòi hỏi một mức sống với những nhu cầu thông thường của mặt bằng xã hội, cho họ và cho những người thuộc trách nhiệm chu cấp của họ.
Theo tôi thì đã từ rất lâu rồi, cả xã hội ta không ai sống bằng “lương”.
Khó lòng tìm được một mức lương của một người làm trong bộ máy nhà nước mà có thể vừa sống đầy đủ lại làm nhà cao cửa rộng, ô tô đắt tiền.
Có người giải thích rằng; “Quyền lợi” tức là có “quyền” thì có “lợi”, quyền nào thì lợi ấy..! Tôi bảo không sai…! Lương của Chủ tịch phường, Huyện, Tỉnh là bao nhiêu..? Cao hơn nữa là bao nhiêu… ? Thế mà có cố tình nhắm mắt lại cũng biết đời sống của họ gấp mấy nghìn lần đồng lương đó.
Các ngành nghề khác cũng vậy chứ không riêng gì cán bộ lãnh đạo.
Không ai cho thầy thuốc cái quyền bắt người bệnh phải “góp phần nuôi mình”… Thì cũng như không ai cho phép cán bộ lãnh đạo nhận quà để “Giúp đỡ” nhân viên, để “duyệt dự án”, để.. vân vân và vân vân…
Nói dài như thế để “Biện minh” cho việc thầy thuốc cũng “Phải” tự tìm lấy cái “Lợi” cho mình. Đó là tiền phần trăm khi sử dụng thuốc và phương tiện dụng cụ y tế, đó là tiền giới thiệu bệnh nhân cho các đơn vị y tế có kinh doanh…, tiền cảm ơn, tiền “bồi dưỡng” từ người bệnh (Dù thật lòng hay không thật lòng)
Nhân  vật Hùng trong chuyện của tôi đang coi Bác sỹ K, người giới thiệu sang Bệnh viện liên doanh là … “Chân gỗ” mà tôi chưa biết nói thế nào để anh ta xóa đi cái ấn tượng không có lợi gì ấy.
Đọc đến đây, có thể các bạn ngoài ngành phẫn nộ và nghĩ ngay đến những lực lượng, những thế lực như “Lãnh đạo”, “Thanh tra”, “công an”.v.v..
Xin các bạn hãy cố gắng bình tĩnh để trước hết nhìn vào mức lương và mức sống của chính những thế lực mà các bạn đang định cậy nhờ ấy..!
1.6-Cách nhìn “bệnh” thay vì nhìn “người bệnh” cộng với những nhu cầu thiết yếu về lợi của thầy thuốc, cùng những ràng buộc phải làm việc theo kiểu… “tròn vai” có thể sẽ khiến người bệnh phải nhận những kết quả không tương xứng với những gì mình phải bỏ ra, mình kỳ vọng.
1.7-Không người nào giống người nào, không bệnh của người nào giống bệnh của người nào nên thầy thuốc phải thực sự như người lính ngoài chiến trường mà đối phương là con bệnh. Phải “Chủ động” và “Phải được chủ động” tìm hiểu và đối phó với con bệnh.. Đáng tiếc.. những Bác sỹ đủ năng lực làm việc như thế và…, “được làm việc như thế” còn rất ít. Không ít người làm việc “Theo thầy’, theo “Tuyến trên”, “Theo sách” một cách máy móc …
Thầy thuốc của người ta, khi ra một quyết định phải tự trả lời được câu hỏi: Tại sao làm như vậy..? Làm như thế để làm gì…?
Thầy thuốc của ta chỉ cần trả lời: Làm theo thầy nào..? Sách nào..?     
Nhưng vô hình, cách làm việc “Thụ động” ấy lại được khuyến khích, đương nhiên ngược lại thì không.
1.8-Nếu ví người thầy thuốc như người lính đối mặt với đối phương ở tuyến đầu thì tất cả những thành phần còn lại của ngành y tế và những đối tượng liên quan là để “phục vụ” cho người lính ấy chiến đấu hiệu quả nhất. Thực tế có được như vậy không ? Hay ngược lại? Đó là cả một vấn đề có thể thảo luận nhiều giờ.
Trong một Bệnh viện thì những lực lượng lẽ ra phải phục vụ lại nhiều khi vô tình hay cố tình cản trở sức chiến đấu của người lính.
-Bộ phận dược phải đảm bảo cung cấp thuốc men, dụng cụ ĐỦ và ỔN ĐỊNH, mọi việc phải có kế hoạch, không thể để người lính trên chốt thiếu đạn, không thể để tình trạng cần chống tăng lại đưa… dao găm.
Bệnh viện loại I, có khoa Nội thần kinh, có mổ thần kinh, có khoa Hồi sức cấp cứu với đa phần là những bệnh thần kinh nhưng nhiều năm không có thuốc chống co giật, thứ rất rẻ và hầu như công ty sản xuất dược phẩm nào cũng có thể làm được.
Thuốc kháng sinh phải có đủ chủng loại để thầy thuốc lựa chọn theo chủng khuẩn, còn lại phần lớn các đơn kháng sinh dùng trongbệnh viện  là liệu pháp “dự phòng”, với những đối tượng đó thì kháng sinh cần ổn định.
Không…! Ở những bệnh viện “Nửa tỉnh, nửa huyện” của ta thì thường thấy những cái thông báo: Hết thuốc này…, Thay thuốc khác…, Không có thuốc này…, không có thuốc kia… Tại sao vậy…? Khi mà thị trường thuốc của Việt Nam phong phú vào bậc nhất thế giới..? Khi mà người bệnh sẵn sàng trả và phải trả tiền cho thứ thuốc mà họ cần…?
-Tương tự như vậy những phòng như; Kế hoạch, tài vụ, các khoa có tính phục vụ như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chống nhiễm khuẩn… phải làm việc trên tinh thần phục vụ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, đúng nhất cho người thầy thuốc điều trị. Thực tế có luôn luôn như vậy…? Có khi nào ngược lại..?
18-Về phía người bệnh.
Trong khi những biểu hiện thiếu tôn trọng thầy thuốc, thậm chí gây gổ chửi bới, đánh đập thầy thuốc ngày một tăng lên thì đa phần lại không ý thức được rằng thầy thuốc cũng là một nghề, y tế là một dịch vụ.
Tư tưởng bao cấp, xin-cho khiến nhiều người đến viện là muốn điều này điều nọ… Người ta dễ dàng phấn khởi khi được khám trước ai đó, chiếu, chụp, siêu âm ngay, xét nghiệm máu trước…, vào viện ngay, mổ trước… , chứ không ai, không bao giờ đặt câu hỏi; việc cấy có cần hay không…? Đã cần hay chưa..?
Người ta không thích nghe Bác sỹ giải thích rằng cần theo dõi thêm tại chỗ hay tại nhà…, người ta thích thú khi được cho “Nhiều thuốc tê”, thuốc giảm đau..
Đã đến viện là phải làm cái gì đó, phải có đơn thuốc, thậm chí càng nhiều, càng đắt thì càng thích…!
Những người tự nhiên đi “Khám tổng thể” thường là những người thận trọng nhưng không phải không có người đi khám theo mốt… Khốn nạn…! “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, chỉ cần thầy thuốc đưa ra một chẩn “Đoán”, hay một nghi ngờ gì đó là coi chừng… ốm thật!
Không ít người “Thích nằm viện”, họ thích vì ngàn lẻ một lý do
Họ nghĩ Bác sỹ có thể “Trung tu, đại tu” cái tấm thân của họ như người thợ sửa cái xe máy vậy.
Họ vào để… “Khỏi phí” cái thẻ bảo hiểm
Họ vào để “làm nũng” gia đình và người thân, vào để đo tình cảm, để nhận phong bì
Và họ vào viện để.. ăn vạ nhau.
Trong khi họ không biết cái quyền của họ, sẵn sàng và dễ dàng nghe theo hướng dẫn của bất cứ thầy thuốc nào.
Với hiện trạng y tế hiện nay thì đôi khi việc “Vượt tuyến” là bắt buộc và cần thiết. Không ít trường hợp biết người nhà mình có thể diễn biến nguy hiểm, trong lúc tình trạng còn cho phép vượt tuyến mà bệnh viện cơ sở chưa “Cho đi” họ cũng… đành chịu.
Thậm chí không có bảo hiểm, trót vào một bệnh viện đa khoa, khi đã biết bệnh và biết bệnh viện chuyên khoa phù hợp cách đó không xa nhưng Bác sỹ ở đó không muốn cho đi.., xin không được thì họ cũng… đành chịu!
Tóm lại là tính thụ động, phụ thuộc có cả ở thầy thuốc và người bệnh.

                                                                                   

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

XIN LỜI KHUYÊN...!

HÀNH TRÌNH KHÔNG BIẾT ĐI ĐÂU..!
Ngày 20 tháng chín âm lịch năm 2014 (tháng thứ nhất, năm ngoái nhuận tháng 9) H, vợ Hùng chóng mặt rồi ngất xỉu. Gọi điện, khi 115 đến nhà thì H tỉnh hoàn toàn, chỉ còn chóng mặt đau đầu, Bs 115 kết luận H bị rối loạn tiền đình, họ cho đơn thuốc rồi hướng dẫn nghỉ ngơi.
Đêm ấy H đau tăng hơn và có lúc mê sảng, sáng hôm sau Hùng đưa vợ đến một bệnh viện quân đội gần nhà. Sau khám và chụp CT người ta phát hiện H bị phình mạch não và lập tức chuyển cô đến bệnh viện nội khoa lớn nhất thành phố.
Tại đây, Bác sỹ K “Khuyên” Hùng đưa vợ đến mổ ở một Bệnh viện liên doanh với nước ngoài gần đó.
Bệnh viện này có ông bác sỹ mắt xanh mũi lõ, giỏi lắm..! Lạ lắm..!
Giỏi vì ông ta mổ từ đầu đến chân, tức là óc, phổi phèo, gân xương gì ông ta cũng mổ được tuốt…
Lạ vì ở thời buổi chuyên sâu này không thể có một người vừa là nhạc sỹ giỏi lại là võ sỹ giỏi, vừa là thợ mộc giỏi lại là thợ nề giỏi, thợ điện giỏi… cái gì cũng giỏi… Lạ hơn nữa là những người có tiền ở cái xứ sở văn hiến, thanh lịch ấy lại đua nhau đến nộp tiền cho ông ta mổ.
Hùng đóng 100 tr và H được mổ ngay.
Đêm thứ 3 sau mổ, bệnh viện gọi Hùng đến gấp vì vợ chuyển nặng.
H không biết gì từ đó…!
Nằm ở cái Bệnh viện “Xịn” ấy 10 ngày, tiêu hết 300tr rồi người ta chuyển lên một bệnh viện ngoại khoa cũng lớn nhất thành phố.
Tại đây, các Bs đánh giá tình trạng người bệnh đã rất xấu, xấu trước mắt và xấu lâu dài.., họ khuyên Hùng nên cân nhắc về điều trị.., 10 ngày sau, không thể làm gì hơn, H được chuyển về một Bệnh viện Trung ương loại I và nằm ở đó cho đến nay, tức là đã 9 tháng.
Sau một số thủ thuật nữa, tình trạng vẫn rất tồi tệ… Khi kích thích (Cấu véo) H biết mở mắt, co, cựa …, trong đầu có một cái cặp kim loại (vào chỗ phình mạch) và một đoạn ống silicol đặt từ chẩm đến trán…, phổi quá xấu, các Bs đã mở khí quản, tức là đục một lỗ ở cổ để thở dễ hơn…
Về viện này mấy tháng thì Hùng “Chạy” cho vợ được cái bảo hiểm, tuy nhiên, do nhu cầu điều trị bệnh nặng, cứ ba tháng Hùng lại đóng thêm khoảng 50 tr.
Hùng và hai con không nản, không thôi quyết tâm chạy chữa cho vợ, cho mẹ nhưng gia đình nội ngoại bắt đầu có tín hiệu rạn nứt.
Hùng đến, khể lại đầu đuôi câu chuyện và xin tôi lời khuyên…
Theo các bạn, nên khuyên Hùng như thế nào đây…?
=-=-=-=
Thông tin mới nhận thêm:
-Trước kia Hùng làm nhà nước, đã mất việc hơn chục năm nay.
-Tiền chữa bệnh cho H là từ nguồn huy động bà con nội ngoại
-Tính đến hôm nay, số tiền đã chi chữa bệnh cho H trong 9 tháng qua, tính tròn số là 1 tỷ 200tr.
-Dựa trên những thương tổn H có ở trên đầu, dựa trên tình trạng hôn mê kéo dài, và tình trạng hô hấp tồi tệ thì: Với điều kiện lý tưởng, H cũng chỉ có thể sống được khá hơn tình trạng thực vật đôi chút.

Hãy đặt mình vào vị trí của Hùng, rồi lại đặt mình vào vị trí của H để đưa ra lời khuyên hữu hiệu nhất.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

CÁI LOA PHƯỜNG

A Nô..!
Kẹc kẹc...! A Nô..!
Xin mời các chị, các cô ra phường.
Công ty dược phẩm Hùng Vương
Giới thiệu mỹ phẩm từ xương đồi mồi

Hôm qua chủ tich qua đồi
Bắt được cháu H đang ngồi với giai
Cháu H là con nhà ai
Nhớ dạy kẻo cháu mang thai có ngày

ANlô..! kẹc kẹc... A Nô...!
Lãnh đạo học tập Bác Hồ trồng cây
Mấy đứa nghịch ngợm nghe đây
Cây mà bị nhổ, chúng mày vào kho

A Nô .., kẹc kẹc... a Nô...!
Phường ta xuất hiện mấy cô bỏ chồng
Thông báo đến cánh đàn ông
Quá chín giờ tồi là không lượn lờ

A Nô .., kẹc kẹc... a Nô...!

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Làng Chõ-Ký sự!

Mổ cho bố nó cái máu tụ từ ngày mới về viện E rồi quen thằng Hậu từ đó.
Nó bảo:
-Làng cháu làm thợ mộc.., chuyên đóng bàn ghế.., chú có nhu cầu để cháu đóng kỷ niệm.
Tôi đặt một bộ với điều kiện chỉ nhờ chọn gỗ và làm kỹ chứ vốn và công phải thanh toán đầy đủ.., nó ô kê.
Nhận hàng.., “tổng thiệt hại” là 15tr, ông Đức Anh, bạn phổ thông, lấy tay gõ gõ hết lượt ra điều kiểm tra, thằng Hậu bảo.
-Cháu làm cho chú Dũng thì chú yên tâm đi..!
Thằng Đức Anh lắc đầu.           
-Gỗ dầy và đẹp thật..! Bộ này phải hai chục triệu..!
Thế rồi nó đóng cho bộ tràng kỷ để ở nhà thờ, sửa tất cả đồ gỗ cũ.
Hai lần lên hội làng, uống rượu, nhưng cái chính, có lẽ vì nó là người lao động nên càng ngày càng thân.
Hôm kia (Cách hôm nay 3 ngày) gọi nó ra bàn nhau cách sửa tủ thờ, bàn xong nó bảo.
-Hôm nào chú về chơi, nhân thể xem cho bố vợ cháu…, bây giờ toàn phải thở ô xy.
-Ông làm sao mà thở ô xy..?
-Bố cháu bị phổi, nặng lắm, cách đây hơn một tháng, nằm viện Bắc Ninh.., tưởng chết..!
-Thế thì còn đợi .., hôm nào nữa..! Hay đợi… “sáng trăng” nhân thể..? Mai chú trực, ngày kia chú sang.
Những lần trước, nó đều mời tôi về vào những ngày hội làng, tiết xuân mát mẻ, ngày hội, các nhà đều nghỉ việc, chỉ thấy gỗ to gỗ bé, bàn ghế các kiểu, nhà nào cũng có nhưng không thấy cái khó chịu đến kinh khủng, cái nguy hiểm tiềm ẩn của làng nghề.
Chiều tháng sáu.., nắng.., nóng.., oi.., nồng…! Oi từ ngoài oi vào!
Đổi tuyển Việt Nam vừa thua Myammar 1-2…, Oi từ trong óc oi ra!
Bước vào làng là thấy gỗ, gỗ chất đầy trong nhà, gỗ tràn ra lối ngõ, trẻ con đùa trên gỗ, người già ngồi trên gỗ đầu ngõ phe phẩy…
Bước vào làng là phải nói thật to bởi tiếng cưa máy, bào máy, tiếng đục đẽo chan chát nổi lên từ tứ phía..
Những ngôi làng Bắc Bộ được coi là trù phú lại thường là đất chật người đông, làng Chõ cũng thế, lác đác những ngôi nhà kiểu mới, điểm vào một vài tòa nhà cầu kỳ kiểu như biệt thự .., còn lại tuyệt đại đa số là gạch…, ngõ gạch…, tường gạch.., nhà gạch… Chỉ ở rìa làng mới lác đác mấy khóm cây còn thì toàn gạch là gạch..!
Hậu đón tôi ở đầu làng, te tái nhờ người trông hộ xe rồi đưa chúng tôi đi bộ về nhà.
Một đống rơm đang được đốt mùi thơm thơm, cay cay, tôi dừng lại giữa làn khói bảo.
-Hậu ơi..! Tao đứng đây một lúc là thành … con chó thui..!
Trước đình, một cái ao chừng ngàn mét đầy hoa sen..
Hít thật sâu cái hương thoang thảng nhẹ tênh của lá và hoa .., nhưng bước vào ngõ là cái hào hứng ấy biến mất.
Nắng từ trên trời đổ xuống gạch.., nóng từ gạch bốc lên.. Cùng với gỗ và mớ tạp âm làng ghề là mùi.., mùi phân gà phân lợn từ cống rãnh bốc lên đã khó chịu nhưng cái mùi ghề mới khiếp.., chỉ mươi bước là bạn đã có cảm giác cả một thân gỗ lớn đang chui vào, nút chặt lấy hai lỗ mũi của bạn…
Cổng nhà nào cũng có một người đàn ông đang mài mỗ, mỗi cái máy mài kê re re, to nhỏ tùy theo mức độ nông sâu cần bào, bụi từ những cái máy ấy tung ra chỉ kém người thợ nề cắt gạch ít chút, cái mầu nâu đỏ, cái màu vàng vàng…
-Chú thấy mũi cay cay rồi Hậu ạ..! Thế này thì gay nhỉ..!
-Vâng..! Nhưng chúng cháu quen rồi! Chú sang Đồng Kỵ .., còn kinh hơn nhiều..!
Thằng Hậu tha thiết mời chúng tôi về nhà “Uống lước” đã.., bố mẹ cháu đang chờ rồi, nhưng tôi cương quyết.
-Việc nào đi việc ấy, hôm nay chú sang thăm ông ngoại, xong việc, về thăm ông bà nội sau.
Tôi lảo đảo đi trong cái không khí oi nồng, đặc quánh bụi gỗ, qua từng con ngõ, những nhà và xưởng san sát.
-Đấy chú ạ!
Chúng tôi dừng lại trước một trong những cái cổng sắt, thằng Hậu toe toét cười, thò tay vào tháo chốt.
Cảnh cổng mở vào một khuôn viên chừng 2-3 trăm mét, ngôi nhà ngói cổ năm gian thấp tè chạy dọc theo lối cổng, gối vào đầu bên kia là khu nhà hai tầng.
Chả biết người ta gọi những ngôi nhà tập thể xây tường gạch, một tầng, lợp ngói tây, thời bao cấp là.., “Cấp 4” vậy nhà tốt hơn là cấp mấy..? 3 hay 5..? Chắc tốt nhất là “Cấp 1”, nhưng tôi cứ thích đùa gọi những ngôi nhà hai tầng kiểu thường thấy ở nông thôn là.. Cấp 5, hay .., cấp 4 giật lên cấp 5..! Tức là chỉ có 4 bức tường và hai lớp trần bê tông, cầu thang thường làm lộ bên ngoài với những bậc bằng xi măng, tay vịn bằng ống nước kẽm.
Hai ngôi nhà cổ (cái mốt 1960 và mốt 1990) tạo thành hình chữ e lờ ôm lấy cái sân lát gach nem, bên kia là nhà xưởng hàng xóm. Trên cái sận ấy hai người đàn ông một già một trẻ đang mải miết với hai cái máy mài, bên phải và trái mỗi người là những đống chân bàn to bằng bắp đùi, phía sau mỗi người đều có một cái quạt công nghiệp…, máy chạy re re hắt ra phía trước một luồng khói đỏ nâu y như máy bay Nga biểu diễn ở quảng trường đỏ.
Bụi gỗ đọng thành đống trước mỗi cái máy, phủ một lớp lên sân khiến mỗi bước chân qua để lại dấu dép rõ mồn một, y như kiểu kỹ thuật hình sự rắc vôi bột.
Ngôi nhà ngói ta năm gian nhưng chỉ có một cửa ở giữa, hai cửa sổ mở ra sân ở hai gian bên, còn lại kín mít.
Trên cái giường kê ở góc sau gian bên trái, một ông lão gầy gò đang ngồi kiểu “Đầu gối quá tai”, nét mặt có vẻ tươi tỉnh nhưng rõ ràng là ông ta đang rướn lên theo từng nhịp thở, cái bình ô xy như quả bom dựng ở đầu giường.., chúng nó kiếm đâu được cái dây dẫn khí màu xanh dài thế không biết, nối từ bình ô xy đến mũi ông bố nhưng đủ để ông ta có thể đi quanh nhà…, tôi nén cười vì chợt nghĩ đến cái xích…!
Phổi trái đầy tiếng rít, phổi phải nghe rất khó và dường như có tiếng lọc xọc.
Bác sỹ nội khoa kiểm tra và bổ sung thuốc men, hướng dẫn cách khí dung…
Tôi hướng dẫn cách vỗ rung và dặn ông lão chịu khó khạc nhổ đờm rồi quay ra hỏi bà lão, người đã mắc Parkinson 5 năm nay.
-Hai bác được mấy người con..?
-Bẩy.., bác ạ..!
Bà lão khó khăn trả lời, hai tay, miệng, mắt.. đua nhau giật.
-Có nhà ai không làm nghề này không?
Dường như không hiểu, bà lão càng giật mạnh.
-Ý cháu là, có người con nào của bác ở xa làng này không…?
-Không..! Ở làng cả..! Nhà nào cũng làm..!
Trời ơi…! Tôi đứng trong nhà, dù theo phản xạ đã cố gắng thở thật nhẹ vẫn cảm nhận rất rõ bụi gỗ chui qua lỗ mũi, thế mà cái ông già ngót 80, đang rướn lên để hít khí kia…
Bí…, bỗng cáu bẩn.
-Thế các bác ở cả đời thế này mà chịu được à..? Ông bà già thì ốm, người trẻ thì chưa nhưng rồi sẽ ốm sớm…, trẻ con nữa chứ, chưa biểu hiện thì chưa biết sợ à…?
Bọn đàn ông lúng túng, bà con dâu nhanh nhảu đỡ lời.
-Thì làng nghề.., bác bảo.., phải làm chứ biết sao…!
-Nhà còn ruộng không..?
-Còn chứ..!
-Bao nhiêu..?
-Hơn 3 mẫu…!
-Nhà nào cũng thế à..?
-Vâng..!
-Sao không bảo nhau đem hết ra đồng mà làm.., tập trung lại thì các biện pháp vệ sinh dễ thực hiện hơn không..?
Cả nhà cười ồ.
-Thế thì tốt quá.., nhưng đời nào chính quyền họ cho..!
-Thì mấy ông xã cũng là dân làng chứ gì, nhà các ông ấy cũng làm chứ gì, cũng có trẻ con và người già chứ gì… sao lại không bảo được nhau nhỉ..?
-Nhưng mà còn chính sách chứ chú…!
-Chính sách gì..? Đất là đất sản xuất, ba mẫu bớt ra trăm mét làm xưởng cũng là sản xuất chứ sao..? Cả làng cả xã nhất trí, cam kết chỉ làm xưởng không làm nhà ở là được chứ gì..!
-Không được đâu chú ơi..! Họ phá ngay..!
Cơn giông ập đến đột ngột, gió thổi vù vù, tiếng tôn, tiếng cánh cửa đập xoang xoảng, uỳnh uỳnh. Tôi vội chạy ra sân định ngước mắt lên nhìn trời xem có kịp chạy về xe hay ít nhất chạy về nhà thăm bố mẹ đẻ thằng Hậu được không.., trời đất mù mịt như bão cát, bụi gỗ từ những mái tôn mái ngói, từ trần nhà, nóc cổng tung xuống, từ dưới sân cuộn lên.
May, mưa to.., rất to ập xuống rất nhanh.., tôi ngồi dưới mái xưởng ngắm mưa điên cuồng quất ngang quất dọc xuống mái ngói cổ. Hai cây vối non hiếm hoi lúc nãy lá đỏ quạch giờ xanh mướt đang vật vã theo mưa và gió.
Vào nhà, tôi khóa bình rồi tháo cái dây ô xy cho ông lão, đợi một lát rồi hỏi.
-Bác thấy thở được không..?
Dường như ngẫm nghĩ, nghe ngóng rồi ông ta bảo
-Được bác ạ..!
-Đấy ..! Các ông thấy chưa..!
Tôi bảo bọn con trai con rể
-Các ông nghe tôi, mua lưới chống muỗi rồi chập đôi vào, bịt hết các cửa lại.., cẩn thận hơn có thể bôi một lớp dầu nhờn lên, bụi sẽ dính bớt vào đấy.., lâu lâu dùng máy hút một lần.., thẳng chỗ giường ông nằm cũng cần một cái ống khói, cũng bịt như thế thì mới có khí mà thở chứ.., đồng ý là phải làm nhưng làm để kiếm sống chứ có phải để chết đâu..!
Chúng vâng vâng dạ dạ nhưng đứa nào cũng tủm tỉm cười…, chắc chỉ vâng cho qua chuyện.
Mưa đỡ nặng hạt, chúng tôi chào ra về.
Lâu lắm mới đi trong làng dưới trời mưa.., nước vẫn dội xuống từ trên trời, từ những ống máng…, nước chảy phăng phăng trên ngõ.., một ông ngót 50 người gày gò, quần áo ướt như chuột lột đang chổng mông thò tay móc cống.., tôi đứng vào che ô cho, ông ta giật mình quay lên.
-Cứ móc đi, tôi che cho… tắc cống à..!
-Vâng., nó vướng cái que… em lôi mãi nó không ra…!
Cả nhà nó giữ chúng tôi ở lại “chơi một hôm”, tôi từ chối và dặn thằng Hậu nhất định phải che lưới chống bụi cho bố mẹ hai bên và cho các cháu.
-Mày có hứa với chú không..?
-Vâng! Cháu sẽ làm..!
-Bao giờ làm xong.., gọi một cái là chú sang ngay.., hôm ấy sẽ ở lại ăn cơm, uống rượu…!
Hôm nay tôi mới chỉ tình cờ thăm được hai nhà.., cả cái làng này đang ngày đêm hít bụi gỗ.. còn bao nhiêu người như ông lão kia..? Bao nhiêu đứa trẻ rồi sẽ phát bệnh sớm..?
Chúng nó bảo, ấy là mấy năm nay hàng chậm đấy, chậm là do giá gỗ xuống, giá gỗ xuống thì ít nhưng bọn Trung Quốc gìm giá thì nhiều.., họ giảm một nửa, những bộ trước bán 70 tr thì giờ chỉ được 40.., nhiều nhà lỗ to…!
Hôm nay mới ngấm cái gọi là làng nghề..! Ngấm thêm cái ảnh hưởng lệ thuộc của Dân Việt vào Trung Quốc.
Hôm nay lại phát hiện thêm một bất cập, bất cập đến khốn nạn trong chính sách quản lý đất đai..!
Hỡi những người bảo là yêu nước thương dân.., hãy đến Từ Sơn, hỏi về làng Chõ rồi đứng giữa làng một lúc để biết mình đang làm công bộc cho dân như thế nào…!


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

GOOD MORNING..! Khoa học-Công nghệ!

GOOD MORNING!
Đêm qua trực!
Mổ một thằng cu dân tộc Tày Nùng gì đó, người Cao Bằng về HN làm thuê,
Đêm, chúng đi uống bia rượu, thằng này ngồi sau, thằng ngồi trước phanh gấp một phát mà nó lộn cổ đập đầu vào vỉa ba toa.
Nó mê tít ngay từ đầu, chụp CT thấy máu tụ dưới màng cứng to lắm.
Tối khẩn cấp, đưa nó lên mổ ngay, không có người nhà, phải nhờ mọi người làm chứng.
Không biết nó có sống được không nhưng mình thì không ngủ được nữa.
Không ngủ được thì mở Ti vi.
Thấy một ông ĐBQH hỏi
-Tình trạng sử dụng ngân quỹ nghiên cứu khoa học đi hối lộ, để làm đề tài lấy lệ, bộ trưởng có biết không? Bộ trưởng có biện pháp gì để ngăn chặn..?
Ông Khoa học và công nghệ trả lời.
-Tình trạng ấy tôi "chưa thấy báo cáo" và "nếu có sẽ sử lý 'nghiêm túc"..!
Ông bộ trưởng giỏi thật đấy, thuộc bài thật đấy...! Trả lời cứ y như ... sách!
Nhưng ông này không giống ông Thăng để lăng săng đến cơ sở.
Vì khoa học nên ông sách vở. Vì sách vở nên chưa ai báo cáo thì ông coi là không biết.. thế là hết chuyện!.
Ở các Bệnh viện lớn, nghiên cứu khoa học là hoạt động thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá Bác sỹ. Hàng quý mỗi Bác sỹ đều có báo cáo, hoặc tham gia báo cáo khoa học nội bộ.., những báo cáo này thường không có tiền.
Nhưng hàng năm, trung ương vẫn rót xuống cơ sở, cơ sở lại rót xuống cơ sở thấp hơn một lượng lớn các đề tài... đó là những đề tài có kinh phí (Từ vài chục cho cấp cơ sở, một vài trăm triệu cho đề tài cấp Thành phố, Nhà nước)
"Vật chất quyết định ý thức" nên các đề tài "Có kinh phí" này khác hẳn những đề tài khác.
Thế là cũng hàng năm, mỗi Bệnh viện, tùy theo lớn nhỏ "Được lĩnh" một lượng đề tài với đủ cấp độ..., có nghĩa là người ta vẫn :Chia đề tài" như chia thịt trâu chết thời HTX vậy! Cán bộ, gia đình có công thì được nhiều hơn, ngon hơn.., ai thấp cổ bé họng thì chịu khó mang miếng "Bầy nhầy, bạc nhạc" về hấm mà nhá.
Sau khi được "chia", đa phần các Bs tìm cách "Đẻ ra đề tài", đẻ ra cái gì đó để được gọi là "có cái mới", có "sáng tạo"..., sau đó, khó nhất là.., đẻ ra chứng từ để thanh toán...
Để đề cương được "Duyệt" thường phải "Đi thăm hỏi" các thành phần hội đồng.
Phải "Quan hệ tốt" với phòng tài vụ bệnh viện, phòng nghiên cứu khoa học của cấp trên...
Khi nghiệm thu thì cần phải thăm hỏi chu đáo hơn, tích cực hơn...
Thế là hội đồng thông qua...!
Thế là bên tài chính giúp đỡ hợp lý hóa chứng từ..!
Thế là .. OK!
Đề tài 100 triệu, Bác sỹ thực hiện chỉ đút túi 2 chục là may...!
Liên hoan này nọ rồi, thằng nào mang về đưa vợ dăm triệu là thằng .. còn tử tế!
Việc ấy, đã diễn ra không biết từ bao giờ..!
Việc ấy chỉ cần xem lại bất cứ đề tài nào và tinh ý một tý thôi là thấy ngay
Việc ấy, "Chia đề tài" như chia thịt đã, đang và sẽ còn diễn ra...!:
-Khoa này, Bs này năm ngoái làm rồi thì thôi, nhường người khác (liệu có vô tư?)
Ô hay..! Rõ là làm khoa học kiểu Nguyễn Công Hoan..!
Một người có thể có nhiều đề tài, trong một thời gian liên tục, ngược lại, nhiều người, nhiều cơ sở, nhiều năm có thể không có đề tài nào.
Động viên người ta làm khoa học rồi tìm những đề tài khả thi và có tính thực tế mà hỗ trợ rồi "Mua lại" chứ ai lại "Chia" như chia thịt trâu chết như thế...!
Chả biết các "Viện nghiên cứu" khác có thế không..?
Khó mà khác được...!
Ông Bộ trưởng trả lời cứ y như... Đường lối vậy...!!!!.
Tưởng gì chứ ..., hóa ra làm bộ trưởng cũng không .. khó lắm!
Chỉ cần... Thuộc bài..!