Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

CON TÔI VÀO TRƯỜNG TƯ

CON TÔI VÀO TRƯỜNG TƯ
Ông ôn nhà tôi sinh năm 1986, sáu tuổi vào lớp một, vậy vào lớp hai là bảy tuổi, sáu cộng bảy bằng mười ba .., vâng, theo tính toán của tôi là cái năm 1993 ấy.
Cháu đang học trường làng, trường tiểu học Mai Dịch, cũng tiếng tăm lắm, lại có cô em họ dạy ở đấy.., lý tưởng quá còn gì…!
Trời đang yên, bể đang lặng, bỗng một hôm vợ tôi đi làm về với nét mặt khác hẳn, rạng rỡ hơn, tôi để ý thấy rõ ràng thấy cô ấy vừa nhặt rau vừa tủm tỉm cười… Cái gì thế không biết, có anh đẹp trai nào tán tỉnh chăng…
Đêm ấy, khi má áp vai kề, mụ mới thủ thỉ rằng:
-Người ta mách có cái trường tư thục, nằm ngay trong ĐH Sư phạm, toàn những thầy cô giỏi, cả ông Khánh gỉ Khánh gì nổi tiếng làm Hiệu trưởng.
-Ừ.., thì sao..!
-Hay là mình cho con sang đấy..?
-Ô hay..! Đang yên đang lành, trường lớp tử tế, lại có cô Nhung giúp đỡ.., còn định đi đâu nữa…!
-Nhưng mà người ta bảo trường này hay lắm..!
-Hay thì cũng là trường tư.., mà người ta mở trường tư để làm gì em biết không..? Để kinh doanh..! Làm gì có chuyện tự nhiên con mình lại được hưởng ưu đãi..!
-Nhưng mà chúng nó đang đổ xô xin cho con vào, người ta không ngu đâu.., đã bảo có ông Khánh.., làm Hiệu trưởng, ông Gs giỏi toán nhất nước đấy…, giáo viên toàn là loại giỏi của đại học sư phạm.., thì người ta cũng làm thêm như Bác sỹ mình ý… Nếu xin được, người ta sẽ lo cho con ăn bữa trưa chu đáo, buổi sáng học chính khóa, buổi chiều làm bài tập.., về nhà.., con chỉ việc chơi thôi…, mà họ thi tuyển đầu vào cao lắm.., toàn đứa giỏi mới vào được…!
-Thế con mình có phải thi không? Bao nhiêu điểm thì đỗ…?
-Em có chỗ quen.., xin được, nếu khó thì mình… “chạy” thêm…!
Giời ơi là giời…! Không biết cái thằng, cái con đầu đường xó chợ nào nó tuyên truyền mà ghê thế…! Mụ vợ tôi… sao hôm nay thuộc bài nhanh đến thế không biết.
-Đồng ý.., ông Khánh gì đó nổi tiếng, đồng ý là giáo viên sư phạm giỏi nhưng chưa chắc là được họ dạy đâu.., có khác gì mấy phòng khám tư nhân mời các thầy nổi tiếng đứng tên, trả tiền.., nhưng các ông ấy có trực tiếp khám đâu…!
-Họ tuyển chất lượng cao thế cơ mà..!
-Giời ơi là giời…! Thầy nhận những trò kém mà biến thành khá mới là thầy giỏi.. chứ chỉ nhận toàn bọn giỏi…, tức là những đứa đã có tố chất hay ít nhất gia đình cũng có nề nếp học tập, bố mẹ quan tâm và biết cách dạy con thì nói làm gì..!
Hôm 30-4 năm 1975 trên đường tiến vào Sài Gòn, nhìn những tấm biển quảng cáo mà thầm tiếc một nền kinh tế bắt đầu phát triển, sao những cái quảng cáo lúc ấy nó đẹp thế.., đáng tin.., đáng yêu đến thế:
-Để tiết kiệm thời gian, hãy dùng đồng hồ Seinko.
-Cẩn thận hơn nữa với nhớt mới.
-Tôi thích Top!
-Mỳ hai tôm.
-Bột giặt Visso.
-Kem đánh răng Hynnos
Thế mà ngay khi thứ văn hóa ấy nó tràn ra miền Bắc tôi lại ghét cay ghét đắng và càng ngày càng ghét đắng ghét cay, có lẽ bắt đầu từ câu chuyện này.
Khả năng thuyết phục của tôi không thắng được những lời quảng cáo đã ăn sâu vào từng nơ ron trong đầu vợ.
Đại học sư phạm đang được xây lại, những bộ phận cơ bản đã được chuyển về khu nhà mới khang trang hiện đại, cao ráo, để lại rải rác những dãy nhà cấp bốn thấp tịt xuống do những khu mới được tôn cao.
Lễ khai giảng được tiến hành ở một cái hội trường (hay giảng đường) cũ, nền xi măng, khá rộng nhưng thấp, mái bằng tấm lợp xi măng cũ kỹ, xung quanh cỏ mọc lút đầu người, dù mới được quét nhưng vẫn đầy bụi.., rõ là một ngôi nhà bỏ hoang.
Sau những bài diễn văn, những đại diện phụ huynh, học sinh phát biểu, ông Gs Nguyễn Khánh.. cầm cái dùi có buộc mảnh giẻ đỏ, khua khua lên trời vài vòng rồi đánh vào mặt trống tùng tùng…
Trường là mấy dãy nhà cấp bốn bỏ hoang ngay gần khoa Địa lý.
Được vài tháng tôi bắt đầu phát hiện và ân hận vì đã quá nể vợ, vì đã không thận trong đi kiểm tra cơ sở mà mình sẽ gửi đứa con duy nhất vào đấy, vì đã không cương quyết…
Cả trường chỉ có mỗi một cái sân rộng chừng bảy tám chục mét vuông, một mặt cái sân ấy là tường và cổng bảo vệ, một mặt là nhà Ban giám hiệu, phòng hội đồng, nơi các thầy cô nghỉ chờ lên lớp, hai mặt còn lại là lớp học… vậy thì bọn trẻ chơi ở đâu…? Chơi cái gì..?
Nhớ ngày mình học lớp hai ở đình Hòe Thị, không ai quy định nhưng vẫn có chỗ đánh quay, đánh đáo, bắn bi, bắn chim, trốn tìm, nơi bọn con gái chơi chuyền, ôn ăn quan, nhảy lò cò, nhảy ngựa… Ôi..! Những trò chơi của tuổi thơ, những thứ không bao giờ được bố mẹ và thầy cô động viên khuyến khích nhưng với nhiều đứa trẻ, trong đó có tôi, lại là sức hấp dẫn duy nhất để chăm chỉ đến trường, thứ tạo ra bao nhiêu là kỹ năng và ý chí…
Chơi, là quyền của mọi đứa trẻ và tuổi trẻ không bao giờ quay lại…, thế mà tôi đã cướp đi cái quyền, cái cơ hội phát triển ấy của con mình…!
Thế rồi mùa mưa đến, vài lần đưa con tới trường lại quay về.., “nước chảy chỗ trũng”, cái khu nhà cũ thành cái ao chứa sau mỗi cơn mưa, nước ngập đến lưng tường, bàn ghế nổi lều phều.
Thế rồi thành quen, hễ thấy mưa là mặt ông ôn nhà tôi lại tươi hơn hớn. Có lần, thấy tôi đăm chiêu nhìn trời, nó bảo.
-Nghỉ đi bố ơi..! Thế nào chả nghỉ…, đi mất công.., bố lại muộn làm..!
Không thể như thế được, học hành cần kỷ luật hơn cả quân đội ấy chứ.
Đến đầu con ngõ dẫn vào trường thì… không đi được nữa. Ông con lên mặt.
-Đấy..! Con đã bảo bố rồi…!
Tôi kịp kiềm chế để không mắng nó, không trút sự ân hận và giận dữ lên đầu đứa trẻ vô tội. Hôm sau đến, nước chưa rút.., hôm sau nữa…
-Con cứ ngồi nhà, để bố đi sớm nếu học, bố sẽ quay về đón..!
Nước rút gần hết, sân trường, nền nhà, bàn ghế phủ lớp bùn đen, không gian nặng nề, thoang thoảng mùi tanh tanh, nồng nồng, tường in ngấn nước vàng ố.., dăm cô đang chổng mông gạt bùn, cọ lớp…
Tôi lại giật mình.., ngay chỗ này, nơi nước cống vừa rút đi thì ngày mai các con tôi lại ngồi học.., lại ăn.., lại ngủ… Mình có phải là Bác sỹ không đây..?
“Giọt nước cuối cùng” khiến tôi quyết định bằng mọi giá phải “cứu con” khỏi cái “Nhà tù” này là một chiều đến đón sớm, chọn chỗ có bóng mát, dựng chân xe lên rồi rút cuốn Anh-te-cốt ra đọc.
Không thể không để ý vì xe tôi dựng sát tường một lớp học, cái lớp là ngôi nhà cấp bốn ba gian, chìm xuống dưới vì con ngõ mới được nâng cao. Ông thầy đang mắng mấy đứa mất trật tự, rồi ông gọi một thằng lên bàng.., từ cuối lớp, tôi thấy cái thằng cao lều nghều đứng dậy, nó khom lưng chui qua một cái xà nhà…, rồi lại chui qua một cái xà nhà nữa mới đến cúi đầu trước ông thầy đang nổi nóng…
Nhờ anh bạn làm quản lý ở trường Herman Gmainer, hè năm ấy tôi cho cháu chuyển trường.
Sau một hồi chèo kéo không hiệu quả, cô Hiệu phó chừng ngoài 30 tuổi, nói giọng Nghệ Tĩnh bắt đầu gây khó khăn, cô giở những điều khoản này, quy định kia rồi bắt tôi đóng tất cả những thứ tiền của cả cái năm học còn hơn một tháng nữa mới .. Khai giảng.
Cái gì cũng có giá của nó…, cái giá đắt nhất mà tôi phải trả là nhốt con một năm ở đây chứ không phải những đồng tiền này.
Cầm được học bạ của con trong tay, tôi mới mắng cho cô ta một trận.
-Vô lý đến mức cô bắt tôi đóng 170 nghìn tiền nước uống của cả năm.., như vậy, cô đã uống cả nước của một đứa trẻ con.
Cô này đã không biết ngượng, lại quen thói bắt nạn phụ huynh, hùng hổ đứng dậy buông ra những lời lẽ không còn tính “Sư phạm” nữa.
Tôi cương quyết mời cô ta ngồi xuống, nhắc cô ta về tuổi tác và thái độ, giới thiệu với cô rằng tôi cũng là Thầy thuốc, nghề của tôi và cô, tuy cũng cần phải kiếm sống nhưng nhất định phải có đức, phải thị phạm… rằng tôi sẽ không lấy lại những đồng tiền vừa đưa nhưng cô và BGH cần rút kinh nghiệm cho những trường hợp khác và cần nghĩ đến trách nhiệm mình.., rằng nếu cuộc gặp hôm nay được đem ra công luận thì tôi tin rằng cô biết những tác hại của nó.
Thật đáng buồn, cô ta ngồi im và … tái mặt.
Như trút được gánh nặng, đêm ấy tôi ngủ thật ngon.
Sáng sớm hôm sau, một cô gái lạ hoắc gọi cổng.
-Em chào anh!
-Vâng.., cô là…?
-Dạ.., anh không biết em đâu.., em là… là giáo viên trường Đông Đô.., xin phép gặp anh một tý…
-Ồ…! Lại còn chuyện gì nữa đây…, mời cô.
-Dạ.. không có gì.., em nghe nói anh quen biết bên trường Herman..?
-Vâng..! Vậy thì sao cô…!
-Dạ không..! Là em đến xin anh, anh giúp em với.., họ thu tiền của các cháu rất cao nhưng trả lương bọn em rất thấp, lại bắt bọn em tăng giờ…, những người có trình độ đều bỏ đi cả.., em không quen biết ai.., anh xin cho em về Herman với..?
Thế đấy, những ngày đến đón con, thấy cháu chạy nhẩy, tập Ca ra te, đá bóng.., mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi lại thấy nhẹ người…, rồi nhớ lại cái khu nhà cấp bốn tối tăm với bùn cống phủ đầy sau mỗi trận mưa … tôi bỗng cảm nhận được tâm trạng của một phạm nhân ngày ra trại..!

=-=-=
Tôi đã viết lại chuyện này ngay sau đó nhưng chính anh bạn đã giúp cho cháu về Herman khuyên tôi
-Hãy quên đi, chẳng tác dụng gì đâu, chỉ thêm người ghét mình thôi.
Bây giờ kể lại không phải vì “Háo chuyện” không phải chẳng còn gì để viết
Hiện trạng xã hội đã xấu đi quá nhiều so với ngày ấy..
Tôi không muốn nói ra điều tôi cho là chân lý của ngày nay: “Không thể tin ai được nữa, không thể tin vào bất cứ điều gì được nữa”
Khi nhận thông tin từ bất cứ đâu, ở ngoài đường, ở cơ quan, trên ti vi hay từ những “Nghị quết tối cao”… Hãy bình tĩnh mà xử lý trước khi có quyết định của riêng mình
Hãy tin vào chính mình và hãy có ngay biện pháp để bảo vệ chính mình và gia đình của mình.

                                                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét