Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Làng Chõ-Ký sự!

Mổ cho bố nó cái máu tụ từ ngày mới về viện E rồi quen thằng Hậu từ đó.
Nó bảo:
-Làng cháu làm thợ mộc.., chuyên đóng bàn ghế.., chú có nhu cầu để cháu đóng kỷ niệm.
Tôi đặt một bộ với điều kiện chỉ nhờ chọn gỗ và làm kỹ chứ vốn và công phải thanh toán đầy đủ.., nó ô kê.
Nhận hàng.., “tổng thiệt hại” là 15tr, ông Đức Anh, bạn phổ thông, lấy tay gõ gõ hết lượt ra điều kiểm tra, thằng Hậu bảo.
-Cháu làm cho chú Dũng thì chú yên tâm đi..!
Thằng Đức Anh lắc đầu.           
-Gỗ dầy và đẹp thật..! Bộ này phải hai chục triệu..!
Thế rồi nó đóng cho bộ tràng kỷ để ở nhà thờ, sửa tất cả đồ gỗ cũ.
Hai lần lên hội làng, uống rượu, nhưng cái chính, có lẽ vì nó là người lao động nên càng ngày càng thân.
Hôm kia (Cách hôm nay 3 ngày) gọi nó ra bàn nhau cách sửa tủ thờ, bàn xong nó bảo.
-Hôm nào chú về chơi, nhân thể xem cho bố vợ cháu…, bây giờ toàn phải thở ô xy.
-Ông làm sao mà thở ô xy..?
-Bố cháu bị phổi, nặng lắm, cách đây hơn một tháng, nằm viện Bắc Ninh.., tưởng chết..!
-Thế thì còn đợi .., hôm nào nữa..! Hay đợi… “sáng trăng” nhân thể..? Mai chú trực, ngày kia chú sang.
Những lần trước, nó đều mời tôi về vào những ngày hội làng, tiết xuân mát mẻ, ngày hội, các nhà đều nghỉ việc, chỉ thấy gỗ to gỗ bé, bàn ghế các kiểu, nhà nào cũng có nhưng không thấy cái khó chịu đến kinh khủng, cái nguy hiểm tiềm ẩn của làng nghề.
Chiều tháng sáu.., nắng.., nóng.., oi.., nồng…! Oi từ ngoài oi vào!
Đổi tuyển Việt Nam vừa thua Myammar 1-2…, Oi từ trong óc oi ra!
Bước vào làng là thấy gỗ, gỗ chất đầy trong nhà, gỗ tràn ra lối ngõ, trẻ con đùa trên gỗ, người già ngồi trên gỗ đầu ngõ phe phẩy…
Bước vào làng là phải nói thật to bởi tiếng cưa máy, bào máy, tiếng đục đẽo chan chát nổi lên từ tứ phía..
Những ngôi làng Bắc Bộ được coi là trù phú lại thường là đất chật người đông, làng Chõ cũng thế, lác đác những ngôi nhà kiểu mới, điểm vào một vài tòa nhà cầu kỳ kiểu như biệt thự .., còn lại tuyệt đại đa số là gạch…, ngõ gạch…, tường gạch.., nhà gạch… Chỉ ở rìa làng mới lác đác mấy khóm cây còn thì toàn gạch là gạch..!
Hậu đón tôi ở đầu làng, te tái nhờ người trông hộ xe rồi đưa chúng tôi đi bộ về nhà.
Một đống rơm đang được đốt mùi thơm thơm, cay cay, tôi dừng lại giữa làn khói bảo.
-Hậu ơi..! Tao đứng đây một lúc là thành … con chó thui..!
Trước đình, một cái ao chừng ngàn mét đầy hoa sen..
Hít thật sâu cái hương thoang thảng nhẹ tênh của lá và hoa .., nhưng bước vào ngõ là cái hào hứng ấy biến mất.
Nắng từ trên trời đổ xuống gạch.., nóng từ gạch bốc lên.. Cùng với gỗ và mớ tạp âm làng ghề là mùi.., mùi phân gà phân lợn từ cống rãnh bốc lên đã khó chịu nhưng cái mùi ghề mới khiếp.., chỉ mươi bước là bạn đã có cảm giác cả một thân gỗ lớn đang chui vào, nút chặt lấy hai lỗ mũi của bạn…
Cổng nhà nào cũng có một người đàn ông đang mài mỗ, mỗi cái máy mài kê re re, to nhỏ tùy theo mức độ nông sâu cần bào, bụi từ những cái máy ấy tung ra chỉ kém người thợ nề cắt gạch ít chút, cái mầu nâu đỏ, cái màu vàng vàng…
-Chú thấy mũi cay cay rồi Hậu ạ..! Thế này thì gay nhỉ..!
-Vâng..! Nhưng chúng cháu quen rồi! Chú sang Đồng Kỵ .., còn kinh hơn nhiều..!
Thằng Hậu tha thiết mời chúng tôi về nhà “Uống lước” đã.., bố mẹ cháu đang chờ rồi, nhưng tôi cương quyết.
-Việc nào đi việc ấy, hôm nay chú sang thăm ông ngoại, xong việc, về thăm ông bà nội sau.
Tôi lảo đảo đi trong cái không khí oi nồng, đặc quánh bụi gỗ, qua từng con ngõ, những nhà và xưởng san sát.
-Đấy chú ạ!
Chúng tôi dừng lại trước một trong những cái cổng sắt, thằng Hậu toe toét cười, thò tay vào tháo chốt.
Cảnh cổng mở vào một khuôn viên chừng 2-3 trăm mét, ngôi nhà ngói cổ năm gian thấp tè chạy dọc theo lối cổng, gối vào đầu bên kia là khu nhà hai tầng.
Chả biết người ta gọi những ngôi nhà tập thể xây tường gạch, một tầng, lợp ngói tây, thời bao cấp là.., “Cấp 4” vậy nhà tốt hơn là cấp mấy..? 3 hay 5..? Chắc tốt nhất là “Cấp 1”, nhưng tôi cứ thích đùa gọi những ngôi nhà hai tầng kiểu thường thấy ở nông thôn là.. Cấp 5, hay .., cấp 4 giật lên cấp 5..! Tức là chỉ có 4 bức tường và hai lớp trần bê tông, cầu thang thường làm lộ bên ngoài với những bậc bằng xi măng, tay vịn bằng ống nước kẽm.
Hai ngôi nhà cổ (cái mốt 1960 và mốt 1990) tạo thành hình chữ e lờ ôm lấy cái sân lát gach nem, bên kia là nhà xưởng hàng xóm. Trên cái sận ấy hai người đàn ông một già một trẻ đang mải miết với hai cái máy mài, bên phải và trái mỗi người là những đống chân bàn to bằng bắp đùi, phía sau mỗi người đều có một cái quạt công nghiệp…, máy chạy re re hắt ra phía trước một luồng khói đỏ nâu y như máy bay Nga biểu diễn ở quảng trường đỏ.
Bụi gỗ đọng thành đống trước mỗi cái máy, phủ một lớp lên sân khiến mỗi bước chân qua để lại dấu dép rõ mồn một, y như kiểu kỹ thuật hình sự rắc vôi bột.
Ngôi nhà ngói ta năm gian nhưng chỉ có một cửa ở giữa, hai cửa sổ mở ra sân ở hai gian bên, còn lại kín mít.
Trên cái giường kê ở góc sau gian bên trái, một ông lão gầy gò đang ngồi kiểu “Đầu gối quá tai”, nét mặt có vẻ tươi tỉnh nhưng rõ ràng là ông ta đang rướn lên theo từng nhịp thở, cái bình ô xy như quả bom dựng ở đầu giường.., chúng nó kiếm đâu được cái dây dẫn khí màu xanh dài thế không biết, nối từ bình ô xy đến mũi ông bố nhưng đủ để ông ta có thể đi quanh nhà…, tôi nén cười vì chợt nghĩ đến cái xích…!
Phổi trái đầy tiếng rít, phổi phải nghe rất khó và dường như có tiếng lọc xọc.
Bác sỹ nội khoa kiểm tra và bổ sung thuốc men, hướng dẫn cách khí dung…
Tôi hướng dẫn cách vỗ rung và dặn ông lão chịu khó khạc nhổ đờm rồi quay ra hỏi bà lão, người đã mắc Parkinson 5 năm nay.
-Hai bác được mấy người con..?
-Bẩy.., bác ạ..!
Bà lão khó khăn trả lời, hai tay, miệng, mắt.. đua nhau giật.
-Có nhà ai không làm nghề này không?
Dường như không hiểu, bà lão càng giật mạnh.
-Ý cháu là, có người con nào của bác ở xa làng này không…?
-Không..! Ở làng cả..! Nhà nào cũng làm..!
Trời ơi…! Tôi đứng trong nhà, dù theo phản xạ đã cố gắng thở thật nhẹ vẫn cảm nhận rất rõ bụi gỗ chui qua lỗ mũi, thế mà cái ông già ngót 80, đang rướn lên để hít khí kia…
Bí…, bỗng cáu bẩn.
-Thế các bác ở cả đời thế này mà chịu được à..? Ông bà già thì ốm, người trẻ thì chưa nhưng rồi sẽ ốm sớm…, trẻ con nữa chứ, chưa biểu hiện thì chưa biết sợ à…?
Bọn đàn ông lúng túng, bà con dâu nhanh nhảu đỡ lời.
-Thì làng nghề.., bác bảo.., phải làm chứ biết sao…!
-Nhà còn ruộng không..?
-Còn chứ..!
-Bao nhiêu..?
-Hơn 3 mẫu…!
-Nhà nào cũng thế à..?
-Vâng..!
-Sao không bảo nhau đem hết ra đồng mà làm.., tập trung lại thì các biện pháp vệ sinh dễ thực hiện hơn không..?
Cả nhà cười ồ.
-Thế thì tốt quá.., nhưng đời nào chính quyền họ cho..!
-Thì mấy ông xã cũng là dân làng chứ gì, nhà các ông ấy cũng làm chứ gì, cũng có trẻ con và người già chứ gì… sao lại không bảo được nhau nhỉ..?
-Nhưng mà còn chính sách chứ chú…!
-Chính sách gì..? Đất là đất sản xuất, ba mẫu bớt ra trăm mét làm xưởng cũng là sản xuất chứ sao..? Cả làng cả xã nhất trí, cam kết chỉ làm xưởng không làm nhà ở là được chứ gì..!
-Không được đâu chú ơi..! Họ phá ngay..!
Cơn giông ập đến đột ngột, gió thổi vù vù, tiếng tôn, tiếng cánh cửa đập xoang xoảng, uỳnh uỳnh. Tôi vội chạy ra sân định ngước mắt lên nhìn trời xem có kịp chạy về xe hay ít nhất chạy về nhà thăm bố mẹ đẻ thằng Hậu được không.., trời đất mù mịt như bão cát, bụi gỗ từ những mái tôn mái ngói, từ trần nhà, nóc cổng tung xuống, từ dưới sân cuộn lên.
May, mưa to.., rất to ập xuống rất nhanh.., tôi ngồi dưới mái xưởng ngắm mưa điên cuồng quất ngang quất dọc xuống mái ngói cổ. Hai cây vối non hiếm hoi lúc nãy lá đỏ quạch giờ xanh mướt đang vật vã theo mưa và gió.
Vào nhà, tôi khóa bình rồi tháo cái dây ô xy cho ông lão, đợi một lát rồi hỏi.
-Bác thấy thở được không..?
Dường như ngẫm nghĩ, nghe ngóng rồi ông ta bảo
-Được bác ạ..!
-Đấy ..! Các ông thấy chưa..!
Tôi bảo bọn con trai con rể
-Các ông nghe tôi, mua lưới chống muỗi rồi chập đôi vào, bịt hết các cửa lại.., cẩn thận hơn có thể bôi một lớp dầu nhờn lên, bụi sẽ dính bớt vào đấy.., lâu lâu dùng máy hút một lần.., thẳng chỗ giường ông nằm cũng cần một cái ống khói, cũng bịt như thế thì mới có khí mà thở chứ.., đồng ý là phải làm nhưng làm để kiếm sống chứ có phải để chết đâu..!
Chúng vâng vâng dạ dạ nhưng đứa nào cũng tủm tỉm cười…, chắc chỉ vâng cho qua chuyện.
Mưa đỡ nặng hạt, chúng tôi chào ra về.
Lâu lắm mới đi trong làng dưới trời mưa.., nước vẫn dội xuống từ trên trời, từ những ống máng…, nước chảy phăng phăng trên ngõ.., một ông ngót 50 người gày gò, quần áo ướt như chuột lột đang chổng mông thò tay móc cống.., tôi đứng vào che ô cho, ông ta giật mình quay lên.
-Cứ móc đi, tôi che cho… tắc cống à..!
-Vâng., nó vướng cái que… em lôi mãi nó không ra…!
Cả nhà nó giữ chúng tôi ở lại “chơi một hôm”, tôi từ chối và dặn thằng Hậu nhất định phải che lưới chống bụi cho bố mẹ hai bên và cho các cháu.
-Mày có hứa với chú không..?
-Vâng! Cháu sẽ làm..!
-Bao giờ làm xong.., gọi một cái là chú sang ngay.., hôm ấy sẽ ở lại ăn cơm, uống rượu…!
Hôm nay tôi mới chỉ tình cờ thăm được hai nhà.., cả cái làng này đang ngày đêm hít bụi gỗ.. còn bao nhiêu người như ông lão kia..? Bao nhiêu đứa trẻ rồi sẽ phát bệnh sớm..?
Chúng nó bảo, ấy là mấy năm nay hàng chậm đấy, chậm là do giá gỗ xuống, giá gỗ xuống thì ít nhưng bọn Trung Quốc gìm giá thì nhiều.., họ giảm một nửa, những bộ trước bán 70 tr thì giờ chỉ được 40.., nhiều nhà lỗ to…!
Hôm nay mới ngấm cái gọi là làng nghề..! Ngấm thêm cái ảnh hưởng lệ thuộc của Dân Việt vào Trung Quốc.
Hôm nay lại phát hiện thêm một bất cập, bất cập đến khốn nạn trong chính sách quản lý đất đai..!
Hỡi những người bảo là yêu nước thương dân.., hãy đến Từ Sơn, hỏi về làng Chõ rồi đứng giữa làng một lúc để biết mình đang làm công bộc cho dân như thế nào…!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét