Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

VÀI NHẬN ĐỊNH

Để tiếp tục thảo luận với các bạn, hy vọng có lời khuyên cho Hùng, tôi muốn đưa ra vài nhận định chủ quan, cá nhân và kể vài câu chuyện tôi đã gặp trong đời hành nghề.
1-VÀI NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN
1.1-Do đào tạo và tính chất “Chuyên khoa”, kèm theo những khó khăn xã hội nên các thầy thuốc của ta thường nhìn , đánh giá, và xử trí đối tượng của mình (Tức là bệnh và người bệnh) một cách phiến diện. Đa số nhìn “bệnh” theo chuyên khoa của mình chứ ít nhìn “người bệnh”.
Một cô đau lưng, đến khám, vạch lưng cô ta ra, Bác sỹ chấn thương thấy cái u mỡ… thế là chỉ định mổ bóc u, Người bệnh sau cuộc mổ, không hiểu sao cũng… hết đau lưng.
Một người trung niên đi “Khám tổng thể” siêu âm thấy cái nang thận, gan.., mặc dù người ta đang sống bình thường nhưng khi nhận được kết quả siêu âm họ có thể … ốm thật.
Cũng có thể có chỉ định “Chọc hút dưới siêu âm” và tôi đã chứng kiến có người sợ quá mà… chết! vài ca… suýt chết..!
1.2-Việc thông báo cho người bệnh “Chẩn đoán” của mình mà thiếu giải thích cặn kẽ đôi khi biến một người đang sống bình thường thành một người tàn phế.
1.3-Với mỗi trường hợp cụ thể thì đích điều trị là gì..? Điều trị đến đâu..?
Một người > 70 tuổi, hen đến “rụt cổ”, từ nhỏ đến giờ lúc nào họ cũng “Cò cử”, nay nhân một đợt bội nhiễm mà vào viện, nếu thầy thuốc cố gắng đưa cái phổi của người này về những chỉ số của người bình thường, tức là ‘chữa bệnh”, thì rất có thể sẽ gặp tai họa… Trước hết, hãy trả người ta về tình trạng của một người hen phế quản mạn tính.
Tương tự như vậy, những người cao tuổi, người có nhiều bệnh mạn tính.. cái mức gọi là “Bình thường” của họ cũng khác những người khỏe mạnh và thầy thuốc hãy cố gắng đưa họ về cái ngưỡng “Bình thường của riêng họ”…
Chữa bệnh mà có lưu tâm đến tình trạng toàn thân, đến đời sống tinh thần và vật chất của của họ.., như thế gọi là “Chữa người bệnh”.
1.4-Người dân thường sợ đến Bệnh viện, ai cũng nói được nhưng hình như ít ai ý thức được rằng; Bệnh viện của ta là nơi… Mất vệ sinh nhất!
Nói thế không phải tôi chê cơ sở và con người của ta mà đó là nhận định.
Phòng ốc, điều kiện thông khí ở các buồng bệnh của ta rất kém
Ai cũng biết tình trạng quá tải, tức là đông người bệnh, đông người đã nguy hiểm, đông bệnh càng nguy hiểm. Sự nguy hiểm không phải chỉ về mặt vi sinh vật (Vi khuẩn, vi rút) mà còn về khí thở, tiếng ồn và đặc biệt là những tác hại lên trạng thái tâm lý người bệnh.
Tôi không đủ khả năng thuyết phục nhưng muốn các bạn tin rằng; Một nhóm người hoàn toàn khỏe mạnh, nếu chia nhau mỗi người nằm ở một buồng bệnh mười ngày thì  > 50% số ấy sẽ.. ốm thật.
Nếu ai không tin thì thôi, nhưng nếu tin thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao vậy..? trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ hiểu giá trị và tác hại của việc “phải nằm viện”.
Nhân đây cũng nhắc lại rằng; ở các nước phát triển, giường bệnh chỉ dành cho những người có bệnh thật sự mà không thể điều trị tại nhà, và cũng chỉ dành cho giai đoạn bắt buộc phải nằm viện, không thể điều trị tại nhà. Cũng có nghĩa là giường bệnh được sử dụng hiệu quả tối đa.
Không thực hiện được như thế vì có quá nhiều mục đích nằm viện nên đây là một trong những nguyên nhân gây “Quá tải ảo” ở ta.
1.5-Thầy thuốc cũng là những con người, họ phải sống, phải nuôi con và bố mẹ già. Họ có kiến thức, họ lao động vất vả không phải chỉ trong giờ hành chính, những ca trực “Trắng đêm”, mà những đên chong đèn đọc sách, những bữa ăn mất ngon vì không thể dứt ra khỏi đầu một trường hợp khó…, và họ có quyền đòi hỏi một mức sống với những nhu cầu thông thường của mặt bằng xã hội, cho họ và cho những người thuộc trách nhiệm chu cấp của họ.
Theo tôi thì đã từ rất lâu rồi, cả xã hội ta không ai sống bằng “lương”.
Khó lòng tìm được một mức lương của một người làm trong bộ máy nhà nước mà có thể vừa sống đầy đủ lại làm nhà cao cửa rộng, ô tô đắt tiền.
Có người giải thích rằng; “Quyền lợi” tức là có “quyền” thì có “lợi”, quyền nào thì lợi ấy..! Tôi bảo không sai…! Lương của Chủ tịch phường, Huyện, Tỉnh là bao nhiêu..? Cao hơn nữa là bao nhiêu… ? Thế mà có cố tình nhắm mắt lại cũng biết đời sống của họ gấp mấy nghìn lần đồng lương đó.
Các ngành nghề khác cũng vậy chứ không riêng gì cán bộ lãnh đạo.
Không ai cho thầy thuốc cái quyền bắt người bệnh phải “góp phần nuôi mình”… Thì cũng như không ai cho phép cán bộ lãnh đạo nhận quà để “Giúp đỡ” nhân viên, để “duyệt dự án”, để.. vân vân và vân vân…
Nói dài như thế để “Biện minh” cho việc thầy thuốc cũng “Phải” tự tìm lấy cái “Lợi” cho mình. Đó là tiền phần trăm khi sử dụng thuốc và phương tiện dụng cụ y tế, đó là tiền giới thiệu bệnh nhân cho các đơn vị y tế có kinh doanh…, tiền cảm ơn, tiền “bồi dưỡng” từ người bệnh (Dù thật lòng hay không thật lòng)
Nhân  vật Hùng trong chuyện của tôi đang coi Bác sỹ K, người giới thiệu sang Bệnh viện liên doanh là … “Chân gỗ” mà tôi chưa biết nói thế nào để anh ta xóa đi cái ấn tượng không có lợi gì ấy.
Đọc đến đây, có thể các bạn ngoài ngành phẫn nộ và nghĩ ngay đến những lực lượng, những thế lực như “Lãnh đạo”, “Thanh tra”, “công an”.v.v..
Xin các bạn hãy cố gắng bình tĩnh để trước hết nhìn vào mức lương và mức sống của chính những thế lực mà các bạn đang định cậy nhờ ấy..!
1.6-Cách nhìn “bệnh” thay vì nhìn “người bệnh” cộng với những nhu cầu thiết yếu về lợi của thầy thuốc, cùng những ràng buộc phải làm việc theo kiểu… “tròn vai” có thể sẽ khiến người bệnh phải nhận những kết quả không tương xứng với những gì mình phải bỏ ra, mình kỳ vọng.
1.7-Không người nào giống người nào, không bệnh của người nào giống bệnh của người nào nên thầy thuốc phải thực sự như người lính ngoài chiến trường mà đối phương là con bệnh. Phải “Chủ động” và “Phải được chủ động” tìm hiểu và đối phó với con bệnh.. Đáng tiếc.. những Bác sỹ đủ năng lực làm việc như thế và…, “được làm việc như thế” còn rất ít. Không ít người làm việc “Theo thầy’, theo “Tuyến trên”, “Theo sách” một cách máy móc …
Thầy thuốc của người ta, khi ra một quyết định phải tự trả lời được câu hỏi: Tại sao làm như vậy..? Làm như thế để làm gì…?
Thầy thuốc của ta chỉ cần trả lời: Làm theo thầy nào..? Sách nào..?     
Nhưng vô hình, cách làm việc “Thụ động” ấy lại được khuyến khích, đương nhiên ngược lại thì không.
1.8-Nếu ví người thầy thuốc như người lính đối mặt với đối phương ở tuyến đầu thì tất cả những thành phần còn lại của ngành y tế và những đối tượng liên quan là để “phục vụ” cho người lính ấy chiến đấu hiệu quả nhất. Thực tế có được như vậy không ? Hay ngược lại? Đó là cả một vấn đề có thể thảo luận nhiều giờ.
Trong một Bệnh viện thì những lực lượng lẽ ra phải phục vụ lại nhiều khi vô tình hay cố tình cản trở sức chiến đấu của người lính.
-Bộ phận dược phải đảm bảo cung cấp thuốc men, dụng cụ ĐỦ và ỔN ĐỊNH, mọi việc phải có kế hoạch, không thể để người lính trên chốt thiếu đạn, không thể để tình trạng cần chống tăng lại đưa… dao găm.
Bệnh viện loại I, có khoa Nội thần kinh, có mổ thần kinh, có khoa Hồi sức cấp cứu với đa phần là những bệnh thần kinh nhưng nhiều năm không có thuốc chống co giật, thứ rất rẻ và hầu như công ty sản xuất dược phẩm nào cũng có thể làm được.
Thuốc kháng sinh phải có đủ chủng loại để thầy thuốc lựa chọn theo chủng khuẩn, còn lại phần lớn các đơn kháng sinh dùng trongbệnh viện  là liệu pháp “dự phòng”, với những đối tượng đó thì kháng sinh cần ổn định.
Không…! Ở những bệnh viện “Nửa tỉnh, nửa huyện” của ta thì thường thấy những cái thông báo: Hết thuốc này…, Thay thuốc khác…, Không có thuốc này…, không có thuốc kia… Tại sao vậy…? Khi mà thị trường thuốc của Việt Nam phong phú vào bậc nhất thế giới..? Khi mà người bệnh sẵn sàng trả và phải trả tiền cho thứ thuốc mà họ cần…?
-Tương tự như vậy những phòng như; Kế hoạch, tài vụ, các khoa có tính phục vụ như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chống nhiễm khuẩn… phải làm việc trên tinh thần phục vụ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, đúng nhất cho người thầy thuốc điều trị. Thực tế có luôn luôn như vậy…? Có khi nào ngược lại..?
18-Về phía người bệnh.
Trong khi những biểu hiện thiếu tôn trọng thầy thuốc, thậm chí gây gổ chửi bới, đánh đập thầy thuốc ngày một tăng lên thì đa phần lại không ý thức được rằng thầy thuốc cũng là một nghề, y tế là một dịch vụ.
Tư tưởng bao cấp, xin-cho khiến nhiều người đến viện là muốn điều này điều nọ… Người ta dễ dàng phấn khởi khi được khám trước ai đó, chiếu, chụp, siêu âm ngay, xét nghiệm máu trước…, vào viện ngay, mổ trước… , chứ không ai, không bao giờ đặt câu hỏi; việc cấy có cần hay không…? Đã cần hay chưa..?
Người ta không thích nghe Bác sỹ giải thích rằng cần theo dõi thêm tại chỗ hay tại nhà…, người ta thích thú khi được cho “Nhiều thuốc tê”, thuốc giảm đau..
Đã đến viện là phải làm cái gì đó, phải có đơn thuốc, thậm chí càng nhiều, càng đắt thì càng thích…!
Những người tự nhiên đi “Khám tổng thể” thường là những người thận trọng nhưng không phải không có người đi khám theo mốt… Khốn nạn…! “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, chỉ cần thầy thuốc đưa ra một chẩn “Đoán”, hay một nghi ngờ gì đó là coi chừng… ốm thật!
Không ít người “Thích nằm viện”, họ thích vì ngàn lẻ một lý do
Họ nghĩ Bác sỹ có thể “Trung tu, đại tu” cái tấm thân của họ như người thợ sửa cái xe máy vậy.
Họ vào để… “Khỏi phí” cái thẻ bảo hiểm
Họ vào để “làm nũng” gia đình và người thân, vào để đo tình cảm, để nhận phong bì
Và họ vào viện để.. ăn vạ nhau.
Trong khi họ không biết cái quyền của họ, sẵn sàng và dễ dàng nghe theo hướng dẫn của bất cứ thầy thuốc nào.
Với hiện trạng y tế hiện nay thì đôi khi việc “Vượt tuyến” là bắt buộc và cần thiết. Không ít trường hợp biết người nhà mình có thể diễn biến nguy hiểm, trong lúc tình trạng còn cho phép vượt tuyến mà bệnh viện cơ sở chưa “Cho đi” họ cũng… đành chịu.
Thậm chí không có bảo hiểm, trót vào một bệnh viện đa khoa, khi đã biết bệnh và biết bệnh viện chuyên khoa phù hợp cách đó không xa nhưng Bác sỹ ở đó không muốn cho đi.., xin không được thì họ cũng… đành chịu!
Tóm lại là tính thụ động, phụ thuộc có cả ở thầy thuốc và người bệnh.

                                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét