Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

KỂ MỘT VÀI CA BỆNH

Để tiếp tục thảo luận với các bạn, hy vọng có lời khuyên hữu hiệu nhất cho Hùng, tôi muốn đưa ra vài nhận định chủ quan của cá nhân và kể vài câu chuyện tôi đã gặp trong đời hành nghề.
I-VÀI NHẬN ĐỊNH CHỦ QUAN
(Bài trước)    
II-VÀI CÂU CHUYỆN ĐÁNG NHỚ
2.1-Chuyện thứ nhất.
Khoảng những năm cuối của thập kỷ 80, tôi đang làm việc tại khoa xương Bv X, trưởng khoa là Bs N, hơn tôi một tuổi, đẹp trai, thông minh và tốt tính.
Thằng L còn trẻ lắm (ít tuổi hơn chúng tôi) nhà ở Mê Linh, làm nghề mổ lợn. Không phải mổ như bây giờ đâu, người trong vùng đăng ký và mỗi ngày nó mổ một hai con rồi trực tiếp đem ra chợ bán.
Một sớm, ra đến chợ mới nhớ ra chỗ lòng, tiết…, quay về lấy, đến khúc cua nó đâm vào ô tô chạy ngược chiều, lòng lợn, máu người, tiết lợn…, tóe loe.
Nó bị thủng ruột, gãy cẳng chân, cánh tay và vỡ xương chậu.
Những chỉ định phẫu thuật ngày đó rất chặt chẽ, lần thứ nhất mổ khâu nối ruột, ổn định rồi mới mổ chân tay…
Nó phục hồi khá nhanh nhưng xương chậu vỡ rất nặng, những biện pháp bảo tồn (Không mổ) tỏ ra vô giá trị.
Sau khi cân nhắc rất thận trọng, chúng tôi quyết định mổ kết xương chậu cho nó. Đọc lại sách, nghiên cứu chỉ định và đường vào, cuộc mổ khá vất vả nhưng tạm coi là thành công, nắn chỉnh được, cố định vững…!
Nhưng.., Nhớ được ca này là từ cái nhưng ấy.., nhiễm trùng…!
Ổ nhiễm trùng ở sâu mà có dị vật (Implant) thì chỉ khi nào loại bỏ dị vật mới hy vọng điều trị khỏi nhiễm khuẩn, nhưng lấy bỏ dụng cụ thì xương chậu lại mất vững.
Loay hoay điều trị tại chỗ, các liệu pháp kháng sinh toàn thân, kháng sinh tại chỗ đều được áp dụng.
Người bệnh suy xụp, ba tháng nằm viện, thằng thanh niên đồ tể gầy như xác ve, ăn đường miệng, truyền tĩnh mạch vẫn không đủ để đổ vào ổ nhiễm.
Xương tạm ổn định và chúng tôi mổ lấy bỏ dụng cụ, nạo vét tổ chức viêm nhưng hình như vô giá trị
Trước mặt người bệnh, chúng tôi vẫn cười đùa vui vẻ nhưng khi ngồi với nhau trong phòng Bác sỹ thì vô cùng ân hận, tìm mọi cách để khắc phục.
Năm tháng, thằng L chỉ còn da bọc xương, hai mắt nó trũng sâu như cái xác ướp, lượng kháng sinh vào người nó đã đến mức rùng rợn…
Một hôm tôi bảo N.
-Hay cho nó về ông ạ..!
N tròn mắt nhìn tôi như có ý trách móc
-Thì mình cũng hết võ rồi còn gì.., tôi tính.., nguyên lượng kháng sinh cũng đã đủ cho nó suy kiệt…
N lặng đi không nói.
-Cho nó về, tôi và ông thỉnh thoảng sang thăm và chăm sóc vết thương cho nó…, thì cũng như đi chơi vậy.., biết đâu…!
-Ừ..! Tôi nghe ông.., mà cũng phải thế thôi.., mình hết võ rồi thật.., nhưng mà đau quá ông ạ…!
N thở dài một cái rồi bỗng hăng hái.
-Hai tuần sang thăm nó một lần nhé..?
-Thì đã bảo.., như đi chơi í mà… đi chứ..!
N học Y ở một nước đông Âu, hắn có cái Mô kích, en đu rô, thi thoảng mới chạy đến Bệnh viện.., nghe nó nổ êm ro, khói xanh thơm lừng.., lúc ấy, tôi không bao giờ dám nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ có được một cái như vậy.
Lọ mọ hỏi đường, đổ thêm mất một chai xăng nữa.., Tôi không đủ tiền mời hắn ăn trưa, thấy hắn đổ thêm xăng nên đói cũng không dám “mơi”.., cuối cùng cũng đến được nhà.
Không ai bảo ai mà cả tôi và N đều sững lại, cùng tưởng tượng ra cái xác ướp nằm bẹp trong xó nhà tối om.
Cả nhà nó ngỡ ngàng thấy hai thằng Bác sỹ về tận nơi…, gian bên, thằng L ngồi trên giường (Ở viện nó chưa ngồi được) giang hai tay ôm lấy N.. khóc…!
Da dẻ nó có sắc hơn, vết thương chỉ còn rò dịch…, cả nhà nó như cùng được hồi sức, mặt mũi ai nấy có thần hơn.
Cũng chỉ phải chăm sóc vết thương cho nó hai lần, dùng thêm hai đợt kháng sinh nữa.
Lần ấy, nó ra tận cổng đón chúng tôi rồi đích thân làm một cỗ lòng lợn chiêu đãi.
Vết thường liền.., nó lại đi mổ lợn.., N uống nhiệt tình.., say lứu lưỡi.., hắn nằm xuống nền nhà đất, giơ hai tay hai chân lên trời mà hát:
“Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay… Rượu nếp, tiết long.., làm ta mê say..!”
Đó là ca bệnh mà tôi và N không bao giờ quên.
2.2-Ca thứ hai
Cụ Ngân 82 tuổi nhưng còn khỏe lắm, người to, cao, da trắng hồng.
Cụ bị chảy máu não do cao huyết áp, khối máu tụ lớn lắm, choáng hết nửa bán cầu đại não trái…, tuy các chỉ số sinh tồn còn tốt nhưng tôi biết…, cụ không thể sống được sau 2-3 ngày nữa.
Đi khám bệnh buổi sáng cùng các bác sỹ và các em sinh viên, tôi giải thích cho Long, con trai duy nhất của cụ, rằng tuổi cụ đã rất cao, khối máu quá lớn, nếu mổ và may mắn thành công thì cụ cũng chỉ sống thực vật hoặc ít nhất là liệt vĩnh viễn một bên.., không nói được.
Đang nói đến đấy, Long vội quỳ thụp xuống ôm lấy chân tôi khẩn khoản.
-Anh ơi..! Anh mổ đi.., tôi chỉ cần …, được nhìn thấy…, mẹ tôi thôi… anh mổ đi..!
Tôi xúc động trước sự yếu đuối của thằng đàn ông to, cao, đen đúa, dữ dằn.
Chính tôi cũng đã từng ước như thế mà không được… Bỗng nhiên, bản lĩnh của người thầy thuốc ngoại khoa biến mất, mặc cho đồng nghiệp và sinh viên ngỡ ngàng, tôi đỡ nó dậy.., hai thằng ôm nhau lặng khóc…
Giải thích thêm cho nó về khả năng thành công rất nhỏ rồi đưa cụ đi mổ

Ba ngày sau mổ, các chỉ số ổn định, tri giác không xấu hơn
Ba tuần sau mổ, tôi khuyên Long đưa cụ về nhà.
Những lần Long đến đón y tá về chăm sóc bà cụ, vẫn vui vẻ chào hỏi, cảm ơn chúng tôi.
Nhưng việc đó thưa dần, những lần sau, có cảm giác hắn tránh mặt tôi.
Sáu tháng sau, một lần tình cờ đụng mặt, hắn phải chào và tôi phải hỏi thăm. Long cúi mặt nói nhỏ.
-Tôi đã thật sự mệt mỏi ông ạ..!
Cụ Ngân cứ nằm như thế, đổ cho ăn cho uống thì nuốt được, hiếm hoi lắm mới cười với con một lần…,
Long phải lo làm ăn, hắn thuê người chăm sóc, hàng tuần vào đón y tá chăm sóc chuyên môn.
Một đứa con trai hiếu thảo như Long là hiếm lắm.., tình với mẹ là thứ tài sản vô giá, thiêng liêng lắm…!
Tôi đã hành động theo thứ tình cảm ủy mị là không theo lý trí…, đúng như đã hứa, tôi đã giữ được cụ để con trai được nhìn thấy mẹ, được cho mẹ ăn, được chờ đợi từng nụ cười hiếm hoi của mẹ…
Nhưng cũng chính tôi đã làm hao mòn đi cái tình cảm mẹ con thiêng liêng…! Nếu cái tình của Long đối với mẹ có thể đong đếm được thì khi bà cụ lâm nguy nó nhiều bao nhiêu…, và sau sáu tháng, nó đã vơi đi bao nhiêu..!
Tôi cảm thấy mình có lỗi..!
Sau bốn tháng nữa, tức là gần một năm sau mổ, bà cụ mới ra đi, Long không báo và tôi cũng không đến dự lễ tang (Nhà nó ở quanh khu chùa Kim Sơn-Kim Mã)… Hẳn rằng Long đã có thể bình tĩnh để lo việc nhưng cũng hẳn rằng sự đau đớn, nỗi thương sót người đã mạng nặng đẻ đau, đã nuôi dạy mình khôn lớn…, chắc là vơi đi nhiều lắm…!
2.3-Ca thứ ba
Nhà thằng Phong ở Nam Hà, bố mẹ nó là nông dân.., vất vả lắm. Những năm cuối 70 nhà nó vào Lâm đồng làm Kinh tế mới. Không trụ được, thế là lại lên Tuyên Quang khai hoang trồng cam.
Nhà nghèo, phải di chuyển nhiều lần nhưng thằng Phong học giỏi, nói thi đại học đỗ thủ khoa.
Đang học năm thứ ba, một tương lại đang rộng mở không chỉ cho nó mà còn cho bố mẹ, gia đình nó… thế mà nó bị tai nạn.
Sau mổ, nó nằm “Thẳng cẳng” ở khoa tôi hơn một tháng.
Lâu lâu, bố nó lại về Tuyên mang vài bao tải cam xuống biếu hết lượt… Lần thứ nhất chia nhau mang về. Lần thứ hai tôi chỉ lấy hai chục quả cho anh chị em tráng miệng bữa trưa, còn thì nhất định bắt bố nó mang ra cổng bán.., giằng co nhau.. thế là chị em mỗi người mua cho vài cân.., thế rồi người ta quen mỗi tuần đón mua cam Tuyên Quang ở cổng một lần.
Bệnh đông quá, nó cũng không cần điều trị gì thêm mà cứ phải nằm trong không khí ngột ngạt này. Bố mẹ nó thay nhau một người ôm con, một người chạy đi chạy lại.., công việc hẳn là bê trễ.
Tôi gợi ý cho về và bố mẹ nó giãy lên đành đạch.., người ta muốn con “Khỏi hẳn” mới về.
Sau nhiều lần đả thông, bố nó ngậm ngùi đồng ý, có lẽ anh ta nể và đuối lý trước thuyết phục của tôi thôi.
-Anh cứ về đi, có gì đặc biệt thì gọi điện cho tôi.., tùy theo mà tôi có thể góp ý hay trực tiếp về tân nơi, nặng quá thì mang quay lại cũng không muộn… Nhưng diễn biến thế nào thì mỗi tuần cũng gọi cho tôi một lần nhé…!
Vợ chồng hắn lặng lẽ mang con về…
Năm ngày sau, tôi thấy hắn te tái chạy ngược lên cầu thang.
-Ơ kìa..! Ông này…! Sao lại ở đây…!
Tôi ngạc nhiên còn hắn thì nhẩy cẫng lên vì mừng rỡ
-Úi dời ơi…! Em lên để báo với bác…! Tiếc thế…! Không nghe lời bác sớm..! Về nhà cháu khác hẳn ra bác ạ… ngồi được rồi.., ăn gọn lắm.. ăn khỏe..! Sắp nói được rồi…! Em phải chạy ngay lên báo để bác mừng…!
Chuyện thằng Phong còn dài nhưng hãy kể đến đấy đã.

III-BÀN LUẬN.
Ca 1 và 3.
Cái gì đã giúp thằng L phục hồi nhanh đến thế..? Ở Bệnh viện và ở nhà có những gì khác nhau..?
Phải chăng chính thuốc men làm cho nó suy yếu..?
Phải chăng cái cảm giác “ở nhà của mình” khiến cơ thể nó hoạt động ổn định hơn..?
Ở Bệnh viện nó ăn cái gì…? Lấy ở đâu..?
Ở nhà nó ăn cái gì..? Lấy ở đâu..?
Đó là những câu hỏi mà mỗi chúng ta đều có thể tự trả lời.
Ca 2.
Sau mổ, cụ Ngân, (tuy không nói được) và anh Long có thể thỏa mãn một thời gian vì còn được nhìn thấy nhau trên thế gian này, còn được chăm sóc nhau.
Nhưng rồi nhìn thấy con vất vả, đặc biệt nhìn thấy tình con vơi dần, nghĩ mình tuổi cũng đã cao, người mẹ nếu muốn chết cũng liệu có được…?
Chẳng thà cứ để cụ đi bình thường (Không can thiệp), tuy anh Long sẽ đau đớn nhưng đó là cái đau đớn ngọt ngào..

Mỗi chúng ta đều đã và sẽ phải trải qua những trạng thái tâm lý trái ngược nhau.
Khi bị ức chế do buồn, mất mát, lo lắng, sợ hãi, không thỏa mãn.., chúng ta ăn không thấy ngon…, giảm hay mất cảm giác đói…, mất ngủ hoặc ngủ không yên giấc.., cơ thể rệu rã không muốn hoạt động… một loạt những hoạt động thần kinh-Thể dịch bị ngưng trệ…,đó là thời cơ để bệnh tật tấn công chúng ta.
Ngược lại, khi chúng ta hưng phấn vì thành công của mình hay người thân, khi chúng ta có cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn… chúng ta thấy yêu đời hơn, ăn ngon hơn và giấc ngủ nhẹ nhàng hơn. Hàng loạt những phản ứng thần kinh-thể dịch đã giúp ta có trạng thái ấy… đó là lúc bệnh tật dễ bị đẩy lùi nhất.
Chúng ta dễ dàng tưởng tượng một người mẹ đang đau bụng quằn quại, không có thuốc gì, biện pháp gì giúp bà ta dịu được cơn đau nhưng chỉ cần một người chạy đến thông báo.
-Con trai bà bị tai nạn giao thông ngoài kia, mặt be bét máu…!
Người đàn bà ấy sẽ lao ra và không còn đau bụng nữa, ít nhất cho đến khi bà thật sự xác minh được thông tin.
Trạng thái tâm lý là khởi đầu cho những hoạt động Thần kinh-Thể dịch ấy.
Cảm giác “Đang phải nằm viện” và cảm giác “Đang nằm ở nhà của mình, giường của mình”, tiếp xúc hàng ngày với những bóng áo trắng với đầy những nghe ngóng thấp thỏm và tiếp xúc hàng ngày với người thân trong gia đình, bạn bè, họ hàng, xóm giềng .., tưởng như không có gì ghê gớm nhưng lại rất khác nhau. Sự khác biệt ấy sẽ được nhân lên bội phần nếu người bệnh đang ở trong tình trạng không hoàn toàn tỉnh táo.
Ngoài ra, một số yếu tố cũng có thể được tính đến để giải thích.
Ở Bệnh viện, đa phần người bệnh ăn đồ đi mua
Khi về nhà, gia đình có đầy đủ điều kiện để chế biến thức ăn chu đáo, đảm bảo và.. quen thuộc hơn.
Một người nằm viện (Không tính những trường hợp rất nhẹ, không đáng phải nằm, có thể tự phục vụ) cần ít nhất một người túc trực, chăm sóc, những người khác chạy đi chạy lại để giúp đỡ và tiếp tế.., mọi hoạt động trở nên khó khăn vì ít nhất gia đình mất đi 2,5 lao động mỗi ngày.
Khi dưỡng bệnh tại nhà, các thành viên gia đình có thể vừa làm việc của mình, vừa thay nhau, cắt giờ để chăm sóc người bệnh.., khi cần nhiều người như vệ sinh, tắm, tập luyện cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Trạng thái thể chất và tinh thần của người phục vụ tốt hơn thì chất lượng phục vụ cũng tốt hơn.
Đương nhiên, khi bệnh đã ổn định thì chỉ cần mời thầy thuốc lo những việc mà gia đình không thể tự làm được.
Có lẽ tổng những yếu tố ấy khiến gia đình là nơi dưỡng bệnh tốt nhất của người Việt Nam ta cho đến hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét