Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

HIẾU THẢO VÀ THƯƠNG XÓT...!

Chẳng nói làm gì những người con hất mẹ ra đường, tống mẹ vào trại dưỡng lão (Không phải ai cũng bị tống vào trại dưỡng lão, nhiều người được vào để có bạn, có đoàn thể cho vui), hay thuê người chăm mẹ rồi coi như mình đã hoàn thành nghĩa vụ...,
Những người sống cùng mẹ mà nói năng ác khẩu, chê mẹ hôi, mẹ bẩn, luôn thể hiện sự khó chịu trước những lời nói, hành động của mẹ mà mình cho là ..."Lẩm cẩm".
Tối hôm kia thằng em gọi điện
-Anh ơi..! Mai nhà có cái giỗ dúi... anh chị và các cháu sang xơi cơm nhé!
-Cái gì..? Tao biết rồi... nhưng giỗ ông sao lại gọi là .. dúi..?
-Rồi..! Mai anh cứ vào thì sẽ biết..

Nóng quá! Bốn mâm cỗ để trên sàng tầng hai, nền đá bóng lừ..., cái điều hòa cây chạy ro ro, mát rượi.
Thằng này là con cả, ngày làm nhà, tự tay nó thiết kế phòng này với mục đích tối thượng là khi "có công, có việc" thì đây là chỗ hội họp gia đình và... ăn cỗ!
Nó tâm đắc lắm...!
 Chắc nó hiểu rằng trách nhiệm con trưởng không chỉ có vậy, không chỉ là mâm cao cỗ đầy, không chỉ là những ngày giỗ hoành tráng với đông khách và phòng điều hòa nhiệt độ...
Thương cha, hiếu thảo với bố là chăm sóc mẹ cho tốt..., chăm mẹ không chỉ là miếng ăn, manh áo, viên thuốc... chăm cái phần hồn mới là khó, mới là quan trọng... Làm sao để mẹ vui, làm sao để mẹ cười, làm sao để mẹ luôn cảm thấy ấm lòng vì có những đứa con hiếu thảo.., mới gọi là chăm sóc.
Thương cha, hiếu thảo với bố là giữ cho tình anh em gắn bó như những ngày thơ bé, thay cha dạy bảo con cháu thành người..., giữ gìn nề nếp gia phong.

Ngồi vào mâm, nó bảo.
-Ơ..! Thế bảo hai cô dìu bà lên đây cơ mà...!
Thật lòng tôi rất cảm động. bữa cơm thường cũng vậy, mẹ tuy không đói nhưng mẹ rất muốn nhìn con cháu xum vầy..., không thấy ai trả lời, tôi lại nói ngược với điều mình đang nghĩ.
-Anh thấy vợ chú cho bà ăn rồi..!
-Em biết...! Nhưng ngày giỗ ông.., con cháu về đông đủ..., bà lên ngồi cho vui í mà...!

Đêm về, sau hai trận tennis, quá giấc không ngủ được nữa... mở radio, ..
Lại VOV giao thông, cái mục gì đó với những cú điện thoại cho bạn nghe đài trút niềm tâm sự.
Tôi rất ghét "Buôn" qua điện thoại nhưng các bạn cứ thử nghe mà xem.. , những câu chuyện, những khúc mắc tình cảm của đủ loại người.., thoạt nghe có thể khó chịu, nhưng cứ nghe sẽ rút ra được nhiều điều...hay ra phết...!
Một cậu quê Ứng Hòa, yêu một chị hơn mình 4 tuổi, đã qua một đời chồng và có một con... Em muốn tiếp tục yêu chị nhưng chị.."Không muốn em mất tuổi thanh xuân". Cậu đi làm thuê và phát hiện hình như cô "Trà đá" hơn mình 9 tuổi cũng .. yêu cậu... Đang băn khoăn chưa biết làm sao thì lại thấy một "Chị trà đá" nữa, hình như cũng... yêu mình..!
Thế là cậu lại băn khoăn không biết "Chị trà đá" nào yêu mình hơn...!
Người dẫn chương trình bảo.
-Tối mai, em lần lượt đến uống của mỗi chị một cốc trà đá, cốc nào em thấy ngon hơn thì đấy là người yêu em hơn...

Bạn thấy gì qua câu chuyện này...?
Còn tôi, tôi thấy trình độ sống của dân mình thấp quá, những người như cậu bé kia chiếm bao nhiêu phần trăm trong xã hội ...?
Mới chỉ có "Ly trà đá" và sức sống của người đàn bà luống tuổi mà cậu đã u mê... thế mới biết những cơ quan quảng cáo, tuyên truyền với những chuyên gia tâm lý, những bộ máy tinh vi... những câu nói dựng đứng, ngoa ngoắt lừa được bao nhiêu là người...!
Đã định tắt đài để ngủ, lại thấy một giọng nữ ngập ngừng... ừ thì lại nghe xem sao.

Chị đã 36 tuổi, đưa mẹ từ Đà Lạt về SG chữa bệnh, Sau bốn tháng chăm sóc, mẹ nằm trên giường bệnh và những lắng lo đã in thành nếp trong tâm thức… Mẹ đã ra đi nhưng chị không thể không hàng ngày đến bệnh viện, đến bên cái giường mẹ nằm với cảm giác chờ đợi một lúc nào đó.., nhỡ mẹ quay về.., và chị lại được nhìn thấy mẹ, lại được dồn hết tâm sức cho mẹ…
Những y Bác sỹ ở đây ái ngại nhưng họ tôn trọng niềm tin ấy của chị.., chị đã cùng họ chăm sóc những bệnh nhân khác, dồn tình thương, cho những người bệnh khác như một phản xạ tự nhiên.
Qua hội thoại, dù phải nhiều lần dừng lại để nén nghẹn ngào nhưng tôi biết, chị là người có kiến thức.., nhưng chị không muốn dùng cái kiến thức ấy để xua đi cảm giác mẹ vẫn còn đâu đó, rằng mẹ chỉ đi xa chứ không phải mãi mãi không về…
Chị chia sẻ rằng: Không thể tin được nghe đâu đó có những người con ngược đãi mẹ.
Chị cầu chúc cho những người đang còn mẹ được hưởng hạnh phúc ấy thật lâu nhưng cũng muốn nhắc nhở họ rằng, hãy tận dụng từng giây từng phút đến với mẹ thương yêu.., bởi rồi một ngày rất gần.., chắc chắn sẽ khao khát những điều thật giản dị nhưng không bao giờ còn có thể…!

Anh dẫn chương trình với giọng nam trầm ấm như thôi miên, vốn quen nhẫn lại lắng nghe những câu chuyện chả giống ai (như anh bạn có duyên với “Các chị trà đá” kể trên), bỗng như lúng. Anh ta cứ khuyên chị sớm bình tâm trở về với cuộc sống…
Những người có tình, thật lòng xót thương cha mẹ.., mấy ai dễ dàng qua được cảm giác như chị khi người sinh thành ra mình, người chăm lo từng hạt cơm miếng sữa, từ cái áo mặc, giấc ngủ đến sự nghiệp của mình.., lìa xa trần thế…!
Những lúc như vậy, sự hiện diện (Tuy là khó khăn) của người thân, những cái nắm tay đồng cảm có tác dụng hơn những lời nhắc nhở, những lời cầu chúc rằng “sớm quên đi, sớm ổn định, hãy giữ gìn sức khỏe…!”
Người con kia cần được hiểu rằng, đời người ai rồi cũng phải ra đi.., rằng báo hiếu không bao giờ là đủ.., hãy tự hào về những gì mình đã nghĩ đến, đã làm được và định làm cho cha mẹ..!
Quan trọng hơn nữa, hãy tự hỏi ở nơi cuối trời kia, mẹ cha đang nghĩ gì…? Đang muốn gì ở ta..?
Có phải sự đau buồn thiểu não sẽ làm hương hồn cha mẹ được thỏa mãn..?
Hay cha mẹ muốn mình đứng dậy làm một đứa con ngoan nhưng đã từng ngoan..? Hãy chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con cái và làm một người hữu ích cho xã hội.. Phải chăng chỉ có thế, Mẹ-Cha mới hài lòng, mới ngậm cười nơi chín suối..?
Đừng để Mẹ-Cha không yên tâm mà vẫn phải ra đi.., đừng để họ buồn lòng khi thấy đứa con yêu của họ sầu não, héo hon…!

Xin tặng người con hiếu thảo ấy mấy lời tạm gọi là thơ.

Con cứ bước giữa dòng đời nháo nhác
Bước vô thần trên đường cũ quen đi
Sáng sớm nay .., mẹ.., liệu ăn được gì..?
Ga, quần, áo chắc đã có mùi rồi đấy.
                                 
Đường phố nghẹt người, con như không thấy
Bước vội vàng, chẳng biết lạ hay quen
Nẵng gắt giữa trưa hay phố đã lên đèn
Đều vô nghĩa vì hồn con bên mẹ

Vẫn lầm lũi, vẫn vội vàng, lặng lẽ
Hết cầu thang…, rẽ trái…, đoạn hành lang
Và tim con vẫn lại đập rộn ràng
Chờ mắt mẹ, thẳm sâu điều lo nghĩ.

Mẹ đi đâu, giường hôm nay lạ thế
Người đàn ông nhăn nhó, li bì
Có phải hôm nay, mẹ đã có thể đi
Đang thơ thẩn trên vòm cây Bệnh viện..?

Cô bác sỹ vẫn thường khi tất bật
Sao hôm nay lại đứng lặng nhìn con..?
Trên khóe mắt xinh, một giọt nước lăn tròn.
-Chị đã đến.., những người kia cần lắm..!

Mẹ ơi..!
Mẹ cứ đi chơi…
Nhớ đừng ra nắng..!
Để con giúp người, cùng cảnh mẹ con ta.
Bốn tháng đã qua, đây đã là nhà
Nhà của mẹ, của con, của những người.., thương lắm..!

Ở ngoài kia, trại dưỡng lão, sân ga
Lạ làm sao, có những mẹ không nhà
Nhiều con cái, với nhà cao cửa rộng
Vẫn bơ vơ, đói, rét, nặng lòng …

Con lại gửi một lời vào chốn hư không
-Ai còn mẹ hãy mau lên, từng phút
Mẹ sắp đi rồi, chẳng tìm thấy được đâu..!
Hãy từng giây, hưởng nghĩa nặng ân sâu
=-=-=
Em gái ơi..!
Mẹ đã về tiên giới
Đã mỉm cười vì có đứa con ngoan
Mẹ muốn như ngày nào, em hãy hân hoan
Hãy vui vẻ như những lời mẹ dạy
Em u sầu mẹ cũng đau lòng đấy

Hãy mỉm cười để mẹ mãi yên tâm..!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét