Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

"NÓI ZẬY MÀ .. HỔNG PHẢI ZẬY..!"

Hà Nội phát triển ghê thật đấy..!
Chính quyền Hà Nội quản lý cái gì cũng.., chặt chẽ.., ghê thật đấy…!
Đúng là kỷ nguyên kỹ thuật số có khác..!
“Nhà có số, phố có tên”, là để xác định gia đình ấy, cơ quan ấy ở đâu trên trái đất này, ở chỗ nào trong thành phố này… Để mà chuyển hàng đến và để.. thu thuế sử dụng đất!
Người có số CMTND để tránh nhầm nhọt sang “trồng trọt”, “ông bị thọt” lại sang “ông bị nhọt”…! Công dân làm “quan” lại sang công dân “ngoan”… , những thứ, những thái cực vốn khác hẳn nhau, hoặc chưa chắc đã giống nhau, ví như ông “Nói lắp” chưa chắc đã là tên “Ăn cắp”… Có thế thì công an mới đỡ “bắt nhầm” người nói thầm sang ông nói dối..!
Hì hì…! Lâu lắm mới có việc vào phố.
Thấy hiện tượng lạ…, mỗi cái cây lại được bị gắn một cái biển, cứ y như biển số nhà vậy, nền xanh.., chữ trắng…, trên ghi tên, dưới ghi một con số .., thoạt đầu đoán là số năm tuổi, nhưng có lẽ chả phải.., số thứ tự thì đúng hơn…!
Ghê thật đấy..! Cái cây cũng có số như người í..! Chắc cũng có lý lịch đóng dấu phường, có y bạ đóng dấu sở y tế cây…! Có học bạ của sở giáo dục cây…!
Cứ đà này rồi sẽ có một ngày, một số cây sẽ được đeo thêm vài cái biển nữa. Những cái biển vinh danh, chứng nhận 50 năm, 60 năm.., vân vân năm .., tuổi.. “che mát cho dân thành phố”… Những cái biển ghi rõ số lần phát triển vô ý thức, vô kỷ luật bị chặt cành lớn bé.. Biết đâu, để thể hiện tính dân chủ, tình yêu thiên nhiên của “Thành phố vì hòa bình” người ta chả cắm những cái biển ghi tên, tuổi, ngày tạ thế ở những nơi có cây bị tử hình .., oan sai…!
Từ ngày thống nhất đất nước, từ ngày cả nước chung tay xây dựng CHXH, những người ở Miền Nam vốn ít kinh nghiệm sống trong chế độ XHCN hơn lại có những câu nói càng nghĩ càng thấm thía, một trong những câu ấy là: “Nói zậy mà hổng phải zậy”.
Người ở các đô thị Miền Bắc thời những năm 80-90 quen với việc tránh xa những nơi có biển” “Cấm đái bậy” bởi nền đất hay nền bê tông ở đấy luôn luôn ướt và luôn luôn có mùi rất .. khai..!
Người ta quen dừng lại mua, bán nơi có cái biển: “Cấm họp chợ”…!
Bây giờ, mỗi khi có một chủ trương mới, chủ trương bảo sẽ làm như thế này (Tức là làm như zậy..) là người ta nghĩ ngay ra những thứ sẽ … “Hổng phải zậy..!”
Ví như, thấy phát động chiến dịch: “Đường thông hè thoáng” là người ta hồi hộp chờ đợi xem những quán hàng, những cửa hiệu mới, sắp nổi lên…, sắp lấn chiếm lòng đường vỉa hè là những ai.., kẻ tò mò hơn nữa muốn biết đích xác, chủ những cửa hàng cửa hiệu ấy thuộc… “Dây” của những ông nào…? Ông ấy giữ vai trò gì trong đợt phát động ..?
Hôm rồi trên VTV có cái phóng sự về nạn lâm tặc chặt gỗ trong khu bảo tồn…, quái lạ, mấy người phóng viên VTV mà lại bị chính quyền và lãnh đạo kiểm lâm từ chối khéo…, khi ai đó không tránh được thì lại không cho ghi hình ghi âm… Chính quyền ra quyết định cho phép chở gỗ đã bị khai thác trộm ra khỏi rừng nhưng phóng viên và người dân lại phát hiện người ta chở gỗ.. “Mới tinh”.
Đấy, “Nói zậy mà hổng phải zậy”…, là như thế..!
Trở lại với chuyện “Cây có số, gỗ có tên”. Tôi cứ tưởng sau vụ lùm xùm Hà Nội chặt hạ cây xanh, người ta làm thế là để thể hiện rằng cây xanh “có được quản lý” và “đã được quản lý” rất chặt chẽ, nhằm yên lòng người Hà Nội yêu cây.
Gọi điện hỏi, cô Hải Minh bảo.
-Người ta đóng biển từ lâu rồi.., thì sau chuyện đóng biển ấy mới ra vụ chặt cây…!
Thấy chưa…! Y như rằng, “Nói zậy mà hổng phải zậy”..!
Thể hiện sự quản lý chặt chẽ , chặt chẽ đến mức tưởng như không thể chặt chẽ hơn nhưng lại là tiền đề để hạ chặt cây .., những cái cây mà dẫu “vú” có “cả” đến đâu cũng không thể lấp được miệng em…, những thân sà cừ mấy người ôm, còn tươi rói…, ai ngó cũng phát thèm..!
Tôi cứ băn khoăn những câu hỏi.
-Có cần phải đóng biển cho từng cái cây thế không nhỉ…???
Người ở phố nào đều thuộc lòng những cái cây trên phố đó, người yêu cây, yêu Hà Nội thuộc lòng những cái cây vài chục năm tuổi của cả thành phố …, thế thì cái công ty cây cối gì kia không nhớ được sao…? Và việc đóng biển hay không đóng biển có ý nghĩa gì không nhỉ…? Đi đếm cây thì khác gì đi đếm biển nhỉ…?
-Mỗi cái biển ấy bao nhiêu tiền..? Tổng số đã đóng cho bao nhiêu cây..? Còn bao nhiêu biển chưa đóng..? Nhân lên là bao nhiêu tiền…? Tiền ấy của ai..? Chi như thế có … “Bõ” không..???
Mỗi khi có ông bà “dân phố” đến nhà thu tiền lệ phí này lệ phí khác.., động viên đóng góp vào quỹ này quỹ khác… bao giờ mụ vợ tôi cũng te tái ra đóng mấy chục, một trăm cho.. xong chuyện..! Mụ sợ tôi vặn vẹo các ông bà dân phố rồi cuối năm lại mất toi cái giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”.
Tiền điện, tiền nước, tiền Cáp ti vi, tiền internet thì đừng hòng…, mụ lỉnh nhanh lắm…!
Tôi kể chuyện riêng như thế để những người như mụ ý thức được rằng, những khoản thu rất nhỏ (5 nghìn, 10 nghìn…, 50 nghìn, thậm chí… tùy tâm) nhưng khi nhân với đầu dân sẽ đẻ ra những con số khổng lồ..! Và thường không ai để ý số tiền ấy đi đâu..? Ai sử dụng..? Sử dụng như thế nào…? Người ta lập luận rằng: “Cả năm nhiều lắm cũng chỉ hết triệu bạc, đổi lại sẽ yên tâm là “Gia đình nghiêm chỉnh chấp hành…”
Hàng ngày, ta có “Nghìn lẻ một chuyện” lãng phí. Và liệu cái biển đóng lên ngực mỗi cây xanh Hà Nội có là một chuyện lãng phí…???
Chưa chắc…! Chưa chắc..!!!                            
Có thể lãng phí với ngân sách thành phố nhưng chưa chắc đã là lãng phí với những người trực tiếp đẻ ra cái dự án ấy, những người thực hiện dự án ấy và những người nhận được đơn đặt hàng làm ra… những cái biển ấy..!

Bởi “Nói zậy mà hổng phải zậy”..!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét