Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Ông NGUYỄN BÁ THANH

Mấy hôm nay có tin lao xao về ông Bá Thanh ..., người con trai ông đã lên tiếng trên mạng rằng ông đi Mỹ chữa bệnh..., thực lòng tôi vẫn thấy lo lo, buồn buồn.
Lo cho ông (Thì cũng lo thế thôi chứ có làm được gì đâu) thì lo lâu rồi, lo từ khi ông rời thánh địa Đà Nẵng để: “Bó thân về với triều đình” kia..., là lo ông có qua được bọn Ma phi a chính trị, qua được ghen ghét, bè đảng thôi chứ đâu nghĩ ông bệnh... Cầu cho ông an lành để tiếp tục phụng sự Đảng, phụng sự đất nước!
Hôm nay, bên trang Bùi Văn Bồng có cái tít khá giật: “Chuyện chấn động của ông Nguyễn Bá Thanh 10 năm trước”.
Tôi vội đọc ngay, thấy..., hay..., khoái..., sướng... nhưng không lạ, với những gì đã biết về con người này thì nghĩa “Chấn động” chỉ phù hợp với thời điểm 10 năm trước thôi...
Cách đây khoảng 7-8 năm, trong xóm cũ nhà tôi có bác Lực, cán bộ tổ chức gì đó ở bộ công an, ông này đi lắm nên nhiều chuyện lạ. Lần đó, sau chuyến công tác Miền trung, bác Lực kể và lần đầu tiên tôi được nghe về một ông Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng... Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, khó lòng tin được dù biết chắc chắn, bác Lực không phải là người... nói phét!
Những chuyện này có thể nhiều người đã biết nhưng vẫn xin kể lại, kèm theo vài cảm tưởng.
1-VI HÀNH
Ra đường, ông Thanh thường hòa mình vào dân chúng, ngày đó không mấy ai biết mặt vị lãnh đạo này. Một hôm, đến thăm một cựu cán bộ ở xóm thợ, ông cho xe dừng từ xa rồi cùng một trợ lý đi bộ vào, ông thấy một cậu bé đang ngồi đánh cờ với một cụ già bên vỉa hè, đã qua một quãng, ông nói người trợ lý cùng quay lại, đứng xem và phát hiện ra hai điều. Một là, cậu bé khá...”Cao cờ”. Hai là, quân cờ làm bằng ... nút bia, viết Tướng, sỹ, tượng, xe..., lên.
Cờ vào thế giằng co, không thể sớm phân thắng bại, ông Thanh lễ phép xin ông cụ được chơi với cậu bé một ván với hẹn ước: Nếu cậu bé thua thì ... thôi, nếu thắng, ông sẽ tặng một bộ quân cờ bằng sừng...
Ông Thanh thắng, vui vẻ chào, cảm ơn mọi người rồi đi..., xong việc, ông qua Ủy ban phường tìm hiểu thêm và được biết cậu bé này là con nhà nghèo nhưng học giỏi, ngoan, chăm chỉ giúp gia đình.
Vài hôm sau ông lại đến, mang theo bộ quân cờ bằng sừng tặng cậu bé và cùng bàn với địa phương, nhà trường giúp đỡ cậu và gia đình.
Bàn luận.
Khác hẳn với đa số các Quan, các Đại gia luôn thể hiện “Đẳng cấp” của mình bằng những đồ xa xỉ, bất chấp thiên hạ nghĩ gì..., kinh hãi hay chửi rủa..., họ càng thể hiện mình cao hơn..., xa hơn..., những người xung quanh càng thích. Họ quản lý dân nhưng lại muốn xa lánh dân.., thực ra nhiều người trong họ cũng vừa thoát bần hàn, dấu ấn nghèo khó còn in hằn trong tâm trí, làm sao quên được nhưng họ lại muốn, lại cố xóa đi cái quá khứ ấy càng nhanh càng tốt...!
Không đến, không sinh hoạt với dân thì không hiểu dân, không hiểu dân thì họ làm việc như những cái máy, chỉ lo sao cho có tiền đút túi mà không bị kỷ luật..., họ là quan liêu.
Vào khu phố nghèo mà để xe từ xa..., ông Thanh vừa là người biết lịch sự, bởi suy cho cùng “Lịch sự là nghệ thuật làm đẹp lòng người khác”, vừa có điều kiện trực tiếp quan sát sinh hoạt của dân ..., có thế mới biết tính đúng-sai của các nghị quyết, chính sách..., mới biết phải làm những gì...
Tôi có hai ông bác, Ông Chất và ông Thạnh, cả hai ông cùng học trường Bưởi, ông Thạnh là em, ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành, ông Chất là anh theo và rất hăng hái hoạt động Việt Minh, cả hai cùng coi ông ngoại tôi là thầy.
Biết chuyện, thầy gọi cả hai về nhắc nhở, ý không muốn các con tham gia chính trị nguy hiểm. Ông Chất khoanh tay thưa.
-Con lớn rồi và con có lý tưởng, sau này thầy sẽ thấy.., con sẽ có địa vị xã hội cao hơn em...!
Giải phóng thủ đô, khi ông Thạnh chỉ là một kỹ sư canh nông, ông Chất đã làm gì đó to lắm ở trung ương đảng, nghe nói được Đại tường Võ nguyên Giáp coi như bạn thân ...
Độ đánh “Xét lại” ông Chất bị “Giam lỏng tại gia”, cổng nhà ông đóng ... cả năm.
Ông Thạnh khi đó chỉ là Viện trưởng Viện vi trùng học Việt Nam (Dường như bây giờ là Viện bảo vệ thực vật) nhưng đi đâu cũng có cái Com măng ca.
Mỗi khi về quê (Xóm Đồng Xa, Mai Dịch), ông Thạnh đề đỗ xe tận trường Đại học sư phạm, cùng vợ con đi bộ 1km về nhà ... Ai cũng biết, ông Thạnh ý tứ với bà con và đặc biệt với ông anh đang .. thất thế của mình, và vì thế ông được người người nể trọng.
Ông Thạnh được họ chữ Nho, lại học trưởng Bưởi, tiếng Tây ông thạo như tiếng mẹ đẻ, thấm nhuần cả văn hóa phương đông và phương tây..., thế hệ ấy, được như ông không phải là hiếm.
Ông Thanh thuộc thế hệ sau nhiều, lại đương giữ chức ... to đùng mà làm được thế lại càng hiếm, càng giỏi.
Ông Bí thư thành ủy ngồi đánh cờ với thằng cu con nhà nghèo bằng những cái nút bia... Biết bao giờ lại có một Bí thư thành ủy như thế...!!!
Ông thắng ván cờ nhưng vẫn tặng cậu bé nghèo bộ quân cờ bằng sừng, lại trực tiếp tìm hiểu để rõ rồi bàn với địa phương cách giúp cậu và gia đình cậu..., cái tình cái nghĩa ấy, chắc chẳng bao giờ cậu bé quên được mà cố gắng tu dưỡng.
Chẳng phải mình ông, các bộ cấp dưới chắc sẽ noi theo ông mà sống, làm việc với dân...

(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Lăng xê...!

Gửi Nguyễn Duy Bích!
Phải thừa nhận rằng càng ngày tôi càng lười, việc đầy ra đấy nhưng... có chịu làm đâu.
Bích hỏi tôi về nghĩa của cụm từ “Lăng xê” ..., khổ quá...! Tôi có phải nhà ngôn ngữ học đâu Bích..., thấy hay, dở thì “Buôn” thế thôi chứ... biết gì...!
“Trên” bảo ông Tuyên viết ... “Quy trình”..., “Dùi đến đục, thì đục đến trạm”, ông Tuyên lại bảo tôi viết “Quy trình Phẫu thuật thần kinh (PTTK)”... Thế có chết tôi không cơ chứ...!
Tôi đã dịch sách PTTK của Mỹ từ năm 1996, giờ đang viết lại ... Tôi đã giảng bài ở một vài nơi, cũng đôi lần có báo cáo về những vấn đề PTTK ở hội nghị quốc tế, nhưng.... Với tất cả những thứ đọc được, học được, rút ra được từ thực tế làm việc, trăn trở suy nghĩ... tôi vẫn không thể hiểu người ta bảo tôi viết cái gì...!
-Bệnh học ư...? Không phải...! Bệnh học đã có và phải các Gs mới được viết cơ, sao đến lượt tôi....!
-Các bước tiếp nhận, chẩn đoán (Lâm sàng và cận lâm sàng) các bệnh PTTK ư...? Hình như không phải.
-Các bước trong điều trị PTTK, hay nôm na là Cách thức phẫu thuật ư...? Hình như thế....! Nhưng nếu thế thì đã có trong “Phẫu thuật thực hành”... làm sao tôi dám sửa...!
Thế nên thật lòng tôi không hiểu gì cả, không hiểu họ làm cái gì, và họ làm cái í để làm gì.
Ông biết không, nếu cứ tính công các Bác sỹ ngồi viết, giấy mực in ra thôi cũng ... ối tiền ra đấy...! Ối tiền ra đấy để làm những cái việc... Không biết để làm gì... Bởi các văn bản chuyên môn, pháp lý nghề nghiệp thì từ xưa đến nay, bộ và các trường Đại học y đã công bố, đã xuất bản..., đầy ra đó..., và còn nguyên hiệu lực cơ mà...!
Nói thế với bạn cũng là để hiểu câu “Lăng xê” ở ta như thế nào..., tôi đã định không bàn nhưng càng nghĩ càng thấy vấn đề Bích đặt ra ... hay...! Rất hay...!
Nếu tôi không nhầm thì Lăng xê là từ phiên âm tiếng pháp, nghĩa, dường như là “Ném”, ném hòn đá, ném lựu đạn...
Hòn đá không thể tự di chuyển từ điểm A đến điểm B, trái lựu đạn không thể tự chạy đến mục tiêu nếu người ta không ném, không... “Lăng xê” nó đến.
Bây giờ trong xã hội ta khi nghe hai chữ “Lăng xê” thì ai cũng hiểu..., người ta đang đưa ai đó lên vị trí cao hơn về địa vị, về danh tiếng.
Ngày nay, không thiếu người qua nhiều lần được “Ném” như vậy mà lên đến đỉnh cao quyền lực..., mỗi một vị trí trong bộ máy quyền lực đều là một cái đích để người ta “Lăng xê” nhau vào..., từ trưởng khoa, Giám đốc, bộ, đến lãnh đạo nhà nước.
Sắp đại hội Đảng, người ta luân phiên cán bộ trẻ, mục đích hiểu thế nào cũng được, danh chính ngôn thuận là để đào tạo, thử thách, nhưng đấy cũng là dịp, là hình thức để người ta ... “lăng xê” nhau.
Những cán bộ này về địa phương, đơn vị mới, nói mấy lời, làm mấy việc... càng bất thường, càng tỏ ra táo bạo, cấp tiến, càng tốt rồi cho báo chí đăng bài ca ngợi, bảo viết “Báo công”, lập “Mô hình” để nhân rộng...
Làm xong được những việc ấy, kể như họ đã xong được cái ... “Phiếu”, chỉ còn chờ xem có khả năng... “Chen ngang” được hay không thôi.
Lãnh đạo cấp cao như thế thì các cấp dưới và đời sống xã hội cũng thế, quy luật: “Kiến trúc thượng tầng luôn phù hợp với cơ sở hạ tầng” là vậy..., không thể có chuyện: Trên “Nghiêm” mà dưới lại “Lỏng”, và ngược lại Trên Lỏng lẻo mà dưới lại có thể Nghiêm được..., thế nên các ca sỹ, nghệ sỹ... nhà khoa học, cùng các nhà nọ nhà kia (Kể cả nhà ngoại cảm, thầy cúng)... cũng vậy!
Có một điều vừa hài hước, vừa thú vị và vừa đau xót là:                  
Bản thân hòn đá không muốn và không thể tự bay đến làm thủng đầu người ta được.
Những người được “Lăng xê” cũng vậy, bản thân họ không thể, không đủ tiêu chuẩn, không đủ khả năng để gánh cái công việc mà họ “Được lăng xê” vào, đơn giản vì, nếu họ đủ khả năng thì họ không cần phải “Lăng xê” nữa.
Về nghĩa này, “Được lăng xê” thì họ cũng giống như, đóng vai trò của những vật vô tri vô giác mà thôi, nguy hiểm là ở chỗ đó...!
Hòn đá “Bị ném” thì làm vỡ đầu người ta, người “Được lăng xê” sẽ hỏng việc, có khi hỏng chính cuộc đời của họ, nhưng đa số họ không biết bởi họ đang mê, đang “quá” tự mãn...
Khi quá nửa những “Người nổi tiếng” là do “Lăng xê” thì xã hội đi giật lùi... Và.
 Khi quá nửa số ghế quan chức trong xã hội là do “Lăng xê” thì xã hội ấy sẽ tự dẫn đến diệt vong...
“Buôn” vài điều với Bích như thế, đúng thì đúng, chả đúng thì ... Trật!


Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

VỰC THẲM VÀNG BẠC...!


Xưa, ở nước Nga, khi công nghiệp dầu mỏ bắt đầu phát triển có một gia đình thợ, người cha chết trong một tai nạn lao động để lại cho người mẹ một cậu con trai còn thơ dại. Người con khôi ngô tuấn tú, thông minh và ngoan ngoãn.
Một hôm, đang mải chơi đùa cậu chợt sững sờ thấy mẹ tất tưởi về nhà, người bà lấm dầu đen nhẻm chỉ còn lộ hai con mắt mệt mỏi, trên tay ôm mấy khúc củi, không kịp tắm rửa, vội vàng vào bếp nấu ăn, thương mẹ quá, câu hỏi.
-Mẹ ơi! Sao mẹ cứ phải đi làm…? Mẹ có mệt lắm không…?
Người mẹ nhìn con trìu mến, bà giải thích như cởi nỗi lòng với đứa con ngoan ngoãn rằng bà sẽ cố hết sức cho con ăn học, cho con không phải khổ như bố mẹ.
Từ đó cậu bắt đầu giúp mẹ những việc nhà, những việc quá sức cậu cũng tìm mọi cách để làm cho được, và cũng từ đó mỗi khi ngồi vào bàn học, hình ảnh người mẹ gày yếu ngâm mình trong thùng dầu trong tiếng quát mắng của Cai, những ánh mắt, những nụ cười kinh bỉ của cánh đàn ông cứ hiện lên trong tâm trí cậu.
Học có phần giỏi hơn nhưng khi mà những việc nhà đã được cậu làm một cách dễ dàng, tức là cậu đã đủ lớn thì ý nghĩ bỏ học dần nung nấu trong tâm trí.
 Thế rồi một hôm, cậu mạnh dạn trình bày ý định của mình với mẹ. Người đàn bà khốn khổ bật khóc trước lập luận của đứa con hiếu thảo, trước thực trạng sức khỏe của mình.
Hai mẹ con gặp người phụ trách và từ đó họ đổi việc cho nhau.
Tại công trường, cứ hai người phu vác một cây gỗ vào hầm, họ uể oải những bước chậm dãi mặc những người cai cầm roi đốc thúc, thi thoảng cái roi vung lên, người và gỗ cùng đổ văng xuống đất.
Làm cùng cậu là một ông già ốm yếu, một lần ông vấp ngã làm cả hai đau đớn, đã vậy, tên cai lại lao vào ông mà quật túi bụi. Căm tức, cậu định lao vào sống mái với tên vô lại nhưng ông già đã kịp ngăn cậu lại, rồi như một người cha, ông giải thích cho cậu nhiều điều.
Thương quá, cậu để ông ngồi nghỉ và một mình vác cây gỗ vào hầm. Sức nặng của cây gỗ khô không thấm gì với sức vóc thanh niên nên, đã vác một mình cậu còn bước phăng phăng.
Những mâu thuẫn nảy sinh, cai bắt ông già phải làm việc nếu chiều còn muốn lĩnh lương, những người thợ tìm mọi cách ngăn cản cậu vì họ sợ phải làm theo, với họ ngoài đồng lương thì mang về nhà càng nhiều sức lực càng tốt. Thế rồi họ giăng bẫy cho cậu ngã, cậu phản ứng lại liền bị họ túm nhau dần cho một trận, tên Cai xông tới, không phân biệt đúng sai cứ thấy ai cũng quật. Điên tiết, cậu táng thắng vào mặt tên cai một cú đấm trời giáng khiến hắn quay lơ, như được dịp hiếm có những người thợ xúm lại đánh hội đồng khiến tên cai chết ngất. Người quản lý tới và cậu phải theo người này đến gặp ông chủ.
Nghe và hiểu rõ đầu đuôi, ông chủ xoa đầu cậu mà nói.
-Cậu cứ làm như vậy và cậu sẽ lĩnh hai lương.
Quay sang người quản lý ông tiếp.
-Cần nói rõ cho thợ để họ yên tâm mà không gây khó dễ cho cậu này nữa.
Hai hôm sau ông chủ trực tiếp xuống hầm xem cậu làm việc, thấy cậu không những vác một mình mà còn đi nhanh hơn, hiệu quả công việc không phải bằng hai mà bằng ba người khác. Khi ông tỏ ý khen ngợi, cậu hỏi.
-Thưa ông! Nếu tôi vác hai cây mà vẫn đi nhanh như vậy thì sao?
Không do dự, ông chủ trả lời.
-Thì cậu lĩnh bốn lương!
Không chỉ thế, cậu luôn sẵn lòng giúp đỡ những người yếu đuối, cánh thợ từ căm tức đến tin yêu rồi kính nể cậu.
Người quản lý giao cho cậu công việc của Cai, thế là cậu có thêm một xuất lương cao nữa.
Áp dụng nhiều cải tiến cho công việc bớt nặng nhọc lại hiệu quả cao hơn, phân công có tình có lý, tổ chức giúp đỡ những người già yếu nên chẳng cần phải doi vọt công việc vẫn đâu vào đấy.
Rồi cậu trình bày với ông chủ ý định “Làm và phát lương theo việc chứ không theo giờ”. Tất cả những ý kiến của cậu luôn được ông lắng nghe và đồng tình.
Chẳng bao lâu sau, cậu được ông chủ tin cậy giao toàn quyền quản lý hầm mỏ và cũng chẳng bao lâu sau mỏ của cậu thành cơ sở làm ăn hiệu quả nhất trong tập đoàn của ông chủ.
Cậu làm được nhà to, cưới vợ đẹp, cuộc sống hạnh phúc.
Ông chủ để cậu luân chuyển phụ trách các hầm mỏ khác, tập đoàn lớn mạnh nhanh chóng.
Để trả nghĩa, ông chủ bán cho cậu cái hầm mỏ ban đầu, nơi bố mẹ cậu đã làm việc, nơi cậu được sinh ra, lớn lên và trưởng thành, nơi ghi đậm những ký ức nghèo khó và nơi chứng kiến những thành công và sự giàu có của cậu.
Ông chủ già yếu, tự thấy không thể làm việc được được nữa nên bán toàn bộ tập đoàn cho cậu, tập đoàn càng lớn mạnh hơn, cậu thôn tính thêm nhiều tập đoàn khác.
Vẫn say mê làm việc, thậm chí cậu còn không quan tâm đến tài sản của cậu ở ngân hàng lớn đến mức nào.
Cho đến một hôm, ngài thống đốc ngân hàng mời cậu đến ký một số chứng từ với những con số khủng khiếp cậu mới thốt lên.
-Trời...! Tôi nhiều tiền đến thế sao...?
Ngài thống đốc mỉm cười
-Ngoài ra, ông còn một tài sản nữa cũng lớn không kém!
-Gì vậy thưa ông?
-Tiếng tăm…! Tên tuổi của ông, sự nghiệp của ông không chỉ những người trong tập đoàn, trong ngành dầu mỏ, trong nước Nga mà cả châu Âu biết đến và ngưỡng mộ …, có lẽ điều đó ông cũng không biết.
Cậu sững sờ, ngài thống đốc tiếp.
-Nhưng ông cho phép tôi hỏi một câu…
-Thưa…, ngài cứ tự nhiên.
-Ông kiếm nhiều tiền thế để làm gì…?
Cậu thật sự lúng túng bởi thật sự cậu không biết dùng số tiền khổng lồ này vào việc gì, gia đình cậu đã có đủ những thứ mà xưa kia bố mẹ cậu không bao giờ dám mơ tới…Vậy tiền này làm gì nhỉ….? Bất giác cậu hỏi lại.
-Để làm gì thưa ngài...?
Ngài thống đốc giải thích cho cậu tại sao người ta chỉ nhắc đến cậu như một tấm gương, như một hiện tượng đáng mến, đáng học tập nhưng chưa ai, chưa bài báo nào thể hiện cậu là một người đáng kính, chưa ai gọi cậu là ngài…, đó là vì cậu không biết ..., tiêu tiền. Hầu bao của cậu là tỷ phú nhưng cậu vẫn chỉ là một người thợ nhiều tiền.
-Vậy phải tiêu tiền thế nào...? Phải làm gì để người ta kính trọng...!
Ngài thống đốc lại mỉm cười trước sự thật thà của cậu.
-Ông phải vào giới quý tộc, muốn vậy cần…. và sau đó ông phải sống như một quý tộc thật sự.
-Phải sống như một quý tộc thật sự ..., là thế nào thưa ngài?
Phải có biệt thự ở Xanh-Pê-Téc-Bua, phải đi du lịch, phải đến Ba lê, phải đánh bạc, phải chơi gái… Tóm lại, cứ đến và sống ở Ba lê một thời gian và đừng có tiếc tiền, ông sẽ hiểu thế nào là quý tộc.
Làm theo lời ngài thống đốc, chẳng bao lâu cậu được phong tước, người ta gọi cậu là Ngài và cậu thường xuyên giao du với giới quý tộc. Cậu nhanh chóng trở thành nhân vật quan trọng nhưng hình như giữa cậu và những người quý tộc khác vẫn có một khoảng cách vô hình. Trong một bữa tiệc ngài thống đọc nhắc lại sự cần thiết phải đi Ba Lê.
Thế là cậu giao tập đoàn cho một người phụ trách và cậu hoàn toàn tin tưởng vào con người này cùng nề nếp hoạt động mà cậu đã tạo dựng, cả gia đình cậu lên đường.
Ba Lê quả là thiên đường để tiêu tiền. Cuộc sống xa xỉ với khách sạn năm sao những cửa hàng sang trọng, những bữa tiệc thượng lưu nhưng số tiền cần chi vẫn quá nhỏ bé.
Rồi cậu nhớ ra lời ngài thống đốc…, đến sòng bạc, người ta đổ đến chào đón cậu vồn vã, trịnh trọng nhưng ai cũng ném một cái nhìn lạ lùng về phía vợ con cậu. Những ván bài bạc tỷ, cậu có thắng có thua..., những ly rượu mạnh làm cậu nghiêng ngả, rồi những cô gái trẻ mặt bự phấn, môi trát đầy son, õng ẹo, điệu nghệ quây lấy cậu, người lau mặt, kẻ vuốt đầu..., đến khi một ả trơ trẽn ngồi vào lòng cậu thì vợ con cậu lặng lẽ rút lui, họ ngơ ngác, lấm lét túm lấy nhau ngoài hành lang cho đến khi cậu đưa mắt tìm không thấy…, hất con đàn bà trơ trẽn ngã lăn ra sàn, đùng đùng đứng dậy tìm vợ con trong những tiếng cười thác loạn.
Hôm sau thì vợ con cậu ở lại khách sạn..., cậu không từ chối mấy ả kia nữa và đêm ấy, những đêm tiếp theo... cậu không về…
Vợ con cậu từ choáng ngợp đến kinh hãi Ba lê, ngỏ lời và cậu đồng ý để họ về trước.
Một hôm cậu nhận được tin dữ, một hầm mỏ bị xập, hậu quả vô cùng nghiêm trọng, việc cứu hộ và giải quyết hậu quả lúng túng khiến công nhân nhiều mỏ khác biểu tình, đình công.
Cậu muốn trở về ngay với công việc nhưng những cô ả mỡ màng mơn mởn lại vô cùng điệu nghệ cả bên bàn bàn bạc, trên giường và trong cửa hiệu, những giây phút hồi hộp căng thẳng, tiếng xúc sắc mê hồn đã ngấm vào máu níu kéo cậu ở lại …
Cho đến một lần, cô nhân viên nhà băng từ chối cho cậu rút tiền, cậu ngạc nhiên trước thái độ ấy, cậu nổi đóa theo đúng kiểu của một người thượng lưu có đống tiền vô tận.
Người quản lý nhà băng chìa cho cậu thông báo từ phía Nga. Theo đó, số tiền cậu phải bồi thường đã lớn hơn con số cậu hiện có, tình trạng khai thác đình đốn khiến khả năng thanh toán của cậu rất thấp.
Không thể rút được tiền, cậu phải bán tất cả những gì có thể để thanh toán khách sạn rồi dùng một cỗ xe tồi tàn nhất rời Ba lê.
Thực trạng tập đoàn đã vượt quá khả năng, cậu là mẫu người chăm chỉ chứ không phải là người có nhiều mánh lới kinh doanh. Buộc phải bán tập đoàn cùng tất cả những gì hiện có để thoát tù tội...
Vợ chồng cậu lại đi làm như những người bố mẹ cậu xưa... Nhưng, những lần lấm lem dầu mỡ, mệt mỏi về nhà, cậu tìm mãi không thấy ánh mắt của mình năm xưa trên khuôn mặt những đứa con tội nghiệp…./.


CHUYỆN VĂN HÓA

Từng nghe!
Thời nhà Nguyễn, trong một buổi chầu có quan Tây tham dự. Giải lao, bên tách cafe, quan Tây hỏi một vị quan Nhất phẩm của Ta ( bằng tiếng Việt hẳn hoi):
-Toa đã đọc hết truyên Kiều? Và đã hiểu hết truyện Kiều?
-Thành thực, Moa có đọc nhưng chưa hết và cũng thành thực nhiều chỗ không hiểu.
Trầm ngâm hồi lâu vị quan Tây phán.
-Toa nói rằng Toa là người An Nam, thế rồi Toa lại bảo là Toa chưa đọc hết truyện Kiều. Người ta sẽ hiểu ngay…Toa chưa phải người An Nam...!

Nghe mà:
1- TỨC.
Tức vì thằng Tây ở đâu đến đây lại lên mặt dạy quan mình, tức vì ngày xưa các cụ tuyển quan bằng thi, nội dung thi chủ yếu là văn thế thì làm sao vị quan Nhất phẩm kia lại chưa đọc hết chuyện Kiều...? Hay là đứa “Phản động” nào phịa ra câu chuyện này để bêu xấu lãnh đạo?
2-BUỒN
Buồn vì, hóa ra ngày xưa, các quan cũng ít để ý đến văn hóa quá nhỉ...!
3-MỪNG
Mừng vì, đã có thời các Quan ta thật thà là thế, chưa học thì nói là chưa, không hiểu thì nói là không. Chẳng như bây giờ ai cũng dương dương tự đắc, coi mình là nhất thiên hạ. Bằng gì cũng có, nào chuyên môn, chính trị, quản lý kinh tế dẫu toàn là… mua hay... Ưu tiên, không bằng tiền cũng bằng thế này vị nọ.
Kiến thức cổ-kim-đông-tây, thơ, ca, nhạc, họa cái gì cũng biết, cũng hơn người hay nói cách khác là không ai được phép hơn.
4-TỦI
Tủi vì, đã gọi là Văn hóa-Xã hội thì phải có món Tây, món Tàu, món Ta. Xưa đã thế, nay thì sao? Ta đem thuyết này thuyết nọ từ trời tây trời tàu về áp dụng. Ta cải cách đến nát nhoét cả nền giáo dục. Để đến nỗi bây giờ nhìn lại các tầng lớp xã hội xem sao: Quan thì chẳng đủ tầm đủ tâm, tham nhũng đến nát cả đất trời. Dân thì hối hả kẻ này lần túi người kia rồi chửi nhau là cửa quyền, hối lộ. Trẻ con thất học (kể cả số có học vẫn như thất học) ngày càng nhiều, sỏ mũi, sâu tai, tóc xanh tóc đỏ. Nghĩ đến tương lai văn hóa dân mình… không tủi sao được!
5-HẢ HÊ
Vì hóa ra người Việt ta có giá lắm. Không phải cứ mũi tẹt da vàng, cứ được cha mẹ đẻ ra ở cái dải đất hình chữ “ét xì” này đều được gọi là người Việt mà muốn làm người Việt cho ra hồn thì phải kèm theo những tiêu chuẩn nhất định mà một trong những tiêu chuẩn đó là phải đọc và hiểu truyện Kiều. Điều đó đúng hay sai còn tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người. Riêng tôi..., tôi cho là đúng.
6-LO
Cứ như thế này mãi thì đất nước mình sẽ đến đâu...? Con cháu chúng ta rồi sẽ ra sao...!


A Lô...!..." A"....!

Khi nhấc điện thoại lên, dù gọi đi hay để nhận gọi đến, câu đầu tiên là vậy.
Từ này có gốc Pháp, nó thay cho lời chào và như để hỏi để khẳng định sự sắn sàng trao đổi.
Ngày nay, văn hóa ứng xử ngày càng xuống cấp... sự giáo dục và hành xử của người lớn khiến bọn trẻ con ... không biết đằng nào mà lần
Hôm qua có bài báo nói về cách bắt tay của giới quan chức. Gặp người "To hơn" họ "Khúm núm" chứ không phải "Trịnh trọng" hay "Tôn trọng" bất luận người ấy là ai..., thậm chí cả kẻ thù.
Ngược lại, với người có chức nhỏ hơn hay thường dân, bất luận tuổi tác, không gian hoàn cảnh (Ví như ông phó thủ tướng về đình làng thì cũng chỉ là một ... xuất đinh, về hợp lớp cũng chỉ là một cựu học sinh) họ khệnh khạng, bắt tay mọi người hờ hững... với ông Trưởng tộc hay Cô giáo chủ nhiệm cũ của mình.
Trở lại với chuyện A lô, khi nói "Cộc lốc", "Vô chủ ngữ" đã thành phổ biến..., hình như ai đó cố chữa và một trong cách chữa của họ là thêm chữ ... ạ vào sau chữ A lô...!
Việc sử dụng ngôn ngữ, cũng như những hành xử xã hội khác là cả một nghệ thuật nhưng trước hết và cơ bản chỉ cần "Đúng và đủ"..., không hiểu mọi người nghe thấy thế nào chứ mối khi nghe: A lô ạ...! Tôi thấy nó ... "Cứ thế nào ấy!"

Chẳng phải nghe trộm người ta a lô với nhau, trên đài phát thanh, những cuộc giao lưu trực tuyến ngày càng nhiều và tôi thấy các phát thanh viên, những người dẫn chương trình cứ ... A lô ạ...! Cứ như làm mẫu vậy....!

Lại nói sự "Đúng" và "Đủ" , các bình luận viên trên đài phát thanh, trên vô tuyến truyền hình rất hay dùng chữ ..."Quá"
-Đường truyền Quá chính xác..., khống chế bóng, cút dứt điểm Quá cẩu thả..., câu trả lời Quá hay, Quá đúng.... 

Vân vân.... nhiều lắm!
Hầu như chẳng có cái gì quá mà hay cả.
-Hành động ấy đã đi quá phạm vi đạo đức.
-Quả táo Trung Quốc đã quá hạn sử dụng
-Không để ý, anh ta đã đi quá điểm hẹn.
Nếu tôi không nhầm thì cách nói "Quá chuẩn, quá tốt, quá chính xác...." Là ở ngoài đường, người ta dùng với hàm ý hài hước.
Nên chăng, những nơi mẫu mực thay QUÁ bằng RẤT để.
-Đường truyền rất chính xác.
-Câu trả lời rất đúng
....
Dễ nghe hơn nhiều....!

TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC, YÊU TỔ QUỐC


Yêu nước, yêu tổ quốc là “Cõi thiêng” trong mỗi con người, động vào cõi thiêng ấy là việc nên tránh, thế nên xin bạn đọc hiểu cho, tôi không muốn, không dám động vào “Cõi thiêng”.
Ai yêu nước...? Ai không...? Ai yêu nhiều hơn ai ...? Ai nói ra rằng mình là người yêu nước …? Ai tin lời nói ấy...?
Thế nhưng vì bài trước trót đưa ra và nhiều bạn đọc đã cho ý kiến nên tôi đành liều mạng bàn thêm.
Chân thành mong được góp ý!
Ai đó đã viết:
“Con chim dẫu bay đến phương trời nào cũng luôn nhớ về tổ, con cá dẫu đến góc biển nào cũng luôn nhớ về nguồn”
Hàng năm, ta vẫn chứng kiến những cuộc di cư của các loài động vật, trong đó nhiều cuộc do tìm kiếm thức ăn, nhiều cuộc theo thời tiết nhưng cũng không ít những cuộc di cư không thể giải thích được.
Điều gì khiến đàn cá hồi trở về đúng nơi đã được sinh ra để hoàn thành nghĩa vụ duy trì giống nòi rồi kết thúc cuộc đời… ? 
 Có câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là ý nghĩa gì...? Phải chăng người ta ai cũng có nguyện vọng đến cuối đời, thậm chí sau khi đã lìa đời được trở về nơi chôn rau cắt rốn…?
Tại sao mỗi chúng ta, dẫu ở độ tuổi nào, làm đến chức danh gì, của cải có bao nhiêu vẫn muốn được sà vào lòng mẹ, rúc đầu vào bầu vú mẹ...?
Nơi ta được sinh ra, nơi ta mở mắt nhìn trời nhìn đất, nơi ta chập chững những bước đầu tiên…, phải chăng đó là quê hương...?
Đất nước là gì...? Phải chăng đơn giản là nơi có đất có nước...? Trên trái đất này, ở đâu có đất có nước là ở đó có con người sinh sống và người ta được sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở đâu thì gọi đó, coi đó là Đất nước của mình...
Tình yêu với nơi mình sinh ra, với trời, mây, đất, nước, cây cỏ… với những người đã sinh ra ta, những người quanh ta… Đó là tình yêu quê hương đất nước!
Nơi ấy trời cho ta không khí để thở, đất nâng bước chân ta, trời đất cho ta cùng muôn loài sinh sống…, dẫu nghèo khó khô cằn, chẳng có ai là người không yêu quê hương đất nước ấy?
Thủa loài người còn sơ khai, chỉ biết chống chọi, chung sống với thiên nhiên và muôn loài thì làm gì có biên giới..., những người ở những vùng đất khác nhau, núi cao, trung du, đồng bằng, sông biển có phương thức sống ít nhiều khác nhau và họ coi đó là ... “Lãnh thổ” của mình, và họ đã đoàn kết, làm hết khả năng không cho người ở nơi khác xâm chiếm lãnh thổ đó..., đấy là khái niệm về đất nước, là biểu hiện của tình yêu tổ quốc...
Khi loài người phát triển, kẻ mạnh thôn tính kẻ yếu, người ở vùng nọ thôn tính vùng kia, dần mà hình thành khái niệm mới về đất nước.
Trong cái đất nước mới ấy vẫn có kẻ mạnh người yếu, người đi thôn tính và người bị thôn tính.
Ví như nước Úc, nước Mỹ kia, vốn là của những người Thổ dân, chỉ vì chậm phát triển, không địch lại được với súng đạn nên phải nhượng bộ những người nhập cư rồi đành ngồi nhìn họ thành chủ yếu, mình thành thứ yếu…
Những người dân ở Tây Tạng có đất trời riêng, có lịch sử văn hóa lâu đời riêng, nay còn mất lại phụ thuộc vào những người ở tận Bắc Kinh…
Cái sự mở nước (Xâm lược) và mất nước đã là lâu lắm rồi, và cũng từ lâu lắm rồi những tộc người đồng hóa lẫn nhau tạo nên một khái niệm dân tộc mới, để bây giờ khi nói người Nga, người Hoa, người Mỹ… người nghe hiểu đó là những người sinh sống trên cái vùng lãnh thổ được phân định ấy.
Cũng giống như khi nhắc đến người Việt là nói về những người sống trên mảnh đất hình chữ S ở đông nam Á này, bất luận người đó là Kinh, Thái, Ê đê hay Khơ Me…
Lịch sử hình thành biên giới gắn liền với những cuộc chiến tranh thôn tính giữa các thế lực cầm quyền, Thoạt đầu là các Tù trưởng, thủ lĩnh, đến các ông vua của các triều đại phong kiến, rồi đến các thể chế chính trị như ngày nay.
Nhà cầm quyền nào cũng muốn chiếm đất chiếm dân, làm lên chiến thắng hay thất bại là những người lính mà thực chất là dân..., nếu thất bại thì chỉ có Vua mất nước, còn đất và dân lại thuộc về một quốc gia khác của một ông Vua khác to lớn hơn. Nếu thành công thì dân vẫn thế nhưng đất mới, dân mới vẫn thuộc về Vua... Suy như thế, trong các cuộc mở đất xưa kia thì Vua có thể được có thể mất nhưng người dân thì chỉ có mất chứ chẳng bao giờ được gì…
Thế nhưng, để người dân hăng hái ủng hộ, xả thân cho sự nghiệp của mình, những ông Vua xưa kia phải dùng chính sách mị dân, họ dụ dỗ, đe dọa và nếu người dân không theo thì họ thẳng tay đàn áp.
Một trong những thủ đoạn mị dân là họ khéo léo biến cái tình yêu quê hương đất nước vốn có trong mỗi con người kia thành tình yêu chế độ của họ, biến cái ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước quê hương thành bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Khi đất nước có nội chiến, tức là những cuộc tranh chấp quyền lực, mỗi bên đều ra sức dành dân dành đất và bằng những thủ đoạn của mình họ khiến những người dân của họ thù oán ông vua bên kia rồi thù oán cả những người dân bên kia…Mỗi ông Vua đều muốn dân chúng hiểu rằng: Theo bên này là yêu nước, là chính nghĩa, theo bên kia là ngược lại.
Các ông Vua phong kiến như thế và các nhà nước tư sản cũng thế, ở đó tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng vốn có đã bị lợi dụng, bị lái theo chiều hướng: Yêu nước là trung thành với vua, yêu nước là yêu chế độ.
Nếu nhà nước XHCN thực sự là của dân, do dân, vì đân thì chỉ ở đó, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu chế độ mới có thể hòa thành một, yêu Đảng là yêu nước, yêu chế độ là yêu quê hương, tổ quốc…
Tuy nhiên, bởi chúng ta đang được sống trong cái xã hội tốt đẹp đó đã gần bảy mươi năm, thời gian vừa đủ một đời người (có nghĩa là, đa phần những người đang sống một cách tỉnh táo đều được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chế độ XHCN tốt đẹp này) chúng ta đã quen hiểu, quen gộp tình yêu quê hương, đất nước với tình yêu Đảng, yêu chế độ XHCN.
Điều đó không sai vì Đảng, Chế độ ta hoạt động, chiến đấu vì mục đích: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng ta cần hiểu những tình cảm ấy của con người không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể hòa thành một như vậy...!
Nếu lấy Đảng Cộng sản Trung Quốc làm ví dụ, là một đảng anh em, đã từng giúp ta toàn diện, từ lý luận chính trị để ta xây dựng củng cố đảng, từ vũ khí để ta đánh nhau với những người Việt ở Miền Nam, với quân đội Mỹ..., đến miếng lương khô, cái quần đùi cho bộ đội ta mặc... khi ấy ta gọi những người lãnh đạo ĐCSTQ là “Đồng chí”, là “Anh em”, nhưng khi những người ấy lùa quân qua biên giới cướp bóc, bắn giết binh lính và người dân Việt thì ta gọi họ là “Bè lũ phản động”. Và khi ấy, tình yêu Tổ quốc của người dân Trung Quốc có đồng nghĩa với tình yêu ĐCS TQ...?
Một Đảng to như thế mà lọt vào tay một “Bè lũ phản động”, nhỏ như ta, liệu có lúc nào đó ĐCS VN cũng bị lọt vào tay một “Bè lũ phản động”...? Và khi đó (Nếu có) thì tình yêu đất nước của dân ta phải được thể hiện thế nào đây...?
Khi Liên Xô đang là thành trì của phe XHCN, một nửa đời sống chính trị thế giới trông vào, dựa vào ĐCS Liên Xô, thế mà ông Góc Ba Chốp, Tổng bí thư, tuyên bố giải tán đảng. Tin rằng, những người thật sự trung thành với lý tưởng cộng sản sẽ coi ông ta là kẻ “Phản động”..., một đảng lớn như thế mà một tên “Phản động” có thể lên được đến TBT thì đảng ta liệu có là ngoại lệ...? Và nói dại chuyện ấy sảy ra ..., thì tình yêu Tổ quốc của ta... biết gửi về đâu...???
Tôi không nghĩ những người từng phục vụ trong quân đội VNCH và chế độ VNCH, những người di tản sau năm 1975 là những người không yêu nước bởi như tôi đã phân tích, Tình yêu quê hương đất nước dường như là thiên bẩm, họ yêu nước lắm chứ, nhưng sống ở chế độ nào cũng sẽ bị chính quyền ấy mị dân nên họ yêu nước, xây dựng đất nước theo cách của họ mà thôi...!

Họ không yêu Đảng của chúng ta, không yêu chế độ XHCN như chúng ta mà thôi!

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

CẢM NHẬN TỪ MỘT BÀI HÁT ĐÃ CŨ...!


Cái gì tôi cũng không thể khá lên được là phải...!
Mỗi khi nghe nhạc tôi dồn hết tâm trí để cảm thụ cái ý nhạc, cái ca từ chứ ít khi để ý xem bài hát ấy ai viết và đặc biệt không bao giờ biết những ca sỹ nào đã hát...
Những ngày này, một bài hát từng được xếp vào loại “Nhạc vàng”, từng đương nhiên bị cấm và không biết bây giờ còn bị cấm nữa hay không? Ai cấm? Cấm ai...? Cứ ám ảnh trong tôi. Qúa khứ thì chẳng nói làm gì nhưng bây giờ mà vẫn cấm thì ... chắc chả phải...
Với tôi, bài hát, “Xin tròn tuổi loạn”, là tiếng nói, là nỗi lòng người trai Việt yêu nước.
Người trai Việt ở chỗ không nuôi những mộng ước quá cao, không mơ trở thành vua chúa mà trị vì thiên hạ, không ôm mộng với trời xanh..., và ngay cả những khao khát bình thường, một người con gái làm bạn đời cũng không cần phải kiêu xa lộng lẫy.
Tôi không tham, kho tàng vô tận
Tôi không mê, nét đẹp lộng lẫy giai nhân
Tôi không mơ, điền quý cung son vàng
Bạo chúa hay ông hoàng, quyền uy cao nhất thế gian...
Không phải chỉ bây giờ mà từ ngàn xưa, trai tráng nước Việt luôn đau đáu nỗi niềm đất nước, giống nòi.
Thương quê hương, qua bao thế kỷ không cười
Thương quê hương thăng trầm chuyển biến khôn nguôi...
Và cũng đầy lòng tự hào dân tộc:
Non sông ơi!           
Hồn Chí Linh, sông Đằng
Vạn Kiếp hay Hạ Hồi
Những dòng lịch sử... lâu rồi!
(Đoạn này tôi tự ý đổi hai câu)
Ước nguyện những người trai thật đơn giản nhưng tha thiết, mãnh liệt và đầy trách nhiệm.
Tôi chỉ xin               
Đầy lúa thơm quê mẹ hiền
Hàn gắn quê cha buồn phiền
Với niềm tin!
Những khát khao bình dị bùng cháy trong đoạn cao trào, tác giả không đòi đến những chân trời mới, những đỉnh cao muôn trượng mà gào thét dòi quyền được sống, được yêu thương.
Cho tôi xin, đóa hoa hồng nụ còn phong kín
Những ân tình ngọt miền chinh nguyên
Tiếng ban đầu, ngỏ lời, yêu em!
Ai đã từng cầm súng nơi rừng sâu núi đỏ trong ba cuộc chiến tranh; Chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc (Bao gồm cả biên giới tây nam), dù mặc trang phục nhà Nguyễn, của Pháp, của Mỹ hay của Trung Quốc, mới hiểu khát vọng của những người trai Việt, mới biết những người dân buộc phải cầm súng bảo vệ tổ quốc ấy yêu hòa bình đến mức nào, căm ghét chiến tranh đến mức nào, họ chiến đấu, họ sẵn sàng hy sinh nhưng ước nguyện của họ, tương lai mà họ luôn hy vọng, chờ đợi lại là ngày “Trả súng đạn”. Họ hiểu rằng, ngày họ trở về cũng là khi chấm dứt chuỗi ngày khắc khoải mong đợi của mẹ già, của quê hương, của người em gái chờ mong:
Xin an vui, cho anh lứa tuổi đăng trình
Xin cho em, chuỗi ngày buồn thoáng qua mau
Và cuối cùng ... Phải...! Bài hát hay ở cái thật, thật vì ước nguyện hòa bình cho non sông đất nước, cho tiến bộ tương lai lại được tác giả đại diện cho những người trai “Thơ dại” mười chín đôi mươi nhắc đến sau cùng.
Cho xin thêm, ngày tháng xanh màu hoài
Để lớp trai thơ dại
Đốt đèn, đọc sách, đêm dài....!
Cũng phải thôi, vì họ đã “Không tham” những kho tàng vô tận, những nét đẹp lộng lẫy giai nhân, những “Bạo chúa hay ông hoàng”...!


HỦ HÓA...! (Trích)

Tháng 7, được đọc rất nhiều tri ân những AHLS... và một vài bài tri ân những người mẹ, người vợ, người yêu của lính ở hậu phương... Tôi trích đoạn này trong "Kỷ niệm đầu đời bộ đội" như một chia sẻ với số ít đó.
(....)                                                                                         
Cuối năm ngoái thư ký hợp tác là thằng Nhân thọt hủ hóa với con Lành vợ bộ đội đi B. Tội nặng quá, người ta đem nó ra đấu tố như tố địa chủ. Chả biết bị dọa dẫm những gì mà nó khai hết… Các ông bà trong ban quản trị, ai lấy cái gì, gian lận bao nhiêu nó khai tuốt, nhưng chủ yếu vẫn là tội của nó. Thằng này còn chưa hết lớp bảy mà giỏi thật! Đã lừa gạt dân mà lại dám qua mặt mấy ông chánh phó chủ nhiệm tham như mõ.
Có lần, chả biết bù khú ở đâu say khướt nó tuyên bố.
- Mấy thằng lãnh đạo, có thằng nào hết lớp bốn đâu, vừa tham vừa ngu như chó. Tao chỉ lùi cho mấy dấu phẩy là bảo gì cũng phải nghe.
Chả hiểu nó nói với những ai nhưng chỉ sáng hôm sau là cả làng biết. Thằng Nhân ngủ đến hơn mười một giờ trưa, uể oải ra bể múc nước xúc miệng. Thằng này không biết đánh răng nhưng xúc miệng rất kỹ. Nó giải thích một cách rất “khoa học” rằng, cái mồm lúc ngủ dạy nó thối, tức là có rất nhiều chất bổ cho cây, cũng như phân bắc ấy! ( Khi chưa có phân hóa học thì cứt người là thứ tốt nhất để bón ruộng và được gọi là phân Bắc, cứt lợn cứt bò gọi là phân Chuồng, cây lá đem bón ruộng gọi là phân Xanh..., lạ thật...! Của ta hẳn hoi nhưng hễ cái gì to, tốt, ngon, đẹp..., lại phải gán chữ Tây hay Bắc vào).
Chả thế mà nhà hắn không ai được đánh răng, ai cũng chỉ được xúc miệng rồi phải nhổ vào mấy khóm tía tô kinh giới cạnh bể.
Xúc miệng và hoàn thành việc bón cây xong, thằng Nhân ngồi phịch xuống hè, với cái điếu rít một hơi thật sâu… Đầu nó nhẹ bỗng, có cái gì tê tê giần giật lan khắp người, ngả đầu vào liếp dại lim dim bỗng giật mình mở mắt, thấy con vợ đứng lù lù trước mặt. Đã co cẳng toan đạp cho một phát, cảnh cáo mụ cái tội làm nó giật mình nhưng thấy mặt mụ nghiêm quá..., khác thường quá ... nên cái đầu gối vừa co lên lại từ từ duỗi ra. Mụ vợ hất tay và hắn lồm cồm bò dậy theo vào buồng.
-Nốc cho lắm vào...! Rồi ngủ cho nứt mắt ra...! Cả xóm cả làng đang hả hê vì ông chửi cán bộ thay cho người ta kia kìa….! Sao bảo nhà ông khôn lắm kia mà...? Sao nốc vào lại ngu thế...!
Thằng nhân tái mặt, nó chỉ lơ mơ chứ không thể nhớ chính xác hôm qua đã nói những gì. Gì thì cũng phải bình tĩnh..., trước hết phải trấn an con vợ đã.
-Vớ..., vẩn…! Đàn bà chúng mày, biết gì mà chõ mõm vào…! Mà ông sợ đéo gì thằng nào! Chánh phó chủ nhiệm thì cả làng này nó chửi chứ riêng gì ông… Để xem!
Đoạn hắn đùng đùng bỏ ra cổng, chỉ hùng hổ từ buồng ra đến cổng thôi. Đưa tay ra sau kéo cánh cổng cót nẹp khung tre, khi đã chắc chắn mụ vợ không còn có thể nhìn thấy được nữa, hắn dừng lại vờ phủi bụi trên tay áo nhưng thực ra là để chỉnh lại “quân dung”, đưa tay vuốt ngược mái tóc sang bên cũng là lúc nó đảo mắt quan sát, chẳng thấy gì bất thường nó mới cố lấy vẻ ung dung, lúc lắc đi.
Lượn quanh xóm một lượt... không ổn thật rồi! Người thường tránh mặt hắn đã đành, sao mấy kẻ nịnh bợ, mấy ông bạn rượu mọi ngày vồn vã lắm kia mà, sao hôm này ai cũng như bận, như mải việc gì không để ý đến hắn…, chả lẽ ngẫu nhiên ai cũng vô tình không thấy hắn...!
Xuống xóm dưới, hắn đến thẳng nhà Lành, dừng trước cổng, cất cao giọng gọi vào nhưng lại cốt cho hàng xóm nghe
- Cụ Sinh có nhà không...? Cháu xin nắm ngải cứu...!
Tiên sư cha thằng khốn nạn! Bà Sinh là mẹ chồng con Lành, con trai bà đang ở chiến trường không biết sống chết thế nào. Bản năng của người mẹ cùng với kinh nghiệm một thời son trẻ chỉ cho bà biết rằng, những thằng đàn ông đến nhà bà với mục đích gì. Bà mà rình được thì bà vằm cái mặt mày ra ... Bố mày phải gió cấm khẩu hay sao mà mày xin ngải cứu....? Trên xóm thiếu gì, sao mày phải xuống tận đây mà ngải với chả cứu...
Đang ngồi khứu cái áo cho con dâu, bà Sinh nghĩ vậy nhưng cứ ngơ đi chẳng thèm trả lời. Thằng Nhân ve vẩy cái chân thọt đến tận nơi, trơ trẽn hỏi.
- Lành có nhà không cụ...?
Vẫn chằng thèm quay lại, cụ nói như quát.
- Ra vườn mà hái...! Lành với rách gì...! Nó đi vắng rồi...!
Không thể đối xử với thằng này tệ hơn bởi cụ thương con Lành. Hơn bốn năm rồi, kể từ lần cuối cùng nhận được tin thằng Lộc..., biết nó còn được về không…, mà con Lành thì càng ngày bà càng thương nó, thương hơn cả đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Thương nó trước hết vì nó cũng thương bà, chẳng cho bà đụng vào việc gì nặng nhọc.
Có lần, thấy nó quần quật hết việc nhà, việc hợp tác lại hội lại họp, lúc thì dân quân, lúc lại phụ nữ ba đảm đang. Quyết không nghe lời nó nữa, bà mang đòn càn ra đồng gánh rạ. Bà vẫn làm được cơ mà, kỳ lạ thật, khi người ta được lao động vì người thân của mình. Trước kia cứ nghĩ đến con Quỳnh thằng Lộc đang đói bà không biết mệt là gì, bây giờ nghĩ đến con Lành, thương nó bà cũng chẳng thấy nặng nhọc là gì.
Đi họp về, trời đã nhá nhem, không thấy khói bếp như mọi khi, đàn gà sau một ngày đào bới, diều chưa đầy còn ngơ ngác ngoài sân đợi thóc. Thấy lạ, tưởng bà làm sao, con Lành chạy ào vào nhà lớn tiếng.
- Ối U ơi...! U làm sao đấy...?
Quờ tay vào giường, chả thấy gì, nó lẩy bẩy đánh được que diêm giơ lên soi mới hay bà không có nhà. Hoảng quá, lao ra cửa, vừa định hét lên gọi mẹ thì nó thấy lù lù một đống rạ đen xì đang khó khăn lách qua cổng. Chẳng thấy người nhưng đích thị là u nó rồi, người U nó nhỏ, gánh rạ lại to thế kia thì thấy làm sao được. Thương xót, hờn giận, nó lao về cái đống rạ kia mà mếu máo.
-Giời ơi là giời....! U ơi là U...!
Rồi nó quát.
- U có để xuống không...!
Bà Sinh chấp hành như một đứa trẻ ăn vụng bị bắt quả tang, thương quá bà đâm sợ nó, người bà run rẩy.
- Mẹ....
Mới cất được một tiếng con Lành đã ôm lấy bà ngã vật vào bó rạ, cái thừng bục ra như có người trải cái nệm cho mẹ chồng và nàng dâu ghì chặt lấy nhau mà nức nở.
Những ngày mưa gió không ra đồng được nó ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Đêm đông giá rét nó ôm lưng bà, bắt bà kể về tuổi thơ của chồng nó, rồi nó cười, tiếng cười cứ ròn tan, cứ như thể chính bà là chồng nó vậy. Rồi nó lại bắt bà kể về cuộc đời làm dâu của bà, nó im lặng, một tay nắm tay bà, tay kia chốc chốc lại vuốt mấy sợi tóc mai dính nơi khóe miệng cho bà dễ kể. Bỗng chốc bà thấy mình như đứa trẻ, khi bà đã thiếp đi nó mới nhoài người thổi tắt đèn rồi kéo chăn cho bà ngủ. Có khi, nửa đêm thức giấc, bà thấy nó trằn trọc trở mình..., kinh nghiệm của những năm chờ chồng và mười tám năm góa bụa bảo cho bà biết rằng…, lửa đang cháy trong lòng nó.
Bà thương nó đến mức giận cả thằng con trai. Lộc ơi...! sao mày cứ đi biền biệt thể hả con...? Đợi mày xong lý tưởng, xong phấn đấu thì nó chết già à....! Mà ngộ nhỡ mày không về thì mẹ biết làm sao đây hả Lộc…!
Vì thế, ngay từ ngày đầu thấy thằng Nhân ve vãn, bà đã không thể giận con Lành. Nhưng bà ức lắm..., phải gì là người đàng hoàng cho bõ. Đằng này đã lùn còn thọt, cái mặt dài ngoẵng, nhìn vào mắt đã thấy đầy gian giảo, chả thế mà từ người dân cho đến chánh phó chủ nhiệm ai cũng kiềng mặt nó.
- Kìa U...!
Con Lành đâu từ ngoài vườn vào như cứu thằng Nhân khỏi cơn bẽ mặt.
- Bác Nhân ngồi chơi với U em để em xuống bếp lấy nước.
Thằng Nhân chẳng nói gì, cũng chẳng cần để ý bà cụ, sợ quá hóa liều, nó theo chân Lành xuống bếp.
-Lành có nghe gì không?
-Bác mới ngủ dậy à...? Người ta đồn, bác rủa mấy người lãnh đạo ngu si vô học, ăn công điểm của bác rồi phải sợ bác.
Đận ấy thằng Nhân tốn vô khối cho ban quản trị.
Nhưng nó có mất gì đâu, thằng mất dạy cứ xin người này duyệt cho kẻ khác, lúc dăm cân cá ngon, khi đôi lốp xe đạp mà lẽ ra dành cho dân quân đi tuần. Và khi các ông các bà nhận đủ lễ thì cơn giận cũng qua đi.
Thế rồi một buổi tối, con Lành đang nấu cám lợn thì thằng Nhân khập khiễng bước vào, ánh lửa bập bùng trong bếp, mùi cám thơm thơm khiến nó biết Lành đang ở đâu. Ánh đèn dầu leo lét trong buồng cũng mách bảo nó chỗ bà cụ đang nằm.
Giật mình thấy thằng thọt xuất hiện ngay cửa, con Lành lớn tiếng ý tứ.
- Bác lên nhà xơi nước, cháu xong ngay đây...!
Dưới ánh lửa rơm cặp má con Lành ửng hồng lên, đi cấy về chưa kịp tắm, cái quần lụa còn xắn lên quá gối để lộ hai bắp chân trắng ngần, khói bếp làm cho đôi mắt Lành vốn đã long lanh giờ như huyền ảo, cặp ngực căng tròn nhấp nhô như nhảy múa trong ánh lửa bập bùng. Thằng Nhân mê mẩn, thằng Nhân hoa mắt, bất giác nó xà xuống ôm chặt lấy con Lành, miệng hổn hển.
- Lành ...
Hai đứa ngã vật vào cái ổ rơm, Lành cố sức đẩy con quỷ dâm dục ra.
- Không...!
Lấy hết sức, nó đạp cho thằng Nhân một cái rồi hét lên.
- U ơi...!
Dẫu đã tối lâu và thằng Nhân không chào nhưng bà Sinh vẫn biết, bản lĩnh người mẹ khiến bà không thể bỏ qua bất cứ tiếng động nhỏ nào dưới bếp. Nghe tiếng con gọi thất thanh bà vớ ngay cái gậy đã để sẵn đầu giường.
- Tổ sư cha thằng mất dạy...! Mày thì chết với bà...!
Cơn thịnh nộ của bà vừa lên đỉnh điểm lập tức xẹp dí..., bà bủn rủn thấy thằng Nhân nằm trên ổ rơm tung tóe hai tay tay ôm chặt lấy bộ hạ, cong người hết cỡ, hai cái đầu gôi như cặp lấy cái đầu dài ngoẵng, tái mét.
Cái Lành thì chỉ định tự vệ, bà Sinh thì cũng chỉ định cảnh cáo nhưng có ngờ đâu cái đạp tự vệ của cô con gái đương thì lại trúng vào cái bộ phận mất dạy nhất của thằng mất dạy khiến giờ nó nằm im như chết.
Cả ba người còn chưa biết xử trí thế nào thì hàng xóm đã lục đục kéo sang. Hóa ra không chỉ mình bà Sinh theo dõi. Thoáng một cái dân quân với gậy gộc, súng ống đã đầy nhà. Lập biên bản rồi thằng thọt bị lôi cổ lên xã.
Vô phúc cho nhà nó, hình như thằng Lộc chồng con Lành đã hy sinh, giấy báo tử đã về nhưng xã còn giấu đi để làm công tác tư tưởng.
Chính sách hậu phương khiến chính quyền không thể làm ngơ, phen này thì thằng thọt đi đời...!
Quả vậy, hôm sau có cả công an huyện đi xít-đờ-ca về. Thằng Nhân bị thẩm vấn công khai ở sân đình trước đầy đủ chính quền, đoàn thể, bà con. Từ cái tội hủ hóa hiếp dâm, người ta truy đến đâu nó khai đến đấy, tội của nó, của chánh phó chủ nhiệm, của các thành viên ban quản trị…, nó khai hết bởi vì nó sợ chết. Hình ảnh địa chủ Tạo ngày nào, cũng sau khi đấu tố thế này bị lôi xềnh xệch ra ngoài ruộng, trói vào cái cột tre, vừa há mồm kêu.
- Ối giời ơi...! Ối Cha, ối Me...
Tiếng Mẹ chưa tròn, tiếng ơi! Chưa cất thì...Đoàng! Ông Tạo tung lên rồi cả người cả cột đổ vật, máu và óc bắn vọt. Bọn trẻ ù té chạy, thằng Nhân bị thọt nên không thể theo được… Đến tận bây giờ, nhắm mắt lại nó vẫn thấy ông Tạo bị trói tay vào cái cột tre, nửa người trên bất động trên thửa ruộng vai cày đẫm máu, chỉ hai cái chân là còn giẫy giẫy như con ếch bị người ta đập mạnh một phát vào đầu.
Khai hết rồi, thằng Nhân quỳ xuống vái như tế sao, đái ỉa cả ra quần, đoạn nó vật ra chết giấc.

Ai giết nó làm gì, bấy giờ súng đạn để đánh Mỹ có thừa đâu mà bắn nó. Nhưng mà mất ghế thư ký, cái chức tưởng nhỏ nhưng đã nuôi sống cả nhà nó một cách ngon lành, đủ cho nó vênh vác, hơn người ngót chục năm nay.

Nhại TỐ HỮU

Đổi mới chửa chục ngàn ngày
Mà xem trời đất đổi thay đã nhiều
Dân mất ruộng dập rìu chợ cóc
Để kiếm tiền đong thóc làm thuê
Bốn mùa thịt chó trên đê   
Sớm trưa lơ xúc đi về mặc ai
Đời hết kẻ sống lười ăn bám
Đời của ai dũng cảm tham ô
Những người lao động quang vinh
Chúng ta làm chủ lấy mình từ lâu

Đã nghe đương dốt thành tài
Đã nghe kỷ luật lại vài lần lên
Đã nghe học dốt làm to
Mang của nhà nước về kho nhà mình
Đã nghe đồng chí thân tình
Triệu đô biếu để tội mình được qua
Đã nghe cắt đất làm quà
Chỗ bạn đang sống, hôm qua của mình
Đã nghe cạn kiệt chữ tình

Bố mẹ còn vứt nữa mình với ta

SỰ HỌC...!

Tôi cho rằng vốn người ta như nhau nhưng rồi khác nhau là bởi sự học. Học không cứ phải cắp sách tới thầy, mà học ở những gì nghe thấy nhìn thấy.
Một lần, tôi đã vỗ vai cô Hộ lý (người chỉ có nhiệm vụ lau chùi) ở phòng mổ Bệnh viện Xanh-Pôn mà nói.
-Đính ạ! Tao coi mày là một người có văn hoá. Văn hoá của mày còn cao hơn rất nhiều mấy thằng Giáo sư, tiến sỹ, trưởng phó khoa, giám đốc, phó giám đốc kia..., kể cả tao nữa. Tao nói thật lòng đấy...!
Tôi nói thế vì cô này luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm thật sự chứ không làm cho xong việc. Những câu đùa của cô ta cũng có ý có tứ chứ không nhạt nhẽo bậy bạ như ai.
Một lần tôi mang một bệnh nhân rất nặng lên mổ, ngại làm vì nguy cơ cao hay còn vì gì nữa, chúng nó hoạnh hoẹ tôi đủ thứ, cứ như thể mình đang quỵ luỵ để cứu bố cứu mẹ đẻ mình vậy. Sau một hồi ngọt nhạt, tôi điên tiết chửi đổng.
-Mẹ cha chúng nó chứ...! Ông thì đéo mổ nữa bây giờ...! Nó mà chết, người nhà nó kiện cho chết cha chúng nó đi...!
Đính tươi cười xoa dịu.               
-Thôi...! Để em mặc áo cho ông...! Ông vào ông mổ đi...! Kệ chúng nó..! Chấp làm gì...!
Nghe cái câu: "Để em mặc áo cho ông..." thấy... sướng sướng làm sao, cứ như mình là ông cha gì đó trong Giên e rơ ấy. Tôi hết bực vì đã có người đồng cảm. Nạn nhân ấy sống ... "Hoành tráng".
Khi ra viện, nhà nó đến cảm ơn tôi, tôi chỉ chúng xuống phòng mổ tìm cô Đính mà cảm ơn. Hôm sau, Đính đưa tôi cái phong bì nói.
-Em chỉ xin ông một chút gọi là, còn đây là của ông...! Gớm...! Nóng thế...! Hỏng việc đấy...!
Như thế, cô ta chả hơn tôi nhiều lần à...?
Bây giờ mới vào chuyện tuyên truyền.
Những năm 60-70, ở Miền Bắc, hệ thống loa truyền thanh được trang bị đến từng thôn xóm, thậm chí từng nhà cho bà con nghe miễn phí (dân ta sướng thế còn gì). Những cái loa xuốt ngày chõ mồm về phía có đân cư mà ra rả. Ai cũng được nghe, ai không muốn nghe thì chỉ có cách là bịt tai thật chặt vào thôi.
Năm ngoái, hôm qua, hôm nay, ngày mai, sang năm các tin cứ na ná như nhau đến mức bọn tôi thuộc lòng đến tận bây giờ.
-Các cụ phụ lão Thanh Hoá vừa động viên con cháu hăng hái lên đường tòng quân vừa trực tiếp hăng say luyện tập sẵn sàng đánh trả.... Đội thiếu niên tiền phong huyện Ứng Hoà làm kế hoạnh nhỏ... Hội phụ nữ Tiền Hải…
Vân vân... Đã có dịp kể trong "Báo ơ...! Báo buổi sáng ơ...!” đấy.
Đầu ngõ nhà tôi có một cái ao HTX (tịch thu của địa chủ). Nhà bà Tẽo ngay đầu ngõ cũng có một cái ao con nữa. Một hôm, đã nhá nhem tối, tôi ở ngoài đồng về đang rửa chân ở cái cầu bằng gạch bên ao HTX. Tiếng loa inh tai.
-Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước nghe tin chiến thắng! Hôm nay, giặc Mỹ điên cuồng cho nhiều tốp máy bay bắn phá khu vực cầu Hàm Rồng hòng cắt tuyến chi viện cho của chúng ta. Nêu cao ý chí cách mạng, tinh thần cảnh giác cao luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Thanh Hoá đã anh dũng đánh trả, bắn rơi sáu máy bay F4 trong đó có ba chiếc rơi tại chỗ, bắt sống hai tên giặc lái... Miền Bắc gọi, Miền Nam trả lời! Quân giải phóng và bà con Tây Ninh đã anh dũng chống trả, bẻ gẫy trận càn quét dã man của địch, tiêu diệt 68 tên trong đó có 12 tên Mỹ, loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 120 tên, thu toàn bộ quân trang quân dụng…
Giọng cô phát thanh viên vừa ngớt thì nhạc (Kèn đồng) bài “Giải phóng Miền nam” nổi lên, hùng tráng: Tèn ten…, ten ten tèn ten tén tèn…
Vì đã quá quen nên tôi không quan tâm thích thú gì cái tin và cái nhạc đầy khí thế chiến thắng ấy. Nhưng ở cầu ao bên kia, bà Tẽo đi tát nước về đang cúi rửa đôi chân đầy bùn bỗng đứng dậy, bà nói thẽ thọt nhưng cũng đủ to vì nghĩ không ai nghe thấy (Nông thôn ngày ấy nhá nhem tối là ngoài đường không còn ai).
-Đéo mẹ cha tiên nhân nhà chúng nó chứ...! Hôm nào cũng chiến thắng...! Hôm nào cũng diệt bao nhiêu tên địch… Con bà thì... đéo thấy đâu...!
Tôi sững sờ vì câu nói của bà mẹ không biết chữ. Bà Tẽo có 7 đứa con. Ba trong năm đứa con trai đang là bộ đội. Hai trong ba đứa ấy ở trong B, đặc biệt là thằng cả, đã hơn bốn năm không có tin tức gì, người ta đồn rằng nó đã hy sinh, Ủy ban còn ỉm đi chưa thông báo…
Câu chửi đổng của bà đã cụ thể hóa những cảm nhận lơ mơ trong tôi.
-Ừ nhỉ...! Đánh nhau thì phải có thắng có thua, sao ngần ấy năm ta chẳng thua trận nào...? Mà sao bọn Mỹ-Ngụy nó lắm người đến thế không biết, ngày nào ta cũng tiêu diệt, cũng bắt sống, cũng loại ra khỏi vòng chiến đấu bao nhiêu là tên, thế mà chúng vẫn đủ sức sát hại dân ta được nhỉ....? Sao các ông lãnh đạo nhà mình không cho đánh bỏ mẹ nó đi, giải phóng Miền Nam cho nhanh để các bà mẹ Miền Bắc đỡ sốt ruột?

Câu chửi đổng vụng trộm của bà Tẽo cứ theo tôi mãi..., rồi một hôm, tôi bỗng ngộ ra rằng bà ta hơn nhiều người, hơn những người cùng có con đi chiến trường, hơn những thằng cán bộ nói như... vẹt, và hơn cả những thằng được ăn học.

Đấy...! Chịu nhìn, chịu nghe, chịu suy nghĩ để rồi ngộ ra điều gì đó mình vẫn hiểu sai, hiểu chưa thật đúng... thế là học, chứ đâu cứ phải sang Tây sang Tàu...!