Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

THỰC TRẠNG CÁN BỘ KHOA HỌC VIỆT NAM

Bs. Nguyễn Vinh Dũng. (Dịp 2007-2008)

Nghe nói, hội nghị trung ương đưa vấn đề trí thức, nhân tài, chảy máu chất xám..., ra bàn tôi thấy mừng nhưng chỉ mừng "vừa phải". Mừng vì như thế tức là chúng ta sẽ quan tâm hơn đến trí thức, đến "Quốc khí". Nhưng thực lòng tôi vẫn thấy lo lo. Trước hết tôi khẳng định rằng tôi không nghi ngờ chủ trương, mục đích của Đảng và nhà nước, nhưng cũng cho tôi được thực lòng nói rằng; tôi hơi nghi ngờ tính hiệu quả của các biện pháp sẽ được đưa ra và cũng vì thế tôi càng nghi ngờ nếu ai đó nói rằng: "Quốc khí" phen này có dịp thăng hoa....
Trung
Ôi! giá như sự nghi ngờ của tôi là thừa, là...vô duyên thì quí hóa biết bao!
Người Việt ta vốn thông minh và hiếu học, ngày xưa, không phải chỉ có mình Cao Bá Quát. Ngày nay, gương các bạn trẻ "Lên núi luyện thi, vừa phụ nề vừa học " mà đỗ "Thủ khoa, Bảng nhãn" không phải chỉ có một, hai, chẳng qua là báo chí chỉ phát hiện và đưa ra một vài điển hình mà thôi.
Ở đô thị ngày nay, các trường, các thầy cô, các bậc cha mẹ bắt trẻ con học đến mức mới chỉ nghe tôi đã ... "Hoa cả mắt"....
Truyền thống là thế..., hiếu học là thế..., làm sao có thể thiếu cán bộ khoa học cho được ?
Gần đây tôi không có thời gian, mà cũng chẳng dám để ý xem hiện thời ta có bao nhiêu Giáo sư? Phó giáo sư? Tiến sỹ? phó tiến sỹ? Thạc sỹ? Nhưng chắc là nhiều... "vô kể".
Thế thì... làm sao lại có thể thiếu cán bộ khoa học được ?
Nên chăng hãy thử mạnh dạn, thẳng thắn lần lượt xem lại ta: Đào tạo thế nào ? Sử dụng ra sao? Thực trạng hoạt động khoa học của ta hiện nay thế nào...?
ĐÀO TẠO (Chỉ nói sau đại học)
Không thể nói một cách "Vơ đũa cả nắm" rằng, việc đào tạo sau đại học ở ta đã bị.."Thương mại hóa", nhưng, tôi cho rằng... Hầu như là vậy!
Tôi đến nhà anh bạn đang giữ một ghế "Kha khá" ở ủy ban quận Đ, sau một hồi tâm sự anh ta mở tủ rồi xỉa về phía tôi đến "Mươi, mười năm" cái bằng đỏ chót, toàn là Đại học và Sau đại học rồi kết luận.
-Đấy...! Đủ hết...! Chỉ còn thiếu mỗi cái ... "Bằng lòng!".
Chả là, anh ta đang “Phấn đấu” lấy cái ghế Phó chủ tịch, nhịn đủ đường, nhịn lâu quá rồi mà vẫn cửa được!
Khổ quá ...! Làm sao tôi không biết học lực của bạn mình..., mà nội trong vòng 5 năm, vừa học vừa lo bao nhiêu là "Công to việc lớn"..., làm sao mà hắn "kiếm" được ngần ấy cái Bằng cơ chứ... ?
Thằng em họ tôi làm ở bộ N, chả thấy thức khuya dậy sớm gì..., người cứ béo hú, tiếng Anh còn kém xa mấy ông Tắc-xi, suốt ngày đủng đỉnh lo bổn phận "Giám đốc", thế mà hai năm nó có bằng Thạc sỹ, rồi đúng ba năm sau nó có bằng Tiến sỹ..., toàn loại xuất sắc hẳn hoi.... thế mới tài...!
Thế là biết... ta đào tạo ra sao rồi...!
Tuy nhiên, cũng không ít người học hành, nghiên cứu nghiêm túc, biết tìm tòi từ thực tế để chọn đề tài, để dấn cả cuộc đời mình vào chuyên môn khoa học. Nhưng, phàm đã để tâm trí vào đọc sách, nghiên cứu, thực hành thì lại hay sao nhãng những bổn phận "Tế nhị", hay vấp phải những lỗi vô tình bị qui là..."Coi thường thầy"..., “Ngựa non háu đá”.
Thế nên cái số hiếm hoi này lại hay bị đao búa, đề tài nếu không "Chết yểu" thì quá lắm cũng chỉ được xếp vào loại "Thường thường bậc trung".
Thêm nữa, trong tất cả các "Thầy hướng dẫn", các vị "Hội đồng" chấm luận án của cả nước, bên cạnh những "Cây đại thụ" hết lòng chăm lo cho thế hệ kế tục, cho sự nghiệp khoa học nước nhà, không thiếu những "Cây đa, cây đề" nhờ "Hoàn cảnh lịch sử" hay cũng do "Chạy" mà nên..., bây giờ ngồi đó, hoặc phải ngáng chân bọn trẻ cho chúng... "Hiểu đời", hoặc để phóng túng, ban ơn theo kiểu ..., “Cứ đến Thầy...OK hết”.
Một ông thầy ở QY viện 103 cương quyết không nhận tiền bồi dưỡng đọc lại luận văn rồi mắng trò rằng.
-Tôi không nhận phong bì để cậu thấy rằng, thật sự Luận văn của cậu cần sửa. Cậu làm về vấn đề này, tức là cậu phải hiểu nó hơn chúng tôi, vì vậy phải trình bày làm sao để không chỉ mình tôi mà các thầy trong hội đồng từ không hiểu thành hiểu, từ hiểu ít thành hiểu nhiều..."
Trò xúc động ra về hỏi tôi.
-Được như thầy mình, hỏi có mấy người...?
Đào tạo như thế, làm sao không thiếu cán bộ khoa học cho được...!
SỬ DỤNG
Tôi lại biết một vị Giáo sư, cuối đời mới được "Thăng" lên chức Phó giám đốc, khi đến chúc mừng, ông ấy ghé tai tôi nói "Cánh mình chỉ muốn làm chuyên môn, khoa học thuần túy nhưng...khổ lắm! Không dính t‎ý quản lý, không ai cho làm chuyên môn, khoa học mày ạ".
Càng ngẫm càng thấy ông ấy nói phải, ở những cơ sở khoa học thực hành thì "Các đề tài khoa học" phải xuất phát từ công việc hàng ngày, sao cho vấn đề được giải quyết nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn... Người cán bộ khoa học tìm thấy câu hỏi trong công việc rồi tự nghiên cứu sách vở và thực tế để tìm ra cách trả lời..., thế là khoa học.
Nhưng, ở các cơ quan thuộc Nhà nước quản lý, có hay không có thực trạng phụ thuộc hoàn toàn vào...Sếp? Thủ trưởng nào, phong trào ấy, thủ trưởng thích "Trường phái" nào, vấn đề gì, anh em phải làm việc, nghiên cứu theo trường phái ấy, vấn đề ấy, và cũng không bao giờ được phép vượt quá thủ trưởng.
Thủ trưởng không thích một trường phái nào, không thích loại đề tài nào thì việc nghiên cứu ở đó coi như... chết!
Người giỏi chuyên môn thường ít nhiều tự phụ, họ tự cho mình cái quyền..., “Không phải nịnh ai”, những dịp như Quốc khánh, dằm tháng bảy, tháng tám..., thậm chí tết tây tết ta..., họ thường quên việc đến nhà sếp... Họ không hề biết rằng họ như cái gai trước mặt mà hễ có dịp là sếp ... vứt họ đi, mỗi biện luận “Thuyết phục” của họ đều làm ... “Đau lòng” sếp...
Thế nên, "Chất xám" nào trót mê khoa học, xa chính trường, nếu không muốn rơi vào vòng "Bất mãn" thì dẫu không muốn cũng phải tự tìm đường mà..."Chảy máu".
Ở nước ngoài, ở các công ty nước ngoài, họ như cá gặp nước, giới chủ tạo hết điều kiện cho họ nghiên cứu, trả họ thù lao sứng đáng và không bao giờ họ phải xin sỏ ai, điều gì...
Nếu cần tập trung nghiên cứu vấn đề gì, người ta ...”Đặt hàng” chứ không áp đặt kiểu như các ... Sếp nhà mình.
Thế là biết, ta sử dụng cán bộ khoa học như thế nào!
TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU
Tuy nhiên "Phong trào nghiên cứu khoa học" thì không bao giờ, không ở đâu là yếu cả.
Hình như hàng năm ta vẫn phân bổ chỉ tiêu cho các ngành, các tỉnh rồi các tỉnh lại “Chia” cho cơ sở số các đề tài, với các cấp độ; Cơ sở, Tỉnh thành, Bộ ngành, Nhà nước..., có tiền kèm theo..., mà nhiều tiền hẳn hoi.
Thế là người ta chia nhau, phân công nhau, tìm mọi cách ra được đề tài, ra được chứng từ để...thanh toán.
Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thì hoàn toàn đúng đắn nhưng...
Trời ơi!... Sao lại làm khoa học theo kiểu "Nguyễn Công Hoan" thế !
Ông bạn tôi lâu lâu lại thấy có đề tài cấp thành phố, kinh phí cỡ trên dưới trăm triệu. Chúc mừng, hắn kéo tôi ra chỗ vắng nói nhỏ..."Không có việc làm thì tôi vẽ ra ... kiếm t‎ý, ông nói nhỏ thôi cho tôi nhờ..., khổ lắm...! Tiếng là trăm triệu nhưng tôi chỉ đút túi hơn chục...phải mỗi chỗ một tý họ mới duyệt cho, ký cho, chạy chọt đủ nơi từ lúc duyệt đề tài đến khi nghiệm thu, từ cơ quan, đến sở chủ quản, các sở liên quan, rồi thì bên tài chính, hội đồng... tính tiền công còn rẻ chứ làm gì có ... lãi, nhục lắm ông ạ ...! Thôi, từ nay tôi cũng ... cạch!
Đào tạo như thế. Sử dụng như thế. Tổ chức nghiên cứu như thế...Làm sao ta không thiếu cán bộ khoa học cho được!
Đảng ta cầu thị, Chính phủ và Nhân dân mong đợi, hy vọng lần này, “Trên” sẽ có những quyết sách hiệu quả hơn để cởi trói, động viên, phát huy được nhân tài khắp nơi, để "Quốc khí" chỉ việc "Thăng hoa" chứ không phải lo tự... "Chảy máu" nữa....!!!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét