Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Phim Liên Xô

Người ta cứ bảo Tàu “Thâm”, người Nga “Ngố” nhưng những bộ phim Tàu được chiếu cho dân chúng Miền Bắc những năm 50-70 chẳng để lại cho tôi ấn tượng gì, trong khi ít nhất có ba bộ phim Liên Xô mà cho mãi đến tận bây giờ, càng nghĩ càng thấy họ ... “Thâm quá”!
Phim thứ nhất (tôi không nhớ đầu đề nên tạm gọi là “Đánh Rồng”), tôi được xem những năm đầu 70 của thế kỷ trước, nội dung nôm na thế này.
Xưa, ở một vùng cao, trên núi cây cối xanh tươi, nhiều hoa thơm quả ngọt, muông thú sinh sôi phát triển. Dưới thung lũng đất đai màu mỡ, khí hậu mát lành, canh tác vô cùng thuận tiện.
Cái gì cũng tươi tốt và phong phú, chỉ những con người là không, những thân hình gày guộc sống trong những túp lều rách nát, họ quanh năm làm việc quần quật ngoài nương dãy mà bữa ăn chỉ có củ và lá rừng. Những đôi mắt thẫn thờ chịu đựng, không khí u uất đè nặng khắp bản làng.
Chỉ có lũ trẻ con là vô tư, vừa lao động vừa nô đùa, chỉ có chúng là còn giữ được nụ cười trên môi nhưng khi chúng lớn dần lên, nụ cười cũng sẽ dần biến mất.
Nhà kia, hai vợ chồng đã già mới sinh được mụn con trai. Chẳng cứ ông bà, cả làng cùng mừng rỡ. Người ta nhường ăn xẻ mặc để ông bà nuôi con. Thằng bé khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, mười tuổi nó đã làm băng băng tất cả những việc nặng nhọc của người lớn. Hiếu thảo với bố mẹ già, lễ phép ngoan ngoãn với tất cả những người lớn, vui vẻ, thông minh, nghịch ngợm nhưng cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn, ai ai cũng quý mến. 
16 tuổi, cậu thực sự là một tráng sỹ, thân hình vạm vỡ và nhanh nhẹn, đặc biệt với tài dùng đao, cậu trở thành linh hồn, biểu tượng cho sức mạnh dân làng.
Trong những cuộc đi săn, trừ thú dữ, cậu luôn làm được những điều phi thường như đánh hổ, vật trâu, những đêm trăng, cậu múa đao loang loáng, tiếng đao xé vào không khí kêu vun vút trước những con mắt trìu mến tự hào của người già, thèm muốn của bọn con trai, ngưỡng mộ của bọn con gái....
Một ngày kia, sang nhà người bạn hơn mình một tuổi cậu thấy mọi người không niềm nở chào đón cậu như thường lệ, người cha thẫn thờ bên vách liếp, đôi mắt đục mờ nhìn vô hồn về phía xa xôi. Bà mẹ, mắt ngấn lệ, vội lánh ra sau nhà như giấu giếm điều gì, mấy đứa em, không đùa nghịch như mọi khi, cụm lại với nhau trong xó nhà lấm lét.
Thấy nó ngạc nhiên, người bạn kéo tay lôi ra ngõ rỉ tai.
-Sắp đến lễ Tế Rồng, năm nay đến lượt làng mình và tao đã được chọn làm vật tế.
Cậu vẫn chẳng hiểu gì.         
-Thế thì làm sao? Tao thấy mẹ mày khóc...?
-Tức là Rồng sẽ ăn thịt tao mày hiểu chưa...?
-Rồng ở đâu...? Tại sao lại để cho nó ăn thịt...?
Đưa tay chỉ về ngọn núi cao vời vợi, mặt trời còn chưa tới đỉnh nhưng đã ló ra một phần nơi lưng chừng, nền trời phương đông ửng hồng rực rỡ, thằng bạn nói.
-Rồng ở trên kia kìa,. Tất cả đất đai và muôn vật ở đây đều là của Rồng, hàng năm chúng ta phải nộp tất cả những gì là ngon nhất, quý nhất cho Rồng kèm theo một thằng con trai như tao hoặc mày chẳng hạn, tức là khỏe mạnh và chưa có vợ để Rồng ăn thịt mày hiểu chưa...?
Cậu bé không thể tin vào những điều bạn nói.
-Sao không tổ chức đánh lại rồng? Thú dữ phá hoại mùa màng, ăn thịt người, chúng ta vẫn giết được đấy thôi...?
Người bạn lấy tay bịt miệng cậu.
-Mày nói nhỏ thôi Rồng nghe thấy thì họa cho cả làng bây giờ. Rồng khác...! Mày hiểu không...! Cũng ăn thịt người nhưng không được gọi là thú dữ, mà phải thờ... Thôi...! Tao không nói với mày nữa, đểể yên thì chỉ mình tao chết, không sao nhưng nếu để Rồng nổi giận thì cả bố mẹ và các em tao cũng chết, tao không muốn thế....! Tao chết là để mọi người được sống...
Đoạn, bỏ mặc cậu với những thắc mắc, nó lầm lũi ra về. Cậu nhìn theo thương sót, uất ức trào dâng, bất giác, cậu vùng chạy về nhà, rút cây đao trên vách, cắm đầu cắm cổ lao về phía trời đông...
Khi tới bờ sông cậu mới sực tỉnh..., Rồng ở đâu cậu còn chưa biết, tới ngọn núi cao kia phải mấy ngày đường ..., biết tìm Rồng ở đâu ...?
Nỗi uất ức gào thét, giằn xé trong cái cơ thể cường tráng, cậu vung cây đao đã bao lần giết chết hổ báo, dùng hết sức chém vào bất kỳ cái gì nhìn thấy như điên như dại..., cây cối đổ rào rào...., bỗng từ xa vọng lại tiếng gọi thất thanh.
-Con ơi...!
Cậu chống đao nhìn xuống, hai ông bà đang tất tưởi, hớt hải tìm con, họ vừa đi vừa chạy, vừa vấp ngã, tiếng họ lạc đi vì sợ hãi, lẫn đi trong tiếng gió hú rợn người bên đồi. Vứt đao chạy xuống, ôm lấy bố mẹ, vừa định cất lời hỏi thì người cha đã nói.
-Về thôi con...! Cha biết rồi..., về nhà, cha sẽ kể con nghe!
Bên bếp lửa bập bùng, người cha lặng lẽ vê thuốc, mồi lửa rít từng hơi dài, mắt đục mờ nhìn về phía núi..., Lâu lắm ông mới có thể bắt đầu, dường như ông vừa lấy được can đảm, vừa vượt qua được cơn sợ hãi...
-Ngày xửa ngày xưa, vùng này trù phú lắm, đất đai màu mỡ, mưa gió thuận hòa, của cải làm ra người ăn không hết, chim chóc muông thú rủ nhau về chia sẻ với dân làng. Chúng ăn những thứ người ta không dùng hết, chúng góp phần làm cho cuộc sống thêm vui vẻ và chúng cũng cung cấp nguồn thức ăn cho chúng ta...
Thế rồi mấy năm liền hạn hán kéo dài, ruộng đồng nứt nẻ, thức ăn không có, nước uống cũng cạn dần, muông thú bỏ đi, một số người không chịu nổi cũng bỏ đi tìm đất mới..., yếu đuối và lẻ loi, nghe nói chết ở dọc đường rất nhiều.
Những người ở lại vì không bỏ được mồ mả ông bà cha mẹ thì chết đói, chết khát cũng gần hết, một số ít còn lại đang thoi thóp...
Một hôm Rồng từ đâu tới, cũng đói nhưng cơn khát còn ghê gớm hơn. Rồng bay dọc theo lòng suối cạn khô. Đến đỉnh núi nó phát hiện một hòn đá khổng lồ ngăn dòng nước.
Lượng sức không đủ, Rồng bay về hô hào, động viên dân làng cùng giúp sức. Những người như những bộ xương kia nghe thấy nước bỗng trở nên tươi tỉnh, họ hăng hái đi và làm theo Rồng.
Đường xa hiểm trở, nhiều người gục ngã trước khi đến được đỉnh núi. Hòn đá quá to, khi hò nhau đẩy được theo nhịp hô của Rồng thì sức nước lại mạnh quá cuốn theo nhiều mạng nữa.
Những người còn lại vừa khóc vừa ôm nhau nhảy múa, họ nhớ những người bỏ đi, họ thương những người đã chết không được chứng kiến cuộc hồi sinh.
Cuộc vui chưa tàn thì cơn đói quay lại hành hạ, Rồng tóm ngay lấy một người, vặt chân, vặt tay cho vào mồm nhai rau ráu. Miệng, tay và thân Rồng nhoe nhoét máu... Khi đã vơi cơn, Rồng liếm mép nhìn lũ người đang chết run chết rẽ.
Chưa hết hân hoan đã kinh hoàng, lũ người quỳ xuống van xin rồng tha mạng. Trong giây lát, cũng thấy thương thương những kẻ vừa dùng chút sức tàn đẩy được hòn đá, Rồng ôn tồn nhưng cương quyết nói.
-Từ nay các ngươi đã có nước! Cuộc sống rồi sẽ ấm no, hạnh phúc. Các ngươi phải biết và luôn nhớ rằng đó là do ta đã mang lại cho các ngươi... Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không có ta thì bao giờ các ngươi nới có nước...? Và các ngươi sẽ còn sống được đến bao giờ...? Thế nên, cả mạng sống của các ngươi cũng là của ta. Các ngươi có hiểu không?
Trong cơn kiếp đảm lại nghe Rồng phân tích có tình có lý đám người lại quỳ lạy như tế sao....
-Đất của ta, nay ta giao lại cho các ngươi sử dụng. Mạng sống của các ngươi ta cũng chưa động đến. Các ngươi phải ngoan ngoãn bảo nhau mà làm ăn....
Đám người lại vái như tế sao.
-Và cũng từ nay, hàng năm, các ngươi phải nộp tất cả những gì là ngon nhất, tốt nhất cho ta?
Đám người lại vái như tế sao.
-Kèm theo một thanh niên trinh tiết khỏe nhất, thông minh nhất?
Đám người ngần ngừ nhưng khi bắt gặp đôi mắt lạnh lùng của Rồng, gối họ khuỵu xuống và lại vái như tế sao, lần này bật ra vài tiếng nấc.
Từ đó, Rồng ngự trên đỉnh núi và các làng phải thay nhau cúng tế. Thoạt đầu Rồng chỉ cần ăn uống sau nó đòi vàng bạc châu báu. Thế là tất cả những thứ dân làng làm ra đều dành cho Rồng. thứ để rồng ăn, thứ đem đổi lấy vàng bạc châu báu cho Rồng thỏa thích....
Nghe đến đây, chàng lại hỏi.
-Sao ta không đánh lại Rồng?
-Có con ạ.... Rất nhiều tráng sỹ đã lên đường nhưng chưa thấy ai trở lại. Rồng vẫn ở trên núi, hễ năm nào chậm lễ hay lễ không đủ là nó lại về phá phách, đánh đập, bắt bớ và ăn thêm mấy mạng nữa.
Đứng bên bậu cửa, chàng thanh niên nghiến chặt răng đến tím mặt, tay bóp chặt vách liếp, cái ống tre vỡ cứa vào tay chàng, máu đỏ ứa ra mà chàng không hay biết. Bất giác chàng giậm chân, đấm mạnh vào không khí hét lên.
-Để con...!
Ông lão khốn khổ, gày yếu bật dậy ôm choàng lấy chàng trai tuấn tú như sợ con mình biến ngay đi mất, mếu máo.
-Không...! Con ơi...! Chúng ta chỉ có mình con.... Con chết rồi, chúng ta còn thiết chi sống nữa. Bố Mẹ xin con...!
Bà cụ đứng ngoài sân, chừng đã nghe hết cũng ào vào ôm lấy con, họ quấn chặt lấy nhau trong giấy lát.
Gỡ tay Cha Mẹ ra, chàng âu yếm lau dòng nước trên mắt mẹ, xoa xoa cái vai gầy của Bố nói.
-Con đi và sẽ trở về...! Bố-Mẹ cứ yên lòng...! Con sẽ trừ họa cho dân làng.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét