Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

HÒA GIẢI...!


Họ là thân gia của nhau (Thông gia hay Thân gia, chắc thế nào cũng được), con trai ông Chính lấy con gái ông Niên, tôi sẽ kể cho mọi người nghe theo thứ tự
-Ông Chính là ai?
-Ông Niên là ai?
-Tại sao tôi lại gọi bài viết này là Hòa giải?

Ông Chính tuổi hợi, tức là sinh năm 1948, khi được sinh ra thì nhà ông khá giả, ông nội là một trí thức đông phương, Nho Y-Lý-Số cái gì cũng giỏi, tiếng tăm lừng lẫy cả bắc bộ, bố là Thư ký cho nhà đèn của Tây, mẹ ông khi đó chỉ ở nhà đẻ và nội trợ.
Gia đình nhỏ (Bố mẹ ông) sồng trong một biệt thự gần hồ Ha le, gia đình lớn có cả một trang trại gần Cầu Diễn, trong khuôn viên có cổng xây uy nghi, có núi cảnh hồ sen, vườn toàn là cam, cau và cây thuốc…
Khi ông bắt đầu đi học thì tất cả những thứ ấy không còn nữa, gia đình ly tán, chỉ có mình mẹ ông trụ lại nuôi năm anh em ông ăn học.
Ông có tố chất thông minh lại có sức khỏe tốt, ngày ấy, học sinh giỏi được xếp hạng A1, A2, A3..., chẳng năm nào là ông không có A. Khi học về sóng điện từ, ông kiếm bằng được cục nam châm, hì hục cuốn dây tóc (dây đồng rất nhỏ), đục đẽo hộp gỗ, đổ si rồi  nhặt nhạnh dây đồng nối lại dài hàng mấy chục mét, buộc vào những cột tre, rồi chỉnh hướng, rồi buộc vào những cây sấu cây muồng…, mãi thì từ cái hộp ấy cũng ọ ọe tiếng người “Đây là tiếng nói của Việt Nam…! Phát thanh từ Hà Nội…”.
Ông say sưa giảng giải cho mẹ và các em nguyên lý truyền sóng điện từ trong không gian và tại sao cái hộp gỗ kia lại nói được.
Trong mảnh vườn um tùm hổ lốn của nhà, bao giờ ông cũng có riêng một góc làm vườn thì nghiệm.
Ông hăng say lao động, lúc đầu chỉ để giúp mẹ nuôi em dần dần thành phản xạ, thành nhu cầu.
Ông như cái đầu tầu, làm gương đi trước nên các em ông cũng thế, chẳng đứa nào, lúc nào ngơi tay, chúng nó làm tất cả những gì có thể để giúp mẹ, việc ở nhà, việc ngoài đồng, đi vần xếp thùng phuy cho kho xăng, đóng gạch, gánh gạch cho nhà máy, trồng cây...
Mùa hè, khi lũ trẻ cùng lứa tha hồ ngịch ngợm thì ông xuống Hải Phòng làm phu khuân vác trong cảng…
Hai thằng bạn cũng giỏi nhưng không bằng ông, tốt nghiệp phổ thông chúng nó lần lượt đi Liên Xô, cả nhà ông nín thở chờ đợi (Nhà ông là địa chủ, đi đại học trong nước còn khó nói gì đi nước ngoài).
Như thường lệ, hết học là ông lại đi Hải Phòng làm phu nhưng lần này mục đích có khác, ông đi còn để trốn cái tin nghiệt ngã “Không được vào đại học!”.
Cái gì lạ lùng nhất thì ở Việt Nam đều có, không được đi nước ngoài, không được vào đại học là vì vấn đề chính trị, vấn đề giai cấp nhưng người ta lại gọi ông vào Thành đoàn Hà Nội, một cơ quan chăm xóc đời sống chính trị cho thế hệ trẻ thủ đô.
Năm 1968 ông nhập ngũ, trên đường vào Nam ông được bổ xung vào ngành lái xe, thế là xuốt những năm tháng ác liệt nhất, ông bị cuốn vào cuộc chiến. Những con ngựa sắt mang những cái tên: Giải phòng, Hồng hà, zin, Gaz cùng ông lăn lộn, sục sạo Nam-Bắc, đường Trường Sơn ông thuộc như lòng bàn tay...
Mẹ ông, các em ông lại ngày đêm thấp thỏm chờ cái tin ông… ngã ngựa. Không! Mấy lần hút chết nhưng cũng chỉ “Hút” mà thôi..., có lẽ trời Phật, tổ tông, ông bà đã che chở cho ông khỏi hòn tên mũi đạn…
Hòa bình...! Ôi..., giá như đừng có hòa bình để người ta như nhau mãi. Ông có tài, ông có nhiệt huyết, ông có quá khứ cống hiến cho đất nước nhưng người ta lại không thể phân công cho ông một việc gì khác ngoài… lái xe.
Những người có tý chức sắc trong chiến tranh, những người trốn tránh được chiến trường..., vô tình và hữu ý họ bắt đầu công cuộc phá hoại đất nước, phá hoại cái thành quả mà ông cùng bao nhiêu người khác đã hiến trọn cuộc đời, hiến trọn tuổi thanh xuân để đổi lấy.
Những gì trải nghiệm trong chiến tranh, những gì thấy được ở Sài Gòn, ở Miền Nam sau ngày giải phóng cùng những gì đang hàng ngày diễn ra trong công cuộc tái thiết đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội khiến ông không khỏi buồn..., cái buồn của ông bị những kẻ ngứa mồm gọi là “Bất mãn” và thế rồi, hình như ông bất mãn thật.
Cuộc hôn nhân theo kiểu “Thời chiến” không mang lại cho ông hạnh phúc, ly dị người vợ thứ nhất, ông lấy một người kỹ sư đã luống tuổi rồi họ mang nhau vào Sài Gòn lập nghiệp.
Thời mở cửa, ông bỏ cái chức trưởng phòng kinh doanh của một tổng công ty lớn (Mà nhiều người thèm muốn) ra làm ngoài, từ đó ông sống thật hơn và cũng từ đó, tuy muộn màng nhưng những tố chất của ông được phát huy, những đối tác, cả nước ngoài cả trong nước tín nhiệm và tạo cho ông những thành công trong chuyên môn và kinh tế.
Cùng người vợ căn cơ, họ sống ổn định ở thành phố cùng hai con trai. Đứa con liên quan đến bài viết này là con riêng của ông với người vợ cũ.

Ông Niên, con một gia đình công giáo người Hải Cường, Hải Hậu. Bố ông, một cán bộ Việt Minh có ngót chục năm hoạt động thế mà đùng một cái, không ai ép buộc, không ai vận động lại theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, ai hỏi ông chỉ trả lời.
-Những gì thấy được khiến tôi e rằng xã hội tương lai sẽ không giống những gì họ (những người cộng sản) đang theo đuổi.
Người ta bảo “Ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”, ấy là sự di chuyển trong phạm vi hẹp chứ một lần di cư chắc phải bằng mấy lần cháy nhà, họ bồng bế nhau vào miền đất lạ.
Chính quyền Ngô Đình Diệm phân họ thành ba nhóm; những người buôn bán về Sài Gòn, những người trồng lúa về miền tây, nhà ông đăng ký theo những người làm vườn về Miền đông Nam bộ.
Ông theo học trường dòng, đậu tú tài, học sư phạm rồi về Châu Đốc dạy học. Chiến tranh không từ một ai, ông bị động viên vào lính. May, sau khi hoàn thành lớp võ bị, ông được bổ vào quân cảnh và nhờ có nghề sư phạm ông được phân nhiệm vụ coi tù.
Những người tù cách mạng được phân thành hai hạng chính, tù chính trị hay trọng án, sau khai thác hay không thể khai thác được gì bị nhốt ở Côn Đảo. Tù binh, những người không có gì để khai thác được nhốt ở Phú Quốc. Đơn vị ông quản cái nhóm thứ hai.

Khi hai đứa trẻ yêu nhau và đặt vấn đề cưới hỏi..., không ai không lo lắng. Một cựu hạ sỹ quan giải phóng quân với một cựu hạ sỹ quan quân đội cộng hòa, một gia đình công giáo, trưởng thành ở Miền Nam với một gia đình phật giáo lớn lên ở Miền bắc XHCN..., liệu có thật sự “Thông gia-Thân gia”?
Những lần thăm hỏi thủ tục đầu tiên, họ dùng ngôn ngữ truyền thống để nói với nhau về việc cưới hỏi nhưng khi nhà nào đã về nhà ấy không khỏi những tiếng thở dài, không khỏi những thắc mắc lo lắng...
Thế rồi hôn lễ được tiến hành, từ Sài Gòn lên Gia Kiệm không nhằm nhò gì với cái khoảng cách giữa hai gia đình.
Ngoài những việc na ná giống nhau thì nhà Gái tổ chức theo đúng nghi lễ nhà thờ, nhà trai mở tiệc tại nhà hàng Tân Cảng.
Tôi mang theo tâm lý thăm dò khi lần đầu tham dự một lễ cưới tại nhà thờ..., thế rồi tâm lý ấy tiêu tan rất nhanh.
Thoạt đầu người Cha cố nói chuyện về tình yêu, hôn nhân, trách nhiệm của mỗi đời người, phần nghi lễ chính thức được tiến hành trang trọng. Điều hấp dẫn tôi nhất là: Trước đấng tôi cao..., trước Cha..., trước những người sinh thành..., họ hàng..., bè bạn..., đôi trẻ phải nói lời tự nguyện yêu thương, chăm sóc nhau lúc thuận lợi cũng như khó khăn, khỏe mạnh cũng như yếu đuối.
Tôi hơi chạnh lòng..., từ nhỏ đến giờ tôi chỉ nghe thấy những đôi lứa yêu nhau thậm thụt, tỏ tình bằng những lời gián tiếp, tình yêu có nhiều khi bị ngộ nhận bởi tình dục. Những lời răn dạy của người đi trước như “Lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống”, “Môn đăng hậu đối” bị coi là cổ hủ xấu xa... Tôi chưa hề được chứng kiến ai dạy bảo con cái mình về bổn phận làm chồng, làm vợ, làm con, làm cha, làm mẹ cho chu đáo trước hôn nhân…!
Khi ăn hỏi người ta để ý đến buồng cau, chai rượu, cọc tiền, thứ đến người ta quan tâm đến tổ chức ở nhà hàng nào...? Bao nhiêu mâm...? Người được mời thì tính toán; quan hệ ấy, nhà hàng ấy thì mừng bao nhiêu tiền...? Tất cả chỉ như... cho xong chuyện...!
Thế rồi ăn cỗ linh đình rượu thịt, ăn càng nhanh càng tốt để còn về lo việc khác, chẳng ai quan tâm đến mấy lời dẻo quẹo đã thành bài thành bản của cô cậu Em si.
Đôi trẻ câm như hến, ngày trọng đại của mình, họ bỗng biến thành diễn viên kịch câm, theo hướng dẫn của Em si nào rót rượu khói bay, nào cắt bánh ga tô, dâng rượu mời bố mẹ..., cái sự yêu đương nguyện sống với nhau, có chăng cũng nhờ anh Em si... nói hộ.
Thế rồi họ đến từng bàn tiệc cũng rất nhanh với hai mục đích, ghi nhận người đã đến dự và ... chụp ảnh. Những bức ảnh cụm li cụm cốc, cái đứng cái ngồi trên bàn thức ăn nham nhở cùng những nụ cười như biểu diễn… không hiểu để làm gì...!
Thế nên khi có những mâu thuẫn, họ hành động, nói năng mà không cần phải ngượng tay, ngượng mồm, không cần phải xấu hổ với ai.
Tôi tin rằng, những đám cưới nhà thờ như thế này có tác dụng khiến đôi trẻ có suy nghĩ chín chắn hơn trước quyết định và hành động của mình, cả hôn nhân và hậu hôn nhân...
Chúng tôi lăn lội vào tận trang trại thăm ông Niên ở bên bờ hồ Trị An. Người sinh viên sư phạm, ông thày dạy học, ông thượng sỹ quân cảnh ngày nào..., người cha của chín đứa con bây giờ đen đúa gày guộc. Ngày ngày ông chăm lo mấy héc ta xoài, chôm chôm, chuối. Sức ông sao địch được sức cỏ, rồi còn sâu bệnh, còn thu hái…, nhìn cái thân xác ông, ngắm lại những bức ảnh cũ mà lòng tôi xót xa…
Bên trong cái nụ cười dễ dãi cởi mở kia là cả tâm huyết một người chồng người cha, người ông.
Hàng tuần, bận mấy ông cũng đảo qua nhà một lần xem các con học hành, trật tự nhà cửa…Những điều cần dặn dò vợ con, ông lặng lẽ viết lên một cái bảng rồi lại lặng lẽ vào nương.
Đêm lạnh, hơi nước bốc lên từ hồ Trị an mù mịt khiến tôi nhớ lại những ngày mưa phùn gió bấc ngoài kia... Bên ánh lửa bập bùng, tôi, cựu chiến sỹ giải phóng quân đón con cá khô nướng cháy từ bàn tay vụng về của người cựu thượng sỹ quân cảnh coi tù binh Việt cộng, nhâm nhi hớp rượu ngâm chuối hột, nghe anh và thằng em tôi (cũng cựu chiến binh đánh biên giới Tây nam) hát.
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau…”
Tôi kể anh nghe về Miền Bắc trước 75, về Trường Sơn về Thần tốc. Anh kể tôi nghe về Đồng Nai ngày mới tới, về tổ chức xã hội và quân đội cộng hòa.
Đôi mắt người đàn ông ngoài sáu mươi, mới khi chiều còn tươi rói nhanh nhẹn bỗng mờ đục trong sương khói và ánh lửa bập bùng. Nhấp hớp rượu, để xóa đi cái không khí hoài niệm, tôi hỏi anh về những người tù binh Việt cộng năm nào..., thật không ngờ, những câu chuyện tôi chưa hề được nghe từ bất cứ loại, nguồn thông tin nào.
-Lính coi tù truyền nhau câu: “Nhất chó, nhì tù, ba quan, bét lính”. Những con chó nghiệp vụ chẳng phải làm gì lại được ăn ngon, những người tù binh cũng chỉ lao động hình thức, chế độ ăn thì bằng, chế độ nghỉ còn hơn lính gác và đương nhiên các sỹ quan có chế độ tốt hơn lính.
Những người lính gác bên ngoài hỏi những người tù bên trong cái hàng rào kẽm gai.
-Theo các ông thì lúc này, chúng tôi và các ông, ai sướng hơn ai?
-Các ông đang khổ hơn...!
Phải! Trong đất liền tiếng súng, tiếng đại bác, tiếng bom không ngớt, máu không ngừng chảy từ cả hai bên thế mà trên cái đảo này lại có hòa bình, những người lính cộng hòa còn phải lo nhiệm vụ và bất cứ lúc nào lệnh nhà binh đến, biết đâu họ chả phải đi chiến đấu..., biết đâu họ chả không về..., còn những tù binh thì chỉ việc chờ ngày ngưng chiến để xem mình là tù binh của bên thắng hay thua... Đấy...! Cuộc đời có những nghịch lý thế đấy...!
... Trong tù, các ông ấy cũng bè phái đánh lộn nhau dữ lắm. Có khi can không được, tụi tôi đánh cả hai nhưng hễ đánh tù đêm trước, chậm nhất hai ngày sau thế nào cũng có thượng cấp tới tra hỏi.
-Ai đánh...? Tại sao đánh ...?
Không thiếu thằng bị kỷ luật phải ra trận. Có lần, người tra hỏi là phái viên phủ Đầu Rồng bay từ Sài Gòn ra. Thoạt đầu, chúng tôi không hiểu làm sao mấy ổng biết. Anh em nghi kỵ, tra hỏi nhau hoài không ai nhận..., mà ai làm chuyện bẩm báo đó làm gì... Mãi sau mới vỡ lẽ, các ổng có điện đài, gọi ra Hà Nội, mấy ông Hà Nội vô khách sạn Hilton gọi mấy thằng phi công lên vả cho vài cái rồi đưa điện đài cho gọi tới Oa-sinh-tơn nói, vì tù binh trong kia bị đánh nên ngoài này phải ăn đòn... Thế là điện từ Oa-sinh-tơn tới Sài Gòn, từ Sài Gòn tới đảo...
Tù binh cũng được biên chế thành từng tiểu đoàn, sinh hoạt tự quản (tất nhiên là dưới sự giám sát của quân cảnh). Các ổng đào được cái hầm từ trại chạy ra bờ biển, chỉ còn 40 mét nữa thì bị lộ. Tra khảo thế nào cũng không khai về phương pháp và điểm xuất phát. Lính cộng hòa ném mấy trái lựu khói rồi bịt nắp lại vẫn không thể thấy cửa hầm. Một người phải liều mạng bò vào, té ra nắp hầm là cái chảo tổ bố dưới bếp. Khi tụi tui ném lựu khói, mấy ổng cho đốt cao su bao bố khét mù, khói vàng khói xanh lẫn lộn cả.
-Anh có biết họ đào bằng cách nào?
Tôi ngắt lời hỏi.
-Thìa…! Muôi…! Đêm, họ nhấc chảo ra, thay nhau xuống khoét..., đất được chuyển trong những cái bao cát buộc sợi dây thừng lôi lên, khi ngừng tay cũng là lúc hạ chảo nấu bữa sáng.
-Thế đất đào lên họ để đâu...?
-Thế mới lạ! Họ đúc túi quần đem rải ra ruộng, ném xuống hồ khi tụi tui tới họ vờ đùa nghịch ném nhau..., chúng tôi không hề nghi ngờ!
Đúng...! Thế mới lạ...! Tôi chỉ nghe các chiến sỹ cách mạng của ta bị giam cầm tra tấn giã man rồi biểu tình, tuyệt thực đấu tranh, cũng làm thơ làm báo, cũng sinh hoạt chi bộ, kết nạp đảng viên chứ chưa nghe những chuyện này bao giờ.
Cũng chỉ nghe nói đến những người công giáo cuồng tín..., bị lợi dụng, những vị cha cố xuyên tạc đường lối của đảng và chính phủ, kích động giáo dân làm loạn chứ chưa nghe các vị ấy nói về nghĩa vụ làm người về hôn nhân hay đến thế..., đúng đến thế..., tác dụng đến thế bao giờ...
Những lo lắng về sự khác biệt giữa hai gia đình dần mờ nhạt. Cuối năm ngoái, ông Niên dẫn đoàn Hội nông dân Đồng Nai ra Hà Nội họp và thăm quan những di tích lịch sử Miền Bắc như Tân Trào, Điện Biên…, những nơi tôi chưa từng được đến bao giờ.
Đón ông ở khách sạn, ôm chặt lấy nhau, những câu hát hôm nao lại văng vẳng bên tai.
Súng bên súng, đầu nép bên đầu 
Đêm tối chung chăn thành đôi tri kỷ 
Vì nước ! Ruộng nương anh để vợ anh cày 
Gian nhà tranh mặc kệ gió lung lay 
Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính 
Tôi với anh đã từng cơn ớn lạnh 
Rét run người, vừng trán đẫm mồ hôi 
Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá 
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay… ./.

                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét