Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

CẢM NHẬN TỪ MỘT BÀI HÁT ĐÃ CŨ...!


Cái gì tôi cũng không thể khá lên được là phải...!
Mỗi khi nghe nhạc tôi dồn hết tâm trí để cảm thụ cái ý nhạc, cái ca từ chứ ít khi để ý xem bài hát ấy ai viết và đặc biệt không bao giờ biết những ca sỹ nào đã hát...
Những ngày này, một bài hát từng được xếp vào loại “Nhạc vàng”, từng đương nhiên bị cấm và không biết bây giờ còn bị cấm nữa hay không? Ai cấm? Cấm ai...? Cứ ám ảnh trong tôi. Qúa khứ thì chẳng nói làm gì nhưng bây giờ mà vẫn cấm thì ... chắc chả phải...
Với tôi, bài hát, “Xin tròn tuổi loạn”, là tiếng nói, là nỗi lòng người trai Việt yêu nước.
Người trai Việt ở chỗ không nuôi những mộng ước quá cao, không mơ trở thành vua chúa mà trị vì thiên hạ, không ôm mộng với trời xanh..., và ngay cả những khao khát bình thường, một người con gái làm bạn đời cũng không cần phải kiêu xa lộng lẫy.
Tôi không tham, kho tàng vô tận
Tôi không mê, nét đẹp lộng lẫy giai nhân
Tôi không mơ, điền quý cung son vàng
Bạo chúa hay ông hoàng, quyền uy cao nhất thế gian...
Không phải chỉ bây giờ mà từ ngàn xưa, trai tráng nước Việt luôn đau đáu nỗi niềm đất nước, giống nòi.
Thương quê hương, qua bao thế kỷ không cười
Thương quê hương thăng trầm chuyển biến khôn nguôi...
Và cũng đầy lòng tự hào dân tộc:
Non sông ơi!           
Hồn Chí Linh, sông Đằng
Vạn Kiếp hay Hạ Hồi
Những dòng lịch sử... lâu rồi!
(Đoạn này tôi tự ý đổi hai câu)
Ước nguyện những người trai thật đơn giản nhưng tha thiết, mãnh liệt và đầy trách nhiệm.
Tôi chỉ xin               
Đầy lúa thơm quê mẹ hiền
Hàn gắn quê cha buồn phiền
Với niềm tin!
Những khát khao bình dị bùng cháy trong đoạn cao trào, tác giả không đòi đến những chân trời mới, những đỉnh cao muôn trượng mà gào thét dòi quyền được sống, được yêu thương.
Cho tôi xin, đóa hoa hồng nụ còn phong kín
Những ân tình ngọt miền chinh nguyên
Tiếng ban đầu, ngỏ lời, yêu em!
Ai đã từng cầm súng nơi rừng sâu núi đỏ trong ba cuộc chiến tranh; Chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc (Bao gồm cả biên giới tây nam), dù mặc trang phục nhà Nguyễn, của Pháp, của Mỹ hay của Trung Quốc, mới hiểu khát vọng của những người trai Việt, mới biết những người dân buộc phải cầm súng bảo vệ tổ quốc ấy yêu hòa bình đến mức nào, căm ghét chiến tranh đến mức nào, họ chiến đấu, họ sẵn sàng hy sinh nhưng ước nguyện của họ, tương lai mà họ luôn hy vọng, chờ đợi lại là ngày “Trả súng đạn”. Họ hiểu rằng, ngày họ trở về cũng là khi chấm dứt chuỗi ngày khắc khoải mong đợi của mẹ già, của quê hương, của người em gái chờ mong:
Xin an vui, cho anh lứa tuổi đăng trình
Xin cho em, chuỗi ngày buồn thoáng qua mau
Và cuối cùng ... Phải...! Bài hát hay ở cái thật, thật vì ước nguyện hòa bình cho non sông đất nước, cho tiến bộ tương lai lại được tác giả đại diện cho những người trai “Thơ dại” mười chín đôi mươi nhắc đến sau cùng.
Cho xin thêm, ngày tháng xanh màu hoài
Để lớp trai thơ dại
Đốt đèn, đọc sách, đêm dài....!
Cũng phải thôi, vì họ đã “Không tham” những kho tàng vô tận, những nét đẹp lộng lẫy giai nhân, những “Bạo chúa hay ông hoàng”...!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét