Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

TẠ ĐÌNH ĐỀ...!

Tôi may mắn được hầu chuyện bác Đề vài lần ở khu tập thể Nhà Dầu Khâm Thiên. Gọi là Nhà Dầu không phải vì ở đấy toàn nhà giàu có, cũng không phải ở đấy bán dầu hỏa thắp đèn, lầu luyn lau xe hay dầu lạc, dầu dừa, dầu Neptuyn để xào để rán mà đó là khu nhà cấp bốn khung làm bằng những thanh sắt đường ray xe lửa. Đương nhiên, đó là khu tập thể dành cho cán bộ công nhân ngành đường sắt Hà Nội, lợp toàn bằng giấy dầu nên có cái tên ấy.
Nhà bác ở tầng hai, điều đó cho thấy ngành đường sắt vẫn coi trọng bác lắm.
Ngày bé cũng được nghe nhiều truyền thuyết về Tạ Đình Đề, bọn trẻ bây giờ chưa chắc đã biết nên xin phép kể ra đây vài chuyện cho vui và suy ngẫm (Bạn đọc nhớ rằng, đây là những giai thoại truyền miệng trong dân gian thời những năm 60, tôi chỉ nghe được chứ không phải tự phịa ra):
1-Cuộc thi (sát hạch) lớp tình báo CIA, bọn Mỹ cho tất cả học viên vào một hội trường rồi đóng cửa tắt đèn. Họ bắn nhau loạn xạ, chờ cho im tiếng súng, ban giám khảo mới bật đèn lên, tuyên bố kết thúc. Người ta thấy Tạ Đình Đề lật một cái xác đứng lên và Giang Thanh từ trong khe cửa bước ra, đó là hai thí sinh tốt nghiệp và ngay lập tức được cử đi ám xát bác Hồ bác Mao. Những người khác đương nhiên phải xuống âm ti để Diêm Vương trị cái tội học dốt.
2-Để kiểm tra tài bắn súng của chú Đề, Bác tung đồng xu lên, nhanh như cắt, Đề rút súng... Đoàng! Rồi dựng ngón tay út..., đồng xu trúng đạn biến thành cái nhẫn..., chui tọt vào ngón tay Đề.
3-Có lần Bác đang vừa đọc tài liệu vừa hút thuốc, Đề đứng bảo vệ ở bên, buồn tình rút súng... Đoàng!
–Xin Bác mấy hơi!
Bác giật mình rời mắt khỏi tài liệu, đã thấy nửa điếu thuốc trên môi Đề..., hai bác cháu hút ngon lành.
4-Có lần bị phục kích, Đề cõng Bác vừa chạy vừa dùng cả hai tay bắn ra sau. Anh em đến cứu thấy bọn địch đã chết hết vì đạn của Đề.
5-Một trong những lần định ám sát Bác, Đề nằm rình trên ống máng. Nửa đêm, sương muối về lạnh buốt, bác mở cửa nói to. “ Chú Đề xuống đây bác đốt lửa cho sưởi, nằm trên ấy rét chết...!” Đề tụt xuống phủi tay cười hì! Hì!. Hai bác cháu chuyện trò thâu đêm bên bếp lửa....
6-Lần khác, bác bảo chú công vụ.
-Hôm nay chú mấu ba xuất..., xem còn cái gì ngon thì bỏ ra rồi mời chú Đề xuống ăn nhân thể.
Người công vụ chả hiểu gì, Đề nhảy từ nóc nhà xuống cười hề hề...!
Xét như thế thì Bác của chúng ta quả là Thánh sống còn gì....!
Nghe tôi kể lại những chuyện này Bác Đề xua tay.
-Mình biết cả rồi, nhưng làm gì có...! Mình học sỹ quan lục quân, được phân công bảo vệ Bác và Chính phủ. Tính mình thẳng nên nhiều người ghét. Chỉ duy nhất một lần đến bản nọ để họp, mình phải trông ngựa ở ngoài rừng, quá hẹn đã lâu mà không thấy họ ra mình điên tiết lùa bố nó ngựa xuống đầm, buộc túm sáu cái dây với nhau (cho nó khỏi chạy) rồi bỏ về trước. Sau đận ấy bị kiểm điểm ghê lắm, chắc những chuyện kia được thêu dệt từ đó.
Hôm dự đám giỗ bác Kim Ngọc tôi cứ suy nghĩ: Nông nghiệp có Kim Ngọc, công nghiệp có Tạ Đình Đề. Nghe nói thời ông phụ trách xưởng cao su đường sắt đã áp dụng nhiều đổi mới động viên được sức người sức của. Ông mạnh dạn tuyển dụng những người vừa ra tù để tạo cho họ cơ hội hoàn lương. Cảm cái tâm ông, người người ra sức làm việc, phát huy sáng kiến.... Thế mới có một Cao su đường sắt làm ăn có lãi, sản phẩm vợt bóng bàn đã thành thương hiệu Việt Nam.
Tiếc thay! Những chính sách của ông (mà bây giờ nhiều nhà quản lý được đào tạo tử tế dẫu mơ cũng không có được) lại sinh ra quá sớm và nó đã là cái cớ để những người ghen ghét ông ra tay.
Khi người ta xử ông lần thứ nhất, chúng tôi còn ở chiến trường (Đã giải phóng Miền Nam) nhưng nghe nói người Hà Nội đến dự đông vô kể. Việc bắc loa ra ngoài cho bà con theo dõi cũng có lẽ vì thế.
Không biết ông Lưu Quang Vũ khi viết “Tôi và chúng ta” nghĩ gì nhưng tôi thì tôi tin là ông đã dựa trên tư liệu sống là Tạ Đình Đề và xưởng cao su của ông.
Khi tôi (với con mắt nghề nghiệp) cầm và hỏi về những cong queo trên chân tay, ông rơm rớm nước mắt nói.
-Mình bị đánh đấy!
Ông không nói và tôi cũng không dám hỏi xem ai đã đánh ông. Trong tôi trào dâng uất hận, một con người xuất quỷ nhập thần, một vệ sỹ trung thành và tài ba của lãnh tụ, một thần tượng của bao tay hảo hán mà bị đánh đến què chân què tay thế này ư?

Hình như dịp đổi tiền sau đó, ông còn bị bắt một lần nữa trước khi ông mất vài năm, không hiểu có cái bóng ma nào đó đã lẽo đẽo theo ông và cũng không hiểu bây giờ, dưới âm ti..., ông có gặp chúng nó nữa không, đã được yên thân chưa….! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét