Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

BÚN CHỬI!

BÚN CHỬI
Quán ấy ở chợ Trần Quý Cáp, gọi là “Bún lưỡi” vì món chủ đạo là lưỡi lợn, còn gọi là “Bún chửi” vì hai cô chủ quán chửi ghê lắm. Được giới thiệu chúng tôi mò đến, ăn xong, không thể nhận xét gì hơn hai chữ “Bình dân”.
Chỗ ngồi bình dân, cái bàn quầy thấp tè kê ngang và cũng vừa khít vỉa hè, chỗ ngồi chính là một phòng cỡ 12 mét vuông nhưng hẹp, chỉ kê được một dãy bàn với sức chứa tối đa 16-17 người, còn lại ngồi rải rác vỉa hè, lòng đường, ngồi bất cứ chỗ nào có thể ăn được, thực khách phải tự lo lấy chỗ để xe.
Thức ăn bình dân, vì chỉ có bún; bún lưỡi, bún thịt, bún sườn. Mấy ông uống bia uống rượu thì có thể gọi thêm móng giò hay lưỡi luộc.
Giá cả rất bình dân, vì ngày đó ăn 20 nghìn bát phở có khi không vừa ý và bụng còn ... ngon ngót nhưng 15 nghìn bát bún ở đây, đảm bảo, khách có thể hài lòng đứng dậy. Tôi và một bác sỹ trẻ, sau ca mổ muộn nếu chỉ ăn cơm bụi 100 ngàn cũng chưa chắc đã đủ, ra đây dùng một cái lưỡi, một chai bia, hai bát bún chỉ 80 ngàn.
Khách đông lắm, từ 10-12h cảnh một người ngồi ăn hai người đứng chờ là bình thường.
Đông như vậy cái chính là vì ngon, tôi đã nhiều lần mua lưỡi về làm thử, đủ cách nhưng chẳng khi nào được mềm và ngọt như ở đây, nước dùng có nghệ vàng, ngọt nhẹ nhàng vừa miệng, đặc biệt nhất có lẽ là nước chấm và rau sống. Hình như họ pha một ít nước mắm vào xì dầu rồi, dấm, ớt, tỏi tươi. Cũng húng cũng mùi, mấy cọng hành (dám chắc rằng không thể rửa sạch như ở nhà) nhưng sao mà mà nó ... quện thế, không xin thêm thì thôi chứ chẳng thấy ai bỏ lại tí nào.
Cô chủ quán to cao ngồi ngồn ngộn sau cái bàn thấp lè tè để đồ ăn, hai bên, dễ đến bốn cái bếp than tổ ong hơi bốc nghi ngút, ngơi tay là cô vớ cái quạn nan phạch phạch, chỉ vài cái lập tức có tiếng gọi
-Trong nhà 4 lưỡi, 2 thịt, ba sường, một móng, một bia...!
-Bàn 3 một đĩa lưỡi, 2 bia...!       
-Đây năm lưỡi, một sườn, một thịt...!
Thế là lại vứt cái quạt xuống, lại tay năm tay mười.
-Trả trong nhà trước này...! Mấy ông anh cứ uống bia đi, lưỡi sẽ có ngay...!
Mồ hôi lăn xuống cằm theo mấy sợi tóc mai dính bết vào má.
Bây giờ nói đến món đặc sản đã thành thương hiệu ... “Bún chửi”, món ... “Chửi”
Cái giọng cô chủ nó nửa the thé nửa khàn khàn, cũng có khi chửi nhân viên (con cháu) nhưng chủ yếu là chửi ... khách.
Lúc đầu cũng hơi khó chịu (hơi thôi..., vì thức ăn ngon, có thể kệ người ta được). Vài lần… Quen! Quen mãi lại thấy … thích thích!…cũng có thể gọi là ... Nghiện! Thế mới lạ! Không phải mình tôi, có lần (chỉ khi nào đi ăn muộn tôi mới đến đây), gọi bát bún, tôi cố tình ăn thật chậm để … nghe chửi. Hai ông ngồi đối diện (làm ở ga Hà Nội) cũng thế ..., ba thằng vừa ăn, vừa nghe, vừa đàm luận về cái hay trong cái không hay.
Không phải ai cô ta cũng chửi! Xin kể ra đây vài trận để các bạn cùng suy ngẫm.
Giữa lúc đông khách, một cô đến, nom đã thấy điệu đàng, cái điệu đàng của các cô thời đầu những năm 2000 khiến những thằng như tôi phải tránh xa chứ không phải kiểu ... “Yểu điệu thục nữ” đâu, cô ta cứ đứng dựa vào cái Spacy hỏi trống không.
-Để xe ở đâu ...?
Chẳng có ai trả lời, cô ta lủng bủng cái gì đó trong miệng thế là lập tức.
-Để mẹ nó giữa đường í em ạ! Nếu không thì tự dồn xe vào mà để...., đây không có người dắt xe cho em đâu....!
Ở những chỗ “Có thể ngồi ăn được”, là cái cục đá, chỗ bệ gạch ... cứ một người ngồi ăn, thường có những người đứng chờ đằng sau. Cô này vừa dựng xong cái xe thì có người đứng dậy, nhanh như cắt, cô ghé đít ngồi ngay vào ghế trước sự ngỡ ngàng của hai người đã đứng chờ từ nãy. Mọi người nhìn cô khó chịu, gọi được bát bún, chưa ăn ngay, cô rút điện thoại di động (ngày ấy chỉ xếp mới có), vắt chân chữ ngũ khiến từng thớ thịt nổi căng sau cái quần trắng tinh.
-Mày à...! Khỏe không...? Nó về chưa...? Ối dào, kệ mẹ nó..., cho nó chết…… ừ! Con í thế cũng đáng…. Nhưng mà…
Hơn một phút, hai người đến trước kiên nhẫn đứng chờ kẻ đến sau, những ánh mắt khó chịu đánh về cô ngày càng nhiều nhưng không ai lên tiếng, cái gì phải đến, sẽ đến.
-Này...! Con kia...!
Bà chủ lên tiếng, cô thực khách vẫn mải.
-Úi dời ơi…. Chủ nhật thì tao có hẹn rồi…!
Chủ quán nổi tam bành.
-Này….! Địt mẹ con mắt xanh mỏ đỏ kia ...!
Những người ngồi gần phải đập đập vào chân, cô nàng mới dứt được cái điện thoại để... “Lĩnh chỉ”, để.... ăn đặc sản.
-Đ. Mẹ mày...! Vào đây mày đã gây sự, cướp ghế của người ta, bà đã không thèm nói gì thì thôi...! Gọi có bát bún thì ăn cha mày đi cho người khác còn ăn…! Mẹ mày chứ! Muốn khoe thì mang mẹ mày đi chỗ khác mà khoe… Cái loại mày, mắt xanh mỏ đỏ, đi Spacy, cầm di động thì đứa trẻ con nó cũng biết là mày thuộc loại gái gì rồi…
Cô kia tỏ vẻ sững sờ, nhìn mọi người với ngụ ý cầu cứu nhưng lại bắt gặp những ánh mắt những nụ cười sảng khoái.
-Đáng lắm...!
-Phải thế...!
-Bố mẹ không dạy thì cũng phải có người dạy hộ...!
-Ca ve thì biết gì ngượng ....!
Bà chủ quán chưa hả.
-Không ăn thì bước cha mày đi...! Bà cần đéo cái bát bún của mày...!
Cô kia mở ví, đặt tiền lên bàn rồi chuồn thẳng.
Lần khác, tôi và thằng con 10 tuổi đang ăn, người ngồi đối diện bỗng dí cái bát nước chấm tận mặt tôi rồi gọi với vào trong.
-Chị ơi! Em lưng bát tỏi tươi!
Thấy cái hành động và lời nói hơi lạ, tôi ngẩng mắt lên. À! Ca sỹ BK! Vốn rất ghét thói “Bắt quàng làm họ” nhưng đột ngột quá, tôi hơi lúng túng quay sang nói với con.
-Ông này là ca sỹ, ăn nhiều tỏi để giữ họng.
Thay vì cười một cái với thằng bé một cái, ca sỹ lại nguýt thật dài làm tôi hơi tẽn với cháu. Lát sau…
-Chị ơi! Cho tôi ngần ấy tỏi nữa!
Mày quá rồi… chết đến nơi con ạ! Tôi nghĩ bụng..., quả không sai, thấy chủ quán lơ đi, thằng ca sỹ gào to hơn.
-Chị ơi!
-Chị em đéo gì với mày! Mày là ca sỹ nổi tiếng ở đâu chả liên quan đéo gì đến nhà bà. Mày cần một cân tỏi mày nói cha mày ra. Chốc mày lại xin, đéo chân tay đâu mà hầu mày được. Muốn phục dịch thì đi chỗ khác...! Không ăn thì bước...! Ở đây không cần cái loại mày!
 Lại thằng ca sỹ cũng rút tiền để xuống bàn rồi chuồn thẳng.
Cũng vài lần, tôi xin thêm rau, nước chấm, nhưng khi sắp hết thì ta ăn chậm lại, chờ lúc chị ta ngơi tay, quạt vài cái rồi mới đưa bát.
-Cô…! Cháu tí nước chấm...!
Hay giơ tay kiểu như học trò cấp I
-Cô...! Cháu có ý kiến...! Cháu hết rau rồi...!
Bao giờ cô ta cũng cười thật tươi và chẳng bao giờ từ chối, có cháu y tá bảo.
-Hình như cô ấy yêu chú hay sao í, vớ vẩn là ăn chửi, thế mà chẳng chửi chú bao giờ, lại còn cười tươi nữa chứ...!
-Có thể cô ấy yêu thật, nhưng là yêu cái thời điểm và cách xin của chú thôi...! Các cháu thấy không, khách đông như thế, ai cũng đòi được thỏa mãn. Mình gọi được rồi, nếu thiếu thì chờ lúc người ta rảnh tay mà xin, nếu không thì liệu chia ra mà ăn, còn bao nhiêu người như mình đang chờ đợi, cô ấy tất bật, nóng bức, quấy quả là bất lịch sự với họ.
Thế đấy!
Đành rằng chửi, mà chửi ngoa chửi ngoắt trong khi người ta đang ăn là chẳng hay ho gì nhưng tôi cứ nghĩ mãi về những thói hư, tật xấu của mình, nhất là chỉ lo thỏa mãn mình mà không nghĩ đến người khác.
Những thói hư tật xấu trong dân chúng nhiều lắm, ai nói...? Ai nhắc nhở...? Ai dạy dỗ...?  Ai góp ý...?
Thế nên, bọn tôi mới nghiện cái món chửi ấy.
Một nét hay, rất cảm động nữa của “Bún chửi” là.
Mấy bà, mấy cô buôn thúng bán mẹt, chờ cho vãn khách mới giám ngồi vào quán. Họ mang bún từ trong chợ ra và chỉ lấy “Chung nhau 2 nghìn nước dùng”, xấu thói, tôi để ý thấy có cả thịt hẳn hoi, thế là quá rẻ. Họ lặng lẽ ngồi ăn và nói với nhau rất nhẹ nhàng. Cô chủ quán, người có thể chửi mất mặt, khiến cô mắt xanh mỏ đỏ, cưỡi Sờ Pây xi, cầm di động kia, tay ca sỹ nổi tiếng cả nước kia phải bỏ của chạy lấy người lại vui vẻ làm phúc...
Khốn nạn, họ thức cả đêm, lọ mọ từ Đông Anh, Đan Phượng tới, một gánh rau với bao nhiêu thuế, vé, luật..., chiều về, không biết có mang được cho chồng con mấy chục nghìn …
Không ít lần chứng kiến người khách rụt dè đưa ra năm nghìn xin bát phở “Không người lái” bị chủ quán đuổi xơi xơi… lại càng dễ tha thứ..., lại càng quý “Bún chửi” Trần Quý Cáp.
Ngày ấy, tôi đã viết một bài, đang định gửi thì thấy báo đăng với mục đích ngược lại nên thôi. Tay nhà báo chửi cũng ngoa ngắt chả kém, hắn chửi Phở Bát Đàn cứ bắt người ta phải xếp hàng, chửi nhà Phở nọ chỉ bán đến đúng 9h là nghỉ và… chắc đến Trần Quý Cáp bị chửi mất mặt, về lên báo chửi lại.
Tôi không nhớ chính xác nhưng đó là một trong những bài “Vô duyên” nhất mà tôi từng đọc. Định ăn phở Bát Đàn thì đến sớm đi, nếu muộn thì để hôm khác..., đóng cửa giờ nào là việc của người ta.
Hình như có một số người, làm một số nghề mà họ cho rằng họ thuộc loại  “Có giá” trong xã hội, đi đâu, gặp ai người ta cũng phải nể trọng, phải được ưu tiên, và khi không được “Khác người, hơn người” thì họ dùng ngón nghề để “Cho chúng nó biết mặt”!

Bài ấy, bây giờ đã thất lạc, tôi viết lại bài này theo đề nghị của những người bạn đã được nghe tôi kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét