Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

THẾ NÀO LÀ ... LỊCH SỰ...!


(Dưới đây là những suy nghĩ của cá nhân, không có ý đúng-sai)

Vấn đề này, vì quan tâm nên dù đã viết nay lại muốn viết thêm)
Lịch sự, vẫn được chúng ta vẫn nhắc đến hàng ngày, vẫn là chuẩn mực để noi theo, để tự hoàn chỉnh mình, để xem xét..., để đánh giá..., và để phán xét.
Tình cờ, tôi cứ gặp, cứ nghe những nhận xét, phán xét ấy và đồ rằng có người hiểu sai về khái niệm lịch sự..., người sai ấy là ai...? Có thể là ... chính tôi...!
Có người bảo: “Lịch sự” cũng như “Yêu”, khó giải thích lắm..., và không thể đưa ra một khái niệm, hay định nghĩa được..., “Yêu” thì tôi chịu, nhưng “Lịch sự” thì hình như ... không đến nỗi khó thế.
Vậy Lịch sự là gì...?
Thường nghe:
-Ôi...! Bộ quần áo lịch sự quá...!
-Chiếc Méc sê đét mới lịch sự làm sao..!
-Ngôi nhà của vợ chồng nhà ấy... lịch sự lắm...!
-Bữa tiệc cưới thật là lịch sự...!
Nói như thế có gì đúng...? Sai...?
Lại từng nghe:
-Họ ăn mặc lịch sự quá...!
-Họ tiếp khách lịch sự quá...!
Nói như thế có hoàn toàn đúng...?

Như vậy “Lịch sự” từng được gán cho: Sự vật, sự việc, hành động.
Bây giờ ta thử phân tích theo từng cái sự ấy để xem “Thế nào là lịch sự”
Sự vật:
Tôi đã lấy ví dụ; Có cặp vợ chồng trẻ may được bộ quần áo đẹp lắm, cầu kỳ lắm, hợp với vóc người và màu sắc lắm..., vải đắt tiền lắm, công may cũng nhiều tiền lắm..., và quan trọng là khi họ mặc vào ai ai cũng khen... ghê lắm, không thể chê vào đâu được...!
Họ mặc bộ ấy đến dạ hội, đến những bữa tiệc, tiếp khách sang trọng... và được mọi người ca ngợi, người chủ rất hài lòng ... Họ có lịch sự không...? Hẳn là có...! Họ lịch sự vì họ đã làm đẹp lòng người đã mời họ.
Nếu ngược lại, trong hoàn cảnh ấy mà họ ăn mặc quá tồi tàn khiến mọi người lấy làm lạ, người chủ không nói ra nhưng hẳn không vui. Họ có lịch sự không...? Hẳn là không....! Họ không lịch sự vì họ đã làm phiền lòng người mời họ.
Rồi họ đến đám cưới người bạn ở vùng quê nghèo khó, nhà bạn cũng nghèo, mọi thứ, từ cỗ bàn, trang trí, quần áo cô dâu, chú rể đều “Dưới mức bình dân” mà vẫn mặc bộ quần áo sang trọng kia..., khi họ mở cửa chiếc xe đắt tiền, bóng loáng bước xuống, tất cả những ánh mắt trong đám cưới đổ dồn về họ, bỗng họ thành trung tâm của đám cưới...., cô dâu chú rể có tủi thân không...? Họ có lịch sự không ...? Tôi cho là ... Không! Họ không lịch sự vì đã làm mất vị thế trung tâm của cô dâu chú rể, khiến họ phải buồn tủi.
Ngược lại, biết nhà bạn nghèo, họ ăn mặc bình thường, gọn gàng, sạch sẽ, họ gửi ô tô ở xa rồi đi xe ôm vào, tới nơi, họ hòa nhập với khách, cùng hướng về đôi vợ chồng mới ... Họ có lịch sự không...? Tôi bảo là ... có!
Như vậy, bản thân sự vật như bộ quần áo, cái xe, ngôi nhà, mâm cỗ... không thể nói là lịch sự hay không, chỉ có thể nói đắt hay rẻ tiền, sang trọng hay không mà thôi, trong hoàn cảnh này nó lịch sự và trong hoàn cảnh khác nó “Bất lịch sự”.
Giờ sang sự việc:
Tổ chức một bữa tiệc, một cuộc hội thảo mà những chủ nhân ra tận cổng đón khách, có bãi để xe, thậm chí có người đưa xe của khách vào bãi, vật chất (Đồ ăn, uống) đủ và nhẹ nhàng, những nhân vật chính vui vẻ chào hỏi, nói chuyện với từng khách..., tan tiệc lại tiễn khách ra tận xe với những lời cảm ơn, chúc, và xin lỗi nếu có sơ suất, khiến khách hài lòng... Tôi bảo..., thế là lịch sự!
Ngược lại, chỉ lo thật nhiều rượu thịt, những miếng thịt chặt, thái thật to để thể hiện sự sung túc..., mời lấy lệ rồi mặc khách ăn với nhau, ăn xong, chỗ rửa tay không có, lúc khách về chỉ giơ tay chào chứ không đứng dậy... khách có cảm giác như được... “Cho ăn”..., người ta có hài lòng không...? Tôi bảo..., đến kẻ tham ăn tục uống nhất cũng không thể hài lòng! Chủ có lịch sự không ...? Tôi bảo... Không!
Như vậy không có sự việc lịch sự mà chỉ có cách thực hiện lịch sự hay không mà thôi!
Lại đến hành động: (Xin các bạn đừng cười vì tôi lấy một ví dụ hơi “Thô thiển”)
Chỗ đông người, đặc biệt nơi đang vui vẻ hay nghiêm trang, đang nói chuyện trước mọi người, bỗng bạn mót... Trung tiện..., bạn sẽ làm thế nào...?
Nếu bạn vờ rút điện thoại rồi đi ra chỗ vắng, cẩn thận hơn nữa bạn đến chỗ để gió không đẩy được mùi vào trong kia, bạn hành sự, đợi một lúc cho bay hết mùi rồi mới tươi cười bước vào.... Thế là bạn đã.... lịch sự!
Ngược lại, bạn vô ý tuột ra tại chỗ, âm thanh và mùi của bạn khiến mọi người khó chịu... bạn đã có hành động ... “Bất lịch sự”!
Tương tự như vậy, trên xe, trong quán cà phê..., tóm lại là ở chỗ ..., có những người khác mà các bạn nói, cười quá to khiến mọi người khó chịu là bạn ...”Bất lịch sự”. Ngược lại, bạn nói đủ cho nhau nghe là... “lịch sự”.
Về giờ hẹn, tôi phải kể lại câu chuyện.
Tháng 5/1975, tại Sài Gòn, ông Kỹ sư canh nông VNCH hẹn ông em họ, kỹ sư vô tuyến điện từ Hà Nội vào tiếp quản đài SG, 7h sáng chủ nhật tới thăm nhà. Ông Nam chuẩn bị tư thế và 7h kém 5’, ra mở cổng..., đã thấy ông Bắc đứng đấy từ bao giờ.
Gặp tôi, ông Nam nói.
-Cán bộ Miền Bắc lịch sự quá..., đến trước hẹn mà không gọi cửa...!
Còn ông Vô tuyến cứ trầm trồ.
-Người Sài gòn lịch sự thế..., hẹn 7h mà kém 5’ đã mở cửa đón khách.
Ông Bắc, nếu đến muộn, để chủ nhà lo lắng thì hẳn là bất lịch sự..., nhưng đến sớm mà bấm chuông ngay, ngộ người ta còn dở việc khác hay chuẩn bị tiếp mình chưa được như họ muốn, lại là bất lịch sự.
Nếu đúng giờ mà cửa vẫn đóng, khách bấm chuông, chờ đợi sẽ tự hỏi..., không biết ông Nam có thực sự muốn tiếp mình hay chỉ xã giao, tương tự như vậy nếu vào nhà mà bàn ghế còn xộc xệch, vợ con mắt mũi còn lèm nhèm, vội vã thu dọn..., khách sẽ có cảm giác làm phiền gia chủ.

Như vậy, bản thân động tác trung tiện, nói to, cười to, không có tội tình gì nhưng thực hiện nó ở đâu, như thế nào mới bị quy kết là lịch sự hay không...!
Tóm lại, nếu ta làm phiền người khác là ta bất lịch sự và ngược lại, làm hài lòng người khác là ta lịch sự.
Nói cách khác thì lịch sự là làm hài lòng người khác.
Sẽ có người bảo:
-Ôi dào...! Sức đâu mà chiều lòng thiên hạ...! Lịch sự để hỏng hết việc à...!
Thưa, không...! Không hẳn như vậy.
Người ta thiết tha mời bạn tham gia một thứ mà bạn không thích, thậm chí rất ghét, nếu bạn nói thẳng lòng mình, khiến người ta mất hứng, tự ái thì thật... bất lịch sự!
Bạn vẫn có thể đạt được mục đích (Không tham gia) nhưng bằng cách thể hiện sự nuối tiếc rồi đưa ra những lý do bất khả kháng như: Nhà có đám giỗ quan trọng..., đã có lịch công tác..., đưa con đi thi..., như vậy, bạn đã từ chối một cách ... Lịch sự. Người bạn của bạn sẽ buộc phải... “Vui vẻ chấp nhận”.
Ngược lại, nếu anh/chị ta cố tình ép bạn thì họ đã ... Bất lịch sự rồi và bạn không cần phải ... “Giữ lịch sự” nữa mà trả lời thẳng rằng:
-Mình rất tiếc... bạn ạ! Nhưng thành thực, với mình việc ấy quan trọng hơn... Thông cảm nhé...!
Tương tự như vậy, cách đạt được mục đích mà không để người khác mất lòng là lịch sự.
Nguyễn Trãi phân tích đạo trời, chỉ ra cái phi nghĩa, cái tất bại của giặc, chỉ ra cái chính nghĩa, cái tất thắng của người chống ngoại xâm..., khi đã thành công lại cấp thuyền, ngựa, lương thảo khiến họ về tận nhà vẫn: “Tim đập chận run..., hồn bay phách lạc”, Ông đã đạt được cái đích của mình là: “Quan quân nhà Minh phải về bên kia biên giới” một cách “Lịch sự”.
Hồ Chí Minh không bao giờ nói: Đánh thắng đế quốc Mỹ, giết chết “Ngụy”, mà nói: “Đánh cho mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào
Như vậy: Phải chăng, Lịch sự là nghệ thuật để đạt được mục đích mà vẫn làm hài lòng được người khác.
Nói ngắn gọn hơn, Lịch sự là nghệ thuật làm đẹp lòng người khác!
Trên thực tế ứng xử, lịch sự không những không chịu thiệt mà thường mang lại lợi ích ngoài mong đợi.
Hai người va chạm xe máy, xét về luật A hoàn toàn đúng, B hoàn toàn sai nhưng nếu A chủ động nói.
-Tôi không kịp dừng lại, không kịp tránh.., vậy, tôi cũng có lỗi và tôi xin lỗi anh!
Hẳn B sẽ nhìn lại mình và nhận thấy lỗi chính là ở mình, hai bên sẽ bình tĩnh khắc phục hậu quả, biết đâu, từ đó, họ chả thêm một người quen biết, giúp đỡ được nhau sau này.
Không may vớ phải người hung hãn, ngang ngược, không biết phải trái hoặc kẻ cố tình ăn vạ mới phải nhờ đến công an, pháp lý giải quyết, nhưng hẳn thái độ ấy của A sẽ làm không khí bớt căng thẳng, không tạo nên thù oán.
Trong cuộc sống ngày nay, người, việc, thái độ, lời nói ... Lịch sự ..., còn nhiều lắm, nhưng ngược lại cũng vô kể...
Từ cách đi trên đường, dừng lại nói chuyện hay điện thoại..., ở ngay lòng đường, đến những ngôi nhà dù to dù nhỏ, những biển quảng cáo gây trở ngại, làm khó chịu người qua lại.
Những trưởng giả, những trọc phú khoe sang, những quan chức nói mà không cần người ta có muốn nghe hay không, vân vân..., nhiều lắm...!

Ôi...! Giá như trước khi hành xử, ai cũng nghĩ đến đối tác, đến những người xung quanh....! Và biết nghệ thuật làm vừa lòng người ta, có phải là “Lịch sự” không....!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét