Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC, YÊU TỔ QUỐC


Yêu nước, yêu tổ quốc là “Cõi thiêng” trong mỗi con người, động vào cõi thiêng ấy là việc nên tránh, thế nên xin bạn đọc hiểu cho, tôi không muốn, không dám động vào “Cõi thiêng”.
Ai yêu nước...? Ai không...? Ai yêu nhiều hơn ai ...? Ai nói ra rằng mình là người yêu nước …? Ai tin lời nói ấy...?
Thế nhưng vì bài trước trót đưa ra và nhiều bạn đọc đã cho ý kiến nên tôi đành liều mạng bàn thêm.
Chân thành mong được góp ý!
Ai đó đã viết:
“Con chim dẫu bay đến phương trời nào cũng luôn nhớ về tổ, con cá dẫu đến góc biển nào cũng luôn nhớ về nguồn”
Hàng năm, ta vẫn chứng kiến những cuộc di cư của các loài động vật, trong đó nhiều cuộc do tìm kiếm thức ăn, nhiều cuộc theo thời tiết nhưng cũng không ít những cuộc di cư không thể giải thích được.
Điều gì khiến đàn cá hồi trở về đúng nơi đã được sinh ra để hoàn thành nghĩa vụ duy trì giống nòi rồi kết thúc cuộc đời… ? 
 Có câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là ý nghĩa gì...? Phải chăng người ta ai cũng có nguyện vọng đến cuối đời, thậm chí sau khi đã lìa đời được trở về nơi chôn rau cắt rốn…?
Tại sao mỗi chúng ta, dẫu ở độ tuổi nào, làm đến chức danh gì, của cải có bao nhiêu vẫn muốn được sà vào lòng mẹ, rúc đầu vào bầu vú mẹ...?
Nơi ta được sinh ra, nơi ta mở mắt nhìn trời nhìn đất, nơi ta chập chững những bước đầu tiên…, phải chăng đó là quê hương...?
Đất nước là gì...? Phải chăng đơn giản là nơi có đất có nước...? Trên trái đất này, ở đâu có đất có nước là ở đó có con người sinh sống và người ta được sinh ra, lớn lên, trưởng thành ở đâu thì gọi đó, coi đó là Đất nước của mình...
Tình yêu với nơi mình sinh ra, với trời, mây, đất, nước, cây cỏ… với những người đã sinh ra ta, những người quanh ta… Đó là tình yêu quê hương đất nước!
Nơi ấy trời cho ta không khí để thở, đất nâng bước chân ta, trời đất cho ta cùng muôn loài sinh sống…, dẫu nghèo khó khô cằn, chẳng có ai là người không yêu quê hương đất nước ấy?
Thủa loài người còn sơ khai, chỉ biết chống chọi, chung sống với thiên nhiên và muôn loài thì làm gì có biên giới..., những người ở những vùng đất khác nhau, núi cao, trung du, đồng bằng, sông biển có phương thức sống ít nhiều khác nhau và họ coi đó là ... “Lãnh thổ” của mình, và họ đã đoàn kết, làm hết khả năng không cho người ở nơi khác xâm chiếm lãnh thổ đó..., đấy là khái niệm về đất nước, là biểu hiện của tình yêu tổ quốc...
Khi loài người phát triển, kẻ mạnh thôn tính kẻ yếu, người ở vùng nọ thôn tính vùng kia, dần mà hình thành khái niệm mới về đất nước.
Trong cái đất nước mới ấy vẫn có kẻ mạnh người yếu, người đi thôn tính và người bị thôn tính.
Ví như nước Úc, nước Mỹ kia, vốn là của những người Thổ dân, chỉ vì chậm phát triển, không địch lại được với súng đạn nên phải nhượng bộ những người nhập cư rồi đành ngồi nhìn họ thành chủ yếu, mình thành thứ yếu…
Những người dân ở Tây Tạng có đất trời riêng, có lịch sử văn hóa lâu đời riêng, nay còn mất lại phụ thuộc vào những người ở tận Bắc Kinh…
Cái sự mở nước (Xâm lược) và mất nước đã là lâu lắm rồi, và cũng từ lâu lắm rồi những tộc người đồng hóa lẫn nhau tạo nên một khái niệm dân tộc mới, để bây giờ khi nói người Nga, người Hoa, người Mỹ… người nghe hiểu đó là những người sinh sống trên cái vùng lãnh thổ được phân định ấy.
Cũng giống như khi nhắc đến người Việt là nói về những người sống trên mảnh đất hình chữ S ở đông nam Á này, bất luận người đó là Kinh, Thái, Ê đê hay Khơ Me…
Lịch sử hình thành biên giới gắn liền với những cuộc chiến tranh thôn tính giữa các thế lực cầm quyền, Thoạt đầu là các Tù trưởng, thủ lĩnh, đến các ông vua của các triều đại phong kiến, rồi đến các thể chế chính trị như ngày nay.
Nhà cầm quyền nào cũng muốn chiếm đất chiếm dân, làm lên chiến thắng hay thất bại là những người lính mà thực chất là dân..., nếu thất bại thì chỉ có Vua mất nước, còn đất và dân lại thuộc về một quốc gia khác của một ông Vua khác to lớn hơn. Nếu thành công thì dân vẫn thế nhưng đất mới, dân mới vẫn thuộc về Vua... Suy như thế, trong các cuộc mở đất xưa kia thì Vua có thể được có thể mất nhưng người dân thì chỉ có mất chứ chẳng bao giờ được gì…
Thế nhưng, để người dân hăng hái ủng hộ, xả thân cho sự nghiệp của mình, những ông Vua xưa kia phải dùng chính sách mị dân, họ dụ dỗ, đe dọa và nếu người dân không theo thì họ thẳng tay đàn áp.
Một trong những thủ đoạn mị dân là họ khéo léo biến cái tình yêu quê hương đất nước vốn có trong mỗi con người kia thành tình yêu chế độ của họ, biến cái ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước quê hương thành bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Khi đất nước có nội chiến, tức là những cuộc tranh chấp quyền lực, mỗi bên đều ra sức dành dân dành đất và bằng những thủ đoạn của mình họ khiến những người dân của họ thù oán ông vua bên kia rồi thù oán cả những người dân bên kia…Mỗi ông Vua đều muốn dân chúng hiểu rằng: Theo bên này là yêu nước, là chính nghĩa, theo bên kia là ngược lại.
Các ông Vua phong kiến như thế và các nhà nước tư sản cũng thế, ở đó tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng vốn có đã bị lợi dụng, bị lái theo chiều hướng: Yêu nước là trung thành với vua, yêu nước là yêu chế độ.
Nếu nhà nước XHCN thực sự là của dân, do dân, vì đân thì chỉ ở đó, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu chế độ mới có thể hòa thành một, yêu Đảng là yêu nước, yêu chế độ là yêu quê hương, tổ quốc…
Tuy nhiên, bởi chúng ta đang được sống trong cái xã hội tốt đẹp đó đã gần bảy mươi năm, thời gian vừa đủ một đời người (có nghĩa là, đa phần những người đang sống một cách tỉnh táo đều được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chế độ XHCN tốt đẹp này) chúng ta đã quen hiểu, quen gộp tình yêu quê hương, đất nước với tình yêu Đảng, yêu chế độ XHCN.
Điều đó không sai vì Đảng, Chế độ ta hoạt động, chiến đấu vì mục đích: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng ta cần hiểu những tình cảm ấy của con người không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể hòa thành một như vậy...!
Nếu lấy Đảng Cộng sản Trung Quốc làm ví dụ, là một đảng anh em, đã từng giúp ta toàn diện, từ lý luận chính trị để ta xây dựng củng cố đảng, từ vũ khí để ta đánh nhau với những người Việt ở Miền Nam, với quân đội Mỹ..., đến miếng lương khô, cái quần đùi cho bộ đội ta mặc... khi ấy ta gọi những người lãnh đạo ĐCSTQ là “Đồng chí”, là “Anh em”, nhưng khi những người ấy lùa quân qua biên giới cướp bóc, bắn giết binh lính và người dân Việt thì ta gọi họ là “Bè lũ phản động”. Và khi ấy, tình yêu Tổ quốc của người dân Trung Quốc có đồng nghĩa với tình yêu ĐCS TQ...?
Một Đảng to như thế mà lọt vào tay một “Bè lũ phản động”, nhỏ như ta, liệu có lúc nào đó ĐCS VN cũng bị lọt vào tay một “Bè lũ phản động”...? Và khi đó (Nếu có) thì tình yêu đất nước của dân ta phải được thể hiện thế nào đây...?
Khi Liên Xô đang là thành trì của phe XHCN, một nửa đời sống chính trị thế giới trông vào, dựa vào ĐCS Liên Xô, thế mà ông Góc Ba Chốp, Tổng bí thư, tuyên bố giải tán đảng. Tin rằng, những người thật sự trung thành với lý tưởng cộng sản sẽ coi ông ta là kẻ “Phản động”..., một đảng lớn như thế mà một tên “Phản động” có thể lên được đến TBT thì đảng ta liệu có là ngoại lệ...? Và nói dại chuyện ấy sảy ra ..., thì tình yêu Tổ quốc của ta... biết gửi về đâu...???
Tôi không nghĩ những người từng phục vụ trong quân đội VNCH và chế độ VNCH, những người di tản sau năm 1975 là những người không yêu nước bởi như tôi đã phân tích, Tình yêu quê hương đất nước dường như là thiên bẩm, họ yêu nước lắm chứ, nhưng sống ở chế độ nào cũng sẽ bị chính quyền ấy mị dân nên họ yêu nước, xây dựng đất nước theo cách của họ mà thôi...!

Họ không yêu Đảng của chúng ta, không yêu chế độ XHCN như chúng ta mà thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét