Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

MỘT CA BỆNH...!

Bệnh viên E, một ngày cuối hè 2008. Sáng, điểm bệnh thấy một bà cụ dễ đến ngoài 80, da nâu xạm nhăn nheo, răng đen, ăn mặc kiểu cũ, hỏi thì biết, cụ mới 72, khám chẳng thấy bệnh gì.
-Sao cụ lại vào đây?
-Khổ quá! Trượt chân, ngã một cái ngoài vườn, có sao đâu thế mà chúng nó về, chúng nó bắn tôi đi, bắt tôi vào đây...., ông Bác sỹ làm phúc cho tôi về nhé...!
-Chúng nó là những ai hả bà...?
-Các con tôi ấy! Trai, gái, dâu, rể.
-Thế là họ tốt đấy bà ạ, chẳng phải ai cũng được thế đâu, mình già rồi cũng nên nghe chúng nó, mà cụ chiều con đến bệnh viện thế cũng là tốt.... Hôm nay, cụ về nhé.
-Ôi dào…! Cảm ơn ông...! Gớm…, sốt hết cả ruột!
Về phòng, một cô Bác sỹ (mới về viện này nên chưa biết tên ) dắt ba bốn người trung niên vào gặp.
-Em là Hằng bên D4..., Đây là các con cụ…, anh Minh ở bộ công an, chị Thanh giáo viên, anh…. ở, chị … ở…
Họ tỏ ra là những người có văn hóa, ông công an (mặc thường phục) nói.
-Tôi là con cả, trăm sự nhờ Bác sỹ…!
-Tôi thăm cụ rồi, các anh chị lo lắng là phải nhưng cụ không sao đâu, tôi định cho về.
-Ấy chết...! Xin Bác sỹ cho cụ tôi nằm vài ngày, chúng tôi có việc muốn nhờ Bác sỹ.
Anh ta rút cái phong bì, để lên bàn nói tiếp.
-Biếu anh chai rượu, anh mua hộ nhé...!
-Chết...! Tôi có giúp gì được đâu, nằm viện thì vất vả cho cụ, tốn kém và mệt mỏi cho con cái thôi chứ..., chúng tôi thì có sao đâu, cụ muốn nằm bao lâu chả được. Không phải thế này đâu! Anh cất đi để ta nói tiếp.
-Mời anh cốc bia thôi mà, có gì đâu, anh em tôi vào đây là để nhờ Bác sỹ tác động đến mẹ tôi một tý.
Biết mà...!
-Tác động gì đây! Các bạn...?
-Chúng tôi ở Hà Nội cả, thú thực, ai cũng làm ăn được, nhà cửa, xe cộ chả thiếu gì nhưng mẹ tôi nhất định không chịu ra, cứ ở nhà, mà tít tận Bắc Giang…
-Nếu cụ đồng ý thì các anh để cụ ở đâu? nhà ai...?
-Đâu cũng được anh...! Tôi có biệt thự ở Tây Hồ, con em có chung cư tầng 9 ở Nhân Chính, tiếng là chung cư nhưng rộng lắm, gần hai trăm mét, nhưng tốt nhất là ở với thằng em này, bà hợp với nó hơn, nhà ở khu Đồng xa.
-Nhà riêng hay tập thể...?
-Dạ! nhà riêng, gần bảy mươi mét, bốn mét mặt tiền, xây năm tầng, cho thuê tầng một, vợ chồng nó ở tầng hai, ba tầng nữa bỏ không...
-Có thang máy không?
-Dạ không...! Ngày nó xây, thang máy chưa phổ biến, thế mới tiếc!
Quay sang cậu em nãy giờ ngồi im tôi hỏi.
-Anh bạn định để mẹ ở tầng mấy...?
-Dạ! Tầng nào cũng được, nếu bà thích thì chúng em dọn lên tầng ba..., để bà ở tầng hai.
-Thôi...! Tôi hiểu rồi, tôi hứa sẽ nói chuyện với bà, còn khuyên bà như thế nào thì tôi không hứa. Chiều mai các anh đến sớm ta cùng đến thăm bà.
Họ hớn hở ra về..., tôi xuống thăm bà cụ ngay. Một người cháu họ chừng ngoài bốn mươi người đen đúa, nhìn đã thấy vất vả đang trông nom cụ. Bà cụ mau miệng kể vanh vách sau câu gợi chuyện của tôi.
Nhà cụ rộng lắm, cả ngàn mét vuông trồng toàn vải, na, đu đủ rồi còn ao thả cá, chuồng gà mấy chục con… Tôi ngắt lời.
-Bà nhiều tuổi rồi, không nên cố quá, ngộ nhỡ…
-Không..! Tôi có phải làm gì đâu! Con gái con rể và các cháu ngoại chúng nó làm cả đấy chứ, buồn thì đỡ được gì hay nấy thôi.
-Bà ăn một mình à...? Tối có ai ngủ với bà không...?
-Ăn bên nhà nó, thỉnh thoảng các cháu nó lại nấu bên này.
-Bà có sinh hoạt hội phụ lão không?
-Đóng tiền thì có, sinh hoạt thì không, toàn các ông bà trẻ tập múa tập hát… rồi tập dưỡng sinh… nhiều lắm, tôi không theo được, chỉ đám ma đám cưới thôi.
-Nhà bà có Ti vi không?
-Có...! Con gái mua lâu rồi...!
-Có tủ lạnh không?
-Co…ó! Cũng vợ chồng nó mua năm ngoái.
-Thế có điều hòa nhiệt độ không?
-Khô…ông! Tốn điện lắm!
-Thôi được rồi! Cụ nghỉ đi! Chiều mai cháu lại đến thăm cụ. Ngày kia cụ về nhé!
-Vâng! Chào bác....! Bác sỹ mà nói chuyện thích thế!
Đúng giờ, họ đến đủ, tôi giao hẹn
-Các anh cứ đứng nghe, không được ngắt chuyện, rồi tôi sẽ nói với các anh sau.
Trên đường đến phòng bệnh tôi hỏi bâng quơ.
-Nhà anh có phải là nhà trưởng?
-Bố tôi là trưởng, ông nội tôi là thứ.
-Anh phải trông nom mấy ngôi mộ?
-Hơn chục ngôi.
-Cụ thể là mấy?
-Không nhớ hết đâu, phải mẹ tôi cơ, cụ nhớ hết...!
Tôi thở dài một cái.
-Chào cụ! Cháu hỏi cụ vài điều nữa nhé.... Hàng ngày cụ làm gì? Có hay sang hàng xóm chơi không? Những người trong làng có hay đến thăm bà không?
-Có chứ! Nhà nào có việc thì mình sang làm giúp, tiếng là làm giúp chứ bây giờ tiện lắm có phải động gì đâu, chỉ ăn trầu uống nước. Các bà ấy cũng sang chơi, chị em nói chuyện..., nhà quê í mà, thế mà không gặp là nhớ đấy.
-Nhà mình còn bao nhiêu ngôi mộ mà cụ phải chăm sóc?
-Mười bẩy ngôi! Các cháu bên bác cả lo là chính, tôi chỉ quản lý bốn ngôi thôi, còn chúng nó quên đâu tôi chỉ đấy.
-Bây giờ cháu hỏi, bà phải nói thật nhé. Các anh các chị ở Hà Nội có nhà cao cửa rộng, có ô tô, máy lạnh sao bà không ra ở với họ?
-Đấy! Chúng nó cứ bắt tôi ra đấy..., nhưng khổ lắm bạc ạ, cứ như ở tù ấy, cả ngày chả được mở mồm, chả biết chơi với ai, chả có việc gì để làm, muốn làm gì nó cũng không cho. Tối, ngồi ăn cơm chúng nó nói những gì tôi có biết đâu, nói bác đừng giận, tôi chẳng bao giờ phân biệt cháu này cháu khác nhưng ở đây chúng nó chỉ sang chào tôi xã giao rồi ai về phòng nấy, ai cũng bận, lúc nào cũng bận chẳng như mấy đứa ở nhà.
-Thôi cháu hiểu rồi! Bây giờ cháu góp ý thế này nhé.
Tôi nói to cho cả nhà nghe
-Bà cứ ở quê..., còn hương khói..., mồ mả..., còn hàng xóm láng giềng..., nhưng có hai điều kiện. Một là, luôn luôn phải có người ở cùng. Hai là, khi nào các con về đón thì ra chơi vài hôm cho chúng mừng, bà ở nhà chúng nó thương xót, lo lắng là phải.
Quay sang bọn người đang sững sờ kia tôi nói một thôi một hồi.
-Các anh chưa biết cách chiều mẹ rồi. Hãy đặt mình vào cương vị của bà mà nghĩ, với bà thì mảnh ruộng, mảnh vườn, ngôi nhà đã nuôi các anh các chị khôn lớn quý hơn hay biệt thự Tây Hồ quý hơn...? Lo ăn lo mặc cho mẹ thì không thiếu và không khó nhưng ai sẽ hầu chuyện bà? Cái khổ nhất của người già là cảm giác phải sống nhờ các con, cảm giác là một người vô dụng. Những chuyện lớn, chuyện nhỏ ở ngoài đường ở cơ quan có bao giờ các anh chị đem hỏi mẹ không? Còn người mẹ nào cũng luôn lo lắng cho các con dù các con có là ông to bà lớn đến đâu chăng nữa. Cho mẹ ăn thật ngon, không để mẹ động vào việc gì, cả về thể chất và tinh thần không phải là cách để ta báo hiếu đâu..., ta làm hại mẹ mà ta không biết đấy thôi. Rồi không xa nữa, chúng ta cũng thế, hãy tưởng tượng ta run tay làm vỡ cái bình quý, các con ta sẽ nói gì...? Nghĩ gì...? Chúng ngồi vào mâm cơm với thái độ không vui mà không biết tại sao, ta sẽ nghĩ gì...? Ngày mẹ tôi còn sống tôi đã không làm thế, tôi làm nhà cho mẹ và nói: “Những lúc mẹ cần về như việc làng việc họ, vườn tược cây cối và kể cả những lúc con làm mẹ buồn, mẹ chỉ cần nói-Đưa tao về quê! Là con đưa mẹ về ngay. Nhưng khi con biết lỗi mà về xin, mẹ cứ chửi cứ đánh như ngày con còn bé rồi tha cho chúng con. Mẹ tôi cười hạnh phúc lắm: -Giờ thì tôi đánh làm sao được ông...!
Dành được ít tiền đã khó, nói sao để mẹ cầm lại càng khó, cuối cùng tôi phải nói thế này:
-Tiền là của con, nhưng con là của mẹ. Tại sao con có tiền...? Đấy là nhờ mẹ sinh, mẹ nuôi, mẹ dạy dỗ mà có. Vậy, tiền này trước hết là của mẹ, bao giờ mẹ già hẳn không biết dùng tiền vào việc gì nữa, lúc ấy mới là của con. Giờ mẹ cứ cầm lấy, mẹ thích ăn gì, tiêu gì, làm gì, cho ai cũng được mà nếu không dùng đến thì mẹ cất hộ con khi nào cần con lại xin. Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ cất tiền. Tôi biết, bà sẽ chẳng dùng đến đâu nhưng bà hạnh phúc lắm… Bây giờ tôi không còn mẹ như các anh, với kinh nghiệm của mình tôi khuyên các anh cứ để cụ về quê... Hãy lo nhà cửa, điện nước, các phương tiện cho đầy đủ và an toàn. Động viên em gái em rể và các cháu sao cho thiết thực rồi thay nhau cho các con về. Đi du lịch sinh thái thì được, về nhà với mẹ với bà sao lại không...? Tôi nói vậy, nếu sai thì các anh các chị bỏ quá...!
Bốn thằng người cúi mặt im lặng..., chúng nó không tỏ vẻ giận dữ là may rồi. Tôi rút túi đưa bà cụ một triệu.
-Hôm qua, họ cho cháu tiền..., cháu đã xin rồi, tiền này giờ là của cháu, cháu biếu bà một nửa, cũng như với mẹ cháu thôi, bà muốn tiêu gì cũng được. Giờ cháu phải về đây, chào bà nhé...!
Bà lão ái ngại đưa cả hai tay nắm bàn tay tôi đã chìa sẵn, tôi bỏ đi không nói gì với mấy người đang câm lặng kia nữa. Thằng cả theo tôi về tận phòng, nó ngồi thừ hồi lâu, bao nhiêu tự phụ kiêu hãnh biến mất, mãi nó mới đứng dậy bắt tay tôi nghẹn ngào.

-Tôi cảm ơn anh! Đúng là..., chúng tôi đã nhầm... xin cảm ơn anh...!
Hừm...! Nó không đòi lại tiền là may....!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét