Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Tản mạn, dự một đám tang...!


Không phải máu mủ, chẳng phải ruột già, đến thăm bệnh nhân, gặp, biết, quen rồi thành bạn với thằng hàng xóm ở tít tận Mê Linh, thế mà vài tháng lại lên chơi, hễ có lợn sạch là nó í ới gọi từ mấy hôm trước, hẹn về "Cháo lòng-Tiết canh" rồi mang mấy cân về để ngăn đá cho con ăn dần.
Đùng một cái, có người báo mẹ nó mất tối qua, phải lên với nó một tý, nghĩa tận mà.
Suy đi tính lại tôi chỉ để cái phong bì và một thẻ hương. Đã làm tang Bố, tang Mẹ, tôi hiểu những gì sẽ có, sẽ phải làm sau tang lễ. Hàng mấy trăm bó hương để lâu bắt ẩm, đem phơi thì nhạt màu nhạt mùi … không nỡ thắp lên ban thờ. Mấy chục bức trướng bằng nhung với hình phật, hoa sen cùng những lời gửi gắm đến cha mẹ mình sao giám đốt đi, nhưng để đâu...? Để đến bao giờ...?
Vả lại, nhà nó nghèo nên hoa, quả, rượu… những ngày này nuốt sao được..., tốt nhất là để cả vào phong bì, mục đích của tôi là có mặt động viên chia buồn với bạn thôi mà.
Mới đến đầu làng, chưa chia sẻ được với bạn câu nào đã thấy buồn, nhưng là nỗi buồn khác. Tiếng loa phóng thanh oang oang, giọng người đọc dẻo quẹo, luyến thoắng nhức óc.
-Ban tổ chức chúng tôi xin trân trọng giới thiệu, đoàn giáo viên trường… do ông… làm trưởng đoàn vào đặt lễ thắp nén hương thơm tưởng nhớ cụ… Xin kính mới!
Tiếng trống-kèn
-Thay mặt ban tổ chức và gia đình, xin chân thành cảm ơn các thầy cô đã bớt chút thời gian vàng ngọc đến chia buồn với gia đình. Xin kính mời các thầy, các cô xơi trầu uống nước. Trong lúc tang gia bối rối, có gì sơ suất xin được các thầy cô lượng thứ…
Thề với các bạn rằng nếu không có mấy chữ “nén hương…, tưởng nhớ…, chia buồn,” thì không ai bảo là đám tang, phải là lễ hội hay liên hoan văn nghệ gì đó... mới đúng, mới hợp.
Nỗi buồn như tà khí loang ra khi chạnh nhớ vài lần dự đám tang ở những nhà tang lễ “Nổi tiếng” Hà Nội, những đám tang cỡ “Hoành tráng”, những gia đình “Tiếng tăm”...., hình như cũng thế này ...!
Ở đám tang là không khí đau buồn, thương xót, trang nghiêm, không khí ấy phải được tất cả người sống thể hiện, bởi gia quyến thì đương nhiên là tang tóc, những người có mặt là để “Chia buồn”, tức là buồn hộ, buồn đỡ người ta một chút cơ mà, trang phục, nét mặt, lời nói (nội dung và giọng điệu), phải thể hiện được tinh thần ấy..., tất cả những cái khác phải đem đi chỗ khác.
Không nhất thiết phải trang phục đen, càng không nhất thiết phải mua vội vàng những bộ may sẵn để rồi ngắn dài, to bé, xộc xệch, lôi thôi, để rồi vứt đi lãng phí. Nhưng nên mặc tối màu, áo nên dài tay, có nóng đến đâu thì khi hành lễ cũng buông tay cài cúc để thể hiện sự tôn trọng người đã khuất..., những điều tưởng ai cũng biết.
Không cần phải rầu rĩ, bởi như thế chả hóa phường chèo, nhưng nên giữ nét mặt nghiêm trang. Nếu tình cờ gặp người quen, tay có thể bắt nhưng mặt chớ có mừng.
Nói với nhau đủ nghe và tránh cười, nếu thật cần thiết thì cũng cố nhịn rồi kéo nhau ra xa, vào chỗ khuất mà thể hiện.
Nhưng, cái muốn bàn ở đây là những lời nói chính thức, của những người đang cầm mi-cờ-rô kia.
Từ nhỏ đến giờ tôi mới được dự hai đám là nhớ mãi không quên.
Lần thứ nhất, theo đoàn Bệnh viện Xanh-Pôn về viếng mẹ anh trưởng khoa Xương ở Thanh Trì (ngày ấy, thế là xa lắm), Bệnh viện chỉ cho một chuyến xe và cũng chỉ được đi trong vòng hai tiếng.
Tới nơi, thấy đã có ban thờ, bà công đoàn định vào đặt lễ, lập tức có người chặn lại, họ nói nhỏ, lịch sự nhưng rất cương quyết.
-Xin lỗi! Các bác làm ơn để gia đình làm lễ phát tang đã.
Theo thứ tự, gia đình các con, cháu đứng xếp hàng chỉnh tề dưới sân, người trưởng tộc hành lễ rồi đọc lời thông báo sét đánh chính thức, khẩn thiết, thống thiết tới toàn gia đình tin dữ... Kêu gọi con cháu cùng về chịu tang, một người dâng cái mâm đầy khăn-áo, đích thân ông trưởng tộc mặc áo, đội khăn cho con cháu.
Lời văn và giọng đọc khiến những người không máu mủ ruột thị, có thần kinh thép cũng phải rơi nước mắt.
Lần thứ hai, đám tang bố chồng cô y tá trưởng tại nhà tang lễ Việt-Xô. Trong nhà, nhạc chiêu hồn mở nhẹ thiêng liêng rùng rợn. Ngoài sân, các đoàn chỉnh tề thứ tự. Ấn tượng nhất là người đọc, giọng trầm ấm, chắc chắn, chậm rãi, rành rọt.
-Đu..àn, Bệnh..viện..Xanh Pôn. Do Giáo sư,.. Dương … Đức … Bính làm…trưởng… đoàn……… Vào viếng!
Thế thôi! Không kính thưa kính gửi, không thay mặt, không ban tổ chức, không cám ơn cám iếc gì vội, ai nấy đều cảm nhận không khí trang nghiêm từ cái giọng đọc ấy và hình như do không khí trang nghiêm mà không thấy ai cười, nói to.
Trở lại với đám tang chiều nay, chờ các vãi làm lễ gì đó, tôi ra ngõ đứng cho thoáng, lại giật mình thon thót.
Thằng bạn tôi đi lính về, lấy vợ rồi đẻ ra ba đứa con (vợ nó người Tày ở tít Bắc Cạn, nhà cũng nghèo lắm) chúng nó cần mẫn nuôi mấy chục con lợn, gà ri, gà chọi, ngan, vào nhà nó mùi cám lợn cám gà, mùi cứt gà cứt lợn hổ lốn, hôm nào cao hứng uống rượu ngoài sân phải chọn góc đầu gió cho đỡ thối. Suốt ngày nó rúc chuồng gà chuồng lợn, tối mít mới được tắm một cái, chưa chắc đã sạch mùi, ăn bát cơm, uống chén rượu rồi lại rúc vào buồng vợ chẳng đi đâu bao giờ.
Nó cũ như thế, chẳng mấy khi ra khỏi làng, chẳng quan hệ với ai thế mà hôm nay, lễ viếng mẹ nó mới có mấy tiếng đồng hồ mà vòng hoa dựng ngoài ngõ đã la liệt, dễ cả trăm vòng.
Hoa là thể hiện, là phô diễn của sự sống, không biết từ bao giờ, loài người chọn hoa là tượng trưng cho cái đẹp, cái sinh xôi nảy nở. Khi đứa trẻ ra đời, Ngày sinh nhật, lúc thành công, ngày cưới và ngày chia ly về bên kia thế giới…  người ta tặng nhau những bông hoa là kết tinh của trời đất… Đẹp lắm thay!
Mừng vì người ta mang nhiều hoa đến tiễn biệt mẹ bạn, tôi thẩn thơ lượn một vòng xem những dòng chữ trên băng đen; Hội phụ nữ thôn…, Gia đình các cháu … Bỗng giật mình, một đám mây bay đi, nắng chiều xiên chéo vào con ngõ, các vòng hoa bỗng rung rinh lấp lánh… Hoa gì mà lạ, nhấp nháy như quán café âm nhạc thế kia, ngắm thật kỹ, sờ tận tay thì… Trời ơi! Toàn là hoa giả. Những đốm lóe sáng là từ những bông hoa bằng giấy bóng kính, còn lại chủ yếu được làm từ những cái vỏ xốp bọc hoa quả nhuộm phẩm màu.
Tôi cứ bị ám ảnh, về lí lịch, về nguồn gốc, về hành trình của những “bông hoa” này.
Có phải không, chúng được làm ra từ phế liệu, ở một xưởng xa tít nơi nước bạn, chúng ôm vào những trái lê quả táo, chui vào thùng giấy rồi lên xe chu du sang đây. Qua chợ đầu mối rồi đến sạp hoa quả trong chợ, ngoài đường. Khi lê, táo lên bàn cân cũng là lúc chúng bị vứt xuống đất, từ đó chúng được gọi là Rác, người quét rác gom chúng lại bán cho người làm vòng hoa. Lại vào xưởng, tại đây chúng có được tắm rửa hay không thì không biết nhưng rồi chúng được nhúng vào phẩm vàng phẩm đỏ, người ta kéo chập hai đầu rồi buộc túm vào một cái như que kem, từ đó chúng được gọi là “Hoa”. Những bông hoa như thế được kết lại thành vòng sặc sỡ nhưng khô khốc, người ta đính lên những vòng Hoa ấy băng đen đề những chữ thống thiết: “Vô cùng thương tiếc…”, “Kính viếng hương hồn…”, ngườ ta dâng chúng (những bông hoa làm từ rác và phẩm màu) lên để thể hiện tình cảm, để chia ly với người mà ta kính trọng thương tiếc, ta đã chia được cái sự buồn bằng cho nhau cảm giác “Đám tang thật lớn …., bao nhiêu là vòng hoa!”.
Có ai để ý những ngôi mộ? Vài tuần sau khi xuất hiện nom vẫn như một đống vôi ve nhiều màu hổ lốn. Và cũng chỉ khi ấy, thân nhân người quá cố mới không chịu nổi, mới chợt nhận ra, phủ trên nấm mộ thiêng liêng của họ là thật sự một … Đống rác! Những miếng xốp, giấy bóng không tiêu được, nắng mưa làm chúng nhợt nhạt nhem nhuốc, cũ và mới tả tơi chồng lên nhau. Ở đâu, hôm nào có ông quản trang chăm chỉ gom chúng lại mà đốt (cả năm, chỉ mùa hanh khô mới có thể đốt được). Nếu không, những người thân của ta sẽ phải nằm trên bãi rác đến bao giờ…xót xa thay!
Cái quan niệm đám cưới đám ma “Hoành tráng”, nhiều mâm, nhiều vòng hoa đâu phải là truyền thống của người Việt, nó chỉ mới xuất hiện đây thôi.

Nhưng sao khó gỡ thế!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét