Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

SAO GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ (3)

(Viết dịp TQ hạ đặt giàn khoan vào biển của ta)

IM LẶNG đến RỢN NGƯỜI!

Tôi là người được sinh ra, lớn lên, được học tập và đào tạo trong môi trường XHCN, ít nhiều đã đi chiến đấu, đã đổ máu để bảo vệ CNXH rồi làm việc gần trọn đời trong môi trường XHCN ấy.
Không phải đến tận bây giờ mà ngay từ khi bắt đầu tham gia sinh hoạt đoàn thể tôi đã phát hiện nhiều, rất nhiều đức tính lạ lùng của những người xung quanh.
Một trong những “Đức tính lạ lùng” ấy là sự “Im lặng”.
Thời tôi còn nhỏ ở nhà, ông bà, cha mẹ dạy chúng tôi phải năng động, phải tìm tòi để cải tiến, để việc mình làm có năng xuất hơn, hiệu quả hơn. 
Nhà trường dạy chúng tôi theo tiêu chuẩn “Con người mới XHCN” ... hay lắm: Tích cực, thông minh, khoa học, giàu tình người. 
Trong sinh hoạt các đoàn thể thì “Đấu tranh, phê và tự phê” là tinh thần chủ đạo, là thước đo trình độ, khả năng của mỗi người, dù là “Quần chúng cách mạng”, “Đoàn viên TN CS” hay “Đảng viên đảng CS”.
Thế nhưng, dường như mọi tư tưởng tiến bộ, mọi sáng kiến, mọi cải tiến (Trừ ngoài chiến trận, nơi được thua, còn mất rất nhanh và rõ ràng) đều “Bị” hậu quả không tốt, đến mức  “Đấu tranh thì Tránh đâu” đã thành câu cửa miệng...
Không muốn lạc vào vấn đề này sâu quá bởi điều tôi muốn nói là “Sự im lặng đến nhẫn nhục” của người Việt.
Một thời, những danh hiệu là “Vô cùng quan trọng” đối với đời sống dân chúng, từ phân loại A-B-C cuối tuần, cuối tháng, đến “Cá nhân xuất sắc”, “Lao động tiên tiến”, “Chiến sỹ thi đua” cuối năm ... Thoạt đầu tôi ngạc nhiên ví những người luôn lặng im thường đoạt được những danh hiệu đó (Chỉ sau cán bộ lãnh đạo), những người có bản chất “Hiền lành” và những người cố tình làm ra vẻ “Hiền lành”. 
Đến khi gặp câu: “Im lặng là vàng” thì tôi hiểu, họ im lặng để lấy ... vàng...!
Không biết từ bao giờ mà người Việt im lặng giỏi thế, những va vấp từ khi sinh hoạt Đội TNTP, Chi Đoàn, Chi bộ cơ quan rồi Chi bộ nơi nghỉ hưu...! Người ta quen Im lặng, quen vỗ tay theo ý người thủ trưởng bất luận đúng sai, hay dở thế nào. Người ta truyền nhau cái NỘI QUY:
-Điều 1: Thủ trưởng luôn luôn đúng!
-Điều 2: Nếu có vấn đề gì, xem lại điều 1!
Những chuyện bi hài về sự im lặng ấy xảy ra một cách thường xuyên, ông chủ tọa thao thao bất tuyệt về sự lựa chọn phương án A hay B rồi hạ kính hỏi một nhân vật “Tích cực” (Thường được bình bầu là cá nhân xuất sắc) về sự lụa chọn. Ông này ú ớ đứng dậy, nhìn quanh một cái rồi lại ú ớ trả lời: “Dạ! Tôi nhất trí đấy ạ...!”, thế mà cả hội trường cũng “Vỗ tay rầm rầm”..., không phải chỉ một mình ông ta không nghe, mà cả hội trường cùng ...”Im lặng”, cùng không biết ông Thủ trưởng đang nói gì....!
Cách “Phấn đấu” của những người có tham vọng chính trị bao gồm:
-Luôn tỏ ra chăm chú lắng nghe, thấu hiểu ý của lãnh đạo (Khi lãnh đạo nói chuyện phải ngồi lên bàn đầu, thi thoảng vờ ghi ghi chép chép vào quyển sổ bìa đỏ), khi lãnh đạo sắp ngắt câu phải vỗ tray trước và to nhất.
-Mọi công việc đoàn thể, dẫu không có việc gì cũng phải “Đến sớm hơn một tý” và “Về muộn hơn một tẹo”, khi thực hiện nội dung thì lăng săng, vui vẻ (Không cần quan tâm làm như thế nào, có hiệu quả hay không).
-Phải đi đầu, hăng hái, nhiệt huyết trong những đợt đấu tố những thành phần phản đối “Trên”. (Khi họ thành ‘Trên” thì ngay lập tức chuyển hướng, không được sỹ diện)
Xét cho cùng thì đó cũng là một sự ...”Im lặng”, im lặng đến mức ... lưu manh...!
Những cán bộ CNV bình thường cũng có phương châm làm việc sao cho ... “Không ai nói được mình”, có nghĩa là cũng gần giống như trên, cũng đi sớm, về muộn, chỉ khác là không lăng săng, không hung hăng đấu tố, không nịnh bợ trắng trợn... Thế cũng là một sự im lặng...
Ô hay...! Công việc gì cũng phải đặt “Năng xuất và hiệu quả” lên hàng đầu chứ nhỉ...? “Đến sớm hơn và về muộn hơn” hẳn sẽ làm hỏng những việc khác chứ nhỉ...? Quan trọng là “Đúng giờ” thôi chứ nhỉ...?
Bến xe Buýt Cầu Giấy như một ốc đảo nằm ở chỗ giáp danh ba quận: Cầu Giấy-Đống Đa-Ba Đình, có lẽ vì thế nên công an quận này ngỡ quận kia đã làm. Lưu manh ở đây hoạt động theo kiểu một phần trộm hai phẩn cướp. Bạn lên xe, đương nhiên có vài người cùng lên, vừa tìm được chỗ đứng, có thể bạn nhìn thấy ví, điện thoại của mình trên tay người khác mà không thể đòi lại.
Thấy một cậu bé nom rất thư sinh ù té chạy khỏi cái xe vừa đỗ, ba bốn người đuổi theo rất dữ dằn, thằng bé chạy hướng nào cũng có người đổ ra chặn đầu, cuối cùng nó bị đánh “Hội đồng” đến ngất xỉu nằm im bên đường như một con chó...
Tất cả mọi người (Trong đó có tôi) “Im lặng” đứng xem... nhìn tay xe ôm, tôi khẽ hỏi.
-Ăn cắp à ...?
Hắn ghé tai tôi thì thầm.
-Bác ơi...! Gian đánh Ngay đấy...!
-Sao lại thế ...?
-Thì chắc bạn nó bị móc túi, nó nhìn thấy gọi bạn... thế là ăn đòn..., chỗ nào cũng có..., không chạy được đâu, chúng nó móc túi công khai í mà....
Trên một chuyến xe Hà Nội-Nam Định, (Cách đây hơn mười năm) tôi thấy một bọn mang trò “Nhanh tay nhanh mắt” lên gạ, hành khách không ai chơi nhưng ai cũng bị hút vào hai bàn tay ma thuật của tên làm trò. Thế rồi những tên còn lại đi rạch túi từng người một, trước mắt tất cả mọi người, ai cũng biết trừ người ... “Đang bị rạch túi” nhưng không ai dám nói gì (Cả tôi). Tôi ghé tai một thằng hỏi.
-Bao giờ đến lượt tao.
Nó cũng ghé tai tôi rất lễ phép
-Chú biết rồi thì chúng cháu không.
Tối về, kể chuyện cho cả nhà nghe, sờ vào túi sau để diễn đạt mới giật mình... hóa ra cũng bị rạch mà không biết.
Cái gì đã tạo nên đức tính Im lặng ấy của tôi, của anh và của người Việt ngày nay...?
Người Trung Quốc thông minh và ... Tài lắm chứ, có ai phản đối không...?
Nhưng trình độ “Im lặng” của họ cũng chẳng kém gì ta (Nêu không nói là bậc thầy của ta). Một dân tộc từng là một trong những cái nôi văn hóa của loài người, họ đầy tự hào dân tộc, ấy thế mà khi nhà cầm quyền dùng xe tăng nghiền nát hàng nghìn con em của họ trong một đêm, ngay cái nơi gọi là “Thiên An Môn”, những người này là sinh viên, tức là tuổi còn trẻ (Chưa có kinh nghiệm im lặng), tức là những nhân tố chủ yếu của xã hội tương lai, tức là không có vũ khí... mà không cho họ một lối thoát... không mảy may nghĩ đến giáo dục, cải tạo, không thèm đánh đập, không thèm bắt đi tù.... nghiền nát hết! Phi tang hết...! Man rợ chưa từng có trong lịch sử loài người...!
 Thế mà, ông bà, cha mẹ của những người ấy vẫn ... Im lặng được. Thế mà cả dân tộc văn hóa ấy, giỏi giang vẫn ... im lặng được!
Trời ơi....! Sao cái sự im lặng nó ... Giống nhau đến thế!

THAY LỜI KẾT

Còn nhiều, còn nhiều những cái giống nhau nữa không thể và chưa thể kể hết ra đây, hai quốc gia liền nhau về địa dư, chẳng đồng hóa thì nòi giống đã gần nhau rồi, cùng chìm đắm dài lâu trong chế độ phong kiến rồi đùng một cái, cùng vươn mình xây dựng XHCN....
Cho đến bây giờ, khi những nước có nền công nghiệp khá phát triển (Như liên Xô, CHDC Đức, tức là những nước đã có lực lượng XHCN) đã rời bỏ thì hai nước (Có lực lượng lạc hậu) vẫn kiên trì đường lối Cộng Sản..., kiên trì xây dựng CNXH, dù là "Mang màu sắc Trung Hoa " ở bên đấy, hay "cơ chế thị trường định hướng XHCN" ở "Bên đây"... Vậy, không giống nhau làm sao được!
Bây giờ, TQ từng bước chiếm đoạt đất của ta, biển của ta, ta mới lên án họ rằng thế này thế nọ, liệu có ... ngại miệng không...? Khi nghĩ về những cái giống nhau ấy!
Đó là cái nguyên nhân khiến lúc đầu, khi họ mới đem cái giàn khoan ra đặt ở biển nhà ta, ta giãy lên như đỉa phải vôi nhưng dường như không ai lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ ta, dù họ có quyền lợi chung với ta. Chỉ sau khi Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng có những tuyên bố khá rõ ràng, tình hình mới khác đi đôi chút...
Tại sao vậy...? Bởi vì người ta coi hai nước (VN và TQ) như nhau và người ta cảnh giác với hai nước cũng như nhau.
Lại nói đôi chút về CNXH, đến thế hệ 5X, 6X còn chả hiểu nổi CNXH là gì (Đừng ai vội cười nhé, tôi cũng được học và tự học nhiều lắm rồi và thật sự không hiểu) Trách chi bọn 8X, 9X, nhưng nếu chúng hỏi
-Xây dựng CNXH để làm gì? Xã hội khi đó sẽ như thế nào...?
Theo tôi, tốt nhất cứ cho chúng sang Thụy Điển, bảo chúng tìm hiểu xem dân chúng ở đấy người ta sống thế nào, xã hội lo cho người ta thế nào về vật chất, thể chất, tinh thần rồi bảo chúng rằng.
-CNXH, khi ta xây dựng thành công, sẽ tốt hơn như thế ..., một tý!
Tôi không đủ trình độ để nói và cũng không dám nói rằng ông Mác và ông Ăng Ghen sai. Tôi bảo là các ông ấy đúng, các ông ấy giỏi, các ông ấy tốt, các ông ấy ... hay ... mọi nhẽ...!
Khi đã công nghiệp hóa, tự động hóa, của cải vật chất làm ra ê hề và nếu mọi người cùng được hưởng thì đó là CNXH... Thế thì có gì là sai...?
Nhưng cần nhớ rằng, để có CNXH trước hết phải có con người XHCN, con người ấy phải có nhiều phẩm chất của công nghiệp, của khoa học và công nghệ..., nhưng cơ bản nhất là đức tính TỰ GIÁC.
Dân ở các nước Phong kiến chưa thể có những phẩm chất ấy, thế mà Việt Nam, Trung Quốc phế bỏ Vua Thanh, Vua Nguyễn làm XHCN, đòi hỏi những người dân chưa biết gì về công nghiệp hóa, tự động hóa phải có phẩm chất, kỹ năng của CNH, TĐH.... Đòi hỏi những cái đầu Phong kiến với nếp sống Vua Quan phải TỰ GIÁC...
Theo tôi, vâng, lại là theo tôi thôi... Sai là ở chỗ đó, chết là ở chỗ đó...!
Tôi không nhớ rõ một câu ngạn ngữ tiếng Anh: “Hãy cho thằng ngốc một con lừa, nó sẽ cưỡi thẳng đến Quỷ sứ”
Ở Trung Quốc, những con người Phong kiến được trao cho quyền lực cách mạng, bạo lực cách mạng và họ đã “Cưỡi thẳng đến quỷ sứ”, Điển hình là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, và bây giờ là Tập Cận Bình... Cứ nhìn những sản phẩm của họ như: Cách mạng văn hóa, Đại nhẩy vọt, vụ tàn sát Thiên An Môn, và bây giờ là ..., cướp biển ... đủ biết họ đã đến được với Quỷ sứ hay chưa.
Dưới con mắt thiểm cận của tôi họ là những tên bạo chúa, không khác gì, thậm chí còn tệ hại hơn những đời Vua hung bạo trước kia.
Ngoại trừ Triều Tiên, nơi gia đình nhà Kim thật sự là Vua, cha truyền con nối thì ở những nước như VN và TQ, con “Vua cách mạng” cùng lắm cũng chỉ được làm “Quan cách mạng” thôi, làm Vua nữa khó lắm.
Nhưng đừng tưởng thế là tốt..., những Nhà Lê, Nhà Lý, Nhà Trần xưa kia, vì cha truyền con nối nên phải lo cho con, nên bên cạnh việc đào tạo rèn luyện đứa con chu đáo (Văn võ ngày xưa, quản lý ngày nay) họ cũng phải nương tay với dân, phải lo cho dân cho nước hòng tạo cơ sở, tạo điều kiện cho con cháu trị dân lâu dài. Những ông "Vua cách mạng", "Vua tập thể" thì không cần điều đó, vì vậy tính độc đoán tàn bạo như một quy luật sẽ không gì ngăn cản được...!
Nếu hiểu như thế thì việc xây dựng XHCN ở VN và TQ, ngoài những sai lầm mà vì nó Liên Xô, CHDC Đức đã phải từ bỏ thì còn cái sai nghiêm trọng nữa, cái sai đốt cháy giai đoạn, cái sai bắt người nông dân phong kiến phải có cách nghĩ, nếp sống của Tư bản phát triển và công nghiệp hiện đại.
Những cái sai ấy tạo ra đời sống văn hóa xã hội bây giờ, nạn tham nhũng, cửa quyền, độc đoán, bè phái... không thể nào ngăn chặn được.
Hồ Chí Minh, người sáng lập ra ĐCSVN có một câu nói bất hủ, thể hiện mục đích hoạt động của người và cũng là của Đảng mà người sáng lập:
‘Suốt đời tôi chỉ có MỘT mong muốn, mong muốn đến tột bậc... ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai ai cũng được học hành....”
Người viết nhấn mạnh chữ MỘT để biết Bác Hồ của chúng ta không có ham muốn gì khác, không bá chủ Đông nam á, châu Á, thế giới, hoạt động không vì mục tiêu thế giới đại đồng.
Tôi không dám phân tích rằng tại sao nhưng tôi thích cách gọi tên Đảng của Bác Hồ: Đảng lao động Việt Nam, cũng như tôi thích cái tên nước mà người đặt: Nước Việt Nam Dân chủ-Cộng hòa.
Bây giờ, hai dân tộc, hai Đảng, hai nhà nước “Giống nhau đến thế” mà ta lại muốn “Thoát Trung” thì phải làm gì.
Cũng cần phải nói rằng, Thoát là thoát sự kiềm tỏa của tập đoàn lãnh đạo TQ bây giờ thôi chứ nếu họ thay đổi, họ thành người đứng đắn, biết lo cho dân họ và biết sống tử tế với láng giềng thì tại sao lại không chơi với họ.
Nhưng: Bảo họ thay đổi thì không được! Chờ họ thay đổi thì ... biết đến bao giờ...!
Vậy, chỉ còn một cách là ta thay đổi, ta không giống họ nữa.
Nhưng thay đổi như thế nào? Đảo chính ư...? Mang mô hình Nhật Mỹ về áp dụng ư...? Không được đâu! Không thể lại mắc sai lầm nữa rằng: Đùng một cái, ta lột xác thành Nhật  thành Mỹ ngay được.
Tôi khẳng định rằng:
Lúc này, lãnh đạo đất nước chỉ có thể là ĐCSVN, cùng những con người như hiện nay, khác đi là đất nước sẽ điêu tàn, dân sẽ đổ máu.
Vậy, nên thay đổi như thế nào: Tôi không phải một chính trị gia, cũng chẳng phải là một kẻ thiên tài nên không dám bàn đến quốc gia đại sự, dưới đây chỉ là những ước nguyện của tôi, một công dân mà thôi. Xin các bạn nhớ thế!
1-Trước hết, một việc đơn giản nhưng hiệu quả ấy là đổi lại tên nước thành: VNDCCH và tên Đảng thành: Đảng lao động Việt Nam. Những cái tên thân thương này do Cụ Hồ đặt, đã là của ta, đã theo ta, cùng ta trong suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại..., nay lấy lại, chẳng có gì phải e ngại.
Cái việc không tốn công sức, tiền bạc này, ngay lập tức sẽ thổi vào dân chúng, từ những người không biết chữ đến những vị Giáo sư, một luồng sinh khí mới.
2-Đảng (Mà cụ thể là ông Phú Trọng và ông Bá Thanh) cùng Chính phủ, Nhà nước (Cụ thể là các cơ quan hành pháp) tiếp tục công cuộc chống tham nhũng, từng bước khiến tham nhũng phải ghê tay, chùn bước.
3-Tập trung cho Nông nghiệp, tích trữ lương thực, quyết không để dân đói nếu có những thay đổi khác do quá trình “Thoát Trung” gây ra. Đồng thời chú ý những ngành, nghề có thể mang lại nguồn lợi kinh tế nhanh và chắc, đặc biệt là du lịch, dịch vụ
4-Thực hành tiết kiệm, cắt giảm đến tối đa những dự án viển vông, đặc biệt những dự án “Vì tình hữu nghị Việt-Trung” Nếu phải hủy hợp đồng thì kêu gọi dân chúng “Thắt lưng buộc bụng” để đền cho họ thỏa đáng.
 Mô hình tập trung để tiết kiệm như Đà Nẵng cần được nhân rộng.
Cán bộ cao cấp được ăn ngon, mặc đẹp nhưng không được xa hoa (Ban nội chính TW phải có biện pháp theo dõi) để làm gương cho cấp dưới và động viên dân chúng
5-Từng bước nới lỏng dân chủ, xác minh lại và thả bớt tù chính trị, (chỉ những người cam tâm làm gián điệp cho nước ngoài... nhằm dọn đường cho một cuộc xâm lược mới, mới gọi là tù chính trị và cần giam giữ. Những người phê phán Đảng nhưng không tổ chức lật đổ Đảng thì cần lắng nghe, nếu họ đúng thì Đảng sửa, nếu họ sai thì tổ chức những cuộc tọa đàm để phân tích, giải thích).
5-Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành luật báo chí và luật biểu tình.
Người dân có thể nói, viết bất cứ điều gì (Kể cả chửi bới) nhưng không được ảnh hưởng đến hoạt động của người khác, không được dùng bạo lực. Khi đã có luật thì thẳng tay đàn áp những kẻ phạm luật.
6-Tiến tới bầu cử thật sự
Về Đảng, có thể cứ làm như đang làm nhưng Đại biểu Quốc hội phải thật sự do dân bầu, chỉ phân bổ theo đầu người (Bao nhiêu dân có một đại diện), hạn chế Đề cử, nới rộng Ứng cử, không cần Cơ cấu (Nam-Nữ, ngành nghề...). Người được bầu (Quốc hội và những chức danh do Quốc hội bầu) phải có chương trình và lộ trình hành động cụ thể (Dùng để tranh cử), có lịch xem lại để từ chức hay bãi nhiệm nếu không làm được như lời hứa.
Các chức danh khác (Có con dấu, chủ tài khoản) cũng vậy. Ví như: toàn bộ công nhân, kỹ sư bầu ra BGĐ, rồi BGĐ lại bầu ra GĐ, tất nhiên có kiểm soát của cấp trên)
Phải làm sao để những kẻ hám lợi, bất tài, nghĩ đến làm quan là sợ, làm được như thế chẳng những nạn mua quan bán chức không đánh cũng chết mà tham nhũng cũng ít đất tồn tại.
7-Thật sự cầu thị, thật sự hòa giải dân tộc.
Không dùng cụm từ “Ngụy quân-Ngụy quyền” để chỉ Nhà nước và quân đội VNCH.
Nhà nước và/hay các tổ chức xã hội, đặc biệt là MTTQ có hoạt động thiết thực giúp đỡ một số gia đình quân nhân chế độ VNCH hiện có hoàn cảnh khó khăn. Không phân biệt đối xử khi học hành (Du học), bổ nhiệm, vào Đảng.
Mời, nhận, sử dụng những chuyên gia của chế độ VNCH đang sống ở trong nước và nước ngoài cùng chung tay chung sức xây dựng nước nhà, đặc biệt là các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, kể cả quốc phòng.
8-Tìm liên minh: Khi đã ổn định, khi đã thật sự “Thoát Trung” khi tiếng nói của ta đã có người nghe, người nể thì tìm bạn mà làm đồng minh. Loanh quanh thì vẫn Mỹ-Nhật-Nga-Trung. Tin rằng khi đó ta đủ tỉnh táo để “Chọn bạn mà chơi”, tôi không loại trừ liên minh với Trung Quốc nhưng là Liên minh chứ không phải Chư hầu. Đừng quên trung thực, gắn bó với ASEAN.
Đảng Cộng sản Việt Nam làm được như vậy, thết nghĩ chẳng ai lập đảng đối lập làm gì ..., lo chi việc đa nguyên đa đảng.
Làm được như vậy, những bầy sâu không phun thuốc cũng tự chết.
Làm được như vậy... Trung “Đại Bàng” cũng phải nể sợ ta chứ nói gì Trung Cuốc...!!!
Làm được như vậy không những quốc phòng mạnh, an ninh vững, kinh tế giàu mà văn hóa cũng lành mạnh trở lại. Không những giáo dục yên ổn mà các đội tuyển bóng đá, câu lông, bóng bàn... 5 năm không vô địch SeaGame một lần mới là lạ...!

Nhắc lại lần nữa: Tôi không phải một chính trị gia, cũng chẳng phải là một kẻ thiên tài nên không dám bàn đến quốc gia đại sự, trên đây chỉ là những ước nguyện của tôi, một công dân mà thôi.

Xin các bạn nhớ thế!




SAO GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ....! (2)

THÓI GHEN TỴ

Cách đây không lâu, ở Việt Nam lan truyền nhiều câu chuyện “Tiếu lâm hiện đại”. Một trong những chuyện ấy kể rằng: Một hôm, Diêm Vương vừa tiếp khách vừa thực thi nhiệm vụ. Khách thấy ngài bỏ 4-5 thằng Việt Nam vào vạc dầu rồi thản nhiên nói chuyện thì ngạc nhiên hỏi:
-Kìa...! Ông không đậy vung vào, chúng nó trốn mất thì sao ...?
Diêm Vương bình thản trả lời.
-Thường thì như thế, nhưng riêng bọn này ... không sợ...!
-Sao lại không sợ...?        
-Bọn khác mà mở vung, chúng sẽ cõng nhau trốn, riêng bọn này, hễ một đứa trèo lên, sẽ có ba đứa khác kéo xuống... Vậy, không cần đậy vung!
Thường thấy ở những cơ quan nhà nước, khi còn cùng hội cùng thuyền với nhau, khi cùng "Ngồi bệt" như nhau thì vui vẻ lắm, nhìn nhau mà làm, nhường nhau mà ăn và cùng nhau... "Kể tội, nói xấu lãnh đạo" ... ghê lắm...! Cứ như thể họ mới là những người mẫu mực...!
Nhưng hễ mọt người trong họ sắp vào Đảng, sắp được đi nước ngoài hay sắp được đề bạt là y như rằng xì xào chê bai, tỵ nạnh..., không ít trường hợp phát đơn kiện, đôi khi kiện không phải để mình được mà đơn giản là không để người ta vượt mình, hơn mình.
Khoa nọ có đến bốn, năm ông tiến sỹ như nhau, ông nào cũng tim mọi cách để được làm trưởng khoa..., mãi mà không ai chịu ai, "Trên" mới cho cô CKII làm trưởng, thế là ... vui vẻ cả...!
Viện nọ có Giám đốc mới nghỉ hưu, cuộc đua của các PGĐ không phân thắng bại, hễ định cử người này thì những người khác lại xui nhân viên của mình kiện..., Chán! "Trên" mới cử người từ nơi khác về, thế là .... Vui vẻ cả...!

Và hãy nghe nhân sỹ TQ kể về người của mình:

Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch.
Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.
Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.

Ông này nói có lý lắm, trong thể thao, những môn thi đấu độc lập như bóng bàn, Cầu lông thì TQ rất giỏi, VN cũng có hạng về cờ vua nhưng những môn cần tính tập thể cao như bóng đá thì cả hai cùng ... không thể khá lên được!
Lạ nhỉ! Sao lại ... Giống nhau đến thế!

KHÔNG BIẾT, KHÔNG QUEN NHẬN LỖI...!

Tôi đang kể ra những tính xấu, tính chưa tốt của nhiều người Việt (Trong đó có tôi), tức là tôi đang thực hiện cái nhiệm vụ rất cơ bản của một người “Chiến sỹ cộng sản” đó là: “Thể hiện tinh thần đấu tranh, Phê và Tự phê”.
Từ bé tôi đã ghét thói nịnh bợ, tôi thật lòng khẳng định với chính mình như vậy và tôi cứ tin rằng, tôi là một người ... “Không ưa nịnh”.
Cho đến một lần, khi tôi phụ trách một khoa ở Bệnh viện X, mụ y tá (Người nổi tiếng đanh đá, ngoa ngoắt) lả lơi, sờ sờ cái tai tôi mà nói:
-Ôi...! Bác có cái tai đẹp thế... nhỉ! Phúc hậu thế...ế... nhỉ! Cứ như là ông phật ấy ... nhỉ! Mà cái mũi nữa chứ..., mũi “Túi mật treo” này là sau ... giàu có la..a...ắm đây...!
Mặc dù biết tỏng rằng, ngay khi tôi bước một chân ra khỏi phòng, mụ sẽ nói một câu đại loại như:
-Đ. mẹ cái thằng ...!
Nhưng những ngón tay mũm mĩm của mụ, cái giọng nói của mụ đã đủ làm tôi (Dù chỉ vài giây) bay bổng, lâng lâng...
Từ đó tôi mới ngộ ra rằng: Hóa ra mình cũng ưa nịnh! Không biết những quan to hơn, những quan to hơn rất nhiều có “ưa nịnh” như tôi không...????
Tôi “Tự phê” như thế vì tôi biết, nhiều bạn đọc không hài lòng với loạt bài này của tôi... Xin các bạn kiềm chế, hãy nhìn lại mình, quê hương mình, đất nước mình, xã hội mình ... Cứ tự khen mình, cứ “tự sướng” để... thế này mãi sao...???
Lần này tôi muốn cùng những người như tôi, những người đã từng là cán bộ viên chức, là Đảng viên, Đoàn viên, thậm chí Đội viên, ngược lại quá khứ, rồi tự xem hôm nay đã có gì khác.
Trong đời, chúng ta đã làm bao nhiêu Bản tự kiểm điểm...? Và chúng ta đã ghi những gì trong đó...?
Chúng ta đã ghi những gì trong phần Ưu điểm...? Có phải là:
-Lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định
-Chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan.
-Hăng hái tham gia các phong trào ...
-Tích cực học tập/Nghiên cứu, tu dưỡng theo...
-Khiêm tốn, giản dị, thật thà
- ...                            
Còn đức tính tốt nào nữa của con người thì ghi nốt vào nhưng không bao giờ cụ thể. Thậm chí tôi đồ rằng nếu người ta hỏi
-Anh/chị bảo rằng lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định... vậy lập trường của anh là gì? Anh kiên định với cái gì..?
-lý tưởng cộng sản...!
-Vậy lý tưởng cộng sản là gì...?
Đồ rằng đa phần ... cóc biết là cái gì...!

Và ta đã ghi những gì trong phần: Nhược điểm ...? Có ai ghi: Độc đoán, bảo thủ, dấu dốt, tham lam, tắt mắt.... không...? Chắc chắn là không...! Vậy ta đã ghi gì nếu không phải là:
-Đôi khi còn rụt dè trong đấu tranh phê bình
-Kiến thức còn hạn chế
-Đôi khi còn nóng nảy...

Ôi...! Giá như tất cả chúng ta đều làm đúng và làm được như những gì ta tự nhận xét thì đất nước này đã hùng cường, đã lên CNXH, CNCS từ ... tám hoánh nào rồi!
Phàm đã là người thì ai chả có lỗi, người giữ vị trí càng cao thì lỗi càng nguy hiểm, vấn đề là nhìn ra lỗi để khắc phục để không mắc nữa..., có thế mới tiến bộ.
Ở ta, biểu dương công trang một cá nhân thì dễ nhưng hàng bao nhiêu thất bại, có những thất bại trả bằng núi xương, sông máu, có những thất bại đẩy lùi dân tộc hàng trăm năm, khi thì quân sự, lúc kinh tế và đặc biệt là văn hóa nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nhận lỗi bởi hình như không ai có lỗi...!
Ô hay...! Công là công, tội là tội, thành tích là thành tích, lỗi là lỗi chứ...! Có sao đâu nhỉ...!
Một ông Bác sỹ dù giỏi đến đâu, mỗi tháng mổ vài trăm ca mà bảo: Toàn đúng cả! Không có ca nào phải ân hận suy nghĩ thì ông này là ... NGỢM chứ không phải là người...!

Và đây! Hãy nghe người Trung Quốc nói về mình:

Người Trung Quốc không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình. Có một câu tục ngữ: "Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm" (Bế môn tư quá). Nghĩ về lỗi của ai? Dĩ nhiên của đối phương.
Lúc tôi đi dạy học, học sinh hàng tuần phải viết tuần ký để kiểm thảo hành vi trong tuần. Kết quả kiểm thảo thường là: "Hôm nay tôi bị người này người nọ lừa tôi. Cái người lừa tôi ấy đã được tôi đối xử mới tốt làm sao, cũng bởi vì tôi quá trung hậu!". Lúc đọc đến kiểm thảo của đối phương, lại cũng thấy anh học trò kia nói mình quá trung hậu. Mỗi người trong kiểm thảo của mình đều là người quá trung hậu. Thế còn ai là người không trung hậu?
Người Trung Quốc không thể nhận lỗi, nhưng cái lỗi vẫn còn đó, đâu phải vì không nhận mà nó biến mất. Để che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi. Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa.
Họ liên miên khoa trương về dân Trung Quốc, về tộc Đại Hán, huyên thuyên về truyền thống văn hóa Trung Quốc, nào là có thể khuếch trương thế giới, v.v... Nhưng bởi vì không thể đưa ra chứng cớ thực tế nào nên tất cả chỉ toàn là những điều bốc phét.

Cứ nghiêm túc so sánh mà xem... Sao giống nhau đến thế!
(Còn nữa)

SAO GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ-1

(Viết dịp giàn khoan 981)

Tôi băn khăn về người Việt và người Hoa từ lâu lắm rồi.
Thủa còn bé tý đôi lần thấy những người gầy gầy, râu dài, búi tó, mặc áo dài đen, khi thì đeo bị, khi thì quẩy gánh đi khắp chợ cùng quê, miệng rao
-Thốc! Thốc!
-Thu ..uốc...ơ!
Mỗi lần như vậy, bà tôi, mẹ tôi lại nhắc nhở thận trọng, không được cho họ vào nhà..., bon Tầu bán thuốc rong này... lắm trò lừa đảo lắm.
Trong quá khứ, nhà tôi đã từng cưu mang một ông thầy như vậy, ông ta ăn ở trong nhà cả vài tháng trời, cư sử rất tốt nhưng một sáng ngủ dậy không thấy ông ta đâu nữa, ông tôi phát hoảng nói gia nhân kiểm tra trong nhà, dưới bếp, nhà ngang... không thấy mất gì, khi ra vườn thì phát hiện rất nhiều những cái bình, kiểu như bình vôi, vết đất dính còn mới. Ông tôi kết luận.
-Nó đào vàng rồi!
Lớn hơn, có lần xuống Hải Phòng, thấy ngoài đường chỗ nào cũng bán trái cây... “Dầm”, gọi là trái cây cho sang chứ chỉ có sấu, khế và me.
Bà dì (Vợ hai của bố) làm bếp ở một khách sạn trung tâm thành phố, bếp trưởng là người Tàu. Một hôm, không biết sơ ý hay tắc trách, đám nhân viên người Việt làm hỏng việc gì đó, bà bếp trưởng người Tàu tức lắm, tức thì chửi, đám nhân viên biết lỗi thì im..., họ càng im thì bà ta lại càng tức, từ chửi mắng cá nhân đến tập thể, cuối cùng bà ta nâng lên tầm "Quốc gia dân tộc".
-Cả lò, cả ổ piệt Nam nhà chúng mày...! pừa ngu pừa lười...! Chỉ ăn sẵn...! Chỉ nói phét...! Không có người Tàu chúng tao á... thì... ăn cả cứt...!
Tất nhiên, đến mức ấy thì máu “Quật cường” của người Việt trỗi dậy, một bà quyết không chịu lép vế.
-Ừ người Việt chúng tao ngu... nhưng mà chúng tao được ăn sẵn..., chả như chúng mày, cái đ, gì cũng dầm..., sấu dầm, khế dầm, me dầm...., củ đậu dầm...! Đe..èo... mẹ...! Còn cái đầu D bố mày đấy...., sao không đem dầm nốt mà ăn...!
Chuyện cãi nhau ầm ĩ nhưng rồi cũng thôi, khi đó đang có chiến tranh, ta đang đánh Mỹ hộ TQ và TQ đang giúp ta nhiều thứ quan trọng để đánh nhau.
Sau này là chuyện nhà máy điện Ninh Bình, kèm theo cái việc họ “Chơi xỏ” ta để khói bụi tràn vào thành phố là những chuyện đào vàng cất giấu từ thời cụ tổ nhà họ sang đây vơ vét.
vân vân và vân vân, cho đến chuyện họ cướp Hoàng Sa, nhưng lúc đó còn “Anh em” ghê lắm..., quả thực nếu người dân lúc đó nghĩ “Thôi thì lọt sàng xuống nia” cũng không phải là lạ...!
Mặc dù ngay sau 1975 họ đã trở mặt đòi ta nhiều thứ nhưng “Trên” không phổ biến rộng rãi, đến khi họ đánh biên giới phía bắc, đứng sau Pôn Pốt đánh biên giới phía Nam thì đa số loại dân như tôi mới ngã ngửa người ra.
Thế rồi giằng co, họ không để ta yên, dọc biên giới họ đớp được miếng nào là đớp ngay, Thế rồi họ xả súng máy bắn những người Công binh không vũ khí ở Gạc Ma. tất cả những hành động man rợ nhất cũng không thể MỌI RỢ hơn hành động xả súng vào những người không chống cự này.
Trong thời kỳ chiến tranh biên giới, tôi nhớ đã nghe, đã đọc ở rất nhiều nơi, từ những tài liệu chính thống, từ những cơ quan tuyên truyền nhà nước cái khẩu hiệu: “Kẻ thù trực tiếp, lâu dài, nham hiểm của ta là bọn bành chướng Trung Quốc”
Thế rồi đùng một cái, không biết từ đâu đẻ ra những 16 chữ và 4 tốt để từ đó họ thật sự mặc sức phá ta, phá từ “kiến trúc thượng tầng đến hạ tầng cơ sở”... cái tôi nghe thấy đã không thể kể ra cho hết, cái tôi chưa biết, chắc còn nhiều, còn sâu hơn nữa.
May mà họ ngang ngược mang cái giàn khoan đến cắm vào hải phận nhà mình để những bộ óc u tối nhất, ngu xuẩn nhất, tham lam nhất, đê hèn nhất cũng phải bừng tỉnh, chí ít thì cũng không dám há mồm ra mà nói 16 chữ, 4 tốt được nữa..., cái thòng lọng ấy đã thít vào cổ dân tộc rồi....
May là, vì tham vọng bá chủ biển đông, bá chủ thế giới, họ đã đành phải lộ mặt với Việt Nam, nếu không thì họ còn xâu mũi dắt ta đến tận đâu...?
(Còn tiếp)

Chỉ duy nhất một lần đi Hải Nam, nơi anh bạn hướng dẫn viên du lịch chỉ cái bia đá có khắc chữ “Chân mây cuối trời” và nói:
-Đây là cực Nam của Trung Quốc, hòn đảo này xưa là nơi lưu đày tội phạm, một trong số đó là Lâm Sung mà chắc các bạn đã biết.
Cho đến trước vụ nạn kiều thì cơ bản hòn đảo này vẫn hoang vu, (trừ thành phố Hải Khẩu), dân Hoa kiều chạy về, nếu không đủ điều kiện đi nước thứ ba thì Được chính phủ TQ cho định cư ở cái xứ “Chân mây góc trời” ấy.
Thế nên tôi không biết nhiều về người Trung Quốc nhưng với những người được gặp, với phim ảnh và ti vi, tôi cứ giật mình thon thót so sánh người phía nam TQ với người của ta ... “Sao giống nhau đến thế...!”
Một lần đi công tác Lào Cai, lang thang bên đất bạn bỗng tôi giật mình thấy một người dàn ông nhỏ thó gầy guộc, ngồi dưới gốc cây xoài ngay bên hiên nhà, anh ta nhấc cái điếu Tống (Loại điếu cày to nên gọi là Tống chứ không phải nhà Tống) từ nửa cái chum sành đã vỡ, rít rít cho vê thuốc cháy hết, nghiêng người xì tàn vào cái chum vỡ, rít tiếp một hơi thật dài rồi ngẩng mặt lên vòm lá mà phả khói... hình ảnh ấy, tôi đã gặp đâu đó trong ngõ chợ Khâm Thiên... Trời ơi ...! Sao giống nhau đến thế!

Khi loài người còn chung sống thái bình, chưa tạo ra cái sản phẩm văn minh nhất mà cũng bẩn thỉu nhất là Nhà nước để trói buộc nhau, khi chưa có cái gọi là “Biên giới” thì gốc gác, nếu không cùng cũng là gần gũi... chuyện ấy có gì là lạ!
Khi các bộ lạc lớn dần thành nhà nước, rồi các nhà nước đi thôn tính lẫn nhau, nhập vào rồi tách ra ... Chuyện ấy, cũng ..., chẳng có gì là lạ!
Người phương Bắc thôn tính mảnh đất này, một nghìn năm biến thành một quận của họ, truyền bá văn hóa, áp đặt chính trị, đồng hóa giống nòi nên có thấy: “Sao giống nhau đến thế” cũng... chẳng có gì là lạ!
Tuy không muốn nhắc đến nhưng trước khi nói về những cái “Sao giống nhau đến thế” thiết tưởng cũng cần rành rẽ.
Sau 1000 năm Bắc thuộc ấy, người ở mảnh đất này quật cường lấy lại độc lập, ít nhất cũng 5 Nhà thay nhau làm Vua trị vì, với sử sách đầy đủ (Tính từ Tiền Lê, chưa tính các đời trước đó). Cho đến 1945 thì Đảng Cộng sản thống trị đất nước này đến nay, người đứng đầu hiện hời là ông Nguyễn Phú Trọng.
Vậy thì việc tách ra nhập vào xưa kia, có hay không, mức độ nào, thiết nghĩ không còn ý nghĩa gì đề tranh cãi.
Người từ phương Bắc, dẫu từ thời tiền sử hay mới đây, đến xứ này sinh sống, ăn cơm xứ này, uống nước xứ này, nói thứ tiếng này, hòa vào văn hóa này thì đều đã là người Việt Nam..., đều muốn sống hòa thuận, thân mật với người Trung Quốc... Cả người Việt và Trung Quốc không cần phải băn khăn với gốc gác từ Nam lên hay từ Bắc xuống nữa.

Hình dung diện mạo con người đã giống nhau, nếp ăn nếp nghĩ, cách sinh hoạt cũng giống nhau, tìm trong những làn điệu dân ca những nhạc cụ cũng nhiều cái na ná giống nhau. Mùa xuân về, khi bên kia đì đùng tiếng pháo cũng là lúc nồi bánh trưng bên này đỏ lửa ..., rồi những ngày cúng lễ trong năm... cứ nhìn vào văn hóa của hai gia đình bình thường nơi hai đầu biên giới mà xem.... Sao giống nhau đến thế....!

Tạm coi những điều kể trên là những cái tốt, những cái giống nhau tích cực..., bây giờ sang những điều ngược lại, tức là tiêu cực, tức là không/chưa tốt mà vẫn ... Sao giống nhau đến thế!
Bây giờ tôi mới thực sự đem bài của một học giả Trung Quốc, viết về người TQ, được dịch và đăng trên trang: Trần Mỹ Giống để xem Ta và TQ giống nhau như thế nào (Phần của học giả này được in nghiêng)
1-NÓI TO
Chẳng phải mất thì gian đến Lào Cai hay Lạng Sơn, nơi dễ dàng gặp những người Trung Quốc, cứ tìm quanh Hà Nội thôi, ở quán bia hơi, nhà hàng cỡ “Trên bình dân một tẹo” thể nào cũng gặp những nhóm người TQ, họ ăn khỏe, uống khỏe và ... “Nói to lắm” cứ như thể tiếng Trung là niềm kiêu hãnh của họ, là khao khát của thiên hạ vậy.... Khốn nạn...! Họ thừa biết rằng, nói chung thì người HN không ưa gì người Tàu.
Mà ... khổ! Tiếng Anh, thứ đa số người Việt đều đang học hoặc muốn học thì những người sử dụng tiếng Anh (Kể cả người TQ) lại thường nói rất khẽ.
Và đây là lời than của học giả TQ:

"... Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: "Chúng tôi đang thì thầm với nhau".
Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?..."


Người Việt ta cũng vậy, trong hàng quán, nơi bến xe hay trên tàu hỏa, ô tô, chỉ hai ba người, đứng ngồi sát nhau vẫn nói ... “Cực to”, như thể các bạn mình bị điếc vậy..., như thể mọi người xung quanh muốn nghe chuyện của mình lắm vậy...
Có lần, xuống Nội Bài, bắt cái Mini bus về HN, sau một chuyến bay dài ai cũng mệt mỏi, một anh bạn mở cái điện thoại bằng ba ngón tay, tiếng nhạc gì lạ lắm, cứ choẹc choẹc! Khẹc khẹc! Như một con khỉ đói đòi ăn, anh ta mở to hết cỡ rồi lim dim thưởng thức. Ai cũng khó chịu nhưng chỉ vài ánh mắt bực mình ném về anh kia một cái rồi thôi... Khả năng “Im lặng” của người Việt vẫn được phát huy. Tôi vỗ vai anh bạn nói.
-Bạn làm ơn cắm cái tai nghe vào mà thưởng thức được không? Quả thực mình bị đau đầu....!
Anh ta tắt máy, nét mặt rất vô cảm (Không bực mình, không tỏ ra ăn năn), lúc này mới có những tiếng nhao nhao phản đối..., đáng tiếc là lời lẽ và chất giọng hơi ... “Quá một tý” và anh bạn kia lại ... Im lặng.

Nếu chỉ nói cái tật nói to nơi công cộng của người VN và người TQ thì ... Trời ơi...! Sao giống nhau đến thế...!

2-XẢ RÁC BỪA BÃI

Tôi buộc phải so sánh thô thiển những người có tật xả rác bừa bãi như những con khỉ, hãy nhìn con khỉ ăn trái cây có vỏ mà xem, nó bóc, tước, nhằn, gặm được miếng vỏ nào liền vứt, nhổ, phun ra ngay ..., bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau... tiện đâu nó vứt đấy, nét mặt rất thảnh nhiên... Và các bạn hãy rình rồi nhìn nét mặt những người xả rác nơi công cộng mà xem, nó cũng vô tư ... y như vậy!
Không ở đâu, không lúc nào, Hà Nội không có rác. Chỉ có đường phố ở khu Ba Đình, trong các khu nhà dịch vụ cao cấp, nếu không thấy rác, ấy là do luôn luôn có người nhặt mà thôi.
Những “Làng lên phố” ven đô thì ngược lại, không một lực lượng nào, đông đến đâu có thể duy trì được cho vài trăm mét đường/ngõ không có rác trong vòng một tiếng đồng hồ.
Trong những quán ăn bình dân, người ta để dưới gầm mỗi bàn một cái sọt, nhưng tôi đã để ý nhiều lần và dám chắc rằng; Không quá 30% thực khách biết bỏ rác vào đấy.
Ở làng Sở, Mai Dịch (Làng văn hóa) có một cái ao gọi là ao Chạ, (chữ Chạ có lẽ từ “Chung chạ”) rộng vài ba nghìn mét vuông. Ở thời buổi tấc đất tấc vàng này, có cái ao ấy làm lá phổi quả là phúc cho dân làng... Nhưng hình như người ta không thích “Có phúc”, cứ hai tuần là gió lại thổi rác về, chiếm ¼ cái hồ, nhiều nhất là túi nilon, hộp nhựa đựng cơm, chai nước ngọt..., rẻ rách và ... đủ thứ....!
Cách đây 3 năm, nhà tôi còn ở gần hồ Ngọc Khánh, cái hồ ngay trước cửa đài truyền hình VN, kế bên khách sạn Đe U cũng chịu cảnh tương tự.
Ngày xưa, khi người còn ít, rác cũng ít và đặc biệt rác khó phân hủy gần như không có, sông ngòi, ao hồ còn nhiều, người ta đã có thói quen vứt rác ra ao hồ, ra những dòng nước chảy.
Quê tôi có con ngòi, đó là nơi để vứt xác động vật chết, giường chiếu, quần áo người mới chết.
Cuối năm dọn ban thờ, tro, bát hương phải mang ra sông ... vứt! Khi đó đã “Ngại mắt” lắm rồi nhưng cái tật xấu di truyền ấy khiến bây giờ, ngày ông Công ông Táo về trời, những người đem thả cá vàng rồi thản nhiên vứt cái túi nilon xuống mặt Hồ Gươm đã lổn nhổn những túi to nhỏ thì dường như có có bàn tay vô hình bóp lấy cổ người khác vậy.
Và đây, nhận xét của học giả TQ:

Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi. Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Pa-ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: "Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!" (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc). Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi: "Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?" Cô ta đáp: "Làm sao nổi!"

Chao ôi...! Cái vẻ mặt thản nhiên khi xả rác của người VN và người TQ... Sao giống nhau đến thế!

(Còn nữa)


Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

MỘT NGÀY HỮU ÍCH...!

Ngưỡng mộ, kính trọng, thương xót Bác Kim Ngọc từ lâu nhưng không bao giờ dám nghĩ một ngày được đứng bên ban thờ Bác..., hôm kia, anh Nguyễn Đình Toán (Chuyên chụp chân dung nghệ sỹ; Từ, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trần Dần, Hoàng Cầm... những cây đại thụ văn hóa nước nhà, đến loại tép riu như Phẫu thuật) gọi điện.
-Dũng ơi! Thứ bẩy này giỗ bác Kim Ngọc, đi không...?
-Em đi với! Có những ai anh?
-Trưởng đoàn là Trọng, đạo diễn phim “Bí thư tỉnh ủy” đấy!
-À! Xuân tóc đỏ hả anh?
-Ừ! ừ...!
-Vâng! Em đi!
Đoán rằng, đi với văn nghệ sỹ thể nào cũng phải uống nên không giám lái, nhờ xe Hải. Cùng xe còn có bác Trần Định, người có hơn mười năm giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Anh em nghệ sỹ, ba câu là thân như đã lâu lắm, ông Toán có cái ảnh chụp ông Định đang hướng dẫn bác Giáp sử dụng máy ảnh, gạ “Bán lại” cho ông Định. 
Ông Định có ảnh chụp ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đàm đạo “Lịch sử” với Góc-Ba-Chốp (nghe nói mấy ông hiến kế nhằm cứu vãn CNXH ở Đông Âu), đem ra ...”Gạ đổi”, 
Ông Định bị viêm đai vai, tôi khám một hồi, phán.
-Anh Toán ơi! Có ăn rồi...! Khỏi bán ảnh đi...!
Tôi thống nhất chương trình với các anh.
-Em là khách không mời, thắp hương xong nếu nhiều quan khách thì em rút lui chờ các bác ở ngoài.
-Chú lo xa quá, nhưng được..., anh sẽ tôn trọng!
Ngay sau khi nhận lời đi, đã hai lần ngồi vào bàn với hy vọng viết cái gì đó dâng lên bác Ngọc mà không thể nào ra được. 8h xe đến đón, 7,30 mở láp tóp đọc cảm nhận-phản hồi. Đóng máy lại, mặc quần áo, lấy chai Si-mi-lốp, phong bì..đề:
Cháu: Bs Nguyễn Vinh Dũng. Bệnh viên E Hà Nội…
Viết gì nữa đây…? Thế là ra một mạch.

Vằng vặc TÂM!
Vời vợi TÀI!
Đất nhớ CÔNG
Đời tạc DANH!
Một nén tâm THÀNH!
Linh thiêng, chứng GIÁM!
Gia đình đón đoàn như người nhà, hóa ra chỉ có vài thằng như tôi là phải giới thiệu còn lại đều đã quen cả. Thắp hương khấn Bác xong… uống nước.
Nhà thờ, (có lẽ cũng là nhà khách) chừng 4-5 chục mét vuông. Trên ban thờ, bức tượng Bác (bán thân) do Tỉnh Ủy tặng, trên tường, nhiều ảnh Bác làm việc, chụp lưu niệm với lãnh tụ Hồ Chí Minh nhưng cảm động nhất là hình ảnh Bác Ngọc với cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân đang làm việc thật sự trên đồng.
Lại một đoàn lãnh đạo nữa tới, đang định rút lui thì.
-Ơ...! Anh Dũng...!
Giám đốc Bệnh viện K74, Phó GĐ BV Lao và bệnh phổi trung ương, một thằng cùng khóa, một thằng thời Y4 đã nghe mình giảng bài…,thế là..., nhập mâm!
Các anh, chị (con trai, con gái, con rể, con dâu hai bác) lần lượt ra tiếp rượu thân mật, chu đáo…, Phê!
Những giao lưu, những câu chuyện bên mâm rượu chẳng “khoe” ra đây làm gì. 
Cách bố trí ngôi nhà văn minh-Lịch sự lắm, cỡ 40 mâm ngồi hết trong nhà mà chỗ nào cũng thoáng mát. Ngoài sân, dưới những cây lưu niên (Mít, xoài…) là rải rác những bàn uống nước.
Ấm bụng, và để tránh say tôi ra ngoài ngắm cái kiến trúc bình dị mà văn hóa, khu nhà có ba mặt nhìn ra hồ nước, chả biết gì về phong thủy nhưng hình như ..., khuyên khuyết thế nào ấy…
Đang thơ thần thì Bác Gái tới nói chuyện, thân mật và giản dị như bất cứ một "Bà già" nào khác.
-Thưa Bác! Hôm nay, cháu là khách không mời, nghe tiếng Bác trai đã rất lâu, kính nể và thương xót lắm... Khoán hộ xé rào cho khoán mười và nhờ có khoán mười mà đời sống thay đổi... Mẹ cháu trước khi mất cũng được hưởng đôi chút... Dân và Nước kính trọng ghi công Bác trai... Hôm nay cháu lên đây chỉ mong được thắp hương bày tỏ đôi lời với Bác trai, lại được Bác và các anh các chị chu đáo, cháu cảm ơn...!
Bà cụ cầm tay tôi, tâm sự những điều đau và tức (không tiện nói ra ở đây), rồi cụ giới thiệu.
-Tỉnh cho mấy chỗ đất khác tốt hơn cơ ... bác ạ, nhưng ông nhà tôi nhất định không lấy, ông ấy bảo “Dân đã có gì đâu mà cướp của người ta!” rồi lấy khu đồi hoang này bắt vợ con cải tạo mà dùng. Ngôi nhà này, mấy người kiến trúc vẽ cả tuần rồi đưa ông duyệt, ông ấy bỏ hết, ngồi vào bàn năm phút và vẽ như thế này đấy..., ba gian trước thôi..., phía sau là các em, chúng nó làm thêm.
Thấy hai Bà-con đứng với nhau, anh Toán rồi anh Định, lượn vè vè xung quanh, chả biết quay hay chụp.
14h. Những đoàn cuối cùng chào gia đình...
Ra cổng, lại chụp ảnh, xe từ trong nhà ra… nhập, chụp tiếp...., lại nhập..., lại chụp…. Văn nghệ sỹ, công an tỉnh, Y tế, Ngân hàng, Sở Nông nghiệp. Quen cũ, quen mới chào nhau í ới..., hẹn nhau sang năm…
Bây giờ thì ngồi đây viết lại, sau cuộc gặp ở Bà Triệu rồi về Café Lộc Vàng. 
Anh Lộc cùng nhóm với anh Toán Xồm trong “Vụ án nhạc vàng”, (các ông ấy mê nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn… những Thiên thai, Suối mơ…) ngày ấy bị cấm, họ đóng cửa ngồi hát với nhau... Thế thôi! Nhưng giấu làm sao được ở cái thời .. “Mỗi người dân là một chiến sỹ công an” ấy... Thế là họ bị bắt, bị cầm tù đến 1976 mới được tha.
Anh Toán Xồm nặng nhất, sau khi ra tù không còn bất cứ thứ gì, anh lang thang ngoài đường phố, chỉ mấy người bạn tâm huyết lắm mới thi thoảng lén lút cho anh dăm hào, một đồng… bức ảnh anh Đình Toán chụp nhạc sỹ Đoàn Chuẩn châm lửa cho Toán Xồm bên vỉa hè..., có lẽ là những ngày cuối cùng của đời người nghệ sỹ...!
 Anh chết ngoài đường…, rất tội...!
Anh Lộc, nghe đâu bị kết án 9 năm, nhưng khi trong trại tổ chức văn nghệ, anh lại không tham gia ..., thế là con số ấy bị tăng lên...
Đến khi người ta cho phép hát lại những bản nhạc ấy (được xếp vào loại “Tiền chiến”), mấy lần anh xin phép mở quán ca nhạc mà không được thậm chí còn xuýt bị “Đào tạo thêm!”.
Cho đến mãi gần đây mới mở được Cafe Lộc Vàng 17A đường Ven Hồ (Hồ Tây, đoạn Võng thị đi xuống).
Đã 70 mà anh vẫn say mê hát..., hát chỉ để được hát..., không lấy tiền, mỗi cốc nước giá có cao hơn ngoài đường ít chút nhưng còn xa mới kịp những Café âm nhạc khác.

Những bạn đã từng xem phim “Nổi Gió” có cảnh sỹ quan “Mỹ-Ngụy” ăn chơi, người nghệ sỹ cầm ghi ta chơi những bản nhạc “Thác loạn” chính là anh Toán Xồm đấy.


Một ngày hữu ích!

NHỮNG CÂU NÓI CỦA NHỮNG BẬC THẦY LỪNG DANH

Năm 1996, tôi đi thực tập ngắn hạn ở Hàn Quốc.
Khi về người ta mua đồ da, Sâm, còn tôi..., 3 ba lô sách. Hầu hết là sách Phẫu thuật thần kinh của Mỹ.
Những người thầy Hàn Quốc vô cùng tốt và tôi đã lạm dụng lòng tốt của họ như một ... thằng ăn mày! Tuy nhiên, họ cho cái gì khác cũng không nhận, không lấy. 
Cho đủ rôi, thấy tôi vẫn hau háu nhìn cuốn ICU BOOK (Hồi sức hay điều trị tích cực) ông Kim vỗ vai bảo.
-Mày cứ mổ tốt đi..., hồi sức để đứa khác lo… Thế nào...? Vẫn mê à...?
-Tôi muốn xin cho vợ.
-Vợ mày làm ICU hả...? OK! Để tao đề tặng.!
Một trong rất nhiều cái hay của cuốn sách là mở đầu mỗi Chương, mỗi phần đều có những câu của các bậc thầy nổi danh. (Thường chính là tác giả phần đó)
Tôi đã lạm dịch, xin khoe vai câu để các bạn thưởng thức
1- “Man is a mystery. It must be solved
And if you spend all your life trying to solve it,
You must not say the time was wasted
I have chosen to occupy myself with this mystery,
For I wish to be a man.”
Fyodor Doestoevsky
August 16, 1839
Con người là bí ẩn cần khám phá
Nếu vì thế bạn hiến dâng tất cả
Cuộc đời ta sẽ chẳng phí chút nào
Tôi đã từ muôn vạn những đỉnh cao
Chỉ muốn biết, con người là như thế
M.D, NG. V. DUNG
August, 21.1996
2- In science, you don’t have to be polite, you only have to be right!
Max Perutz
Trong khoa học, bạn không cần phải lịch sự, bạn chỉ cần đúng.
Hay:
Khoa học không cần lịch sự, chỉ cần đúng!
Đáng buồn cho thực trạng nghiên cứu khoa học của ta ..., rất Lịch sự và rất ... ít đúng!

MỘT CUỘC ĐI CHƠI...!

MỘT CUỘC "ĐI CHƠI...!

TRƯỚC.

Vốn ít được “Đi chơi”, vừa “Qua miền Tây Bắc” thấy… thỏa mãn lắm, định bụng lâu lâu cần đi một chuyến như vậy…, lâu lâu tức là sáu tháng, một năm gì đó, còn thì phải làm việc, phải chăm sóc dạy dỗ con cái chứ…

Định thế nhưng tuần trước, chữa cái tay cho một doanh nhân (Cò con thôi), việc đơn giản lắm.

Hiện tượng đau các đầu xương lớn, thường gặp ở cổ tay, khuỷu, vai, gối trước kia (Những năm 80 về trước) hầu như chỉ gặp ở phụ nữ, đặc biệt những người trong thời kỳ mãn kinh hay đang cho con bú nhưng càng về sau này càng phổ biến, thậm chí đàn ông bị nhiều hơn, chưa thấy báo cáo nào nghiên cứu về sự dịch chuyển ấy nhưng cũng đủ thấy tác động của ô nhiễm, an toàn thực phẩm và lối sống.

 Có lẽ chính vì những cái đơn giản ấy mà họ (Hai vợ chồng) léo nhéo hẹn tôi “Đi chơi” bằng những nhời nhẽ khó mà từ chối. Cuộc hẹn được ấn định vào 9h sáng chủ nhật và điểm đến là Làng văn hóa Việt, Đồng Mô.

Thứ 7 trực, nửa đêm, một ca gãy xương nhỏ vào viện, bình thường thì chuẩn bị rồi sáng hôm sau mổ, nhưng thôi, trót hẹn rồi, động viên mọi người mổ sớm.

TRONG.

Đại lộ Thăng Long hoành tráng với nhiều cái nhất.

-Rộng và hiện đại nhất Hà Nội.

-Vắng nhất, vắng đến mức xe mình chạy đúng tốc độ cho phép (100 km/h) mà hai bên vẫn vượt vèo vèo…! Vắng đến mức không cần sự hiện diện thường xuyên của CSGT mà vẫn… rất trật tự, vắng đến mức CSGT cóc thèm ra đứng để mà bắn mấy thằng chạy quá tốc độ và sai làn đường…. sướng!

-Sướng như thế nhưng xét về hiệu quả trước mắt thì có lẽ cũng là … kém nhất!

Nói về làng văn hóa, tôi vẫn thầm “Tự hào” vì đã nghĩ về nó rất sớm, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, trước sự thay đổi chóng mặt của lối sống, tôi đã ước mong biến ngôi nhà ở quê thành cái Bảo tàng Mini với ngôi nhà chính bằng gỗ, lợp ngói ta, nhà ngang xây gạch, lợp ngói tây và cái bếp trát vách đất lợp rạ, cái chuồng lợn đắp đất lợp rạ. Trong nhà có ban thờ, xập gụ, tủ chè, tràng kỷ, tranh Đông Hồ, ngoài hè hay góc nhà có cái bình vôi, trên bàn có cái bát điếu…. Nhà ngang có cối xay lúa, chày giã gạo, vại cà, cối xay bột cùng rổ, xảo, quang thúng, đòn sóc, đòn càn… Dưới bếp có ông đầu rau, có que cời, ống đũa, trên bếp lửa là những thứ cần “Gác bếp”, trong chuồng lợn gác bộ dong gầu, cái cào ba răng, bộ thúng sơn kèm cái móng… Ngoài sân có chum tương, đầu hồi có bể nước mưa, cái đống rơm, ngoài vườn có chum nước hứng từ cái mo cau…

Nếu làm được như thế sẽ được rất nhiều việc, đặc biệt cho các con các cháu dễ hiểu đời sống ông cha…

Đã từ lâu, tôi nghe người ta kể, xem trên ti vi về cái Làng văn hóa mà tôi rất tâm đắc này, nhưng… giá như chúng nó đừng mời tôi đến bởi đến rồi tôi … vỡ mộng.

Ngoài cái biển chỉ dẫn (Có lẽ của bên giao thông) có mũi tên “Làng văn hóa Việt nam”, không có một biển quảng cáo, giới thiệu hay chỉ dẫn nào khác. Cổng vào rộng lớn nhưng người đến đây lần đầu tiên sẽ không tin bởi nó hiện đại, hoành tráng như cổng một khu công nghiệp hay sân bay thì đúng hơn. Hạ tầng tuyệt vời với những con đường trải nhựa rộng rãi, ngang dọc. Đầu làng là bức tượng Thánh Gióng mà ai ngang qua, nhìn thấy cũng phải … giật mình.

Cũng giống như ở Sóc Sơn, tượng Thánh cưỡi ngựa đạp mây nhưng rất nhỏ so với khuôn viên, đã thế cái lối vào lại ở thế cao hơn, đã thế lại có màu gì như màu đất nên khi khách “Nhìn xuống”, bức tượng chỉ còn là một đứa trẻ trâu nghịch ngợm chứ không thấy cái vị thế của một anh hùng dân tộc đã thành Thánh.

Dọc những con đường uốn lượn ấy có những biển nhỏ chỉ dẫn vào những con đường bê tông nhựa nhỏ hơn “làng Mường, làng Thái, làng …” sự sắp xếp cũng thành khu như Việt Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ. Những ngôi nhà theo phong cách từng dân tộc, vô hồn nằm trong mưa bụi.

Nổi bật trong những mái rạ mái rơm, mái cỏ thâm xì là ngôi chùa Khơ Me sặc sỡ, (điểm chính mà họ rủ tôi lên), đang có 3-4 đoàn du lịch trong nước và cũng 3-4 người khách nước ngoài, một cô hướng dẫn viên đang nói về nội dung những bức tranh mô tả quá trình tu hành của đức phật Thích Ca Mô Ni…

Đến Tháp Chàm thì trời mưa nặng hạt hơn, cũng là dịp để được chui vào lòng tháp, được ngắm nghía toàn bộ khuôn viên. Chẳng có ai để hỏi về tín ngưỡng người Chăm, họ thờ ai? Ý nghĩa những ngôi tháp là gì, cái sân cao, rộng này có phải là nới hành lễ và biểu diễn văn nghệ truyền thống?

Xa xa, bên kia cái hồ, một đàn cò trắng nhởn nhơ đậu, mưa là thế mà trên sân Gôn vẫn hoạt động, thảo nào … thằng em Vụ trưởng của tôi mê Gôn đến thế, cái thú thể thao kiêm tiêu khiển, kiêm đốt tiền này có ma lực gì vậy....? Một buổi chơi, tiêu hàng vài triệu, hàng vài chục triệu, chả thế mà toàn “Cán bộ to” mới được chơi … đúng là họ … thừa tiền!

Thằng Thi (Doanh nhân, bệnh nhân, người mời tôi đi) tỏ ra ân hận vì trời mưa.

-Tiếc quá…!

-Em đừng nghĩ thế, nội cái việc được hít thở không khí trong sạch, được ở trong Tháp Chàm, trong cơn mưa thanh vắng như thế này đã là là những ấn tượng khó quên…, em cứ sang chăm sóc vợ và các bạn đi, để anh tận hưởng một lát nhé….!

Nó đi và tôi thả mình theo những suy nghĩ miên man.

Nghe nói cũng có hội này hội nọ, có chợ này chợ khác nhưng hình như đa phần cái khuôn viên rộng lớn hơn cả sân bay Tân Sơn Nhất này… bỏ không.

Lạ nhỉ…, chỉ một hai mái nhà đã được gọi là mô hình một làng văn hóa của một dân tộc sao? Dân ta đang ham du lịch lắm mà…, khách quốc tế thèm tìm hiểu văn hóa Việt lắm mà…, bảo tồn văn hóa dân tộc đang là chủ trương của Đảng và nhà nước cơ mà… Cái cơ sở hạ tầng này có phải đang quá lãng phí không…?

Thiết nghĩ, nếu mỗi làng là một mô hình thu nhỏ của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Làng Bắc Bộ nếu có một ngôi đình, nếp chùa và một ngôi nhà dân điển hình, nhất là lại có xóm Gốm, xóm, Lụa, xóm rèn, xóm Chèo, xóm Quan họ…, đường nối các xóm phải bằng đất hay lát gạch nghiêng, cầu bằng đá nguyên khối, xây bằng gạch, bằng tre..., rồi hàng rào hai bên nơi thì Cúc Tần, nơi Dâm Bụt, nơi xương rồng thì hay biết bao….

Làng Hơ Mông phải có tường nhà chình bằng đất, xóm Hà Giang lại có hàng rào bằng đá.

Cứ thế, cứ thế về kiến trúc…

Làng Thái có nhảy sạp, làng Tày có đàn tính, hát then, làng Mông có khèn, làng Tây Nguyên có múa lân, có nhà mồ…

Thế rồi xóm này có đám cưới, xóm kia có đám tang, làng nọ lại có hội làng…, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà kinh doanh tuyển dụng và sử dụng chính những con người của các dân tộc làm … diễn viên.
Thế rồi khách có thể tham gia làm cô dâu, chú rể, với trang phục và nghi lễ truyền thống, làm chủ tế, làm tang chủ, thậm chí làm … người chết…! Với chúc tụng, chia buồn, nhạc hiếu nhạc hỷ… Ngoài vường, bên đường có đánh quay, đánh đáo, nhảy ô… khách lại có thể thử tài…

Cứ thế, cứ thế về văn hóa ….

Nếu làm được như vậy, chẳng những cái đích bảo tồn văn hóa mang tầm cỡ Quốc gia dễ dàng thực hiện mà lợi ích kinh tế mang lại…, nhắm mắt cũng biết là …kinh khủng. Chẳng những là nơi quảng bá văn hóa Việt với khách quốc tế mà còn là chốn duy trì cho con cháu tìm hiểu ông cha, cho người già thỏa lòng hoài cổ…

Lạ thật…! Sao người ta lại không làm nhỉ…! Đúng hơn là, sao người ta lại “Chưa đánh trống đã bỏ dùi” thế nhỉ…!

SAU

Sáng nay giao ban xong, tay trưởng khoa nói.

-Tưởng Đinh La Thăng chỉ võ mồm, hóa ra cũng… ác phết! Đình chỉ công tác mấy cán bộ ngành đường sắt trong vụ 16 tỷ rồi đấy…!

Một người phụ họa.

-Hắn là con người hành động…, phải có làm thì mới nói được chứ…!

Một Bác sỹ trẻ.

-Xì…! Các chú nhầm rồi…! Có phải tự ông bộ trưởng họ Đinh này, nhờ sâu sát công việc mà phanh phui, mà quyết định này nọ đâu…! Chẳng qua là báo chí Nhật đã làm ầm lên rồi…! “Bởi thời thế, thế thời phải thế” thôi, các chú ơi!

Một Bác sỹ khác.

-Tôi còn nhớ một tay kiến trúc sư bị trầm cảm, hắn nói, hắn tìm được đối tác nước ngoài, lập dự án Làng văn hóa trên một vùng bãi cát miền trung… khả thi lắm nhưng riêng bọn lâu la (Xin giữ nguyên lời) của văn phòng (Xin giấu tên một văn phòng cao ngất ngưởng) đòi 16%..., hắn nói: Còn lãnh đạo của cái văn phòng ấy, bộ chủ quản và các bộ liên quan, rồi còn lãnh đạo địa phương… rồi đền bù người dân… còn đâu tiền để đổ vào dự án nữa…! Thế là hắn ức và hắn trầm cảm….!

Tôi không nói gì, nhưng nghe hết, và tôi vỡ nhẽ…, cái Làng văn hóa kia chắc cũng vậy…, người lập dự án, người ký quyết định, các bên tham gia thi công, giám sát… chắc đã … Xong cái “Mục đích” của mình rồi …!

Thế nên cái làng mới chỉ có cái nền, bây giờ: Đánh trống mà "giữ dùi” thì chỉ để nghe chứ…, “Ăn” làm sao được…!!!
Phải đánh trống bỏ dùi mới có cái mà... chén...!!!


BÀN VỀ Y ĐỨC (Bài viết cũ)




Hôm qua nghe cô Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn … thật lòng, tôi thấy, nó … cứ thế nào ấy! Nghĩ thế nhưng chẳng nói với ai.
Sáng nay, (sau giao ban khoa, thường có vài phút “Thời sự” trước khi giao ban viện), một cậu y tá nói.
-Nghe bộ trưởng trả lời nó cứ… thế nào ấy!
Quái …! Sao nó có ý nghĩ giống mình đến thế nhỉ …!
Thôi.., vặn nó: Thế nào là thế nào? Thì biết … thế nào …!
Trước khi bàn về Y đức, xin kể một chuyện.
Bệnh viện E Hà Nội có một cái ao to lắm, đẹp lắm, nghe đâu người Tàu thiết kế và xây từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Bởi vì thời gian đã qua lâu, bởi vì vữa ngày ấy không tốt nhưng gạch thì già lắm nên vữa mục hết mà gạch còn nguyên. Cái ao còn có thể gọi là cái bể cảnh, xưa từng có nhiều người bơi và cũng từng có người chết đuối ở đây.
Đã gọi là ao cảnh thì cũng như cái bể tức là phải đổ nước vào và múc nước ra.
Lịch sử thay đổi, thiết kế cho Trường tài chính lại biến thành Bệnh viện và hai dãy nhà 4 tầng ngoài cùng biến thành khu tập thể, tập thể của viện thì chất thải cũng phải đổ vào viện, thế là người ta đục hai góc bể để nước thải của hai khu tập thể đổ vào đấy.
Năm 2007, khi tôi về làm việc, nước bể đã bẩn lắm nhưng còn ối cá rô phi, những hôm “Trở trời” chúng nhao lên mặt nước từng đám.
Hai năm sau, khi mà nước cống cứ đổ vào rồi thấm qua các mạch vữa mục xuống lòng đất, cái bể ô nhiễm ngày càng nặng, cá chết hết. Cá chết thì giun phát triển, những sáng mùa hè, thay vì cá đớp đen mặt hồ là những mảng giun đỏ mặt nước, cánh nuôi cá cảnh tha hồ vào vớt..., thế rồi giun cũng không sống được nữa, hai năm nay thì ngày đêm cái hồ bốc mùi kinh khủng gây bức xúc cho nhân viên và người bệnh.
Vài lần, tôi nói cạnh nói khóe, kích động bọn lãnh đạo…, thế rồi trước tết vừa rồi, người ta mới cho xây cống, không đổ nước thải vào cái bể ấy nữa…, tát cạn đi…, vét bớt bùn… Thế rồi tôi thấy người ta bơm nước vào và tôi cũng thấy nước cống… rỉ vào. Họ mang hoa súng về trồng, mang cá về thả…, Mới hai tháng mà cá chết rồi…, hoa súng chết cũng gần hết rồi.
(Bài này viết ngay sau tết, bây giờ hoa nở nhiều lắm, cá vẫn sống, cái ao đồng thời là cái rốn nước chống lụt)
Dọn rồi! không cho cống đổ vào nữa rồi (Chỉ thấm thôi) mà đến cá rô phi, đến hoa súng còn chết.
Vậy thì ai dám ném một củ sen xuống rồi bắt nó phải nở những bông hoa “Không tanh mùi bùn”…?
Đó là cái lý khiến khi nghe bộ trưởng Kim Tiến trả lời về Y đức người ta cứ thấy … nó ... thế nào ấy!
Vậy, khi nói về đạo đức ngành y (Tôi không muốn dùng từ “y đức” nữa, nghe chán lắm rồi) ta cần xét các Thầy thuốc trong bối cảnh xã hội, họ từ đâu ra? Họ được đào tạo như thế nào? Họ đã và đang được sử dụng như thế nào? Họ muốn những gì?
Tôi không muốn bàn sâu về vấn đề này, chỉ khẳng định rằng: Chỉ khi nào ta có đạo đức xã hội tốt mới hy vọng có đạo đức nghề y tốt!
Vậy thì ai có thể thay đổi được đạo đức ngành y đây?
Đa số các thầy thuốc đều muốn làm người tốt nhưng:
Khi ra trường, họ có phải mất tiền xin việc...? Cái giá để được làm việc ở những Bệnh viện “Không ra hồn Bệnh viện” là bao nhiêu? Cái giá để được làm việc Tại Bệnh viện “Ra hồn bệnh viện” là bao nhiêu...?
Thì cứ suy từ các ngành khác mà ra thôi!
Họ có được thả sức khám, chữa bệnh, nghiên cứu theo đúng luật pháp nhà nước, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp...? Hay phải làm theo, làm thuê cho những ông/bà trưởng khoa, giám đốc mà từ lâu, chả khác gì những ông chủ tịch huyện chủ tịch phường, đã trở thành những ông Vua, bà chúa...?
Có ai tin rằng, B bệnh viện tuyến dười (Huyện, tỉnh) có bệnh nhân nặng, chuyển lên tuyến trên rất nguy hiểm, trong khi ở đó có bác sỹ, có thể giải quyết được nhưng không được và không nên giải quyết... ?
Không được là vì lệnh của lãnh đạo, Lãnh đạo không muốn rắc rối, không muốn tỷ lệ tử vong làm mất danh hiệu này nọ, không muốn những tay bác sỹ kia “Chơi trội”…
Không nên là vì, nếu cứ cố làm đúng chức năng, cố giúp người bệnh, nếu không may gặp rủi ro thì khi lãnh đạo xử thì ai giúp mình…?
Có ai tin rằng phạm vi hoạt động chuyên môn của một Bệnh viện huyện, tỉnh lại bị một ông bí thư hay chủ tịch ở đó quyết định không …?
Có ai tin rằng, việc nhận nhân viên, đấu thầu máy móc, thuốc men, việc triển khai một kỹ thuật mới ở một Bệnh viện nào đó lại không vì mục đích khám chữa bệnh và phát triển Bệnh viện không...?
Ngược lại, có ai tin rằng việc bệnh viện X triển khai một ca ghép tạng, thêm khoa này khoa khác… chỉ nhằm mục đích để lấy “Thành tích”, chỉ để lấy kinh phí (Thêm chỉ tiêu) …?
Còn rất rất nhiều nguyên nhân nữa, trong đó có đòi hỏi của đời sống, người thầy thuốc cũng có mẹ già, con nhỏ...
Người thầy thuốc ra đường có bị CSGT bắt nạt không...?
Khi làm các thủ tục hành chính có mất tiền lót tay không...?
Muốn con cái được học hành “Tử tế” có mất tiền không …?
Vân vân và vân vân…, cũng giống như những người dân khác.
Đạo đức xã hội xuống cấp, có tình trạng “Ăn vạ” bệnh viện không? Người viết từng trực tiếp nghe được câu này
-Địt mẹ nó …! Sắp chết, mang vào Bệnh viện là …”Có tiền”!
Có ai tin không…??? Và vô phúc cho Bác sỹ nào tiếp nhận ca đó...!!!
Ngày mới ra trường, ông Bí thư đảng ủy bắt tôi phải viết cái khẩu hiệu “THẦY THUỐC PHẢI NHƯ MẸ HIỀN” rồi treo ở phòng khám Bệnh viện X, tôi đề nghị.
-Cháu sẽ làm nếu chú đồng ý cho cháu viết theo kiểu… “Câu đối”.!
-Tức là thế nào?
-Nếu đã có “THẦY THUỐC PHẢI NHƯ MẸ HIỀN” thì phải có “NGƯỜI BỆNH PHẢI NHƯ CON NGOAN”.
Đương nhiên là ông ta không đồng ý và cũng đương nhiên là tôi không làm, thà để ông ta ghét còn hơn để người ta lăng nhục mình và đồng nghiệp.
Không ít trường hợp để đối phó với người “Ăn vạ”, lãnh đạo đem nhân viên ra “Trảm” để “xoa”… Điều đó có, hay không...???
Phải…! Khi cái tốt không còn đất sống thì nghề Y khó mà làm ngoại lệ....!
Ai đó sẽ bảo “Nói thế thì hòa cả làng à” nhưng đấy có phải là thực tế không?
Vì vậy, đừng đòi hỏi cô Kim Tiến phải có “Biện pháp ngay lập tức” nâng cao đạo đức nghề Y, bởi ra công văn, chỉ thị là “Nghề” của lãnh đạo …, đừng có “Thách nhà giàu húp tương!”
Vấn đề là giá trị thực tế của những công văn chỉ thị ấy …, đừng bắt người ta phải làm những việc vô ích bởi như thế, không khéo ta lại làm hư nốt cả lãnh đạo...!
Tôi nghe cái lệnh ở đâu đó: “Hễ có khiếu kiện là kỷ luật” mà … rùng mình, dân sẽ nhao đến viện để kiện, Bác sỹ muốn tiếp tục hành nghề thì bỏ tiền ra mà … Chạy…, thật là “Bỏ thêm dầu vào lửa...!”.
Chả nhẽ bó tay…? Xin thưa rằng… không!
Tất cả những gì có thể làm được lúc này (Hy vọng ít nhiều có hiệu quả) là:
1-Tổ chức hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh, hướng những người có tư chất không phù hợp sang ngành nghề khác.
2-Nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao thời lượng, hình thức giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong các trường Y, lấy 10 lời thề của Hypocrat, của Hải Thượng Lãn ông làm cơ sở, tránh những giáo điều, khẩu hiệu (Kiểu như “Những điều quy định về Y đức”), tổ chức cho sinh viên y hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện để họ sớm thật sự hiểu hoàn cảnh, tâm lý, tâm tư người bệnh.
3-Tổ chức những hội thảo đánh giá thực trạng mọi khía cạnh tâm lý xã hội và tâm lý Bệnh viện (Thầy thuốc, người bệnh, người nhà). Tìm ra những người thật sự có nhiều kinh nghiệm, thật sự tâm huyết, có khả năng để giảng dạy nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm thầy thuốc cho nhân viên Y tế. Bỏ ngay những giáo điều như “Phải thương yêu người bệnh …, phải tận tình …, phải chu đáo…” mà đi vào cụ thể, bám theo câu hỏi: Tại sao phải…? Phải như thế nào …?
4-Kiến nghị hành pháp xử lý nghiêm minh những sai phạm cả phía thầy thuốc và đặc biệt phía người bệnh bởi một xã hội mà Trò ngược đãi Thầy, Người bệnh ngược đãi Bác sỹ là một xã hội đã đến bờ diệt vong.
5-Phối hợp với các tôn giáo (Nhà chùa, nhà thờ) tổ chức giảng đạo lý cho các tín đồ , cho cho nhân viên Y tế và cho dân chúng (Về quan hệ Thầy thuốc-Người bệnh).
6-Ra những quy định cụ thể thay cho những khẩu hiệu chung chung tại các cơ sở khám chữa bệnh (Đơn giản từ cách sưng hô Nhân viên-Người bệnh-Người nhà, Bác sỹ-Y tá-Hộ lý)
7-Nếu muốn ngành Y là “Đầu tàu gương mẫu” thì Vụ thi đua khen thưởng hãy làm đúng chức năng của mình để khen ra khen, thưởng ra thưởng, kỷ luật ra kỷ luật, đúng người, đúng công, đúng tội… Để kịp thời biểu dương cái tốt, ngăn chăn cái xấu, cương quyết không làm hình thức, bởi khi xấu tốt lẫn lộn khiến nản lòng nhân tố tích cực và là mảnh đất tốt cho tiêu cực
Làm được như thế là ngành Y mới có thể góp một bàn tay rửa bộ mặt xã hội!
Làm được như thế mới hy vọng có môi trường Y tế tốt hơn!

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Mùa thu VÀO hoa cúc...!




Thế hệ chúng tôi không biết nhiều về Nho học, Hán học.
Ngày đi thực tập ở viện Y học cổ truyền, thấy ông thầy nói: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn” thì lấy làm tâm đắc lắm..., vạn vật tồn tại trong vũ trụ đều tuân theo quy luật ấy.
Một năm qua đi để có năm mới, thế hệ này qua đi để có thế hệ mới..., đời người cũng như hành trình thời gian của một năm vậy, con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sinh con đẻ cái, già yếu rồi chết đi...
Mùa xuân, sau những ngày khô lạnh, khí trời mát mẻ ấm dần, mưa xuân đủ cho cây cối đâm trồi nảy lộc..., trên từng cành lá, trong từng góc vườn, cả trái đất phủ một màu xanh non lá mới.
Ứng với đời người thì tuổi xuân là khi được sinh ra, được nuôi dưỡng, chăm sóc và được học những bài đầu tiên.
Mùa hạ, với nắng gắt mưa rào, sắc lá sẫm lại tiềm ẩn sức mạnh sự sống rồi ra hoa kết trái.
Ứng với con người, đó là khi ta lớn lên về thể xác, hoàn thiện tâm sinh lý rồi con trai con gái bắt đầu thấy thích nhau, bắt đầu tìm đến nhau...
Mua thu, thiên nhiên như dừng lại, cho vạn vật lắng đọng, bầu trời trong xanh cao thẳm, không nắng lửa nhưng khô hanh, cây cối ngưng phát triển để trổ hoa đơm trái, những cái lá dường như đã hoàn thành nhiệm vụ, ngả vàng rồi lìa cành về với đất, những bông hoa nở vào thu, hương sắc dường cũng đậm đà hơn, những trái cây cũng vậy, thắm sắc, đậm hương.
Hay dở thì con người ở tuổi này cũng đã chín, tính cách và khả năng đã được xác định
Mùa đông, mây mù kéo về ảm đạn, khí trời lạnh lẽo, cây cối thu hết nhựa nuôi thân để chờ một năm mới...
Đời người thì mùa đông là lúc về già, không ham hố hoài bão nữa, người ta yếu dần rồi về với cát bụi...
Điểm qua vòng tuần hoàn vũ trụ và vòng đời như thế để quay lại vấn đề chính.
Anh bạn tôi (Cũng là ông thầy dạy bóng bàn), anh Trần Đắc kiệm, trong một lần cao hứng nói.
-Tôi thích bài “Thơ tình cuối mùa thu”, bài hát ấy Thái Bảo hát rất hay, cái chất giọng nữ khàn của cô rất ... thu...! Nhưng tôi cũng rất khó chịu khi nghe cô ấy hát: “...Mùa thu VÀNG hoa cúc...” trong khi Xuân Quỳnh viết: “...Mùa thu VÀO hoa cúc...” cái nghĩa VÀO nó hay thế..., sao để mất đi...! Thật là tùy tiện...! Thật khổ cho Xuân Quỳnh...!
Anh Kiệm không “Búc xúc” thì tôi cũng chẳng quan tâm..., quan tâm rồi mới thấy ông ấy có lý.
Hôm nay vào mạng, mở bài thơ ấy ra lại thấy viết thế này:
:
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em
VÀ, hay VÀNG, hay VÀO đây...! Khi mà mỗi chữ đều có ý riêng về nghệ thuật!
Màu đặc trưng của mùa thu là màu vàng, cái màu vàng êm dịu, sâu lắng, thấm đậm nhưng cũng không kém phần rực rỡ..., vàng của cây trái, vàng của cánh đồng lúa chín, lá vàng trên cây, rải vàng lối ngõ, rực rỡ trong ánh nắng thu vàng..., tôi chưa thấy ai tả thu tài hơn Nguyên Du:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Xuân Quỳnh viết: “Thơ tình CUỐI mùa thu” khi mà cuối trời đã có mây trắng bay và lá vàng đã ... “Thưa thớt quá”...!
Tác giả là một nhà thơ lớn, đặc biệt lại là nữ, thường thì (Không phải luôn đúng) nữ giới có tâm hồn dễ rung động hơn, mỏng manh hơn và biểu lộ cũng mãnh liệt hơn...
Chúng ta, những người “Thích thơ” còn yêu, còn quý, còn luyến tiếc mùa thu đến thế..., đủ biết những gì trong tâm trạng Xuân Quỳnh nó mãnh liệt đến mức nào...! Nàng thảng thốt tự hỏi: Mùa thu, dường như đang bỏ tôi đi đâu rồi...? Và tự trả lời
Phải chăng lá VỀ rừng...?
Để:
Mùa thu ĐI cùng lá
Mùa thu RA biển cả
THEO dòng nước mênh mang.
Nếu quả như vậy, nếu để trả lời câu hỏi: Mùa thu đi đâu...?
Và đã có mùa thu đi cùng lá về rừng, theo dòng nước về biển cả thì sắc thu ẩn mình VÀO màu vàng hoa cúc là phải lắm anh Kiệm ạ!
“Mùa thu Và hoa cúc” có ý nghĩa đồng hành nhưng với khổ thơ này không có được cái lý như trên.
“Mùa thu VÀNG hoa cúc” ... cũng vậy...!

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Không đinh nhưng cứ phải nói về 30-4

Chuyện nhỏ như … con thỏ, xưa như vũ trụ và đã quen như nghe… dự án thu hồi đất…, tưởng như không bao giờ phải nhắc đến nữa, ấy thế mà lại phải nói.
Số là tôi có anh bạn trên BTV, chả biết đọc ở những đâu và cho rằng sáng 30-4-1975 có hai cái xe tăng của bộ đội “Cùng húc đổ” cánh cổng dinh Độc Lập.
Lần nữa xin anh bạn đừng buồn và đừng giận tôi, đơn giản vì anh, và ai đó còn hiểu mập mờ cũng có cái lý của nó.
Từ xe A húc đổ sang xe B rồi người lái xe B được này được nọ, được ghi vào những tài liệu mang tính sử, sách, được đi báo cáo và đương nhiên được … nhận quà.
Cũng chả sao vì lính ngày ấy (trong đó có lái xe A) cũng như toàn dân chỉ mong cho chiến tranh kết thúc, mạng sống và sự đoàn tụ mới là mục đích vậy nên lái xe A chỉ lặng lẽ kể với vợ con niềm tự hào của mình mỗi khi đài, báo, ti vi nhắc đến giây phút lịch sử ấy.
Cây đã muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng, sau khi nghe cô giảng, đứa trẻ con ông A cảm thấy bố mình bị xúc phạm, niềm tự hào trong nó bị xúc phạm mới gân cổ lên chiến đấu với bạn
-Không! Bố tao mới là người húc cánh cổng ấy đầu tiên…!
Với trẻ con, một khi đã là “Bố tao bảo” thì làm sao mà sai được...!
Thế rồi chúng nó kiện lên cô giáo và đương nhiên cô giáo mang sách ra làm trọng tài…, thế là đứa trẻ đã bức xúc lại càng bức xúc…
Thế rồi báo giấy báo mạng, đôi bài cải chính, dăm bài thắc mắc …,nhưng tất cả chỉ như những … tin vịt…, vỉa hè, chẳng mảy may ý thức được những người có trách nhiệm…
Phải đến khi một nhà báo nước ngoài, người đã chụp được cái “Xe thật” ở cái giây phút “Lịch sử thật” ấy lên tiếng, sự thật mới buộc phải bước một chân ra ánh sáng.
Những tưởng thế là … xong, nào ngờ đến tận bây giờ, những cái “mập mờ”, “nhạy cảm” vẫn bao trùm đời sống tinh thần dân chúng, đến độ anh bạn tôi, một cây viết tôi vẫn nể trọng vẫn phải ... “Bán tín bán nghi”.
Tôi là người lính có mặt ở Sài Gòn sáng hôm ấy, và tôi thề rằng chỉ kể những gì nhìn thấy, nghe thấy từ chính những ngày ấy.
Khi chính thức xuất quân vào chiến dịch Hồ Chí Minh (Từ một cánh rừng cao su ở Long Khánh, Xuân Lộc gì đó mà tôi đã kể chuyện Hòa Toản dọa bắn đại đội trưởng trưởng Tám, trong bộ 30-4) dường như xì xào cái lệnh: Tất cả các phóng viên, nhà báo, kể cả VNTTX, đều phải dừng lại từ Biên Hòa.
Chỉ là một người lính nên có cái lệnh ấy hay không tôi không biết, nhưng mắt tôi không nhìn thấy nhà báo nào, không thấy ai mang máy quay phim, máy ảnh trong đoàn quân vào Sài Gòn hôm ấy.
Tại sao vậy? Tôi không biết, nhưng ta có thể suy luận, vòng vây đã khép kín Sài Gòn, pháo binh, không quân đã sẵn sàng… nghiền nát Sài Gòn.
Điều đó dễ hiểu vì theo chúng ta được biết thì Sài Gòn là thủ đô của chế độ VNCH, Là “Sào huyệt” của những tên “Phản động nhất, ngoan cố nhất, thủ đoạn nhất” Dân Sài Gòn thuộc loại “Chống cộng nhất”…, và chúng tôi sẵn sàng cho “Chúng” biết… Thế nào là Việt cộng! Như vậy, một cảnh tượng “Hơn cả ác liệt” đã hoàn toàn có thể xảy ra …
Đó là lý do khiến ta không có được bức ảnh “Thật” vào cái giấy phút “Lịch sử thật” ấy. Đó cũng là lý do thứ nhất khiến cái cảnh trên phim và những bức ảnh ta vẫn xem có thể là … Thật nhưng chưa … thật nhất!
Rất mừng vì trong đám “Phản động nhất, ngoan cố nhất ấy” có ông Tổng Thống Dương Văn Minh, người đã ra quyết định và lời kêu gọi khiến cả nước bàng hoàng, theo cá nhân tôi thì ông là người có công rất lớn, mang tính quyết định giữ cho máu Sài Gòn không đổ và khiến trúc Sài Gòn còn được như sau giải phóng.
Trên đường vào, chúng tôi có thấy những người mắt xanh, mũi lõ, cả đàn ông và đàn bà, họ giống nhau là đều không cầm vũ khí, không mặc quân phục mà mang máy quay phim, chụp ảnh, đeo cả đằng trước và đằng sau những cái biển nội dung vừa giống nhau vừa khác nhau:
“Tôi là nhà báo Y Đại Lợi”.
 “Tôi là nhà báo Úc Đại Lợi”…,
Tôi để ý, tuyệt nhiên…, không thấy nhà báo “Pháp Đại Lợi” và “Mỹ Đại Lợi” nào….! Ngày đó “Chúng tôi” còn thù Pháp, thù Mỹ lắm...!
Đó là gợi ý, lý do người phóng viên kia (Nghe nói người Pháp) đã trốn trên một căn gác gần dinh Độc Lập và chớp được bức ảnh quý giá đó.
Tôi không nhớ chính xác mùng 2, 3 hay 4 tháng 5, chúng tôi được tổ chức đi “Chơi Sài Gòn”. Dinh Độc Lập với chiến dịch cuối cùng cũng như hầm Đờ Cát trong Điên Biên Phủ là đích đương nhiên của những cánh quân sau giờ phút “trọng đại” ấy.
Chúng tôi phải dừng xe trước dinh hàng trăm mét vì ở cổng đang… dựng lại cảnh chiếm dinh ĐL để quay phim chụp ảnh.
Đấy là cái lý do thứ hai khiến ta biết, ta cho rằng, hình và ảnh vẫn xem là thật, mà chưa thật … thật.
LỜI BÌNH 
Trong cảnh thật và cảnh dựng lại, cái xe tăng đều húc đổ cánh cổng phụ bên tay trái (Từ ngoài vào). đó là ý thức bảo vệ của người lính tăng, (Cả cái cổng chính vẫn còn nguyên) nhưng cũng là cơ sở để tin rằng không thể có chuyện "cả hai cái T54 cùng chui qua cánh cổng ấy" được, sự thật thì sau cái đầu tiên ấy còn vài cái nữa vào đỗ trong sân dinh nhưng rõ ràng là phải có cái trước cái sau.                                                               
Ở thời khắc lịch sử, cái xe A húc đổ cánh cổng …, lúc dựng cảnh lại là xe B…, thế là công bố xe B, cái gì cũng xe B…, khi trẻ con thắc mắc… kệ! Khi nhà báo nước ngoài với đủ vật chứng lên tiếng, dân và các báo trong nước ngoài nước bàn tán xôn xao thì từ đâu đó lại có cách giải thích: “Cả hai xe cùng húc…!”. Hay…! Thế là “Hòa cả làng…!” Hai cái cùng húc thì phóng viên muốn chụp, muốn quay cái nào cũng được, đài báo muốn đưa cái nào cũng vẫn…  cứ phải đúng…! Hay…!
Trước kia (Và dường như bây giờ vẫn còn), khi có sự kiện như bộ đội vào trận đánh lớn, chiến dịch nhỏ, Miền bắc vào phong trào này, đại công trình khác…, dường như chúng ta vẫn chuẩn bị và chỉ định sẵn, rằng đơn vị này sẽ phải “Xây dựng” mấy Anh hùng, đơn vị kia sẽ có bao nhiêu Chiến sỹ thi đua (CSTĐ)… đến khi tổng kết là … y như rằng …, rất chuẩn! Bất luận chiến dịch ấy thắng to hay bé, phong trào ấy, công trình ấy hiệu quả đến đâu…!
Ở hậu phương thì rủi ro đến với những người đang được “Xây dựng anh hùng, CSTĐ” cũng có nhưng nhỏ hơn, ví như tai nạn lao động, ví như mắc lỗi gì đó về “Tinh thần thái độ”, ví như, nhân vật mới, “Nhạy cảm” xuất hiện… và một khi rủi ro đã xảy ra thì cái danh hiệu ấy lại thuộc về người khác và người ấy được đi nói chuyện, được mọi người học tập như một tấm gương, được … mọi nhẽ!
Trong quân đội thì rủi ro cao hơn nhiều, muốn được anh hùng, CSTĐ thì phải “Đầu tầu gương mẫu”, phải “Năng nổ xốc vác”, lội nước phải đi trước, ăn cỗ phải đến sau…, cứ như thế mà chiến dịch kéo dài mấy tháng thì khả năng … “Anh dũng hy sinh” cao lắm. Và nếu người ấy hy sinh thì các danh hiệu ... vẫn phải có..., vẫn phải trao, vẫn phải có người làm gương cho toàn quân học tập… thế là cái người đã "Hy sinh" kia (Cùng gia đình) chẳng được gì hơn ngoài danh hiệu “Liệt sỹ”…!
Cứ suy từ bài thơ khắc trên bia ở ngã ba Đồng Lộc thì hy sinh không chỉ có mười cô gái nơi này, đánh B52, lái MIC đánh nhau với không quân Mỹ không chỉ có mình Phạm Tuân, góp công vào chiến thắng không chỉ có mấy người đang ở cạnh đường Trường Chinh, nơi con đường phải "Cong mềm mại"… 
“Cột cờ” đã được chọn nhưng cần biết còn rất nhiều “Bó đũa”…!
Nếu có cái việc dừng các phóng viên nhà báo trước cửa ngõ Sài Gòn thì cũng là phải thôi, trước hết để tránh những hy sinh không đáng có cho lực lượng này, thêm nữa, chẳng hay ho gì những hình ảnh thảm khốc, điều đó cũng cho thấy, là người Việt, ai cũng biết rùng mình trước mất mát hy sinh.
Việc dựng cảnh lại càng … là phải thôi! Giây phút thiêng liêng mà bao nhiêu thế hệ của cả nước mong chờ, điều day dứt của lãnh tụ trước lúc đi xa được thể hiện trong di chúc… Sao lại không có hình ảnh cho được!
Tiếc vì khi dựng cảnh lại không gọi đúng cái xe và tổ lái đã thực hiện sự kiện đó.
Tiếc vì lái xe A lại … có con! Lại kể cho con nghe …, để nó phải đi cãi nhau với bạn bè…
Nhưng khi đã thành chuyện, thiết nghĩ cũng nên mạnh dạn đính chính để lịch sử về đúng với lịch sử…! 
Sao cứ phải vòng vo...!