Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

LIÊN QUAN ĐẾN CCRĐ, Giải thích câu: "Thách nhà giàu húp tương"...!

Truyện thứ hai.
Một hôm, về quê vợ ăn giỗ, thấy cả nhà giới thiệu một cô em họ đẹp ơi là đẹp lại làm đến tận tiến sỹ ở Thủ đô, tôi mới mon men bắt chuyện.
-Em làm tiến sỹ về lĩnh vực gì ...?
-Dạ...! ngôn ngữ học anh ạ...!
Ôi...! May quá...! Tôi vẫn thường tự ty về vốn từ ngữ văn chương của mình, cứ thấy ai là nhà báo, nhà văn hay nhà thơ là tôi thấy mình nhỏ bé. Thường ngày, trước vợ con bạn bè, phét lác là thế mà bỗng dưng cứng họng, chẳng giám nói gì. Nay tự nhiên có cô em họ xinh đẹp nhường này làm thầy thì còn gì bằng, tôi bắt đầu từ việc sử dụng ngôn ngữ bừa bãi của các giới trong xã hội.
Ví như, vài năm trước tự nhiên thấy người ta thi nhau dùng hai chữ “Dung dị”, nghe cũng hay hay, là lạ và cũng hiểu lơ mơ, nhưng mà dùng nhiều quá hóa ra khó hiểu... Gần đây nữa là hai từ “Phản cảm”..., quái lạ...! Tôi tập trung tất cả những kẻ quen biết, tốt nghiệp phổ thông từ trước những năm hai nghìn lại, tra khảo mãi mà không thằng nào dám nhận là đã từng được dạy hay chí ít là đã từng được nghe đến hai cụm từ này...
Thấy cô em chẳng tỏ thái độ gì, tôi đâm nghi ngờ bèn cậy cái “Tuổi già” để hỏi xem cô giải thích thế nào về câu ngạn ngữ: “Thách nhà giàu húp tương”, vốn đã hỏi và rất ít người hiểu...
Em mới nói vài câu mà tôi đã phát hoảng.... Ôi...! Giá như em đừng là Tiến sỹ và càng đừng là tiến sỹ “Ngôn ngữ học”, giá em chỉ đẹp thôi thì tôi bớt buồn... bởi em giải thích rằng.
-Ý câu ấy là; Nhà giàu thì người ta thèm gì tương...!
Tôi càng tò mò gặng hỏi.
-Vậy khi nào, hay hoàn cảnh nào người ta dùng câu này...?
-Khi có ý khen người giàu có...!
Ối dời cao đất dày ơi...! 
May mà tôi mới chỉ nghĩ thế, còn đủ tỉnh táo để nghĩ đến danh dự của cô em Tiến sỹ cùng sự tồn vong của bữa cỗ nên vội tìm cách rút lui.
-Thôi, đề tài này để khi khác, vào ăn cỗ kẻo các bác chờ...!
Nói thế chứ, mãi đến giờ tôi vẫn không khỏi buồn, buồn cho học hàm học vị của ta..., buồn cho văn hóa dân ta..., đến câu ngạn ngữ của ông cha mà một “Tiến sỹ ngôn ngữ học” không hiểu một tý gì..., cả nghĩa đen và nghĩa bóng...
Bạn có hiểu câu ấy không...? Thôi thì để tôi giải thích nhé!
Người ta sẽ nói “Thách nhà giàu húp tương” khi ai đó đố (hay thách) một người, làm một việc, mà việc ấy là sở trường của họ ví như; thách đố tên trộm lấy được cái xe vừa không khóa vừa không có người trông. Đố ông lái xe lâu năm biết cái cần số của chiếc xe thông thường được bố trí như thế nào..., .v.v.
Khó hiểu là ở chỗ, thế chả hóa ra húp tương lại là sở trường của nhà giàu ư...?
Tương là thứ rất rẻ, xưa nhà nào cũng có, là thức ăn chủ yếu của nhà nghèo. Rau, dưa, tương, cà là bạn thân, là nỗi ám ảnh của nhà nghèo cơ mà...
Hay là câu này sai...? Nhưng lại thường nghe “Các cụ dạy, cấm có sai bao giờ” cơ mà..., sai làm sao được...!
Thưa rằng không sai...! Nhưng muốn hiểu ta phải ngược lại thời gian.
Ngày nay, có rất nhiều nguyên do để lắm kẻ đang nghèo khó trở nên giàu có, nhưng ngày xưa thì không, khi đời sống còn là tự cung tự cấp, sự giàu có chỉ bắt đầu bằng chịu khó và tiết kiệm.
Nhà nọ dồn hết tâm hết sức cho công việc, họ cần cù bán mặt cho đất bán lưng cho trời, họ trăn trở cùng sự phát triển của cây trồng vật nuôi, họ nắm được quy luật thời tiết để vận dụng kịp thời.
Không lười nhác thì họ cũng không lãng phí, cuối bữa còn thừa ít tương, vì trân trọng thứ nuôi sống người, vì tiếc của nên họ trộn cơm ăn cố hoặc nếu hết cơm thì họ uống, tức là ... húp nốt, vừa không lãng phí vừa để tăng sức mà lao động.
Vợ con họ thấy thế thì điều chỉnh..., điều chỉnh theo số người ăn và số thức ăn trong bữa..., điều chỉnh mãi cho đến khi người ta biết cách múc tương sao cho vừa với nhu cầu.
Nhà kia cho rằng tương là thứ rẻ rúng, lại mặn lắm, ăn không hết thì đổ đi..., húp vào chỉ tổ khát nước..., chẳng bận tâm gì và tất nhiên bữa sau lại thế....
 Cứ như vậy, vốn đầu mùa nhà nào cũng ngả một chum tương nhưng nhà này chỉ vài tháng đã hết, nhà kia còn dư đến mùa sau.
Đấy mới chỉ là chum tương, trong đời sống còn bao nhiêu thứ để mà tiết kiệm và lãng phí nữa. Chăm chỉ và tiết kiệm, của cải cứ được tích lũy mãi mà trở nên giàu có... Lười biếng và lãng phí thì lúc nào cũng thiếu thốn, thiếu thì yếu, thì bệnh tật, thì nợ nần..., cứ như thế mà nghèo.
Thế mới biết, tại sao cái hành động đầy khó khăn là “Húp tương” kia, người giàu có thể thực hiện dễ dàng còn người nghèo thì lại... không thể.
Xin người đọc đừng lầm hiểu rằng câu nói này chỉ đúng với “Ngày xưa”, bởi ngày nay có muôn vạn cách làm giàu, người thì lo lót, cơ hội làm quan để ăn hối lộ, kẻ thì trúng đề, trúng sổ số, người lại liều mạng buôn hàng “Quốc cấm” nhưng hầu hết những người này không thể trở nên giàu-sang được.
Tiền kiếm càng nhiều và càng dễ dàng bao nhiêu thì họ lại càng bộc lộ cái bản chất vốn có bấy nhiêu... Một mặt họ bỏ tiền ra để thể hiện, để cố xóa đi cái gốc tích nghèo khó, để khẳng định mức độ “Hơn người”, một mặt, họ như con thiêu thân khát lửa lao vào kiếm nữa, kiếm một cách hoang giã, tàn bạo và dốt nát... Để rồi, nếu không mắc vào lao lý thì vợ họ cũng hỏng, con họ cũng hư.
Mải ăn chơi thể hiện, họ không chăm sóc vợ, những người đàn bà đang chẳng phải làm gì lại có rất nhiều tiền và cũng có nhu cầu thể hiện..., thế là “Ông ăn chả, bà ăn nem”, chồng mang tiền nuôi gái, vợ rút két nuôi trai... Con cái họ, chí ít thì cũng chẳng học hành tu dưỡng gì bởi “Vượt nghèo đã khó, vượt giàu còn khó hơn”. Chúng vật vờ tìm cách tiêu tiền, để rồi không nghiện ngập thì cũng đàn đúm tóc xanh tóc đỏ, bấm mũi xâu tai, đua xe, đánh lộn, không bệnh tận thì cũng đâm chết người hay bị người ta đâm…Những nhà ấy giữ được “Giàu” đã khó, chứ “Sang” làm sao được..., rồi thì cái nghèo hèn lại chờ họ ở phía trước.
Than ôi...! Ở cái thời cả xã hội nháo nhác nặn túi nhau tôi phải viết thêm vài lời này nhân dịp bàn về cái sự giàu-nghèo… biết đâu chả có người tỉnh ngộ...!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét