Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

SAO GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ-1

(Viết dịp giàn khoan 981)

Tôi băn khăn về người Việt và người Hoa từ lâu lắm rồi.
Thủa còn bé tý đôi lần thấy những người gầy gầy, râu dài, búi tó, mặc áo dài đen, khi thì đeo bị, khi thì quẩy gánh đi khắp chợ cùng quê, miệng rao
-Thốc! Thốc!
-Thu ..uốc...ơ!
Mỗi lần như vậy, bà tôi, mẹ tôi lại nhắc nhở thận trọng, không được cho họ vào nhà..., bon Tầu bán thuốc rong này... lắm trò lừa đảo lắm.
Trong quá khứ, nhà tôi đã từng cưu mang một ông thầy như vậy, ông ta ăn ở trong nhà cả vài tháng trời, cư sử rất tốt nhưng một sáng ngủ dậy không thấy ông ta đâu nữa, ông tôi phát hoảng nói gia nhân kiểm tra trong nhà, dưới bếp, nhà ngang... không thấy mất gì, khi ra vườn thì phát hiện rất nhiều những cái bình, kiểu như bình vôi, vết đất dính còn mới. Ông tôi kết luận.
-Nó đào vàng rồi!
Lớn hơn, có lần xuống Hải Phòng, thấy ngoài đường chỗ nào cũng bán trái cây... “Dầm”, gọi là trái cây cho sang chứ chỉ có sấu, khế và me.
Bà dì (Vợ hai của bố) làm bếp ở một khách sạn trung tâm thành phố, bếp trưởng là người Tàu. Một hôm, không biết sơ ý hay tắc trách, đám nhân viên người Việt làm hỏng việc gì đó, bà bếp trưởng người Tàu tức lắm, tức thì chửi, đám nhân viên biết lỗi thì im..., họ càng im thì bà ta lại càng tức, từ chửi mắng cá nhân đến tập thể, cuối cùng bà ta nâng lên tầm "Quốc gia dân tộc".
-Cả lò, cả ổ piệt Nam nhà chúng mày...! pừa ngu pừa lười...! Chỉ ăn sẵn...! Chỉ nói phét...! Không có người Tàu chúng tao á... thì... ăn cả cứt...!
Tất nhiên, đến mức ấy thì máu “Quật cường” của người Việt trỗi dậy, một bà quyết không chịu lép vế.
-Ừ người Việt chúng tao ngu... nhưng mà chúng tao được ăn sẵn..., chả như chúng mày, cái đ, gì cũng dầm..., sấu dầm, khế dầm, me dầm...., củ đậu dầm...! Đe..èo... mẹ...! Còn cái đầu D bố mày đấy...., sao không đem dầm nốt mà ăn...!
Chuyện cãi nhau ầm ĩ nhưng rồi cũng thôi, khi đó đang có chiến tranh, ta đang đánh Mỹ hộ TQ và TQ đang giúp ta nhiều thứ quan trọng để đánh nhau.
Sau này là chuyện nhà máy điện Ninh Bình, kèm theo cái việc họ “Chơi xỏ” ta để khói bụi tràn vào thành phố là những chuyện đào vàng cất giấu từ thời cụ tổ nhà họ sang đây vơ vét.
vân vân và vân vân, cho đến chuyện họ cướp Hoàng Sa, nhưng lúc đó còn “Anh em” ghê lắm..., quả thực nếu người dân lúc đó nghĩ “Thôi thì lọt sàng xuống nia” cũng không phải là lạ...!
Mặc dù ngay sau 1975 họ đã trở mặt đòi ta nhiều thứ nhưng “Trên” không phổ biến rộng rãi, đến khi họ đánh biên giới phía bắc, đứng sau Pôn Pốt đánh biên giới phía Nam thì đa số loại dân như tôi mới ngã ngửa người ra.
Thế rồi giằng co, họ không để ta yên, dọc biên giới họ đớp được miếng nào là đớp ngay, Thế rồi họ xả súng máy bắn những người Công binh không vũ khí ở Gạc Ma. tất cả những hành động man rợ nhất cũng không thể MỌI RỢ hơn hành động xả súng vào những người không chống cự này.
Trong thời kỳ chiến tranh biên giới, tôi nhớ đã nghe, đã đọc ở rất nhiều nơi, từ những tài liệu chính thống, từ những cơ quan tuyên truyền nhà nước cái khẩu hiệu: “Kẻ thù trực tiếp, lâu dài, nham hiểm của ta là bọn bành chướng Trung Quốc”
Thế rồi đùng một cái, không biết từ đâu đẻ ra những 16 chữ và 4 tốt để từ đó họ thật sự mặc sức phá ta, phá từ “kiến trúc thượng tầng đến hạ tầng cơ sở”... cái tôi nghe thấy đã không thể kể ra cho hết, cái tôi chưa biết, chắc còn nhiều, còn sâu hơn nữa.
May mà họ ngang ngược mang cái giàn khoan đến cắm vào hải phận nhà mình để những bộ óc u tối nhất, ngu xuẩn nhất, tham lam nhất, đê hèn nhất cũng phải bừng tỉnh, chí ít thì cũng không dám há mồm ra mà nói 16 chữ, 4 tốt được nữa..., cái thòng lọng ấy đã thít vào cổ dân tộc rồi....
May là, vì tham vọng bá chủ biển đông, bá chủ thế giới, họ đã đành phải lộ mặt với Việt Nam, nếu không thì họ còn xâu mũi dắt ta đến tận đâu...?
(Còn tiếp)

Chỉ duy nhất một lần đi Hải Nam, nơi anh bạn hướng dẫn viên du lịch chỉ cái bia đá có khắc chữ “Chân mây cuối trời” và nói:
-Đây là cực Nam của Trung Quốc, hòn đảo này xưa là nơi lưu đày tội phạm, một trong số đó là Lâm Sung mà chắc các bạn đã biết.
Cho đến trước vụ nạn kiều thì cơ bản hòn đảo này vẫn hoang vu, (trừ thành phố Hải Khẩu), dân Hoa kiều chạy về, nếu không đủ điều kiện đi nước thứ ba thì Được chính phủ TQ cho định cư ở cái xứ “Chân mây góc trời” ấy.
Thế nên tôi không biết nhiều về người Trung Quốc nhưng với những người được gặp, với phim ảnh và ti vi, tôi cứ giật mình thon thót so sánh người phía nam TQ với người của ta ... “Sao giống nhau đến thế...!”
Một lần đi công tác Lào Cai, lang thang bên đất bạn bỗng tôi giật mình thấy một người dàn ông nhỏ thó gầy guộc, ngồi dưới gốc cây xoài ngay bên hiên nhà, anh ta nhấc cái điếu Tống (Loại điếu cày to nên gọi là Tống chứ không phải nhà Tống) từ nửa cái chum sành đã vỡ, rít rít cho vê thuốc cháy hết, nghiêng người xì tàn vào cái chum vỡ, rít tiếp một hơi thật dài rồi ngẩng mặt lên vòm lá mà phả khói... hình ảnh ấy, tôi đã gặp đâu đó trong ngõ chợ Khâm Thiên... Trời ơi ...! Sao giống nhau đến thế!

Khi loài người còn chung sống thái bình, chưa tạo ra cái sản phẩm văn minh nhất mà cũng bẩn thỉu nhất là Nhà nước để trói buộc nhau, khi chưa có cái gọi là “Biên giới” thì gốc gác, nếu không cùng cũng là gần gũi... chuyện ấy có gì là lạ!
Khi các bộ lạc lớn dần thành nhà nước, rồi các nhà nước đi thôn tính lẫn nhau, nhập vào rồi tách ra ... Chuyện ấy, cũng ..., chẳng có gì là lạ!
Người phương Bắc thôn tính mảnh đất này, một nghìn năm biến thành một quận của họ, truyền bá văn hóa, áp đặt chính trị, đồng hóa giống nòi nên có thấy: “Sao giống nhau đến thế” cũng... chẳng có gì là lạ!
Tuy không muốn nhắc đến nhưng trước khi nói về những cái “Sao giống nhau đến thế” thiết tưởng cũng cần rành rẽ.
Sau 1000 năm Bắc thuộc ấy, người ở mảnh đất này quật cường lấy lại độc lập, ít nhất cũng 5 Nhà thay nhau làm Vua trị vì, với sử sách đầy đủ (Tính từ Tiền Lê, chưa tính các đời trước đó). Cho đến 1945 thì Đảng Cộng sản thống trị đất nước này đến nay, người đứng đầu hiện hời là ông Nguyễn Phú Trọng.
Vậy thì việc tách ra nhập vào xưa kia, có hay không, mức độ nào, thiết nghĩ không còn ý nghĩa gì đề tranh cãi.
Người từ phương Bắc, dẫu từ thời tiền sử hay mới đây, đến xứ này sinh sống, ăn cơm xứ này, uống nước xứ này, nói thứ tiếng này, hòa vào văn hóa này thì đều đã là người Việt Nam..., đều muốn sống hòa thuận, thân mật với người Trung Quốc... Cả người Việt và Trung Quốc không cần phải băn khăn với gốc gác từ Nam lên hay từ Bắc xuống nữa.

Hình dung diện mạo con người đã giống nhau, nếp ăn nếp nghĩ, cách sinh hoạt cũng giống nhau, tìm trong những làn điệu dân ca những nhạc cụ cũng nhiều cái na ná giống nhau. Mùa xuân về, khi bên kia đì đùng tiếng pháo cũng là lúc nồi bánh trưng bên này đỏ lửa ..., rồi những ngày cúng lễ trong năm... cứ nhìn vào văn hóa của hai gia đình bình thường nơi hai đầu biên giới mà xem.... Sao giống nhau đến thế....!

Tạm coi những điều kể trên là những cái tốt, những cái giống nhau tích cực..., bây giờ sang những điều ngược lại, tức là tiêu cực, tức là không/chưa tốt mà vẫn ... Sao giống nhau đến thế!
Bây giờ tôi mới thực sự đem bài của một học giả Trung Quốc, viết về người TQ, được dịch và đăng trên trang: Trần Mỹ Giống để xem Ta và TQ giống nhau như thế nào (Phần của học giả này được in nghiêng)
1-NÓI TO
Chẳng phải mất thì gian đến Lào Cai hay Lạng Sơn, nơi dễ dàng gặp những người Trung Quốc, cứ tìm quanh Hà Nội thôi, ở quán bia hơi, nhà hàng cỡ “Trên bình dân một tẹo” thể nào cũng gặp những nhóm người TQ, họ ăn khỏe, uống khỏe và ... “Nói to lắm” cứ như thể tiếng Trung là niềm kiêu hãnh của họ, là khao khát của thiên hạ vậy.... Khốn nạn...! Họ thừa biết rằng, nói chung thì người HN không ưa gì người Tàu.
Mà ... khổ! Tiếng Anh, thứ đa số người Việt đều đang học hoặc muốn học thì những người sử dụng tiếng Anh (Kể cả người TQ) lại thường nói rất khẽ.
Và đây là lời than của học giả TQ:

"... Còn như nói đến ồn ào, cái mồm người Trung Quốc thì to không ai bì kịp, và trong lĩnh vực này người Quảng Đông phải chiếm giải quán quân. Ở bên Mỹ có một câu chuyện tiếu lâm như sau: Có hai người Quảng Đông lặng lẽ nói chuyện với nhau, người Mỹ lại tưởng họ đánh nhau, bèn gọi điện báo cảnh sát. Khi cảnh sát tới, hỏi họ đang làm gì, họ bảo: "Chúng tôi đang thì thầm với nhau".
Tại sao tiếng nói người Trung Quốc lại to? Bởi tâm không yên ổn. Cứ tưởng lên cao giọng, to tiếng là lý lẽ mình mạnh. Cho nên lúc nào cũng chỉ cốt nói to, lên giọng, mong lý lẽ đến với mình. Nếu không, tại sao họ cứ phải gân cổ lên như thế?..."


Người Việt ta cũng vậy, trong hàng quán, nơi bến xe hay trên tàu hỏa, ô tô, chỉ hai ba người, đứng ngồi sát nhau vẫn nói ... “Cực to”, như thể các bạn mình bị điếc vậy..., như thể mọi người xung quanh muốn nghe chuyện của mình lắm vậy...
Có lần, xuống Nội Bài, bắt cái Mini bus về HN, sau một chuyến bay dài ai cũng mệt mỏi, một anh bạn mở cái điện thoại bằng ba ngón tay, tiếng nhạc gì lạ lắm, cứ choẹc choẹc! Khẹc khẹc! Như một con khỉ đói đòi ăn, anh ta mở to hết cỡ rồi lim dim thưởng thức. Ai cũng khó chịu nhưng chỉ vài ánh mắt bực mình ném về anh kia một cái rồi thôi... Khả năng “Im lặng” của người Việt vẫn được phát huy. Tôi vỗ vai anh bạn nói.
-Bạn làm ơn cắm cái tai nghe vào mà thưởng thức được không? Quả thực mình bị đau đầu....!
Anh ta tắt máy, nét mặt rất vô cảm (Không bực mình, không tỏ ra ăn năn), lúc này mới có những tiếng nhao nhao phản đối..., đáng tiếc là lời lẽ và chất giọng hơi ... “Quá một tý” và anh bạn kia lại ... Im lặng.

Nếu chỉ nói cái tật nói to nơi công cộng của người VN và người TQ thì ... Trời ơi...! Sao giống nhau đến thế...!

2-XẢ RÁC BỪA BÃI

Tôi buộc phải so sánh thô thiển những người có tật xả rác bừa bãi như những con khỉ, hãy nhìn con khỉ ăn trái cây có vỏ mà xem, nó bóc, tước, nhằn, gặm được miếng vỏ nào liền vứt, nhổ, phun ra ngay ..., bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau... tiện đâu nó vứt đấy, nét mặt rất thảnh nhiên... Và các bạn hãy rình rồi nhìn nét mặt những người xả rác nơi công cộng mà xem, nó cũng vô tư ... y như vậy!
Không ở đâu, không lúc nào, Hà Nội không có rác. Chỉ có đường phố ở khu Ba Đình, trong các khu nhà dịch vụ cao cấp, nếu không thấy rác, ấy là do luôn luôn có người nhặt mà thôi.
Những “Làng lên phố” ven đô thì ngược lại, không một lực lượng nào, đông đến đâu có thể duy trì được cho vài trăm mét đường/ngõ không có rác trong vòng một tiếng đồng hồ.
Trong những quán ăn bình dân, người ta để dưới gầm mỗi bàn một cái sọt, nhưng tôi đã để ý nhiều lần và dám chắc rằng; Không quá 30% thực khách biết bỏ rác vào đấy.
Ở làng Sở, Mai Dịch (Làng văn hóa) có một cái ao gọi là ao Chạ, (chữ Chạ có lẽ từ “Chung chạ”) rộng vài ba nghìn mét vuông. Ở thời buổi tấc đất tấc vàng này, có cái ao ấy làm lá phổi quả là phúc cho dân làng... Nhưng hình như người ta không thích “Có phúc”, cứ hai tuần là gió lại thổi rác về, chiếm ¼ cái hồ, nhiều nhất là túi nilon, hộp nhựa đựng cơm, chai nước ngọt..., rẻ rách và ... đủ thứ....!
Cách đây 3 năm, nhà tôi còn ở gần hồ Ngọc Khánh, cái hồ ngay trước cửa đài truyền hình VN, kế bên khách sạn Đe U cũng chịu cảnh tương tự.
Ngày xưa, khi người còn ít, rác cũng ít và đặc biệt rác khó phân hủy gần như không có, sông ngòi, ao hồ còn nhiều, người ta đã có thói quen vứt rác ra ao hồ, ra những dòng nước chảy.
Quê tôi có con ngòi, đó là nơi để vứt xác động vật chết, giường chiếu, quần áo người mới chết.
Cuối năm dọn ban thờ, tro, bát hương phải mang ra sông ... vứt! Khi đó đã “Ngại mắt” lắm rồi nhưng cái tật xấu di truyền ấy khiến bây giờ, ngày ông Công ông Táo về trời, những người đem thả cá vàng rồi thản nhiên vứt cái túi nilon xuống mặt Hồ Gươm đã lổn nhổn những túi to nhỏ thì dường như có có bàn tay vô hình bóp lấy cổ người khác vậy.
Và đây, nhận xét của học giả TQ:

Một trong những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Đài Loan đã từng có một dạo phải chống bẩn và chống hỗn loạn, nhưng chỉ được mấy ngày. Cái bếp của chúng ta vừa bẩn vừa lộn xộn. Nhà cửa chúng ta cũng vậy. Có nhiều nơi hễ người Trung Quốc đến ở là những người khác phải dọn đi. Tôi có một cô bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính trị. Cô này lấy một người Pháp rồi sang Pa-ri sinh sống. Rất nhiều bạn bè đi du lịch Âu châu đều ghé nhà cô trú chân. Cô ta bảo với tôi: "Trong tòa nhà tôi ở, người Pháp đều dọn đi cả, bây giờ toàn người Á đông nhảy vào!" (Người Á đông có khi chỉ người châu Á nói chung, có khi lại chỉ người Trung Quốc). Tôi nghe nói vậy rất buồn, nhưng khi đi xem xét tận mắt mới thấy là chỗ nào cũng đầy giấy kem, vỏ hộp, giầy dép bừa bãi, trẻ con chạy lung tung, vẽ bậy lên tường, không khí trong khu bốc lên một mùi ẩm mốc. Tôi hỏi: "Các người không thể tổ chức quét dọn được hay sao?" Cô ta đáp: "Làm sao nổi!"

Chao ôi...! Cái vẻ mặt thản nhiên khi xả rác của người VN và người TQ... Sao giống nhau đến thế!

(Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét