Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Mùa thu VÀO hoa cúc...!




Thế hệ chúng tôi không biết nhiều về Nho học, Hán học.
Ngày đi thực tập ở viện Y học cổ truyền, thấy ông thầy nói: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn” thì lấy làm tâm đắc lắm..., vạn vật tồn tại trong vũ trụ đều tuân theo quy luật ấy.
Một năm qua đi để có năm mới, thế hệ này qua đi để có thế hệ mới..., đời người cũng như hành trình thời gian của một năm vậy, con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sinh con đẻ cái, già yếu rồi chết đi...
Mùa xuân, sau những ngày khô lạnh, khí trời mát mẻ ấm dần, mưa xuân đủ cho cây cối đâm trồi nảy lộc..., trên từng cành lá, trong từng góc vườn, cả trái đất phủ một màu xanh non lá mới.
Ứng với đời người thì tuổi xuân là khi được sinh ra, được nuôi dưỡng, chăm sóc và được học những bài đầu tiên.
Mùa hạ, với nắng gắt mưa rào, sắc lá sẫm lại tiềm ẩn sức mạnh sự sống rồi ra hoa kết trái.
Ứng với con người, đó là khi ta lớn lên về thể xác, hoàn thiện tâm sinh lý rồi con trai con gái bắt đầu thấy thích nhau, bắt đầu tìm đến nhau...
Mua thu, thiên nhiên như dừng lại, cho vạn vật lắng đọng, bầu trời trong xanh cao thẳm, không nắng lửa nhưng khô hanh, cây cối ngưng phát triển để trổ hoa đơm trái, những cái lá dường như đã hoàn thành nhiệm vụ, ngả vàng rồi lìa cành về với đất, những bông hoa nở vào thu, hương sắc dường cũng đậm đà hơn, những trái cây cũng vậy, thắm sắc, đậm hương.
Hay dở thì con người ở tuổi này cũng đã chín, tính cách và khả năng đã được xác định
Mùa đông, mây mù kéo về ảm đạn, khí trời lạnh lẽo, cây cối thu hết nhựa nuôi thân để chờ một năm mới...
Đời người thì mùa đông là lúc về già, không ham hố hoài bão nữa, người ta yếu dần rồi về với cát bụi...
Điểm qua vòng tuần hoàn vũ trụ và vòng đời như thế để quay lại vấn đề chính.
Anh bạn tôi (Cũng là ông thầy dạy bóng bàn), anh Trần Đắc kiệm, trong một lần cao hứng nói.
-Tôi thích bài “Thơ tình cuối mùa thu”, bài hát ấy Thái Bảo hát rất hay, cái chất giọng nữ khàn của cô rất ... thu...! Nhưng tôi cũng rất khó chịu khi nghe cô ấy hát: “...Mùa thu VÀNG hoa cúc...” trong khi Xuân Quỳnh viết: “...Mùa thu VÀO hoa cúc...” cái nghĩa VÀO nó hay thế..., sao để mất đi...! Thật là tùy tiện...! Thật khổ cho Xuân Quỳnh...!
Anh Kiệm không “Búc xúc” thì tôi cũng chẳng quan tâm..., quan tâm rồi mới thấy ông ấy có lý.
Hôm nay vào mạng, mở bài thơ ấy ra lại thấy viết thế này:
:
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em
VÀ, hay VÀNG, hay VÀO đây...! Khi mà mỗi chữ đều có ý riêng về nghệ thuật!
Màu đặc trưng của mùa thu là màu vàng, cái màu vàng êm dịu, sâu lắng, thấm đậm nhưng cũng không kém phần rực rỡ..., vàng của cây trái, vàng của cánh đồng lúa chín, lá vàng trên cây, rải vàng lối ngõ, rực rỡ trong ánh nắng thu vàng..., tôi chưa thấy ai tả thu tài hơn Nguyên Du:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Xuân Quỳnh viết: “Thơ tình CUỐI mùa thu” khi mà cuối trời đã có mây trắng bay và lá vàng đã ... “Thưa thớt quá”...!
Tác giả là một nhà thơ lớn, đặc biệt lại là nữ, thường thì (Không phải luôn đúng) nữ giới có tâm hồn dễ rung động hơn, mỏng manh hơn và biểu lộ cũng mãnh liệt hơn...
Chúng ta, những người “Thích thơ” còn yêu, còn quý, còn luyến tiếc mùa thu đến thế..., đủ biết những gì trong tâm trạng Xuân Quỳnh nó mãnh liệt đến mức nào...! Nàng thảng thốt tự hỏi: Mùa thu, dường như đang bỏ tôi đi đâu rồi...? Và tự trả lời
Phải chăng lá VỀ rừng...?
Để:
Mùa thu ĐI cùng lá
Mùa thu RA biển cả
THEO dòng nước mênh mang.
Nếu quả như vậy, nếu để trả lời câu hỏi: Mùa thu đi đâu...?
Và đã có mùa thu đi cùng lá về rừng, theo dòng nước về biển cả thì sắc thu ẩn mình VÀO màu vàng hoa cúc là phải lắm anh Kiệm ạ!
“Mùa thu Và hoa cúc” có ý nghĩa đồng hành nhưng với khổ thơ này không có được cái lý như trên.
“Mùa thu VÀNG hoa cúc” ... cũng vậy...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét