Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

SAO GIỐNG NHAU ĐẾN THẾ....! (2)

THÓI GHEN TỴ

Cách đây không lâu, ở Việt Nam lan truyền nhiều câu chuyện “Tiếu lâm hiện đại”. Một trong những chuyện ấy kể rằng: Một hôm, Diêm Vương vừa tiếp khách vừa thực thi nhiệm vụ. Khách thấy ngài bỏ 4-5 thằng Việt Nam vào vạc dầu rồi thản nhiên nói chuyện thì ngạc nhiên hỏi:
-Kìa...! Ông không đậy vung vào, chúng nó trốn mất thì sao ...?
Diêm Vương bình thản trả lời.
-Thường thì như thế, nhưng riêng bọn này ... không sợ...!
-Sao lại không sợ...?        
-Bọn khác mà mở vung, chúng sẽ cõng nhau trốn, riêng bọn này, hễ một đứa trèo lên, sẽ có ba đứa khác kéo xuống... Vậy, không cần đậy vung!
Thường thấy ở những cơ quan nhà nước, khi còn cùng hội cùng thuyền với nhau, khi cùng "Ngồi bệt" như nhau thì vui vẻ lắm, nhìn nhau mà làm, nhường nhau mà ăn và cùng nhau... "Kể tội, nói xấu lãnh đạo" ... ghê lắm...! Cứ như thể họ mới là những người mẫu mực...!
Nhưng hễ mọt người trong họ sắp vào Đảng, sắp được đi nước ngoài hay sắp được đề bạt là y như rằng xì xào chê bai, tỵ nạnh..., không ít trường hợp phát đơn kiện, đôi khi kiện không phải để mình được mà đơn giản là không để người ta vượt mình, hơn mình.
Khoa nọ có đến bốn, năm ông tiến sỹ như nhau, ông nào cũng tim mọi cách để được làm trưởng khoa..., mãi mà không ai chịu ai, "Trên" mới cho cô CKII làm trưởng, thế là ... vui vẻ cả...!
Viện nọ có Giám đốc mới nghỉ hưu, cuộc đua của các PGĐ không phân thắng bại, hễ định cử người này thì những người khác lại xui nhân viên của mình kiện..., Chán! "Trên" mới cử người từ nơi khác về, thế là .... Vui vẻ cả...!

Và hãy nghe nhân sỹ TQ kể về người của mình:

Còn về việc xâu xé nhau thì mọi người đều cho đó là một đặc tính nổi bật của người Trung Quốc. Một người Nhật đơn độc trông chẳng khác nào một con lợn, nhưng ba người Nhật hợp lại lại thành một con rồng. Tinh thần đoàn kết của người Nhật làm cho họ trở thành vô địch.
Bởi vậy trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại người Trung Quốc không thể nào qua mặt được người Nhật. Ngay tại Đài Loan, ba người Nhật cùng buôn bán thì lần này phiên anh, lần sau đến lượt tôi. Người Trung Quốc mà buôn bán thì tính cách xấu xa tức thì lộ ra bên ngoài theo kiểu: Nếu anh bán 50 tôi sẽ bán 40. Anh bán 30 tôi chỉ bán 20.
Cho nên, có thể nói, mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Người Trung Quốc ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên cứu, trong trường thi - nơi không cần quan hệ với người khác - thì lại có thể phát triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng cả một con giòi nữa. Bởi vì người Trung Quốc có biệt tài đấu đá lẫn nhau.

Ông này nói có lý lắm, trong thể thao, những môn thi đấu độc lập như bóng bàn, Cầu lông thì TQ rất giỏi, VN cũng có hạng về cờ vua nhưng những môn cần tính tập thể cao như bóng đá thì cả hai cùng ... không thể khá lên được!
Lạ nhỉ! Sao lại ... Giống nhau đến thế!

KHÔNG BIẾT, KHÔNG QUEN NHẬN LỖI...!

Tôi đang kể ra những tính xấu, tính chưa tốt của nhiều người Việt (Trong đó có tôi), tức là tôi đang thực hiện cái nhiệm vụ rất cơ bản của một người “Chiến sỹ cộng sản” đó là: “Thể hiện tinh thần đấu tranh, Phê và Tự phê”.
Từ bé tôi đã ghét thói nịnh bợ, tôi thật lòng khẳng định với chính mình như vậy và tôi cứ tin rằng, tôi là một người ... “Không ưa nịnh”.
Cho đến một lần, khi tôi phụ trách một khoa ở Bệnh viện X, mụ y tá (Người nổi tiếng đanh đá, ngoa ngoắt) lả lơi, sờ sờ cái tai tôi mà nói:
-Ôi...! Bác có cái tai đẹp thế... nhỉ! Phúc hậu thế...ế... nhỉ! Cứ như là ông phật ấy ... nhỉ! Mà cái mũi nữa chứ..., mũi “Túi mật treo” này là sau ... giàu có la..a...ắm đây...!
Mặc dù biết tỏng rằng, ngay khi tôi bước một chân ra khỏi phòng, mụ sẽ nói một câu đại loại như:
-Đ. mẹ cái thằng ...!
Nhưng những ngón tay mũm mĩm của mụ, cái giọng nói của mụ đã đủ làm tôi (Dù chỉ vài giây) bay bổng, lâng lâng...
Từ đó tôi mới ngộ ra rằng: Hóa ra mình cũng ưa nịnh! Không biết những quan to hơn, những quan to hơn rất nhiều có “ưa nịnh” như tôi không...????
Tôi “Tự phê” như thế vì tôi biết, nhiều bạn đọc không hài lòng với loạt bài này của tôi... Xin các bạn kiềm chế, hãy nhìn lại mình, quê hương mình, đất nước mình, xã hội mình ... Cứ tự khen mình, cứ “tự sướng” để... thế này mãi sao...???
Lần này tôi muốn cùng những người như tôi, những người đã từng là cán bộ viên chức, là Đảng viên, Đoàn viên, thậm chí Đội viên, ngược lại quá khứ, rồi tự xem hôm nay đã có gì khác.
Trong đời, chúng ta đã làm bao nhiêu Bản tự kiểm điểm...? Và chúng ta đã ghi những gì trong đó...?
Chúng ta đã ghi những gì trong phần Ưu điểm...? Có phải là:
-Lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định
-Chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan.
-Hăng hái tham gia các phong trào ...
-Tích cực học tập/Nghiên cứu, tu dưỡng theo...
-Khiêm tốn, giản dị, thật thà
- ...                            
Còn đức tính tốt nào nữa của con người thì ghi nốt vào nhưng không bao giờ cụ thể. Thậm chí tôi đồ rằng nếu người ta hỏi
-Anh/chị bảo rằng lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định... vậy lập trường của anh là gì? Anh kiên định với cái gì..?
-lý tưởng cộng sản...!
-Vậy lý tưởng cộng sản là gì...?
Đồ rằng đa phần ... cóc biết là cái gì...!

Và ta đã ghi những gì trong phần: Nhược điểm ...? Có ai ghi: Độc đoán, bảo thủ, dấu dốt, tham lam, tắt mắt.... không...? Chắc chắn là không...! Vậy ta đã ghi gì nếu không phải là:
-Đôi khi còn rụt dè trong đấu tranh phê bình
-Kiến thức còn hạn chế
-Đôi khi còn nóng nảy...

Ôi...! Giá như tất cả chúng ta đều làm đúng và làm được như những gì ta tự nhận xét thì đất nước này đã hùng cường, đã lên CNXH, CNCS từ ... tám hoánh nào rồi!
Phàm đã là người thì ai chả có lỗi, người giữ vị trí càng cao thì lỗi càng nguy hiểm, vấn đề là nhìn ra lỗi để khắc phục để không mắc nữa..., có thế mới tiến bộ.
Ở ta, biểu dương công trang một cá nhân thì dễ nhưng hàng bao nhiêu thất bại, có những thất bại trả bằng núi xương, sông máu, có những thất bại đẩy lùi dân tộc hàng trăm năm, khi thì quân sự, lúc kinh tế và đặc biệt là văn hóa nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nhận lỗi bởi hình như không ai có lỗi...!
Ô hay...! Công là công, tội là tội, thành tích là thành tích, lỗi là lỗi chứ...! Có sao đâu nhỉ...!
Một ông Bác sỹ dù giỏi đến đâu, mỗi tháng mổ vài trăm ca mà bảo: Toàn đúng cả! Không có ca nào phải ân hận suy nghĩ thì ông này là ... NGỢM chứ không phải là người...!

Và đây! Hãy nghe người Trung Quốc nói về mình:

Người Trung Quốc không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình. Có một câu tục ngữ: "Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm" (Bế môn tư quá). Nghĩ về lỗi của ai? Dĩ nhiên của đối phương.
Lúc tôi đi dạy học, học sinh hàng tuần phải viết tuần ký để kiểm thảo hành vi trong tuần. Kết quả kiểm thảo thường là: "Hôm nay tôi bị người này người nọ lừa tôi. Cái người lừa tôi ấy đã được tôi đối xử mới tốt làm sao, cũng bởi vì tôi quá trung hậu!". Lúc đọc đến kiểm thảo của đối phương, lại cũng thấy anh học trò kia nói mình quá trung hậu. Mỗi người trong kiểm thảo của mình đều là người quá trung hậu. Thế còn ai là người không trung hậu?
Người Trung Quốc không thể nhận lỗi, nhưng cái lỗi vẫn còn đó, đâu phải vì không nhận mà nó biến mất. Để che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi. Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa.
Họ liên miên khoa trương về dân Trung Quốc, về tộc Đại Hán, huyên thuyên về truyền thống văn hóa Trung Quốc, nào là có thể khuếch trương thế giới, v.v... Nhưng bởi vì không thể đưa ra chứng cớ thực tế nào nên tất cả chỉ toàn là những điều bốc phét.

Cứ nghiêm túc so sánh mà xem... Sao giống nhau đến thế!
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét