Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

MỘT NGÀY HỮU ÍCH...!

Ngưỡng mộ, kính trọng, thương xót Bác Kim Ngọc từ lâu nhưng không bao giờ dám nghĩ một ngày được đứng bên ban thờ Bác..., hôm kia, anh Nguyễn Đình Toán (Chuyên chụp chân dung nghệ sỹ; Từ, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trần Dần, Hoàng Cầm... những cây đại thụ văn hóa nước nhà, đến loại tép riu như Phẫu thuật) gọi điện.
-Dũng ơi! Thứ bẩy này giỗ bác Kim Ngọc, đi không...?
-Em đi với! Có những ai anh?
-Trưởng đoàn là Trọng, đạo diễn phim “Bí thư tỉnh ủy” đấy!
-À! Xuân tóc đỏ hả anh?
-Ừ! ừ...!
-Vâng! Em đi!
Đoán rằng, đi với văn nghệ sỹ thể nào cũng phải uống nên không giám lái, nhờ xe Hải. Cùng xe còn có bác Trần Định, người có hơn mười năm giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Anh em nghệ sỹ, ba câu là thân như đã lâu lắm, ông Toán có cái ảnh chụp ông Định đang hướng dẫn bác Giáp sử dụng máy ảnh, gạ “Bán lại” cho ông Định. 
Ông Định có ảnh chụp ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đàm đạo “Lịch sử” với Góc-Ba-Chốp (nghe nói mấy ông hiến kế nhằm cứu vãn CNXH ở Đông Âu), đem ra ...”Gạ đổi”, 
Ông Định bị viêm đai vai, tôi khám một hồi, phán.
-Anh Toán ơi! Có ăn rồi...! Khỏi bán ảnh đi...!
Tôi thống nhất chương trình với các anh.
-Em là khách không mời, thắp hương xong nếu nhiều quan khách thì em rút lui chờ các bác ở ngoài.
-Chú lo xa quá, nhưng được..., anh sẽ tôn trọng!
Ngay sau khi nhận lời đi, đã hai lần ngồi vào bàn với hy vọng viết cái gì đó dâng lên bác Ngọc mà không thể nào ra được. 8h xe đến đón, 7,30 mở láp tóp đọc cảm nhận-phản hồi. Đóng máy lại, mặc quần áo, lấy chai Si-mi-lốp, phong bì..đề:
Cháu: Bs Nguyễn Vinh Dũng. Bệnh viên E Hà Nội…
Viết gì nữa đây…? Thế là ra một mạch.

Vằng vặc TÂM!
Vời vợi TÀI!
Đất nhớ CÔNG
Đời tạc DANH!
Một nén tâm THÀNH!
Linh thiêng, chứng GIÁM!
Gia đình đón đoàn như người nhà, hóa ra chỉ có vài thằng như tôi là phải giới thiệu còn lại đều đã quen cả. Thắp hương khấn Bác xong… uống nước.
Nhà thờ, (có lẽ cũng là nhà khách) chừng 4-5 chục mét vuông. Trên ban thờ, bức tượng Bác (bán thân) do Tỉnh Ủy tặng, trên tường, nhiều ảnh Bác làm việc, chụp lưu niệm với lãnh tụ Hồ Chí Minh nhưng cảm động nhất là hình ảnh Bác Ngọc với cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân đang làm việc thật sự trên đồng.
Lại một đoàn lãnh đạo nữa tới, đang định rút lui thì.
-Ơ...! Anh Dũng...!
Giám đốc Bệnh viện K74, Phó GĐ BV Lao và bệnh phổi trung ương, một thằng cùng khóa, một thằng thời Y4 đã nghe mình giảng bài…,thế là..., nhập mâm!
Các anh, chị (con trai, con gái, con rể, con dâu hai bác) lần lượt ra tiếp rượu thân mật, chu đáo…, Phê!
Những giao lưu, những câu chuyện bên mâm rượu chẳng “khoe” ra đây làm gì. 
Cách bố trí ngôi nhà văn minh-Lịch sự lắm, cỡ 40 mâm ngồi hết trong nhà mà chỗ nào cũng thoáng mát. Ngoài sân, dưới những cây lưu niên (Mít, xoài…) là rải rác những bàn uống nước.
Ấm bụng, và để tránh say tôi ra ngoài ngắm cái kiến trúc bình dị mà văn hóa, khu nhà có ba mặt nhìn ra hồ nước, chả biết gì về phong thủy nhưng hình như ..., khuyên khuyết thế nào ấy…
Đang thơ thần thì Bác Gái tới nói chuyện, thân mật và giản dị như bất cứ một "Bà già" nào khác.
-Thưa Bác! Hôm nay, cháu là khách không mời, nghe tiếng Bác trai đã rất lâu, kính nể và thương xót lắm... Khoán hộ xé rào cho khoán mười và nhờ có khoán mười mà đời sống thay đổi... Mẹ cháu trước khi mất cũng được hưởng đôi chút... Dân và Nước kính trọng ghi công Bác trai... Hôm nay cháu lên đây chỉ mong được thắp hương bày tỏ đôi lời với Bác trai, lại được Bác và các anh các chị chu đáo, cháu cảm ơn...!
Bà cụ cầm tay tôi, tâm sự những điều đau và tức (không tiện nói ra ở đây), rồi cụ giới thiệu.
-Tỉnh cho mấy chỗ đất khác tốt hơn cơ ... bác ạ, nhưng ông nhà tôi nhất định không lấy, ông ấy bảo “Dân đã có gì đâu mà cướp của người ta!” rồi lấy khu đồi hoang này bắt vợ con cải tạo mà dùng. Ngôi nhà này, mấy người kiến trúc vẽ cả tuần rồi đưa ông duyệt, ông ấy bỏ hết, ngồi vào bàn năm phút và vẽ như thế này đấy..., ba gian trước thôi..., phía sau là các em, chúng nó làm thêm.
Thấy hai Bà-con đứng với nhau, anh Toán rồi anh Định, lượn vè vè xung quanh, chả biết quay hay chụp.
14h. Những đoàn cuối cùng chào gia đình...
Ra cổng, lại chụp ảnh, xe từ trong nhà ra… nhập, chụp tiếp...., lại nhập..., lại chụp…. Văn nghệ sỹ, công an tỉnh, Y tế, Ngân hàng, Sở Nông nghiệp. Quen cũ, quen mới chào nhau í ới..., hẹn nhau sang năm…
Bây giờ thì ngồi đây viết lại, sau cuộc gặp ở Bà Triệu rồi về Café Lộc Vàng. 
Anh Lộc cùng nhóm với anh Toán Xồm trong “Vụ án nhạc vàng”, (các ông ấy mê nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn… những Thiên thai, Suối mơ…) ngày ấy bị cấm, họ đóng cửa ngồi hát với nhau... Thế thôi! Nhưng giấu làm sao được ở cái thời .. “Mỗi người dân là một chiến sỹ công an” ấy... Thế là họ bị bắt, bị cầm tù đến 1976 mới được tha.
Anh Toán Xồm nặng nhất, sau khi ra tù không còn bất cứ thứ gì, anh lang thang ngoài đường phố, chỉ mấy người bạn tâm huyết lắm mới thi thoảng lén lút cho anh dăm hào, một đồng… bức ảnh anh Đình Toán chụp nhạc sỹ Đoàn Chuẩn châm lửa cho Toán Xồm bên vỉa hè..., có lẽ là những ngày cuối cùng của đời người nghệ sỹ...!
 Anh chết ngoài đường…, rất tội...!
Anh Lộc, nghe đâu bị kết án 9 năm, nhưng khi trong trại tổ chức văn nghệ, anh lại không tham gia ..., thế là con số ấy bị tăng lên...
Đến khi người ta cho phép hát lại những bản nhạc ấy (được xếp vào loại “Tiền chiến”), mấy lần anh xin phép mở quán ca nhạc mà không được thậm chí còn xuýt bị “Đào tạo thêm!”.
Cho đến mãi gần đây mới mở được Cafe Lộc Vàng 17A đường Ven Hồ (Hồ Tây, đoạn Võng thị đi xuống).
Đã 70 mà anh vẫn say mê hát..., hát chỉ để được hát..., không lấy tiền, mỗi cốc nước giá có cao hơn ngoài đường ít chút nhưng còn xa mới kịp những Café âm nhạc khác.

Những bạn đã từng xem phim “Nổi Gió” có cảnh sỹ quan “Mỹ-Ngụy” ăn chơi, người nghệ sỹ cầm ghi ta chơi những bản nhạc “Thác loạn” chính là anh Toán Xồm đấy.


Một ngày hữu ích!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét