Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Không đinh nhưng cứ phải nói về 30-4

Chuyện nhỏ như … con thỏ, xưa như vũ trụ và đã quen như nghe… dự án thu hồi đất…, tưởng như không bao giờ phải nhắc đến nữa, ấy thế mà lại phải nói.
Số là tôi có anh bạn trên BTV, chả biết đọc ở những đâu và cho rằng sáng 30-4-1975 có hai cái xe tăng của bộ đội “Cùng húc đổ” cánh cổng dinh Độc Lập.
Lần nữa xin anh bạn đừng buồn và đừng giận tôi, đơn giản vì anh, và ai đó còn hiểu mập mờ cũng có cái lý của nó.
Từ xe A húc đổ sang xe B rồi người lái xe B được này được nọ, được ghi vào những tài liệu mang tính sử, sách, được đi báo cáo và đương nhiên được … nhận quà.
Cũng chả sao vì lính ngày ấy (trong đó có lái xe A) cũng như toàn dân chỉ mong cho chiến tranh kết thúc, mạng sống và sự đoàn tụ mới là mục đích vậy nên lái xe A chỉ lặng lẽ kể với vợ con niềm tự hào của mình mỗi khi đài, báo, ti vi nhắc đến giây phút lịch sử ấy.
Cây đã muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng, sau khi nghe cô giảng, đứa trẻ con ông A cảm thấy bố mình bị xúc phạm, niềm tự hào trong nó bị xúc phạm mới gân cổ lên chiến đấu với bạn
-Không! Bố tao mới là người húc cánh cổng ấy đầu tiên…!
Với trẻ con, một khi đã là “Bố tao bảo” thì làm sao mà sai được...!
Thế rồi chúng nó kiện lên cô giáo và đương nhiên cô giáo mang sách ra làm trọng tài…, thế là đứa trẻ đã bức xúc lại càng bức xúc…
Thế rồi báo giấy báo mạng, đôi bài cải chính, dăm bài thắc mắc …,nhưng tất cả chỉ như những … tin vịt…, vỉa hè, chẳng mảy may ý thức được những người có trách nhiệm…
Phải đến khi một nhà báo nước ngoài, người đã chụp được cái “Xe thật” ở cái giây phút “Lịch sử thật” ấy lên tiếng, sự thật mới buộc phải bước một chân ra ánh sáng.
Những tưởng thế là … xong, nào ngờ đến tận bây giờ, những cái “mập mờ”, “nhạy cảm” vẫn bao trùm đời sống tinh thần dân chúng, đến độ anh bạn tôi, một cây viết tôi vẫn nể trọng vẫn phải ... “Bán tín bán nghi”.
Tôi là người lính có mặt ở Sài Gòn sáng hôm ấy, và tôi thề rằng chỉ kể những gì nhìn thấy, nghe thấy từ chính những ngày ấy.
Khi chính thức xuất quân vào chiến dịch Hồ Chí Minh (Từ một cánh rừng cao su ở Long Khánh, Xuân Lộc gì đó mà tôi đã kể chuyện Hòa Toản dọa bắn đại đội trưởng trưởng Tám, trong bộ 30-4) dường như xì xào cái lệnh: Tất cả các phóng viên, nhà báo, kể cả VNTTX, đều phải dừng lại từ Biên Hòa.
Chỉ là một người lính nên có cái lệnh ấy hay không tôi không biết, nhưng mắt tôi không nhìn thấy nhà báo nào, không thấy ai mang máy quay phim, máy ảnh trong đoàn quân vào Sài Gòn hôm ấy.
Tại sao vậy? Tôi không biết, nhưng ta có thể suy luận, vòng vây đã khép kín Sài Gòn, pháo binh, không quân đã sẵn sàng… nghiền nát Sài Gòn.
Điều đó dễ hiểu vì theo chúng ta được biết thì Sài Gòn là thủ đô của chế độ VNCH, Là “Sào huyệt” của những tên “Phản động nhất, ngoan cố nhất, thủ đoạn nhất” Dân Sài Gòn thuộc loại “Chống cộng nhất”…, và chúng tôi sẵn sàng cho “Chúng” biết… Thế nào là Việt cộng! Như vậy, một cảnh tượng “Hơn cả ác liệt” đã hoàn toàn có thể xảy ra …
Đó là lý do khiến ta không có được bức ảnh “Thật” vào cái giấy phút “Lịch sử thật” ấy. Đó cũng là lý do thứ nhất khiến cái cảnh trên phim và những bức ảnh ta vẫn xem có thể là … Thật nhưng chưa … thật nhất!
Rất mừng vì trong đám “Phản động nhất, ngoan cố nhất ấy” có ông Tổng Thống Dương Văn Minh, người đã ra quyết định và lời kêu gọi khiến cả nước bàng hoàng, theo cá nhân tôi thì ông là người có công rất lớn, mang tính quyết định giữ cho máu Sài Gòn không đổ và khiến trúc Sài Gòn còn được như sau giải phóng.
Trên đường vào, chúng tôi có thấy những người mắt xanh, mũi lõ, cả đàn ông và đàn bà, họ giống nhau là đều không cầm vũ khí, không mặc quân phục mà mang máy quay phim, chụp ảnh, đeo cả đằng trước và đằng sau những cái biển nội dung vừa giống nhau vừa khác nhau:
“Tôi là nhà báo Y Đại Lợi”.
 “Tôi là nhà báo Úc Đại Lợi”…,
Tôi để ý, tuyệt nhiên…, không thấy nhà báo “Pháp Đại Lợi” và “Mỹ Đại Lợi” nào….! Ngày đó “Chúng tôi” còn thù Pháp, thù Mỹ lắm...!
Đó là gợi ý, lý do người phóng viên kia (Nghe nói người Pháp) đã trốn trên một căn gác gần dinh Độc Lập và chớp được bức ảnh quý giá đó.
Tôi không nhớ chính xác mùng 2, 3 hay 4 tháng 5, chúng tôi được tổ chức đi “Chơi Sài Gòn”. Dinh Độc Lập với chiến dịch cuối cùng cũng như hầm Đờ Cát trong Điên Biên Phủ là đích đương nhiên của những cánh quân sau giờ phút “trọng đại” ấy.
Chúng tôi phải dừng xe trước dinh hàng trăm mét vì ở cổng đang… dựng lại cảnh chiếm dinh ĐL để quay phim chụp ảnh.
Đấy là cái lý do thứ hai khiến ta biết, ta cho rằng, hình và ảnh vẫn xem là thật, mà chưa thật … thật.
LỜI BÌNH 
Trong cảnh thật và cảnh dựng lại, cái xe tăng đều húc đổ cánh cổng phụ bên tay trái (Từ ngoài vào). đó là ý thức bảo vệ của người lính tăng, (Cả cái cổng chính vẫn còn nguyên) nhưng cũng là cơ sở để tin rằng không thể có chuyện "cả hai cái T54 cùng chui qua cánh cổng ấy" được, sự thật thì sau cái đầu tiên ấy còn vài cái nữa vào đỗ trong sân dinh nhưng rõ ràng là phải có cái trước cái sau.                                                               
Ở thời khắc lịch sử, cái xe A húc đổ cánh cổng …, lúc dựng cảnh lại là xe B…, thế là công bố xe B, cái gì cũng xe B…, khi trẻ con thắc mắc… kệ! Khi nhà báo nước ngoài với đủ vật chứng lên tiếng, dân và các báo trong nước ngoài nước bàn tán xôn xao thì từ đâu đó lại có cách giải thích: “Cả hai xe cùng húc…!”. Hay…! Thế là “Hòa cả làng…!” Hai cái cùng húc thì phóng viên muốn chụp, muốn quay cái nào cũng được, đài báo muốn đưa cái nào cũng vẫn…  cứ phải đúng…! Hay…!
Trước kia (Và dường như bây giờ vẫn còn), khi có sự kiện như bộ đội vào trận đánh lớn, chiến dịch nhỏ, Miền bắc vào phong trào này, đại công trình khác…, dường như chúng ta vẫn chuẩn bị và chỉ định sẵn, rằng đơn vị này sẽ phải “Xây dựng” mấy Anh hùng, đơn vị kia sẽ có bao nhiêu Chiến sỹ thi đua (CSTĐ)… đến khi tổng kết là … y như rằng …, rất chuẩn! Bất luận chiến dịch ấy thắng to hay bé, phong trào ấy, công trình ấy hiệu quả đến đâu…!
Ở hậu phương thì rủi ro đến với những người đang được “Xây dựng anh hùng, CSTĐ” cũng có nhưng nhỏ hơn, ví như tai nạn lao động, ví như mắc lỗi gì đó về “Tinh thần thái độ”, ví như, nhân vật mới, “Nhạy cảm” xuất hiện… và một khi rủi ro đã xảy ra thì cái danh hiệu ấy lại thuộc về người khác và người ấy được đi nói chuyện, được mọi người học tập như một tấm gương, được … mọi nhẽ!
Trong quân đội thì rủi ro cao hơn nhiều, muốn được anh hùng, CSTĐ thì phải “Đầu tầu gương mẫu”, phải “Năng nổ xốc vác”, lội nước phải đi trước, ăn cỗ phải đến sau…, cứ như thế mà chiến dịch kéo dài mấy tháng thì khả năng … “Anh dũng hy sinh” cao lắm. Và nếu người ấy hy sinh thì các danh hiệu ... vẫn phải có..., vẫn phải trao, vẫn phải có người làm gương cho toàn quân học tập… thế là cái người đã "Hy sinh" kia (Cùng gia đình) chẳng được gì hơn ngoài danh hiệu “Liệt sỹ”…!
Cứ suy từ bài thơ khắc trên bia ở ngã ba Đồng Lộc thì hy sinh không chỉ có mười cô gái nơi này, đánh B52, lái MIC đánh nhau với không quân Mỹ không chỉ có mình Phạm Tuân, góp công vào chiến thắng không chỉ có mấy người đang ở cạnh đường Trường Chinh, nơi con đường phải "Cong mềm mại"… 
“Cột cờ” đã được chọn nhưng cần biết còn rất nhiều “Bó đũa”…!
Nếu có cái việc dừng các phóng viên nhà báo trước cửa ngõ Sài Gòn thì cũng là phải thôi, trước hết để tránh những hy sinh không đáng có cho lực lượng này, thêm nữa, chẳng hay ho gì những hình ảnh thảm khốc, điều đó cũng cho thấy, là người Việt, ai cũng biết rùng mình trước mất mát hy sinh.
Việc dựng cảnh lại càng … là phải thôi! Giây phút thiêng liêng mà bao nhiêu thế hệ của cả nước mong chờ, điều day dứt của lãnh tụ trước lúc đi xa được thể hiện trong di chúc… Sao lại không có hình ảnh cho được!
Tiếc vì khi dựng cảnh lại không gọi đúng cái xe và tổ lái đã thực hiện sự kiện đó.
Tiếc vì lái xe A lại … có con! Lại kể cho con nghe …, để nó phải đi cãi nhau với bạn bè…
Nhưng khi đã thành chuyện, thiết nghĩ cũng nên mạnh dạn đính chính để lịch sử về đúng với lịch sử…! 
Sao cứ phải vòng vo...!
                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét