Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

MỘT CUỘC ĐI CHƠI...!

MỘT CUỘC "ĐI CHƠI...!

TRƯỚC.

Vốn ít được “Đi chơi”, vừa “Qua miền Tây Bắc” thấy… thỏa mãn lắm, định bụng lâu lâu cần đi một chuyến như vậy…, lâu lâu tức là sáu tháng, một năm gì đó, còn thì phải làm việc, phải chăm sóc dạy dỗ con cái chứ…

Định thế nhưng tuần trước, chữa cái tay cho một doanh nhân (Cò con thôi), việc đơn giản lắm.

Hiện tượng đau các đầu xương lớn, thường gặp ở cổ tay, khuỷu, vai, gối trước kia (Những năm 80 về trước) hầu như chỉ gặp ở phụ nữ, đặc biệt những người trong thời kỳ mãn kinh hay đang cho con bú nhưng càng về sau này càng phổ biến, thậm chí đàn ông bị nhiều hơn, chưa thấy báo cáo nào nghiên cứu về sự dịch chuyển ấy nhưng cũng đủ thấy tác động của ô nhiễm, an toàn thực phẩm và lối sống.

 Có lẽ chính vì những cái đơn giản ấy mà họ (Hai vợ chồng) léo nhéo hẹn tôi “Đi chơi” bằng những nhời nhẽ khó mà từ chối. Cuộc hẹn được ấn định vào 9h sáng chủ nhật và điểm đến là Làng văn hóa Việt, Đồng Mô.

Thứ 7 trực, nửa đêm, một ca gãy xương nhỏ vào viện, bình thường thì chuẩn bị rồi sáng hôm sau mổ, nhưng thôi, trót hẹn rồi, động viên mọi người mổ sớm.

TRONG.

Đại lộ Thăng Long hoành tráng với nhiều cái nhất.

-Rộng và hiện đại nhất Hà Nội.

-Vắng nhất, vắng đến mức xe mình chạy đúng tốc độ cho phép (100 km/h) mà hai bên vẫn vượt vèo vèo…! Vắng đến mức không cần sự hiện diện thường xuyên của CSGT mà vẫn… rất trật tự, vắng đến mức CSGT cóc thèm ra đứng để mà bắn mấy thằng chạy quá tốc độ và sai làn đường…. sướng!

-Sướng như thế nhưng xét về hiệu quả trước mắt thì có lẽ cũng là … kém nhất!

Nói về làng văn hóa, tôi vẫn thầm “Tự hào” vì đã nghĩ về nó rất sớm, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90, trước sự thay đổi chóng mặt của lối sống, tôi đã ước mong biến ngôi nhà ở quê thành cái Bảo tàng Mini với ngôi nhà chính bằng gỗ, lợp ngói ta, nhà ngang xây gạch, lợp ngói tây và cái bếp trát vách đất lợp rạ, cái chuồng lợn đắp đất lợp rạ. Trong nhà có ban thờ, xập gụ, tủ chè, tràng kỷ, tranh Đông Hồ, ngoài hè hay góc nhà có cái bình vôi, trên bàn có cái bát điếu…. Nhà ngang có cối xay lúa, chày giã gạo, vại cà, cối xay bột cùng rổ, xảo, quang thúng, đòn sóc, đòn càn… Dưới bếp có ông đầu rau, có que cời, ống đũa, trên bếp lửa là những thứ cần “Gác bếp”, trong chuồng lợn gác bộ dong gầu, cái cào ba răng, bộ thúng sơn kèm cái móng… Ngoài sân có chum tương, đầu hồi có bể nước mưa, cái đống rơm, ngoài vườn có chum nước hứng từ cái mo cau…

Nếu làm được như thế sẽ được rất nhiều việc, đặc biệt cho các con các cháu dễ hiểu đời sống ông cha…

Đã từ lâu, tôi nghe người ta kể, xem trên ti vi về cái Làng văn hóa mà tôi rất tâm đắc này, nhưng… giá như chúng nó đừng mời tôi đến bởi đến rồi tôi … vỡ mộng.

Ngoài cái biển chỉ dẫn (Có lẽ của bên giao thông) có mũi tên “Làng văn hóa Việt nam”, không có một biển quảng cáo, giới thiệu hay chỉ dẫn nào khác. Cổng vào rộng lớn nhưng người đến đây lần đầu tiên sẽ không tin bởi nó hiện đại, hoành tráng như cổng một khu công nghiệp hay sân bay thì đúng hơn. Hạ tầng tuyệt vời với những con đường trải nhựa rộng rãi, ngang dọc. Đầu làng là bức tượng Thánh Gióng mà ai ngang qua, nhìn thấy cũng phải … giật mình.

Cũng giống như ở Sóc Sơn, tượng Thánh cưỡi ngựa đạp mây nhưng rất nhỏ so với khuôn viên, đã thế cái lối vào lại ở thế cao hơn, đã thế lại có màu gì như màu đất nên khi khách “Nhìn xuống”, bức tượng chỉ còn là một đứa trẻ trâu nghịch ngợm chứ không thấy cái vị thế của một anh hùng dân tộc đã thành Thánh.

Dọc những con đường uốn lượn ấy có những biển nhỏ chỉ dẫn vào những con đường bê tông nhựa nhỏ hơn “làng Mường, làng Thái, làng …” sự sắp xếp cũng thành khu như Việt Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ. Những ngôi nhà theo phong cách từng dân tộc, vô hồn nằm trong mưa bụi.

Nổi bật trong những mái rạ mái rơm, mái cỏ thâm xì là ngôi chùa Khơ Me sặc sỡ, (điểm chính mà họ rủ tôi lên), đang có 3-4 đoàn du lịch trong nước và cũng 3-4 người khách nước ngoài, một cô hướng dẫn viên đang nói về nội dung những bức tranh mô tả quá trình tu hành của đức phật Thích Ca Mô Ni…

Đến Tháp Chàm thì trời mưa nặng hạt hơn, cũng là dịp để được chui vào lòng tháp, được ngắm nghía toàn bộ khuôn viên. Chẳng có ai để hỏi về tín ngưỡng người Chăm, họ thờ ai? Ý nghĩa những ngôi tháp là gì, cái sân cao, rộng này có phải là nới hành lễ và biểu diễn văn nghệ truyền thống?

Xa xa, bên kia cái hồ, một đàn cò trắng nhởn nhơ đậu, mưa là thế mà trên sân Gôn vẫn hoạt động, thảo nào … thằng em Vụ trưởng của tôi mê Gôn đến thế, cái thú thể thao kiêm tiêu khiển, kiêm đốt tiền này có ma lực gì vậy....? Một buổi chơi, tiêu hàng vài triệu, hàng vài chục triệu, chả thế mà toàn “Cán bộ to” mới được chơi … đúng là họ … thừa tiền!

Thằng Thi (Doanh nhân, bệnh nhân, người mời tôi đi) tỏ ra ân hận vì trời mưa.

-Tiếc quá…!

-Em đừng nghĩ thế, nội cái việc được hít thở không khí trong sạch, được ở trong Tháp Chàm, trong cơn mưa thanh vắng như thế này đã là là những ấn tượng khó quên…, em cứ sang chăm sóc vợ và các bạn đi, để anh tận hưởng một lát nhé….!

Nó đi và tôi thả mình theo những suy nghĩ miên man.

Nghe nói cũng có hội này hội nọ, có chợ này chợ khác nhưng hình như đa phần cái khuôn viên rộng lớn hơn cả sân bay Tân Sơn Nhất này… bỏ không.

Lạ nhỉ…, chỉ một hai mái nhà đã được gọi là mô hình một làng văn hóa của một dân tộc sao? Dân ta đang ham du lịch lắm mà…, khách quốc tế thèm tìm hiểu văn hóa Việt lắm mà…, bảo tồn văn hóa dân tộc đang là chủ trương của Đảng và nhà nước cơ mà… Cái cơ sở hạ tầng này có phải đang quá lãng phí không…?

Thiết nghĩ, nếu mỗi làng là một mô hình thu nhỏ của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Làng Bắc Bộ nếu có một ngôi đình, nếp chùa và một ngôi nhà dân điển hình, nhất là lại có xóm Gốm, xóm, Lụa, xóm rèn, xóm Chèo, xóm Quan họ…, đường nối các xóm phải bằng đất hay lát gạch nghiêng, cầu bằng đá nguyên khối, xây bằng gạch, bằng tre..., rồi hàng rào hai bên nơi thì Cúc Tần, nơi Dâm Bụt, nơi xương rồng thì hay biết bao….

Làng Hơ Mông phải có tường nhà chình bằng đất, xóm Hà Giang lại có hàng rào bằng đá.

Cứ thế, cứ thế về kiến trúc…

Làng Thái có nhảy sạp, làng Tày có đàn tính, hát then, làng Mông có khèn, làng Tây Nguyên có múa lân, có nhà mồ…

Thế rồi xóm này có đám cưới, xóm kia có đám tang, làng nọ lại có hội làng…, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà kinh doanh tuyển dụng và sử dụng chính những con người của các dân tộc làm … diễn viên.
Thế rồi khách có thể tham gia làm cô dâu, chú rể, với trang phục và nghi lễ truyền thống, làm chủ tế, làm tang chủ, thậm chí làm … người chết…! Với chúc tụng, chia buồn, nhạc hiếu nhạc hỷ… Ngoài vường, bên đường có đánh quay, đánh đáo, nhảy ô… khách lại có thể thử tài…

Cứ thế, cứ thế về văn hóa ….

Nếu làm được như vậy, chẳng những cái đích bảo tồn văn hóa mang tầm cỡ Quốc gia dễ dàng thực hiện mà lợi ích kinh tế mang lại…, nhắm mắt cũng biết là …kinh khủng. Chẳng những là nơi quảng bá văn hóa Việt với khách quốc tế mà còn là chốn duy trì cho con cháu tìm hiểu ông cha, cho người già thỏa lòng hoài cổ…

Lạ thật…! Sao người ta lại không làm nhỉ…! Đúng hơn là, sao người ta lại “Chưa đánh trống đã bỏ dùi” thế nhỉ…!

SAU

Sáng nay giao ban xong, tay trưởng khoa nói.

-Tưởng Đinh La Thăng chỉ võ mồm, hóa ra cũng… ác phết! Đình chỉ công tác mấy cán bộ ngành đường sắt trong vụ 16 tỷ rồi đấy…!

Một người phụ họa.

-Hắn là con người hành động…, phải có làm thì mới nói được chứ…!

Một Bác sỹ trẻ.

-Xì…! Các chú nhầm rồi…! Có phải tự ông bộ trưởng họ Đinh này, nhờ sâu sát công việc mà phanh phui, mà quyết định này nọ đâu…! Chẳng qua là báo chí Nhật đã làm ầm lên rồi…! “Bởi thời thế, thế thời phải thế” thôi, các chú ơi!

Một Bác sỹ khác.

-Tôi còn nhớ một tay kiến trúc sư bị trầm cảm, hắn nói, hắn tìm được đối tác nước ngoài, lập dự án Làng văn hóa trên một vùng bãi cát miền trung… khả thi lắm nhưng riêng bọn lâu la (Xin giữ nguyên lời) của văn phòng (Xin giấu tên một văn phòng cao ngất ngưởng) đòi 16%..., hắn nói: Còn lãnh đạo của cái văn phòng ấy, bộ chủ quản và các bộ liên quan, rồi còn lãnh đạo địa phương… rồi đền bù người dân… còn đâu tiền để đổ vào dự án nữa…! Thế là hắn ức và hắn trầm cảm….!

Tôi không nói gì, nhưng nghe hết, và tôi vỡ nhẽ…, cái Làng văn hóa kia chắc cũng vậy…, người lập dự án, người ký quyết định, các bên tham gia thi công, giám sát… chắc đã … Xong cái “Mục đích” của mình rồi …!

Thế nên cái làng mới chỉ có cái nền, bây giờ: Đánh trống mà "giữ dùi” thì chỉ để nghe chứ…, “Ăn” làm sao được…!!!
Phải đánh trống bỏ dùi mới có cái mà... chén...!!!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét