Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

LỜI NGUYỀN...!


Bà Cọc bị quy địa chủ..., cái tin ấy chẳng có gì lạ với dân làng Thị Cấm nhưng lại là sét đánh ngang tai bà Cọc.
Không lạ là vì ngôi nhà..., cả xóm Dưới chỉ có mấy nóc nhà ngói, nhà bà tuy nhỏ nhất nhưng kiến trúc lại nửa tây nửa ta..., dính tý tây là chết rồi..., cãi sao được!
Lạ là vì bố chồng bà chết, chồng bà bị tai nạng rồi cũng chết, họ để lại cho bà mỗi ngôi nhà ấy và hơn mẫu ruộng, bà phải gồng hết mình lên để nuôi mẹ chồng, năm đứa con nhỏ..., ác nghiệt hơn, bà phải thay bố chồng, thay chồng góp tay vào nhưng công việc làng xã, họ hàng... Chết nữa là hình như bà lo thay nhưng lại lo tốt hơn họ, những người chức sắc trong làng, trong họ, bà con hàng xóm kính nể yêu quý bà..., trong đó, nhiều người trong cánh bần cố nông coi bà như cha mẹ...
Nhà bà còn chửa đủ ăn, việc tuy nhiều nhưng cũng chỉ đủ cho bà và hai đứa con lớn..., ăn còn phải độn ngô khoa sắn, mặc còn phải rách..., lấy đâu ra mà thuê..., nhưng họ kéo đến xin việc, nhìn những tấm thân sơ xác, những vẻ mật thất thần vì đói, nghe những lời kỳ kèo thiểu não rằng mẹ già con nhỏ của họ đang há miệng chờ chết ở nhà... bà không dằn lòng được ...!
Thế là thành bà chủ bất đắc dĩ, mẹ con bà nhè miếng cơm độn khoai cho họ, xúc lưng bơ gạo cho họ mang về nấu cháo, rồi cùng nhau ra đồng ...
Cứ thế, bà như lãnh tụ của đám dân nghèo, họ yêu quý bà, nể phục bà, khiếp sợ bà, đội ơn bà...
Thế rồi bà Cọc bị đấu tố, hình như người ta cố tình đem những tên địa chủ ra đấu ở chính những nơi họ có tài sản to nhất, nhiều ruộng thì bị đấu ngoài đồng, ngôi nhà bà Cọc có vẻ lớn hơn, quý hơn mẫu ruộng nên bà bị đấu tố ngoài sân.
Cũng như tất cả các cuộc đấu tố khác, tuy không bị trói nhưng người ta bắt bà quỳ xuống nền gạch, bà không quỳ nhưng mấy đứa du kích cứ đạp vào khoeo cho đến khi bà không thể đứng được nữa.
Những người tố, những chuyện để tố cũng vậy, chỉ hôm ấy, lúc ấy nó mới ghê gớm, mới là tội ác tày trời chứ trước đó..., mười người  thì cả mười bảo là công, là tốt hay chí ít cũng là ... chẳng có gì đáng nói.
-Cả Cọc...! Mày có biết tao là ai không...! Hôm tao gặp mày gánh lúa ngoài đồng về, tao chào mày mà mày không chào lại..., mày sợ tao xin lúa của mày.... mày biết chưa...!
Có người vừa tố vừa khóc.
-Hôm tao sang xin mày đi cấy..., mày cho tao nửa bơ gạo về nấu cháo cho mẹ tao ăn..., Mày cho tao bát cơm toàn khoai là khoai mà mày đang ăn dở..., mày biết tội mày chưa...! Hả...! Ối bà cả Cọc ôi..., là bà cả Cọc ôi....!
Người tố quỳ xuống, ôm lấy kẻ bị tố mà chu chéo...
-Ối bà Cọc ôi..., là bà Cọc ôi...! Con thương bà quá bà Cọc ôi....!
Bọn đội kê cái ống bầu lên miệng bắt nhịp
-Đả đảo địa chủ ngoan cố...!
Đám đông nhao nhao hưởng ứng
-Đả đảo...! Đả đảo...!
Người tố bị lôi ra trói vào gốc sung tra khảo nhưng cô ta cãi rằng cô ta có tố, có sưng bà và gọi địa chủ là con... đã làm đúng như lời Đội dạy..., chỉ đến khi ức quá mới khóc... thế là du kích phải tha...!
Đến khi người chủ tọa phiên tòa tuyên bố tịch thu toàn bộ nhà cửa tài sản để chia cho dân nghèo thì bà Cọc đứng bật dậy, quay vào nhà, bà chắp tay khấn lầm rầm mấy câu rồi thò tay vào ngách ban thờ rút phắt con dao dựa..., mắt bà long lên sòng sọc..., bọn đội, bọn du kích bạt vía chạy rạt ra mé vườn, có tiếng lên đạn xoành xoạch.
Bà Cọc không ra sân..., răng bà cắn vào môi mật máu, đoạn bà vung dao chép mạnh cây cột..., lửa bắn tóe..., một miếng lim bật ra, con dao tuột khỏi tay bà văng vào gầm tủ.
-Bà truyền đời cho thằng nào, con nào vác mặt đến đây sẽ chết đường chết chợ...!
Chẳng nói về kết cục phiên tòa, chẳng nói về số phận bà Cả Cọc nữa, chỉ biết rằng các bần cố nông không ai muốn nhận ngôi nhà ấy. Người ta chia cho 3 hộ, 2 hộ, rồi 1 hộ cũng không ai muốn nhận...
Lão Tý là cốt cán, so trong đám bần cố thì nhà lão khá hơn cả, khá hơn là nhờ ở cái sức vóc của lão, mà sức vóc của lão có được lại là nhờ cái tài ăn bẩn của lão, ăn bẩn nghĩa đen ấy... Con gà, con mèo, con chó con, lợn con nhà ai chết toi chết dịch không biết từ bao giờ, người ta ném ra đầu ngòi, (Cái nơi không ông xã ông thôn nào, không văn bản nào quy định nhưng người ta vứt xác động vật chết, vứt quần áo, đồ dùng người chết ở đấy từ bao đời) Có khi, người vừa đi qua thấy giòi đã bò lổm ngổm trên mắt con gà nhưng quay lại thì cả gà cả giòi đã biến mất..., nếu rỗi hơi tò mò đến nhà lão tý thể nào cũng biết con gà ấy đi đâu.
Ngôi nhà ngói 5 gian, cổng tây mở vào cái lối gạch chạy cong theo vườn, rồi tường hoa, bể nước mưa..., mẹ kiếp! Ăn dè hà tiện mười đời nữa nhà lão Tý cũng chẳng dám mơ đến cái bể nước mưa..., lão trằn trọc cả đêm..., lão chứng kiến ánh mắt hoang dại của bà cả Cọc, lão nghe rõ mồn một lời nguyền của bà... lão sợ..., nhưng cơ hội trời cho không biết đến bao giờ mới có lại..., chắc chả bao giờ ..., lão tiếc...!
Hôm sau, người ta thấy lão Tý phờ phạc vào ủy ban...
Khi đi, khi vào ủy ban, lão đờ đẫn phờ phạc bao nhiêu thì khi ra khỏi ủy bạn, trên đường về hắn lại hưng phấn bấy nhiêu..., cán bộ giác ngộ cho lão và chưa bao giờ lão thuộc bài nhanh thế, lão vừa đi nừa nói như cái loa...
-Làm gì có lời nguyền..., làn gì có mê tin dị đoan..., Đảng cho bần cố nông đổi đời..., phải bài trừ mê tín dị đoan.., là cán bộ, phải gương mẫu...
Cứ thế..., bao nhiêu khẩu hiệu, bao nhiêu đường lối chủ trương, lão nói vanh vách ..., y như cán bộ tuyên huấn...!
Ngay chiều hôm ấy, cả nhà lão sang ở ngôi nhà bà Cọc..., chỉ gọi là sang ở bởi lão không phải “Dọn sang”, không phải dọn vì chẳng có gì đáng mang theo, người ta chỉ lấy đi những giường, tủ, những mâm, những nồi đồng chứ những niêu những nồi đất sứt của nhà lão..., bên bà Cọc còn đầy...!
Hình như lời nguyền chẳng mảy may linh nghiệm, mấy đứa con lão chạy chơi trên sân gạch, trong ngõ gạch, bên tường hoa... rồi uống, rồi tắm nước mưa ..., hình như nom đẹp hơn, thích hơn.
Những năm sau đó, lão nuôi vịt, chẳng như mấy nhà nghèo phải làm chuồng làm trại tốn bao nhiêu tre, bao nhiêu rơm rạ và công sức, lão cứ lùa vịt vào sân rồi đóng hai cánh cổng lim lại, mặc cho chúng ngủ đâu, ị đâu, đẻ đâu cũng được... thế mà hay... vịt nhà lão sinh đàn đẻ đống, không bị chết toi như nhà khác ..., nhà lão giàu hơn người rõ rệt...
Phen này nữa thì mấy thằng, mấy con ngứa mồm mới câm họng..., nhìn lão ở nhà ngói tây, thấy vịt nhà lão không chết..., chúng nó ghen... Đe...e ... èo mẹ..! Mời thì còn sợ..., sợ rồi lại còn tiếc..., tiếc mà không được nữa thì cạnh khóe, móc mách... Làng Thị Cấm được về Hà Nội, người ta bảo: Trên lấy đường 70, chạy từ ngã tư Nhổn về Đại Mỗ làm mốc, bên phải thuộc Hà Đông, bên trái cắt về Hà Nội. Thì đúng như thế..., nhưng lão Tý cho rằng chỉ mình lão biết cái nguyên nhân sâu xa của việc cắt nhập ấy.
Lão cho rằng Hà Nội thiếu chỗ đổ cứt nên lấy khu đồng Cầu Giát làng lão làm kho chứa cứt, không thể đổ cứt Hà Nội lên đất Hà Đông được nên người ta mới cắt cho làng lão về Thủ Đô là vì thế, chứ ông Trần Duy Hưng, ông Xuân Thủy là người hàng xã thật đấy..., nhưng họ là những người nhiều chữ..., đời nào muốn rước cái của nợ ấy về cho dân cho xã làm gì.
Ngày ấy, chính sách thu hồi đất rõ ràng và nghiêm túc hơn bi giờ nhiều, đã lấy đất thì phải trả dân công ăn việc làm..., thế là lão cùng ba người nữa được tuyển vào công ty đổ thùng.
Người ta xây bạt ngàn những cái bể bê tông ở vệ đê Cầu giát..., ngoài phố người ta ỉa vào thùng rồi hàng tuần có xe của công ty vệ sinh đi thu gom những cái thùng ấy chở về Cầu Giát, bọn lão đón rồi đổ những thùng ấy xuống bể..., thế nên cả làng lão gọi công ty vệ sinh của lão là công ty “Đổ thùng”.
Thế là lão được “Thoát ly”, được đi làm theo ca theo kíp, có sổ gạo và bìa thực phẩm..., vẫn là thành phần “Cơ bản” nhưng bây giờ lão thuộc giai cấp “Công nhân”, giai cấp tiên phong của Đảng.., hơn hẳn bọn nông dân khố rách áo ôm...
Từ đấy, người ta thấy lão thường xuyên mặc đồng phục công nhân đổ thùng, những lúc xuất hiện trên đường làng, khi họp hành ngoài đình, ngoài kho, cà cả khi đi ... ăn cỗ..., nhời ăn tiếng nói của lão có vẻ cũng tiên phong, cũng gang thép hơn...
Vài người yếu bóng vía nể lão ra mặt nhưng cũng không thiếu kẻ hằn học ghen ghét, họ kháo nhau, thậm chí nói ngay sau lưng lão.
-Đèo... mẹ! Là cái thằng đổ cứt chứ đe...e éo gì...!
Lão mặc kệ...! Cơ bản lão vẫn oai, có nhà cao cửa rộng, có sổ gạo, bìa thực phầm... ở đời, tránh sao được bọn người ghen ăn tức ở..., đa số dân làng nể lão, chính quyền cũng nể cái mác công nhân của lão..., thế là được rồi.
Thế rồi đùng một cái lão tâm thần ..., không! Tâm thần là tên bây giờ.., ngày ấy người ta gọi là điên, là phát rồ phát dại...
Thoạt đầu, người ta thấy lão chăm chỉ thái quá ở những hố cứt, lão không đi găng, cứ tay trần mà bưng mà đổ..., có người góp ý liền bị lão phê bình là lập trường không vững vàng, là tư tưởng tiểu tư sàn, là ..., vân vân ..., bao nhiêu những gì nghe được trên đài Ga len lão đem hết ra để phê bình..., người ta, chả ai dại gì tiếp nhời lão nữa.
Rồi lão đấu tố cả lãnh đạo, đem gương mấy tên địa chủ ra mà dọa họ..., về làng, lão mặc bộ đồng phục còn nguyên mùi cứt đi họp, lão cố tình tạo cớ để người ta phản ứng để rồi phê bình và lên lớp họ...
Thế rồi công ty đổ thùng cho lão hưu non và lão rồ thật sự, lão cứ đến khu bể ở Cầu Giát, cứ chỉ trỏ, cứ mắng mỏ đám công nhân không biết phát huy vai trò tiên phong..., cứ dọa dẫm người ta là tiểu tư sản, là địa chủ ngóc đầu dậy...
Rồi một buổi sáng, vợ con lão lặng lẽ hạ lão từ trên cái dây treo ở sà nhà xuống..., không biết lão kiếm đâu được cái áo xô, mặc vào rồi treo cổ tự tử ở đúng chỗ cái cột mà bà Cọc đã chém.
Vài năm sau, không chịu nổi những lời nhiếc móc, vợ con lão chuyển về khu vườn cũ... mấy thằng con trai vẫn đi thả vịt, vịt của họ vẫn không bị chết toi..., vợ con lão vẫn mạnh khỏe nhưng vui hơn vì không phải nghe những lời quở quang nữa...
Mãi đến thời mở cửa, đất cát lên giá mới bán rẻ được khu nhà đất ấy cho thằng Chính làm xiểng cơ khí.
Vợ chồng thằng Chính làm ăn khác giả được vài năm, ngôi nhà bà Cọc ngổn ngang những sắt thép dầu mỡ, họ không ở đấy nhưng coi trọng khu bàn thờ..., rằm, mùng một nào cũng có hương hoa, xôi thịt..., họ khấn thần linh thổ địa, khấn những người đã từng là chủ khu đất và ngôi nhà này và đặc biệt, bao giờ họ cũng khấn tên cúng cơm bà cả Cọc, trình bày như với người còn sống rằng: Chúng con mua lại chứ không phải người cướp nhà cướp đất của bà, chúng con thành tâm dâng lễ, xin bà phù hộ độ trì cho chúng con mạnh khỏe, làm ăn buôn bán được hanh thông, chúng con hứa sẽ gìn giữ ngôi nhà, sẽ thờ cúng chu đáo mãi mãi...
Hơn chục năm, vợ chồng Chính khá lắm, họ gom hàng phôi từ những lò rèn trong làng trong xã, sơ chế rồi đổ cho những đại lý ngoài phố...
Thế rồi vợ Chính bị tai nạn, cái máy tiện kê trong nhà bà Cọc do một tay thợ lành nghề vận hành, chả biết tý toáy thế nào, cô ả lại bị nó xơi mất ngón tay trỏ ...
Thế rồi hàng Trung Quốc tràn sang, các lò rèn dần đóng cửa, các đại lý ngoài phố cũng thôi lấy hàng ...
Vợ chồng Chính đóng cửa ngôi nhà ấy..., đất làng Canh ngày một lên giá, họ chuyển vốn làm bất động sản,  chỉ rằm mùng một là không quên vào thắp hương khấn bà cả Cọc...
Họ rao bán..., nhiều người đã vào xem, người ta trầm trồ khen cái kiến trúc, khen những cái cột lim thấm dầu mỡ, khen khung cảnh yên bình... nhưng ai cũng đi rồi không quay lại, kể cả người đã đặt tiền ...!
Vợ chồng Chính đang rao bán rẻ...!

(Chuyện nghe kể lại, ngôi nhà vẫn còn, người viết chỉ được sờ tay vào vết chém và vợ chồng Chính đang cần bán!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét