Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

LẠI MỘT CÂU NGẠN NGỮ...!

Tôi không phải nhà văn cũng chẳng phải nhà ngôn ngữ học. Tôi chỉ là một thằng cha sống lâu và hay chiêm nghiệm. Thế nên, tôi hiểu ngạn ngữ là những câu nói của người đời, rút ra từ kinh nghiệm thực tế với hàm ý giáo dục rất rõ ràng.
Thì là tôi hiểu thế thôi chứ có biết đúng là sai ra sao đâu. Một buổi sáng, trên đường sang Thiên Đức, nghe trên sóng radio có lời bàn của một nhà Ngôn ngữ học hẳn hoi về một câu ngạn ngữ mà tôi không khỏi băn khoăn... Bỏ mẹ...! nhà “Ngôn ngữ học” mà giải thích thế thì “dân ngu” như tôi biết trông cậy vào đâu.

Người ta giải thích câu: “Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” như thế này:
-Ở nông thôn, người ta tìm chỗ sạch, có mạch nước ngầm để đào giếng, nước giếng khơi trong, mát, ngọt. Giếng có đường kính khoảng 1,5 đến 1,8 mét, sâu chừng 10-15 mét. Cơi trầu là vật dụng hình tròn hay chữ nhật, được chia nhiều ô đựng, cau, trầu, thuốc lào, quế, vôi.v.v. chỉ dày chừng 5-7 căng ti mét. Câu ngạn ngữ ý nói người đàn ông sâu sắc còn đàn bà nông nổi.
Tôi đành phải liều mạng đưa ra vài nhận xét (dẫu biết rằng như thế là hỗn láo).
Cơ bản chẳng có gì sai nhưng nó cứ thừa thừa, thiếu thiếu thế nào ấy.
Cái giếng khơi được làm ở đâu, nước của nó trong-đục, ngọt-nhạt thế nào chẳng ăn nhập gì đến ý nghĩa và nghệ thuật của câu nói, đấy là cái thừa. 
Còn cái thiếu thì nhiều. “Sâu như giếng khơi” và “nông như cơi trầu” tự nó đã là hai câu có nghĩa, độc lập.
Tại sao bảo “nông như cơi trầu” thì có lẽ như nhà ngôn ngữ giải thích. Cái cơi trầu không phải thứ để cất giữ mà là cái để người ta bày ra mời khách, mỗi ngăn chỉ một ít, mỗi đơn vị như miếng cau đã bổ, lá trầu đã têm đều được phơi bày cho khách dễ chọn, khi mở nắp là có thể nhìn thấy tận đáy, thế nên người ta vi nó với những thứ nông.
Còn tại sao bảo “sâu như cái giếng khơi” cũng có lý của nó. Nói đến những cái “sâu” hữu hình người ta thường nghĩ đến đáy vực, đáy sông đáy biển. Cái giếng tròn của làng cũng sâu chả kém nhưng sao lại cứ phải “giếng khơi” mới sâu? Ấy là vì cùng độ sâu nhưng trong khi cái giếng tròn có đường kính đến mươi mười năm mét thì cái giếng khơi chỉ độ mét rưỡi mét tám khiến tăng cái cảm giác sâu. Chả thế mà kẻ yếu bóng vía chẳng dám đến gần, có người mới nhìn đã choáng váng chực ngã. Người chán đời muốn tự tử tìm đến giếng khơi. Trẻ con ngã xuống chắc hết phương cứu chữa. Bởi thế, người lớn mới thêu dệt các chuyện ma quỷ để dọa trẻ con, cốt không để chúng chơi gần giếng. Tất cả khiến cái giếng khơi vốn đã sâu lại sâu đến khủng khiếp..., thế nên mới được người ta đem ra để “ví”.
Cái hay của câu ngạn ngữ là người ta đem cái nông vô hình để ví với cái sâu hữu hình và ngược lại.
Người “sâu sắc” hiểu rõ bản chất, cội rễ vấn đề, hành động không vì “hiện tượng” mà hướng đến bản chất.
Ngược lại, chỉ nghe lời nói, chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá, quy kết, hành động là “nông nổi”.
Nhưng tại sao ví ngược “đàn ông nông nổi” lại như giếng khơi, “đàn bà sâu sắc” lại cơi đựng trầu?
Trong đời sống người Việt, việc ứng xử đối nội, đối ngoại đánh giá mức độ sâu sắc hay nông nổi của một người. 
Người phụ nữ (đàn bà) thường tỏ ra khắt khe (ghê gớm) với con cháu, đặc biệt với các “dâu”, “rể” nhất là khi mới “đặt vấn đề”. Họ cũng hay xét nét hành động của cộng đồng nhất là của hàng xóm, bạn bè, thông gia. Cũng có nghĩa là họ luôn tỏ ra “sâu sắc”. Nhưng, thường họ nhận xét dựa trên hành động và lời nói mà ít quan tâm đến hoàn cảnh, nguyên nhân và đương nhiên họ cũng phản ứng lại ngay..., tất nhiên không đạt được mục đích. Kéo lại, họ (đàn bà) lại dễ dàng bỏ qua trước những hành động “chưa chắc đã thật” của kẻ khác. Vậy là, cái “sâu sắc” của đàn bà hóa ra ..., chỉ bằng cái cơi đựng trầu mà thôi, thật ra họ mới là “nông nổi” đấy. 
Câu nói còn hay ở chỗ, người ta đem ngay cái “cơi đựng trầu”, thứ mà các Bà thường tụ tập quanh nó để đàm, để luận, để xét nét nhận định, để thể hiện sự “sâu sắc” của mình mà ví.
Còn bọn “đàn ông”, chúng luôn tỏ ra dễ dãi, xuề xòa, không chấp nhặt, tức là luôn tỏ ra “nông nổi”. Nhưng chúng hiểu rất rõ cái gì chỉ là hiện tượng, cái gì là bản chất, cái gì là lợi ích trước mắt, cái gì là hậu quả lâu dài để mà thể hiện, để mà hướng tới. Trong quan hệ, người ta không gay gắt phản ứng với nhưng biểu hiện không hay nhưng mang tính nhất thời để giữ được cái hay cái tốt dài lâu, tránh cái cần tránh. 
Và chỉ khi cần thiết họ mới giải thích cho “đàn bà” của họ hiểu và cũng chỉ khi đó, cánh đàn bà mới ngộ ra rằng; Thằng cha “nông nổi” của mình mới “sâu sắc” làm sao...!

Tóm lại ý của cả câu là: Đàn ông thường biểu hiện nông nổi nhưng thực ra họ mới là sâu sắc và ngược lại đàn bà thường tỏ ra sâu sắc nhưng thực ra họ mới là mông nổi.Đấy! cái nghĩa, cái hay của “đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” tôi hiểu là như thế.
Tất nhiên, câu này nói đa số chứ không phải là tuyệt đối. Đàn bà chớ vì thế mà tự ái, đàn ông chớ vì vậy mà kiêu căng bởi còn tùy từng người./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét