Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

THẰNG CƯỜNG - Tuổi thơ

Các bạn thân mến!
Bắt đầu từ hôm nay, tôi trân trọng giới thiệu bộ hồi kỹ của người bạn nhờ tôi chắp bút. Hồi ký cá nhân, người kể cứ kể, người viết cứ viết... Những kỷ niệm, đương sự không muốn bỏ qua nhưng khả năng người viết lại có hạn nên nhiều khi rời rạc.... Nhưng, cứ theo một con người, ít ra ta cũng thấy đôi điều trong đời sống xã hội mà thế hệ chúng tôi đã được và phải qua.
Trân trọng những ý kiến đóng góp!
Nguyễn Vinh Dũng
=-=-=-=-=



Họ có nhiều nguyên do để thân nhau, nếu bà Như một mình nuôi năm đứa con thì bà Côi cũng gần như một mình nuôi bốn đứa. Cái số năm và bốn kia không có nhiều ý nghĩa bởi có thêm hay bớt, một hay hai thì cũng chẳng sao..., đứa lớn sẽ trông đứa bé và đứa nào cũng sẽ có việc của đứa ấy, đáng nói là cái sự “Một mình” kia.
Ông Côi là người tỉnh xa, làm cái gì đó ngoài phố, chẳng hiểu có phải vì mặc cảm không muốn ở quê vợ hay còn những lý do gì nữa mà ông ít về. Vài tuần, có khi vài tháng người ta mới thấy bóng ông, tiếng thì còn hiếm hơn nữa, ông chỉ trả lời một cách tối thiểu những người chào hỏi mình.
Gọi là ở ngoài phố nhưng ông không làm việc cho cơ quan, nhà máy nào …, ông làm ngoài. Ở cái thời kinh tế tập trung những người “Làm ngoài” được xếp vào loại không “Cơ bản”, giỏi lắm thì tháng mười năm cân gạo, cái “bìa A” được mua mấy bìa đậu, bốn lạng thịt, tí xì dầu…, với khoảng hơn ba mươi đồng tiền công thì... nuôi ông đã khó, làm sao đỡ được vợ con.
Ông Như là con nhà địa chủ, tiếng tây tiếng ta đều giỏi lại có máu nghệ sỹ, văn thơ ông rất hay, vẽ cũng đẹp, lại còn chụp ảnh nữa... Thời buổi đảo điên, từ một thư ký, thông ngôn cho tây với đời sổng đủng đỉnh, người ta thấy ông hoạt động du kích rồi lại thấy ông mặc áo lính tây... Diệt tề, bố ông..., cụ Đồ nho bị Việt minh giết, sợ quá, ông trốn xuống Hải Dương làm Pô-lít.
Thời nào thì Pô-Lít cũng thế thôi, cũng đi dẹp đường, bắt mấy thằng ăn cắp, mấy đứa đái bậy… và tối về cũng phải ăn cơm. Nhưng mà ông bỏ nhà trốn xuống đây có một mình cho nên phải ăn cơm hàng..., mà bọn hàng cơm sợ ông phải biết.
Ôm nỗi buồn về sự đổ nát của một đại gia đình mà lẽ ra ông phải làm trụ cột, lại buồn vì con người ông, lẽ ra thuộc về văn chương nghệ thuật ấy thế mà phải cầm roi đi đuổi mấy bà bán hàng rong. Thế là tối nào ông cũng uống rượu, ông uống cho say để khi lên giường không phải nghĩ đến những việc lẽ ra ông “Phải làm” và những việc lẽ ra ông “Được làm”.
Cô hàng cơm từ dưới Nam Định lên mang theo đứa em gái giúp việc, đêm nào cũng phải hầu ông Pô-lit say mèm.... Thế rồi họ có với nhau một đứa con gái, đem nhau đi Hải Phòng, đẻ thêm bốn đứa nữa là năm, cộng với năm đứa con bà Như ở quê... vị chi là mười.
Ngày ấy, muốn nuôi được nhiều con thì phải có tiêu chuẩn cao, nếu là bộ đội phải trung úy trở lên, ở dân sự phải làm Giám đốc, những việc… “Không ai cho ông làm”. Nếu làm ngoài thì chỉ có bán phở hay chữa xe đạp, những việc…. “Ông không biết làm”.
Ông vẽ đẹp và chụp ảnh đẹp lắm nhưng ngày đó không ai cần những thứ ấy, thế là mấy ngón nghề của ông cũng coi như… vứt đi!
Tây về nước rồi, chẳng ai cần thông ngôn nữa..., chữ Nho không ai học..., thế là những món đặc biệt của ông cũng coi như..., vứt!
Chỉ còn mỗi cái tài văn thơ.... vụ Nhân Văn-Giai Phẩm may mà ông chỉ là loại tép riu người ta không thèm để mắt tới nhưng cái trí của ông, cái hồn văn chương của ông thuộc về hệ tư tưởng ấy thế nên viết cái gì..., viết làm sao để giữ yên cho gia đình..., giữ yên được cái mạng là..., khó lắm.
 Tháng đôi lần ông có bài đăng báo, lúc thì đả kích Mỹ Ngụy khi thì châm chọc những thói hư tật xấu trong đời sống dân chúng. Mỗi bài nhuận bút năm đồng, vị chi mỗi tháng ông kiếm thêm mười đồng cộng với hơn hai mươi đồng tiền lương giáo viên, cứ cho là bốn mươi đồng, mà riêng nhà ông ở Hải Phòng đã bảy miệng ăn, năm miệng học…làm sao ông giúp được bà Như ở quê...!
Thôi thì trời sinh voi sinh cỏ, mẹ con chúng nó, rau cháo, ngô khoai rồi cũng chẳng đứa nào chết vì đói đâu mà sợ.
Thế là hai bà có chồng mà cũng như không, những tâm sự chỉ có thể thổ lộ với người cùng cảnh.
Nhà họ liền nhau nhưng xa ngõ thế nên cái hàng rào duối bao giờ cũng được bớt lại một cái khe đủ cho người lách qua.
Bà Côi chỉ có mình thằng cả là trai, bà Như chỉ có mỗi đứa thứ hai là gái, ngoại trừ thằng cả nhà bà Như thì những đứa còn lại cứ từng cặp, từng cặp đến lớp cùng nhau... Mẹ chúng thân nhau là việc của người lớn, trẻ con thì khác, chẳng có cặp nào cùng giới nên chúng ít quan hệ, ngày ấy..., ghét bạn khác giới mới là “bình thường”, thân mật một chút thì... “Xấu” lắm.
Có lần, con lớn nhà bà Như tổ chức các em cảnh giới rồi giữa trưa, nó trèo lên cây cau bên này hái trộm ổi bên kia, nào ngờ thằng bạn học cùng lớp với nó, đứa con trai duy nhất trong nhà bà Côi, cảnh giác cao phát hiện được. Cầm hòn gạch trong tay, tức lắm mà nó không dám ném..., nó sợ hai bà mẹ..., vả lại con kia có trèo ổi nhà nó đâu, đã sang địa phận nhà nó đâu..., thế nên nó chỉ dám chửi..., những câu chỉ có nhà chúng nó mới dùng để chửi.
-Ê! Đồ ăn trộm...!             
Bị bắt quả tang, con bên này không kịp chạy nó đành giở võ cùn, cứ quắp chặt thân cây cau mà cãi lại.
-Nó thò sang nhà bô, thì bô cứ trẩy...!
Có tiếng bà Côi trong nhà vọng ra chỉ đủ cho thằng con bà nghe.
-Co… on! Va..a..ào…! Kệ cho em nó hái vài quả..! Mày dọa..., nó sợ, ngã thì chết bây giờ.
Thằng kia vùng vằng ném tòm hòn gạch xuống ao rồi phủi tay đi vào, không quên giơ nắm đấm dứ dứ về phía con bên này. Thoát nạn, con bên này cũng hất hất cái cằm về phía thằng bạn ý nói “Thấy chưa...! Bô cóc sợ...!”
Mặc cho túng cho thiếu, họ cứ sống bình yên như thế, năm 68, hai thằng lớn cùng đi bộ đội, chúng nó đóng ở tận Nho Quan Ninh Bình, nghe nói sắp đi B, không khí ảm đạn bao trùm lấy họ. Vừa mới có dáng dấp đàn ông trong nhà đã phải đi, mà đi thì khó về lắm. Loa phóng thanh thì ngày nào cũng đưa tin thắng trận, khi hứa, khi hẹn nhau điều gì, người ta quen dùng cụm từ “Ngày mai thống nhất thành công”, câu này không biết của vị lãnh đạo nào nói trước nhưng rồi cả nước cùng theo. Biết bao giờ cho đến “Ngày mai”. Đám đàn ông con trai ra đi chẳng thấy ai về. Mấy thằng hèn nhát bỏ trốn (còn gọi là “đảo ngũ”, hay “B quay”) thì cũng bị bắt ngay đi cải tạo, người ta nói với mấy thằng choai choai thế này.
-Mai chúng mày đi thì đừng về như thế …, có chết thì chết thật một mình, đừng để chết dở cả nhà.
Lâu lâu lại có tin đồn thằng này thằng kia đã chết, đồn mãi rồi cũng có giấy báo tử, được làm lễ truy điệu ở xã.
Hai bà càng gần nhau hơn, tối tối, họ ăn trầu nói chuyện như để xua đi sự thật, để chia xẻ cái sợ hãi. Chúng nó thư về, sắp đi B thật rồi. Lòng thương con, nỗi hoảng sợ bị đẩy lên đỉnh điểm, hai bà tính chuyện thăm con một lần cuối.
Từ làng Canh đi Nho Quan ngót trăm cây số, không xe cộ, không tiền bạc, chỉ có lòng những người mẹ là vô hạn. Họ nấu chè bà cốt, thứ đồ ăn nấu bằng gạo nếp và mật mía, khi để nguội nó rắn đanh lại như cục gạch cháy, không thể thiu được, dùng dao dựa và chày giã cua chặt thành những miếng nhỏ, làm thứ ăn đường. Quà cho con là muối vừng, ớt khô, tỏi, trà, mấy lạng thuốc lào, thuốc lá sợi, những thứ hy vọng giúp được chúng nó qua cơn sốt rét rừng.
Biết chuyện, ông Côi về, lắng nghe kế hoạch, lặng nhìn những thứ họ chuẩn bị, trầm ngâm hồi lâu, với cái điếu rít liền ba vê thuốc lào, chống điếu đứng dậy, ông nói nhẹ nhưng cương quyết.
-Thôi! Để tôi đi...!
Sửa lại cái xe đạp, buộc vào lỉnh kinh những thứ hai bà chuẩn bị, ông Côi đạp vào tận Ninh bình thăm con.
Thế hệ 7X lại đây khó mà tưởng tượng được việc ông làm khi đó nó khó khăn và mạo hiểm đến thế nào…
= = =
Nhưng phúc nhà hai bà còn to, trên đường đi B thằng con bà Như được chuyển vào trường lái xe, thằng con bà Côi, vào tít tận Quảng Bình lại được quay ra học hậu cần, thôi...! Thế là còn hy vọng!
Bên bà Côi còn ba đứa con gái, đương nhiên là chúng nó có tên, mà tên đẹp hẳn hoi Lương, Hợp, Hòa, nhưng bà vẫn quen gọi chúng là Gái Lớn, Gái Nhỡ, Gái tý. Bên này, bà Như còn bốn đứa, đứa con gái thứ hai, đồng môn với thằng Kim, tiếp theo là ba thằng; Khánh, Cường, Hùng, lần lượt đồng môn với ba gái bên ấy.
Gái Lớn thì cũng như con Thuấn bên này, tuổi chúng nó khổ, Mẹ nghèo lại đông em, chúng phải làm việc nhiều hơn và nặng hơn, ăn theo tiêu chuẩn như nhau, mặc thì chẳng có gì mà ưu tiên.
Được cái sức trẻ, làm việc ngoài đồng rồi còn nhà cửa, vườn tược, bếp núc…, những việc không thể liệt kê hết..., làm việc quần quật cả ngày mà chúng vẫn vui hơn hớn,.
Thế hệ chúng nó ít cô xinh đẹp, đứa nào đứa ấy da dám nắng, tóc thì dày quăn lên…, mà có đẹp cũng chẳng ma nào ngắm, đàn ông đi hết rồi còn đâu...!
Gái lớn học cùng thằng Khánh, hết phổ thông nó vào trung cấp y rồi làm việc ở bệnh viện huyện. Sau khi ra trường, đã có lúc nó thành chỗ dựa cho cả nhà, đến khi anh và các em đã khá giả thì nó bị một tai nạn thương tâm lắm, cả một cái xe vận tải hạng nặng lăn qua…, người ta phải vét những phần cơ thể nó trên đường. Kẻ độc địa, người ghen ghét thì bảo tại nó làm ở khoa phụ sản, nạo thai nhiều quá nên bị báo oán. Khốn nạn...! Bao giờ cho dân ta khá hơn được nhỉ...! Ở ngay Hà Nội, thủ đô của một nước “Nghìn năm văn hiến” mà hễ có ai, hễ nhà nào gặp hạn là người ta nghĩ ngay ra những cách giải thích ... “Giết người” như vậy.
Còn nhớ, hai anh em nhà Bơ Gạch, Cả Ngói có hai đứa con gái, chả biết mắc bệnh gì mà xuốt đời chỉ ngọ ngoẹ trên giường, bố mẹ giấu biệt trong buồng, thương lắm nhưng họ không dám cho chúng ra đến ngoài hè mà hưởng chút ánh sáng. Giá như bây giờ, thể nào người ta cũng tìm được một người có liên quan đến chất độc màu da cam, biết đâu chả kiếm ối tiền… Nhưng ngày ấy chưa có “Chất độc màu da cam” nên người ta phải tìm ngược gia phả và phát hiện ra rằng; cụ ba đời nhà chúng nó làm nghề ba toa, giết nhiều lợn quá nên giờ chúng nó phải chịu tội.
Thằng Khánh học hết lớp mười cũng là lúc rục rịch khám nghĩa vụ quân sự, bà Như hoảng quá, hơn hai năm rồi bà thấp thỏm với thằng cả, nó có được sống không...? Bao giờ nhận được tin nó chết...? Lòng bà tan nát, sức bà kiệt quệ… Nếu ai đã từng xem con gà mái ấp trứng, nó xù lông, dang cánh, kêu lên những tiếng khiếp người khi có bất cứ con gì đó đến gần kể cả con người, thậm chí khi chủ nó thò tay vào kiểm tra trứng cũng rất có thể ăn một phát mổ nên thân... Ai đã từng chứng kiến nó cũng dang cánh xù lông chiến đấu với con rắn, con quạ định lăm le ăn thịt con nó ..., sẽ hiểu được nỗi lòng người phụ nữ với con.
Bản năng người mẹ thôi thúc bà phải làm tất cả, phải chiến đấu với những thứ mà bà vẫn khiếp sợ cho sự an nguy của các con.
Cạy cục nhà anh Chính trên Hòe Thị, bà xin cho nó vào công nhân quốc phòng. Công nhân quốc phòng tức là gần giống bộ đội, cũng mặc quần áo và sinh hoạt như lính nhưng thay vì ra mặt trận đánh nhau, chúng được ở hậu phương sản xuất súng ống đạn dược gì đó.
Thế là tốt rồi! Thằng Khánh học sơ cấp ở thị trấn Vôi, rồi nó được học tiếp trung cấp, tốt nghiệp, được giữ lại trường làm anh Thủ thư ôm cái máy chiếu bóng phục vụ thầy trò trong trường và thi thoảng cho bà con địa phương.
Những năm ấy (73-74), nó yêu một cô cũng là công nhân quốc phòng, đã mấy lần nó đưa người yêu về nhà, bà Như không biểu hiện gì nhưng trong bụng không ưng. Con bé được cái trắng trẻo nhưng béo quá cứ như người không có cổ, lại quê ở Hải Phòng nơi mỗi khi nghĩ đến bà chỉ thấy buồn.
Hết chiến tranh, thống nhất đất nước, lại chiến tranh biên giới…, cái đất nước này chẳng bao giờ được yên..., nhưng sự tính toán của bà Như là hiệu quả, con bà luôn được ở hậu phương, đánh nhau ở Miền Nam thì nó ở Miền bắc, chiến tranh chống Tàu thì nó lại vào Miền Nam.
Thằng Khánh học lên đại học, lấy một cô học trò ngoan ngoãn hiền lành, đẻ ra hai đứa con rồi nó chuyển ra dân sự làm đến tận phó giám đốc một nhà máy giấy.
 Cũng gian truân lắm nhưng nếu so với thời cuộc, và đặc biệt với các bạn cùng trang nó ở thành cổ Quảng Trị, thì đời nó thế là may mắn và bình lặng...
Gái nhỡ là một con ương bướng. Bà Côi đến khổ với nó, từ việc nhỏ đến việc lớn không bao giờ nó chịu ăn nhời, bà đã từng gọi nó là “Con gái bướng” là “Con đàn ông”. Là con gái nhưng hết phổ thông nó xin học trung cấp xây dựng, đợt đi thực tập, chẳng biết ngông ngênh nghịch ngợm thế nào bị cái cưa cắt vào tay, may mà không thành tật.
Lấy một anh giáo viên thể dục, sau ngày giải phóng anh này được chuyển vào Sài gòn làm “Nòng cốt” cho một trường phổ thông nào đó, thế là nó bỏ việc theo chồng Nam tiến.
Ngày ấy, nạn Mát xa trá hình nhiều quá, thành phố mới điều chỉnh bằng một cái quyết định làm thay đổi vận mệnh cả nhà nó; “Chỉ cán bộ y tế và thể thao được phép kinh doanh dịch vụ xoa nắn”. Người ta thuê cái chức danh của chồng nó, rồi nó tự làm và khá lên nhanh chóng. Em nó mắc cảnh nợ nần, nó mang công nghệ ra đầu tư giúp em nó thoát nợ, thoát nghèo...
Giàu có là một thử thách khó qua nhất của đời người..., nhiều tiền quá, thằng chồng nó hư đốn bồ bịch, bài bạc. “Non sông dễ chuyển, bản tính khó dời” nghèo hay giàu thì Gái bướng vẫn là Gái bướng, chồng phụ bạc, chẳng cần làm gì để níu kéo, nó bỏ quách, mang con về quê. Thế cũng hay! Ba anh em chúng, giờ đã lên ông lên bà vẫn sống với nhau ấm cúng lắm.
Thằng Cường học cùng với Gái bướng, năm lớp bốn, chúng nó học ông Chúng (chú thằng Cường) ở ngoài Đình. Được chú kèm cặp, thằng ranh viết được bài văn mô tả bác nông dân hay lắm, từ đó nó phải làm cán sự, học nhóm cùng Gái bướng và mấy đứa trong ngõ như thằng Quang bẹp, cái Lân Phẩm, Yến Sinh, những năm sơ tán thì thêm con Khả nhà cụ Phó Hải nữa.
Con Lân con Yến thì chẳng có gì để nói, con Khả còn hơn cả gái bướng, nó đánh nhau với những thằng con trái “Gấu” nhất lớp, bọn kia thường thua vì ngoài đấm đá nó còn võ chửi rất ngoa ngoắt. Ngoài phố người ta không chửi như mấy bà nhà quê mất gà mất chó, đại loại như; “Cha tiên sư năm đời mười đời thằng bố đứa nào bắt trộm chó nhà bà nhớ...!” hay; “Con gà nó ở nhà bà, nó là con Công con Phượng, nó về nhà mày nó thành con Cú con Quạ, nó mổ lòi mắt thằng bố con mẹ mày ra nhớ...!”. Không lồng lộn như vậy, nhưng khi con Khả đã chửi thì chỉ còn hai cách, một là chuồn, hai là phải liều mạng mà lao vào đấm đá.
Đấm con gái đã ngượng mà ngộ thua thì còn ngượng nữa rồi nó còn nhiếc móc cho không biết đến bao giờ..., thế nên chẳng đứa nào muốn dây với nó.
= = =
Thằng Quang bẹp thì hâm từ bé, nó ít nói và khi buộc phải nói thì người ta chả hiểu nó nói gì. Không nhớ học hết lớp mấy nó đi trung cấp công an rồi về huyện công tác. Khốn nạn cho đời nó...! Giá như nó học thợ mộc, thợ hàn gì đó thì may ra cũng được yên thân, chẳng hiểu đời, chẳng biết tý gì về luật rừng về cái mặt trái của xã hội mà làm công an thì chỉ tổ vướng chân đồng nghiệp.
Bị người ta dồn ép quá, nó quẫn, mà quẫn thì hỏng việc, càng hỏng việc sức ép càng cao, được vài năm, nó tâm thần thực sự. Người ta cho nó về hưu non, bố mẹ mất sớm, ba chị em nó ở với bà cô. Ông bà nó có ba người con gái cũng lần lượt gọi là Lớn-Nhỡ-Tý. Hai bà lớn đã lấy chồng cùng làng. Bà thứ ba, bà Tý, mắc bệnh ho hen người cứ gày quắt, tong teo, nói chả ra hơi, đêm, bà ho từng tràng rũ rượi, cái bệnh ác nghiệt..., hít vào còn được nhưng thở ra bị các phế quản co thắt cản lại cứ như có người bóp cổ, người bệnh phải cố hết sức cho lồng ngực ép lại, đẩy không khí qua ống hẹp thế nên mới phát ra tiếng rít nghe rợn người. Người bà có khi chả được ba chục cân, chẳng ai dám lấy và cũng chẳng dám lấy ai, thế mà bà vẫn dựng vợ gả chồng cho chúng nó. Thằng Quang bẹp được bà hỏi cho một cô dưới Miêu Nha và từ đó chứng tâm thần của nó chỉ dừng ở mức còn có thể lo được cơm nước cho vợ và đẻ được hai đứa con.
Ngoài học nhóm, chúng nó còn làm báo tường, tập văn nghệ cùng nhau. Con Khả, con Gái Bướng làm đạo diễn, con Lân con Yến, thằng Quang làm khán giả, chúng nó bắt thằng Cường diễn tấu hài, bài “Võ sĩ bọ ngựa”... Từng lời nói, từng động tác, con Bướng bắt phải thế này, phải thế kia, nó đá cho cái chân thằng diễn viên thẳng ra..., bẻ cho mấy ngón tay rũ xuống..., diễn vài lần, con Khả lại cau mày.
-Đéo được...! Đã gọi là bọ ngựa thì cái chân cũng phải loẻo khẻo chứ lị...!
Khốn nạn cho thằng Cường, hết thẳng lại cong..., mà nó còn phải vớt bèo nấu cám lợn rồi cơm nước, nhà cửa. Từ ngày vào lớp bốn, mẹ không đánh nó nữa nhưng nó lại thương mẹ nó bội phần. Nó muốn làm cô Tấm của mẹ, nó muốn khi bà ở ngoài đồng về, mọi việc nhà đã đã đâu vào đấy..., nó sung sướng khi thấy ánh mắt hài lòng của mẹ nhìn nó.
Thế nên con Bướng, con Khả bảo gì nó cũng nghe, không cãi lại, cốt tập cho xong nhưng cái tức cứ dồn lên làm mặt đỏ nhừ..., đến lúc không thể ở thêm, nó ù té chạy.
-Thôi! Tao không tập nữa đâu! Để mai...!
Thằng diễn viên bỏ chạy trước sự ngỡ ngàng của hai đạo diễn cùng đám khán giả. con Khả với theo.

-Ơ...! Địt mẹ thằng này…! Tự ái à...!
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét