Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Thằng Cường-Bỏ học

Thằng Cường vào lớp tám, không muốn mà vẫn đỗ khiến nó kiêu căng, không được làm thợ mộc, không được giúp mẹ làm nó buồn, chơi với thằng Trác thằng Minh Méo khiến nó nghịch ngợm. Cùng với sự gia tăng của những cảm xúc ấy, điểm của nó cứ tụt dần.
Mẹ nó lại ốm, lần này tiếng ho của bà lạ lắm. Nó xót xa nghĩ đến một ngày mẹ nó quỵ hẳn, lúc ấy sức lực và trí tuệ của nó chả còn tích sự gì nữa. Càng ngày nó càng thôi thúc phải làm ngay cái gì cho mẹ..., thế là nó bỏ học.
Sáng sáng nó ra đồng giúp mẹ, cơm trưa xong, ôm cặp chào mẹ ra khỏi nhà nhưng không đến trường, nó mò vào cái lều vịt Kiều Mai ngủ một giấc hay thả hồn theo con chuồn chuồn dập dờn trên mặt nước mà suy nghĩ lung tung. Khi ông chủ lều vịt ra cũng là lúc nó xuống đồng lặng lẽ làm việc cho đến khi thấy bọn cùng lớp đã xuất hiện trước lũy tre đầu làng Kiều Mai, rửa chân tay nhập bọn từ bờ mương, nó vẫn về nhà như mọi khi.
-Con chào Mẹ! Con đi học về!
Thấy con ngoan, đỡ đần nhiều việc, bà Như hài lòng lắm nhưng cuối năm, họp phụ huynh mới rõ mọi việc. Hôm ấy, thằng Cường sợ, và quả như nó dự đoán, ở trường về mẹ nó lặng lẽ vào buồng nằm, nó bồn chồn đi đi lại lại ngoài nhà không biết phải nói với mẹ thế nào. Sự im lặng của mẹ khiến thằng con trai không chịu nổi, nó rón rén ngồi bên, cầm lấy bàn tay trái của bà.
-Mẹ!        
Bà Như nhìn nó bằng đôi mắt buồn rầu.
-Mẹ biết cả rồi!
Im lặng hồi lâu, bà nghẹn ngào từng tiếng.
-Mẹ không có vàng bạc để lại cho các con. Nhà cửa, ruộng vườn cũng chẳng còn…
Đến đây, bà đặt bàn tay phải của mình lên nơi ngực trái.
-Mẹ chỉ còn cái sức..., mẹ cố công còng sức cho các con ăn học…khi nào con thành người thì đấy ..., chính là cái của mẹ để lại cho con đó...
Mỗi lời nói của bà cứ như bàn tay bóp lấy ngực thằng bé, nó cắn chặt răng, môi run run, nước mắt lã chã. Nó hiểu Mẹ nó, chính vì thế mà nó bỏ học, nó sợ đến khi thành người thì không còn Mẹ mà báo hiếu nhưng nó có biết đâu nó đã làm cho bà buồn hơn. Môi nó run bần bật, nước mắt nước mũi ràn rụa, nắm chặt tay mẹ một cái, nó chỉ bật ra được vài tiếng.
-Vâng! Con xin nghe lời mẹ!
Rồi chạy ào ra ngoài, chạy thẳng ra ngoài đồng, ngồi thụp xuống bờ ruộng, giữa bạt ngàn lúa đang chín, nó ôm mặt khóc nức nở.
Từ đó, thằng Cường lên kế hoạch hẳn hoi. Nó bắt đầu bằng cách trả lời nhưng câu hỏi; cần học những gì? Vào lúc nào? Giúp mẹ những gì? Lúc nào? Nó như lớn hẳn lên, chủ động mọi việc.
Năm lớp tám (học lại) nó xin vào làm ở lò gạch, hai anh em nó cứ vừa làm vừa học. Nhà người ta bốn lao động chính mỗi ngày đóng bảy trăm gạch là vừa, chúng nó, một thằng lớp tám một thằng lớp sáu mà ngày nào cũng tám chín trăm, có một hôm chúng dám đóng một nghìn tư (tức là gấp đôi gấp ba người ta).
Lúc mưa to, nắng gắt, trong lò hay bên kiêu gạch, dưới những tấm liếp nứa là nơi học của chúng. Bà Như hàng ngày nấu cơm gánh lên cho các con, chúng nó không cho bà động vào việc gì nặng nhọc nhưng bà ngồi yên làm sao được, thằng Cường lớn rồi đã đành, thằng Hùng còn bé quá, bà sợ các con ham việc lại bỏ học, bà sợ thằng Hùng không lớn được vả bà cũng chưa quen với vị thế “Lao động phụ” mà anh em nó vừa gắn cho bà. Thế nên thằng Cường phải nhượng bộ để bà làm những việc nhẹ hơn như sàng cát, cắt via gạch.
Thấy con vừa làm vừa học, bố trí công việc gọn gàng bà cũng yên lòng, có lần thấy con vừa chạy gạch lên kiêu, bảy tám hòn đất ẩm trên vai, nó chạy những bước chắc nịch miệng nói oang oang như diễn thuyết một bài Lý bài Sử, thương con vô hạn, bà cứ há miệng, cố kìm mà nước mắt cứ trào ra, thằng Cường biết, Mẹ nó vờ quay mặt đi để giấu hai hàng nước mắt, nó nói to hơn, mạch lạc hơn rồi giục Mẹ về sớm nấu cơm. Thằng Cường tự hào vì đã chính thức quán xuyến công việc gia đình, Mẹ nó đã được quay về với những việc của phụ nữ, với vị trí của mình như thời bố nó còn làm thư ký ở nhà đèn Bờ Hồ.
Thằng Cường lên lớp 9 thì Gái tý vào lớp 8, vẫn nho nhỏ gầy gầy nhưng nó đã thật sự là một thiếu nữ đẹp nhất vùng, vẫn khuôn mặt trái xoan nhưng hai cái má đã đầy đặn, cái mắt cứ lúng la lúng liếng. Làm con gái khổ thật, đẹp lại càng khổ, lũ con trai cả làng cả xã dồn sự chú ý khiến nó chẳng dám ra đường, khi bắt buộc phải đi đâu đó, hễ đụng bọn con trai là nó tránh, tránh không được thì nó cúi đầu rảo bước, chẳng bao giờ để ý đến những lời tán tỉnh bông đùa. Cánh thằng Hòa, thằng Trác kháo nhau.
-Đ.mẹ! Con này đẹp nhưng mà kiêu quá...!
-Đẹp thế, nó kiêu là phải, nó đ.. thèm để ý bọn mình đâu, nó phải lấy Kỹ sư, Bác sỹ ở ngoài phố cơ.
Những lời bàn tán ấy vô tình khoét sâu vào cái đức tự ty của thằng Cường. Đến những thằng kia, lý lịch cơ bản lắm, không xấu xa như nhà nó, nhà cửa khang trang hơn, giỏi giang hơn (nó tự thấy mình kém cỏi trong rất nhiều việc, từ những việc nhà nông, trộm cắp, đến nói năng đối đáp theo kiểu bốp chát và đặc biệt là… tán gái) còn chẳng dám mơ thì đâu đến lượt nó. Từ đó, thằng Cường luôn nghĩ Gái Tý sẽ thuộc về một tầng lớp khác cao siêu hơn nó nhiều lần, nó có cố đến mấy cũng vô ích.
Giá như chỉ có thế, giá như Gái Tý cũng nghĩ thế mà coi thằng Cường cũng như thằng Hòa thằng Trác thì chẳng có gì nên chuyện. Sao chúng nó lại hay vô tình gặp nhau trên đường thế không biết, nhiều đến mức ngu như thằng Cường cũng phải thấy lạ. Có khi nó gánh nước, hai chuyến đầu còn thấy bóng dáng, tiếng nói tiếng cười của Gái Tý bên kia, thế mà thêm chuyến nữa, nó thấy con bé mặc quần lụa, áo trắng mới tinh, cái nón cũng trắng với cái quai màu hồng cũng mới tinh. Những lần ở ngoài đồng về, trời đã nhá nhem, sao Gái tý vẫn cầm sách ngồi bên lũy tre đầu xóm. Rõ khổ! Những lần ấy, thằng con trai khi thì mặc mỗi cái quần đùi, khi thì lấm lem bùn đất, chúng nó nhìn nhau từ xa nhưng đến gần lại vờ như không để ý, gần hơn nữa, bốn con mắt gặp nhau rồi vội vàng quay đi, con bé cười rất khó hiểu với thằng kia rồi nghiêng đầu vội vã bước đi, mái tóc óng mượt xõa xuống che hết khuôn mặt đang ửng đỏ… Lần nào thằng Cường cũng ngượng, nó tự trách mình sao không tránh ra lối khác mà đi, nhưng lần nào nó cũng thấy người nhẹ bỗng, một cảm giác ngọt ngào ấm áp từ cái ánh mắt, nụ cười và làn má ửng đỏ của con bé lan tỏa khắp người nó…

Hai bà vẫn thân nhau, nhà nông có bao giờ hết việc nhưng hễ có thể là họ lại ngồi với nhau với đủ thứ tâm sự. Thi thoảng, thằng Cường phải sang giúp bà Côi những việc của đàn ông, khi thì dọi lại mấy chỗ dột trên mái nhà, lúc thì đào cái hố trồng cây. Những lúc như thế, chúng nó vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, đôi khi Gái Tý cũng ngước nhìn thằng anh cái nhìn đôi chút giống như khi chúng gặp nhau trên đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét