Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Thằng Cường-Thi vào tám

Gái Tý là em út, ngày bé người nó cũng nhỏ thó, chân tay cứ thẳng tuột như cái ống giang, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng và cái chính là nó ngoan ngoãn nhẹ nhàng chứ không lấc cấc, ngỗ ngược, ương bướng như con chị.
Nó hát hay và hay hát, vào một hôm trời mưa rả rích, người lớn chừng đi vắng cả, Gái Tý ngồi bên thềm nhà bi bô hát, tiếng hát của con em hàng xóm cứ lọt vào tai thằng Cường: “Bí bo, bí bo…, xe đi đâu đấy…, xe vào nhà máy…, khói bụi tung bay! Bí bo, bí bo…”.
Bên này, thằng Cường bỏ bút nhìn xa xăm qua cái trổ của lũy tre, cánh đồng xa tít tắp, mưa như một tấm màn bàng bạc ngăn tầm mắt, nhưng nó cứ nhìn, cứ nhìn xa, xa mãi…, có cái gì đang chờ nó ở xa tít bên kia màn mưa..., bên kia, tiếng hát của con em vẫn vô tư vọng sang “Bí bo, bí bo… xe đi đâu đấy...” Thằng Cường thấy một cảm giác rất lạ len lỏi trong tâm trí mà mãi mãi sau này nó không sao có thể quên được…
Nhưng từ khi lớn lên, từ khi nước da trắng xanh của Gái Tý đổi sang trắng hồng thì nó không hát hồn nhiên như trước nữa, mỗi khi tình cờ gặp nhau, nó không đon đả, không vô tư nhí nhảnh như trước nữa..., liếc nhìn thằng Cường qua vành nón, cười một cái vừa như tinh nghịch vừa đầy ẩn ý rồi..., mặt nó ửng đỏ, cái đầu cúi nghiêng xuống rảo bước.
Khốn nạn...! Thằng Cường khi thì mặc quần đùi đi gánh nước, lúc thì lấm lem bùn đất ở ngoài đồng về..., những cái nhìn của Gái Tý khiến nó ngẩn ngơ. Thực lòng thì nó để ý đến con bé từ lâu lắm rồi, từ cái hôm mưa dầm ấy..., tất nhiên, lúc trẻ con thì chỉ là một thứ tình cảm hơi khang khác.
Thằng Cường đang chuẩn bị thi vào tám thì bố nó về, độ ấy, mẹ nó yếu lắm, những xung đột trong tình cảm, sinh lý, kiệt sức để nuôi năm đứa con ăn học, những khắc khoải cho thằng lớn ở chiến trường, những toan lo cho con Thuấn vào trung cấp, thằng Khang vào công nhân quốc phòng đã vắt kiệt sức của bà.
Thằng Cường đang băn khoăn giữa học nữa hay ở nhà giúp mẹ..., ở nông thôn, bỏ học là bình thường nhưng hình như với nhà nó thì không thế..., tối hôm ấy nó nghe lỏm được tiếng bố nói với mẹ trong buồng.
-Nếu đỗ..., cho nó học..., nếu trượt thì xuống Phòng..., theo ông Tý học thợ mộc.
Thằng Cường lặng im, vừa mừng vừa tủi, mừng vì đang băn khoăn học nữa hay thôi,  lời của bố như mở cửa cho nó, mừng vì chắc rằng làm thợ mộc sẽ giúp được mẹ nhiều hơn.
Nó tủi một cách mơ hồ rằng, thế là con đường học hành của nó hết, khiến thức của nó sẽ hạn hẹp..., rồi nó sẽ không bằng chúng bằng bạn...
Nghĩ vậy, nhưng khi ngồi vào bàn nó vẫn học, hình như tư tưởng thoải mái lại khiến nó học tốt hơn hay sao ấy.
 Ngày đi thi, mẹ mua cho ổ bánh mì (với chúng nó, bánh mì là sang lắm rồi), dắt cái xe đạp Liên xô con ra ngõ, nó mỉm cười, chưa bao giờ nó đi thi thế này…, nó đi thi mà không muốn đỗ...
 Gần đến phố Nhổn, đường vắng tanh, thằng ranh dựng cái xe vào gốc cây sà cừ, trèo lên, đút ổ bánh vào cái hốc cây.
Phòng thi ở xã Minh Khai, cách đó chừng 2km, trưa ấy nó quay lại cái cây, nằm vắt qua cái chạc mà lơ mơ ngủ..., nó chỉ lơ mơ, phần vì phải coi chừng cái xe dưới gốc, phần vì trong đầu nó cứ hiện lên những viễn cảnh thợ mộc..., nó sẽ làm những độc tác khiến người ta phải trầm trồ, nó sẽ không nói giá nhưng người ta sẽ trả rất cao..., nó sẽ mua cho mẹ quần áo..., thuốc bổ..., và..., cả cua bể nữa, mua thật nhiều vào..., để mẹ nó không phải nhường cho ai.
Nó nhớ, có lần bố nó về mang theo ba con cua bể to bằng bàn tay người lớn. Mẹ nó cởi trói cho bọn cua, những sợi dây bện to như dây thừng đại quấn quanh mai, chân, càng..., khiến những con cua hung hăng chỉ còn biết dương hai mắt mà cầu cứu. Mẹ đuổi hai anh em nó không cho đứng gần, sợ cua cắp. Luộc cua xong, chúng nó được gặm, mút mấy cái chân..., còn thì mẹ nó bóc thịt nấu miến, gói nem..., những cái chân cua bể sao mà ngọt, mà đậm, mà thơm, mà bùi đến thế..., chúng nó ao ước giá gì được chén cái càng kia chắc phải ngon bội phần...
Đến bữa, mẹ nó gắp thức ăn cho mấy bố con, còn mình, bà cứ vờ loay hoay hết bóc thêm nhánh tỏi lại xuống bếp làm cái gì đó... Thằng Cường buồn, nó buồn vì ăn mấy cái món này cũng ngon nhưng không bằng trí tưởng tượng của nó nếu cứ để nguyên con cua mà chén, nó buồn vì nó biết..., mẹ nó cứ nhường bố con nó.
Miến và nem ngọt thế mà cổ nó đắng, nó liếc nhìn trộm mẹ, cái áo nâu già bạc hai vai và nơi hai khuỷu tay mọi ngày, hôm nay được thay bằng cái áo cánh trắng, nom mẹ nó tươi hẳn lên, hai má không hiểu vì gần lửa khi làm cơm hay gì nữa mà cứ ửng hồng..., lâu lắm bố nó mới về…, nhưng mẹ nó không chịu ăn, ứ cổ không nuốt được, nó chan canh, gắp vội miếng cà lùa ào hết bát cơm rồi xin phép đứng dậy đi ra vườn…
Ánh nắng chếch khỏi vòm lá rọi vào mặt giúp thằng Cường tỉnh cơn mộng mị, thằng ranh tụt xuống đạp xe vào thi buổi chiều.
= = =
Đêm trước ngày xem kết quả, mẹ thằng Cường đi dân công vắng, ba anh em nó ngủ trên cái phản lim kê ở gian giữa, liền với cái tủ thờ. Cái tủ thờ của ông nội chúng để lại có mặt tiền như một bức tranh trạm khắc những con và cây giống. Nghe nói, ngày xưa, khi ông nó chưa bị cách mạng giết, nhà nó lúc nào cũng có một người thợ mộc tài hoa, ngày nào cũng có tiếng lách cách của người thợ trạm trổ những tủ, cánh cửa, hoành phi, câu đối theo ý của ông nó.
Theo lệ nhà nó, thằng Khánh lớn nhất nằm ngoài, nó bé hơn nằm trong, thằng Hùng bé nhất nằm giữa.
Đêm ấy nó nằm mơ, cảnh thành phố chiến tranh, những người mặc kiểu áo gì như áo tơi, lầm lũi khênh những cái quan tài đỏ chói gửi từ tiền phương gửi về xếp thành đống…, mà sao họ lại xếp những quan tài ấy vào tủ thờ nhà nó thế này..., mở cửa tủ, những cái đầu quan tài đỏ chói chồng lên nhau...
Sợ quá, nó bàng hoàng sờ qua màn, những hoa văn của cái tủ hiện trên tay nó... Mơ hay tỉnh đây...? Thật hay mơ đây...? Nếu thật thì đằng sau bức tủ này lại là những cái áo quan ư...? Không phải...! Mơ rồi...!
Nhưng nó vẫn sợ, mồ hôi toát ra lạnh ớn cả sống lưng, đẩy thằng em đang ngủ như chết vào trong, nó rúc vào giữa ôm chặt lấy thằng anh cũng đang ngủ như chết. Thế rồi nó ngủ, và nó lại mơ như cũ..., lần này những cái quan tài đỏ xếp đầy nhà nó... Lập cập tỉnh dậy, khua tay tìm anh nó sờ phải mấy cái bàn chân.., giật mình ngã uỵch xuống đất...., hóa ra trong cơn hoảng loạn nó đã tụt xuống cuối giường từ bao giờ.
Sáng hôm sau, trước khi đi xem kết quả, nó kể lại và anh nó bảo.
-Mê thế thì mày trượt rồi...!
Thằng Cường thích lắm, rủ thằng Xuyên Kiều, băng qua đồng Kiều Mai, lượn qua đầu xóm Đanh, đến Rặng nhãn, còn ngót cây số nữa, hai thằng ngồi nghỉ trên thành cống bắc qua con mương.
Sau đêm mưa nước đục đỏ chảy cuồn cuộn, lác đác những người kéo vó, thi thoảng những tiếng trẻ con reo hò khoái chí khi bố chúng nó kéo được một con chép to bằng bàn tay.
Từng tốp thí sinh túm tụm kéo nhau qua, kẻ hớn hở cười cười nói nói, đứa lầm lì cúi mặt hai mắt đỏ hoe... Thằng Cường bắt đầu thấy buồn, nó thuộc về những kẻ lầm lì kia, vậy thì nó đến đây để làm gì nhỉ…, thằng Xuyên đang ba hoa.
-Mày biết không, Kiều mai thả cá ngoài đồng, mưa to ngập bờ, cá chép ngược lên đây, cho nên bọn này mới…
Đang hăng hái thể hiện cái kiến thức “Chăn trâu chăn bò”, nó vỗ vai làm thằng bạn giật mình, thằng Cường đang nhìn xa xăm vào dòng nước, những con nhện nước cuống quýt đùa giỡn, chúng trôi theo dòng nước chảy xiết rồi lại cuống cuồng chạy ngược lên..., bất giác thằng Cường thấy nó rồi cũng như những con nhện kia, sẽ chỉ luẩn quẩn vật lộn với đồng ruộng..., vừa sáng nay nó còn hớn hở trước lời phán của anh nó, thế mà bây giờ, khi sắp phải đối mặt với kết quả thi trượt nó không thấy phấn trấn nữa.
-Sao mày buồn thế...!
-Tao trượt rồi...! Anh tao bảo thế...!
Hai thằng lặng yên nhìn xuống mương, nước đục ngầu chảy xiết qua miệng cống.
-Thu...!
Tiếng thằng Xuyên làm thằng Cường giật mình qua cơn mộng mị. Thằng Thu Luyến tươi cười hớn hở giữa một đám lạ hoắc từ phía trường đi ra.
-Chúng mày về đi...! Thằng Xuyên đỗ...! Thằng Cường … trượt!
Sự thật đến sớm hơn dự kiến, bỗng chốc hai thằng tách về hai thái cực, thằng Cường cười gượng gạo, vừa ngồi xuống thành cống vừa bảo thằng Xuyên.
-Mày có vào nữa không...? Đỗ thì vào mà xem đi...! Tao ngồi đây chờ…!
Thằng kia phấn chấn hẳn lên, nó vui là phải, niềm vui vì đỗ như được pha thêm chút tự hào vì thằng bạn đi cùng nó, vốn vẫn học giỏi hơn nó lại..., trượt, phen này thì đổi ngôi nhé, chẳng phải nó thích thế, tự nhiên thôi, thằng Xuyên kéo tay động viên bạn.
-Thôi mày đừng buồn...! Ngồi đây làm gì…, vào chia vui với tao.
Thằng Cường miễn cưỡng đi theo, những cảm giác lẫn lộn trong nó..., buồn..., ngượng..., thợ mộc..., giúp mẹ...
Trường cấp ba Trần Phú nằm ở rìa làng Đức Diễn, những lán học bằng tre nứa nằm ngay sau lũy tre làng đang bị phá ngổn ngang. Tuyển sinh là công việc cuối cùng, sang năm người ta sẽ chuyển ra trường mới ngoài ấp Ba Trứ. Một cái bảng to trưng ngay cửa ban giám hiệu, trên đấy người ta dán những tờ giấy khổ A4 đánh máy tên họ những người trúng tuyển theo vần A, B, C...
 Hai thằng bấm chân vượt qua khoảng sân lồi lõm trơn tuột. Muộn, đa số sỹ tử đã ra về hay còn rải rác quanh những bụi tre bàn tán chia sẻ. Vùng đất trước cái bảng nhầy nhụa sau khi chịu hàng nghìn bàn chân dẫm đạp từ sáng đến giờ. Chỉ còn chưa đến chục cái mông chen chúc, nói thế vì chẳng thấy cái mặt nào, chúng đã bị hút dán vào cái bảng kia rồi, thằng Cường hất tay bảo thằng Xuyên.
-Vào...! Xem đi...!
Đoạn nó bất giác nhìn lên góc trên bên trái cái bảng, nơi không bị những cái đầu che khuất, nơi nếu không bị trượt thì tên nó sẽ ở đấy, chỗ vần C nơi đang lộ ra những dòng chữ xanh mờ... Ơ...! Cái gì kia…! Nguyễn Vinh Cường! Ơ…! Thế là thế nào nhỉ…? Nó đỗ à...!
-Thấy chưa Xuyên...?
-Chưa…! Đang tìm…!
Thằng kia hết chen lấn những đứa khác lại bị những đứa khác chen lấn, nó hết bị bật sang trái lại tòi sang phải. Sau đêm mưa trời oi quá, lưng nó, mặt nó ướt đẫm mồ hôi, bất lực nó quay ra cầu cứu thằng bạn.
-Mày vào tìm hộ tao với.
-Mày vần Ích xì phải tìm góc dưới kia kìa.
Thằng Xuyên lại chổng mông chen chúc một hồi, quay ra, mặt nó tái nhợt.
-Tao tìm hết rồi...! Đéo thấy mày ạ...! Sao thế nhỉ…!
Rồi như chợt nhận ra điều gì, nó buông một câu chửi.
- Địt mẹ thằng Thu luyến...!
Không muốn bạn buồn hơn, thằng Cường kéo tay nó.

-Thôi! Đi về…! Tao với mày cùng trượt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét