Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Bàn về TÍCH và TRUYỀN THUYẾT....!

BÀN về Tích và Truyền thuyết...!
Sáng nay rỗi rãi, thấy TV đang nói về đến thờ Bà Từ Nhan và truyền thuyết năm anh em họ Trương (con bà). Những ý khác, không dám bàn, ai muốn tìm hiểu thì vào Gu Gờ mà tra, tôi chỉ quan tâm đến cái tích: Bà Từ Nhan được rắn thần phủ mà sinh ra năm người con văn võ song toàn.
Có thể nói, trên khắp thế giới ở đâu cũng có người tin vào những chuyện thần bí, và cũng có thể nói người Á Đông, trong đó có Việt Nam, vô địch về khoản này.
Những nhận định dưới đây hoàn toàn mang tính cá nhân, người viết không có ý áp đặt đúng-sai.
Khi khoa học cơ bản chưa phát triển, người ta thường nghĩ đến, và giải thích các hiện tượng bất thường, phi thường, bằng thần thánh, ví như; Bão, sấm chớp, lũ lụt, nắng hạn là sự nổi giận của trời với những hành động không phải, không đúng của con người...
Dường như chúng ta mới chỉ quan tâm đến cách giải thích của người xưa về những hiện tượng thiên nhiên chứ ít phân tích cách giải thích các hiện tượng xã hội...
Tôi muốn bắt đầu giải thích các Tích, Truyền thuyết bằng một câu chuyện của chính mình.
Cuối những năm 90, tôi theo bạn bè đến thăm nhà cụ Tòng Sương ở Sơn La. Cụ Tòng Sương có người con gái, Tòng Phóng, khi ấy là Bí thư tỉnh ủy Sơn La, mấy người con, dâu, rể nữa... đều giữ chức vụ lớn trong tỉnh, người con út Tòng Bình khi ấy là chánh án tòa Sơn La.
Ông cụ Tòng Sương, Tòng Phóng và các con tiếp chúng tôi rất thân mật, dân dã chứ không theo kiểu vua quan, kéo vó ao nhà lấy cá chép, làm gỏi với hoa chuối cũng hái ở vườn nhà, rau sam vớt ngoài suối, măng lay chấm với thứ mắm mà Tòng Phóng bảo
-Các anh cứ ăn đi, nói mắm này làm bằng gì, bắt ở đâu là hết ăn đấy...!
Trong bữa, Tòng Phóng vừa đổ nước từ cái sừng trâu vào vò rượu cần vừa hát bài Ing lả ơi, cho cụ Tòng Sương, tôi và anh bạn nữa uống (Hút), nếu hết bài hát mà chưa hết cái sừng nước thì bị phạt... khoảng cách Cha-con, chủ-khách không còn.
Tất nhiên, sự nhiệt tình, thân mật của khách cũng... “Hơn bình thường một tý”,
Tôi là một thằng xấu thói và tôi nghĩ ngay rằng: Chắc cô Phóng làm lớn rồi “Bố trí” cho gia đình mỗi người một ghế chứ làm gì mà một nhà lắm quan to thế ..., bọn khách kia sao nhìn mặt đứa nào cũng thấy toàn vẻ xu nịnh thế...!
Nghĩ vậy nên cơm nước xong, tôi vờ xách cái máy ảnh ra ngõ..., đang loay hoay với khóm cứt lợn bên bờ suối bỗng giật mình vì câu hỏi.
-Mày là nhà báo à?
Một ông dân tộc “Xịn” đứng ngay đằng sau từ bao giờ mà không biết, nói xịn là vì ông này chừng ngót 60, chân tay đen đúa và hình như cáu bẩn, cái áo nâu cũng tả tơi và cáu bẩn, không phải khoác mà vắt vào hai vai vậy, ông ta vác cái cuốc treo tòng teng chừng 4-5 củ măng, chân đi đất, những cái ngón xòe ra như bàn tay...
-Vâng ...! Bác đi đâu về đấy...!
-Mày ở báo nào?
-Dạ, báo ... Công nghiệp!
Tôi trả lời phứa, chả biết có cái tên báo như vậy không, cũng phô rằng, đi đâu tôi cũng khoái nói chuyện với thường dân ở đó, những hoàn cảnh cụ thể, cách làm ăn, những quan hệ, phong tục..., lẽ ra chuyện chỉ thế thôi nếu ông ta không hỏi.
-Mày nghỉ ở nhà ai?
-Nhà Tòng Sương...!
-Tòng Sương à...! Tốt đấy...!
Cái câu “Tốt đấy” của ông ta gợi mở cho tôi một ý thăm dò.
-Này! Tôi hỏi thật anh nhé! Sao nhà này nhiều người làm quan thế? Chắc một người làm to rồi kéo nhau vào chứ gì...! Anh có nghe điều tiếng gì không? Có ai oán hận gì không?
Câu trả lời của một lão nông dân tộc mới là điều tôi muốn nhấn mạnh với các bạn.
-Không...! Tốt lắm...! Nhà nó được mả đấy...!
Ông ta kể cho tôi nghe những gì đó về mồ mả bên nhà cụ Tòng Sương, ly kỳ lắm nhưng tôi không thể nhớ được...
Cái chính là: Hiện tượng xã hội, một gia đình có nhiều người làm quan là khác thường và đã được dân chúng giải thích bằng ... “Được mả”.
Việc tu bổ mồ mả, trong và ngoài ý muốn là thường tình của mọi gia đình nhưng nếu một nhà làm ăn gặp gỡ, hay nhiều cháu đỗ đại học, hay nhiều người làm quan.... người ta sẽ nghĩ... đấy là do Mả phát. Ngược lại, nhiều người bệnh tật, tai nạn, thất bát... cũng tại ... Động mả.
Truyền thuyết về Bà Từ Nhan và năm người con tài giỏi kia cũng có gì khác? Một hiện tượng bất thường trong xã hội đã được giải thích bằng ... rắn thần phủ.
Thông thường thì những người cùng cha cùng mẹ sẽ giống nhau về thể chất lẫn trí tuệ, họ được giáo dục trong cùng một môi trường và khi một người được trọng dụng thì khả năng của những thành viên khác cũng dễ dàng được phát huy ..., chuyện năm anh em Trương Hống, Trương Hát khi xưa và Tòng Phóng, Tòng Bình ngày nay là như vậy.
Người viết tôn trọng nhưng quyết không tin chuyện “Rắn phủ” hay “Được mả”.
(Còn tiếp)
Tôi định sau câu chuyện khởi đầu sẽ theo dòng lịch sử như truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh, Thánh Gióng, Lạc Long Quân và Âu Cơ... nhưng anh bạn trẻ Đoàn Bách gợi ý nên lại khởi đầu bằng truyền thuyết Tả Ao.
Ngay từ khi mới lớn tôi đã được nghe những chuyện lâm ly đầy bí ẩn về Tả Ao, quê ông ở đâu, ngày đó không ai biết nhưng người ta kể rằng ông mồ côi cha mẹ từ bé, một người Tàu bán thuốc dạo thấy đứa bé thông minh nhanh nhẹn nên đã đón sang Trung Quốc, rồi được một thầy địa lý nổi tiếng truyền dạy. Tả Ao thông minh, học một biết mười, nhà thầy có căn buồng không ai được vào, mỗi lần phải tìm thứ gì dưới lòng đất, Tả Ao đều thấy thầy vào buồng một lát rồi ra tìm được ngay... Một hôm, nhân thầy đi vắng Tả Ao tò mò trèo tường, dỡ mái nhòm vào thì thấy một con rồng đất nổi lên ở góc, đến đứng trước mặt thì từ hai mắt con rồng chảy ra hai dòng nước trong vắt, biết là nước quý, Tả Ao hứng và bôi lên mắt.
Thầy về, sinh nghi mới lấy đất hòa vào chậu nước rồi vờ vô tình đánh rơi cái kim, thấy thầy loay hoay, Tả Ao thò tay lấy trúng cái kim khỏi chậu, thầy biết trò đã lấy trộm nước thần bèn đuổi về nước, nhưng hình như trò cũng đã kịp học hết các bài của thầy.
Về Việt Nam, ông đi khắp chợ cùng quê giúp người, khắp nước đâu đâu cũng có dấu ấn của ông, khi còn nhỏ nghe chuyện, tôi cứ tưởng ông là người trong Phủ trong Tỉnh vậy.
Làng tôi có hai cái bãi, một cái gọi là Bãi Xi, tương truyền khi làng đắp cái nền ấy để làm Đình, được mời đến, Tả Ao không đồng ý mới chuyển ra chỗ bây giờ, cái nền cũ thành Bãi Xi, thủa nhỏ chúng tôi vẫn đá bóng, ai cần đóng cối lại ra lấy vài gánh về (Vì đất ở đây tơi, đỏ).
Thứ hai là bãi Chùa Tư, hay còn gọi là Gò Con Nhện, gọi vậy là vì cái gò có rất nhiều bờ ruộng bám vào xung quanh, nhìn từ trên cao như con nhện vậy, còn tên gọi Chùa Tư là do trước làng định xây chùa ở đó, cũng do Tả Ao mà chùa chuyển ra tận bờ sông Nhuệ như bây giờ.
Những truyền thuyết về ông như:
-Dân CN xin ông đặt hướng đình sao cho người làng ra thiên hạ “Kẻ khác phải nhường đường”, đình làm xong, cả làng làm nghề hót phân, người ta thắc mắc ông mới giải thích: “Các cụ thấy không! Người làng mình gánh phân, ai cũng phải nhường đường đấy chứ...!”
-Làng khác lại thích “Đè đầu cưỡi cổ thiên hạ”, thế là sau khi đặt lại hướng đình, cả làng đi cắt tóc, người ta thắc mắc, ông lại hỏi: “Có phải người làng mình đang đè đầu cưỡi cổ thiên hạ không...?
Đại khái nhiều chuyện như thế.
Tả Ao là nhân vật thật, tài giỏi thật, nổi tiếng khắp Miền Bắc thật nhưng câu chuyện nước mắt rồng đất, chuyện nhặt cây kim trong chậu là do người ta nghĩ ra để thần thánh hóa nhân vật mà thôi.
Đất CN có đồng bãi màu mỡ, trồng hoa màu rất tốt, trồng hoa màu thì phải đi nhặt phân về mà bón, lâu ngày thành nghề truyền thống chứ đâu phải tại “Hướng đình”. Một người cắt tóc, truyền nghề cho con cháu, người nọ truyền người kia mà thành “làng nghề” chứ cũng đâu phải tại hướng đình... Đấy là do người ta ghép những hiện tượng đã có với nhân vật để thành chuyện vui vậy thôi.
Khi giặc Ân sang cướp nước ta, hẳn là có một nhân vật sức vóc, trí tuệ hơn người, lập chiến công lớn, góp phần quan trọng dẹp tan ngoại xâm, nhân vật ấy có thể tử trận vào những phút cuối hay vì lý do khác mà mất sớm, biết ơn và thương sót người dân mới cho rằng: Người này là Thánh từ trên trời xuống giúp dân diệt giặc, xong việc lại về trời... Những chi tiết khác như người mẹ ướm chân ngoài đồng, cậu bé yếu đuối vươn mình thành tráng sỹ..., ngựa sắt phun lửa..., những dấu chân ngựa thành ao, hồ... đều không thể có thật, dân ta đã “Thần thánh hóa” nhân vật và cũng là thể hiện ý trí và nguyện vọng của mình mà thôi.
Khi đồng bằng Bắc bộ còn hoang vu, các dân tộc (Thiểu số bây giờ) sống ở những vùng núi cao (Chắc cũng như bây giờ). Người Việt (Giống như người phía Nam Trung Quốc) có lẽ sống ở những vùng trung du. Hẳn có một người (Có thể từ Bắc Việt lúc đó xuống) có công dựng bờ cõi, tổ chức dân chúng khai khẩn làm ăn, khắc chế thiên nhiên, chống giặc phương Bắc ... Người đời sau nhớ ơn mà tôn là cha mẹ dân tộc... có lẽ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ có thế.
Tích đẻ trăm trứng, nửa lên rừng, nửa xuống biển là người ta nghĩ ra để giải thích hiện tượng những người sống ở những vùng địa lý khác nhau trong cùng một đất nước, qua đó giáo dục người dân biết thương yêu đoàn kết lẫn nhau giữa các bộ tộc, cũng là ý tốt thường tình.
Lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước, từ buổi sơ khai đến hôm nay chưa bao giờ người phương Bắc để cho người Nam được yên, thế nên từ các Tù trưởng, các vị Vua đầu tiên đã biết kêu gọi tinh thần thương yêu nhau, đoàn kết chống ngoại xâm ..., tích “Đồng bào” chắc cũng nhằm mục đích ấy.
Các truyền thuyết khác, về các nhân vật lịch sử khác cũng như vậy mà suy.
Càng gần đây thì sự huyền bí càng bớt đi, toàn dân tôn thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) ..., trong tâm những “Trí thức Việt” chân chính, hẳn nhiều người tôn thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du ... nhưng trong dân gian không thấy những truyền thuyết hoang đường về những nhân vật này nữa.
Cần phải nhắc lại rằng: Trên đây là những nhận định rất chủ quan của cá nhân người viết, hoàn toàn không có ý khẳng định đúng-sai!
Cũng nhận định chủ quan rằng: Từ xưa đến nay, chưa bao giờ nạn mê tin dị đoan lại ghê gớm, lại hoành hành đời sống xã hội như bây giờ!
Suy tôn, thờ cúng người có công dựng nước và giữ nước là truyền thống tốt đẹp nhưng người viết chỉ hy vọng cùng nhìn những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử đúng mức, khoa học để thấy rằng: Các tiền nhân, những người đã hết lòng hết sức vì quốc gia dân tộc không bao giờ có thể hài lòng nhận lễ của Quan than, Dân gian, kẻ lười...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét