Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

BÀN VỀ Y ĐỨC (Bài viết cũ)




Hôm qua nghe cô Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn … thật lòng, tôi thấy, nó … cứ thế nào ấy! Nghĩ thế nhưng chẳng nói với ai.
Sáng nay, (sau giao ban khoa, thường có vài phút “Thời sự” trước khi giao ban viện), một cậu y tá nói.
-Nghe bộ trưởng trả lời nó cứ… thế nào ấy!
Quái …! Sao nó có ý nghĩ giống mình đến thế nhỉ …!
Thôi.., vặn nó: Thế nào là thế nào? Thì biết … thế nào …!
Trước khi bàn về Y đức, xin kể một chuyện.
Bệnh viện E Hà Nội có một cái ao to lắm, đẹp lắm, nghe đâu người Tàu thiết kế và xây từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Bởi vì thời gian đã qua lâu, bởi vì vữa ngày ấy không tốt nhưng gạch thì già lắm nên vữa mục hết mà gạch còn nguyên. Cái ao còn có thể gọi là cái bể cảnh, xưa từng có nhiều người bơi và cũng từng có người chết đuối ở đây.
Đã gọi là ao cảnh thì cũng như cái bể tức là phải đổ nước vào và múc nước ra.
Lịch sử thay đổi, thiết kế cho Trường tài chính lại biến thành Bệnh viện và hai dãy nhà 4 tầng ngoài cùng biến thành khu tập thể, tập thể của viện thì chất thải cũng phải đổ vào viện, thế là người ta đục hai góc bể để nước thải của hai khu tập thể đổ vào đấy.
Năm 2007, khi tôi về làm việc, nước bể đã bẩn lắm nhưng còn ối cá rô phi, những hôm “Trở trời” chúng nhao lên mặt nước từng đám.
Hai năm sau, khi mà nước cống cứ đổ vào rồi thấm qua các mạch vữa mục xuống lòng đất, cái bể ô nhiễm ngày càng nặng, cá chết hết. Cá chết thì giun phát triển, những sáng mùa hè, thay vì cá đớp đen mặt hồ là những mảng giun đỏ mặt nước, cánh nuôi cá cảnh tha hồ vào vớt..., thế rồi giun cũng không sống được nữa, hai năm nay thì ngày đêm cái hồ bốc mùi kinh khủng gây bức xúc cho nhân viên và người bệnh.
Vài lần, tôi nói cạnh nói khóe, kích động bọn lãnh đạo…, thế rồi trước tết vừa rồi, người ta mới cho xây cống, không đổ nước thải vào cái bể ấy nữa…, tát cạn đi…, vét bớt bùn… Thế rồi tôi thấy người ta bơm nước vào và tôi cũng thấy nước cống… rỉ vào. Họ mang hoa súng về trồng, mang cá về thả…, Mới hai tháng mà cá chết rồi…, hoa súng chết cũng gần hết rồi.
(Bài này viết ngay sau tết, bây giờ hoa nở nhiều lắm, cá vẫn sống, cái ao đồng thời là cái rốn nước chống lụt)
Dọn rồi! không cho cống đổ vào nữa rồi (Chỉ thấm thôi) mà đến cá rô phi, đến hoa súng còn chết.
Vậy thì ai dám ném một củ sen xuống rồi bắt nó phải nở những bông hoa “Không tanh mùi bùn”…?
Đó là cái lý khiến khi nghe bộ trưởng Kim Tiến trả lời về Y đức người ta cứ thấy … nó ... thế nào ấy!
Vậy, khi nói về đạo đức ngành y (Tôi không muốn dùng từ “y đức” nữa, nghe chán lắm rồi) ta cần xét các Thầy thuốc trong bối cảnh xã hội, họ từ đâu ra? Họ được đào tạo như thế nào? Họ đã và đang được sử dụng như thế nào? Họ muốn những gì?
Tôi không muốn bàn sâu về vấn đề này, chỉ khẳng định rằng: Chỉ khi nào ta có đạo đức xã hội tốt mới hy vọng có đạo đức nghề y tốt!
Vậy thì ai có thể thay đổi được đạo đức ngành y đây?
Đa số các thầy thuốc đều muốn làm người tốt nhưng:
Khi ra trường, họ có phải mất tiền xin việc...? Cái giá để được làm việc ở những Bệnh viện “Không ra hồn Bệnh viện” là bao nhiêu? Cái giá để được làm việc Tại Bệnh viện “Ra hồn bệnh viện” là bao nhiêu...?
Thì cứ suy từ các ngành khác mà ra thôi!
Họ có được thả sức khám, chữa bệnh, nghiên cứu theo đúng luật pháp nhà nước, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp...? Hay phải làm theo, làm thuê cho những ông/bà trưởng khoa, giám đốc mà từ lâu, chả khác gì những ông chủ tịch huyện chủ tịch phường, đã trở thành những ông Vua, bà chúa...?
Có ai tin rằng, B bệnh viện tuyến dười (Huyện, tỉnh) có bệnh nhân nặng, chuyển lên tuyến trên rất nguy hiểm, trong khi ở đó có bác sỹ, có thể giải quyết được nhưng không được và không nên giải quyết... ?
Không được là vì lệnh của lãnh đạo, Lãnh đạo không muốn rắc rối, không muốn tỷ lệ tử vong làm mất danh hiệu này nọ, không muốn những tay bác sỹ kia “Chơi trội”…
Không nên là vì, nếu cứ cố làm đúng chức năng, cố giúp người bệnh, nếu không may gặp rủi ro thì khi lãnh đạo xử thì ai giúp mình…?
Có ai tin rằng phạm vi hoạt động chuyên môn của một Bệnh viện huyện, tỉnh lại bị một ông bí thư hay chủ tịch ở đó quyết định không …?
Có ai tin rằng, việc nhận nhân viên, đấu thầu máy móc, thuốc men, việc triển khai một kỹ thuật mới ở một Bệnh viện nào đó lại không vì mục đích khám chữa bệnh và phát triển Bệnh viện không...?
Ngược lại, có ai tin rằng việc bệnh viện X triển khai một ca ghép tạng, thêm khoa này khoa khác… chỉ nhằm mục đích để lấy “Thành tích”, chỉ để lấy kinh phí (Thêm chỉ tiêu) …?
Còn rất rất nhiều nguyên nhân nữa, trong đó có đòi hỏi của đời sống, người thầy thuốc cũng có mẹ già, con nhỏ...
Người thầy thuốc ra đường có bị CSGT bắt nạt không...?
Khi làm các thủ tục hành chính có mất tiền lót tay không...?
Muốn con cái được học hành “Tử tế” có mất tiền không …?
Vân vân và vân vân…, cũng giống như những người dân khác.
Đạo đức xã hội xuống cấp, có tình trạng “Ăn vạ” bệnh viện không? Người viết từng trực tiếp nghe được câu này
-Địt mẹ nó …! Sắp chết, mang vào Bệnh viện là …”Có tiền”!
Có ai tin không…??? Và vô phúc cho Bác sỹ nào tiếp nhận ca đó...!!!
Ngày mới ra trường, ông Bí thư đảng ủy bắt tôi phải viết cái khẩu hiệu “THẦY THUỐC PHẢI NHƯ MẸ HIỀN” rồi treo ở phòng khám Bệnh viện X, tôi đề nghị.
-Cháu sẽ làm nếu chú đồng ý cho cháu viết theo kiểu… “Câu đối”.!
-Tức là thế nào?
-Nếu đã có “THẦY THUỐC PHẢI NHƯ MẸ HIỀN” thì phải có “NGƯỜI BỆNH PHẢI NHƯ CON NGOAN”.
Đương nhiên là ông ta không đồng ý và cũng đương nhiên là tôi không làm, thà để ông ta ghét còn hơn để người ta lăng nhục mình và đồng nghiệp.
Không ít trường hợp để đối phó với người “Ăn vạ”, lãnh đạo đem nhân viên ra “Trảm” để “xoa”… Điều đó có, hay không...???
Phải…! Khi cái tốt không còn đất sống thì nghề Y khó mà làm ngoại lệ....!
Ai đó sẽ bảo “Nói thế thì hòa cả làng à” nhưng đấy có phải là thực tế không?
Vì vậy, đừng đòi hỏi cô Kim Tiến phải có “Biện pháp ngay lập tức” nâng cao đạo đức nghề Y, bởi ra công văn, chỉ thị là “Nghề” của lãnh đạo …, đừng có “Thách nhà giàu húp tương!”
Vấn đề là giá trị thực tế của những công văn chỉ thị ấy …, đừng bắt người ta phải làm những việc vô ích bởi như thế, không khéo ta lại làm hư nốt cả lãnh đạo...!
Tôi nghe cái lệnh ở đâu đó: “Hễ có khiếu kiện là kỷ luật” mà … rùng mình, dân sẽ nhao đến viện để kiện, Bác sỹ muốn tiếp tục hành nghề thì bỏ tiền ra mà … Chạy…, thật là “Bỏ thêm dầu vào lửa...!”.
Chả nhẽ bó tay…? Xin thưa rằng… không!
Tất cả những gì có thể làm được lúc này (Hy vọng ít nhiều có hiệu quả) là:
1-Tổ chức hướng nghiệp trước mùa tuyển sinh, hướng những người có tư chất không phù hợp sang ngành nghề khác.
2-Nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao thời lượng, hình thức giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong các trường Y, lấy 10 lời thề của Hypocrat, của Hải Thượng Lãn ông làm cơ sở, tránh những giáo điều, khẩu hiệu (Kiểu như “Những điều quy định về Y đức”), tổ chức cho sinh viên y hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện để họ sớm thật sự hiểu hoàn cảnh, tâm lý, tâm tư người bệnh.
3-Tổ chức những hội thảo đánh giá thực trạng mọi khía cạnh tâm lý xã hội và tâm lý Bệnh viện (Thầy thuốc, người bệnh, người nhà). Tìm ra những người thật sự có nhiều kinh nghiệm, thật sự tâm huyết, có khả năng để giảng dạy nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm thầy thuốc cho nhân viên Y tế. Bỏ ngay những giáo điều như “Phải thương yêu người bệnh …, phải tận tình …, phải chu đáo…” mà đi vào cụ thể, bám theo câu hỏi: Tại sao phải…? Phải như thế nào …?
4-Kiến nghị hành pháp xử lý nghiêm minh những sai phạm cả phía thầy thuốc và đặc biệt phía người bệnh bởi một xã hội mà Trò ngược đãi Thầy, Người bệnh ngược đãi Bác sỹ là một xã hội đã đến bờ diệt vong.
5-Phối hợp với các tôn giáo (Nhà chùa, nhà thờ) tổ chức giảng đạo lý cho các tín đồ , cho cho nhân viên Y tế và cho dân chúng (Về quan hệ Thầy thuốc-Người bệnh).
6-Ra những quy định cụ thể thay cho những khẩu hiệu chung chung tại các cơ sở khám chữa bệnh (Đơn giản từ cách sưng hô Nhân viên-Người bệnh-Người nhà, Bác sỹ-Y tá-Hộ lý)
7-Nếu muốn ngành Y là “Đầu tàu gương mẫu” thì Vụ thi đua khen thưởng hãy làm đúng chức năng của mình để khen ra khen, thưởng ra thưởng, kỷ luật ra kỷ luật, đúng người, đúng công, đúng tội… Để kịp thời biểu dương cái tốt, ngăn chăn cái xấu, cương quyết không làm hình thức, bởi khi xấu tốt lẫn lộn khiến nản lòng nhân tố tích cực và là mảnh đất tốt cho tiêu cực
Làm được như thế là ngành Y mới có thể góp một bàn tay rửa bộ mặt xã hội!
Làm được như thế mới hy vọng có môi trường Y tế tốt hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét